Ông khách ngồi bên cửa sổ toa tàu đưa ngón tay chỉ vào cái hình dáng lờ mờ của ống khói nhà máy ở mãi tít đường chân trời, trong màn sương xanh bao phủ cả một vùng bình nguyên rộng lớn. Nhìn từ xa không phải ai cũng đoán ra đó là ống khói nhà máy – trông nó giống như hình cái bút chì dựng ngược.
-Tôi đã đọc diễn văn tại lễ khánh thành cái nhà máy này đấy, – ông ta nói.
Một hành khách ngồi cùng toa hỏi:
– Đấy là nhà máy à?
– Phải.
– Nhà máy gì?
– Thú thật, tôi cũng không biết.
– Ông đọc diễn văn tại lễ khánh thành mà lại không biết nó là nhà máy gì?
– Có thể ông ấy quên mất rồi, – một hành khách khác chen vào.
– Tôi hoàn toàn không quên. Ngay hồi đó tôi đã không biết nó là nhà máy gì.
– Thôi được, thế nó có hoạt động không?
– Hiện nay thì có thể. Nhưng vào cái ngày khánh thành, khi tôi đọc diễn văn, thì nó không hoạt động. Người ta không sao cho nó khởi động được.
– Ông là giám đốc của nhà máy đó à? – Vị khách thứ hai hỏi.
– Kh-ô-ông, tôi không có liên quan gì với cái nhà máy ấy cả?
– Thế chắc ông được mời tới dự lễ khánh thành như một quan chức nhà nước?
– Cũng không phải, bác ạ, tôi không là ai cả.
– Kì lạ! Nếu thế tại sao ông lại đọc diễn văn tại lễ khánh thành cái nhà máy mà ông không có liên quan gì?
– Hoàn toàn chỉ là tình cờ thôi. Từ bé tôi đã có cái lưỡi rất dẻo. Và nói không phải khoe khoang, chứ tôi rất có tài hùng biện. Trong khung cảnh bình thường tôi nói năng cũng không phải trôi chảy lắm. Nhưng cứ hễ đứng trước đám đông là y như rằng một nhà hùng biện lại thức dạy trong con người tôi. Các vị cũng biết đấy, tài năng là do trời phú. Một khi tôi đã ra trước đám đông và bắt đầu nói thì không ai có thể dừng tôi lại được nữa. Tự nhiên một dòng ý nghĩ sáng sủa kì lạ chợt đến với tôi, tôi có thể nói hàng giờ liền không vấp. Hùng biện – đó là một năng khiếu tự nhiên hiếm có. Các vị hỏi nghệ thuật hùng biện là gì ấy à? Đó là nghệ thuật biết mở mồm ra rồi nói, nói và nói liên tục không nghỉ, không vấp, nói một cách lưu loát, trôi chảy như bôi mỡ. Nói gì ấy à?… Nói gì cũng được. Thậm chí nếu phần cuối không ăn nhập với phần đầu cũng chẳng sao. Cái chính là phải nói. Nếu anh bắt đầu nói và nhận ra chủ ngữ không phù hợp với vị ngữ, cò vị ngữ không phù hợp với bổ ngữ, thì hãy nhớ là đừng có lúng túng; đừng có bao giờ quay lạ, mà cứ kéo dài câu nói ra, trải ra càng nhiều từ càng tố, cho đến khi thính giả hoàn toàn bị rối tinh trong các mớ danh từ, động từ và các loại từ khác. Phần thưởng cho anh sẽ là một tràng vỗ tay, mọi người sẽ phải thố lên: “Chà, nói thế mới là nói chứ!”
Các vị có biết không, tôi từng đọc những bài diễn văn mà sau khi nghe xong mọi người phải đổ xô đến gặp tôi ôm hôn, chúc mừng. Tôi tự hỏi mình: “Này, mi vừa nói gì thế?” Lạ một cái là chính tôi cũng không biết mình vừa nói gì. Vả lại, cũng chẳng ai đoán ra được – cả tôi lẫn các thính giả của tôi. Cái hay của bài diễn văn được xác định bằng cách như thế này. Người ta hỏi diễn giả “Ngài vừa nói gì vậy?”, còn hỏi thính giả “Các vị vừa nghe gì vậy?”: nếu người đầu tiên trả lời anh ta không biết vùa nói gì, còn người thứ hai bảo họ không biết vừa nghe gì, song khẳng định bài phát biểu khiến họ xúc động, – thì hãy coi như đó là bài diễn văn xuất sắc.
Hồi còn đi học tôi là một đứa học trò lười không để đâu cho hết. Đặc biệt với môn toán tôi dốt đặc. Ấy vậy nhưng chưa bị đúp bao giờ. Và tốt cả chỉ nhờ cái tài ăn nói của tôi.
Dịp cuối năm, ở buổi học cuối cùng, tôi đứng lên và thưa với thầy giáo:
– “ Thưa thầy, nếu thầy cho phép, em xin được thay mặt cả lớp thưa với thầy mấy câu…”
“Em có chuyện gì? – thầy giáo hỏi mà không ngờ rằng thầy đã ở trong tay tôi. – Em nói đi!”
Tôi lập tức mở máy:
“Kính thưa thầy, được thầy cho phép, em xin cố gắng bày tỏ tình cảm của chúng em nhân dịp kết thúc năm học…”
Không để cho thầy giáo kịp định thần, tôi tiếp tục:
“Thưa thầy, trong suốt năm học vừa qua thầy như người cầm ngọn đèn pha dẫn dắt chúng em đi theo những con đường khoa học sáng lạn… thầy dẫn dắt chúng em tới những chân trời tươi sáng…”
Và cứ như thế tôi tuôn ra tốt cả những ý nghĩ gì chợt đến trong đầu. Cái chính là không được ấp úng. Phải nói liên tục không vấp váp, không cho người nghe có thời gian suy nghĩ: “Quái, anh ta nói về cái gì vậy nhỉ?”
Thầy giáo lúc đầu hơi bối rối, sau đó đăm chiêu suy nghĩ, sau đó nét mặt trở nên buồn bã, và cuối cùng trên khóe mắt đã thấy ươn ướt nước mắt, tay run run, và mũi bắt đầu xụt xịt. Còn tôi thì tiếp tục cho một tràng nữa. Và bài diễn thuyết của tôi mới cảm động làm sao! Những từ tôi nói ra mới đẹp đẽ làm sao? Đến đá cũng phải chảy nước mắt! Thầy giáo thì cứ chốc chốc phải lấy khăn lau mũi, nước mắt cứ chảy ràn trên má! Tôi cứ nói, còn thầy cứ ngồi khóc. Thỉnh thoảng tôi liếc nhìn khuôn mặt thầy. Tôi thấy thầy sắp ngất đến nơi – bấy giờ tôi mới thôi. Bây giờ đến lượt thầy muốn nói với chúng tôi vài lời. Nhưng thầy lúng túng mãi không nói được. Tay cứ mân mê chiếc khăn, miệng thở khó nhọc, thầy thốt ra qua tiếng nấc nghẹn:
“Các em của thầy… thầy xúc động quá… nên không đủ sức diễn đạt những tình cảm của mình…”
Chỉ nói được mấy câu đó thầy chạy ngay ra khỏi lớp. Chúng tôi cười ầm theo.
Trường tôi có một thầy dạy Hóa tên là Nizam, nổi tiếng trong nhiều trường. Câu nói ưa thích của thầy là: “Chúa được điểm “năm”, tôi được điểm “bốn”, còn học sinh thông minh nhất cũng chỉ được “ba”!”
Nhưng ăn được điểm “ba” của thầy cũng rất khó khăn. Một buổi vào dịp cuối năm tôi đọc tại lớp một bài diễn văn lâm li đến nỗi thầy Nizam suýt nữa bị ngất vì cơn đau tim. Các học sinh phải xốc nách thầy đưa ra khỏi lớp dìu đến phòng giáo viên.
Bác sĩ đến hỏi:
– Ông làm sao thế, ông Nizam?
Những tiếng nghẹn ngào làm thầy không nói được. Các giáo viên khác đoán ra ngay nguyên nhân tốt cả là do bài diễn văn của tôi.
Vì thế tôi là học sinh duy nhất được thầy Nizam cho điểm cao nhất. Khi tôi bước vào phòng thi, giáo viên coi thi òa lên khóc ngay.
“Thôi, thôi, dẫn cậu ta đi ngay cho!”. Giáo viên đó ra lệnh và cho tôi luôn điểm “năm”.
Từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua. Thầy Nizam đã về hưu. Nhưng cứ khi gặp tôi ở đâu là thầy lại òa nên khóc, từ xa nhìn thấy tôi là thầy đã rơm rớm nước mắt.
Không nên sợ những giáo viên có nét mặt dữ tợn. Đôi khi ông thầy có vẻ ngoài nghiêm khắc hóa ra lại là người có trái tim đa cảm.
Vậy là nhờ cái khả năng ăn nói hùng biện mà tôi đã tốt nghiệp trường phổ thông.
Sau khi trở thành viên chức nhà nước, tôi về tỉnh làm việc. Tôi đã đi khắp vùng Suatôlia. Thú thực, tôi hoàn toàn không làm việc, mặc dù tôi luôn được cấp trên cho những nhận xét rất tốt. Người ta thăng tiến cho tôi một lúc hai chức. Nguyên nhân cũng lại nhờ tài ăn nói của tôi.
Một tuần thế nào chúng tôi cũng phải họp nhau một hai lần: lúc thì sếp cũ của chúng tôi ra đi, – chúng tôi mở tiệc tiễn, lúc thì sếp mới đến – chúng tôi mở tiệc ăn mừng. Hiếm có tuần nào là không có tiệc tùng.
Sếp mới đến – chúng tôi ngồi vào bàn tiệc. Các đồng nghiệp đưa mắt nhìn tôi. Tôi nâng cốc và đọc diễn văn chào mừng. Toàn bộ công việc của tôi chỉ có vậy. Tôi còn phải đọc diễn văn chia tay khi sếp cũ ra đi:
“Kính thưa các bạn! Hôm nay là ngày đau buồn nhất trong đời chúng ta, vì thủ trưởng kính mến của chúng ta rời bỏ chúng ta…”
Tôi làm cho bao nhiêu vị khách dự tiệc phải rơm nước mắt. Nếu bữa tiệc tổ chức tại khách sạn, thì đến cả các đầu bếp và người phục vụ cũng phải nhỏ lệ.
Đấy, toàn bộ cuộc đời tôi đã trôi qua như vậy đấy. Cách đây bốn năm, được nghỉ phép một tháng, tôi quyết định đi Stambul chơi. Tôi lên xe buýt và lên đường. Trên xe buýt tôi gặp người bạn thời thơ ấu của tôi là Khami. Chúng tôi ôm hôn nhau như những người bạn lâu năm không gặp. Rồi chúng tôi ngồi nhớ lại chuyện ngày xưa tôi đã dùng tài hùng biện của mình bắt các thầy giáo, rồi sau đó cả ban giám hiệu phải khóc như thế nào.
Khami bắt đầu thuyết phục tôi:
– Tôi van anh, anh hãy ở lại chỗ chúng tôi một ngày đi? Ngày mai chúng tôi cho khánh thành nhà máy mới, sẽ có Lễ khai trương”.
“Được rồi”, – tôi đồng ý.
Chúng tôi xuống xe ở một thị trấn. Tôi ngủ lại ở nhà Khami. Sáng hôm sau chúng tôi đến nhà máy. Công việc chuẩn bị cho lễ khánh thành hết sức nhộn nhịp. Một sự huyên náo không thể tưởng tượng nổi!… Khoảng sân trước mặt nhà máy trông như cái chợ gia súc.
“Ở đây làm gì mà có nhiều gia súc thế?” – Tôi ngạc nhiên.
“Vật hiến tế đấy!” – Khami giải thích.
Những con cừu với sừng mạ vàng được tắm rửa sạch sẽ và nhuộm phẩm hoàng điều đứng thành một dãy. Những con trâu, con bò, con lạc đà cũng đang chờ đến giờ hành hình. Người ta phải giết những con súc vật này đúng vào phút cho nhà máy khởi đông ngay trước mắt chúng tôi. Người ta căng ra sợi băng lụa và chuẩn bị những cái kéo… Người ta bày sẵn các bàn tiệc. Tóm lại… mọi việc đều trôi chảy. Từ sáng sớm từng đám dân các vùng lân cận đã ùn ùn kéo đến nhà máy. Cả một vùng bình nguyên rộng lớn biến thành cái biển người. Đến tầm trưa thì một dòng xe con, xe buýt nối đuôi nhau tiến vào. Giờ phút mong đợi đã đến. Khami bước lên bục diễn đàn. Anh ta là một người hoàn toàn không có chút tài ăn nói nào, nói một hai câu cũng không xong. Sau khi ấp úng nói cái gì không rõ, Khami tuyên bố:
“Bây giờ xin kính mời ngài Omer với bàn tay may mắn của mình sẽ ấn nút cho khởi động nhà máy của chúng ta!”
Theo sắp xếp, người vừa được gọi tên phải ấn vào một cái nút đặc biệt, tức là ra hiệu cho nhà máy khởi động; sau đó nhà máy sẽ chạy trước sự chứng kiến của quan khách. Người ta dẫn viên đại thần tới chỗ cái nút, ông ta ấn vào đó một cái, rồi ấn cái thứ hai, cái thứ ba. Những con vật hiến tế bị kéo nằm xuống đất và người ta kề dao vào cổ chúng.
Khami nghĩ rằng viên đại thần không biết cách ấn nút, nên đã tự mình ấn lại.
Trong đám đông bắt đầu có tiếng xì xào, bàn tán. Trên nét mặt mọi người lộ vẻ ngơ ngác. Lạy thánh ALa!…
Bỗng Khami chạy đến chỗ tôi. Mặt anh ta cắt không còn giọt máu.
“Lạy chúa, hãy giúp chúng tôi với, – Anh ta nói thầm với tôi. – Tôi van anh, xin anh cứu giúp. Chỉ mình anh có thể cứu tôi.”
“Bạn thân mến, sao lại là tôi? Tôi làm được gì? Nhà máy không phải lĩnh vực của tôi. Gì chứ về kỹ thuật tôi mù tịt.”
“Ôi người anh em, tôi chết mất! Bao nhiêu hi vọng tôi trông vào anh đấy. Hãy cứu tôi đi!”
“Cứu anh bằng cách nào, Khami?”
“Anh hãy lên diễn đàn và đọc một bài diễn văn! Chúng tôi đã chuẩn bị xong hết cho việc khởi động máy. Chỉ quên mỗi lắp dây cuaroa vào cái bánh đà. Trong khi chúng tôi cho lắp dây, anh hãy cố nói độ mươi phút. Tôi van anh, anh hãy lên nói đi, cốt sao đánh lạc hướng chú ý của quan khách”.
Và biết làm sao được? Chả lẽ bạn bè lại không giúp? Thế là tôi bước lên diễn đàn.
“Kính thưa các vị khách!…” – Tôi nói.
Tôi cứ bắt đầu, mặc dù hoàn toàn chưa biết cái nhà máy này là nhà máy gì. Tối qua Khami có giải thích cho tôi về nhà máy, nhưng vì đi đường mệt quá, chỉ muốn ngủ, nên tôi bỏ ngoài tai những lời anh ta kể. Tôi vừa nói vừa đưa mắt quan sát nhà máy xem nó là nhà máy gì? Tôi cố hết sức quan sát nhưng không hiểu gì cả, cứ như lạc vào khu rừng tối. Giá như tôi biết đây là nhà máy sản xuất ô tô, hay nhà máy sản xuất đồ gỗ thì tôi có thể nói cả ngày. Tôi đưa mắt tìm Khami – anh ta lặn mất tăm. Thật muốn điên lên được! Các vị cứ thử tưởng tượng xem, tôi đã trót bắt đầu mất rồi!…
Tôi kéo dài thời gian:
“Kính thưa các vị đại biểu. Kính thưa các vị khách quý! Khi nói với tốt cả quý vị… “nhiệt liệt chào mừng”, chúng tôi, hay nói chính xác hơn, tốt cả chúng tôi… cảm thấy niềm hãnh điện không sao tả nổi, bởi vì… các vị đã rủ lòng ban cho chúng tôi niềm vinh hạnh lớn lao bằng sự có mặt của quý vị… Chúng tôi không có đủ từ để diễn đạt hết lòng biết ơn của chúng tôi… nhà máy đi vào hoạt động… Nhưng thôi, chúng tôi không muốn nói trước… Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhà máy này là nhà máy đầu tiên ở nước ta…”
Vừa rót nước từ trong bình vào cốc tôi vừa quay lại nói với người đang đứng sau lưng tôi:
“Hãy bảo với Khami cho lắp cái thắt lưng hay cái dây đai gì đó thật nhanh lên!”
“Cuaroa đã lắp rồi, – người này đáp, – nhưng vẫn không được? Người ta quên lắp vòng bi vào trục. Bây giờ mọi người đang chạy đi tìm vòng bi”.
Tôi bắt đầu giải thích cho đám đông, từ “nhà máy” nghĩa là gì và từ đâu nó xâm nhập vào kho từ vựng của chúng ta.
Một vị hành khách cùng toa hỏi:
– Thế ông biết nguồn gốc à?
– Nào tôi có biết! Tôi không hề biết gì hết. Thế các vị cho rằng trong đám quan khách ấy có người biết được những chuyện hóc búa ấy sao? Thế là tôi bắt đầu đi vào lĩnh vực ngôn ngữ học, tôi giải thích “nhà máy” – đó là từ gốc latinh, sau đó tôi kể lịch sử xuất hiện và phát triển của nhà máy, không quên nhắc đến chuyện nhà máy đầu tiên được xây dựng ở đâu. Bỗng trong đám đông thấp thoáng khuôn mặt quen thuộc: hình như là Khami. Phải, đúng là anh ta! Anh ta ra hiệu cho tôi, ý bảo: “Tôi van anh, anh cứ nói tiếp nữa đi!”
“Thưa các vị khách quý! – Tôi tiếp tục. – Lát nữa đây nhà máy sẽ khởi động, và quý vị sẽ được thấy nó hoàn toàn không giống như bao nhiêu nhà máy khác. Trên thế giới này không có nhà máy nào sánh được với nó, bởi vì nó là một nhà máy công nghiệp hiện đại và độc đáo nhất…”
Tôi liếc nhìn đồng hồ. Trời ơi, chả lẽ tôi mới nói được có năm phút? Tôi lại với tay lấy bình nước và quay sang nói nhỏ với người đứng sau lưng:
“Thế nào?… Người ta chưa tìm thấy vòng bi à?”
“Vòng bi tìm thấy rồi, nhưng vẫn chưa chạy được. Ngài Khami chuyển lời chào ngài và nhờ ngài cứ kéo dài bài diễn văn. Người ta quên lắp cái chảo nhỏ. Bây giờ người ta đang lắp”.
Tôi lại nói thêm gần nửa tiếng nữa.
“Nhu cầu số một của mỗi quốc gia là gì? Xin các vị trả lời hộ tôi – là gì? – Tôi đưa mắt nhìn khắp đám đông. – Tốt nhiên ai cũng biết – đó là các nhà máy? Chúng là thứ cần nhất cho đất nước. Tại sao vậy? Bởi vì nhà máy nào cũng đều có chảo, có trục chuyển động, có ống khói, có động cơ, mô tơ, có giám đốc, có cán bộ, có công nhân, có người bảo vệ, có quầy thực phẩm, có các ống dẫn nước. Nếu nhà máy nào thiếu một trong những thứ kể trên thì nó không bao giờ – các vị nhớ cho, không bao giờ – có thể chạy được! Khi nói với quý vị cái chân lý đương nhiên này, chúng tôi muốn một lần nữa được nói với tốt cả các quý vị: “nhiệt liệt chào mừng!”.
Kính thưa các vị đại biểu, thưa các vị khách quý! Bây giờ tôi xin phép quý vị được kể về một vài đặc điểm của nhà máy. Trước hết, nhà máy là cái gì? Nhà máy – đó là nhà máy. Không hiểu được cái từ này, sẽ không bao giờ, – xin quý vị nhớ cho, không bao giờ – có thể tiến hành khai thác nó được. Và…”
Đúng lúc đó có một mẩu giấy xuất hiện trước mặt tôi. Tôi liếc đọc nó. Đó là lời nhắn của Khami:
“Tôi van anh, người anh em, – anh ta viết. – Hãy kéo dài diễn văn thêm ít phút nữa? Cái ống khói nhà máy đáng lẽ phải lắp ở trên nóc lò, do sơ xuất chúng tôi lại lắp vào cửa sổ phòng giám đốc. Bây giờ chúng tôi đang phải lắp ống khói mới. Anh hãy cố nói thêm một lúc nữa, không có tôi đi đời mất!”
Tôi quay lại phía đám đông.
“Có một bức điện vừa gửi đến, – tôi nói. – Các quốc gia bè bạn lân cận gửi lời chúc mừng chúng ta nhân dịp khánh thành nhà máy và đã đặt hàng do nhà máy này sản xuất.”
Bình nước lọc đã cạn. Mặt trời đã xế. Bóng nắng đã ngả dần trên đất. Còn tôi thì vẫn cứ tiếp tục nói. Bỗng tôi được biết nhà máy đã hoàn toàn sửa xong, nhưng lại thiếu mất thợ cơ khí, người có thể cho nó vận hành. Người ta quên thuê anh này.
“Lạy chúa, xin anh nói thêm lúc nữa đi. Chúng tôi đang cho người đi tìm thợ cơ khí!”. – Người đứng sau lưng tôi khẽ bảo.
Tôi nắm vai anh ta đẩy anh ta đến gần micrô.
“Kính thưa quý vị? – Tôi nói – Và bây giờ một chuyên gia của chúng tôi sẽ giới thiệu tóm tắt với quý vị về nhà máy này!”
Tôi rời khỏi bục và đi ngay ra thị trấn. Tôi lên xe buýt và chuồn thẳng.
Đến bây giờ tôi vẫn không biết cái nhà máy ấy có hoạt động hay không. Từ hôm đó tôi cũng không gặp lại Khami.
Tôi chỉ nghe nói năm ngoái anh ta có dẫn đầu một đoàn đại biểu nào đó đi thăm châu Âu.