Tôi cứ đi lang thang trên phố để tìm việc làm. Có lẽ số phận đã hoàn toàn quay lưng lại với tôi. Khi nào con người lâm vào tình trạng không lối thoát, đương nhiên, trong đầu anh ta bao giờ cũng toàn những ý nghĩ vớ vẩn. “Chà, giá mình là phụ nữ, – tôi nghĩ, – chắc chắn mình sẽ tìm được việc làm ngay!”.
Với những ý nghĩ buồn bã ấy tôi đi về phía Dolmabakhche. Những phố giáp với sân vận động chật kín những người hâm mộ. Người ta chen lấn, ép sát vào nhau chật đến nỗi quả táo cũng không còn chỗ mà rơi. “Đông cứng thế này làm sao người ta vào sân được nhỉ?”. Tôi ngạc nhiên thầm nghĩ. Dòng người xô tôi đi lúc thì về phía trước, lúc thì về phía sau. Có lúc tôi cứ đứng nguyên một chỗ và chỉ biết xoay tròn như con quay, vì bị ép từ bốn phía.
Càng ngày tôi càng mất hy vọng thoát ra khỏi cái biển người này. Các bạn đừng nghĩ là tôi buông tay đầu hàng. Không, suốt một tiếng đồng hồ tôi cố huých, xô, đẩy, hoàn toàn tuyệt vọng tôi đã sợ là nếu không bao giờ thoát ra được chỗ này thì coi như đời tôi chấm dứt!
Bỗng có một tiếng còi vang lên. Và tiếng còi nghe chói tai làm sao! Thậm chí người bị điếc bẩm sinh có khi cũng nghe thấy. Và lập tức, như có phép thần, đám người dày đặc ấy bỗng dãn ra. Và giữa một lối đi vừa hình thành có một người tay cầm còi đang đi qua. Tôi nhìn kỹ người đó. Trời ơi, hóa ra đó là anh bạn Musa của chúng tôi!
– Mu-sa-a-a! – Tôi gọi to.
Trong trường hợp khác có lẽ tôi đã kêu ”Này, bạn Musa!”. Nhưng một nỗi sợ hãi và kính trọng trước tiếng còi đã ngăn tôi lại.
Musa quay lại, nắm lấy tay tôi và kéo đi cùng. Cứ mỗi lần khi phía trước có đám đông cản đường anh lại lấy còi ra huýt. Và đám người đang chen lấn xô đẩy nhau lập tức nhường lối cho chúng tôi đi. Cứ thế chúng tôi đi tới cổng sân vận động. Musa lại lấy còi ra huýt. Người soát vé đứng tránh ra một bên.
– Xin mới các vị vào!
Sau khi đi qua cái cửa xoay tôi mới thở phào.
– Này, Musa, – tôi hỏi, – anh đã trở thành Tổng giám đốc Cục thể dục thể thao rồi hay sao vậy? – Tại sao mọi người ai cũng phải tránh đường cho anh?
– Chuyện của tớ sẽ nói sau. Bây giờ tốt nhất cậu hãy kể về mình đi. Hiện cậu đang làm gì?
– Chẳng làm gì cả. Đã năm tháng nay tớ đi tìm việc làm. Nhưng không chỗ nào người ta nhận đàn ông cả. Thấy vậy tớ đã nghĩ: hay là mình ăn mặc giả đàn bà vậy? Kẻ lông mày và tô môi vào? Nhưng, nói thật, mình cũng thông cảm với các ông chủ. Giá mình là họ mình cũng tuyển một phụ nữ trẻ đẹp nào đó thay vì một anh đàn ông. Vì đàn ông hay đàn bà đều có thể làm tốt như nhau công việc được giao. Và khi nhìn thấy trước mặt một phụ nữ xinh đẹp anh cũng thấy thích thú hơn chứ!
– Nghĩa là cậu đã hoàn toàn mất hy vọng, – Musa nói.
– Thế cậu nghĩ sao – năm tháng trời bị thất nghiệp dễ chịu lắm hay sao?
Đúng lúc đó trận đá bóng bắt đầu – và cuộc nói chuyện của chúng tôi tất nhiên phải gián đoạn. Sau khi trận đấu kết thúc chúng tôi đứng dậy và đi ra phía cổng. Để mở đường Musa lại thỉnh thoảng lấy còi ra thổi.
Rồi chúng tôi đã ở ngoài quảng trường.
– Chúng ta sẽ lên tăcxi tuyến, – Musa nói.
Lên tăcxi tuyến, nói thì dễ, nhưng làm thế nào mà chen lên nổi! Trên quảng trường một đám người khổng lồ đang đợi tăcxi tuyến, vì cũng như chúng tôi, họ cũng muốn đi loại xe này. Một chiếc xe nữa trả khách xong là có ngay hàng chục người lao tới.
– Cứ thế này không khéo phải hai ngày nữa mới đến lượt đến chúng ta, Musa, – tôi hỏi.
– Cậu hãy chờ một phút, – anh đáp. Sau đó anh rút chiếc còi trong túi ra và dừng một chiếc tăcxi đang chạy qua. Và thật kỳ lạ! Không có ai dám bước lên xe cùng chúng tôi. Chúng tôi ngồi vào xe.
– Musa! Anh đã trở thành giám đốc cảnh sát giao thông rồi hay sao? – Tôi hỏi.
Anh đưa ngón tay trỏ lên môi, ý bảo tôi im lặng.
Chúng tôi xuống xe ở Nisantase. Musa rút ví và định móc tiền trả tiền tăcxi, nhưng anh lái xe nhất định không chịu.
– Thưa ngài. Không đáng gì đâu ạ.
Thật quá lạ lùng!
– Anh quen tay lái xe này đấy à? – Tôi tò mò hỏi.
– Không.
– Này, Musa. Hay anh đã trở thành cảnh sát trưởng?
Anh lại đặt ngón tay trỏ lên môi.
– Bây giờ để tôi mua vài thứ, rồi ta sẽ về nhà.
Cạnh quầy hàng thịt có một dòng người đang xếp hàng dài đến nỗi không nhìn thấy đuôi. Tiếng ồn ào, la ó, tranh cãi. Xem như có vẻ sắp đánh nhau nữa.
Nhưng anh Musa của chúng tôi đã rút còi ra thổi! Và lập tức cả hàng người im lặng ngay. Từ sau cửa người chủ cửa hàng chạy ra, cúi rạp người chào Musa.
– Xin mời ngài!
– Cho một cân thịt, loại ngon nhé, – Musa yêu cầu.
– Ngài còn cần gì nữa không ạ?
– Có óc lợn không?
– Chục cái có đủ không ạ?
– Thế là đủ.
Người bán hàng thịt gói cẩn thận vào giấy. Musa rút ví định trả tiền nhưng ông ta khoát tay:
– Chúng tôi không định nhận tiền của ngài đâu ạ! Không khi nào!
– Musa này, hay anh đã trở thành thị trưởng rồi? – Tôi hỏi anh khi chúng tôi bước ra phố.
Nhưng anh không nói gì, chỉ đưa một ngón tay lên miệng.
– Tôi mua chỗ thực phẩm này là cho ngày mai. – Cuối cùng anh bảo tôi. – Còn hôm nay tôi và anh sẽ đến một nhà hàng nào đó ăn tối. Anh có cần thứ gì không?
– Không, không cần gì cả.
Chúng tôi rẽ vào quầy bán hoa quả, sau đó vào cửa hàng bánh mì. Và lần nào cũng vậy, trước khi vào, Musa lại rút còi ra thổi một tiếng thật to. Anh bước ra ngoài hai tay ôm các bọc hàng căng phồng. Và không nơi nào anh phải trả một xu nào.
Khi đã mua bán xong xuôi anh dừng một chiếc tăcxi lại và chúng tôi đi về nhà. Anh cất các túi hàng ở nhà và chúng tôi đến sòng bạc. Và người lái xe này cũng không lấy tiền của anh.
Tất cả các bàn trong sòng bạc đều đã có người ngồi. Nhưng khi Musa lôi chiếc còi ra, – anh thậm chí chưa thổi, thì mấy anh hầu bàn đã chạy vội đến chỗ chúng tôi, và sau họ là đích thân ông chủ.
Người ta kê riêng cho chúng tôi một cái bàn ngay trước sân khấu. Không hề hỏi chúng tôi cần gì, người ta đã mang đến đủ các thứ đồ nhắm.
– Hay anh là thanh tra, hả Musa? – Tôi hỏi.
Nhưng anh vẫn không giải thích gì. Chỉ giơ một ngón tay lên ra hiệu bảo tôi im lặng. Rõ ràng anh đã trở thành một nhân vật quan trọng. Nhưng cụ thể anh giữ chức vụ gì thì tôi chịu không thể đoán nổi.
Dàn nhạc bắt đầu chơi. Nữ ca sĩ bắt đầu hát.
Chúng tôi cứ ngồi ung dung thưởng thức. Những anh hầu bàn cứ lăng xăng xung quanh chúng tôi chờ sai bảo.
Thật chưa bao giờ tôi được hưởng khoái lạc như thế!
Bỗng phía sau chúng tôi nổi lên tiếng ồn ào. Hóa ra đó là một người say rượu định gây sự đánh nhau. Nhưng họ chưa kịp cầm dao thì tiếng còi của Musa đã bắt họ phải dừng ngay lại. Những con sư tử lập tức biến thành những con chó con ngoan ngoãn cúp đuôi.
Chúng tôi chén no nê hết hai trăm lia. Nhưng ông chủ không muốn nhận tiền. Một xu ông cũng nhất định không lấy!
Tôi về nhà Musa ngủ. Ngày hôm sau là chủ nhật. Musa tự tay làm bữa sáng rất thịnh soạn. Sau khi ăn xong, tôi định chia tay nhưng Musa không cho tôi đi.
– Cậu hãy ở chơi với mình một tuần, – anh đề nghị. – Có thể cậu sẽ được học điều gì đó.
Vậy là tôi đã ở nhà anh một tuần. Suốt ngày chúng tôi cứ đi giải trí vui vẻ. Ăn uống thỏa thích. Và tất cả đều không mất tiền.
Thỉnh thoảng tôi lại hỏi anh.
– Cậu nói thật đi, cậu đã trở thành người quan trọng rồi phải không?
– Nhưng anh vẫn lặng thinh. Mãi cuối cùng không giữ được anh mới nói:
– Tớ sẽ tiết lộ với cậu một bí mật. Nhưng cậu không được để lộ cho ai biết đấy!
– Tớ sẽ không nói với ai đâu!
– Cậu thề đi!
– Tớ xin thề!
– Hứa danh dự đi!
– Tớ hứa danh dự!
Khi đã tin vào những lời thề của tôi, anh mới rút chiếc còi ra, hôn nó một cái rồi áp lên đầu.
Cái còi này không phải là còi thường, mà là còi có phép thần. Một hôm ở Karakiô tớ đang đứng đợi tăcxi tuyến. Đợi mãi mà không sao tới lượt. Trong tay tớ lúc ấy đang cầm cái còi có buộc dây này. Tớ cứ quay quay cái còi trong tay rồi vô tình đưa lên miệng thổi một tiếng. Lập tức không biết ở đâu có một người chạy vội đến – chắc có lẽ là một cảnh sát chìm. Anh ta ưỡn thẳng người và hỏi:
– Bẩm ngài muốn truyền gì ạ?
Tớ bảo:
– Hãy thiết lập trật tự ở đây. – Rồi bỏ đi.
Tại một nơi khác tớ cần sang đường. Nhưng ô tô nối đuôi nhau chạy không lúc nào dứt. Làm thế nào bây giờ? Tớ rút còi ra và thổi một tiếng rõ to. Bao nhiêu ô tô lập tức dừng cả lại và thế là tớ cứ thản nhiên bước sang đường.
”Chà! Kỳ diệu thật!” – Tớ nghĩ. Hóa ra chỉ cần cầm lấy cái còi là tất cả những điều anh muốn đều trở thành hiện thực. Sau đó tớ hiểu ra nguyên nhân của vấn đề. Đó là vì ở nước ta tất cả mọi thứ đều được thực hiện theo còi. Tàu thủy nhổ neo theo còi, tàu hỏa khởi hành cũng theo còi. Còi chấm dứt mọi cuộc cãi lộn. Bất kỳ ai cứ nghe thấy tiếng còi là bỏ chạy ngay. Bây giờ tớ chỉ cần giơ còi lên thổi là lập tức trên quảng trường này sẽ không còn bóng người, mọi người đều bỏ chạy hết. Bấy giờ tớ mới chợt vỡ nhẽ ra là mọi việc ở nước ta đều do còi điều khiển. Từ đó tớ đâm ra sống nhờ cái còi này. Chỉ có điều cậu phải nhớ đừng tiết lộ chuyện này với ai. Nếu không sẽ xuất hiện nhiều kẻ cạnh tranh với tớ. Và thế là hỏng bét tất cả.
Tôi đã giữ lời hứa với Musa là không kể cho ai nghe về điều bí mật này. Nhưng tôi không hứa với anh ấy là không bao giờ tôi viết truyện về nó. Còn bây giờ tôi cũng có một yêu cầu với các bạn. Xin các bạn giữ kín những điều tôi viết ở đây…
Ngay sau khi chia tay với Musa tôi lập tức đi mua một cái còi. Nhưng khi tôi vừa thử thổi, – đó là ở quảng trường Takxim, – lập tức tôi bị bắt ngay. Và ngay hôm sau trên tất cả các báo có đăng mẩu tin về tôi: “Đã bắt được một tên thanh tra rởm!” “Đã bắt được một kẻ tự mạo danh là cảnh sát!” Có Chúa chứng dám, trong đầu tôi không có một ý định xấu xa nào. Khi ấy tôi mới hiểu cần phải biết cách thổi còi nữa! Nếu bạn làm việc đó một cách không dứt khoát, tay run run, thì lập tức sẽ có người nào đó nghi ngờ ngay.
Vì vậy, tôi đề nghị: bạn chớ kể cho ai biết chuyện phải thổi còi như thế nào. Nếu không chúng ta sẽ có thể làm hại những người biết cách thổi còi.
Thái Hà dịch