“Muốn chữa một tình trạng bất công thì phải vượt qua giới hạn của công bằng.”
Mao Trạch Đông (“Báo cáo về vụ nông dân bạo động tại Hồ Nam”)
Cộng sản thực hiện cải cách ruộng đất bằng hai chiến dịch liên tiếp: chiến dịch giảm tô vào những năm 1953 và 1954, và chiến dịch cải cách ruộng đất đích thực vào những năm 1954 và 1956.
Năm 1955, cộng sản tạm thời đình chỉ cải cách ruộng đất vì năm ấy có cuộc di cư ồ ạt của gần một triệu người từ Bắc vào Nam, trong thời gian 300 ngày do Hiệp định Genève ấn định để theo nguyên tắc, mọi người được tự do di chuyển giữa hai miền. Nhà cầm quyền miền Bắc tạm ngừng đấu tố vì họ sợ số người di cư sẽ tăng thêm; nhưng sau khi chiếm đóng Hải Phòng, hải cảng cuối cùng mà người Bắc có thể thoát vào Nam được, họ tiếp tục đấu tố trở lại. Có điều khác là lần này, khi thực hiện cải cách ruộng đất tại vùng đồng bằng sông Nhị Hà, họ muốn chóng xong nên dồn cả hai chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất đích thực làm một, thực hiện toàn bộ chương trình bằng một loạt đấu tố duy nhất, tất nhiên là khủng khiếp bằng hai những kỳ trước.
Cả hai chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất đích thực đều nhằm một mục đích tức là tiêu diệt toàn bộ giai cấp địa chủ để tiến tới việc thành lập chế độ vô sản chuyên chính ở nông thôn. Cả hai chiến dịch đều áp dụng một chiến thuật duy nhất, và chiến dịch thứ nhất và thứ nhì chỉ khác nhau ở mức tàn bạo và ở các loại tài sản tịch thu của các địa chủ. Nói một cách rõ hơn thì chiến dịch thứ nhất cốt tiêu diệt sơ bộ những phần tử “có máu mặt” ở nông thôn mà cộng sản gọi là những “phản động chính”, và tịch thu tiền bạc, nữ trang hoặc châu báu, tức là những “của nổi” mà họ giấu giếm hoặc giao cho quyến thuộc cất giữ. Chiến dịch thứ hai nhằm vào những người “có đủ bát ăn”, mệnh danh là “phản động phụ”. Nhóm thứ hai này tương đối nghèo hơn nhóm thứ nhất, và nói chung chỉ có ruộng nương nhà cửa, không có vàng bạc châu báu. Họ cũng là phần đông trong cái giới mà cộng sản quy định là “địa chủ”. Chiến dịch thứ hai, tức là cải cách ruộng đất đích thực cũng là dịp để cộng sản dựa theo “pháp luật” tịch thu toàn bộ ruộng đất, nhà cửa, đồ đạc của tất cả giai cấp “địa chủ”. Họ chỉ được phép ra khỏi nhà cùng vợ con với hai bàn tay trắng. Trong các Chương sau, chúng tôi sẽ trình bày cách thức “đấu tố” và tịch thu tài sản trong mỗi chiến dịch.
Nơi đây, chúng tôi sẽ giải thích tại sao cộng sản lại thấy cần thiết phải tiêu diệt giai cấp địa chủ bằng hai chiến dịch liên tiếp. Muốn có một ý niệm rõ ràng hơn, chúng ta hãy lấy một ví dụ sau đây:
Giả sử trong một làng nào đó có 25 gia đình tạm gọi là A, B, C, D, vân vân, theo thứ tự bản mẫu tự và theo giầu, nghèo. A giầu nhất và Z nghèo nhất. Lúc khởi đầu chiến dịch giảm tô, Đảng dạy cho nông dân cách phân định nhân dân trong làng thành nhiều thành phần khác nhau, chiếu theo bản điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn1 mà họ phải học tập kỹ lưỡng trong 10 hôm. Sau đó, họ phân định dân làng đại khái theo thứ tự sau đây:
- A, B, C: địa chủ
- D, E, F: phú nông
- G, H, I, J: trung nông cứng
- K, L, M, N: trung nông vừa
- O, P, Q, R: trung nông yếu
- S, T, U, V: bần nông
- X, Y, Z: cố nông
Đồng thời cộng sản cũng đề ra khẩu hiệu: “Dựa hẳn vào bần cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp với phú nông để tiêu diệt địa chủ”. Cộng sản kêu gọi những người từ G đến Z thành lập một khối liên minh hùng hậu để tiêu diệt mấy kẻ bất hạnh: A, B, C bị quy là “địa chủ”. Những phú nông D, E, F kế sát với địa chủ A, B, C không được phép tham gia đấu tranh, nhưng được hứa hẹn “yên thân” nếu chịu khó “ngoan ngoãn”, và đấy là tất cả ý nghĩa của khẩu hiệu “Liên hiệp phú nông”2. Những người được quy là “phú nông” hết đỗi mừng rỡ vì lẽ ranh giới giữa “địa chủ” và “phú nông” quả là huyền huyền ảo ảo, không một người nào có thể biết trước mình sẽ là địa chủ hay phú nông.
Trung nông được vinh dự đứng cùng hàng ngũ với bần cố nông (cũng gọi là thành phần bản bộ) cũng mừng rơn vì cảm thấy sẽ được an toàn dưới chế độ mới, mặc dầu không phải là “cánh ta”. Để củng cố lập trường, họ hăng hái đấu tranh chống mấy tên A, B, C. Họ muốn chứng minh với Đảng họ đứng hẳn về phe đảng, phe bần cố nông.
Theo lệ thường, A sẽ bị bắn trước công chúng, B sẽ bị án khổ sai, nặng nhẹ tuỳ trường hợp. Nhưng câu chuyện đến đấy chưa phải là hết. Khoảng một năm sau, Đảng lại phái một đội “cải cách” thứ hai tới làng để phát động một cuộc khủng bố thứ hai: đó là chiến dịch Cải cách ruộng đất đích thực. Một đoàn cán bộ mới tới làng, quan sát qua loa, rồi tuyên bố rằng việc phân định thành phần năm trước cả làng đã làm sai. Họ nói: “Các đồng chí nông dân không nắm vững các tiêu chuẩn phân định thành phần nên năm ngoái đã để quá nhiều địa chủ lọt lưới”. Họ bắt nông dân học tập lại bản Điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn và thúc đẩy nông dân phát hiện thêm địa chủ. Họ nói rằng theo sự tính toán rất khoa học của các đồng chí cố vấn Trung Quốc, đã điều tra rất cẩn thận ở các làng (thực ra chỉ có một đoàn cố vấn Tầu đi lướt qua các làng) thì lẽ ra số địa chủ phải nhiều hơn gấp bội. Họ bắt nông dân quy định thành phần lại, và lần này những người D, E, F (trước đây là phú nông) và G, H, I, J (trước đây chỉ là trung nông cứng) đều trở thành địa chủ, trong khi K, L, M, N (trung nông vừa) trở thành phú nông v.v. Như vậy tổng số địa chủ mới “tìm ra” đông gấp 5 lần số địa chủ phát hiện trong chiến dịch giảm tô năm trước. Theo lệnh của Trung ương đảng, con số tối thiểu những án tử hình cũng tăng từ 1 lên 5 tại mỗi xã. Con số những người tự tử hoặc chết đói vì chính sách “cô lập địa chủ” (sẽ giải thích sau) cũng tăng theo. Tổng số nạn nhân của phong trào Cải cách ruộng đất tại Bắc Việt chưa hề được công bố, nhưng nếu tin lời ông Gérard Tongas, một giáo sư Pháp ở lại Hà Nội cho tới năm 1959 thì “kết quả của cuộc tàn sát kinh khủng này là một trăm ngàn người”3.
Cho tới nay chưa một ai có thể ước lượng được số người chết trong hai chiến dịch long trời lở đất này (đấy là danh từ chính thức của cộng sản khi đề cập đến Cải cách ruộng đất), nhưng theo lời những người vượt tuyến vào Sài Gòn năm 1957 thì khắp các vùng nông thôn Bắc Việt nhân dân mang toàn khăn trắng. Điều này rất dễ hiểu vì ngoài những người bị toà án nhân dân đặc biệt lên án xử tử và hành quyết công khai còn vô số những người chết trong các trại giam và những người tự tử ngay sau khi bị quy là địa chủ. Số người tự tử và chết trong các trại giam đã nhiều, nhưng chưa thấm vào đâu với số bố mẹ, con cái địa chủ chết đói vì chính sách bao vây kinh tế. Đấy chẳng qua chỉ là kết quả của phương châm: “Thà giết mười người vô tội còn hơn để thoát một kẻ thù”. Đấy là chính sách của Đảng Lao động, áp dụng trong Cải cách ruộng đất, mà luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã lớn tiếng tố cáo trong bài diễn văn của ông, đọc trước Đại hội toàn quốc của Mặt trận tổ quốc, họp tại Hà Nội tháng 10 năm 1956.
Mỗi chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất đích thực đều được thực hiện bằng năm “đợt” liên tiếp, theo một kỹ thuật gọi là “Vết dầu loang”. Thể thức như sau: Đợt thứ nhất khởi đầu tại một vài xã ở mỗi tỉnh. Những xã này là những nơi quả có những địa chủ cường hào trước đây vẫn bóc lột nông dân một cách quá quắt. Một đoàn cán bộ đặc biệt đã được huấn luyện tại Trung Quốc trực tiếp lãnh đạo chiến dịch tại các xã này, gọi là thí điểm. Trong khi ấy, rất nhiều cán bộ từ mọi nơi khác trong tỉnh được phái tới để quan sát học tập. Đợt thứ nhất chấm dứt thì những cán bộ mới huấn luyện này phát động một “đợt” thứ hai tới các xã xung quanh, dưới sự hướng dẫn của các cán bộ chuyên môn Việt và các cố vấn Trung cộng. Y hệt một vệt dầu loang, phong trào khủng bố lan dần ra toàn huyện rồi đến toàn tỉnh. Đến hết “đợt năm” thì chiến dịch được hoàn tất trên toàn lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của cộng sản, trừ miền giáp giới với Lào, nơi có các bộ lạc Thái. Vì người Thái có liên lạc mật thiết với người Lào nên cộng sản muốn tránh không cho người Lào biết, sợ các “đồng chí Pathet Lào” hoảng sợ. Cho đến 1958 cộng sản không thực hiện một cải cách nào quan trọng tại miền này. Còn ở Quảng Trị, cộng sản cũng thực hiện cải cách ruộng đất một cách ôn hoà, lấy ruộng đất thừa của địa chủ phân phát cho bần cố nông mà không chém giết ai cả. Sở dĩ không chém giết là để tránh sự ngờ vực của những người không cộng ở phía Nam vĩ tuyến. Theo lời Trường Chinh thì: “Ở những miền đặc biệt, phải có chính sách đặc biệt”.
Một điểm nữa đáng nêu lên là chính phủ làm bộ không dính dáng gì đến việc khủng bố. Họ làm ra vẻ đấy là việc riêng của nông dân, hoàn toàn do nông dân chủ trương để nâng cao “uy tín chính trị” của họ. Vì vậy nên có khẩu hiệu: “Phóng tay phát động quần chúng đấu tranh để thực hiện giảm tô”, hoặc “Cải cách ruộng đất”. Đảng cũng phủ nhận mọi trách nhiệm. Đảng nói Đảng chỉ giúp ý kiến cho nông dân để họ biết cách đấu tranh mà thôi. Còn quân đội thì phái một vài tiểu đoàn tới đóng các xã kế bên để đề phòng “phản động” có nổi dậy thì giúp đỡ nông dân một tay.
Và giờ đây, chúng ta hãy xem thể thức thực hiện chiến dịch giảm tô tại một trong hàng vạn làng Bắc Việt.
Có hai Nghị định ấn định hai bản điều lệ phân định thành phần giai cấp ở nông thôn khác nhau. Một Nghị định số 29/BTTG, ký này 5-3-1953 và một Nghị định số 472 TTG ký ngày 1-3-55. Sở dĩ có sự thay đổi lại trong bản điều lệ trước, là do cộng sản quyết định tịch thu toàn bộ ruộng đất thuộc về tôn giáo. Sau khi công giáo ào ạt di cư vào Nam, cộng sản thấy cần phải nới tay với nhà thờ công giáo nên ban bố một bản điều lệ khác, để lại cho mỗi nhà thờ một số ruộng đát vừa cho những “người làm nghề tôn giáo” tự canh tác lấy. ↩
Hồi mới phát động phong trào, cộng sản đưa ra khẩu hiệu “cô lập phú nông” (về phương diện chính trị), nhưng vì cán bộ lẫn lộn với “cô lập kinh tế” nên bao vây nhiều gia đình phú nông đến nỗi họ bị chết đói (sẽ nói về chính sách cô lập kinh tế trong Chương sau). Vì vậy nên cộng sản đổi lại khẩu hiệu thành “liên hiệp phú nông”. Sự thực vẫn là gạt phú nông ra ngoài cuộc tranh đấu, không có gì là “liên hiệp” cả. ↩
Gérard Tongas, cuốn J’ai vécu dans l’Enfer Communiste du Nord Vietnam nhà xuất bản Les Nouvelles Editions Debress Paris 1960. Tr.222. ↩