Chương 39 (Hết)

Chàng ốm đã từ lâu, nhưng không phải những nỗi khủng khiếp của cuộc sống tù đày, không phải lao dịch, không phải thức ăn, không phải cái đầu bị cạo trọc, không phải manh áo rách bươm đã đánh quỵ chàng xuống: Ồ! những sự doạ ấy, những nỗi thống khổ ấy, có nghĩa lý gì đâu đối với chàng! Trái lại, chàng còn thích làm việc khổ sai nữa là khác: làm xong, cơ thể chàng kiệt quệ đi, cho nên ít nhất chàng cũng có được mấy tiếng đồng hồ ngủ yên giấc. Còn thức ăn thì có nghĩa lý gì đối với chàng những bát xúp lều bều những gân nầy? Trong cuộc sống trước đây, khi còn là sinh viẻn, nhiều khi chỉ mong có thế mà cũng không được nữa. Áo quần chàng cũng ấm và thích hợp với sinh hoạt của chàng. Xiềng xích thì chàng hầu như không cảm thấy trên mình nữa. Chàng có thấy xấu hổ về cái đầu cạo trọc và cái áo nữa nầy nữa nọ của tội nhân không? Nhưng xấu hổ với ai? Với Sonya ư? Sonya sợ chàng, mà có lý gì chàng lại đi xấu hổ với Sonya?

– Nhưng sự thực thế nào? Chàng vẫn xấu hổ ngay cả với Sonya và để trả thù, chàng cư xử với nàng một cách thô lỗ và khinh miệt. Nhưng chàng xấu hổ không phải vì cái đầu trọc và những sợi xiềng: lòng kiêu hãnh của chàng đã bị tổn thương; chàng ốm cũng chính vì lòng kiêu hãnh bị tổn thương. Ôi, chàng sẽ sung sướng biết chừng nào, nếu chàng có thể tự buộc tội mình!

Nếu thế, chàng sẽ chịu đựng được tất, dù là sự xấu hổ, nỗi ô nhục. Chàng phán xét mình rất nghiêm khắc nhưng cái lương tâm nghiệt ngã của chàng vẫn không tìm thấy một tội lỗi gì thật ghê gỡm trong dĩ vãng của chàng, hoạ chăng chỉ có cái tội đã lỡ để hỏng việc, mà tội nầy thì ai cũng có thể mắc phải. Chàng thấy xấu hổ chính là vì chàng, Raxkonikov, đã sa cơ một cách mù quáng, vô hy vọng, tối tăm và ngu xuân, vì một bản tuyên án nào đó của định mệnh mù quáng, đành phải cam tâm chịu khuất phục trước sự “vô nghĩa” của một lời tuyên án nào đó, nếu muốn tìm thấy chút yên tĩnh.

Hiện nay là một nỗi lo âu không đối tượng, không mục đích, rồi về sau là một sự hy sinh liên miên không ngớt, không đưa lại một cái gì cả, – số phận của chàng trên đời nầy chỉ có thế. Còn như tám năm nữa chàng mới có ba mươi hai? Còn có thể bắt đầu một cuộc sống khác, thì cái đó có nghĩa lý gì! Chàng sống mà làm gì? Dự định cái gì? Hướng tới cái gì sống chỉ để cho có sống ư? Nhưng tước kia chàng cũng vẫn sẵn sàng hiến dâng cuộc sống của mình cho lý tưởng, cho hy vọng, thậm chí cho những mơ ước viển vông nữa. Chỉ sống thôi, bao giờ chàng cũng vẫn thấy là chưa đủ; chàng vẫn muốn một cái gì hơn thế nữa. Có lẽ chỉ vì ước mong mãnh liệt mà trước đây chàng đã tự cho mình là một người có quyền hành động hơn người khác.

Sao số phận lại không gửi đến cho chàng một lòng hối hận, một lòng hối hận thiêu đốt, vò nát cõi lòng, xua đuổi giấc ngủ, một lòng hối hận ghê gớm đến nỗi người ta chie mơ ước một sợi dây thòng lọng hay một áo tù! Ôi chàng sẽ vui sướng bịết bao nhiêu nếu có được lòng hối hận ấy? Vì thống khổ và nước mlắt cũng là cuộc sống. Nhưng chàng không hối hận về tội ác của chàng.

Ít nhất chàng cũng có thể căm giận sự ngu xuẩn của mình, như trước kia chàng đã căm giận những hành động hết sức vô lý và ngu xuẩn đã đưa chàng vào ngục thất. Nhưng giờ đây, khi đã vào ngục, khi đã được thảnh thơi, chàng lại suy xét và nghĩ lại tất cả những hành động trước đây, và tuyệt nhiên không thấy nó vô lý và ngu xuẩn như trong khoảng thời gian tai hại trước đây chàng đã tưởng.

“Tư tưởng của ta có gì là ngu xuẩn hơn những tư tưởng, những lý thuyết sinh ra nhan nhản và chrn chúc, xô đẩy nhau trên thế giới nầy từ khi thế giới tồn tại?

– Chàng tự hỏi – Chỉ cần nhìn nhận sự việc bằng một quan điểm hoàn toàn độc lập rộng rãi và thoát ra ngoài những ảnh hưởng tầm thường, là dĩ nhiên ý nghĩ của ta sẽ tuyệt nhiên không… kỳ quặc đến thế! Hỡi những kẻ phủ nhận, hỡi những bậc hiền triết năm xưa kia, tại sao các người lại dừng lại ở giữa đường!

Sao họ lại thấy hành động của ta quái gở như vậy? – Chàng tự nhủ. – Vì, nó là một tội ác ư? Danh từ tội ác nghĩa là gì? Lương tâm ta yên ổn. Dĩ nhiên ta đã phạm một tội hình; dĩ nhiên ta đã vi phạm luật pháp và làm đổ máu, thế thì các người cứ lấy đầu ta đi cho đúng luật pháp… và thế là đủ! Nếu thế thì dĩ nhiên nhiều bậc ân nhân của loài người, không được thừa hưởng quyền bính mà lại tự mình giành lấy, tất phải bị xử xử ngay từ những bước đấu. Nhưng những người ấy đã qua được những bước đầu, cho nên họ phải, còn ta không qua được, cho nên ta trái, ta không có quyền bước những bước ấy”.

Chàng chỉ thừa nhận tội lỗi của mình ở mỗi một điểm đó: chẳng qua chàng đã không qua được cuộc thử thách và đã ra tự thú.

Chàng còn đau khổ vì một ý nghĩ khác: tại sao lúc ấy chàng không tự sát? Tại sao khi đứng nhìn xuống giòng sông chàng lại chọn lấy cách ra tự thú? Chả nhẽ lòng ham sống lại mãnh liệt và khó trấn áp như vậy? Xvidrigailov cũng sợ chết, nhưng vẫn trấn áp được đấy thôi?

Chàng xót xa tự hỏi như vậy và không thể hiểu được rằng ngay từ lúc chàng đứng nhìn xuống giòng sông, có lẽ chàng đã linh cảm thấy trong bản thân và trong những chủ kiến của mình có một sai lầm sâu sắc.

Chàng không hiểu rằng mối linh cảm ấy có thể báo hiệu một sự chuyển biến sắp tới trong đời chàng, báo hiệu một cuộc hồi sinh, một cách nhìn nhận mới mẻ đối với cuộc sống.

Ở đây chàng chỉ muốn thấy tác dụng nặng nề và tối tăm của bản năng, mà chàng đã không đủ sức phá vỡ và bước qua được, vì nhu nhược và hèn kém. Chàng nhìn những người bạn tù mà lấy làm lạ: họ cũng ham sống biết chừng nào, họ quý cuộc sống biết chừng nào? Chàng có cảm tưởng rằng chính trong tù ngục họ lại càng yêu, càng biết quý cuộc sồng hơn là ở ngoài đời tự do. Trong bọn họ có những người phải chịu bao nhiêu là cực hình, bao nhiêu nỗi thống khổ ghê gớm, những người trước kia sống lang thang chẳng hạn? Có lẽ nào họ lại có thể quý đến như vậy một tia nắng, một khu rừng um tùm, một dòng suối lạnh mất hút ở đâu đâu trong bụi rậm, mà họ đã tìm thấy ba năm về trước, và vẫn mơ ước gặp lại như mơ ước gặp người yêu, nằm mơ thấy nó, thấy lớp cỏ xanh rờn hai bên bờ, thấy con chim đang líu lo trong khóm lá? Nhìn kỹ hơn, chàng thấy có những trường hợp còn khó giải thích hơn nữa.

Trong ngục thất, giữa cái môi trường ấy, dĩ nhiên chàng không thấy được nhiều, mà cũng không hề có ý muốn thấy. Chàng như nhắm mắt lại mà sống: đối với chàng, nhìn là một việc gì ghê tởm, không sao chịu nổi. Nhưng dần dần có nhiều điều khiến chàng ngạc nhiên, và chàng dần dà, dường như miễn cưỡng, bắt đầu nhận thấy những điều mà trước kia chàng không hề ngờ tới. Nói chung, điều làm cho chàng ngạc nhiên hơn cả là cái vực sâu thăm thẳm, không tài nào vượt qua được, giữa chàng và tất cả đám người ấy. Có thể tưởng chừng như chàng với họ là những thế giới khác nhau. Chàng với họ nhìn nhau một cách nghi ngờ và thù địch. Chàng biết và hiểu những nguyên nhân khái quát của sự cách biết ấy nhưng trước kia chưa bao giờ chàng thừa nhận rằng những nguyên nhân ấy quả nhiên sâu sắc và mạnh mẽ đến thế. Trong ngục có cả những người Ba Lan bị đày, những phạm nhân chính trị. Những người đó xem cả bọn kia như những kẻ dốt nát, quê mùa và hết sức khinh miệt họ; nhưng Raxkonikov không thể coi khinh họ như vậy được: chàng thấy rõ rằng những kẻ ngu dốt ấy có nhiều điểm còn thông minh hơn những người Ba Lan kia nhiều. Ở đây có mấy người Nga cũng khinh miệt họ quá mức – một cựu sĩ quan và hai người học trò trường dòng; Raxkonikov cũng thấy rất rõ chỗ sai lầm của họ.

Còn bản thân chàng thì mọi người đều không ưa và muốn tránh. Thậm chí họ dần dần bắt đầu căm ghét chàng – tại sao? Chàng cũng không biết. Họ khinh miệt chàng, nhạo báng chàng, nhạo báng tội ác của chàng, ngay cả những kẻ còn nặng tội hơn chàng nhiều cũng thế.

– Mày là con nhà quý tộc! – họ nói. – Sao mày lại cầm rìu làm gì, không phải việc của hạng mày.

Đến tuần thứ hai của cữ chay lớn đến lượt chàng đi lẻ với cả trại của chàng. Chàng vào nhà thờ cầu nguyện với những người khác. Một hôm có cuộc xung đột xảy ra, tại sao thì chàng cũng không biết nữa; cả bọn giận dữ xông vào chàng.

– Mày là đồ vô đạo! Mày không tin Chúa! – họ quát vào mặt chàng. – Phải giết mày đi.

Chàng chưa bao giờ nói gì với họ về Chúa và về đức tin nhưng họ lại muốn giết chàng vì chàng là kẻ không tin Chúa; chàng lặng thinh không cãi lại. Một phạm nhân xông vào chàng, như điên như dại. Raxkonikov điềm tĩnh và im lặng đợi hắn; chàng không hề chớp mắt, không một thớ thịt nào trên mặt chàng rung động. Người lính áp giải kịp thời xen vào giữa hai phạm nhân, nếu không, máu đã đổ xuống.

Còn có một vấn đề nữa ma chàng không sao giải quyết được: tại sao tất cả bọn họ lại mến Sonya đến thế? Nàng không hề muốn gây thiện cảm với họ; họ ít khi gặp nàng, chỉ thỉnh thoảng những hôm đi làm lao dịch, khi nàng đến thăm chàng một lát. Thế nhưng mọi người đều đã biết nàng, lại biết rằng nàng đã theo chàng đến đây, họ biết nàng ở đâu, sống ra sao. Nàng không hề cho họ tiền, không giúp đỡ họ việc gì đáng kể. Chỉ có một lần, nhân lễ Giáng sinh, nàng có đem một món quà vào cho cả trại: mấy miếng chả rán và mấy chiếc bánh nướng. Nhưng dần dần giữa họ với Sonya bắt đầu có những mối quan hệ gàn gũi hơn: nàng viết hộ thư cho họ gửi những người thân và đem ra bưu cục bỏ cho họ. Những người bà con của họ mỗi khi đến thị trấn nầy, đều theo lời dặn của họ mà gửi đồ đạc cho Sonya, hay cả tiền bạc nữa. Vợ và người yêu của họ đều biết nàng và hay lui tới nhà nàng. Và những khi nàng ra công trường với Raxkonikov hay gặp đoàn tù đang đi làm, mọi người đều cất mũ, cúi chào nàng: “Cô Sofia Xemionovna, mẹ của chúng tôi, người mẹ dịu hiền đầy tình thương xót!” – những kẻ tội phạm thô lỗ, bị số phận nguyền rủa ấy nói với người con gái nhỏ bé, gầy gò ấy như vậy. Nàng mỉm cười với họ. Họ yêu cả dáng đi của nàng, họ ngoái lại để nhìn theo nàng, xem nàng đi và khen ngợi nàng; họ lại còn khen nàng sao bé nhỏ thế và thậm chí họ cùng không biết họ khen ngợi nàng vì cái gì nữa. Họ lại còn đến nhờ nàng chữa bệnh cho.

Chàng nằm trong nhà thương suốt mấy ngày cuối cữ chay và Tuần lễ Thánh. Khi đã bắt đầu bình phục, chàng hồi tưởng lại những giấc chiêm bao trong khi chàng còn nằm sốt mê man. Chàng mê thấy cả thế giới bị trời phạt phải làm mỗi cho một nạn dịch khủng khiếp, chưa từng nghe, chưa từng thấy, từ trung tâm châu Á tràn sang châu Âu. Mọi người đều sẽ phải chết, trừ một số ít người được lựa chọn. Có nhưng loài giun lạ xuất hiện; đó là những vi sinh vật cư trú trong thân thế con người. Nhưng các sinh vật đó lại là những thần linh, có trí khôn và ý chí. Những ai hấp thụ các sinh vật ấy vào người lập tức trở nên điên rồ, như bị ma ám. Nhưng chưa bao giờ có ai lại cho mình là thông minh, là nắm vững được chân lý như nhưng người nhiễm bệnh. Chưa bao giờ người ta lại tin tưởng vào những lời phán xét, những biện luận khoa học, những quan niệm luân lý, những tín ngưỡng một cách tuyệt đối, cực đoan như vậy. Chàng loạt những làng mạc, những thành phố, những dân tộc bị nhiễm bệnh và lên cơn điên rồ. Mọi người đều hoảng hốt lên, chẳng ai hiểu nhau. Ai nấy đều cho rằng chỉ có một mình mình nắm được chân lý, và nhìn những người khác mà đấm thùm thụp vào ngực khóc lóc vặn tay vào nhau. Họ không còn biết phê phán ai và phê phán như thế nào họ không thể thoà thuận được với nhau xem cái gì là thiện, cái gì là ác.

Họ không biết buộc tội ai, thanh minh cho ai, họ giết nhau trong một cơn hằn thù vô nghĩa lý. Họ tập hợp lại thành cả những đạo quân lớn, nhưng vừa xuất chinh, những đạo quân ấy đã tự xâu xé mình, các hang ngũ rối loạn, các chiến sĩ xông vào đâm chém, cắn xé, và ăn thịt lẫn nhau. Trong các thành phố, người ta đánh thanh la suốt ngày để triệu tập mọi người lại nhưng ai triệu tập và triệu tập để làm gì thì không ai biết cả, và mọi người đều hoảng hốt lên. Ngay những nghề nghiệp thông thường nhất cũng bị bot rơi, vì ai nấy đều đề nghị những ý kiến riêng, những cách sửa đổi riêng, và chẳng ai chịu ai sất, nông nghiệp ngừng hoạt động. Nơi nầy nơi nọ người ta xúm lại từng tốp, cùng thoả thuận một việc gì thề thốt sẽ không rời nhau, nhưng rồi lập tức quay ra làm một cái gì khác hẳn những điều mà chính họ vừa đề nghị xong, bắt đầu buộc tội cho nhau, đánh nhau, cắt cổ nhau. Các thành phố bắt đầu bốc cháy, nạn đói bắt đầu hoành hành. Mọi người và mọi vật đều bị tiêu diệt. Nạn dịch bành trướng lên và cứ lan ra mãi. Trong cả thiên hạ chỉ có mấy người thoát nạn, đó là những người trong sạch và được Trời lựa chọn từ trước, có nhiệm vụ khai thuỷ cho một giống người mới và một cuộc sống mới, tẩy uế và cải tạo quá đất, nhưng chưa có ai trông thấy những người ấy ở đâu cả, chưa có ai nghe tiếng nói và lời lẽ của họ ra sao cả.

Có một điều làm cho Raxkonikov rất khổ tâm là giấc mơ vô nghĩa lý ấy đã khắc sâu vào trí não của chàng thành những kỷ niệm buồn rầu và đau đớn, là ấn tượng của những giấc mơ do cơn sốt sinh ra ấy mãi vẫn không mờ. Bấy giờ đã là tuần lễ thứ hai sau Tuần lễ Thánh; thời tiết đang trải qua những ngày mùa xuân ấm áp, quang đãng; trong bệnh xá của phạm nhân, người ta đã mở các cửa sổ căng lưới sắt ra. Ngoài cửa sổ một người lính canh đi đi lại lại, trong suốt thời gian chàng ốm, Sonya chỉ vào bệnh xá thăm chàng được hai lần, mỗi lần muốn vào thăm như thế phải xin phép, mà xin phép thì khó lắm. Nhưng nàng hay lên nhà thương, nhất là lúc xế chiêu, và đôi khi chỉ đến để đứng ngoài sân một lát, nhìn từ xa những khung cửa sổ của bệnh xá. Một hôm lúc xế chiều Raxkonikov bấy giờ đã gần khỏi hẳn, chợp mắt ngủ thiếp đi; khi thức dậy, chàng vô tình ra cửa sổ và bỗng trông thấy Sonya đứng bên cổng nhà thương. Trông nàng có vẻ như đang chờ đợi một cái gì. Giây phút ấy chàng chợt thấy như có một cái gì xói vào tim; chàng giật mình và hối hả rời cửa sổ. Hôm sau Sonya không đến, hôm sau nữa cũng thế; chàng nhận thấy mình lo lắng mong nàng. Cuối cùng, họ cho chàng ra viện. Về đến trại, chàng được các phạm nhân cho biết rằng Sofia Xemionovna ốm phải nằm nhà không đi đâu được.

Chàng lo lắm, liền nhờ người đi hỏi hộ. Chẳng bao lâu chàng được biết rằng bệnh tình của nàng không nguy hiểm. Về phía Sonya, được biết rằng chàng nhớ nàng và lo cho nàng như vậy, nàng gửi cho chàng một mảnh giấy viết bút chì báo cho chàng biết rằng nàng đã đỡ nhiều, nàng chỉ bị cảm nhẹ và chỉ ít nữa, rất chóng thôi, nàng sẽ ra công trường thăm chàng. Khi chàng đọc mảnh giấy nầy, tim chàng đập mạnh, đau nhói.

Ngày hôm ấy, trời lại quang dãng và ấm áp. Từ sáng sớm, khoảng sáu giờ, chàng lên đường đi làm ở bờ sông. Ở đấy có một cái nhà kho dùng làm nơi nghiền thạch cao, bên trong có xây một cái lò để đốt thạch cao. Chỉ có ba phạm nhân được đưa ra làm ở đấy.

Một trong ba người đi với người lính áp giải về pháo đài lấy một đồ dùng gì đấy, người thứ hai bắt đầu bổ củi cho vào lò. Raxkonikov rời nhà kho ra tận bờ sông, ngồi lên những súc gồ xếp cạnh nhà kho và bắt đầu nhìn xuống giòng sông rộng và vắng. Bờ sông rát cao, nên ngồi đó có thể nhìn bao quát cả một vùng rất rộng. Từ bờ bên kia rất xa, có tiếng hát thoang thoảng vẳng lại.

Nơi ấy, trên canh thảo nguyên mênh mông chan hoà ánh nắng, mấy túp lều du mục vẽ thành những chấm đen lờ mờ. Nơi ấy là tự do, ở nơi ấy đang sống những con người khác không giống người ờ đây một chút nào, ở đấy ngay cả thời gian cùng dường như ngừng lại, tưởng chừng như thế kỷ của Abraham1 và đoàn gia súc của lão vẫn còn đấy. Raxkonikov ngồi nhìn đăm đăm không rời mắt; ý nghĩ của chàng hoà tan thành một giấc mơ, một viễn ảnh; chàng không nghĩ gì hết, nhưng một nỗi buồn mơ hồ khiến chàng xúc động và bứt rứt.

Bỗng nhiên chàng thấy Sonya ở bên cạnh. Nàng đã rón rén lại gần và ngồi xuống cạnh chàng. Lúc ấy hãy còn sớm lắm, không khí ban mai rét buốt vẫn chưa dịu bớt. Nàng mặc chiếc áo choàng tồi tàn, cũ kỹ và khoác chiếc khăn xanh. Mặt nàng còn mang dấu vết của trận ốm vừa qua: gầy đi, xanh đi, má hóp lại. Nàng niềm nở và vui mừng mỉm cười với chàng, nhưng vẫn đưa tay ra cho chàng một cách rụt rè như thường lệ.

Xưa nay bao giờ nàng cũng đưa tay ra cho chàng một cách rụt rè, đôi khi lại không dám đưa ra nữa, như sợ bị chàng hắt hủi, bao giờ chàng cũng như có ý kinh tởm khi cầm tay nàng, bao giờ gặp nàng cũng có vẻ bực dọc, đôi khi cứ lặng thinh trong suốt thời gian nàng đến thăm. Cũng có khi nàng phát sợ và ra về với một nỗi buồn tủi sâu sắc. Nhưng bây giờ tay họ không rời nhau nữa; chàng đưa mắt nhìn nàng rất nhanh, không nói gì cả, cụp mắt nhìn xuống đất. Ở đấy chỉ có hai người với nhau, không ai trông thấy họ. Người lính gác đã quay mặt đi.

Việc ấy xảy ra như thế nào thì chính chàng cũng không biết, nhưng bỗng như có một cái gì nắm lấy chàng và ném chàng xuống chân Sonya. Chàng khóc và ôm lấy chân nàng. Thoạt phút đầu nàng sợ quá, mặt nàng đờ ra. Nàng giật mình lùi lại và run rẩy đứng nhìn chàng. Nhưng ngay lúc ấy, ngay giây lát ấy nàng đã hiểu hết. Từ đấy mắt nàng ánh lên một niềm hạnh phúc vô biên; nàng đã hiểu rằng từ nay nàng không còn phải nghi ngờ tình yêu của chàng nữa: chàng yêu nàng, yêu vô cùng, và giờ phút bấy lâu mong đợi nay đã đến.

Họ muốn nói, nhưng không nói nên lời. Mắt họ rưng rưng. Cả hai đều xanh và gày; nhưng trên hai gương mặt ốm yếu, nhợt nhạt ấy đã bừng lên ánh bình mình của một ngày mai đổi mới, của sự hồi sinh toàn vẹn trong một cuộc sống mới. Tình yêu đã làm cho họ sống lại lòng người nầy chứa đựng những nguồn sống vô tận cho lòng người kia.

Họ quyết định chờ đợi và chịu khó kiên nhẫn, họ còn bảy năm nữa; từ nay cho đến lúc ấy bao nhiêu là thống khổ cùng cực và bao nhiêu là hạnh phúc vô biên?

Nhưng chàng đã sống lại, và chàng biết thế, chàng cảm thấy thế một cách trọn vẹn, với tất cả những đường gân thớ thịt và đôi môi của chàng, còn nàng, nàng chỉ sống với cuộc sống của chàng mà thôi.

Tối hôm áy, khi các trại giam đã đóng cửa. Raxkonikov nằm trên chõng vẫn nghĩ đến nàng. Hôm ấy chàng còn có cảm giác như tất cả các phạm nhân trước kia vốn thù ghét chàng, nay đã nhìn chàng bằng một con mắt khác. Chàng lại còn bắt chuyện với họ nữa, và họ trả lời chàng một cách dịu dàng thân mặt. Bây giờ chàng nhớ lại điều đó, nhưng sự việc chả phải diễn ra như vậy là gì? Đây chẳng phải là lúc tất cả phải thay đổi hay sao?

Chàng nghĩ đến Sonya. Chàng nhớ lại mình đã làm tội làm tình nàng không ngớt, đã giầy vò cấu xé tâm hồn nàng như thế nào; chàng nhớ lại khuôn mặt xanh xao, gây gò của nàng, nhưng bây giờ những kỷ niệm ấy cùng hầu như không còn làm cho chàng khổ sở nữa: chàng biết từ nay chàng sẽ chuộc lại tất cả những nỗi thống khổ của nàng bằng một tình yêu vô cùng vô tận.

Vả lại tất cả tất cả những nỗi thống khổ của dĩ vãng ấy là cái gì? Tất cả, ngay cả tội ác của chàng, ngay cả cuộc xét xử và án đày của chàng, giờ đây, trong phút say sưa ban đầu, chàng có cảm giác như đó là những sự kiện gì bề ngoài, xa lạ, thậm chí không liên quan gì đến chàng nữa. Vả chăng tối hôm ấy chàng không thể nghĩ lâu và liên tục đến một việc gì, tập trung tư tưởng vào một cái gì nhất định; mà bây giờ thì chàng cũng chàng giải quyết được vấn đề gì một cách có ý thức; chàng chỉ cảm xúc thôi. Biện luận đã nhường chỗ cho cuộc sống, và trong ý thức tất phải hình thành một cái gì khác hẳn.

Dưới gối của chàng là một cuốn Phúc âm. Chàng cầm nó lên như một cái máy. Quyển sách nầy là của nàng, chính quyển sách trong đó nàng đã đọc cho chàng nghe đoạn Lazaro sống lại. Trong thời gian đầu ở trại giam chàng đã nghĩ rằng nàng sẽ đưa tôn giáo ra làm khổ chàng, sẽ nói đến Phúc âm và sẽ buộc chàng đọc sách ấy. Nhưng chàng rất đỗi ngạc nhiẻn mà nhận thấy rằng nàng không hề nói đến chuyện ấy một lần nào, thậm chí cũng không bao giờ khuyên chàng đọc Phúc âm.

Chính chàng đã hỏi mượn của nàng ít lâu trước khi ốm, và nàng đã lặng lẽ đem sách lại cho chàng. Từ bấy đến nay chàng cũng không hề giở ra xem nữa.

Và giờ đây chàng cũng không giở ra xem, nhưng có một ý nghĩ thoáng qua óc chàng: “Chả nhẽ bây giờ những quan niệm của nàng lại có thể không phải là những quan niệm của ta? Ít ra là những tình cảm, những ý hướng của nàng”.

Suốt ngày hôm ấy nàng cũng bồi hồi xúc động, và đến đêm lại còn ốm trở lại nữa. Nhưng nàng sung sướng đến nỗi hầu như hoảng sợ trước hạnh phúc của mình.

Bảy năm, chí bảy năm thôi? Trong thời gian đầy hạnh phúc, có nhưng lúc cả hai người sẵn sàng coi bảy năm ấy như bảy ngày. Thậm chí chàng cũng không biết rằng cuộc sống mới không phải sẽ tự đến cho chàng hưởng không, rằng còn phải mua nó với một giá rất đắt: với một kỳ công to lớn sau nầy…

Nhưng đến đây đã bắt đầu một quá trình khác, quá trình cải hoá dần dần của một con người, quá trình tái sinh của nó, quá trình chuyển dần từ một thế giới nầy sang một thế giới khác, làm quen với một hiện thực mới mẻ, từ trước đến nay chưa từng biết đến. Nó có thể làm thành đề tài cho một câu chuyện kể mới, còn như câu chuyện chúng tôi hiện đang kể thì đến đây là hết.


  1. Một gia trưởng Do Thái thời thượng cổ, cháu hai mươi đời của thuỷ tổ Adame (Kinh Thánh).