Một số nhà làm báo giữ kín không cho ai biết số lượng in và số lượng phát hành là bao nhiêu, đó là bí mật nghề nghiệp. Tôi thì không như vậy. Tôi nói hết. Vì dù không nói thì mọi người cững sẽ biết.
Khi tôi chưa ra báo thì chỗ tôi yên tĩnh lắm. Nhưng chỉ cần ra một tờ báo nào đó là lập tức không biết bao nhiêu người kéo đến, cầu thánh Ala phù hộ cho họ!
Khi bán được mười nghìn bản thì có một người đến, còn nếu bỗng nhiên xuất hiện hai người, thì chẳng cần gì phải kiểm tra cũng biết ngay là đã bán được hai mươi ngàn.
Mà tính tôi rất thích bạn bè. Để có thể thường xuyên được gặp họ tôi sẵn sàng tăng ngay số lượng phát hành. Thời gian gần đây mỗi ngày có khoảng hai chục người đến thăm tôi. Thật thú vị!
Chỉ một cái làm tôi lo: có những người đến chỉ nói chuyện tào lao, mà tiếp họ thì tôi không còn thời gian đâu để đọc, viết, hay thậm chí hít thở tự do nữa. Cuối cùng tôi nghĩ ra được cách thoát khỏi tình trạng này. Tôi treo ở sau lưng một tờ thông báo:
“Người đến nói chuyện tào lao xin mời ra cửa!”
Còn ai dám ngồi tán phét nữa khi nhìn thấy cái thông báo viết bằng những chữ to tướng như thế?
Một vị khách đầu tiên đến – trông biết ngay là người mới. Anh ta tự giới thiệu, ngồi xuống, rồi bắt đầu liên thoắng kêu ca, chửi bới! Hai từ “tờ báo”, bạn thấy không, đã thay đổi ý nghĩa ban đầu của nó, bây giờ nó có nghĩa là: người bảo vệ, bênh vực nhân dân!… Đến đây ánh mắt anh ta bắt gặp tờ thông báo.
– Ông bạn thân mến, bạn làm như vậy là rất đúng. – Anh ta cười khinh khích – Đó là cách tốt để ngăn chặn những tay ba hoa tán phét!
– Biết làm sao được? Có thể làm như vậy hơi bất lịch sự, nhưng người ta không cho tôi làm việc…
– Anh hoàn toàn đúng, – anh ta ngắt lời tôi. – Nếu không người nào cũng đến đây, liến thoắng hết chuyện này chuyện nọ hàng giờ đồng hồ! Đầu óc rối tinh hết! Anh làm thế là rất đúng đấy. Cứ để cho các ông thao thao bất tuyệt ấy nhìn thấy tờ thông báo và tự mình rút lui. Tôi cũng không biết ở đâu ra lắm người thích tào lao thế. Bây giờ tôi cũng phải treo trên bàn làm việc một thông báo như vậy mới được.
Rồi suốt gần cả tiếng đồng hồ anh ta giải thích cho tôi ý nghĩa của những loại thông báo như thế, miệng không ngớt nguyền rủa những kẻ ba hoa lắm lời. Sau đó anh ta mới chuyển sang nói lí do anh ta đến gặp tôi, và cuối cùng cáo từ ra về, hứa sẽ còn đến tôi lần nữa.
Sau anh ta đến lượt một trong những người quen của tôi bước vào, và khi nhìn thấy tờ thông báo, từ cửa anh ta đã kêu toáng lên:
– Anh bày ra cái trò này cho ai vậy, chả lẽ cho chúng tôi sao? Thôi được, tôi đi vậy. Nhưng thề từ giờ không bao giờ thèm bước chân đến đây nữa!
Song, tuy miệng nói thế anh ta vẫn ngồi như đóng đinh vào miệng ghế ở trước mặt tôi. Tôi bắt đầu thanh minh:
– Sao anh lại nói thế? Tại sao anh lại cho đó là dành cho anh? Tôi thề là không phải như vậy!
Sau đó đến lượt anh ta nói. Trong vòng một giờ đồng hồ anh ta thủng thẳng giải thích cho tôi rằng, những thông báo kiểu như vậy là dấu hiệu của sự không có văn hoá, và thậm chí là xấu mặt người viết ra chúng, và rằng nếu như bạn bè có đến với tôi thì chẳng qua là do lòng yêu mến tôi, thậm chí họ phải hy sinh cả những việc quan trọng nhất của mình. Khi chia tay, anh ta yêu cầu tôi phải bỏ ngay cái thông báo ấy đi.
Tiếp đó là một ông khách xồng xộc vào buồng.
Tôi thậm chí không biết tên ông ta, chỉ gật đầu chào mỗi khi gặp.
– Tất nhiên cái này không phải nhằm vào những người quen rồi, – ông ta mỉm cười khi đọc tờ thông báo.
– Vâng, dĩ nhiên…
Vị khách cười rộng hơn, rồi ha hả:
– Nếu thông báo này muốn ám chỉ tôi, tôi thề là sẽ giận đấy!
– Ôi sao tự nhiên anh lại nghĩ thế?
– Tôi với anh không phải là bạn bè bình thường, mà gần như là họ hàng thân thích với nhau rồi!…
Có người đi tới và từ ngưỡng cửa đã nói xen vào câu chuyện của chúng tôi:
– Thấy chưa, anh ấy còn chưa kịp thở, vậy mà đã lại có người đến lôi anh ta vào câu chuyện tào lao vô bổ rồi? Thật là không biết điều!
– Còn phải nói!
– Đúng là đồ mặt dầy!
– Đúng thế!
– Không có gì xuyên thủng da mặt họ được.
– Chí lí!
– Tất nhiên với những người quen rồi thì không cần thông báo. Ví dụ như với tôi, anh có thể nói thẳng: “Anh đi về đi, tôi đang bận” – là lập tức tôi đi ngay. Tôi nói thế đúng không?
– Tôi cũng không biết nữa. Quả tình là…
– Này, người ta mang cho chúng tôi cà phê gì thế này? Hãy bảo họ đối xử ra con người một tí…
Tách cà phê thứ hai được uống hết. Câu chuyện vẫn tiếp tục xoay quanh tờ thông báo. Cuối cùng cả hai vị khách ra về, và người tiếp theo đến. Anh này quay lưng lại tờ thông báo và nói như bắn liên thanh không nghỉ. Tôi chỉ muốn nắm vai, xoay anh ta về phía tờ thông báo.
Tôi bèn lập mưu:
– Anh sang chỗ này, kẻo chỗ ấy có gió lùa!
Anh ta chuyển qua, nhưng vẫn chưa đúng hướng.
– Ngồi ghế ấy hơn cứng, anh ngồi vào chiếc sa lông này này!
– Cảm ơn, tôi ngồi đây được rồi.
– Tôi không để anh ngồi đấy đâu! Anh qua đây đi!
Tay đểu, hắn vẫn không ngồi quay mặt vào tờ thông báo, mà vẫn cứ ngồi nguyên như thế.
Tôi quyết định dùng biện pháp cực đoan:
– Theo anh thì nói thế nào đúng hơn: nói tào lao hay nói ba hoa?
– Tại sao bỗng dưng anh lại hỏi như vậy?
– À vì tôi mới dán tờ thông báo.
Hắn ta quay lại nhìn tờ thông báo, rồi bắt đầu chậm rãi, rành rọt giải thích cho tôi các nguyên tắc ngữ pháp của tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, đưa ra một lô ví dụ về cách dùng động từ “nói tào lao” và các từ phát sinh của nó. Mệt mỏi sau câu chuyện dài, cuối cùng hắn ra về. Bấy giờ tôi môi thở phào và ngồi viết bài báo của mình!
Nhưng lập tức một trong những ông khách ban nãy lại quay lại và kéo thêm ba người nữa.
– Chà, chà, chà!
– Hát-xan, anh nghĩ ra trò quái quỷ gì thế này?
– Làm sao cái đầu anh có thể nảy ra ý nghĩ như vậy được nhỉ?
Họ làm ầm ĩ nên một hồi rồi bỏ đi. Một lúc sau một trong những người vừa đi lại quay lại và dẫn thêm hai người mới:
– Anh thử nhìn xem anh ta làm cái trò gì kia?
– Ha – ha – ha!
Khi cánh cửa đóng sập sau lưng họ, tôi chạy ngay đến chỗ tờ thông báo giật nó ra khỏi tường, vò nát rồi ném vào sọt rác!
Thái Hà dịch