Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, quê huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc… Năm 1960, gia đình chuyển về quê, định cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ, Hà Nội. Năm 1970, ông tốt nghiệp khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và lên dạy học tại Tây Bắc đến năm 1980. Năm 1980, ông chuyển về làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó, làm việc tại Công ty Kỹ thuật trắc địa bản đồ, Cục Bản đồ cho đến khi về hưu. Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng giáo dục chủ yếu của ông ngoại, vốn là người am hiểu nho học và mẹ, vốn là người sùng đạo Phật.
Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ năm 1986. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp in dấu ấn khá đậm nét về nông thôn và những người lao động.
Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Sở trường của Nguyễn Huy Thiệp là truyện ngắn, có thể tạm được phân loại như sau:
- Về lịch sử và văn học: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Nguyễn Thị Lộ, Mưa Nhã Nam, Chút thoáng Xuân Hương…
- Truyện ngắn mang hơi hướm huyền thoại hoặc “cổ tích”: Những ngọn gió Hua Tát, Con gái thủy thần, Giọt máu, Muối của rừng, Chảy đi sông ơi, Trương Chi…
- Về xã hội VN đương đại: Không có vua, Tướng về hưu, Cún, Sang sông, Tội ác và trừng phạt…
- Về đồng quê và những người dân lao động: Thương nhớ đồng quê, Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ…