Các nhà làm phim của chúng ta thường nói: Nếu trong lúc xem phim khán giả không ràn rụa nước mắt thì có nghĩa họ mất toi tiền bỏ ra mua vé.
Tôi tán thành ý kiến này. Chúng ta là những người rất giỏi cười và giỏi khóc. Ngoài ra không có người ở giữa hai loại này. Cứ nhìn những người đi đường bạn sẽ hoặc chỉ thấy những khuôn mặt như đang chực khóc, hoặc chỉ nghe thấy những tiếng cười ròn tan như ngô rang. Chúng ta quả là những người thích khóc! Bộ phim hay cuốn tiểu thuyết nào không làm rơi nước mắt thì không đáng một xu!
Cho đến bây giờ vẫn không ai biết lý do tại sao hồi bé tôi đã phải bỏ học ở trường tiểu học. Vào thời ấy không ai là không mơ được vào học ở trường này, vậy mà tôi lại bỏ nó mà đi. Đó là trường nội trú và không mất tiền. Ở đó người ta cho chúng tôi ăn và còn phát cả quần áo, nói chung là được phát không tốt cả những gì cần thiết. Thế thì vì lẽ gì mà tôi lại bỏ đi khỏi trường? Tôi không phải là đứa trẻ lười học. Trong lớp tôi thậm chí được coi là học trò gương mẫu.
Ít lâu sau, khi biết chuyện tôi bỏ trường, mọi người bắt đầu tra hỏi tôi:
– Tại sao cháu lại bỏ học?
Còn tôi thì không sao giải thích được tại sao tôi bỏ học, từ đó đến nay đã tròn ba mươi hai năm. Bây giờ thì tôi đã có thể giải thích lý do. Nguyên nhân khiến tôi phải bỏ trường chính là do nước mắt. Vào năm mười tuổi tôi thi đỗ kì thi tuyển sinh của trường này, sau đó đại thắng trong cuộc bốc thăm, thế là tội được nhập học. Năm học đầu trôi qua tốt đẹp. Nhưng đến năm lớp năm thì bắt đầu xảy ra mọi chuyện.
Vào thời kỳ đó trong trường có những giờ học gọi là “Trò chuyện về đạo đức”, một kiểu những lời khuyên răn về các quy tắc và hành vi đạo đức. Chúng tôi đã được nghe các học sinh lớp trên nói rất nhiều về những tiết học này. Người phụ trách các tiết học ấy là thầy Siukru. Theo lời họ, ông là con người tốt nhất trong số các giáo viên của trường, giờ học nào ông cũng làm cho các học trò phải khóc hết nước mắt. Đấy, ông là người tốt như thế đấy! Các anh chị lớp trên thường nói:
– Thầy ấy mà kể chuyện thì cứ gọi là đá cũng phải chảy nước mắt!
Từ đó tôi rất tò mò muốn biết thầy Siukru như thế nào. Thật ra, hồi đó tất cả các thầy giáo của chúng tôi lúc nào cũng bắt chúng tôi phải khóc. Và nếu thầy nào càng làm chúng tôi chảy nước mắt nhiều hơn thì chúng tôi càng thấy quyến luyến với thầy ấy nhiều hơn. Khi thầy giáo dạy môn “Cuộc đời các nhà hiền triết” kể về cái chết của nhà hiền triết Hutxâyin, con trai của Ali, trong cuộc giao chiến ở Kerbel, hãy cử thử không khóe xem. Mà đâu phải chỉ chuyện ấy. Cả chuyện về Muavia nữa chứ!
Sau khi thầy giáo bước ra khỏi lớp, nước mắt chúng tôi vẫn còn ràn rụa trên má thì đến giờ của thầy giáo dạy môn tôn giáo. Và đến khi thầy bị kích động đến cực độ và kể cho chúng tôi nghe về những hình phạt đang chờ đợi những kẻ có tội, thì cả sáu chục đứa học trò mười một, mười hai tuổi chúng tôi đều oà lên khóc nức nở. Tôi thường không có khăn mùi xoa nên nước mắt cứ chảy ràn rụa trên má, tôi cứ vừa khóc nấc lên vừa khịt mũi. Tiết học cuối cùng hầu như bao giờ cũng là tiết học tiếng Thổ nhĩ kì. Muốn không bị thua kém các đồng nghiệp của mình nên thầy giáo dạy tiếng Thổ cũng cố sức bắt chúng tôi phải chảy nước mắt. Trong lúc thầy kể về những nỗi đau đớn của nhà thơ yêu nước Namưc Kêman, thì những tiếng rên khóc hoà cùng những tiếng than vãn “Ôi” “Ai” phát ra từ cổ họng non nớt của hơn sáu chục đứa con nít chúng tôi, từ cửa sổ lớp học vang đến tận trời xanh. Đến tiết học nhạc, khi chúng tôi đồng thanh hát những bài thánh ca thì nước mắt chúng tôi đã chảy như suối.
Không có giờ học nào chúng tôi không khóc, không có thầy giáo nào là không khiến chúng tôi phải đầm đìa nước mắt. Thậm chí chúng tôi khóc cả trong tiết học thể dục, mà thời đó gọi là “giáo dục thể chất”. Thầy giáo dạy thể dục chẳng có gì để kể, nên để bắt chúng tôi phải khóc, thầy cứ lôi chúng tôi ra mà đánh.
Uy tín của các thầy được đo bằng nước mắt của chúng tôi. Và nếu có học sinh trường khác nói với chúng tôi: “Cậu biết không, thầy giáo tớ mà giảng bài thì nước mắt cậu cứ là phải tuôn như suối!”, thì để chứng tỏ sự hơn hẳn của trường mình, chúng tôi ngắt lời ngay: “Thế đã ăn thua gì? Giá cậu được gặp thầy giáo của tớ. Thầy ấy mà kể chuyện thì cứ gọi là đá cũng phải chảy nước mắt”.
Nước mắt chúng tôi chảy ra nhiều hơn là nước chúng tôi uống vào. Vì thế tôi rất muốn biết thầy Siukru như thế nào. Tôi tự hỏi thầm: nếu như tất cả các thầy giáo khác đều bắt chúng tôi phải rơi nhiều nước mắt như vậy, thì thầy Siukru, người đặc biệt giỏi về mặt này, sẽ còn khiến chúng tôi phải khóc đến đâu? Tôi nhớ là tất cả chúng tôi ai nấy đều đã sẵn sàng khóc thật tốt trong khi chờ tiết học của thầy Siukru.
Tiết học đầu tiên là môn sử, thầy giáo dạy sử kể cho chúng tôi nghe về các sự tích anh hùng của cha ông chúng tôi một cách xúc động đến nỗi chúng tôi không sao cầm được nước mắt. Tiết thứ hai là môn tiếng Thổ Nhĩ Kì. Thầy giáo này cũng bắt chúng tôi phải khóc khi đọc cho chúng tôi nghe khúc bi ca của nhà thơ Retgiaizađe Ekrem viết về cái chết sớm của con trai mình. Đến tiết học thứ ba, khi thầy giáo địa lí kể cho chúng tôi nghe chuyện đế chế của chúng tôi, mà một thời đã chiếm hết ba lục địa, đã dần dần bị tan rã như thế nào, thì chúng tôi cảm thấy như trong người không còn giọt nước mắt nào nữa.
Đến tiết học thứ tư thì thầy Siukru đến. Đó là con người thấp nhỏ, có cái đầu to. Ăn mặc rất diện. Quần đen kẻ sọc, áo vét bằng len đen. Chiếc áo sơ mi trắng hồ cứng. Đôi giày đánh xi bóng lộn. Từ túi ngực của áo vét thòi ra mảnh tam giác mùi xoa trắng. Chùm tóc dài thưa có thể đếm được từng sợi được chải vắt từ bên này sang bên kia và ép cẩn thận vào trán. Thầy bước vào lớp bằng những bước chân nhẹ nhàng rón rén như sợ dẫm phải kiến, rồi ngồi vào bục giảng.
Trước đây chúng tôi đã nghe kể quá nhiều về thầy, và tin rằng thế nào thầy cũng bắt chúng tôi phải khóc, đến nỗi dù thầy có ngồi im không nói gì thì chắc chắn chúng tôi vẫn phải rơi nước mắt.
Trời ơi, cuối cùng thầy Siukru có mở miệng không? Không biết các học sinh khác thế nào, chứ nước mắt tôi đã sắp sửa chảy đến nơi. Lúc này tôi nghĩ rằng ở mấy tiết học trước tôi đã khóc cạn cả nước mắt rồi. Nhưng bây giờ tôi vẫn không sao cầm được nước mắt.
Đến khi hết tiết học và thầy Siukru bước ra khỏi lớp thì tôi suýt bị ngất vì khóc nhiều quá.
Vậy thầy Siukru là người thế nào? Chúng tôi được biết thầy rất giàu có và là hiệu trưởng một trường khác, trường cao học. Nhưng vì hồi bé thầy cũng là học sinh trường này nên thầy tự nguyện xin về dạy cho các lớp tiểu học của chúng tôi không lấy tiền, chỉ vì thú vui riêng của thầy. Mà thú vui ấy thầy tìm được ở việc bắt chúng tôi phải khóc. Và không có gì so sánh được với thú vui ấy!
Và chưa có trường hợp nào thầy Siukru đến lớp dạy mà chúng tôi không khóc. Thầy kể cho chúng tôi nghe về thời thơ ấu của thầy ở trường này, thế là chúng tôi khóc. Thầy chỉ nói đến hai từ “Tổ quốc”, thế mà chúng tôi khóc. Thầy nói: “Đất nước”, chúng tôi lại khóc. Thầy khuyên dạy chúng tôi “Các em hãy yêu mến cha mẹ của mình”, và chúng tôi khóc nức nở.
Nguyên nhân khiến tôi phải bỏ trường chính là vì những giọt nước mắt mà chúng tôi đã nhỏ ra nhân vụ động đất ở Toocbala. Ở đó nhà cửa đổ sập và người bị chết. Thầy Siukru bước vào lớp trông như người vừa từ dưới mồ sống lại. Cho đến lúc này mới chỉ có chúng tôi khóc. Nhưng ngày hôm đó thầy Siukru đã khóc cùng chúng tôi. Thầy bảo chúng tôi cũng nên quyên góp tiền cho những nạn nhân động đất. Tiền là cái gì, ngay cả tính mạng mình chúng tôi cũng sắn sàng hy sinh! Thầy hỏi từng người xem ai đóng góp bao nhiêu để thầy ghi vào sổ. Khi nào tan học chúng tôi phải về nhà lấy tiền đến. Chúng tôi… Mà chúng tôi là ai? Những đứa trẻ mười một, mười hai tuổi. Tất cả chúng tôi đều là con cái của các gia đình nghèo, không cha hoặc không mẹ… Trong số chúng tôi người nào được mẹ cho mỗi tuần hai mươi nhăm curusơ đã được coi là giàu rồi. Thầy Siukru kể về những người bị chôn vùi trong trận động đất, bị mất nhà mất cửa, cảm động đến nỗi bọn trẻ con chúng tôi vừa nuốt nước mắt vừa gào lên:
– Một lia!
– Hai lia!
Từ bé tôi đã là đứa trẻ tốt bụng, không ai có thể sánh với tôi về lòng thương người.
Khi thầy Siukru nói: Trong khi các em đang được ngồi trong lớp học ấm cúng này thì bạn bè, anh chị của các em ở Toocbala lúc này đang…” thì tim tôi như thắt lại. Tôi không kiềm chế nổi bản thân.
– Hai lia rưỡi! – Tôi thét lên.
Thầy Siukru ghi vào tờ giấy bên cạnh tên tôi: “Góp hai lia rưỡi”. Tuổi: “mười một”. Mà số tiền hai lia rưỡi cách đây ba mươi hai năm to bằng mười lăm lia bây giờ. Nhưng lúc đó làm sao tôi có thể tính toán gì được?
Thầy Siukru im lặng một lát, thầy lại vẽ ra cảnh tượng thiên tai đau thương sinh động đến nỗi tôi ràn rụa nước mắt, rồi vừa nức nở tôi vừa không kìm được:
– Ba lia!
Bây giờ tôi không còn nghĩ gì nữa.
– Bốn lia!
Khi thầy Siukru nghẹn ngào nói: “Các đồng bào của chúng ta…”, tôi gào lên:
– Năm lia!
– Những người cùng tín ngưỡng với chúng ta…
– Thưa thầy, sáu lia!
Rồi cả lớp oà lên khóc nức nở.
– Bảy lia!
Những người cùng Tổ quốc của chúng ta… Những người anh em của chúng ta…
– Tám lia!
Khi chuông tan học vang lên, tôi gào thật to:
– Mười lia!
Nếu chuông reo muộn hơn chút nữa thì cứ nghe những lời nói thống thiết của thầy Siukru, có lẽ tôi sẽ còn hô đến một trăm, một nghìn, một triệu lia.
Khi ra khỏi lớp, đôi mắt đỏ ngầu vì khóc của tôi đau nhức. Hai mí mắt tôi xưng húp. Tôi vẫn tiếp tục sụt sịt. Sau khi được phép tôi trở về nhà.
Khi nhẹ tôi dúi vào tay tôi hai mươi nhăm curusơ tiền quà hàng tuần, tôi chợt nhớ ra.
Nếu tôi nói: “Mẹ ơi, con phải ủng hộ các nạn nhân động đất, mẹ hãy cho con mười lia”,chắc mẹ tôi cũng phải khóc lên đau xót vì tưởng rằng con trai bà bỗng dưng bị điên.
Từ hôm đó tôi không đến trường nữa và cho đến bây giờ vẫn không ai biết tại sao tôi lại bỏ học ở cái trường tốt như thế – trường nội trú không mất tiền.
Không biết trong số các giáo viên thời nay có thầy giáo nào giống các thầy giáo cũ ngày xưa của chúng tôi không, những người mà mỗi lời nói ra có tác dụng như một quả bom hơi cay? Và trong số các học trò ngày nay có học trò nào sẵn nước mắt như lớp học trò chúng tôi ngày xưa không?