Thưa ông Paven Vaxilíts, ở nhà ngoài có một bà nào ấy đến muốn hỏi ông, – Luka bẩm tâu. – Có dễ bà ấy chờ một tiếng đồng hồ rồi…
Paven Vaxilíts vừa dùng bữa sáng xong. Nghe nói đến một bà, ông cau mày bảo:
– Thây kệ bà ta! Nói với bà ta rằng, tôi đang bận.
– Thưa ông Paven Vaxilíts, bà ấy đã năm lần đến đây rồi ạ. Bà ấy nói rất cần gặp mặt ông… Chỉ thiếu chút nữa là khóc òa.
– Hừm… Thôi được rồi, cho gọi bà ta vào phòng làm việc.
Paven Vaxilíts thong thả mặc chiếc áo veston vào, một tay cầm bút, tay kia cầm một cuốn sách, làm ra vẻ một người đang rất bận, ông bước vào phòng làm việc. Bà khách đã chờ sẵn ở đây – một bà béo ục ịch, mặt phì nộn đỏ bừng, mắt đeo kính, trông bề ngoài cũng ra dáng đáng kính lắm, bà ta ăn vận quá ư lịch sự (bà mặc một chiếc váy xòe bốn lớp có giá độn bên trong và một chiếc mũ cao có gắn một con chim khô màu hung). Thấy chủ nhân, bà ta ngước mắt nhìn lên, hai cánh tay đặt chéo trên ngực như người cầu nguyện.
– Chắc chắn là ông không còn nhớ tôi, – bà ta mào đầu bằng một giọng nam cao, trông rõ ra người đang xúc động. – Tôi… tôi đã từng có vinh hạnh được làm quen với ông ở nhà Khơrútxki. Tôi là Muraskina…
– À-à-à… Mời chị ngồi xuống! Tôi có thể giúp ích gì cho chị được.
– Ông thấy không, tôi… tôi… – bà ta vừa ngồi xuống vừa nói tiếp, và càng tỏ ra xúc động hơn. – Ông không còn nhớ tôi… Tôi là Muraskina… Ông biết không, tôi là một người hết sức hâm mộ tài năng của ông và bao giờ cũng cảm thấy vô cùng hứng thú được đọc những bài báo của ông… Ông đừng nghĩ rằng tôi phỉnh nịnh ông, xin ông hiểu cho, tôi chỉ bày tỏ tấm lòng thành của tôi thôi… Lúc nào, lúc nào tôi cũng đọc ông! Ở một chừng mực nào đấy, tôi cũng không xa lạ với cái gọi là bản quyền tác giả, có nghĩa là, tất nhiên… tôi không dám tự nhận mình là nhà văn, nhưng dù sao… thì trong chõ mật văn chương chúng tôi cũng có vài giọt đóng góp… Ở những thời gian khác nhau tôi đã được in ba truyện thiếu nhi, tất nhiên là ông chưa đọc… tôi đã dịch nhiều và… và người em quá cố của tôi đã từng làm việc ở tòa báo “Sự nghiệp”1.
– Thế thế… è è è… Tôi có thể giúp ích gì cho chị được?
– Ông biết không… (Bà ta đưa mắt nhìn xuống, mặt ửng đỏ) Tôi được biết đến tài năng của ông… biết những quan điểm của ông, ông Paven Vaxilíts ạ, và tôi muốn được biết ý kiến của ông, hay đúng hơn là… muốn được nghe những lời khuyên bảo. Cần phải nói với ông, pardon pour l’expression2, tôi vừa cất được một gánh nặng là viết xong một vở kịch, và trước khi gửi nó đi sở kiểm duyệt, tôi muốn được biết ý kiến của ông.
Như một con chim vừa bị bắt, Muraskina run run tìm trong váy áo của mình một lát rồi rút ra một cuốn vở dày cộp.
Paven Vaxilíts chỉ yêu thích những tác phẩm của mình, còn những cái của người khác mà người ta nhờ ông đọc hộ hay nghe hộ thì bao giờ cũng cho ông ấn tượng của một nòng súng đại bác đen ngòm chĩa thẳng vào mặt. Trông thấy cuốn vở dày cộp, ông phát hoảng và vội vàng nói:
– Được rồi, chị cứ để lại đây… tôi sẽ đọc.
– Ông Paven Vaxilíts? – Muraskina vừa đứng dậy, xếp chéo hai tay trên ngực như người cầu nguyện vừa dịu giọng. – Tôi biết ông bây giờ rất bận… đối với ông mỗi phút đều quý, tôi cũng biết rằng thực bụng ông bây giờ chẳng coi tôi ra cái gì cả đâu… nhưng ông làm ơn cho phép tôi đọc cho ông nghe vở kịch của tôi ngay bây giờ… Xin ông rủ lòng thương!
– Tôi rất sung sướng… – Paven Vaxilíts lúng túng nói, – nhưng, chị ạ, tôi… tôi đang rất bận… Ngay bây giờ… tôi phải đi ngay.
– Ông Paven Vaxilíts! – bà ta rên rỉ nói, nước mắt đã giàn giụa. – Tôi muốn ông bộc lộ đức hy sinh! Tôi biết tôi rất trơ tráo, gàn dở, dai như đỉa; nhưng xin ông hãy tỏ lòng rộng lượng! Ngày mai tôi đã đi Kadan rồi, và hôm nay tôi muốn được biết ý kiến của ông. Xin ông hãy dành cho tôi một nửa giờ… chỉ một nửa giờ thôi! Tôi cầu van ông!
Paven Vaxilíts là một người thiếu cương quyết, ông không biết cách từ chối. Khi ông bắt đầu cảm thấy rằng nữ sĩ kia sắp khóc nức nở, sắp quỳ xuống, thì ông trở nên ngượng và lắp bắp nói bối rối:
– Thôi được rồi… tôi nghe đây… Nửa giờ thì tôi sẵn sàng.
Muraskina kêu lên sung sướng, bà bỏ mũ ra, ngồi xuống và bắt đầu đọc. Thoạt tiên bà ta đọc đoạn hai người hầu trai lơ và hầu gái, trong khi soạn dọn một phòng khách sang trọng, nói chuyện huyên thuyên với nhau về tiểu thư Anna, người đã xây một trường học và bệnh viện ở trong làng. Khi người hầu trai đi ra, người hầu gái đọc một đoạn độc thoại giảng giải rằng học hành là ánh sáng, không học là u tối; sau đó Muraskina lại cho người hầu trai vào phòng khách và bắt anh ta thuyết một độc thoại dài về một vị tướng nam tước không chịu được ý muốn của con gái, định đem cô ta gả cho một kẻ công chức giàu có, và ông ta nhận ra rằng lối thoát của dân chúng là sự ngu độn hoàn toàn. Sau đó, khi người hầu gái đi ra, thì chính tiểu thư xuất hiện và bộc bạch với khán giả rằng nàng đã suốt đêm không ngủ và nghĩ tới anh Valentin con trai một thầy giáo nghèo, phải luôn luôn giúp đỡ người cha của mình. Valentin đã học qua mọi ngành khoa học, nhưng anh không tin chút nào vào tình bạn, tình yêu, không biết đến mục đích của cuộc sống, anh thèm được chết và bởi vậy nàng phải cứu lấy anh.
Paven Vaxilíts ngồi nghe và buồn rầu nghĩ tới chiếc đivăng của mình. Ông bực tức ghé nhìn sang Muraskina và cảm thấy rõ cái giọng nam cao của bà ta đang xói vào màng nhĩ tai ông như thế nào, chẳng còn hiểu là bà ta đang nói những gì nữa, ông nghĩ:
“Thật là ma quỷ đưa lại… Tôi cần phải nghe cái trò ngu độn này của bà ta lắm à!… Thì tôi mắc tội tình gì nếu bà ta đã viết ra một vở kịch? Trời ơi, mà cuốn vở bà ta cầm sao nó dày thế kia kìa! Thật là một sự trừng phạt!”
Paven Vaxilíts nhìn lên khoảng tường nơi treo ảnh vợ và ông sực nhớ ra rằng, vợ ông đã sai ông đi mua và đem đến nhà nghỉ ngoại ô cho bà năm arsin3 vải khổ hẹp, một phun-tơ4 phó mát và thuốc đánh răng.
“Cầu trời cho tôi đừng đánh mất mẩu vải mẫu, – ông nghĩ. – Không biết tôi nhét nó vào đâu rồi? Hình như ở trong túi áo veston màu xanh thì phải… Còn cái lũ ruồi đê tiện kia cuối cùng cũng đã kịp làm bẩn cả tấm ảnh của vợ… Phải sai cô Onga lau rửa kính thôi… Bà ta đang đọc cảnh thứ XII nghĩa là sắp hết màn một rồi. Lẽ nào vào lúc trời oi bức như thế này, hơn nữa ở một khối thịt phì nộn như mụ kia lại có thể có sự hưng phấn sáng tạo? Viết kịch làm gì, chén một đĩa súp lạnh rồi chui vào hầm mát mà ngủ có tốt hơn không…”
– Ông có cho là đoạn độc thoại này hơi dài không? – bất thình lình Muraskina ngước mắt lên hỏi.
Paven Vaxilíts không nghe thấy đoạn độc thoại. Ông cảm thấy ngượng ngùng và trả lời bằng một giọng ân hận hệt như không phải nữ sĩ kia mà là chính ông đã viết nên đoạn ấy:
– Không, không, không dài chút nào… Khá lắm…
Vẻ mặt Muraskina rạng rỡ lên vì sung sướng, bà ta tiếp tục đọc:
– Anna. Óc phân tích làm khổ anh. Anh đã ngừng sống bằng trái tim quá sớm và chỉ tin cậy vào lý trí. – Valentin. Trái tim là cái gì? Đó là một khái niệm giải phẫu học. Tôi không chấp nhận nó là một thuật ngữ ước lệ dùng để chỉ tình cảm. – Anna (ngượng nghịu). Thế còn tình yêu? Lẽ nào cái đó cũng là sản phẩm của những mối liên tưởng tư duy? Anh hãy thành thực nói xem: đã bao giờ anh yêu chưa? – Valentin (buồn rầu). Chúng ta sẽ không động đến những vết thương cũ còn chưa lên da non (ngừng lại). Chị đã nghĩ ngợi nhiều về điều gì? – Anna. Tôi có cảm tưởng rằng anh không phải là một người hạnh phúc”.
Đến cảnh thứ XVI thì Paven Vaxilíts ngáp dài, hàm răng ông vô tình lập cập đánh vào nhau làm phát ra âm thanh như khi chó đớp ruồi. Ông phát hoảng vì cái âm thanh bất lịch sự ấy và để che giấu nó, ông cố làm ra vẻ đang nghe một cách chăm chú, dịu dàng nhất.
“Cảnh thứ XVII… Đến lúc nào mới xong? – ông nghĩ. – Trời ơi! Nếu cái tai vạ khổ sở này kéo dài thêm mười phút nữa thì tôi sẽ gọi tên gác cửa đến… Không thể chịu được nữa!”
Nhưng kia, cuối cùng nữ sĩ đã bắt đầu đọc nhanh hơn, to hơn, rồi cao giọng đọc chữ: “Màn hạ”.
Paven Vaxilíts thở ra nhẹ nhõm và đã định đứng lên thì ngay lúc đấy Muraskina giở sang trang và tiếp tục đọc:
– Màn hai. Sân khấu bài trí một con đường làng. Bên phải là trường học, bên trái là nhà thương. Những người nông dân vừa nam vừa nữ ngồi trên bậc thềm nhà thương.
– Xin lỗi… – Paven Vaxilíts ngắt lời. – Có bao nhiêu màn tất cả?
– Năm màn, – Muraskina trả lời và ngay sau đó, như sợ người nghe kịp bỏ ra, liền đọc tiếp rất nhanh – Valentin đứng bên cửa sổ trường học nhìn ra. Trông rõ phía sân trên sân khấu, nông dân đang mang những đồ đạc lỉnh kỉnh của mình vào quán rượu.
Như một tên tù bị khép vào tội tử hình và tin chắc rằng không thể nào được giảm tội, Paven Vaxilíts không chờ đọc hết nữa, ông không còn hi vọng vào một điều gì nữa, mà chỉ cố gắng làm sao cho mí mắt đã nặng trĩu của mình không bị khép lại, làm sao cho mặt mình không bị mất đi cái vẻ chăm chú lắng nghe… Cái tương lai mà lúc nữ sĩ sẽ đọc xong vở kịch và đi ra đã trở nên xa lắc xa lơ đối với ông đến mức ông không còn nghĩ đến nó nữa.
– U-u-u-u… – giọng nói của Muraskina vang lên như thế trong tai ông. – U-u-u-u…
“Mình quên uống nước natri cacbonat rồi, – ông nghĩ. – Mình đang nghĩ gì ấy nhỉ? À, nghĩ về nước natri cacbonat… Chắc là mình bị viêm dạ dày rồi… Thật là kỳ lạ: thằng cha Xmirơnốpxki suốt ngày nốc rượu vốtka mà đến bây giờ nó vẫn chẳng bị đau dạ dày gì cả… Trên cửa sổ có con chim nào đậu thế kia nhỉ… À, chim sẻ…”
Paven Vaxilíts cố hết sức giương mi mắt đang bị kéo trĩu xuống, ông ngáp mà không há to mồm và nhìn lên Muraskina. Hình dáng bà ta mờ mờ đi, lúng liếng trong mắt ông, trông thành ra có ba đầu, một đầu gối lên trần nhà…
– Valentin. Không, cho phép tôi đi thôi… – Anna (run sợ). Vì lẽ gì? – Valentin (nhìn sang một bên). Gương mặt nàng tái nhợt rồi! (Nói với nàng.) Đừng bắt tôi phải giải thích lý do. Tôi thà chết còn hơn là để chị biết những lý do ấy. – Anna (sau một lát im lặng). Anh ta không thể đi được đâu…
Hình Muraskina dần dần to lên phình ra thành một khối đồ sộ và hòa lẫn với bầu không khí xam xám, oi nồng trong căn phòng, chỉ còn nhìn thấy mồm bà ta đang động đậy, sau đó bất ngờ bà ta bỗng thu bé lại như cái chai, chao qua chao lại rồi lùi xa vào trong góc phòng cùng với chiếc bàn…
– Valentin (ôm Anna trong vòng tay). Em đã phục sinh cho anh, đã chỉ cho anh thấy mục đích cuộc đời! Em đã làm anh sống lại như cơn mưa mùa xuân làm sống lại mảnh đất vừa thức tỉnh! Nhưng… muộn rồi, muộn rồi! Lòng anh đã bị một bệnh không thể nào chữa được đục khoét…
Paven Vaxilíts rùng mình, hướng đôi mắt mệt mỏi lơ mơ của mình về phía Muraskina, ông nhìn một phút liền không chớp mắt, như không còn hiểu gì nữa…
– Cảnh thứ XI. Vẫn những người ấy, vị nam tước và cảnh sát viên với những người làm chứng… Valentin. Bắt tôi đi! – Anna. Tôi là của anh ấy! Bắt cả tôi nữa! Vâng, bắt cả tôi đi! Tôi yêu anh ấy, yêu hơn cả cuộc sống! – Nam tước. Cô Anna, cô quên mất rằng, làm như thế là cô giết chết người cha của mình…
Hình Muraskina lại nở to ra… Dữ tợn đảo mắt nhìn quanh, Paven Vaxilíts từ từ đứng dậy, kêu lên bằng một giọng ồm ồm không tự nhiên chút nào, nhanh tay vơ lấy chiếc bàn thấm, rồi không còn kịp nghĩ ngợi gì nữa, ông ráng hết sức đập mạnh lên đầu Muraskina…
– Trói tôi đi, trói tôi đi, tôi giết chết bà ta rồi! – một phút sau ông ta nói như thế với người hầu gái vừa chạy vào phòng.
Các vị thẩm phán đã bênh vực cho ông ta trắng án.
“Sự nghiệp” – tạp chí khoa học – văn chương ra hàng tháng, theo khuynh hướng dân chủ cấp tiến, xuất bản ở Pêtérburg vào khoảng 1866-1888. ↩
Xin lỗi vì cách nói chưa được gãy gọn (tiếng Pháp). ↩
Arsin – một đơn vị độ dài dùng ở nước Nga, tương đương 0,71 m. ↩
Phun-tơ – một đơn vị trọng lượng dùng ở nước Nga, tương đương 409,5gr. ↩