Vêrơska

IVAN ALẾCHXÂYÊVÍTS ÔGƠNÉP còn nhớ chiều tối hôm đó, một ngày tháng Tám, anh đẩy mạnh cánh cửa kính và bước ra ngoài hiên. Anh khoác một chiếc áo choàng mỏng rộng, đội chiếc mũ rơm rộng vành, chiếc mũ mà giờ đây đang nằm lăn lóc trong đám bụi dưới gậm giường cùng với đôi ủng cao cổ. Một tay anh ôm bọc sách vở lớn, còn tay kia cầm một chiếc gậy to, nhiều mấu.

Đứng đằng sau cửa soi đèn cho anh đi là ông chủ nhà Kudnétxốp, một ông già đầu hói, có bộ râu trắng dài và mặc một chiếc áo veston vải trắng muốt như tuyết. Ông già cười đôn hậu và gật gật đầu.

– Tạm biệt cụ nhé! – Ôgơnép nói to với ông già.

Ông già Kudnétxốp đặt chiếc đèn lên cái bàn nhỏ rồi đi ra ngoài hiên. Hai cái bóng dài và hẹp chạy qua mấy bậc thềm tới gần những bồn hoa, chao qua chao lại rồi tựa đầu lên những thân cây già.

– Tạm biệt và một lần nữa xin cảm ơn cụ! – Ivan Alếchxâyêvíts nói. – Cảm ơn cụ đã đối xử với cháu rất niềm nở, dịu dàng và đầy tình thương… Không bao giờ, mãi mãi không bao giờ cháu quên được lòng mến khách của cụ. Cụ là người rất tốt, con gái cụ cũng là người rất tốt, cả gia đình cụ đều là những người hảo tâm, vui tính, hào hiệp… Toàn là những người tốt tuyệt diệu, không còn biết nói thế nào nữa!

Do tình cảm quá dạt dào và do ảnh hưởng của cốc rượu mới uống, Ôgơnép nói giọng trầm bổng như một cậu học trò chủng viện, và anh xúc động đến mức không phải chỉ biểu lộ những tình cảm của mình bằng lời nói, mà còn bằng những cái nhấp nháy mắt, nhún nhún vai. Ông già Kudnétxốp cũng vừa uống rượu xong và cũng đang xúc động mạnh, đã ôm choàng lấy chàng trai trẻ và hôn anh.

– Cháu đã thân quen với gia đình cụ quá rồi! – Ôgơnép nói tiếp. – Hầu như ngày nào cháu cũng mò đến đây, ngủ tại đây có dễ đến chục lần, rượu thì uống nhiều đến mức bây giờ chỉ nhớ lại không thôi cũng đã rợn cả người. Nhưng mà cái chính mà cháu phải cảm ơn cụ, vì sự cộng tác và giúp đỡ của cụ. Không có cụ thì có lẽ phải đến tháng Mười may ra cháu mới làm xong công việc thống kê của cháu. Cho nên thế nào cháu cũng viết trong lời tựa cuốn sách nay mai của cháu rằng: tôi thấy có nghĩa vụ phải bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với vị chủ tịch hội đồng tự quản huyện N. là Kudnétxốp, người đã sốt sắng cộng tác với tôi. Ngành thống kê có một tương lai rất rực rỡ! Xin trân trọng chào cô Vêrơska, xin nhờ nói lại với các vị bác sĩ, với cả hai viên dự thẩm và anh thư ký của cụ rằng không bao giờ cháu quên được sự giúp đỡ của họ! Còn bây giờ thì ta ôm nhau và hôn nhau lần cuối cùng.

Người đã mệt nhừ, Ôgơnép một lần nữa ôm hôn ông già rồi bước xuống mấy bậc thềm. Xuống đến bậc thềm cuối cùng, anh quay lại và hỏi:

– Liệu chúng ta còn gặp lại nhau nữa không hở cụ?

– Trời mà biết được! – ông già trả lời. – Chắc là chẳng bao giờ nữa!

– Vâng, đúng thế đấy! Cụ thì có lẽ nhử vàng cụ cũng chẳng lên Pêtérburg, còn cháu thì cũng chắc gì còn có dịp về tới huyện này nữa. Thôi, xin tạm biệt cụ!

– Này có lẽ anh để cái đống sách đó lại thì hơn! – ông già Kudnétxốp gọi với theo anh. – Việc gì mà anh phải mang theo cái của nặng như vậy? Cứ để lại ngày mai tôi sẽ cho người mang lên cho anh.

Nhưng Ôgơnép không còn nghe thấy gì nữa, anh nhanh nhẹn rời xa ngôi nhà. Anh đang chếnh choáng hơi men, có cái gì vừa vui vui, vừa ấm áp, vừa buồn buồn… Anh bước đi và nghĩ rằng sao trong cuộc đời lại hay được gặp những người tốt thế và thật đáng tiếc là những cuộc gặp gỡ ấy chẳng để lại gì hơn ngoài những kỷ niệm. Có khi anh thấy thấp thoáng phía chân trời những cánh sếu, một ngọn gió nhẹ thoảng đưa đến tiếng kêu rầu rầu và rộn rã của chúng, rồi chỉ một phút sau, dù anh có căng mắt ra mà nhìn về khoảng xa xanh kia đến đâu, anh cũng sẽ chẳng thấy một chấm đen nào, không nghe thấy một tiếng kêu nào nữa – cũng hệt như vậy những con người với gương mặt và giọng nói của họ thoảng hiện trong cuộc đời rồi chìm lấp đi trong quá khứ của chúng ta, không để lại gì hơn ngoài những dấu vết nhỏ nhoi của ký ức. Sống ở huyện N. này từ đầu mùa xuân và hầu như ngày nào cũng đến chơi với gia đình Kudnétxốp mến khách, Ivan Alếchxâyêvíts đã trở nên thân quen như người nhà với ông già, với cô con gái, với người cháu, anh đã thuộc lòng mọi ngõ ngách trong nhà, hàng hiên xinh xinh, những khúc đường uốn cong giữa hàng cây, bóng cây trùm trên mái bếp và nhà tắm; nhưng bây giờ khi anh bước ra ngoài phía cổng, thì tất cả những cái đó đã biến thành kỷ niệm và mất đi mãi mãi cái ý nghĩa thực đối với anh, rồi một hai năm tới, tất cả những hình ảnh thân yêu ấy sẽ nhòa dần trong tâm trí anh cùng với những điều mà anh đã tưởng tượng ra.

“Trong cuộc đời không có gì quý hơn những con người! – Ôgơnép xúc động nghĩ, chân bước dần theo con đường chạy giữa hai hàng cây đến phía cổng. – Không có gì quý hơn!”.

Trong vườn vắng lặng và ấm áp, thoang thoảng mùi hương hoa réséda1, hoa vòi voi, hoa thuốc lá, những thứ hoa còn chưa kịp nở rộ trong vườn. Khoảng giữa những khóm bụi cây và thân cây bàng bạc hơi sương mỏng manh, mềm dịu, trong suốt qua ánh trăng, và điều này Ôgơnép còn ghi nhớ mãi, ấy là những đám sương mờ mờ, như những cái bóng, nhẹ nhàng nhưng trông rất rõ đang bay theo nhau bên những hàng cây. Trăng mọc cao trên vườn cây, và dưới trăng có những dải sương trong suốt đang bay về một nơi nào ở phía Đông. Dường như cả thế giới chỉ hợp lại bằng những bóng đen và những cụm sương mờ trăng trắng đang bay lang thang; còn Ôgơnép khi ngắm nhìn những đám sương bay trong đêm trăng tháng Tám này có lẽ lần đầu tiên trong đời đã nghĩ rằng, không phải anh đã nhìn thấy thiên nhiên mà là nhìn thấy một cảnh bài trí, trong đó những người đốt pháo bông vụng về định làm sáng cả khu vườn bằng một thứ ánh sáng trắng xanh, đã ngồi nấp sau những bụi cây và đã làm khói trắng bay lên cùng với ánh sáng.

Khi Ôgơnép đi gần đến cổng khu vườn, từ bên hàng giậu thâm thấp bỗng có một bóng đen bước ra và đi ngược lại phía anh.

– Cô Vêrơska! – anh sung sướng thốt lên. – Cô đấy ư? Thế mà tôi cứ tìm cô mãi, tôi muốn chia tay… Tôi tạm biệt cô nhé, tôi đi đây!

– Sao sớm thế? Bây giờ mới là mười một giờ.

– Không, đến lúc phải đi rồi! Đường dài năm cây, lại còn phải ngủ nữa chứ. Sáng mai còn dậy sớm…

Trước mặt Ôgơnép là con gái ông già Kudnétxốp, cô Vêrơska, một cô gái hai mươi mốt tuổi, vẻ mặt lúc nào cũng buồn buồn, ăn mặc xuềnh xoàng, và rất có duyên. Những cô gái hay mơ mộng, suốt ngày ưa nằm đọc một cách uể oải tất cả những cuốn sách gì tiện tay vớ được, những cô gái hay buồn buồn, rầu rĩ thường không chú ý đến cách ăn mặc. Đối với những ai trong số đó mà lại được tạo hóa phú cho khiếu thẩm mỹ và sự linh cảm về cái đẹp thì sự tuềnh toàng sơ sài trong cách ăn mặc đó lại đem đến cho các cô ấy một vẻ quyến rũ đặc biệt. Ít ra thì sau này, khi nhớ lại Vêrơska xinh xắn, Ôgơnép không thể nào hình dung ra cô mà lại không nhớ đến cái áo ngắn mặc ngoài nhăn nhúm nơi eo lưng thành những nếp gấp sâu mà không chạm vào thân mình cô, không nhớ đến món tóc quăn quăn lòa xòa trên trán từ mái tóc chải cao, chiếc khăn đan màu đỏ lấm tấm những quả cầu nhỏ nơi gờ mép, chiếc khăn vào những buổi tối vẫn vắt ngang vai Vêrơska như lá cờ khi hết gió và ban ngày thì nhàu nát để ở buồng ngoài bên cạnh mấy chiếc mũ đàn ông, hay là vứt trên mặt rương trong buồng ăn, nơi con mèo già vẫn thường ngủ một cách ngang nhiên. Cái khăn ấy, những nếp gấp nơi chiếc áo ngắn mặc ngoài ấy như tỏ ra một vẻ gì uể oải thoải mái nhàn nhã, và khoan hòa. Có lẽ vì Ôgơnép có cảm tình với Vêrơska nên trong từng cái cúc áo, từng nếp áo của cô, anh có thể thấy một cái gì đầm ấm, dư dật, thơ ngây, một cái gì thật tốt đẹp, thật nên thơ, chính những cái không có ở những người phụ nữ giả dối, lạnh lùng, thiếu xúc cảm về cái đẹp.

Vêrơska có một thân hình cân đối, một dáng nhìn nghiêng rất xinh và những món tóc quăn quăn tuyệt đẹp. Đối với Ôgơnép, một người trong đời biết không nhiều phụ nữ, thì Vêrơska thật là một cô gái đẹp.

– Tôi đi đây! – anh nói, chia tay với cô gần bên cổng. – Đừng nghĩ xấu về tôi! Cảm ơn cô vì tất cả những gì tốt đẹp cô đã đem đến cho tôi!

Cũng vẫn bằng cái giọng trầm bổng như học trò chủng viện mà lúc nãy anh đã nói với ông già, cũng vẫn những cái nhún vai và nhấp nháy đôi mắt, Ôgơnép cảm ơn Vêrơska về lòng mến khách, thái độ dịu dàng, niềm nở của cô.

– Thư nào gửi cho mẹ, tôi cũng đều có nhắc đến cô, – anh nói. – Nếu ai cũng như cô và ông cụ nhà đây thì cuộc sống trên thế giới này không phải là cuộc sống bình thường nữa mà là một ngày hội. Gia đình cô thật hoàn toàn những người tuyệt diệu! Thật giản dị, chân tình, nhiệt thành.

– Bây giờ anh đi đâu? – Vêrơska hỏi.

– Bây giờ tôi đi về chỗ mẹ tôi ở Ôriôn, ở lại đấy khoảng hai tuần rồi trở về Pêtérburg làm việc.

– Rồi sau đó?

– Sau đó ư? Sẽ làm việc suốt cả mùa đông, đến mùa xuân lại về một huyện nào đó thu thập tài liệu. Thôi nhé, chúc cô hạnh phúc, sống lâu trăm tuổi… đừng nghĩ xấu về tôi. Chúng ta sẽ không gặp nhau nữa.

Ôgơnép cúi xuống và hôn tay Vêrơska. Sau đó, trong lòng xúc động lặng lẽ, anh đưa tay sửa chiếc áo khoác ngoài đang mặc, đổi cách cầm gói sách cho thuận, im lặng một lát rồi nói:

– Sương xuống nhiều quá nhỉ!

– Vâng. Anh không để quên cái gì lại chứ?

– Cái gì kia? Có lẽ là không quên gì…

Ôgơnép đứng im mấy giây không nói, sau đó anh vụng về quay người lại phía cổng rồi đi ra khỏi vườn.

– Khoan đã, tôi sẽ tiễn anh đến cánh rừng nhà, – Vêrơska vừa nói vừa bước theo anh.

Hai người cùng đi trên đường. Bây giờ những tán cây không còn che mắt nữa, và có thể nhìn thấy bầu trời cao rộng. Cảnh vật chung quanh phủ một lớp sương trắng trong suốt như ẩn sau một tấm khăn voan, cái đẹp của thiên nhiên qua tấm khăn voan này trông thật vui mắt; những đám sương dày hơn, trắng hơn quẩn quanh bên những đống rơm, bụi cây hoặc đang tha thẩn bay qua mặt đường, sà xuống mặt đất như không muốn che khuất những khoảng trời xa. Qua làn khói sương mờ, cả con đường dẫn đến cánh rừng hiện ra với những con mương màu sẫm chạy dọc hai bên, những bụi cây mọc trên bờ mương ngăn không cho những đám sương bay qua. Cách cổng vườn chừng nửa vécxta, cánh rừng của nhà Kudnétxốp nổi lên thành một vệt dài đen sẫm.

“Cô ta đi cùng với mình làm gì? Vì thế thì mình lại phải tiễn cô quay trở lại!” – Ôgơnép nghĩ vậy, nhưng rồi liếc nhìn gương mặt Vêrơska, anh mỉm cười dịu dàng và nói:

– Ra đi vào lúc đẹp trời như thế này thật chẳng muốn chút nào! Buổi tối hôm nay thật đầy vẻ mơ mộng, có ánh trăng, có vẻ vắng lặng, có tất cả những gì cần thiết cho một đêm như thế. Cô Vêrơska, cô có biết không? Tôi sống trên đời này đã hai mươi chín năm rồi, nhưng trong đời tôi, tôi chưa từng trải qua một chuyện tình duyên nào. Cả đời chưa từng một lần yêu đương, vì thế mà đối với rendez-vous2, những chuyện tình tự, những cái hôn… tôi chỉ được biết qua lời kể. Thật là không bình thường! Ở thành phố khi ngồi trong căn phòng của mình, cũng khó thấy chỗ trống ấy, nhưng rồi đây dưới bầu trời thoáng đãng, cái khoảng trống ấy hiện ra thật rõ… Nghĩ lại cứ thấy nuối tiếc làm sao ấy…

– Sao anh lại thế?

– Tôi cũng không biết nữa. Chắc là cả đời tôi chưa có lúc nào rỗi rãi, cũng có thể là do tôi chưa từng được gặp những người phụ nữ mà tôi… Nói chung là tôi có rất ít người quen, tôi chẳng hay đi đâu cả.

Chừng ba trăm bước, hai người trẻ tuổi im lặng bước đi. Ôgơnép nhìn lên mái đầu để trần, nhìn lên chiếc khăn của Vêrơska, trong trí anh nối tiếp nhau hiện lên những ngày xuân và những ngày hè; đó là thời gian anh ở cách xa căn buồng Pêtérburg màu xám của mình, sung sướng hưởng sự chiều chuộng dịu dàng của những người tốt bụng, hưởng vẻ đẹp thiên nhiên và cái thú vui của công việc mình ưa thích, anh không kịp nhận ra những buổi hoàng hôn đã đến thay bình minh ra sau, không để ý đến những con chim họa mi, chim cun cút, những con cuốc đồng đã lần lượt theo nhau thôi hót, báo hiệu mùa hè đã hết… Thời gian trôi đi nhẹ tênh, và thế có nghĩa là anh đã sống thật yên lành và thoải mái… Anh gợi lại với Vêrơska rằng, lúc đầu hồi cuối tháng Tư năm nay, một người chẳng giàu có gì, không quen xê dịch và giao thiệp như anh, đã miễn cưỡng đi về huyện N. này như thế nào, anh đã sẵn sàng chờ đợi gặp gỡ một sự tẻ nhạt, cô đơn và thái độ thờ ơ dửng dưng đối với thống kê học, một ngành mà theo ý anh hiện nay đang chiếm một vị trí hàng đầu trong các ngành khoa học. Đến huyện lỵ N. vào một buổi sáng tháng Tư, anh dừng chân lại quán trọ của ông Riabukhin, một người tín đồ cựu giáo, tại đây anh giả mỗi ngày hai mươi kôpếch và được ở thuê một buồng sáng sủa sạch sẽ với điều kiện rằng anh chỉ được hút thuốc ngoài trời. Nghỉ tại đây ít lâu và hỏi dò xem ở huyện này ai là chủ tịch hội đồng tự quản huyện, anh lập tức đến nhà Kudnétxốp. Anh phải đi bốn cây số qua những bãi cỏ rộng sặc sỡ màu hoa dại và những rừng thông non. Dưới tầng mây, những đàn chim sơn ca rót đầy khoảng không những âm thanh lấp lánh màu bạc, và trên những thửa ruộng đang lên màu xanh, những con quạ oai vệ vỗ cánh bay lượn.

– Trời, – lúc ấy Ôgơnép đã ngạc nhiên thốt lên, – chẳng lẽ lúc nào không khí đều thoáng đãng như thế này sao, hay là chỉ có hôm nay cảnh vật mới đẹp thế và là để mừng tôi đến?

Chờ đợi một thái độ tiếp đón khô khan, anh bước vào nhà Kudnétxốp một cách rụt rè, không dám nhìn thẳng, tay ngượng nghịu vân vê bộ râu. Ông già Kudnétxốp mới đầu nheo mày không hiểu hội đồng tự quản huyện thì có thể giúp ích gì cho chàng trai trẻ này với cái nghề thống kê của anh ta, nhưng khi anh ta giải thích cặn kẽ cho ông già nghe thế nào là tài liệu thống kê và những tài liệu ấy thu thập được ở những đâu thì ông già thấy hào hứng hẳn lên, ông mỉm cười và ghé mắt nhìn vào những cuốn số ghi chép của anh với vẻ tò mò như con trẻ… Ngay buổi tối hôm đó, Ôgơnép đã ngồi ăn cùng với gia đình Kudnétxốp, đã nhanh chóng say vì uống rượu mạnh và, nhìn những gương mặt bình thản, nhìn những cử động chậm chạp của những người mới quen, anh thấy tỏa khắp thân thể mình một cảm giác uể oải ngọt ngào, mơ màng khi con người ta muốn được ngủ, được duỗi thẳng chân tay và mỉm cười. Còn những người mới quen thì xởi lởi nhìn anh và hỏi anh rằng bố mẹ anh có còn sống không, lương tháng anh được bao nhiêu, anh có hay đi xem hát hay không?

Ôgơnép nhớ lại những chuyến đi về các tổng, những cuộc đi chơi rừng cùng bạn bè, những buổi đi câu cá, cái lần tất cả cùng đi thăm bà quản nhà tu kín Marơpha – bà Marơpha đã tặng cho mỗi người khách thăm một túi nhỏ hạt cườm; anh nhớ lại những lần tranh cãi sôi nổi vô tận, đặc kiểu Nga, khi mà những người tranh luận vung tay đấm mạnh xuống bàn, không hiểu nhau, ngắt lời nhau, chẳng hề để ý rằng tự mình mâu thuẫn với mình trong từng câu, luôn luôn thay đổi đề tài tranh luận, và cuối cùng sau hai ba tiếng đồng hồ cãi vã, bèn cười xòa mà nói với nhau:

– Có họa là quỷ mới biết được vì lý do gì mà chúng ta đã cãi nhau! Thật là đầu voi đuôi chuột!

– Cô có còn nhớ lần tôi với cô và ông bác sĩ cùng cưỡi ngựa đi Sextôvô không? – Ôgơnép nói với Vêrơska khi cùng với cô đi đến cánh rừng. – Lần ấy chúng ta gặp một tay ngây dại. Tôi cho hắn ta đồng năm kôpếch, hắn làm dấu ba lần rồi ném đồng năm kôpếch tôi cho vào ruộng lúa mạch đen. Trời, tôi mang theo nhiều ấn tượng quá, đến nỗi nếu có thể cô đặc chúng lại thì tôi đã được một thỏi vàng mười! Tôi không hiểu tại sao những người thông minh và giàu xúc cảm lại cứ chen chúc nhau ở các thủ đô mà không đi tới đây? Lẽ nào ở đại lộ Népxki và trong những ngôi nhà ẩm thấp đồ sộ lại thênh thang hơn, nhiều chân lý hơn ở đây? Cứ thực bụng mà nói thì những căn buồng trọ chỗ tôi ở suốt từ tầng trên xuống tầng dưới đều có những họa sĩ, nhà khoa học, nhà báo ở thuê, nhưng căn buồng ấy bao giờ cũng là một thứ định kiến đối với tôi.

Cách rừng khoảng hai mươi bước, có một chiếc cầu nhỏ bốn góc có cột trụ ngang qua đường: chiếc cầu ấy bao giờ cũng là một nơi dừng chân cho gia đình Kudnétxốp và khách khứa trong những lần dạo chơi buổi tối. Từ chỗ ấy những ai muốn nghe rừng vọng lại tiếng mình đều có thể nghe được, và có thể trông thấy rõ con đường biến dần đi trong khoảng rừng đen sẫm.

– Thôi, cầu đây rồi! – Ôgơnép nói. – Đến đây thì cô trở lại được rồi…

Vêrơska dừng lại, thở vào thật sâu rồi thở ra.

– Ta ngồi xuống đây một lúc đi, – Vêrơska vừa nói vừa ngồi xuống một trụ cầu. – Trước khi ra đi, lúc chia tay, thường thường người ta vẫn ngồi lại với nhau ít phút.

Ôgơnép để gói sách của mình bên cạnh Vêrơska, ngồi xuống đó và tiếp tục nói. Vêrơska khó nhọc thở vì vừa đi bộ một quãng xa, cô không nhìn Ôgơnép, mà đưa mắt về một phía khác, cho nên anh cũng không nhìn thấy mặt cô.

– Nếu bất ngờ sau mười năm nữa chúng ta gặp nhau, – anh nói. – Lúc đó chúng ta sẽ là những người thế nào? Cô lúc ấy sẽ là người mẹ đáng kính của một gia đình, còn tôi là tác giả của một tuyển tập thống kê đáng trọng nào đấy mà không cần cho ai cả, dày cộp như bốn chục nghìn tập khác. Chúng ta gặp nhau và sẽ cùng nhớ lại ngày xưa… Còn bây giờ thì chúng ta đang cảm thấy hiện tại, hiện tại đang chứa đầy trong ta và làm ta xúc động, nhưng đến lúc ấy, khi gặp lại, chúng ta sẽ không còn nhớ ngày, tháng, thậm chí không nhớ đến cả năm chúng ta gặp nhau lần cuối, trên chiếc cầu nhỏ bé này sẽ thay đổi nhiều… Cô có nghe không, cô sẽ thay đổi nhiều chứ?

Vêrơska rùng mình và quay mặt lại phía anh.

– Cái gì cơ? – cô hỏi.

– Tôi vừa hỏi cô rằng…

– Xin lỗi anh, tôi không nghe rõ anh vừa nói những gì.

Đến lúc ấy Ôgơnép mới nhận ra nét mới lạ nơi Vêrơska. Gương mặt cô tái nhợt, cô thở gấp, hơi thở run run của cô truyền đi khắp cánh tay, hiện rõ trên đôi môi, mái tóc cô xòa ra trên trán nhiều hơn thường ngày… Hình như cô tránh không nhìn thẳng vào mặt anh và, để che giấu niềm xúc động của mình, khi thì cô sửa lại cổ áo như đang cứa đau cổ cô, khi thì vắt lại chiếc khăn màu đỏ của mình từ vai này sang vai kia…

– Hình như cô bị lạnh phải không? – Ôgơnép hỏi. – Ngồi trong sương không tốt lắm đâu. Thôi để tôi đưa cô Nach Hause3 nhé.

Vêrơska im lặng.

– Cô làm sao thế? – Ôgơnép mỉm cười hỏi. – Cô cứ làm thinh và chẳng trả lời gì cả. Cô bị mệt hay là tức giận điều gì? Phải thế không?

Vêrơska đưa lòng bàn tay áp chặt vào má bên phía Ôgơnép và liền đó cô giật mạnh bàn tay khỏi má.

– Thật là một tình cảnh kinh khủng… – cô thì thào nói, vẻ đau đớn hiện rõ ra trên nét mặt. – Thật kinh khủng!

– Có gì kinh khủng làm vậy? – Ôgơnép hỏi, nhún nhún hai vai, không che giấu sự ngạc nhiên của mình. – Có chuyện gì vậy?

Vêrơska vẫn thở nặng nhọc, đôi vai run lên, cô quay lưng lại phía anh, ngẩng đầu lên nhìn trời một lát rồi nói:

– Tôi cần nói chuyện với anh, anh Ivan Alếchxâyêvíts ạ…

– Tôi nghe đây.

– Có thể rằng anh sẽ thấy điều đó là lạ lùng… anh sẽ ngạc nhiên, nhưng mà đối với tôi thì thế nào cũng thế…

Ôgơnép lại một lần nữa nhún vai và chờ đợi lắng nghe.

– Thế này anh ạ… – Vêrơska bắt đầu nói, đầu hơi cúi thấp xuống, tay vân vê mép khăn. – Anh có biết không, tôi muốn nói với anh một điều… như thế này… Anh sẽ cảm thấy là lạ lùng và… ngu xuẩn, nhưng tôi, tôi… thì không thể giấu được nữa.

Lời Vêrơska nói nghe không rõ, rồi bỗng bật thành tiếng khóc. Cô gái lấy khăn che mặt, đầu cúi thấp xuống nữa, và nghẹn ngào khóc tiếp. Ôgơnép hắng giọng lúng túng, vừa kinh ngạc vừa không biết phải nói gì, làm gì, anh đưa mắt nhìn chung quanh mình một cách tuyệt vọng. Vì chưa từng quen với tiếng khóc và nước mắt, chính anh cũng cảm thấy mình rưng rưng lệ.

– Sao lại thế? – anh lắp bắp nói, bối rối. – Cô Vêrơska, thế là làm sao? Vêrơska thân yêu, cô… cô bị ốm ư? Hay là có ai xúc phạm tới cô? Cô hãy nói đi, có thể rằng tôi… sẽ giúp được gì cho cô chăng…

Và khi anh định an ủi cô gái, nhẹ nhàng gỡ bàn tay che mặt cô ra, thì cô mỉm cười qua nước mắt và nói:

– Tôi… tôi yêu anh!

Lời nói giản dị, bình thường ấy thốt lên bằng thứ ngôn ngữ giản dị của con người, nhưng lại làm cho Ôgơnép cảm thấy hết sức bối rối, anh quay mặt đi đứng thẳng dậy và, tiếp liền với cảm giác bối rối, anh bỗng thấy sợ hãi.

Tâm trạng buồn buồn, ấm áp, một chút đa cảm đến với anh lúc uống rượu và chia tay bỗng biến mát, nhường chỗ cho một cảm giác bối rối khó chịu. Một cái gì mới mẻ đảo lộn cả lòng anh, anh liếc nhìn Vêrơska; bây giờ, sau khi tỏ tình với anh, cô không còn vẻ cao xa, không thể nào với tới được – cái điều vẫn thường làm phong phú hơn cho người phụ nữ, đối với anh hình như cô trở nên thấp hơn một chút, giản dị hơn, bình thường hơn.

“Thế này là thế nào? – anh sợ hãi nghĩ thầm. – Nhưng mà không biết tôi có yêu… Vêrơska không? Vấn đề là ở chỗ ấy?”

Còn Vêrơska thì, sau khi đã nói được ra cái điều chính nhất khó nói nhất, cô cảm thấy nhịp thở của mình trở lại thanh thản, nhẹ nhàng. Cô cũng đứng lên và, nhìn thẳng vào mặt Ôgơnép, cô nói với anh một cách sôi nổi, trơn tru, không gì ngăn lại được.

Giống như một người bất ngờ bị hoảng hốt không thể nhớ lại sau đó trình tự diễn biến của cái tai họa làm anh ta choáng váng, Ôgơnép cũng không nhớ được những lời nói của Vêrơska. Anh chỉ còn nhớ được nội dung những lời cô nói, nhớ được chính bản thân cô lúc ấy ra sao và cái cảm giác mà lời nói của cô đã đem tới cho anh. Anh nhớ giọng nói của Vêrơska lúc ấy như nghẹn lại, hơi khàn khàn vì xúc động, một nhạc điệu lạ lùng, sôi nổi toát ra từ giọng nói của cô. Vừa khóc, vừa cười, những giọt lệ sáng long lanh trên hàng mi, Vêrơska nói rằng ngay từ những ngày đầu quen nhau, anh đã làm cô kinh ngạc vì vẻ độc đáo, sự thông minh, vì đôi mắt phúc hậu, linh lợi, vì những nhiệm vụ và mục tiêu trong cuộc đời, rằng cô yêu anh say đắm, hết lòng, yêu đến mất trí; rằng có lần vào dạo hè, khi đi từ ngoài vườn vào trong nhà, nhìn thấy chiếc áo choàng rộng của anh treo nơi mắc áo nhà ngoài hay nghe thấy giọng nói của anh thì tim cô thắt lại một niềm linh cảm hạnh phúc; ngay cả những câu nói đùa vô thưởng vô phạt của anh cũng làm cô cười phá lên, cô đọc thấy mỗi chữ số trong cuốn sổ cha anh là một cái gì hợp lý phi thường, một cái gì rất to tát; đối với cô, cái gậy nhiều mấu anh cầm còn đẹp hơn mọi thứ cây trên đời này.

Cả cánh rừng, cả những cụm sương và những dòng mương đen sẫm nằm hai bên đường, dường như đều yên ắng lắng nghe Vêrơska nói, nhưng Ôgơnép thì lại cảm thấy có cái gì lạ lùng chẳng tốt lành trong lòng… Lúc bày tỏ tình yêu của mình đối với anh, Vêrơska trông thật hấp dẫn, cô nói bằng những lời rất đẹp và say sưa, nhưng anh không cảm thấy một nỗi mừng, một niềm khoái lạc nào như anh muốn, anh chỉ cảm thấy một niềm thương cảm đối với Vêrơska, đau xót và ái ngại rằng vì anh mà một người tốt như thế đã phải khổ. Có trời mà biết được, không hiểu có phải cái lý trí sách vở đã trỗi lên trong anh, hay là thói quen nhìn mọi vật một cách khách quan không thể cưỡng lại được đã lại đến với anh – một thói quen thường làm cho người ta khó sống – mà anh chỉ thấy niềm say mê và nỗi đau khổ của Vêrơska và một cái gì quá đa cảm ngọt ngào, không thật chân thành và đồng thời một tình cảm mới vụt đến xáo động trong anh, mách thầm với anh rằng những gì anh đang nhìn thấy và nghe thấy bây giờ, nhìn từ góc độ của tạo vật và hạnh phúc riêng tư, còn hệ trọng hơn rất nhiều so với mọi thứ thống kê học, mọi thứ sách vở, mọi thứ chân lý… Và anh cảm thấy tức bực, anh tự trách mình mặc dầu không hiểu rõ rằng lỗi của mình là ở đâu.

Anh hết sức lúng túng và hoàn toàn không biết mình phải nói gì, mà lúc này lại rất cần phải nói. Nói thẳng rằng: “tôi không yêu cô” thì anh không đủ sức, mà nói “yêu” thì anh lại không nói được, bởi vì dù có tìm bới đến thế nào đi nữa, anh cũng không thể kiềm được trong lòng mình một chút tình yêu nào… anh im lặng, còn Vêrơska lúc ấy thì nói rằng, đối với cô không có hạnh phúc nào lớn hơn là được nhìn thấy anh, được đi theo anh, dù là đi luôn bây giờ, đến nơi nào mà anh muốn, trở thành người vợ, người trợ giúp cho anh, rằng nếu anh bỏ cô mà đi thì cô sẽ chết vì buồn rầu…

– Em không thể ở lại đây được nữa! – cô vừa nói vừa bẻ bẻ tay. – Em chán ngấy cái nhà này, cánh rừng này, khí trời này. Em không thể chịu được cái yên tĩnh thường xuyên và cuộc sống vô mục đích này, không thể chịu được những con người tẻ nhạt, ai cũng giống hệt nhau như hai giọt nước! Tất cả bọn họ đều nhiệt thành tốt bụng bởi vì họ lúc nào cũng no nê, không phải đau khổ, không đấu tranh vì một cái gì… Mà em thì lại muốn đến những ngôi nhà nặng nề ẩm thấp, nơi người ta đau khổ, người ta trở nên tàn nhẫn, vì lúc nào cũng phải làm việc và lúc nào cũng túng bấn.

Cả lời này nữa, Ôgơnép cũng cảm thấy có vẻ tán tụng ngọt ngào, không thật chân thành. Khi Vêrơska nói xong rồi, anh cũng vẫn chưa biết phải nói gì, nhưng mà không thể im lặng được nữa, anh đành lắp bắp nói:

– Cô Vêrơska ạ, tôi rất biết ơn cô, mặc dầu tôi cảm thấy rằng tôi chẳng có gì tốt đẹp để xứng đáng được… hưởng tình cảm mà cô vừa bày tỏ. Thứ hai là, với tư cách là một người trung thực, tôi phải nói rằng… hạnh phúc được xây dựng trên sự cân bằng, có nghĩa là khi mà cả hai bên… cùng yêu ở mức độ như nhau…

Ngay lúc ấy Ôgơnép thấy ngượng với những lời mình vừa ấp úng nói và anh im lặng. Anh cảm thấy bộ mặt anh bây giờ chắc ngu độn, đầy vẻ hối lỗi, hời hợt, đang căng ra và dài thườn thượt… Chắc là Vêrơska đã có nhận ra được sự thật trên gương mặt của anh, vì vậy cô bỗng nghiêm trang trở lại, mặt tái nhợt đi và cúi đầu xuống.

– Cô tha lỗi cho tôi, – Ôgơnép không chịu nổi sự im lặng, lại ấp úng nói. – tôi kính trọng cô đến mức rằng tôi cảm thấy… đau đớn!

Vêrơska vụt quay lại và rảo bước đi về phía trang trại. Ôgơnép đi theo sau cô.

– Đừng theo, không nên thế! – Vêrơska nói, hất bàn tay ra hiệu không cần. – Anh đừng đi nữa, tôi tự đi về được…

– Không, dù sao thì… không thể không đưa tiễn…

Bất kể là Ôgơnép nói gì, chữ nào anh cũng tự cảm thấy ghê tởm và tầm thường. Mỗi bước đi anh lại càng thấy ân hận hơn. Anh giận dữ, nắm chặt tay lại, thầm rủa sự lạnh lùng của mình, thầm rủa mình không biết cách đối xử với phụ nữ. Cố thức tỉnh lòng mình, anh nhìn lên thân hình đẹp đẽ của Vêrơska, nhìn bím tóc và dấu vết đôi chân nhỏ của cô in lại trên mặt đường đầy bụi, anh nhớ lại những lời nói, nước mắt của cô, nhưng tất cả những cái đó chỉ làm cho lòng anh mềm dịu lại, chứ không làm anh phấn chấn.

“Ôi, đúng là không thể cưỡng bức yêu được! – anh tự thuyết phục mình và đồng thời nghĩ – Đến bao giờ thì tôi mới yêu một cách tự nguyện? Bây giờ tôi đã gần ba mươi tuổi rồi! Chưa bao giờ tôi gặp được người phụ nữ tốt hơn Vêrơska và sẽ không bao giờ gặp nữa… Ôi, sự già nua chó má! Sự già nua vào tuổi ba mươi!”

Vêrơska đi đằng trước anh mỗi lúc một nhanh hơn, cô không nhìn lại, đầu cúi xuống. Anh có cảm tưởng rằng vì đau khổ mà người cô gầy đi, vai cô so lại…

“Thử hình dung xem cái gì đang diễn ra trong lòng cô? – anh nhìn vào sau lưng cô gái và nghĩ. – Chắc là cô ấy vừa đau khổ, vừa xấu hổ đến mức tưởng muốn chết! Trời ơi, có biết bao nhiêu sự sống, chất thơ, bao nhiêu ý nghĩ ở đây, đến đá cũng phải xúc động, thế mà mình… mình thật ngu xuẩn và kỳ cục!”

Đến bên cổng, Vêrơska thoáng nhìn lại anh rất nhanh, khom mình xuống, phủ khăn kín đầu, rồi đi nhanh vào giữa hàng cây.

Ôgơnép đứng lại một mình. Quay trở về phía rừng, anh đi chậm rãi, chốc chốc lại dừng chân và ngoái đầu nhìn cổng trại với cái vẻ toát ra từ toàn thân như là anh không tin mình nữa. Anh đưa mắt tìm trên đường đi những dấu chân của Vêrơska và không tin được rằng, cô gái mà anh đã có cảm tình nhường ấy vừa tỏ tình với anh và anh đã “từ chối” cô ấy một cách vụng về, lỗ mãng! Lần đầu tiên trong đời, anh nghiệm thấy rõ qua trường hợp của chính mình rằng con người ta phụ thuộc ít ỏi thế nào vào thiện chí của mình, rằng một người đứng đắn và chân thành, ngược với ý muốn của mình, đã gây cho người thân thiết của mình những nỗi đau khổ tàn nhẫn và không đáng có ra sao.

Lương tâm anh cắn rứt, và khi Vêrơska đi khuất hẳn, anh bắt đầu cảm thấy anh đã mất đi một cái gì rất quý, rất gần gũi, một cái gì anh không thể tìm lại được nữa. Anh cảm thấy rằng cùng với Vêrơska, một phần tuổi trẻ của anh đã trôi đi, rằng những phút mà anh vừa sống một cách hoài phí như vậy đã không bao giờ lặp lại nữa.

Đến chiếc cầu nhỏ, anh đứng lại nghĩ ngợi. Anh muốn tìm ra nguyên nhân của sự lạnh lùng kỳ quặc của mình. Anh thấy rõ rằng sự lạnh lùng ấy không phải tồn tại bên ngoài anh, mà ở chính trong tâm can anh. Anh thành thật thú nhận trước lương tâm mình rằng, đó không phải là sự lạnh lùng của lý trí – điều mà những người thông minh vẫn thường tự phụ, không phải là sự lạnh lùng của một tên ngu xuẩn vị kỷ, mà đó chỉ là sự bất lực của tâm hồn không còn khả năng tiếp nhận sâu xa cái đẹp, là sự già nua trước tuổi, kết quả của một cách giáo dục, của cuộc vật lộn xô bồ giành giật lấy miếng ăn, của một cuộc đời ở thuê, không người thân kẻ thuộc.

Rời khỏi cầu, anh bước chậm vào rừng như không muốn đi. Ở đây, giữa những khoảng rừng tối sẫm ánh trăng in loáng thoáng đó đây, anh không cảm thấy gì khác ngoài những ý nghĩ của chính mình và anh bỗng thiết tha muốn lấy lại những gì vừa mất.

Và Ôgơnép nhớ rằng anh đã quay lại trang ấp. Tự kích thích mình bằng những hồi tưởng, cố ép mình hình dung ra Vêrơska trong trí tương tượng, anh bước nhanh về phía vườn. Trên đường đi vào trong vườn, sương đã hết, trăng dọi chiếu từ trên trời như vừa được rửa sạch, chỉ có phía Đông che phủ một chút mây u ám… Ôgơnép nhớ lại bước chân dè dặt của mình, nhớ lại những khung cửa sổ tối đen, mùi hương ngào ngạt của hoa vòi voi và hoa réséda. Con chó Karô quen thuộc thân thiện vẫy vẫy đuôi đến gần bên anh và ngửi ngửi tay anh… Nó là sinh vật duy nhất nhìn thấy anh đã hai lần đi quanh nhà, đứng lặng dưới cửa sổ tối đen của Vêrơska, khoát tay một cái, thở dài rồi đi ra khỏi vườn.

Một giờ sau anh đã ở huyện lỵ, người mệt nhoài phờ phạc, anh tựa thân mình và đôi má nóng hổi vào cánh cổng quán trọ và gõ cửa. Có con chó nhà ai ngái ngủ sủa lên một lúc, và như để đáp lại tiếng gõ cửa của anh, chiếc kẻng gang gần nhà thờ vang lên ngân nga…

– Cứ tha thẩn chơi khuya mãi thôi… – ông chủ, dân tín đồ cựu giáo mặc chiếc áo sơ mi dài như áo đàn bà vừa làu bàu vừa mở cổng. – Đi chơi làm gì, ở nhà mà cầu nguyện có tốt hơn không.

Bước vào căn phòng của mình Ôgơnép ngồi phịch xuống giường và nhìn rất lâu, rất lâu lên ánh lửa, sau đó anh lắc mạnh đầu rồi ngả mình xuống giường ngủ…


  1. Réséda (tiếng Pháp) – một cây họ thảo có cụm hoa hình như bông hoặc chùm, hương rất thơm. 

  2. Cuộc hẹn hò (tiếng Pháp). 

  3. Về nhà (tiếng Ðức).