Tôi đẩy cánh cửa kính xoay, bước vào hỏi người gác cửa:
– Đến gặp giám đốc đi lối nào hở bác?
Gã gác cửa ưỡn người, mặt vênh lên rất trịnh trọng, mà theo tôi hiểu, chỉ vì lí do là có người phải đến nhờ vả hắn. Hắn hất cằm ra hiệu đi về bên phải.
Tôi đi về hướng đó và nhìn thấy cái thang máy. Ngồi cạnh cửa có một người, chắc hẳn là người trực thang máy.
Tôi định tiến đến thang máy thì người trực chặn tôi lại:
– Đi đâu?
– Đến gặp giám đốc.
Lão trực thang máy lẩm bẩm câu gì đại ý như: ”Thật lắm loại người…”, rồi buông thõng một câu:
– Gặp ai thì cũng phải hỏi chứ! Thế tôi ngồi đây để làm gì?
– Xin lỗi, tôi muốn gặp Ngài giám đốc…
– Một người chưa lên được. Chờ thêm ba người nữa.
– Nhưng tôi có việc khẩn.
– Khẩn cũng phải đợi? Dưới bốn người thang máy chưa chạy.
Rồi hai tay chắp sau lưng, lão ta đi đi lại lại trước mặt tôi với vẻ mặt tỉnh bơ, đầy thỏa mãn trước ấn tượng lão gây cho tôi.
Có một người khách nữa định tiến về phía thang máy.
– Này, chạy đi đâu đấy! – Lão trực thang máy giận dữ quát lên. – Không thấy à? Mới có hai người!
Cuối cùng thì cũng đủ bốn người, người thứ tư là một phụ nữ. Chúng tôi sung sướng tiến lại phía thang máy. Nhưng lão trực thang đóng sập cửa ngay trước mặt chúng tôi, cho chìa khóa vào xoay một vòng, rồi nhét chìa vào túi.
– Chúng tôi cần lên trên… – Người phụ nữ rụt rè nói.
Lão trực thang máy nhìn bà ta với vẻ trịch thượng và lạnh lùng.
– Phải đến cho đúng giờ! Có chuông báo nghỉ trưa rồi… Bây giờ hãy đi đâu đó, đến một rưỡi hãy tới!
– Sao vậy?
– Vì giờ nghỉ trưa thang máy không làm việc, quy định của chúng tôi là như vậy. – Lão ta nói rồi chỉ ngón tay lên đồng hồ treo tường. – Một rưỡi đến rồi sẽ được lên.
Thực ra tôi muốn gặp ông giám đốc chẳng có việc gì quan trọng lắm. Chẳng qua tôi quyết định đến đây để chúc mừng anh ta được bổ nhiệm vào cương vị quan trọng. Tôi cho rằng tôi hoàn toàn có quyền tự hào về sự thăng tiến nhanh của anh ta trên đường công danh, vì từ lúc anh ta còn bé tôi đã có cảm tình với cậu học sinh mê đọc này, và lúc nào cũng sẵn sàng cho anh ta sử dụng tủ sách của tôi. Tôi đã sung sướng thế nào khi nghe anh ta nói: ”Thưa thày, thày là người đã dạy dỗ em nên người.” Sau đó anh ta được sang châu Âu du học, và từ đó đã mấy năm chúng tôi chưa gặp lại nhau.
Sau khi vào nhà hàng ăn trưa, tôi thả bộ loanh quanh mấy phố gần đó, ngắm nghía các cửa hàng. Và đúng một giờ rưỡi tôi khoan khoái tiến lại phía cái thang máy bí hiểm. Ở đó đã có một dòng người đang xếp hàng. Cuối cùng có bốn người may mắn (trong đó có tôi, cùng người trực thang máy) được bước vào thang máy. Tôi lên tiếng nhắc lại là tôi cần gặp ông giám đốc. Chúng tôi đi. Mọi người lần lượt bước ra, cuối cùng còn lại mình tôi. Thang máy lên đến tầng cuối cùng và dừng lại, lão trực thang mở cửa ra.
– Ông ta ở tầng này à?
– Ai?
– Thì tôi nói rồi, tôi cần gặp ông giám đốc.
– Sao không nhắc? Tôi làm sao nhớ hết được! Đi ra đi, rồi đi bộ xuống dưới hai tầng.
Tôi đi bộ xuống và nhìn thấy một tiền sảnh lớn cùng một hành lang rộng, hai bên là những cánh cửa phòng làm việc. Cạnh mỗi cửa có một người trực.
Tôi tiến đến hỏi một người gần nhất:
– Xin lỗi, phòng giám đốc ở đâu ạ?
Hắn đưa mắt chỉ về phía một cái cửa.
– Xin hỏi, đây có phải phòng giám đốc không ạ?…
Tôi hỏi người ngồi cạnh căn phòng được chỉ.
– Không biết đọc à? – Người này xẵng giọng bảo.
Tấm biển treo trên cửa ghi: ”Phó giám đốc”.
– Thế phòng giám đốc ở đâu ạ?
Thay cho câu trả lời là cái hất đầu sỗ sàng về hướng khác. Tôi đi theo hướng đó: trước mắt tôi có ba cái cửa, và không có biển đề gì cả. Cạnh cửa sổ có một người đứng tuổi đang ngả lưng vào bậu cửa đọc báo.
– Xin lỗi, tôi muốn gặp ông giám đốc.
Gã này vẫn không rời mắt khỏi tờ báo.
– Giám đốc nào?
Bị bất ngờ vì câu hỏi, tôi đứng ngây ra, lúng túng không biết trả lời thế nào.
– Giám đốc thứ nhất, thứ hai, hay thứ ba?
– Quả thật tôi không biết… Tôi chỉ biết tên ông ấy là Chetin.
– Hừm, gày còm, dáng lòng khòng, phải không? Mắi ti hí… Răng hơi vẩu…
”Thế này thì quá lắm!”
– Tôi cần gặp ngài Chetin, tôi lạnh lùng nói.
– Biết rồi! Biết rồi! Hói đầu… Đúng ông ta rồi! Dáng đi hơi tất bật… Đúng không? Lúc nói thì chả ai nghe ra câu gì… Đúng ông ta chứ còn ai nữa? Có nghĩa là ông muốn gặp ông tổng giám đốc… Mũi như cái khuy áo. – Đúng ông tổng giám đốc rồi. – Thế gặp ông ta có việc gì?
– Việc đó không liên quan đến anh? – Không nhịn được nữa tôi nói xẵng.
– Để tôi còn báo cáo với tổng giám đốc.
– Thế ông ấy không có thư kí à?
– Có. Thì sao?
– Anh hãy bảo là tôi muốn gặp ông ấy. Cửa nào vậy?
– Ông có hẹn hôm nay không?
– Không.
-Vậy Tổng giám đốc không tiếp ông được.
– Nhiệm vụ của anh là vào báo cho ông ấy biết.
– Làm sao tôi có thể báo cáo hết mọi việc được.
– Anh hãy chuyển cái này cho ông giám đốc? – Tôi nói và đưa cho anh ta tấm danh thiếp.
Anh ta miễn cưỡng cầm lấy nó, vân vê trong tay, sau đó uể oải tiến về phía một cánh cửa và biến nhanh vào trong như người chui xuống đất.
Tôi đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy anh ta ra. Cuối cùng tôi đành về mà chẳng được việc gì.
Trên đường về nhà tôi bỗng nảy ra ý nghĩ gọi điện cho Chetin. Tôi rẽ vào bưu điện và gọi điện thoại. Chetin nhận ra tôi ngay. Qua giọng nói của anh ta tôi cảm thấy anh ta thực sự vui mừng: ”Tôi van thày – anh ta nói, – xin thày hãy ghé qua chỗ tôi! – ”Tốt lắm, tôi sẽ đến chỗ anh ngay bây giờ!” .
Tôi tiến lại phía cửa xoay. Chetin đã đứng đón tôi ở đó và khi nhìn thấy tôi anh ta chạy ngay ra ôm choàng lấy tôi.
– Rất mừng là thày đã đến? Tôi cứ định ghé thăm thày nhưng không biết địa chỉ mới của thày.
Chúng tôi vào thang máy.
Tôi cảm thấy hơi bất tiện, anh Chetin ạ, – tôi nói. – Việc gì anh phải xuống tận cửa đón tôi?
Nhưng anh ta cười và ghé vào tai tôi nói thầm để lão trực thang máy không nghe thấy:
– Chốc nữa tôi sẽ kể hết cho thày nghe.
Chúng tôi bước vào phòng làm việc. Mọi thứ trong phòng thật sang trọng. Đồ gì cũng choáng lộn. Còn phải nói, phòng tổng giảm đốc cơ mà?
– Anh Chetin thân mến, – tôi nói. – Trông anh vẫn trẻ quá! Giá cho đi học phổ thông vẫn được. Thế anh đã đến ba mươi chưa nhỉ?
– Tôi ba mươi ba tuổi rồi, thưa thày.
– Mới ba mươi ba mà đã chức vụ cao như thế này? Tôi thành thực chúc mừng anh đấy. Cứ nhìn anh có thể đoán chưa đến ba mươi.
– Chính vì cái bề ngoài này, thày có biết không, mà không ai muốn thừa nhận tôi là tổng giám đốc. Nếu tôi không xuống tận nơi đón thày thì thày không có cách nào gặp tôi được.
Tôi quyết định không kể cho anh ta nghe về những chuyện phiền phức tôi vừa gặp phải.
– Phải, thày ạ, ở đây người ta cách li tôi với toàn bộ thế giới bên ngoài. – Chetin nói thêm. – Người ta không cho ai vào gặp tôi.
Tôi thấy buồn cho anh ta.
– Nhưng ai có thể cách li anh với mọi người? – Tôi hỏi vẻ không tin.
– Ôi Thật may là thày đã đến với tôi? Tội cứ mong mãi có người nào để tâm sự, để kể hết những chuyện xảy ra ở đây.
Anh ta ngừng một lát rồi bắt đầu kể.
– Lúc tôi mới ở châu Âu về, thày biết không, người ta cử tôi đến Angcara. Tôi làm việc ở đó một thời gian, hai lần được lên lương, rồi sau chuyển thẳng về đây làm tổng giám đốc. Lão tổng giám đốc trước tôi là một người có tuổi, trông bệ vệ, từng trải. Mọi cái ở lão ta đều đúng điệu: phía trước là cái bụng phệ vượt gần tới cằm. Phía sau là cái gáy có ngấn chảy xuống gần đến lưng. Vừa nhìn thấy tôi lão ta cau hết cả mặt lại!… ”Rất tốt, con trai thân yêu của ta ạ, – lão ta nói, – là con còn trẻ như vậy. Cầu thánh Ala rủ lòng thương con. Ta hi vọng con sẽ đảm đương được công việc”. Từ đó trở đi lão luôn miệng gọi tôi là ”Sếp con của ta, sếp con của ta!”
Tôi bắt đầu thấy run mỗi khi nghe những lời ấy. Cuối cùng không nhịn được, tôi nói: ”Dù sao tôi cũng có tên. Tên tôi là Chetini” Lão ta làm ra bộ giận, nhưng khi có mặt các cấp dưới của tôi – những người phục vụ, gác cổng, trông thang máy… lão ta vẫn lên giọng bề trên gọi tôi là ”Con trai của ta”. Lão ta đã giao công việc cho tôi, nhưng lúc nào cũng nhắc: ”Kinh nghiệm cũng rất cần… Kinh nghiệm, con trai ạ, là điều rất quan trọng!” Dần dần tôi biết tỏng con người lão ta. Ở con người đáng thương này đầy những mâu thuẫn: một mặt lão ta ý thức được sự dốt nát của mình, mặt khác lão ta lại có tính tự ái kinh khủng. Thử hình dung xem, lão thấy khó chịu thế nào khi phải bàn giao công việc cho một người chỉ đáng tuổi con cháu lão?! ”Con trai ạ, nếu có điều gì khó khăn lúc nào con cũng có thể nhờ bác chạy giấy Abđula cho đến ý kiến. Bác ấy sẽ không bao giờ từ chối giúp con đâu”, ”Xin lỗi Ngài, nhưng tôi không có ý định học hỏi ở người loong toong”. – ”Ồ, sao con lại nói thế? Chả lẽ có thể khinh bác ấy chỉ vì bác ấy làm nghề chạy giấy sao? Ta đã phục vụ hai mươi sáu năm rồi, đã từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, và phải thú thực với con rằng, có thể học được nhiều điều ở các nhân viên chạy giấy đấy. Mà trong số đó người nhiều kinh nghiệm nhất là bác Abdula. Hãy cố gắng giữ quan hệ tốt với bác ấy vì lợi ích của cơ quan ta”. Tôi thấy lão ta ấn chuông, rồi quay sang nói với người loong toong vừa bước vào: ”Bác Abdula, đây là tổng giám đốc mới của chúng ta, một người còn rất trẻ và ít kinh nghiệm. Bác hãy giúp đỡ cậu ấy, như đã từng giúp tôi, để công việc cơ quan được trôi trảy như trước. Hãy cố gắng nhé. Tôi hi vọng vào lòng tốt của bác”. – ”Tôi sẽ coi cậu ấy như con đẻ của mình! Nghĩa vụ của tôi là giúp đỡ cậu ấy, – Lão chạy giấy nói.
Đến đây tôi không nhịn được nữa: ”Cút ngay!” – Tôi hét lên, và lão chạy giấy lập tức biến ngay.
Đấy, lão tổng giám đốc cũ đã ”bảo vệ” và ”củng cố” uy tín của tôi bằng cách như thế đấy!
Ngày cuối cùng đột nhiên lão ta nói với tôi: ”Sếp con của ta, sếp cho phép ta hôm nay giới thiệu sếp với các nhân viên của cơ quan ta”. – ”Xin ông đừng lo, tôi sẽ tự mình làm quen với họ”. Nhưng tất cả viên chức cơ quan, như trước kia, đều chỉ nghe lời giám đốc cũ và chả thèm đếm xỉa gì đến tôi. Tôi đành phải chấp thuận.
Tổng giám đốc cũ cẩn thận dắt tay tôi dẫn vào phòng họp. Thày biết đấy, tôi không phải người dễ nhân nhượng, nhưng ở đây vẫn phải quy phục.
”Thôi được – tôi nghe – cứ mặc cho lão già được lên mặt lần cuối cùng trước khi cuốn xéo khỏi đây”.
Lão già đặt tay lên vai tôi và bắt đầu bài diễn văn:
”Kính thưa các đồng nghiệp! Xin cho phép tôi giới thiệu với các bạn ngài tổng giám đốc mới”. Sau đó lão ta nâng cằm tôi lên một cách âu yếm như vuốt má đứa trẻ con và tiếp tục;
”Tôi hi vọng các bạn sẽ tiếp tục phấn đấu và tỏ lòng kính trọng ngài tổng giám đốc mới non trẻ này” – Đoạn lão vỗ vỗ vào má tôi như bố vỗ má đứa con trai.
Tôi ngượng quá chỉ muốn độn thổ? Nhưng biết làm sao được! Chả lẽ lại cắt ngang lời lão ta trong buổi chia tay?… Quá lúng túng vì bất ngờ, không biết ứng phó thế nào tôi cứ đứng ngây ra và cười như anh chàng ngố.
Trong khi đó lão ta vẫn thao thao;
”Các đồng nghiệp kính mến! Chắc các vị đều biết có câu châm ngôn ”không nên đánh giá con người theo tuổi tác”. Anh bạn trẻ thân mến của chúng ta đây tuy tuổi còn rất trẻ nhưng đã từng du học châu Âu và đọc rất nhiều sách báo. Tôi muốn bày tỏ hi vọng rằng, vì những tình cảm tốt đẹp mà các bạn dành cho tôi, các bạn sẽ thực hiện mọi mệnh lệnh của vị sếp con của tôi, tổng giám đốc trẻ này. Nhưng thưa các bạn, mặt khác tôi cũng đề nghị các bạn chớ quên truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của các bạn cho chàng sếp trẻ này, ngài tổng giám đốc non trẻ của chúng ta. Hãy hứa với tôi, các bạn sẽ không tiếc sức mình để truyền đạt lại kinh nghiệm to lớn của các bạn cho vị tổng giám đốc trẻ này”. Những tiếng hô: ”Chúng tôi hứa” – bị chìm nghỉm trong một tràng cười rộ. Còn tôi thì cứ đứng cười ngây ra như anh thộn. Tôi cảm thấy phải nói câu gì đó để cứu vãn tình hình.
”Xin các vị cho phép…” – Tôi lên tiếng, nhưng lão giám đốc cũ đã ôm lấy tôi ghì chặt đến nỗi tôi không thở được chứ đừng nói gì lên tiếng, sau đó lão nhấc bổng tôi lên và hôn vào má tôi. Rồi giơ tay rất kịch, lão kêu to: “Xin tạm biệt các bạn thân mến” Thế rồi lão rời khỏi phòng, vừa đi vừa đưa tay chùi nước mắt đang trào ra. Tất cả mọi người dự họp đều lau nước mắt, chạy ùa theo lão. Những bà có tuổi thậm chí còn khóc nức nở. Chỉ còn lại mình tôi đứng trơ trọi giữa phòng…
Thời gian ấy, thày biết không, chúng tôi đang đi tìm thuê một căn hộ, và chúng tôi tạm ở nhờ nhà bà chị vợ tôi. Ngay từ khi ở Angcara về chúng tôi đã bắt đầu tìm ngay, nhưng tìm mãi vẫn không được căn hộ nào thích hợp vì đắt quá, chúng tôi không đủ tiền. Còn ở cơ quan thì quan hệ lại như vậy, thật buồn muốn tự tử được. Dù nói chuyện với bất kì ai cũng đều được đáp lại bằng cái nhìn nịnh bợ và câu nói ”Sếp con”. Thậm chí bà đánh máy đến gặp tôi cũng nói: ”Con trai ơi!… Con trai làm việc này đi, con trai, làm việc kia đi!” Cứ như thể ở đây tôi không phải là tổng Giám đốc, mà là đứa trẻ mồ côi vậy…
Cứ mở hồ sơ chứng từ ra xem là không biết đâu mà lần. Những vụ việc đơn giản nhất cũng rối tinh hết cả: chuyện biển thủ dễ che đậy nhất khi nào mọi thứ bị làm cho rối mù lên. Cứ bắt tay vào vụ nào là y như rằng không thể lần ra được đầu mối và không thể hỏi ai được, bởi vì tôi đánh hơi thấy ở đây chỗ nào cũng có một đường dây liên kết ngầm. Tất cả mọi người, từ nhân viên loong toong đến các cán bộ lãnh đạo, người nào cũng đều có mánh khóe gian lận nào đó.
Để chấn chỉnh lại công việc, tôi phải ngồi ở cơ quan đến tận tối. Một hôm đã khuya tôi đang ngồi làm việc thì lão loong toong của tôi bước vào, cái bản mặt xu nịnh của lão ta làm tôi muốn nôn. ”Con trai của ta, ông tổng giám đốc cũ bảo ta phải bảo vệ con như con đẻ của mình…” Tôi đứng phắt dậy. ”Cút ngay!” – Tôi hét lên. Nhưng lão vẫn nhìn tôi như người bố hiền từ sẵn sàng tha thứ cho sự hỗn láo của đứa con trai, và nói:. ”Con trai ạ, anh đến sở sớm quá, sớm bằng các nhân viên dọn dẹp. Còn về thì cũng về muộn như họ, có khi còn muộn hơn. Nếu cứ tiếp diễn mãi như vậy, thì con trai ạ, người ta sẽ bắt đầu coi anh như loại nhân viên quèn và không còn kính trọng anh nữa đâu. Tất nhiên anh tha lỗi cho ta, chỉ có điều nếu anh không muốn nghe những lời khuyên và không sử dụng kinh nghiệm nhiều năm của ta thì thật uổng! Bởi dù gì đi nữa ta làm ở đây cũng đã hai mươi bốn năm. Anh nên biết rằng đã có bao nhiêu giám đốc qua tay ta rồi. Ta đáng tuổi cha chú của anh, con trai ạ…” Nhưng thày biết đấy, tính tôi rất cương quyết. Tóm lại là tôi đuổi việc ngay lão ta.
”Bác xéo ngay – tôi nói – Đừng để bao giờ tôi trông thấy mặt bác ở cơ quan này nữa”.
Nhưng tôi chưa kịp đóng cửa thì ông phó tổng giám đốc của tôi, và ông giám đốc thứ hai đã bước vào và hai người thi nhau khuyên bảo tôi. Cứ người này nói thì người kia phụ họa thêm ”Con trai ơi, tất nhiên là anh đúng. Nhưng bác ta là nhân viên lâu năm ở cơ quan…”, ”Tất nhiên anh hiểu rõ việc mình làm, nhưng không nên đuổi bác loong toong này”. ”Chúng tôi khuyên anh với tư cách những người bằng tuổi cha chú anh, và vì lợi ích của chính anh”. Cứ người này ra lại có người khác vào, và tất cả đều nói hệt như nhau.
Lúc này tôi mới hiểu ra: mọi người đã liên kết với nhau bởi một sợi dây vô hình, và họ liên kết rất chặt chẽ khó mà bẩy nổi? Nếu tôi đuổi lão loong toong này, tất cả sẽ cô lập tôi, mà tôi còn phải làm việc với họ. Tôi bèn quyết định chuyển lão ta sang bộ phận khác. Thế là mọi người lại đồng thanh bảo tôi: ”Tại sao anh lại đẩy một người có kinh nghiệm như thế đi chỗ khác, cứ để bác ấy ở chỗ cũ có lợi cho anh hơn” – Và họ nhất quyết đòi tôi giữ lão ta lại.
Một lần khác cũng đang ngồi làm việc trong phòng thì lão ta lại vào. ”Con trai ơi! Cho phép ta… Xin anh đừng giận những lời ta nói, ông giám đốc cũ yêu cầu ta phải chăm nom anh, như chăm nom con trai đẻ của mình… Anh muốn một mình làm thay mọi việc cho tất cả mọi người. Như thế không được đâu, con trai ạ… Anh phải để cho những người khác làm việc với chứ”. ”Thôi được, – tôi đáp – Tôi sẽ lưu ý”.
Hôm sau, lão lại cho tôi một lời khuyên: Nếu không có giấy hẹn trước thì không được tiếp bất kì ai, hãy để cho mọi người phải ghi tên đăng kí xin gặp trước một tuần, rồi tuần sau đó tôi phải tỏ ra rất bận, và trước khi đến được chỗ tôi khách khứa phải hỏi qua những người gác cổng; chạy giấy, các nhân viên, các ông trưởng phó phòng cùng cả ba vị giám đốc khác. ”Nếu không, – lão Abđula nói, – người ta sẽ coi anh không đáng một xu, con trai ạ. Ông Tổng Giám đốc phải có một vẻ đường bệ và khó gặp được”.
Thày có hiểu rằng phía sau chuyện đó ẩn chứa điều gì không? Không ai trong số họ sống được bằng lương cả nên người nào cũng phải tìm cách kiếm thêm. Nếu cộng thêm đủ các thứ tiền vòi vĩnh, sách nhiễu thì thu nhập của họ hoàn toàn không ít. Nhưng kể từ khi tôi về đây thì họ khó kiếm chác hơn.
Thế là trong lúc tôi bù đầu vì công việc thì người nhà tôi suốt ngày phải đi tìm thuê nhà. Có một căn hộ ưng ý, giá sáu trăm lia một tháng, nhưng chủ nhà đòi trả trước một năm tiền nhà. Vợ tôi bảo: ”Ông chủ nhà làm việc ở cơ quan anh đấy. Anh hãy nói chuyện với ông ta, may ra ông ta không đặt điều kiện ấy nữa – ”Ai cơ?” – Tôi hỏi. ”Hình như là một trong các giám đốc của anh. Tên là Abôtuxêla thì phải”. Tôi điểm lại trong óc tất cả mọi người nhưng không nhớ ai có tên đó.
Sáng chủ nhật tôi cùng vợ đi thuê nhà. Chúng tôi đến một ngôi nhà lớn ba tầng gặp chủ nhà. Ông ta cũng sống luôn tại ngôi nhà này. Và tôi gặp ai thày biết không? Hóa ra chính là lão chạy giấy Abđula.
Tôi đau khổ quá. Đường đường là một tổng giám đốc mà không thuê nổi một căn hộ với giá phải chăng, trong khi lão chạy giấy ở sở có hẳn một ngôi nhà ba tầng. Lão ta nói thẳng ngay với tôi: ”Con trai ơi, (lão gọi tôi như thế ngay trước mặt vợ tôi) ta đã hứa với ông giám đốc cũ phải bảo vệ, chăm sóc anh, vì thế ta sẽ không lấy trước một năm tiền nhà nữa, mà chỉ lấy trước nửa năm thôi.” Tôi chưa kịp mở mồm lão ta đã tiếp: ”Chỉ cần nếu anh muốn, một tháng anh có thể kiếm được số tiền bằng tiền thuê nhà cả năm” – ”Bằng cách nào?” – ”Chỉ cần anh đừng để hễ người nào cần gặp là cho gặp ngay. Mọi người chúng tôi, từ gác cổng hay chạy giấy cũng phải kiếm miếng ăn chứ…”
Tóm lại tôi lại ra về tay không. Đấy, công việc như thế đấy, thày ạ.
Tôi về đây thế là sắp được hai tháng, và đến bây giờ tôi vẫn không biết bắt đầu từ đâu. Mối liên kết của họ ở đây rất chặt. Vì nếu họ để cho tôi gỡ được dù chỉ một nút nào đó trong các trò gian lận của họ thì lập tức tôi sẽ lần ra tất cả! Vì thế họ tổ chức một bức tường chắn xung quanh tôi, không cho phép ai vào gặp tôi. Tôi thử tìm cách chống lại. Tôi cho đặt một phòng chỉ dẫn ở tầng một. Họ liền che cái tấm biển đi để không ai nhìn thấy.
Vì thế tôi phải đích thân xuống cửa gặp thày nếu không thày không có cách nào đến gặp tôi được.
– Thế anh định làm gì bây giờ? – Tôi hỏi Chetin sau khi nghe câu chuyện của anh ta.
– Tôi định đi Angcara nói chuyện với Bộ trưởng. Ông ta cũng vừa được bổ nhiệm. Tôi quen ông ấy, một người rất tốt. Tôi sẽ kể hết cho ông ta mọi chuyện.
– Tốt lắm. Nhưng liệu ông ta sẽ giúp anh bằng cách nào?
– Tôi hiểu ông ta không thể thay thế tất cả các nhân viên trong cơ quan. Mà không làm thế, thì không thể nào thay đổi được tình hình… Phải thay ít nhất một phần ba số người.
– Chà, cầu thánh Ala phù hộ cho anh…
Tôi buồn rầu chia tay với Chetin.
Mấy tháng sau tôi được tin Chetin đã về hưu.
Một hôm chúng tôi gặp nhau trên tàu thủy. Trông anh ta rất buồn. Tôi hỏi nguyên nhân tại sao anh về hưu, anh ta kể:
– Tôi đến gặp Bộ trưởng, kể cho ông ta nghe hết tình hình cơ quan. Ông ta bảo: ”Tôi biết hết. Và chỉ có một biện pháp: sa thải và sa thải!… Nhưng sa thải không chỉ các nhân viên cơ quan anh, mà cả các nhân viên của cả Bộ nữa. Cứ cho là chúng ta sẽ sa thải họ, nhưng thay bằng ai đây? Chính anh thấy đấy, một cuộc cách mạng như vậy chúng ta không đủ sức làm.” – ”Thế chúng ta sẽ làm gì? – Tôi hỏi”. Bộ trưởng đáp: ”Hoặc chúng ta xin về hưu, hoặc chúng ta phải thích ứng với tình trạng đó”. Thế là ba tháng sau tôi xin về hưu.
– Còn Bộ trưởng?
– Ông ấy tạm thời vẫn làm. Nhưng tôi nghe nói người ta đã chuẩn bị người thay ông ấy. Thày có đọc báo nói về cuộc khủng hoảng chính phủ chưa?
– Tất nhiên thay Bộ trưởng dễ hơn nhiều so với thay tất cả các nhân viên trong Bộ.
– Nhưng ở đây vấn đề không phải chỉ ở một Bộ…
– Thế bây giờ anh làm gì?
– Chả làm gì cả… Tôi ngồi nhà không có việc làm.
Sau lần đó lâu lắm tôi không gặp Chetin. Tôi chỉ nghe nói anh ta bắt đầu làm chính trị. Tên anh ta thường xuyên xuất hiện trên báo. Anh ta trở thành nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, sau đó lãnh đạo một Bộ, nhưng không phải cái Bộ mà trước kia anh ta làm tổng giám đốc một trong các cơ quan của nó, mà Bộ khác. Tôi thậm chí lấy làm tiếc khi nghe tin đó. Vì có thể biết đâu anh ta lập lại được trật tự trong Bộ ấy… Nhưng tất nhiên tôi mừng cho anh ta. Anh ta không lập được trật tự trong Bộ, nhưng chắc anh ta biết cách sống tốt.
Sau khi đọc báo về việc bổ nhiệm anh ta, tôi gửi ngay bức điện về Angcara:
”Chúc mừng Sếp con?” Đáp lại anh ta gửi thư mời tôi đến Angcara chơi. Tôi đến. Anh ta thu xếp cho tôi vào làm việc ở Bộ anh ta.
Tiền lương không nhiều lắm, một nghìn tám trăm lia một tháng, nhưng chỉ phải làm buổi sáng. Mà nếu không đến cơ quan cùng chẳng ai trách móc gì, vì chẳng ai cần đến tôi lắm. Nhưng dù sao tôi vẫn cố gắng hàng ngày đến cơ quan, trừ hôm nào ở nhà có việc gì bận lắm.
Vì cả ngày ngồi nhà cũng buồn!…
THÁI HÀ dịch