Được sự đài thọ của Quỹ từ thiện Mỹ “Đzatơ”, một nhóm chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Mỹ chia nhau đi các nước chậm phát triển để điều tra xem nguyên nhân tại sao các nước này lại chậm phát triển. Lúc đầu người ta định gọi chuyến đi của họ là “Cuộc đi khảo sát các nước lạc hậu”. Nhưng sau, xét thấy hai chữ “lạc hậu” có thể mang ý xúc phạm, nên để phù hợp với đường lối đạo đức quốc tế mới, và tranh thủ cảm tình của dân chúng các nước này, người ta thay nó bằng mấy chữ “chậm phát triển”.
Theo sự phân công của Quỹ, ông Trânđơ Uity, giáo sư kinh tế, được phái sang nước Thổ Nhĩ Kỳ. Để giảm nhẹ nhiệm vụ cho giáo sư, người ta tìm sẵn cho ông một người ở Thổ Nhĩ Kỳ để khi sang đó ông chỉ việc tìm cách gặp gỡ, tiếp xúc, đặng thu lượm tin tức. Người ấy tức là ngài Xưtcư, một trong những nhân vật có uy tín nhất về lĩnh vực nói trên.
Khoảng hai, ba tháng sau khi đã hoàn thành sứ mạng của Quỹ Đzatơ tại các nước chậm phát triển, tất cả các chuyên gia và giáo sư đều đã trở về Mỹ. Duy giáo sư Trânđơ Uity, đi nghiên cứu nước Thổ Nhĩ Kỳ, là vẫn không thấy trở về, mà lại cũng không có một tí tin tức gì.
Sợ rằng có thể giáo sư bị ốm, Quỹ Đzatơ đã nhờ giới cầm quyền ở Thổ cho biết địa chỉ của ông, và ngày 26 tháng 4 đã gửi cho ông một bức thư. Ngay sau đó Quỹ đã nhận được thư phúc đáp của giáo sư. Quỹ lại gửi tiếp cho giáo sư một lá thư nữa và cũng lại nhận được thư trả lời ngay. Một cuộc trao đổi thư từ thế là đã thiết lập giữa Quỹ và giáo sư. Sắp tới những bức thư này sẽ được in thành một cuốn sách gồm 3 tập, và theo như người ta dự đoán, những tập thư này có thể trở thành một tác phẩm bán chạy nhất, không phải chỉ ở Mỹ, mà ở khắp thế giới.
Một người Mỹ lãnh việc xuất bản những tập thư này vốn là người bạn cũ của tôi. Ông muốn biết ý kiến của tôi về việc này nên đã gửi cho tôi xem bản thảo. Về phần tôi, xét thấy cũng là điều bổ ích, tôi muốn công bố ra đây một vài bức thư trong số đó để các độc giả cùng đọc.
Ngày 24 tháng Tư năm 1958
Ông Trânđơ Uity thân mến,
Tất cả mọi thành viên trong Tiểu ban nghiên cứu các nước chậm phát triển, trừ có ông, đều đã trở về nước. Chúng tôi rất lo lắng vì đã bốn tháng nay không nhận được tin tức gì của ông.
Chờ thư ông.
Gửi ông lời chào trân trọng.
Ngày 28 tháng Tư năm 1958
Thưa các ngài,
Xin cám ơn các ngài về bức thư ngày 24 tháng Từ 1958. Tôi rất buồn vì cho đến bây giờ vẫn chưa thể cung cấp cho các ngài tin tức gì. Suốt 4 tháng trời nay tôi không sao tiếp xúc được với những nhân vật có thể cung cấp những tin tức cần thiết chỉ vì vướng những ngày hội.
Tự thấy chưa được phép trở về nước khi chưa hoàn thành nhiệm vụ mà Quỹ Đzatơ giao phó, nên tôi quyết định ở lại đây cho đến tận bây giờ. Tôi hi vọng có thể gặp được ngài Xưtcư và các đồng lnghiệp của ông ta trong một ngày gần đây.
Người cộng sự trung thành của các ngài.
Ngày 1 tháng Năm năm 1958
Gửi ông Trânđơ Uity
Chúng tôi hi vọng là đã không hiểu nhầm khi nghĩ rằng ông có ý nói đùa, vì không có nước nào mà hội hè lại có thể kéo dài suốt bốn tháng trời được. Vậy chúng tôi mong rằng chậm nhất là sang tháng Năm này ông sẽ gặp được ngài Xưtcư và các đồng nghiệp của ông ta để hoàn tất công cuộc nghiên cứu, và trong thời gian ngắn nhất có thể trở về nước với bản phúc trình đầy đủ về vấn đề tại sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn là nước chậm phát triển.
Gửi ông lời chào thành thực.
Ngày 5 tháng Năm năm 1958
Thưa các ngài
Vào ngày 1 tháng Năm, tức là ngày các ngài viết thư cho tôi, tôi vẫn đang tiếp tục đi tìm ông Xưtcư. Nhưng vì Mồng một tháng Năm là ngày Hội mùa xuân của Thổ Nhĩ Kỳ nên tôi không tài nào tìm được ông ta. Nhưng nhất định thế nào tôi cũng đạt được mục đích. Tôi hi vọng sẽ gặp được ông ta vào một ngày nào đó không phải ngày hội.
Trong bức thư trước tôi không có nói rằng hội hè ở đây kéo dài suốt 4 tháng. Tôi chỉ muốn nói rằng suốt 4 tháng trời tôi không tài nào gặp được ngài Xưtcư vì vướng những ngày hội. Xin các ngài lưu ý cho sự khác nhau giữa hai cách nói. Tôi vẫn chưa mất hi vọng và cho rằng có thể gặp được ngài Xưtcư và các bạn của ông ta vào ngày 6 tháng Năm này.
Đồng sự trung thành của các ngài.
Trânđơ Uity
Ngày 18 tháng Năm năm 1958
Ông Trânđơ Uity thân mến
Bức thư ông báo cho biết ngày 6 tháng Năm chắc chắn ông phải gặp được ngài Xưtcư làm chúng tôi hết sức vui mừng.
Nhưng từ đó đến nay không nhận được thêm tin tức gì của ông, chúng tôi lại bắt đầu thất vọng. Chúng tôi nóng lòng chờ thư trả lời của ông.
Quỹ Đzatơ
Ngày 2 tháng Sáu năm 1958
Các ngài kính mến,
Quả thực tôi có báo cho các ngài biết rằng tôi có hi vọng gặp được ngài Xưtcư vào ngày 6 tháng Năm. Nhưng hôm ấy lúc tôi đến chỗ ông ta, thì ông ta đã đi mất, vì ngày 6 tháng Năm ở Thố Nhĩ Kỳ là ngày Hưdưa Iliát1 nên không thể gặp ai ở nhà hay ở sở cả. Tôi có thể để lại cho ông ta tấm danh thiếp và báo để ông ta biết tôi sẽ lại thăm ông ta vào ngày 15 tháng Năm. Nhưng ông Xưtcư gọi điện cho tôi đề nghị hoãn sang ngày khác, vì ngày 15 tháng Năm là “Ngày tưởng nhớ các anh hùng phi công tử trận” và vào ngày đó ông phải đọc một bài diễn văn quan trọng. Sáng 19 tháng Năm, tôi lại gọi điện cho ông Xưtcư để thỏa thuận thời gian gặp nhau, nhưng vì 19 tháng Năm là “Ngày hội thể thao và thanh niên” nên cuộc gặp của chúng tôi lại phải hoãn sang ngày khác. Mong các ngài tin rằng tôi không hề dám lơ là trách nhiệm được giao phó và luôn luôn bám sát dấu vết của ông Xưtcư. Tôi vẫn hi vọng chắc chắn sẽ gặp được ông ta vào một ngày không phải ngày hội trong tháng Sáu này.
Đồng sự trung thành của các ngài
Trânđơ Uity
Ngày 27 tháng Sáu năm 1958
Ông Trânđơ Uity thân mến
Chúng tôi đã nhận được tin mừng của ông báo cho biết rằng chắc chắn ông sẽ gặp được ngài Xứtcư nội trong tháng Sáu này. Nhưng vì tháng Sáu đã sắp hết mà vẫn không nhận được tin gì mới của ông, nên tất cả chúng tôi, những đồng nghiệp của ông, lại lấy làm thất vọng. Chúng tôi đề nghị ông nếu thấy không thể gặp được ông Xưtcư thì hãy tiếp xúc với những người khác để lấy các tin tức cần thiết. Chờ thư ông.
Gửi ông lời chào trân trọng.
Ngày 18 tháng Bảy năm 1958
Thưa các ngài,
Sở dĩ tôi chậm phúc đáp là vì muốn chờ một tin vui để báo cho các ngài. Tôi xin nói ngay để các ngài biết rằng tôi sẽ không từ bỏ quyết tâm gặp bằng được ngài Xưtcư và các bạn bè của ông ta, dù rằng trong vòng vài ngày tới tôi vẫn chưa thực hiện được điều đó. Hôm qua tôi lại đến chỗ ông Xưtcư, nhưng rất tiếc vẫn không gặp, vì từ ngày hôm kia là hội Cuốcban Bai-ram2. Hội này kéo dài bốn ngày, tức là đến ngày 20 tháng Bảy, và trong thời gian này mà tìm gặp ông Xưtcư thì thật là bất tiện. Ngày 1 tháng Bảy, tức là vào hôm tôi nhận được thư của các ngài, chúng tôi đã suýt gặp được nhau, nhưng rất tiếc ngày 1 tháng Bảy lại là ngày hội Cabôta3, nên cuối cùng lại không được gặp. Xin các ngài đừng nghĩ là tôi không nỗ lực trong việc tìm gặp bằng được ngài Xưtcư. Mới hôm qua tôi lại tìm đến nhà ông ta. Nhưng khi biết rằng ngày 17 tháng Bảy là ngày hội tôn giáo Asura, nên tôi lại không dám quấy rầy ông.
Các ngài có khuyên tôi nếu thấy không thể gặp được ngài Xưtcư và các đồng nghiệp của ông ta, thì tìm gặp các nhân vật khác để thu thập tin tức. Thú thực là không phải là tôi không nghĩ đến chuyện đó. Nhưng vì suốt tháng trời nay tôi theo đuổi ông Xưtcư, nên bây giờ, nếu tôi từ bỏ ý định tìm gặp ông ta vào đúng lúc mà tôi cho rằng tất cả các hội hè hầu như đã vãn, thì toàn bộ công sức của tôi coi như là uổng phí. Với lại, xin các ngài chớ quên rằng đi tìm một nhân vật mới để làm quen ở xứ sở này có thể cũng phải mất đến tám tháng.
Vì vậy tôi quyết định bằng bất cứ giá nào cũng phải tiếp tục tìm gặp bằng được ngài Xưtcư vào một ngày nào đó không phải ngày hội. Hi vọng từ nay đến cuối tháng có thể báo cho các ngài biết tin vui.
Trânđơ Uity
Ngày 2 tháng 9 năm 1958
Ông Trânđơ Uity,
Cả tháng Bảy và tháng Tám đều đã qua mà chúng tôi vẫn không nhận được tin gì của ông. Chờ thư ông.
Ngày 10 tháng 9 năm 1958
Thưa các ngài,
Tôi xin thông báo vắn tắt cho các ngài biết về công việc tôi đã làm tháng hai tháng qua.
Như tôi đã nói trong một lá thư trước, ngày 23 tháng Bảy tôi có đến chỗ ông Xưtcư. Nhưng vì 23 tháng Bảy là ngày kỷ niệm công bố bản hiến pháp đầu tiên, nên cho đến tận bữa ăn trưa tôi vẫn không gặp được ông Xưtcư ở công sở. Để khỏi mất thời gian vô ích, sau bữa ăn tôi gọi điện cho ông ta. Ngày 24 tháng Bảy là ngày Hiệp ước Lôdana4. Ngài ta cho tôi biết là ông Xưtcư mắc bận đi dự lễ kỷ niệm. Không để mất hi vọng, tôi quyết định tốt nhất là đến gặp ông ta tại nhà. Và tuần đầu tháng Tám, tôi có đến gặp ông ta vào một buổi tối. Nhưng người ta cho tôi biết là ông đã đi dự dạ hội Hồ-trăn-tử. Ở nước ông Xưtcư người ta trồng nhiều Hồ-trăn-tử, nên mỗi năm một lần lại có dạ hội Hồ-trăn-tử. Ngày hôm sau chúng tôi cũng không gặp được nhau vì trùng vào sinh nhật của bà Xưtcư. Không thất vọng, ba ngày sau tôi lại đến tìm ông ta. Nhưng hôm đó chúng tôi cũng không kịp nói chuyện gì cả, vì ông Xưtcư vội đi đến một ngôi chùa mà ông thuê người ta cầu siêu cho vị thân sinh đã quá cố của ông. Ngày 30 tháng Tám5 lại là ngày Hội chiến thắng, nên tất nhiên tôi cũng không thể gặp ông ta ở công sở. Hôm qua, lúc tôi đến chỗ ông ta, thì được bảo là ông đã đi dự lễ kỷ niệm Ngày giải phóng Idơmia, tổ chức vào ngày 9 tháng Chín. Đợi khi nào ông ở Idơmia về, tôi sẽ tìm cách gặp ông ta ngay. Xin cam đoan với các ngài là không ngày nào tôi để mất hút bóng ông ta.
Gửi các ngài lời chào kính trọng.
Trânđơ Uity
Ngày 8 tháng 10 năm 1958
Gửi ông Uity,
Quỹ Đzatơ quyết định ngừng việc tìm hiểu nguyên nhân chậm phát triển của đất nước mà ông đang ở. Vậy xin cám ơn ông đã có nhiều nỗ lực và yêu cầu ông trở về nước để tiếp tục các nhiệm vụ bình thường.
Quỹ Đzatơ
Ngày 16 tháng 10 năm 1958
Thưa các ngài,
Qua bức thư cuối cùng của các ngài tôi hiểu rằng Quỹ Đzatơ quyết định ngừng việc đài thọ cho cuộc nghiên cứu ở nước này. Nhưng vì không muốn để công sức mà tôi đã bỏ ra suốt gần 1 năm nay phải uổng phí, nên tôi quyết định sẽ sử dụng tài chính của riêng cá nhân tôi để tiếp tục công việc và sẽ nỗ lực đến giọt máu cuối cùng để gặp cho được ngài Xưtcư và các đồng nghiệp của ông. Vấn đề là ở chỗ: chính bản thân tôi giờ đây cũng rất muốn giải đáp được câu hỏi tại sao nước này chậm phát triển, và bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải giải đáp cho được câu hỏi đó.
Tuy các ngài đã có thư yêu cầu tôi như vậy, tôi vẫn xin phép được trình bày vắn tắt với các ngài về công việc tôi đã làm ở đây, vì mấy tháng vừa qua tôi vẫn không chịu ngồi im. Mặc dù ngày 15 tháng Chín tôi không gặp được ngày Xưtcư vì vướng vào ngày kỷ niệm Bácbarốt6. Nhưng tôi được thông báo cho biết là đến 27 tháng chín tôi sẽ được yết kiến ngài Xưtcư tại nơi làm việc. Nhưng té ra 27 tháng Chín lại là ngày Hội tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Bao nhiêu hi vọng đành lại phải chuyển sang tháng Mười. Hôm mồng 6 tháng Mười, chúng tôi lại hụt mất cuộc gặp nhau, chỉ vì hôm đó là ngày kỷ niệm giải phóng Xtămbun. Ba hôm sau tôi đến sở của ông Xưtcư thì được biết ông bận kỷ niệm ngày cưới nên không đến sở.
Từ 28 tháng Mười là bắt đầu 3 ngày Hội Cộng hòa. Trong những ngày hội dân tộc này mà đi quấy rầy người khác tất nhiên là một điều ngu ngốc. Đành lại phải chờ đến tháng Mười một. Trong nhưng ngày tới tôi hi vọng sẽ bắt được ông Xưtcư vào giữa hai ngày hội và sẽ trao đổi với ông về vấn đề tại sao nước ông ta lại chậm phát triển như vậy.
Gửi các ngài lời chào trân trọng.
Ngày 2 tháng 10 năm 1958
Ông Uity thân mến,
Từ lâu Quỹ Đzatơ đã thôi đài thọ cho nhiệm vụ nghiên cứu các nước chậm phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn biết tại sao đất nước mà ông đang ở lại là nước chậm phát triển, và chúng tôi sẽ rất biết ơn ông nếu ông tiếp tục cho chúng tôi biết kết quả những cuộc điều tra của ông.
Gửi ông lời chào kính trọng.
Ngày 18 tháng 10 năm 1958
Thưa các ngài,
Tôi xin thông báo vắn tắt để các ngài biết về những nỗ lực của tôi trong thời gian qua.
Ngày 10 tháng Mười một là ngày Quốc tang7 của Thổ Nhĩ Kỳ. Chờ cho không khí đau buồn đã dịu, ba ngày sau, tức là ngày 13 tháng Mười một, tôi có đến chỗ ông Xưtcư. Nhưng người ta cho tôi biết ông đã đi Ancara dự lễ kỷ niệm ngày dời thủ đô về thành phố này. Một tuần sau thì ông về, nhưng tôi vẫn không gặp được, vì ông đi xem đá bóng. Hôm sau lại là ngày hội Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế. Hội này kết thúc thì lại bắt đầu tháng diệt ruồi. Chương trình hoạt động của năm 1958 như vậy coi như kết thúc. Sang năm mới, tôi hi vọng có nhiều khả năng gặp được ông Xưtcư. Dù khó khăn thế nào tôi cũng quyết tìm gặp được ông vào một ngày nào đó không có hội hè, mít tinh kỉ niệm hay đá bóng đá banh gì cả, và nhất định cuối cùng sẽ tìm hiểu được nguyên nhân vì sao nước ông ta chậm phát triển.
Trânđơ Uity trung thành của các ngài.
Ngày 28 tháng Hai năm 1959
Kính gửi ông Uity
Sau bức thư cuối cùng với nhiều hi vọng và hứa hẹn của ông, chúng tôi không nhận được thêm của ông tin tức gì nữa. Chúng tôi rất lo lắng trước sự im lặng của ông.
Quỹ Đzatơ
Ngày 10 tháng Ba năm 1959
Thưa các ngài,
Năm 1959 đối với tôi là một năm đầy hi vọng. Trong năm nay, nếu thánh Ala phù hộ thì tôi có cơ hội gặp được ngài Xưtcư. Tôi muốn chia xẻ với các ngài niềm hi vọng này. Ngày 1 tháng Giêng tôi không thể đến chỗ ngài Xưtcư được vì là năm mới. Hôm sau tôi cũng không dám quấy rầy ông, vì vướng lễ Đêm Thánh sinh. Tiếp đó là ngày kỷ niệm chiến thắng Inêniu8. Tôi thấy làm phiền ông ta trong những ngày này thì thật là không tiện, nên đành trông mong vào tháng Hai. Ngày 4 tháng Hai là lễ dâng thánh và ngài Xưtcư phải đi lễ. Sau khi xem kỹ lai lịch và biết rằng ngày 16 tháng Hai không có hội hè hay lễ bái gì cả, tôi lại chứa chan hi vọng.
Nhưng thật không may, đúng ngày đó ngài Xưtcư lại được mời đi dự tiệc tại trường học mà trước đây ngài đã từng học. Ngày 22 tháng Hai là ngày Thiên khải của thánh Muhamét. Tôi định ngày mai sẽ lại chơi ngài Xưtcư, nhưng chợt nhớ ra mai là bắt đầu Tháng ăn chay. Nếu có tin tức gì mới tôi sẽ báo cho các ngài biết ngay.
Trânđơ Uity
Ngày 24 tháng Tư năm 1959
Thưa các ngài,
Trong suốt hai năm qua tôi không thể tìm được ngày nào không phải ngày hội để nói chuyện với ngài Xưtcư và các đồng nghiệp của ông ta. Ngày 12 tháng Tư, khi chấm dứt Tháng Ăn chay thì lại bắt đầu Tuần ăn thịt. Đợi vài ngày cho ngài Xưtcư hồi sức sau hai tháng ăn chay, tôi đến thăm ông ta, nhưng người ta cho biết hôm ấy là ngày 23 tháng Tư, tức là ngày Hội trẻ con. Ngày mai tôi sẽ từ giã xứ sở này.
Trânđơ Uity
Sau khi Giáo sư Trânđơ Uity về nước, Quỹ Đzatơ có yêu cầu ông trình bày lại những kết quả điều tra của mình, nhưng giáo sư nói:
– Thưa các vị, mặc dù đã tốn khá nhiều thời gian và công sức, nhưng tôi không sao tiếp xúc được với một nhân vật nào ở xứ sở này cả, vì những ngày hội hè ở đây quá nhiều. Vì thế tôi không thể tìm hiểu được nguyên nhân vì sao nước này chậm phát triển. Tôi không thể nói gì về vấn đề này cả. Tôi chỉ có thể nói rằng chính bản thân tôi giờ đây cũng đang khao khát muốn biết tại sao nước này chậm phát triển.
Bị chú: Tôi đã viết thư cho ông bạn nhà in Mỹ, người đã có nhã ý cho tôi đọc bản thảo tập thư mà tôi vừa công bố cho các bạn xem mấy bức, và khuyên ông ta cho in ngay tập thư đó. Không hiểu liệu ông bạn nhà in đáng kính có thực hiện lời khuyên của tôi hay không.
Thái Hà dịch
Tên một vị thánh ↩
Cuốcban Bairam – một ngày lễ của đạo Hồi. ↩
Hội Cabôta – Dưới triều vua Ôxman, nước Thổ bị các đế quốc lân cận tước mất quyền xây dựng các chiến thuyền chạy dọc bờ biển. Về sau nhờ các đấu tranh giải phóng dân tộc, Thổ đã giành lại được quyền này. ↩
“Ngày Lôdana” – Ngày 24 tháng Bảy 1624 tại Lôdân (Thuỵ Sĩ) Thổ Nhĩ Kỳ đã ký với các quốc gia Antanta một bản hoà ước và một bản công ước về việc sử dụng các eo biển Bắc-Hải. ↩
Ngày 30 tháng Tám 1922, quân đội của Phong trào giải phóng dân tộc Thỗ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của tướng M.Kê-mand đã đánh tan quân xâm lược Hy Lạp tại Dumlupưma. ↩
Bácbarốt (1473-1566). Một tư lệnh hải quân nổi tiếng dưới triều vua Ôxman. ↩
Ngày 10 tháng Mười một 1938, là ngày từ trần của Mus-tapha Kêman Atachiuc, người sáng lập và là tổng thống đầu tiên của nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ. ↩
Ngày 10 tháng Giêng 1921 là ngày Quân giải phóng dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ giành được chiến thắng đầu tiên trước bọn xâm lược Hy Lạp tại Inêniu. ↩