Người lái xe vừa kêu xong tên bến cuối ” Cuôctulusơ”, tôi đã bám ngay ở cửa xe. Nhưng giật mãi cánh cửa vẫn không mở. Tay nắm không tài nào xoay được. Người lái xe bảo:
-Vặn về bên trái !
Tôi vặn về bên trái. Tay nắm vẫn không xoay. Người lái xe lại hét to từ bên trong :
-Bên trái ! Đã bảo là bên trái cơ mà ! Anh chưa bao giờ ở trong quân đọi hay sao ?
Tôi nghĩ, chả lẽ mình quên mất đâu là tay sao đâu là tay phải thật rồi sao ? Đằng sau xe chúng tôi đã ùn lại một dòng xe : cả xe con, xe tải, xe chở khách. Cảnh sát giao thông hú còi inh ỏi.
-Xoay sang trái đi !
Vẫn không mở được.
Người lái xe nhoài người ra mở cửa, và tôi chui lên xe. Ô tô chuyển bánh. Người lái xe cáu thực sự. Sao lại có người tối dạ đến như thế được nhỉ ! Đến giờ vẫn không phân biệt được đâu là bên trái, đâu là bên phải. Người nào cũng giải thích. Mà một việc quá đơn giản. Xoay sang trái một cái là xong !
Không phải nói khoe, nhưng tôi được cái tính rất tốt nhịn. Một khi tôi đã sai thì mặc cho người ta chửi mắng đến mấy, cũng không bao giờ tôi cãi lại một câu.
Anh lái xe tiếp tục lầu bầu :
-Không hiểu loại người đến cửa xe tắc-xi cũng không biết mở thì sống trên đời này làm gì nữa !
Mặt tôi đỏ bừng vì xấu hổ. Nhưng suy cho cùng, anh ta đúng, và hành khách ai cũng đồng tình với anh ta.
-Chẳng qua là do tính bừa bãi cẩu thả thôi anh ạ.
Một ông béo chêm vào.
-Cái dân ta cẩu thả lắm !
-Ôi tôi ngán quá rồi ! Có lẽ phải mở lớp riêng chuyên dạy cách mở cửa xe mất !
-Ồ không, anh bạn ơi, có dạy người ta những thành tựu văn minh cũng vô ích thôi. Kẻ nào sinh ra đã ngu rồi thì dạy mấy cũng chẳng làm hắn ta thông minh lên được đâu.
Đến quảng trường Êminhiô ông béo kia muốn xuống. Thì đây đến lượt ông ta mở cửa không được. Lần này anh lái xe quát tháo với ông ta:
-Bên phải ! Vặn tay nắm sang bên phải !
-Không mở được anh ạ .
-Ai bảo ông vặn sang trái ? Đ.mẹ cái nhà ông “tẩm” ! Ở ngoài thì vặn sang trái, còn ở trong phải vặn sang phải chứ !
-Nhưng cái tay nắm chết tiệt này không thể nào xoay được. Sang trái sang phải đều không được.
Anh lái xe lại phải nhoài người ra mở hộ. Ông béo cố lách người chui ra ngoài. Người lái xe lúc nãy đã cáu lắm, quay sang chửi tục liên mồm. Không đủ sức chịu đựng những cái đó, tôi bỏ ý định đến Cuôctulusơ, nhưng không dám xuống vì sợ không mở được cửa.
-Ngu như bò!…
-Bác tài ơi, tôi xuống đây…
Tôi cầm tay nắm xoay sang phải. Đội ơn thánh Ala, tôi đã ra được ngoài. Ban nãy tôi để ý cách người lái xe mở cửa quả không uổng công. Tôi chờ xe khác.
-Đi Cuôctulusơ à ?
-Vâng.
Xe đỗ ngay trước mặt tôi. Không đợi người lái xe chửi , tôi thử xoay sang bên trái . Nhưng không xoay được. Tôi ấn mạnh hơn. Mạnh đến tê cả tay.
-Ấn lên trên ! Ấn lên trên ! – Người lái xe kêu to.
Tôi kéo tay nắm lên trên – cửa mở ra. Anh lái xe bắt đầu càu nhàu:
-Dân Xtămbun toàn những đồ vô tích sự !
-Chỉ được cái nhong nhong suốt ngày ngoài đường !
-Cửa xe Tắc-xi cũng không biêt mở thì đừng sống trên đời này làm gì nữa, cũng mang tiếng là người!…
Các bạn thử chịu đựng những câu nói mỉa mai châm chọc như vậy xem ! Cả lái xe và hành khách đều cho là tôi có lỗi.
Đến Carakiô có người muốn xuống nhưng không mở được cửa.
-Kéo lên trên ! – Anh tài xế không nói, mà quát lên.
-Nó không lên !
-Ấn nào !
-Ấn rồi, nhưng vẫn không lên.
Anh lái xe thò tay mở cửa, ông khách bước xuống, tôi cũng vội bước theo. Vì chỉ sợ lúc nữa chính tôi cũng không mở cửa được. Vậy là tôi xuống Carakiô. Vất vả lắm mới bắt được xe tắc-xi. Tôi xoay tay nắm sang trái, không được, sang phải, cũng không được. Kéo lên – Ôi ! Ấn xuống – Chà ! Không làm sao mở nổi. Tôi đã cầm chắc bị nghe chửi. Xoay nắm bốn phía đều vô hiệu.
-Đẩy mạnh ! Đẩy thật mạnh !
-Về phía nào ?
-Về phía phải đẩy chứ còn về phía nào ! Thế anh không biết đẩy hay sao ? Đẩy mạnh vào trong !
Từ bé tôi chưa thấy cửa tăc-xi phải đẩy vào trong để mở.
-Không đẩy cửa mà đẩy tay nắm !
À, đây rồi, may quá ! Cửa đã mở ! Còn anh lái xe ?
Bạn tưởng anh ta im lặng sao ?
-Không người nào là không phải dạy…
-Không phải người, mà là lừa ! Ông khách ngồi ngay phía ngoài chêm vào.
-CỬa chưa đóng ! – Anh lái xe quát to ngắt lời ông ta.
Ông khách mở cửa rộng hơn một chút rồi “sập” mạnh một cái – không được ! Ông ta “sập” mạnh cái nữa – vẫn không được.
-Kéo mạnh vào, – người bên cạnh nhắc ông ta.
Bốp ! Xình ! Xình !
-Nhẹ thôi, nhẹ thôi – anh lái xe mắng ngay.
-Không tôi phạt ông hai nhăm curusơ bây giờ !
Nhoài người ra đóng cửa, anh lái xe vẫn chưa thôi !
-Tuần nào cũng chữa cửa ! Kiếm được bao nhiêu vào tiền chữa cửa hết ! Không phải công việc nữa, mà đúng là cực hình ! Ở nhà ông không có cửa hay sao ? Cửa này giống như đồng hồ ấy, chỉ sập nhẹ một cái là đóng thôi !
Một hành khách muốn xuống bến Galataxarai. Cửa không mở được. Lại quát tháo, chửi mắng, lại sang phải, sang trái, lên trên, xuống dưới…Cuối cùng cửa cũng mở, và tôi lại theo ông khách bước xuống ngay.
-Xe đi Cuôctulusơ phải không ?
-Phải,xin mời !
Nói “xin mời” thì dễ, nhưng cứ thử lên xem ! Tôi cầm lấy tay nắm. Nâng lên trên không được, kéo xuống dưới cũng không được, vặn sang trái, sang phải đều không ăn thua, đẩy vào trong cũng vậy…
Mẹ kiếp ! Tôi cố hết sức. Đến đại lực sĩ Iuxun sống lại cũng không mở được cánh cửa này.
-Kéo về phía mình !
Chà ! Hóa ra bí quyết là ở chỗ đó ! Tất nhiên bác tài lập tức lên lớp cho tôi một bài. Nhưng không, tôi không thể nhịn được nữa:
-Này, người anh em – tôi bảo anh ta – Mỗi xe cấu tạo một khác. Chúng tôi có lỗi gì trong chuyện đó ? Loại thì vặn sang bên phải, loại vặn sang bên trái, loại kéo lên, loại ấn xuống, loại đẩy vào trong, loại thì kéo ra ngoài…
Anh tài xế điên tiết thật sự:
-Chả nhẽ những cái vặt vãnh như thế mà cũng không nắm được hay sao ? Xe “Ford” thì tay nắm xoay sang bên trái, “Studebaker” thì tay nắm xoay sang phải, “Chevrolet” thì đẩy vào trong, “Khimanôp” thì kéo về phía mình, “Fiat” thì đầu tiên vặn sang phải, rồi ấn mạnh, “Biuki” thì đơn giản nhất: lúc đầu xoay sang trái, sau đó sang bên phải, rồi hơi kéo về phía mình một chút, sau đó hơi nâng lên một chút rồi kéo thật mạnh xuống, sau đó lại hơi kéo về phía mình một chút, ấn nhẹ một cái rồi đẩy vào – thế là xong, cửa mở ngay…
Anh lái xe cứ liến thoắng kể tên các loại xe và cách mở cửa của từng loại. Nghe anh ta nói mới ngọt làm sao ! Nhưng cuối bài diễn thuyết của mình anh ta vẫn mắng cho tôi mấy câu:
-Chỉ có đồ ngu mới không biết những chuyện đơn giản như thế !
Có một ông khách cũng lên tiếng ủng hộ anh ta:
-Đúng là ngu quá sức ! Cả thảy có độ hai ba chục loại ô tô. Sống ở Xtămbun mà không thuộc nổi những chuyện như vậy thì đem vứt xuống biển cho rồi…
-Đúng thế – anh lái xe sung sướng họa theo – người như thế chết quách đi, sống làm gì !
-Ngữ ấy chỉ đáng nhai rơm rạ…
Ông khách vừa lên tiếng sát mạt tôi xuống bến tăc-xi. Nhưng ông ta chưa kịp chui ra khỏi xe bỗng kêu váng lên:
-Ái-ái-ái ! Ái-ái-ái !
-Cái gì thế ? Làm sao vậy ?
Cho chết. Đồ con lợn ! Hắn bị cánh cửa kẹp ngón tay cái. Máu chảy ròng ròng, còn hắn thì cứ đứng và chửi :
-Cái cửa chó chết ! Trong đời này chưa bao giờ thấy cánh cửa nào chết tiệt như vậy !
Trong khi hắn cứ đứng than vãn, người lái xe đã cho tăng hết ga và chúng tôi lao về phía Khabie. Ở chỗ đó có một ông khách muốn lên xe nhưng không sao mở được cửa. Cửa xe nặng như cửa pháo đài. Tôi nói không sai, giá như quốc vương Mêchmet Phatikhơ, người hồi xưa cứ mỗi tuần mở cửa thành phố một lần, có sống lại cũng không thể mở nổi.
-Ấn vào! Tôi bảo ông ấn hộ cái ! – Người lái xe hét to .
-Ấn vào cái gì ?
-Lần đầu tiên ông đi ô tô hay sao ? Ấn vào cái nút chứ còn ấn vào cái gì !
Các bạn có biết cái nút ấy nó nằm ở đâu không ? Nếu không các bạn đoán thử xem. Nó nằm ở trong xe, sau tấm kính cửa sổ. Tôi ấn vào nút, còn ông khách ở ngoài ấn vào tay nắm, và cửa mở ra. Tôi từ từ nhảy xuống đường.
Tôi quyết định đoạn còn lại sẽ đi bộ.
Nhưng một chiếc xe ở đâu bỗng đỗ ngay bên cạnh tôi.
-Bác về đâu ?
-Cuôctulusơ !
Tôi nhìn bác tài. Một người đứng tuổi. Tôi nghĩ bụng, chắc ông này không chửi bới. Trong xe có ba hành khách. Mọi chuyện đều tốt đẹp, nếu như…cửa mở ra được. Bây giờ tôi đã biết mỗi loại xe đều có cách mở riêng của nó. Nên trước khi sờ tay vào nắm xe tôi hỏi ngay:
-Xe mác gì đây bác ?
-“De Soto”
-“De Soto” à ? Loại xe này mở như thế nào nhỉ ? Không thấy cái tay nắm nào cả…
-Đẩy !
Tôi đẩy.
-Ấn !
Tôi ấn.
-Kéo ! Kéo về phía mình ! Xoay đi !
-Tôi xoay rồi.
-Xoay mấy vòng ?
-Hai.
-Không, xoay lại đi. Phải ba vòng cơ!…
Bác tài giúp tôi, nhưng chính bác ta cũng không mở được. Cuối cùng, với sự hợp tác của tất cả – lái xe và hành khách bên trong – Tôi thì ở ngoài- chúng tôi mới mở được cửa. Nhưng bây giờ lại không đóng được. Tôi kéo, người lái xe kéo – không đóng ! Thấy vậy tôi bèn lấy hết sức đóng thật mạnh làm cả cái xe rung ầm ầm…Không biết ở chỗ nào nghe “sập” !
-A ha ! Đóng được rồi ! – Bác tài vui vẻ reo lên.
Chúng tôi bắt đầu lên đường. Ông tài không lúc nào ngơi mồm. Xe ông ta giá những năm chục ngàn lia, vậy mà trong vòng có một năm hành khách đã khéo biến nó thành mớ sắt vụn ! Không ai có chút hiểu biết gì về cách lên xe, cách đóng mở cửa…Tháng nào cũng phải sửa…Và những lời kêu ca khác đại loại như vậy. May mà lần này những lời mắng nhiếc ấy không nhằm vào tôi.
Bến cuối cùng – Cuôctulusơ. Một hành khách định mở cửa. Lập tức tôi muốn khoe ngay những hiểu biết của mình:
-Đây là xe “De Soto”. Nhấc tay nắm lên rồi kéo về bên trái.
Hành khách thứ hai vội chạy đến giúp, tiếp đó là hành khách thứ ba. Đích thân bác tài vừa càu nhàu vừa ra mở hộ. Nhưng không ai mở được. Chúng tôi bắt đầu đẩy mạnh từ phía bên kia- cũng không ăn thua gì. Chắc chúng tôi bị kẹt ở đây mất. Bác tài hì hục toát mồ hôi, văng ra đủ mọi thứ tục tĩu nhất…Một số chúng tôi loay hoay với cánh cửa bên phải còn số khác thì cố nậy cánh bên trái. Nhưng cả hai cánh cứ như những cánh cửa sổ ma trong chuyện cổ tích – cố thế nào chúng cũng không chịu mở.
-Kéo nút ra ! Ấn vào ! Tì thật mạnh !
Phía sau chúng tôi ùn cả lại một dòng xe điện, xe ô tô. Có tiếng còi cảnh sát giao thông. Bác tài phải đánh xe vào sát vỉa hè. Một ông khách nóng toát mồ hôi phải cởi áo vét. Một người lấy chân đá thình thịch vào cánh cửa. Một bà đi cùng xe với chúng tôi cứ hét toáng lên:
-Cứu tôi với ! Cứu tôi với !
-Khẽ mồm chứ bà ! Đừng làm người ta thêm hoang mang. Người ta lại tưởng chúng tôi bị bắt cóc bà.
Một viên cảnh sát chạy đến. Người bắt đầu xúm đông lại.
-Có chuyện gì thế ?
-Cửa không mở được. Người trong xe không ra được. Bà khách khóc thút thít, ông tài thì văng những lời lẽ tục tằn nhất chửi hành khách làm hỏng cả cánh cửa, đám đông thì cứ ôm bụng cười…
-Có ai có rìu không ?
-Rìu không mở được đâu. Phải dùng búa !
-Tốt nhất là gọi thợ đến…
Trời đã bắt đầu tối. Chúng tôi vẫn bị nhốt trong xe. Khán giả và những người quân tử mỗi lúc một đông . Cửa thì vẫn không mở được. Một anh lái xe khác mách nước cho bác tài của chúng tôi:
-Này, anh bạn, hãy cho xe đến Ênisekhia. Ở đó có ông thợ rèn tên là Yankô, ông ta mở được đấy ! Hôm qua tôi chở khách đi Biucđere cũng gặp chuyện như vậy. Vặn hết hơi cửa vẫn không mở. Đến năm hiệu sửa xe nhờ mở cũng không được, cuối cùng đến ông Yankô mới mở được đấy !
Nghe lời khuyên của anh ta, chúng tôi đến Ênisekhia tìm hiệu sửa chữa của ông Yankô. Tất nhiên ông đã về nhà. Người ta cho người đến nhà tìm ông. Chúng tôi thì sắp chết ngạt trong xe. Một giờ, có khi đã hai giờ trôi qua. Cuối cùng ông thợ đến. Ông loay hoay với cánh cửa của chúng tôi một lúc rồi bảo:
-Các ông phải đến Taclabasư, ở đấy có ông thợ tên à Ybô, chuyên môn chữa khóa, ông ta sẽ mở được.
Chúng tôi đi tìm ông Ybô.
-Cái lẫy khóa bị rơi vào bánh răng – Ông Ybô giải thích.
-Thế phải làm thế nào bây giờ ?
-Bây giờ tối rồi, không làm được đâu. Để mai ban ngày xem may ra thì chữa được.
Nghe thấy thế chúng tôi ai nấy van nài:
-Ông Ybô, xin hãy cứu chúng tôi, bao nhiêu hy vọng đặt cả vào ông ! Ông muốn lấy bao nhiêu chúng tôi cũng xin trả. Một trăm, hai trăm cũng được.
Bà khách lại bắt đầu thút thít:
-Trời ơi ! Làm sao bây giờ ? Làm thế nào báo được cho chồng tôi bây giờ ?
Cuối cùng ông Ybô cũng thương hại chúng tôi và bắt tay làm. Nhưng đến khoảng mười hai giờ đêm ông kiệt sức.
-Không được. Việc này mất thời gian lắm. Phải chui qua cửa sổ mà ra vậy !
Mọi người để bà khách ra đầu tiên. Bà này thò đầu qua cửa sổ, những người ở ngoài đường kéo bà ta ra. Có một ông khách béo quá đẩy thế nào cũng không qua lọt. Tiếp theo đến lượt tôi. Cuối cùng tôi lại được hít thở bầu không khí tự do ! Sau đó chúng tôi lại bắt tay kéo ông béo. Người ta gọi cả tôi đến giúp một tay. Khi lôi được một nửa thì ông ta hoàn toàn bị mắc kẹt trong cửa sổ, kéo ra không được mà đẩy vào cũng không xong ! Thành thử ông ta cứ nằm vật người trên thành cửa sổ, nửa người trong xe, nửa người ở ngoài.
-Cố giúp tôi với – ông béo lạy van. Lúc này chúng tôi muốn đẩy ông trở lại cũng không được nữa.
Lát sau tôi cũng bỏ đi nên không biết sự việc cuối cùng kết thúc ra sao. Nhưng các bạn có thể dễ dàng đoán ra được, kể từ đó không bao giờ tôi dám đi ô tô đến Cuôctulusơ.