Những hạt mưa lớn rơi lộp bộp vào cửa sổ màu tối sẫm. Đấy là một trong những cơn mưa tai quái nơi nhà nghỉ mùa hè ngoại ô, những cơn mưa khi bắt đầu rồi, thường kéo dài hàng tuần lễ, chừng nào người đi nghỉ rét cóng, quen với cảnh ấy, hoàn toàn chìm đắm trong cảm giác chán chường. Tiết trời lạnh, không khí ẩm ướt khó chịu. Bà nhạc viên trạng sư Alếchxây Xtêpanứts Kơvasin và vợ anh là Nađegiơđa Philíppốpna mặc áo bành tô không thấm nước và trùm khăn san, ngồi sau chiếc bàn lớn trong phòng ăn. Vẻ mặt bà già như muốn nói, nhờ trời, bà được ăn no nê, mặc đầy đủ, chẳng bệnh tật ốm đau gì, bà gả cô con gái duy nhất cho một người tử tế và bây giờ bà có thể yên tâm mà bói bài; con bà là một cô gái thâm thấp, đẫy đà, tóc màu vàng, tuổi chừng hai mươi, khuôn mặt xinh xẻo xanh xao, cô ta ngồi tỳ khuỷu tay lên bàn mà đọc sách; nhìn qua đôi mắt cô có thể thấy rằng cô không chỉ đọc sách mà còn nghĩ đến một điều gì riêng tư mà trong sách không có. Cả hai người đều im lặng. Mưa vẫn rơi đều đều, từ phía nhà bếp nghe rõ những tiếng ngáp dài của mụ bếp.
Bản thân Kơvasin thì không có nhà. Vào những ngày mưa, anh không đi ra nhà nghỉ mà ở lại trong thành phố; thời tiết ẩm ướt ở nhà nghỉ ngoại ô ảnh hưởng xấu tới bệnh viêm phế quản của anh và cản trở anh làm việc. Anh luôn giữ ý kiến cho rằng cái vẻ u ám của bầu trời và những giọt mưa trên kính cửa bao giờ cũng lấy mất đi ở con người nghị lực làm việc và đem lại một cảm giác buồn rầu. Còn ở thành phố, nơi đầy đủ tiện nghi hơn, những cơn mưa dầm hầu như không làm ai để ý.
Sau hai lần bói bài, bà già thu cỗ bài lại và nhìn người con gái.
– Mẹ cứ thử đoán mãi, liệu không biết ngày mai trời có đẹp lên không và Alếchxây Xtêpanứts của chúng ta có về đây không, – bà già nói. – Đã năm ngày rồi anh ấy không về… Trời phạt chúng ta cứ mưa mãi thôi…
Nađegiơđa Philíppốpna nhìn mẹ một cách thờ ơ, cô ngồi dậy và đi từ góc nhà này sang góc kia.
– Hôm qua áp lực tăng lên, – cô nói ra chiều nghĩ ngợi, – nhưng hôm nay nghe nói là hạ xuống.
Bà già bày bài ra thành ba hàng dài và lắc lắc đầu.
– Con buồn lắm phải không? – bà già đưa mắt nhìn con gái và hỏi.
– Đúng thế đấy mẹ ạ!
– Mẹ cũng thấy vậy. Mà không buồn sao được? Đã năm ngày rồi anh không về. Dạo tháng Năm, lâu nhất là hai hay cùng lắm là ba ngày không về, còn bây giờ có điều để lo lắng – đã ngày thứ năm rồi! Mẹ chẳng phải là vợ anh mà cũng còn buồn nhớ nữa là. Ngày hôm qua, khi người ta mới nói là áp lực tăng lên, mẹ đã cho cắt tiết mấy con gà giò, làm ít cá diếc chờ Alếchxây Xtêpanứts về. Anh thích món ấy mà. Cha con đã quá cố, không chịu nổi cá, thế mà anh ấy thì lại thích. Lần nào nó cũng ăn trông ngon lành lắm.
– Con lo cho anh ấy quá mẹ ạ, – người con gái nói. – Hai mẹ con ở đây mà buồn thì anh ấy còn buồn hơn đấy mẹ ạ.
– Chứ gì nữa! Suốt ngày thì đi dự các phiên tòa, đến tối thì như con cú mèo ấy, ở một mình trong cả mấy buồng vắng ngắt.
– Mà lại còn sợ thế này nữa mẹ ạ, anh ấy ở đây một mình, không có ai hầu hạ, chẳng có ai bưng nước đặt ấm xamôva cả. Sao lại không thuê người hầu vào mấy tháng hè hả mẹ? Ừ, mà cả cái nhà nghỉ này nữa để làm gì nếu anh ấy không thích? Con đã nói với anh ấy – không cần thì thôi. Anh ấy nói: “Vì sức khỏe của em đấy”. Nhưng mà vì sức khỏe gì của con mới được chứ? Con cứ nghĩ rằng vì con mà anh phải chịu khổ như vậy là con đến phát ốm lên được.
Nhìn qua vai bà mẹ, người con gái nhận ra chỗ sai trong cách xếp bài, cô cúi xuống bàn và sửa lại. Im lặng. Cả hai cùng nhìn vào những quân bài và tự hình dung ra lúc này Alếchxây Xtêpanứts của họ đang sống cô đơn ngoài thành phố, ngồi làm việc trong căn phòng trống trải, thiếu ánh sáng, bụng đói, người mệt mỏi, rầu rĩ vì buồn nhớ gia đình…
– À mẹ có biết không? – Nađegiơđa Philíppốpna bỗng nói, đôi mắt cô sáng lên. – Nếu ngày mai tiết trời vẫn như thế này thì con sẽ đi chuyến tàu sáng về thành phố với nhà con. Ít ra là con cũng phải xem sức khỏe của nhà con ra sao, nhìn ngắm anh một lúc, rót nước chè cho anh uống chứ!
Và cả hai đều cảm thấy ngạc nhiên vì một ý nghĩ đơn giản mà dễ thực hiện như thế trước đây họ lại không nghĩ ra. Vào thành phố chỉ đi mất nửa giờ, sau đó thuê xe ngựa mất chừng hai mươi phút nữa. Hai người nói chuyện một lúc nữa rồi, với cảm giác thỏa mãn, lên giường đi ngủ cùng trong một buồng.
– Ôi… Cầu thượng đế tha tội cho chúng con! – bà lão thở dài nói khi đồng hồ trong phòng đã điểm hai tiếng. – Chả ngủ được!
– Mẹ không ngủ hả mẹ? – người con gái thì thào hỏi. – Con cứ nghĩ đến anh Aliôsa ấy mãi. Chẳng biết làm thế nào cho nhà con ở ngoài tỉnh đừng tự hủy hoại sức khỏe của mình. Có trời mà biết được nhà con ăn sáng, ăn trưa ở đâu, ở khách sạn hay các quán ăn.
– Mẹ cũng nghĩ thế, – bà già thở dài. – Trời phù hộ độ trì cho… Cứ mưa hoài mưa mãi thôi!
Sáng hôm sau, mưa không còn rơi vào cửa sổ nữa, nhưng bầu trời vẫn u ám như thế. Những hàng cây ủ rũ đứng yên và mỗi làn gió thổi đến lại rơi xuống những hạt nước đọng trên lá. Những vết chân người in trên con đường nhỏ bẩn thỉu, những cái rãnh và vệt bánh xe đều lõng bõng nước. Nađegiơđa Philíppốpna quyết định lên đường.
– Con bảo với anh ấy mẹ gửi lời chào, – bà già vừa mặc áo ấm cho con gái vừa nới. – Con nói anh đừng ham việc ở các tòa án quá… Cần phải nghỉ ngơi một chút. Khi ra phố nhớ dặn anh quàng khăn cổ: tiết trời thế phải coi chừng. Ừ mà con mang cho anh ấy món thịt gà hôm qua; thịt ở nhà làm dù để cách hôm rồi cũng còn ngon hơn ngoài quán ăn.
Người con gái đi ra ga và nói rằng sẽ trở về nhà nghỉ vào chuyến tàu tối hoặc là sáng mai.
Nhưng cô đã trở về sớm hơn dự định rất nhiều, trước bữa ăn trưa, khi bà già ngồi trong buồng ngủ của mình, trên chiếc rương, lim dim mắt thiu thiu, vừa nghĩ xem đến bữa chiều kiếm thức gì để rán cho người con rể ăn.
Người con gái bước vào phòng vẻ mặt nhợt nhạt, buồn rười rượi; cô không nói một lời nào, không bỏ mũ ra, ngồi xuống giường và gục đầu xuống gối.
– Con làm sao thế? – bà già sửng sốt hỏi. – Sao về nhanh thế? Alếchxây Xtêpanứts đâu?
Nađegiơđa Philíppốpna ngẩng đầu lên, đưa cặp mắt ráo hoảnh, đầy vẻ khẩn cầu nhìn mẹ.
– Anh ấy lừa chúng ta rồi mẹ ạ! – cô gái thốt lên.
– Con nói gì lạ vậy, sao lại thế được? – bà già sợ hãi nói, chiếc mũ chụp trên đầu rơi xuống. – Ai lại đi lừa mẹ con ta? Không thể thế được!
– Anh ấy lừa chúng ta rồi, mẹ ạ! – người con gái nhắc lại, chiếc cằm run run.
– Nhưng mà sao con lại nói thế? – bà già kêu lên, mặt tái nhợt.
– Nhà ở của mình cửa đóng then cài. Người quét sân nói rằng, năm ngày qua anh ấy không về nhà lần nào cả. Anh ấy không ở nhà! Không ở nhà! Không ở nhà!
Người con gái khoát khoát tay rồi òa lên khóc, chỉ còn nói được mỗi câu:
– Không ở nhà! Không ở nhà!
Cơn thần kinh bắt đầu hành hạ cô.
– Thế này là thế nào? – bà già kinh hãi làu bàu nói. – Ngày thứ ba vừa rồi nó viết thư bảo rằng không đi đâu ra khỏi nhà cơ mà! Nó ngủ ở đâu mới được chứ? Lại có chuyện lạ lùng thế nữa!
Nađegiơđa Philíppốpna rã rời chân tay đến nỗi không thể bỏ cái mũ trên đầu xuống. Hệt như là người ta đã cho cô ăn một ít thuốc mê, đôi mắt ngây dại của cô đưa qua đưa lại, cô run rẩy níu lấy tay mẹ.
– Con cũng khéo tìm được người mà tin, tin một đứa quét sân! – bà già nói, lấn bấn bên con gái và khóc. – Con thật là hay ghen quá. Anh ấy không lừa đâu… Mà làm sao anh ấy dám lừa cơ chứ? Mẹ con ta nào phải là người tồi tàn? Chúng mình tuy tiếng là dân buôn bán, nhưng mà anh ấy không có quyền làm thế, vì rằng con là vợ hợp pháp của anh ấy! Chúng mình có thể kêu lên trên. Mẹ đã cho con hai chục nghìn. Con có phải là đứa không của hồi môn đâu!
Và đến lượt bà già cũng òa lên nức nở, tay khoa khoa lên, toàn thân rã rời, rồi nằm xuống chiếc rương của mình. Cả hai đều không thấy rằng trên trời đã bắt đầu lộ ra những khoảng trời xanh, mây tan dần, vệt nắng đầu tiên yếu ớt in trên thảm cỏ ướt đẫm trong vườn, những chú chim sẻ thích chí nhảy nhót bên vũng nước in hình những đám mây đang bay nhanh.
Khoảng chập tối thì Kơvasin về. Trước khi rời thành phố anh ta đã ghé qua nhà và được người quét sân cho biết là khi anh đi vắng vợ anh có lên thăm.
– Đấy, tôi đã về đây này! – anh ta vừa bước vào phòng mẹ vợ, vừa vui vẻ nói, làm ra vẻ như không nhận thấy những khuôn mặt rầu rĩ, chưa ráo nước mắt. – Tôi đã về đây này! Năm ngày đêm rồi không gặp nhau!
Anh ta nhanh nhảu hôn tay vợ và bà nhạc; rồi với điệu bộ của người vừa thích thú làm xong một công việc vất vả, anh ta ngồi phịch xuống chiếc ghế bành.
– Ồi! – anh ta thốt lên như trút ra khỏi hai lá phổi tất cả không khí. – Chà mệt sao là mệt! Ngồi không vững nữa! Gần năm ngày đêm… lúc nào cũng sống như lính trong lán trại! Không về nhà một lần nào cả, em có thể tưởng tượng được không. Suốt ngày bận bịu với chuyện kiện cáo nợ nần của Sưpunốp và Ivantsikốp, lại phải làm việc ở văn phòng của Ganđeép trong cửa hàng… Ăn không ra ăn, uống không ra uống, ngủ qua loa trên ghế, người lạnh cóng… Chẳng được phút nào rỗi rãi, không còn lúc nào mà về nhà nữa. Thế đấy, em ạ, anh cũng không ở nhà mấy hôm vừa rồi…
Kơvasin hai tay tì vào hông ra vẻ như vì làm việc nhiều bị đau vùng thắt lưng, anh ta liếc nhìn vợ và bà nhạc xem tác động của những lời dối trá vừa rồi đến đâu – những lời nói mà chính anh ta tự gọi là phép “ngoại giao”. Bà nhạc và người con gái ngạc nhiên, sung sướng nhìn nhau, như bất ngờ nhặt lại được một vật quý đã bị mất… Gương mặt hai người sáng lên, đôi mắt lộ vẻ mừng rỡ…
– Con thân yêu của mẹ, – bà nhạc vừa đứng bật dậy vừa nói, – sao mà từ nãy đến giờ mẹ cứ ngồi yên mãi thế này nhỉ? Đem nước chè ra! Đem nước chè ra nhanh lên! Con có muốn ăn chút gì nữa không?
– Tất nhiên là anh ấy muốn! – người vợ vừa cởi chiếc khăn trùm đầu bị dây giấm vào để khỏi đau đầu. – Mẹ ơi, mẹ lấy rượu mùi và thức nhắm ra nhanh đi! Natalia, dọn ra bàn đi! Ôi, lạy Chúa, chẳng kịp chuẩn bị tý gì cả!
Và cả hai người vừa sợ, vừa mừng, tất tả chạy ngược, chạy xuôi trong mấy căn phòng. Bà già không thế giấu được nụ cười mà nhìn con gái, vừa mới lúc nãy kia thôi còn nói xấu cho một người hoàn toàn vô tội, cô gái thì cảm thấy lương tâm cắn rứt…
Một lát sau bàn ăn đã dọn. Kơvasin ngồi vào bàn, thở khó nhọc vì bụng quá no, từ người anh ta còn tỏa ra mùi rượu nho và rượu ngọt; luôn miệng phàn nàn rằng mình đói bụng, anh ta vừa miễn cưỡng ăn vừa huyên thuyên nói về chuyện kiện cáo nợ nần của Sưpunốp và Ivantsikốp, còn người vợ với bà nhạc thì không rời mắt khỏi khuôn mặt anh ta và thầm nghĩ:
“Anh ấy thật thông minh, đáng yêu làm sao! Trông mới đẹp làm sao!”
Ăn bữa tối xong, Kơvasin nằm trên chiếc giường trải đệm lông chim dày và nghĩ:
“Được đấy! Tuy họ là dân buôn bán thôi, chẳng có học thức gì, nhưng dầu sao họ vẫn có nét dễ yêu riêng đấy chứ, kể một tuần xuống đây ở một hai ngày cũng thú…”
Anh ta kéo chăn đắp cho ấm rồi vừa thiêm thiếp ngủ vừa nói:
– Được đấy!