“Muốn chữa một tình trạng bất công thì phải vượt qua giới hạn của công bằng.”
Mao Trạch Đông (“Báo cáo về vụ nông dân bạo động tại Hồ Nam”)
Chương trình Cải cách ruộng đất vừa thực hiện (năm 1956) và ngay sau khi thiết lập chế độ vô sản chuyên chính ở nông thôn thì đột nhiên Đảng Lao động tuyên bố là đã phạm nhiều sai lầm mà, theo lời Đảng đã làm cho “uy tín của Đảng và đời sống của nhân dân bị tổn thương rất nặng nề”. Vì vậy nên Đảng phát động ngay một chiến dịch “Sửa sai” bắt đầu bằng việc “tự rút lui” của ông Trường Chinh, tổng bí thư Đảng và ông Hồ Viết Thắng, thứ trưởng phụ trách Cải cách ruộng đất.
Tạm thời làm phát ngôn viên cho Đảng, ông Võ Nguyên Giáp đọc trước Hội nghị thứ 10 của TW Đảng một bản kê khai những “sai lầm”, ông Võ Nguyên Giáp thú nhận 7 sai lầm chính sau (nguyên văn):
- Coi nhẹ yêu cầu toàn diện của nhiệm vụ cách mạng, coi nhẹ yêu cầu mở rộng mặt trận chống phong kiến và mặt trận dân tộc thống nhất. Vì vậy mà trong khi thực hiện nhiệm vụ phản phong đã coi nhẹ, thậm chí có nơi cán bộ đã phủ nhận những thành tích của cuộc đấu tranh phản đế tách rời cải cách ruộng đất với kháng chiến và cách mạng, thậm chí có nơi làm cho đối lập nhau1.
- Coi nhẹ đoàn kết với trung nông, không thực hiện chính sách liên hiệp phú nông, thậm chí đả kích phú nông, coi phú nông như địa chủ.
- Đả kích tràn lan, không thi hành sách lược phân hoá, không chiếu cố gia đình địa chủ có công với cách mạng, gia đình địa chủ có con em đi bộ đội hoặc làm cán bộ, không chiếu cố địa chủ kháng chiến và phân biệt đối đãi con cái địa chủ.
- Không chú trọng đề phòng lệch lạc, không nhấn mạnh phải thận trọng tránh xử trí oan những người ngay, do đó mà đi đến mở rộng diện đả kích, đánh địch tràn lan, dùng những biện pháp trấn áp một cách phổ biến.
- Trong khi thực hiện cải cách ruộng đất ở nơi có nhiều đồng bào tôn giáo thì làm sai chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do tín thờ cúng của nhân dân.
- Trong khi thực hiện chính sách cải cách ruộng đất ở vùng thiểu số thì đả kích quá rộng vào từng lớp trên: không coi trọng, thậm chí xâm phạm đến phong tục tập quán của địa phương.
- Trong công tác chỉnh đốn tổ chức (Đảng) thì không nắm vững tiêu chuẩn chính trị, mà lại phạm vào chủ nghĩa thành phần. Không chú trọng phương châm lấy giáo dục làm chính mà đơn thuần dùng biện pháp tổ chức: kỷ luật, xử trí, giải tán các tổ chức, thậm chí dùng phương pháp truy bức (tra tấn) để làm công tác chỉnh đốn…
(Nhân dân số 970, xuất bản ở Hà Nội ngày 31/10/1956)
Khi thấy bản thú nhận sai lầm kể trên và được tin Trường Chinh và Hồ Viết Thắng bị “hạ bệ”, nhiều quan sát viên ngoại quốc tin rằng quả có “sai lầm” và thế tất chính quyền Hà Nội sẽ thực tình sửa chữa. Có người quan niệm phong trào Cải cách ruộng đất của cộng sản đã hoàn toàn thất bại. Sự thực thì khác hẳn vì chiến dịch Sửa sai chỉ là một tấn tuồng diễn tiếp sau những tấn tuồng khác.
Sửa sai là một chiến dịch, một bộ phận của chương trình Cải cách ruộng đất. Như vậy có nghĩa là định tâm sửa sai đã có từ trước khi phát động phong trào Cải cách ruộng đất. Các độc giả chắc còn nhớ, ngay từ đầu, năm 1953, cộng sản đã phát động một chiến dịch gọi là: “Đấu tranh chính trị” (đã trình bày ở Chương 7) để dọn đường cho chiến dịch Cải cách ruộng đất, nghĩa là chuyển dần dần từ một trạng thái bình thường đến một trạng thái khủng bố. Bây giờ là lúc cộng sản làm ngược lại. Sau ba năm khủng khiếp, cộng sản muốn bình thường hóa tình hình trở lại. Vì vậy nên mới có chiến dịch Sửa sai. Tất nhiên là Đảng sẽ mất ít nhiều uy tín, nhưng Đảng cho rằng đấy là một việc không thể tránh được.
Hồi ông Mao và các lý thuyết gia Trung cộng vạch ra chiến thuật Cải cách ruộng đất họ đã cố tình khủng bố quá mức do cho rằng có khủng bố quá mức mới chắc chắn thành công. Họ dự tính sẽ làm cho quần chúng quên sự quá mức đó bằng một phong trào Sửa sai, bằng cớ là ngay từ năm 1926 Mao Trạch Đông đã viết: “Muốn chữa một tình trạng bất công thì phải vượt quá mức của sự công bằng”2. Chấp nhận ý kiến của ông Mao, ông Hồ giải thích về chính sách căn bản của Cải cách ruộng đất trong một khoá chỉnh huấn, như sau: “Nếu muốn uốn thẳng một cái que cong thì phải bẻ nó quá về phía bên kia và giữ như vậy một lúc lâu. Khi buông tay cái que sẽ từ từ thẳng trở lại”.
Cả ông Hồ lẫn ông Mao đều đoán trước thế nào dân chúng cũng phản đối Cải cách ruộng đất theo kiểu của hai ông, vì muốn đề phòng mọi phản ứng chống đối nên hai ông đã chủ trương khủng bố quá mức. Muốn hiểu tại sao hai ông lại chủ trương như vậy, chúng ta cần hiểu rõ mục đích tối hậu nhưng giấu kín của Cải cách ruộng đất.
Trước tiên, Cải cách ruộng đất không phải chỉ nhằm tịch thu ruộng đất của địa chủ để phân phát cho dân nghèo, vì nếu mục đích chỉ có vậy thì chính quyền cộng sản chỉ việc ký một sắc lệnh là xong. Trước Cải cách ruộng đất đã có rất nhiều địa chủ tình nguyện “hiến điền” nhưng chính phủ từ chối không nhận hoặc trong nhiều trường hợp đã nhận rồi lại hoàn lại, nói rằng chính phủ “không muốn một công dân nào bỗng dưng bị hao hụt lợi tức thường xuyên của mình”. Sự thực thì cộng sản muốn bắt địa chủ cứ ở thành phần địa chủ cho đến ngày “đền tội”. Cộng sản không cần và không muốn địa chủ hiến điền vì, toàn quyền trong tay, lúc nào cộng sản muốn tịch thu cũng được. Cải cách ruộng đất có những động cơ thầm kín như sau:
- Tịch thu và phân chia ruộng đất chỉ là giai đoạn chuyển tiếp, mà tập thể hóa ruộng đất mới là mục đích tối hậu. Muốn bắt buộc toàn thể nông dân phải cam chịu số phận sống dưới chế độ tập thể, các lãnh tụ cộng sản thấy cần phải tiêu diệt tận gốc “tư tưởng tư hữu tài sản từ mấy ngàn năm đã chôn sâu trong tiềm thức của mọi người dù là bần cố nông”.
Muốn đạt tới kết quả họ áp dụng câu cách ngôn “sát nhất nhân, vạn nhân cụ”. Áp dụng vào Cải cách ruộng đất, câu cách ngôn trên có thể đổi thành “Giết một số địa chủ để không còn một ai muốn sở hữu ruộng đất”.Chính vì vậy cộng sản ấn định cho mỗi xã một số tử hình nhất định, ngay cả ở những xã mà toàn thể ruộng đất là công điền. Quả nhiên mọi người mất hồn mất vía ngay tức khắc. Hồi ấy nhân dân miền Bắc đặt ngay câu phương ngôn, truyền khẩu từ người nọ sang người kia “Gạo chợ, nước sông, ốm nằm nhà thương, chết chôn nghĩa địa”. Như vậy có nghĩa là những ai khôn hồn thì từ nay tuyệt đối không nên có của tư hữu, vì có của tức là mang hoạ.
- Đảng bắt nông dân phải đấu tố và chém giết địa chủ để làm bàn tay nông dân phải dính máu. Một khi tay đẫm máu thì không thể rửa sạch và dù muốn dù không chỉ còn một cách là đi với Đảng cho đến tận cùng. Vì không thể nào liên kết với chủ cũ để chống lại chủ mới, người nông dân đành phải chấp nhận số phận nào mà Đảng đã dành cho. Sau khi tàn sát một số người lên tới 5% dân số Bắc Việt, người nông dân có cảm giác tội lỗi. Cái cảm giác ấy được cộng sản đề cao là “Tình thân của anh chị em nông dân làm chủ lấy vận mệnh của mình”.
- Về phương diện chính trị, Cải cách ruộng đất đánh dấu một bước ngoặt từ lập trường phản đế sang lập trường phản phong, hay nói một cách khác, từ kháng chiến chống thực dân Pháp sang chém giết địa chủ người Việt. Vì mục tiêu đấu tranh đột nhiên thay đổi nên Đảng thấy cần thiết phải thanh trừng tất cả các phần tử quốc gia trong hàng ngũ kháng chiến, ngay cả những đảng viên mà Đảng nghi ngờ không hoàn toàn chính thống. Đảng cho rằng một cuộc thanh trừng triệt để không thể nào thực hiện được bằng cách ủy thác cho cấp trên nhiệm vụ chọn lọc và khai trừ cấp dưới. Vì đầu óc bè phái hãy còn ăn sâu nên, nếu dùng phương pháp kể trên, sẽ có rất nhiều người lọt lưới. Theo nhận thức của Đảng thì thanh trừng phải thực hiện từ dưới lên trên, nghĩa là phải bắt đầu từ cấp xã “phóng tay”. Do bần cố nông trong xã thanh trừng “phản động”, vì chỉ có người cùng làng mới biết rõ thái độ chính trị của mỗi người trong làng, Đảng nói: “Nhân dân rất sáng suốt, và trong nhân dân, “chỉ có bần cố nông là đáng tin cậy hơn cả”. Lập luận này đưa thẳng tới chủ trương “phóng tay phát động quần chúng đấu tranh”. Đảng thừa biết rằng nếu phóng tay thì quần chúng sẽ đấu tố bừa bãi, nhưng suy đi tính lại, Đảng đã thà bừa bãi một chút mà “tiệt nọc” còn hơn thận trọng mà kết quả hời hợt. Theo luật sư Nguyễn Mạnh Tưởng thì nguyên tắc của Cải cách ruộng đất là “thà chết mười người oan còn hơn để sót một địch”.
Đảng biết trước hễ “phóng tay” thì thế tất phải có “sai lầm”. Nhưng Đảng vẫn nhắm mắt làm ngơ để mặc cho sai lầm tiếp diễn. Hàng vạn người bị giết oan, bị tù đày, hoặc bị bao vây cho đến chết đói, mà Đảng chẳng hề giơ một ngón tay nhỏ cứu vớt lấy một người. Theo luật pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì người bị kết án tử hình có quyền ký đơn xin Hồ chủ tịch ân xá, nhưng thực tế, ông Hồ không hề ân xá lấy một người gọi là, ngay cả những đảng viên trung kiên trước khi bị bắn hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm!” Tháng 3 năm 1956, ông Hồ có ra lệnh tạm đình chỉ mọi vụ hành quyết, nhưng đấy là hậu quả xa xôi của phong trào “Hạ bệ Stalin phát xuất từ Moscou, nhân kỳ Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô. Những người may mắn thoát chết – vì bản án xử tử chưa kịp thi hành – và sau này được trả tự do không hề chịu ơn ông Hồ, mà một cách gián tiếp, họ đã chịu ơn Khrushchev.
Muốn thấy rõ cộng sản đã chủ tâm “đả kích tràn lan” chúng ta còn một cách là mang bản thú nhận sai lầm của Võ Nguyên Giáp đối chiếu với bản Báo cáo của Trường Chinh đã nói tới trong Chương 12 của cuốn sách này. Một điểm nổi bật là những điều mà Giáp gọi là “sai lầm” đều là những điểm then chốt Trường Chinh đã nêu lên và hứa sẽ tôn trọng trong khi thực hiện Cải cách ruộng đất. Sự thực thì Đảng đã hứa hẹn, nhưng Đảng “quên” không giữ lời hứa, cho đến khi “sai lầm” đã xảy ra rồi, Đảng mới nhận là “sơ suất”. Theo tỉ dụ các que của ông Hồ thì Trường Chinh chính cái tay uốn ngược que, và Giáp là cái tay buông cái que cho nó thẳng trở lại. Sửa sai tức là bình thường hóa lại đời sống, không khác buông tay để cho que đứng thẳng trở lại.
Biện pháp đầu tiên của Sửa sai là tha hết địa chủ và đảng viên ra khỏi nhà tù hoặc trại giam. Tổng số những người được tha chưa hề tiết lộ, nhưng theo lời ông Võ Nguyên Giáp, trong số người được tha có 12 đảng viên. Tất nhiên trong khi bị giam, đảng viên cộng sản là những người đau khổ nhất. Ông Ngô Đức Mậu (cháu nhà cách mệnh Ngô Đức Kế), một đảng viên cộng sản kỳ cựu đã từng sống nhiều năm trong ngục Lao Bảo hồi Pháp thuộc, đã tả nỗi đau khổ trong ngục thất cộng sản như sau:
“… Những lúc bị giam giữ trong buồng riêng cô quạnh, rét mướt, đau khổ, những anh em thường an ủi nhau: củng cố lòng tin để chịu đựng ngược đãi, củng cố lòng tin để sống… vì ở tù đế quốc và ở tù hiện nay (cộng sản) nó khác xa nhau. Ở tù đế quốc bị hành hạ bằng thể xác nhưng tinh thần lành mạnh được an ủi, khoan khoái… Còn ở đây (tù cộng sản) thì sao? Chúng tôi bị giày xéo cả thể chất lẫn tinh thần. Chung quanh chúng tôi, ai nấy đều cho chúng tôi là địch, là kẻ bán nước hại dân, thì bảo họ đồng tình với chúng tôi sao được…”
Cũng trong bài ấy Ngô Đức Mậu còn than vãn là bị chính các đồng chí cộng sản của ông tra tấn, không cho ông tự bào chữa:
“… Những việc mà một số anh em cán bộ ở Hà Tĩnh dựng đứng lên, hoặc lật ngược lại những thành tích đã qua của tôi (từ thời Đông Dương Cộng sản Đảng) để truy bức tôi suốt ngày đêm, để buộc tội phải nhận những việc mà tôi chưa hề làm, mà cũng chưa bao giờ nghĩ tới… Cuộc truy bức càng ngày càng nặng, nó vượt ra ngoài khuôn khổ của một cuộc đấu tranh về nguyên tắc. Tôi ỳ ra mãi cũng không được. Nhiều ý nghĩ khác (tự tử chẳng hạn) lại nảy nở ra và xoay quanh trong đầu óc tối như chong chóng”.
(Nhân dân, 30 tháng 10, 1956)
Đảng giải thích cho các tù nhân biết là chỉ vì sai lầm mà không may họ bị vào tù, và Đảng hứa không bao lâu nữa họ sẽ được trả lại tự do. Tuy nhiên trước khi được ra về, họ phải ở lại nhà tù một tháng để học lớp “sửa soạn ra về”. Dưới sự chỉ dẫn của một đại diện Đảng, họ phải học tập, nghiên cứu những vấn đề phức tạp của bản thú nhận sai lầm của ông Võ Nguyên Giáp, bài nói về thái độ tự phê bình của Đảng, chủ nghĩa Mác-xít không bao giờ sai và “thái độ đúng đắn đối với những người đã tố sai”. Đảng hứa sẽ hồi phục công quyền và hoàn lại tất cả tài sản mà Đảng đã tịch thu của họ. Đảng khuyên họ nên quên những nỗi đau khổ vừa qua, củng cố lại lòng tin nơi Đảng và tiếp tục phục vụ Đảng một cách trung thành như đã phục vụ từ trước. Điều cần nhất là tuyệt đối không được trả thù những người đã vu oan giá họa cho mình.
Các ủy ban xã được lệnh cử phái đoàn đến tận nhà tù đón rước những người bị giam và đưa họ về quê quán. Dĩ nhiên là họ vui mừng khôn xiết khi họ đặt chân tới làng cũ gặp lại vợ con. Tờ Nhân dân đã kể trường hợp của Tân, một trong số những người cùng cảnh ngộ.
“Gia đình đồng chí xưa nay là trung nông. Từ đời ông, đời cha, đến đời đồng chí (Tân) vẫn cày sâu, cuốc bẫm. Đồng chí tham gia cách mạng từ những ngày đầu khởi nghĩa. Năm 1947, xã đồng chí bị địch chiếm đóng cũng là năm đồng chí được rèn luyện, thử thách nhiều và được kết nạp vào Đảng. Làm bí thư chi bộ và chủ tịch xã, đồng chí đã lãnh đạo nhân dân anh dũng đánh giặc. Bao nhiêu lần xã bị địch càn quét đồng chí phải nằm hầm nhịn đói, có lần phải bật ra vùng du kích, nhưng rồi vẫn tìm cách trở về xây dựng lại cơ sở tiếp tục chiến đấu cho đến ngày kháng chiến thắng lợi. Sau ngày hòa bình lập lại, thi hành chỉ thị của cấp trên, đồng chí đã chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chống phong kiến (Cải cách ruộng đất). Nhưng chẳng những đồng chí không được tham gia cuộc đấu tranh ấy mà trái lại, đã bị quy là địa chủ cường hào gian ác phản động đầu sỏ và bị đánh đổ (đấu tố) một cách quyết liệt. Thật là đau xót! Mỗi lần nghĩ tới không sao nén nổi phẫn uất”.
Nhân dịp Sửa sai, Tân được tha về, và:
“Đồng chí (Tân) lẩm nhẩm tính: “Ngót tám tháng bị giam cầm, chờ duyệt án tử hình, hơn một tháng trả tự do”. Thấm thoát đã xa nhà chín tháng. Mai về gặp lại vợ con, họ hàng, làng xóm. Đồng chí hồi hộp nghĩ tới những phút sẽ được gần lại vợ, gần lại con, những hơi thở, những bàn tay ấm áp… Đồng chí chưa lên nhà ông Lễ (anh Tân) vội, lại rẽ vào gian bếp lụp xụp nơi ở của vợ con đồng chí sau ngày tất cả tài sản của gia đình đồng chí bị tịch thu. Đồng chí phải khom người mới bước được vào trong bếp. Bồ hóng chằng chịt trên nóc, trên vách. Một chõng ọp ẹp kê chật cả nửa bếp. Em gái đồng chí chạy vào, khóc lóc:
“Sung sướng chưa anh ơi! Trong khi anh đi tù, người ta bắt chị và các cháu phải sống chui sống rúc thế này!”
Đồng chí thấy đau lòng trước cảnh sống khổ cực của vợ con trong những ngày qua. Đồng chí còn trấn tĩnh, xua tay bảo em gái, mà chính mình cũng là nói với lòng mình:
“Khóc lóc, oán hận chẳng có ích gì mà chỉ gây cho mình thêm đau khổ”.
Rồi đồng chí đi ra thẳng lên nhà ông Lễ.
Nhà ông Lễ tối hôm ấy đông vui hơn cả ngày cưới anh Bái, con trai ông… Hết ấm nước này đến ấm nước khác, câu chuyện đi sâu vào tình cảm gia đình, họ mạc, xóm giềng.
Bà con nhắc lại những chuyện sai lầm trong Cải cách ruộng đất, những chuyện buộc lòng phải đấu, tố nhau, dứt tình dứt nghĩa. Lòng ai nấy xót xa. Không khí nhiều lúc trầm trầm lặng xuống”.
(Nhân dân, 14 tháng 11, 1956)
Sau khi tha địa chủ “oan” ra khỏi tù thì biện pháp thứ hai là hoàn lại những tài sản đã tịch thu của họ, nếu còn có để hoàn lại. Đồ đạc bàn ghế thì dĩ nhiên chẳng còn vì sau khi phân phát cho bần cố nông họ đã bán táng đi từ đời nào rồi. Những thức được trả lại phần nhiều chỉ là nhà cửa, vườn tược, nhưng tất cả đều điêu tàn vì những bần cố nông được thụ hưởng không đủ phương tiện chăm nom. Và như chúng tôi đã kể ở trên, rào giậu và vách gỗ đã bị rỡ làm củi đun, con trâu bò đã bị làm thịt mang ra chợ bán.
Nhưng mặc dầu của cải hoàn lại chẳng còn được là bao, những người được trả lại cũng hết sức hoan hỉ. Ý nghĩ sẽ được trở về nơi chôn rau cắt rốn và sống dưới mái nhà tổ tiên xây cất cũng đủ làm cho họ vui lòng. Chỉ có những bần cố nông được ở trong nhà của địa chủ trong mấy năm, bây giờ phải cuốn gói đi chỗ khác mới thật đau lòng.
Biện pháp thứ ba là trả lại vợ cho những người đã bị “tịch thu” mất vợ. Có trường hợp người vợ tự ý bỏ vì sợ bị “liên hệ”, hoặc vì hai bên thông gia đã “tố” nhau nên gây thù oán. Nhưng trường hợp thông thường là người vợ còn trẻ và duyên dáng, nên một đảng viên “mới” nào đó ép phải lấy hắn trong khi chồng phải đi tù. Một số đông những người phụ nữ bất hạnh này đã sống với chồng mới tới hai ba năm nên khi chồng cũ tha về thì đã có con với chồng mới, thành ra vấn đề hoàn lại cho chồng cũ là một vấn đề nan giải. Vấn đề này đã được giải quyết bằng một Thông tư của Bộ Tư pháp ban hành ngày 19 tháng 4 năm 1957. Vì bản Thông tư này quả là “vô tiền khoáng hậu” và nói lên sự nghiêm trọng của tình trạng lúc bấy giờ nên chúng tôi xin cứ nguyên văn lai cảo để cho các bạn đọc có dịp nhàn lãm.
Bộ Tư pháp
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Thông tư về việc giải quyết những vụ vợ chồng bỏ nhau trong giảm tô và cải cách ruộng đất
Gần đây trong giảm tô, cải cách ruộng đất có những việc vợ chồng bỏ nhau do những nguyên nhân chính sau đây:
Bản thân hoặc gia đình một bên lên thành phần, hoặc bị kích lên thành phần hay bị quy sai là phản động.
Có sự đấu tố giữa vợ chồng, đấu tố bà con gia đình của nhau.
Những trường hợp bỏ nhau vì liên quan, vì đấu tố v.v. xảy ra ở nhiều nơi đã phần nào làm thương tổn đến đoàn kết nông thôn. Vấn đề này là do sai lầm chung trong giảm tô và cải cách ruộng đất. Vì vậy, cần quan niệm rằng việc giải quyết loại việc này là một công tác nằm trong công tác sửa sai chung. Vì vậy, bộ đề ra chủ trương sau:
- Đối với vợ chồng bỏ nhau đã có con hoặc chưa có con, nhưng vợ chưa lấy chồng khác, chồng chưa lấy vợ khác, thì phương châm là kiên trì giải quyết tư tưởng cho hai bên thông cảm nhau là do sai lầm chung mà vợ chồng bỏ nhau, vậy nên về đoàn tụ với nhau như cũ, nhất là khi hai bên đã có con còn bé.
- Đối với những vợ chồng bỏ nhau mà một bên đã lấy người khác rồi có hai trường hợp:Nếu vợ đã đi lấy chồng mới mà chưa có con, nay vợ muốn trở về với chồng cũ và chồng cũ muốn đoàn tụ thì cho đoàn tụ và giải quyết cho người chồng mới thông. Nếu người vợ một mực ở với chồng mới dù chưa có con với người này thì nên giải thích cho người chồng cũ thoả thuận ly hôn với người vợ3. Trường hợp người vợ đã có con với chồng cũ, nhất là khi đứa con còn bé thì cẩn thận trong việc cho ly hôn.Trường hợp chồng đã lấy vợ mới, có con hay chưa có con, nay muốn về với vợ cũ nhưng vợ cũ không muốn trở lại thì cần cho ly dị; trường hợp vợ cũ còn muốn trở lại với chồng thì nên căn cứ vào tình cảm của ba người đối với nhau và tùy tập quán địa phương mà giải quyết cho ổn thỏa4.
- Trường hợp hai bên đều lấy vợ lấy chồng khác rồi thì nên cho họ ly hôn để họ chính thức lập gia đình mới.
- Trường hợp đa thê, nhân vì đấu tố mà vợ lẽ bỏ chồng thì nói chung nên giải quyết cho họ ly hôn, nhưng có trường hợp vì sinh kế, vì con cái hay vì tình cảm, người vợ lẽ muốn đoàn tụ thì giải quyết cho đoàn tụ.
Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 1956
K.T Bộ trưởng Bộ tư pháp
Thứ trưởng Trần Công Tường
(Trích Hà Nội hằng ngày, ngày 16 tháng 06 năm 1957)
Chính quyền cộng sản không hề công bố con số những cặp vợ chồng bị chia rẽ vì Cải cách ruộng đất nhưng việc cần thiết phải giải quyết vấn đề bằng một Thông tư đặc biệt của Bộ Tư pháp cũng đủ cho ta thấy tầm quan trọng của vấn đề và ước đoán một con số khá lớn lao. Bản Thông tư không nói đến trường hợp những người vợ goá, vì chồng bị xử tử, và sau đó bị cán bộ ức hiếp phải lấy, cũng không nói tới trường hợp con gái địa chủ bị ép lấy bần cố nông, vì đối với Đảng, đấy chẳng phải là một sai lầm.
Một điều đáng chú ý là trong mấy năm liền, Đảng không hề chú ý tới sự đau khổ và nhục nhã mà những phụ nữ kể trên phải chịu đựng. Nó chứng tỏ thái độ thực sự của cộng sản đối với phụ nữ và vạch trần sự giả dối trong những lời tuyên bố đường mật của cộng sản về vấn đề phụ nữ. Y hệt ruộng đất, nhà cửa, đồ đạc, phụ nữ cũng chỉ là một thứ tài sản mà Đảng tự cho mình quyền phân phối theo ý muốn.
Các lãnh tụ Đảng yên trí rằng bấy nhiêu biện pháp phóng thích khỏi trại giam, hồi phục danh dự những đảng viên bị giết oan, trả lại tài sản và vợ bị tịch thu, là đủ xoa dịu lòng uất hận của nhân dân đối với Đảng và bình thường hoá lại đời sống. Đảng cũng tin tưởng ở thế lực của Đảng có thể ngăn chặn mọi cuộc chống đối và một phần khác Đảng tin rằng dân chúng bị khủng bố nên đã mất hết tinh thần, không bao giờ dám nổi loạn. Nhưng các lãnh tụ cộng sản không để ý tới mấy yếu tố khác, đã gây nên mấy cuộc khởi loạn sau này. Trở lại hình ảnh cái que tre, chúng ta có thể nói khi Đảng thả tay thì que tre bật ngay trở lại với một sức mạnh mà Đảng không dự tính đúng mức. Nông dân ở nhiều nơi và trí thức ở thủ đô nổi dậy chống lại chế độ.
Nghĩa là trước kia càng chống Pháp hăng hái bao nhiêu thì bây giờ càng bị khủng bố bấy nhiêu. ↩
Mao Trạch Đông: “Báo cáo về cuộc nông dân bạo động tại Hồ Nam” trong Mao Trạch Đông tuyển tập, nhà xuất bản Lawrence and Wishart, Luân Đôn, 1954-56. ↩
Nên chú ý, Bộ Tư pháp còn tỏ ý thiên vị đối với chồng mới. ↩
Điều này có nghĩa là nếu không phải là công giáo thì cho phép lấy hai vợ. ↩