Buổi sáng tôi chuẩn bị đi làm. Thế mà câu chuyện bắt đầu:
– Đã suốt ba ngày người ta bảo anh, thế mà anh vẫn cứ quên. Ở nhà không còn một mẩu phó mát nào cả!
Suốt ba ngày mọi người bảo tôi! Thế nhưng mà tiền ở đâu?
– Thế nào, anh mua phó mát chưa? – Buổi chiều mọi người hỏi.
Như một diễn viên bi kịch, tôi đưa tay vỗ bôm bốp lên trán và kêu lên:
– Dào ơi! Quên tịt đi mất chứ lị!
Tôi đã cố ý làm thế. Buổi sáng người ta lại yêu cầu tôi một việc gì đó. Tôi trả lời: được, rồi, tôi sẽ mua, chiều về – lại đúng cái tiết mục ấy: – ”Dào ơi! Quên tịt đi mất chứ lị!”
Nhưng bố tôi đã biết tỏng tòng tong cái mẹo vặt ấy. Lần thứ ba nghe câu hỏi truyền thống: phó mát đâu rồi? Tôi vừa định đưa tay lên trán, thì bố tôi đã thay tôi cất giọng dào ôi!”, rồi ông quay nhìn mọi người trong nhà mà giải thích một cách hóm hỉnh:
– Nó quên tịt đi mất rồi còn đâu!
Từ ngày đó tôi không được quyền quên bất cứ chuyện gì. Sáng hôm sau tôi đang cạo râu thì có người bảo:
– Đừng quên mua phó mát đấy nhé!
– Được rồi.
Lúc tôi đi giày, lại có tiếng gọi:
– Xà phòng hết rồi đấy, nhớ mua nhé!
– Xong ngay!
Đang xuống cầu thang tôi lại nghe thấy:
– Đường ăn hết rồi, nhớ nghe!
– Được, được!
Tôi nắm quả đấm cửa lối ra, từ trên gác vọng xuống tiếng kêu thất thanh:
– Có nghe thấy không đấy! Cà phê, cà phê!
– Cà phê làm sao?
– Hết rồi, mua đi!
– Nhất trí!
Tôi đóng cửa, thở phào, nhưng vừa đặt chân xuống vỉa hè đã thấy tiếng gõ ở cửa sổ.
– Còn gì nữa?
– Đi đâu mà vội vàng thế? Lúc về nhớ mua một ít bát đĩa. Mua thêm cả dầu ô liu.
– Sẽ mua, sẽ mu…a…a!
Tôi rảo cẳng được vài bước thì lại thấy có tiếng hối hả ở cửa sổ:
– Này, không còn hột gạo nào đâu! Chiều mua về đấy!
– Đâu sẽ có đó!
Những cuộc tiễn đưa sáng nào cũng vậy.
Nhưng, thế vẫn chưa đủ. Từ các ô cửa lớn, cửa nhỏ mở toang đuổi theo tôi suốt dọc đường phố là đủ thập loại giọng nói: hách dịch có, lo âu có, trầm trầm có, vang vang có, dịu dàng có mà khàn khàn cũng có: chà chà!
Ôi chao, những giọng người chết tiệt này! Tất cả các khu nhà lân cận cứ như bị nảy dựng yên, mọi người nhảy hết ra đường, ngó hết ra cửa sổ.
– Có chuyện gì thế nhỉ?
– Nhớ mua chun quần đấy nhé; loại tôn tốt vào! Đừng có mà quên!
– Bóng đèn tuýt năm ống!
– Bấc đèn dầu hỏa!
Tôi cắm đầu cắm cổ chạy giống như anh phu khuân vác ngoài đường trông thấy nhà chức trách nhưng chưa kịp rẽ ngang thì đã thấy một chú bé đuổi kịp:
Bà thím sai cháu nhắn….
– Nhắn gì?
– Bảo rằng không còn củ hành nào:
– Cháu về bảo bà ấy kiểm tra lại xem còn những gì. Những thứ khác chú sẽ mang về.
Buổi sáng tôi đi làm là như thế đấy. Các bạn đã thấy đầu óc tôi bề bộn những gì chưa? Cho đến tận chiều trong hộp sọ tôi vẫn cứ chập chờn những phó mát, dầu ăn, hành tỏi, chun quần…
Buổi sáng hôm nay đến văn phòng, cũng như mọi khi đầu óc tôi đầy các thứ phải mua, toàn là những đồ ăn và tạp phẩm.
Tôi có nhiệm vụ phải giải quyết những công văn khẩn nằm trên bàn tôi từ chiều hôm qua. Tôi làm một lúc xong và gửi đi các nơi.
Một lúc sau thì ông giám đốc bước vào. Mặt ông đầm đìa mồ hôi, hai cánh mũi phập phồng. Ông chìa vào mặt tôi mấy tờ giấy: – cái gì đây?
– Công văn ạ…
– Đọc đi!
Tôi cầm lấy mấy tờ giấy, liếc mắt xem.
– Đọc to lên!
Tất cả mọi người trong phòng, các cô đánh máy, thư ký, tất cả những viên chức đến đây công tác đều dỏng tai nghe. Tôi bắt đầu đọc:
– Kính gửi tổng cục, bẩm quan. Chúng tôi xin trả lời lệnh của ngài số… ngày… Sau đây chúng tôi xin liệt kê những biện pháp cụ thể đối với những điểm cần xem xét lại khẩn cấp và đã được nghiên cứu cẩn thận, chúng tôi xin trình để ngài rõ những gì chúng tôi coi là cấp thiết:
– Loại bỏ ngay thứ phó mát nông dân vì lý do là theo chúng tôi giá cả mặt hàng này là quá cao.
– Chun quần phải thu mua của bọn bán rong ở khu Ma-khô-mút pa-sa.
– Hai trăm năm mười gam thịt bò để nướng chả, nhớ bảo họ chặt đôi ra cho;
– Khi mua bóng đèn tuýp phải kiểm tra chất lượng, đừng mang cái nứt về như lần trước;
– Vì giá xà phòng lên cao nên phải tận dụng nước xà phòng, không được đổ phí;
– Để tiết kiệm cà phê, phải sử dụng hai nước, nước sau đổ thêm bã cũ vào;
Văn bản này chúng tôi xin trình quan trên với tư cách bản hướng dẫn tiến hành các biện pháp cụ thể”.
– Thế này là thế nào? – Ông giám đốc lại gầm lên một lần nữa. Tôi hiểu rằng tôi đã làm tiêu tan một văn bản chính thức vì đã nhồi nhét vào đó sản phẩm của cái đầu bất hạnh.
Trong phòng dậy lên một tràng cười nhất loạt.
– Làm sao anh lại khốn khổ đến nông nỗi như thế? – Ông giám đốc tiếp tục.
– Chính tôi cũng không biết.
– Thôi, anh đã ngu xuẩn, đần độn rồi. Nhưng sao trưởng phòng của anh lại ký?
– Tệ hại quá! Tôi kêu lên.
– Cứ cho rằng trưởng phòng nhắm mắt cho qua, nhưng chánh văn phòng cũng chuyển lên là thế nào?
– Văn bản cứ trao tay là đi thôi ạ!
– Được rồi, lại cho rằng chánh văn phòng đãng trí, thế những phó giám đốc thì mắt để đâu?
– Xấu hổ và nhục nhã!
Giám đốc im lặng suy nghĩ.
– Cái bọn này bỏ qua đã đành. Còn ta, chính ta, làm sao ta cũng cho chuyển cái giấy lộn này lên Tổng giám đốc kia chứ?
– Thế hóa ra…
– Làm sa… o… o?
– Tuyệt vời quá!
– Nếu Tổng giám đốc cũng khoát tay không đọc và gửi cho Bộ trưởng thì còn ra thế nào nữa?
– Thế thì chúng ta chết cả nút? Mọi người đồng thanh kêu lên.
– Lạy trời, nhưng mà thoát rồi! Tổng giám đốc lơ đãng đã nhầm phong bì và gửi đi không phải cho bộ trưởng, mà là cho một bà đầm.
– Ối giời!…
– Nhưng bọn văn thư đãng trí đã gửi cho tôi cái phong bì đáng lẽ gửi cho bà đầm, còn cái gửi cho Bộ trưởng thì không biết đi đâu.
Lúc này mọi người thở phào nhẹ nhõm. Cám ơn những người đãng trí! Quả thật, vì họ mà trên báo có một thông tín:
”Để tiết kiệm, cơ quan X đã sa thải hai mươi viên chức, thay vào đó đã tuyển vào ba trăm quan chức mới”. Ở đời chuyện gì cũng xảy ra được.
ĐỨC MẪN dịch