Các bạn đã bao giờ được chứng kiến một người bị phát bệnh điên như thế nào chưa? Tôi đã thấy rồi.
Ồ, đó là một người có học thức, có văn hóa, và có thần kinh vững phi thường. Con người đáng thương đó bị phát bệnh điên ngay trước mắt tôi. Chuyện xảy ra cách đây hai năm. Một người bạn kéo vợ chồng tôi đến dự bữa ăn tối với những người muốn được làm quen với chúng tôi. Tôi không tài nào từ chối được trước sự nài nỉ của anh. Thế là chúng tôi có mặt tại đám khách khứa.
Tôi không thích những cuộc làm quen như vậy. Lần đầu tiên đến chỗ không quen tôi cảm thấy lúng túng thế nào ấy, và cái thái độ lạnh lùng của tôi thường ảnh hưởng đến tất cả những người xung quanh. Căn phòng nơi tôi đến lập tức biến thành một cái gì như cái tủ lạnh.
Vợ chồng chủ nhân mời chúng tôi hóa ra là những người dễ mến hiếm có. Họ hết sức tìm mọi cách làm chúng tôi vui.
Đến sau chúng tôi có một số khách nữa: hai phụ nữ và những người đàn ông. Bà chủ mến khách mời chúng tôi uống trước bữa ăn.
Những người khách đến tiếp theo làm không khí trong phòng khách bớt tẻ nhạt đì một chút. Nhưng một lúc sau chính họ cũng bị tác động bởi những làn hơi lạnh toát ra từ tôi và bắt đầu bị ướt. Mọi người ngồi cứng đơ, căng thẳng. Hai vị chủ nhà thỉnh thoảng lại quẳng cho chúng tôi một chủ đề nào đó với hy vọng cuộc trò chuyện chung làm tan bớt tảng băng xa lạ. Nhưng nói được dăm ba câu chúng tôi lại im lặng, và trong phòng khách lại bao trùm những khoảnh khắc im ắng nặng nề.
Thỉnh thoảng từ phòng bên cạnh vẳng lại giọng nói trẻ con lanh lảnh. Hai vợ chồng chủ nhà than phiền về cậu con trai của họ. Hóa ra đứa con trai của họ, – cầu thánh Ala ban phước cho cậu, – là một đứa trẻ rất ngỗ nghịch. Trong một thời gian ngắn trong nhà đã phải thay tới bốn cô nhũ mẫu; cô kiên nhẫn nhất cũng chịu được có sáu tháng, và lúc này trong buồng bên cạnh cậu bé đang hành hạ cô bảo mẫu đáng thương. Bố mẹ cậu bé đã quá mệt mỏi trước tính hiếu động quá mức của cậu con quý tử. Khi đề tài này đã cạn, chúng tôi lại im lặng.
Chủ nhà nói:
– Ta hãy chờ ông Fikri đến, ông ấy sẽ làm chúng ta cười đến vỡ bụng.
Cặp mắt một bà khách ánh lên vẻ sung sướng.
– Tôi vừa được nghe tin gì thế này? Ông Fikri sẽ đến à?
– Vâng, chúng tôi đang chờ ông ấy.
– Chao ôi, tuyệt quá! Chúng ta sẽ vui ngay lập tức.
Bà thứ hai kể:
– Một tối chúng tôi đến chơi nhà người quen. Ông Fikri cũng có mặt ở đó. Ông ta pha trò làm chúng tôi cười bò lăn, bò toài ra đất. Mọi người phải van xin: “Thôi đi, anh Fikri…. Hãy tha cho chúng tôi! Không có chúng tôi vỡ bụng vì cười mất!…” Có một bà, nói vô phép các vị, sau khi cười rũ rượi một hồi đã để lại trên ghế một vũng nước nhỏ.
Thế là mọi người tranh nhau nói về ông Fikri: ”Chà! anh ta thật là người vui tính!… Một người biết đùa!…”
Người ta hỏi tôi:
– Ngài có quen anh ta không?
– Không! – Tôi đáp.
– Ôi, thật đáng tiếc! Ngài nên làm quen, ngài sẽ thấy rất mừng!
Một lúc sau lại có thêm khách – các bà và các ông. Sau đó lại một người nữa, một quan chức bưu điện. Thế là chúng tôi cả thảy có mười bảy người. Mọi người tranh nhau ca tụng Fikri, thán phục trước cái tài biết làm mọi người cười vui vẻ của ông ta.
Từ phòng bên tiếp tục vẳng lại giọng của cậu bé tinh nghịch, – lạy thánh Ala cho cậu khỏe mạnh!
Cửa bỗng mở. Mọi người đồng thanh vỗ tay reo:
– Fikri!…
-Fikri!…
Một người đàn ông béo mập bước vào và ngay lập tức gây được thiện cảm. Trông chỉ muốn đến gần và vỗ vỗ vào đôi má phúng phính của ông ta. Trông bề ngoài ông ta trạc bốn nhăm tuổi.
Tôi vốn thường có định kiến với những ai được người ta bốc lên đến tận cung mây, nhưng người đàn ông này đã chinh phục tôi ngay lập tức. Anh ta vừa bước vào là cái không khí lạnh nhạt giữa chúng tôi lập tức tan biến! Mọi người đều thấy vui vẻ và sung sướng.
Mỗi lời ông ta nói đều gây ra những trận cười.
Tôi thử cố chống lại cái không khí vui nhộn toát ra từ con người ấy. Thế nhưng cả tôi cũng bị tan ra, lúc đầu hơi nhếch môi, sau đó miệng cười rộng đến tận mang tai và cuối cùng là cười ha hả.
Điệu bộ, ông ta không lăng xăng, bắng nhắng nên không làm mệt người khác, và đó là điểm tôi thích nhất ở ông ta.
Tôi quan sát ông ta chăm chú hơn. Ông ta nói chuyện rất giản dị. Nhưng mỗi câu nói đều gây cười.
Tôi hỏi người bạn cùng đi với chúng tôi.
– Cái ông Fikri là nhà sư phạm, – bạn tôi đáp. – Sống ở Thuỵ Sĩ bốn năm, nghiên cứu vấn đề giáo dục trẻ em. Sau đó sáu năm ở Mỹ làm cho Hội ”Giáo dục trẻ nhỏ”. Tóm lại ông Fikri là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục trẻ em. Ông đã giảng trên đài phát thanh về chủ đề này. Ông đã có nhiều công trình được in bằng tiếng Thổ, tiếng Pháp và tiếng Anh, và viết nhiều bài nghiên cứu cho các báo và tạp chí. Mối quan tâm của tôi đối với ông Fikri càng lúc càng tăng. Trong đời tôi chưa từng gặp người nào như thế. Anh ta nói: ”Cái bàn…” – chúng tôi cười, nói: ”Cái cửa…” – chúng tôi lại cười. Trong phòng khách tràn ngập tiếng cười. Cười nhiều chúng tôi bắt đầu chảy nước mắt.
– Ai, anh làm chúng tôi mệt quá, anh Fikri! Thôi đi! Ha-ha-ha!…
– Tôi van anh, anh Fikri, đủ rồi! Hô-hô-hô!…
Người thì ôm bụng, người thì gập hẳn người lại, người thì ngã ra tấm thảm.
– He-he-he!
– Hi-hi-hi!
– Hư-hư-hư!
Tôi rất ngạc nhiên. – Không tin được! Chưa từng thấy!…
Nhưng điều làm tôi kinh ngạc nhất là nét mặt của Fikri vẫn hoàn toàn thản nhiên như không, không hề có một nét cười.
Lợi dụng phút cơn bão cười hơi ngớt đi, tôi lại gần ông ta.
– Từ đâu mà anh có được tính hài hước như thế, anh Fikri? Anh có bí quyết gì dạy chúng tôi với!
– Bí quyết rất đơn giản, – ông Fikri đáp. – Anh không được cáu giận. Không bao giờ. Tôi đã bốn tám tuổi, và cho đến hôm nay chưa hề cáu giận lấy một lần.
– Kỳ lạ thật! Chả lẽ anh không cáu giận bao giờ?
– Không!
– Nếu người ta xúc phạm anh?
– Cũng thế thôi. Ở trường phổ thông tôi có thể trêu tức bất cứ ai, nhưng không ai có thể trêu tức tôi. Người ta có chửi tôi tục tĩu thế nào tôi cũng không giận – tôi chỉ mỉm cười và bỏ đi. Tôi coi đó là sự vô giáo dục của họ.
Chúng tôi nói chuyện về giáo dục trẻ em. Bản thân tôi là người cha nên tất nhiên tôi bắt đầu than vãn về mấy đứa con của mình.
– Tôi hình dung ra, anh Fikri ạ, anh giáo dục con cái giỏi như thế nào?
– Rất tiếc.
– Sao? Thế phương pháp sư phạm của anh?…
– Tôi không có con.
– A.a.a… Vờ anh không sinh được?
– Tôi không có vợ.
Tôi lập tức thấy thất vọng. Một người không có vợ con làm sao có thể hiểu và giáo dục được trẻ con đây? Ôi, thật quá dễ khi anh dạy người khác: ”Đứa trẻ phải giáo dục như thế này, thế này…” .
Nói thực, thậm chí tôi còn cảm thấy hơi giận.
Ông Fikri lại tiếp tục pha trò. Nhưng tôi đã không thể cười được nữa. Tâm trạng tôi đã bị mất hứng.
Nhưng sự tiếc rẻ của tôi kéo dài không lâu.
Chúng tôi cũng không nhận ra mình lại bắt đầu cười hô hố từ lúc nào.
Suốt thời gian đó từ phòng bên cạnh không ngớt vẳng lại tiếng của cậu bé tinh nghịch.
Ông Fikri hỏi:
– Có chuyện gì ở bên phòng ấy thế?
Người ta giải thích cho ông ấy: Đứa trẻ hư quá, không cô bảo mẫu nào dỗ được.
– Ề-ề-ề! Không được! – Ông Fikri tuyên bố. Vào giờ này trẻ con phải đi ngủ rồi. Còn nếu không đặt chúng ngủ, chúng sẽ ngồi thức cùng với người lớn.
Ông Fikri đọc một bài giảng dài về đề tài này. Sau đó ông ra lệnh:
– Dẫn đứa trẻ ra đây!
Bà chủ vội xua xua tay.
– Ấy không, anh Fikri! Anh không biết cái thẳng con ngỗ ngược của chúng tôi đâu! Nó sẽ làm anh mệt bở hơi ra đấy!
Ngài Fikri bằng những luận điểm khoa học chứng minh sự sai lầm của những lời nói đó.
– Không bao giờ được để đứa trẻ ngồi một mình. Nó luôn cần được có hoạt động. Dẫn đứa trẻ ra đây!
Ông bố can thiệp:
– Anh chưa biết nó đâu!… Thằng quỷ con ấy sẽ làm hỏng hết buổi tối đấy!
– Không, cứ dẫn ra đây, dẫn ra đây, – ông Fikri vẫn khăng khăng. Người mẹ nói:
– Tuỳ anh thôi. Nhưng tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy nhé!…
Người ta dẫn cậu bé ra.
Đó là một cậu bé tinh nhanh, khoảng bốn tuổi, rất hiếu động, đôi mắt lanh lợi luôn luôn đảo khắp phía. Lúc đầu cậu ta hơi sợ khi nhìn thấy đám đông người lớn.
Ông Fikri khuyên:
– Cứ để câu bé một mình. Đừng để ý gì đến cậu ta. Rút trong vỏ thuốc lá ra tờ giấy mỏng ngăn hai hàng điếu thuốc, ông Fikri gấp chiếc thuyền nhỏ và đưa cho cậu bé. Cậu bé linh hoạt hẳn lên, hỏi:
– Cái gì đây?
– Cái thuyền, – ông Fikri trả lời.
Cậu bé lại hỏi:
– Cái gì đây?
– Cái thuyền. Cháu thấy đấy, cái thuyền. Bố cậu bé nói:
– Thế là anh bị với nói rồi, anh Fikri! Từ giờ đến sáng nó sẽ hỏi anh: ”Cái gì đây, Cái gì đây?”. Nó sẽ làm anh mệt nhoài cho mà xem!
– Ở lứa tuổi này trẻ con đứa nào cũng vậy. – Fikri giải thích. – Chúng hỏi không ngơi mồm. Đó là giai đoạn thiết lập mối quan hệ giữa chúng với thế giới xung quanh. Đứa trẻ nào hỏi càng nhiều thì trí tuệ nó càng cao. Phải nên mừng! Đối với các câu hỏi của chúng phải trả lời thật kiên nhẫn, bình tĩnh. Giáo dục trẻ là một công việc không dễ dàng. Ở đây cần có nhẫn nại và nhẫn nại. Với mỗi câu hỏi cần trả lời một cách nghiêm túc, rõ ràng, tựa như trước mặt bạn là người lớn.
– Thôi được, để rồi xem. – Ông bố nói.
– Cái gì đây? – đứa bé hỏi.
– Cái thuyền, – ông Fikri nhắc lại. – Nó bơi ở trên biển, thế này này: phựt – phựt – phựt…
Bản thân tôi cũng có bốn đứa con, vì thế tôi chú ý theo dõi thí nghiệm sư phạm đang được tiến hành trước mắt tôi.
Ông Fikri lại lấy giấy gập con sói, thằng người, ô tô.
Cậu bé ngay lập tức quấn lấy ông.
Thậm chí tôi cũng phải thừa nhận:
– Thế mới gọi là khoa học. Xem kìa, họ nhanh chóng thân với nhau chưa?
– Đừng chú ý đến chúng tôi, – ông Fikri yêu cầu. – Cứ tiếp tục nói chuyện đi.
Chúng tôi chuyện trò với nhau, nhưng bao nhiêu chú ý vẫn dồn về họ.
– Cái gì đây?
– Con sói con.
– Cái gì đây?
– Cái này ấy à?… Đồng hồ.
Cậu bé chỉ tay vào cái núm đồng hồ của ông Fikri.
Cái gì đây?
– Cái đồng hồ.
– Không, không, cái gì đây?
– Cái này ấy à? … Cái này là cái người ta lên dây cót. Cái núm đồng hồ.
Cậu bé chỉ vào ấm samôva.
– Cái gì đây?
– Ấm samôva. Để người ta đun nước pha trà.
– Không, không. Cái gì đây?
– Cái van ấm.
– Cái gì đây?
– Cái này ấy à?… Cái này… là một bộ phận của ấm samôva…
Ông Fikri quay sang giải thích cho chúng tôi:
– Cần phải trả lời như thế đối với mỗi câu hỏi của đứa trẻ.
Cậu bé chỉ vào bộ ngực núc ních của một bà.
– Cái gì đây?
– Cái này ấy à?… Hừm… Cái áo hở vai.
– Không, không, cái gì đây?
– Cái ngực.
Cậu bé chỉ vào cái nắp ấm samôva.
– Cái gì đây?
– Ấm samôva.
– Không, cái gì đây?
– Ta đã bảo với con là ấm samôva mà!
– Cái gì đây?
– Lạy thánh Ala!… Một bộ phận của ấm samôva. Ông Fikri quay sang chúng tôi:
– Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được cáu. Trong giáo dục trẻ con tuyệt đối không được cáu.
– Cái gì đây?
– Cái này ấy à!… Cái chân.
Cậu bé chỉ vào đùi một bà.
– Không, không, cái gì đây?
– Cái vạt váy.
– Cái gì đây?
– Cái bắp chân,
– Cái gì đây?
– Cái bắp chân, con trai của ta, cái bắp chân. Phần này của chân gọi là bắp chân.
– Cái gì đây?
Máu dồn lên mặt ông Fikri, mặt ông lập tức trở thành đỏ tía.
– Cái bắp chân, bắp chân, bắp chân… – Nhưng ông lập tức kìm lại. – Không được cáu giận. Kiên trì, chỉ có kiên trì! Bất cứ trường hợp nào cũng không được giận dữ.
– Cái gì đây?
– Cái đồng hồ.
– Cái gì, cái gì đây?
– Cái đồng hồ mà, con ạ! Cái đồng hồ!
– Cái gì đây?
– Cái núm đồng hồ.
– Cái gì đây?
– Thôi nào, cháu chơi với cái thuyền một lúc đi.
– Cái gì đây?
– Cái bắp chân.
– Không, không, cái gì đây?
– Cái áo hở ngực.
– Cái gì đây?
– Bộ ngực.
Ông Fikri nhét vào tay cậu bé mấy cái đồ chơi gấp bằng giấy và chuyển sang ghế khác ngồi. Nhưng cậu bé lập tức chạy ngay đến chỗ ông, và giơ ngón tay bé xíu chỉ vào cái mũi to của một ông khách hỏi:
– Cái gì đây?
– Cái này ấy à?……Cái mũi.
– Cái gì đây?
– Mũi. Mu-ũi…..m-u-ũ-i…. Cháu hiểu chưa, cái mũi.
– Cái gì đây?
– Ta đã nói với con rồi, cái mũi… Cái mũi, bé ạ! Cái mũi!
– Không, không, cái gì đây?
– Ta đã nói rồi, cái bắp chân. Phần này của chân gọi là bắp chân. Bắp chân. Hiểu chưa?
– Cái gì đây?
– Đây là cái mũi.
– Cái gì đây?
– Mũi
Cậu bé chỉ mãi không thôi vào cãi mũi
– Cái gì đây?
– Mũi, mũi, mũi!…
Ông Fikri nói với chúng tôi:
– Các anh không được cáu. Trong bất cứ trường hợp nào? Hãy kiên trì giải thích đến khi nào đứa trẻ hiểu mới thôi. Mười, một trăm một nghìn lần? Cốt sao cho đứa trẻ hiểu.
Hình như cậu bé tinh quái nắm được ý những điều ông nói. Cậu cứ một mực chỉ vào cái mũi.
– Cái gì đây?
– Mũi! m-ũ-i! m-ũ-i!… m-ũ-i?
– Cái gì đây?
– Mũi, mũi, mũi, m-u-ũ-i!
– Cái gì đây?
– Mũi, mũi, mũi, m-u-ũ-i!
Bộ râu quai nón và lông mày ông Fikri bắt đầu giật giật.
– Cái gì đây?
Tôi nhìn thấy thần kinh ông Fikri đã căng hết mức. Hạ giọng, ông cố nói thật dịu dàng, van xin:
– Mũi, mũi, con ạ, mũi, bé ạ, mũi…
– Cái gì đây?
– Mũi, nhóc con ạ. Mũi, mũi, mũi.
– Cái gì đây?
– Mu-ũi… Nào nói đi: Mũi!
– Cái gì đây?
Ông Fikri thò ngón tay vào cổ áo và nới mạnh nút cà vạt.
– Mũi, mũi, con trai ạ! Cái con nhìn thấy trên mặt bác này gọi là cái mũi.
– Cái gì đây?
Ông Fikri cởi áo vét.
– Mũi!
– Cái gì đây?
– Ta đã nói với con rồi, cái mũi!… Nghe rõ chưa, cái mũi?…
– Cái gì đây?
– A-a-a, thôi đủ rồi! Đây là cái mũi!…
– Cái gì đây?
– Mũi, ta đã nói rồi mà! Chà, cái thằng… – Nhưng ông kìm lại được: – Với trẻ con không được tỏ ra thô bạo. Các vị hiểu chứ? Không bao giờ!
– Cái gì đây?
Ông dài giọng một cách dịu dàng:
– Cái m-ũ-ui…
– Cái gì đây?
– Ôi!
– Cái gì đây?
– U-u-u – Nhưng ông Fikri lại bình tĩnh lại được – Với trẻ con phải hết sức kiên nhẫn. Không được cáu phải trả lời mỗi câu hỏi của chúng.
– Cái gì đây?
– Cái này ấy à?… Cái này là… đôi giày.
– Không, không, cái gì đây?
– Cái khóa kéo.
– Cái gì, cái gì đây?
– Đây là cái núm cầm của khóa kéo.
– Cái gì đây?
– Cái chân.
– Cái gì đây?
– Cái đùi – cái đùi của cô…
Ông Fikri đỏ mặt. Giọng khìn khịt. Ông lại đổi sang ghế khác. Nhưng cậu bé không rời ông nửa bước.
– Cái gì đây?
– Cái chân.
– Không, không, cái gì đây?
– Kim đồng hồ… Ôi, cái thằng!
– Cái gì đây?
– Chà, cái thằng chậm hiểu! Ta đã bảo rồi, cái mũi!…
Bỗng con người vốn rất bình tĩnh, nhã nhặn nhảy bật dạy khỏi ghế và bắt đầu vò đầu bứt tai.
– Cái gì đây? – Cậu bé vẫn dai dẳng.
Và đến đây xảy ra một điều kỳ lạ nhất, ông Fikri bắt đầu chạy khắp phòng, vừa chạy vừa la to:
– Cái gì đây?! Cái gì đây?
Ông ta và cậu bé, hai người cứ thi nhau hỏi:
– Cái gì đây?
– Cái gì đây?
Cậu bé cho rằng bác Fikri muốn chơi trò chơi mới với nó nên cười như nắc nẻ.
– Cái gì đây? – Nó hỏi.
– Thằng ngu như bò? – Ông Fikri kêu lên. – Bây giờ đã hiểu chưa.
Rồi đến lượt ông hỏi:
– Cái gì đây?
Bất ngờ cậu bé từ nãy đến giờ không nói gì ngoài mấy chữ; ”Cái gì đây”, bỗng thốt lên:
– Thằng ngu như bò!
Cả gian phòng chết lặng. Người ta vội lôi cậu bé ra ngay khỏi phòng.
Ông Fikri thì cứ tiếp tục đi đi lại lại khắp phòng miệng lẩm bẩm:
– Cái gì đây?… Cái gì đây?
Chúng tôi cám ơn chủ nhà, chia tay nhau và ra về.
Sau này chúng tôi được biết ngài Fikri đã bị điên thực sự. Mấy tháng giời liền lúc nào miệng ông ta cũng lẩm bẩm như con vẹt: ”Cái gì đây? Cái gì đây?” Sau đó ông ta bình phục và đi sang Mỹ. Bây giờ ông ta đang giảng dạy sư phạm tại một trong các trường Tổng hợp ở đó.
THÁI HÀ dịch