Chương 33

Có lẽ cậu cũng biết (vả lại bản thân tôi cũng đã có lần kể cho cậu nghe) rằng tôi đã từng ngồi tù ở đây vì công nợ. Nợ thì vô khối, mà tôi thì chẳng có triển vọng gì tìm được phương kế trả nợ. Không cần gì phải kể tỉ mi hồi ấy Marfa Petrovna đã chuộc tôi ra như thế nào; cậu có biết đôi khi đàn bà họ có thể yêu đến mức mê muội đi như thế nào không? Đó là một người đàn bà đoan chính, khá thông minh (tuy hoàn toàn vô học). Cậu thử tưởng tượng một người đàn bà đoan chính và hay ghen nhất đời như thế mà, sau những cơn phẫn nộ điên cuồng và những lời xỉ vả khủng khiếp, lại cam tâm hạ mình xuống ký kết với tôi một thứ giao kèo và lại thực hiện đúng cái giao kèo ấy trong suốt thời gian chúng tôi lấy nhau. Số là bà ta hơn tuổi tôi khá nhiều, hơn nữa không hiểu sao trong mồm lúc nào cũng nhai một thứ hạt cái gì đấy. Tôi đã có đủ trơ tráo và cũng có đủ một thứ cương trực đặc biệt để nói thẳng với bà ta rằng tôi không thể nào hoàn toàn chung thuỷ với bà ta được. Lời thú nhận đó làm cho bà ta điên cuồng lên, nhưng hình như sự thật thà thô lỗ của tôi cũng có chỗ làm cho bà ta hài lòng; bà ta tự nhủ: “Đã nói trước ra như vậy, tức là không có ý lừa dối mình”. Ấy, đối với một người đàn bà hay ghen thì đó là điều quan trọng nhất. Sau nhiều phen khóc lóc khôn nguôi, chúng tôi đã ấn định được một thứ giao kèo mồm như sau: khoản thứ nhất, tôi sẽ không bao giờ bỏ bà Marfa Petrovna và trọn đời sẽ là chồng bà ta; khoảng thứ hai là tôi sẽ không đi đâu hết nếu không được phép của bà ta; khoản thứ ba là tôi sẽ không bao giờ bắt nhân tình lâu dài, khoản thứ tư, đẻ bù vào khoản trước, bà Marfa Petrovna cho phép tôi thỉnh thoảng gian díu với bọn đày gái, nhưng nhất thiết phải được bà ta bí mật chuẩn y, thứ năm là tôi không được yêu một người dàn bà thượng lưu nào; thứ sáu là nếu vạn nhất tôi có nhỡ phải lòng ai một cách say mê đắm đuối thật sự (xin Chúa phù hộ cho tôi tránh được tai ương nầy) thì tôi phải thổ lộ với bà Marfa Petrovna. Về điều khoản cuối cùng nầy thì từ bấy về sau bà Marfa Petrovna khá yên tâm; đó là một người đàn bà thông minh cho nên cũng biết thừa tôi là một gã dâm đãng chỉ thích ve gái, không thể có một tình yêu thật sự được. Nhưng một người đàn bà thông minh và một người đàn bà hay ghen là hai chuyện khác nhau: thế mới chết chứ. Vả chăng đối với một số người muốn phán xét họ một cách thật vô tư, cần phải gạt trước một số định kiến và từ bỏ cách nhìn thường ngày đối với những người và những vật quen thuộc ở xung quanh ta. Tôi có quyền hy vọng vào cách phê phán của cậu hơn của bất cứ ai khác. Có lẽ cậu đã nghe nói nhiều chuyện buồn cười và quái gở về Marfa Petrovna. Quả nhiên bà ta có một số thói quen rất buồn cười; nhưng cũng xin nói thẳng với cậu rằng tôi thành thật lấy làm tiếc về những nỗi buồn khổ nhiều vô số mà chính tôi đã gây ra. Thôi, hình như nói như thế cùng đã đủ thành một bài oraison funèbre1 khá chỉnh, xứng đáng với người vợ dịu dàng nhất của một người chồng dịu dàng nhất. Những khi xảy ra cãi cọ, phần nhiều tôi làm thinh và không nổi cáu lên, và cái trò quân tử ấy hầu như bao giờ cũng đạt được mục đích; nó có tác dụng đối với bà ta và thậm chí còn làm bà ta thích thú nữa. Có những lúc bà ta lại còn lấy làm tự hào về tôi nữa. Thế nhưng đến khi xảy ra chuyện em gái anh thì bà ta vẫn không sao chịu nổi. Không biết làm thế nào mà bà ta lại có thể liều lĩnh đưa một giai nhân như vậy vào nhà làm gia sư? Tôi cho là vì Marfa Petrovna là một người đàn bà nhiệt thành và đa cảm cho nên chẳng qua bà ta đã phải lòng em cậu – theo đúng nghĩa đen của từ nầy! Phải, cả cái cô Avdotia Romanovna ấy nữa! Ngay từ phút đầu tôi đã hiểu rất rõ rằng tình hình rất nguy kịch, và – không biết cậu nghĩ thế nào? – đã toan nhất quyết tránh nhìn Avdotia Romanovna đấy, mà chính Avdotia Romanovna đã đi bước đầu đấy. Cậu có tin được không? Cậu cũng có tin được không, là từ đầu bà Marfa Petrovna đã đi đến nước giận tôi vì tôi chẳng bao giờ nói gì đến cô em cậu vì tôi quá dửng dưng trước những lời lẽ say sưa mà bà ta tuôn ra không ngớt để ca ngợi Avdotia Romanovna? Tôi thật không hiểu bà ta muốn gì nữa? Và dĩ nhiên là bà Marfa Petrovna kể hết chuyện tôi cho Avdotia Romanovna nghe. Bà ta có cái thói khốn khổ là bạ ai cũng đem kể hết những chuyện kín trong gia đình ra và bạ ai cũng đem tôi ra mà kêu cả, than phiền; thế thì làm sao lại có thể bỏ qua một người bạn mới tuyệt diệu như vậy? Tôi đoán rằng họ chẳng bao giờ nói chuyện gì khác ngoài chuyện tôi, và không nghi ngờ nữa, Avdotia Romanovna đã biết được những câu chuyện ám muội, huyền bí mà người ta vẫn gán cho tôi… Tôi đánh cuộc là cậu cũng đã từng nghĩ một cái gì như thế rồi, phải không?

– Tôi có nghe Lugin còn buộc tội ông là đã làm cho một đưa trẻ phải chết nữa. Việc đó có đúng không?

– Xin cậu làm ơn đừng nói đến những chuyện nhảm nhí ấy nữa, – Xvidrigailov thoái thác, vẻ kinh tởm và sốt ruột, – nếu cậu cứ muốn biết cho kỳ được cái chuyện vô nghĩa lý ấy thì một hôm nào đấy tôi sẽ kể riêng cho cậu nghe, còn bây giờ…

– Người ta còn kháo nhau chuyện một người gia nô của ông ở thôn quê, nghe đâu ông cũng có gây ra một cái gì thì phải.

– Xin cậu làm ơn thôi cho! – Xvidrigailov lại cắt ngang, vẻ sốt ruột rõ rệt.

– Có phải đó chính là tên gia nô mà sau khi chết đã đi vào nhồi tẩu thuốc cho ông không… hình như chính ông cũng có kể cho tôi nghe thì phải? – Raxkonikov mỗi lúc một cáu tiết lên.

Xvidrigailov chăm chú nhìn Raxkonikov, và chàng có cảm giác là trong khóe mắt hắn, nhanh như một làn chớp, trong giây lát vụt ánh lên một ý giễu cợt hằn học, nhưng Xvidrigailov nén giận trả lời rất lễ phép:

– Chính hắn đấy. Xem ra cậu cũng rất mực quan tâm đến tất cả những chuyện đó và tôi tự xem như có bổn phận hễ có dịp thuận tiện là sẽ làm thoả mãn lòng hiếu kỳ của cậu. Mẹ kiếp! Quả cũng có người có thể thấy tôi như một nhân vật tiểu thuyết. Cậu nghĩ mà xem, sau những việc như thế thì tôi phải biết ơn mồ ma bà Marfa Petrovna biết chừng nào vì bà ta đã nói cho em cậu biết bao nhiều điều bí ẩn và thú vị về tôi. Tôi không dám khẳng định những điều đó đã gây nên trong lòng em cậu một ấn tượng như thế nào; nhưng dù sao như vậy cũng có lợi cho tôi. Tuy Avdotia Romanovna vẫn có một cảm giác kinh tởm tự nhiên đối với tôi, và tuy tôi bao giờ cũng có một vẻ lầm lì khả ố, rốt cục nàng cũng vẫn thấy thương tôi, thương hại một con người sa ngã. Mà khi lòng một người con gái đã thấy thương, thì âu đó dĩ nhiên là điều nguy hiểm cho nàng hơn cả. Vì thế nào rồi cũng nảy ra cái ý kiến “cứu vớt”: cảm hoá, cái tử hoàn sinh, kêu gọi tới mục đích cao cả hơn, dìu dắt vào một cuộc sống mới, một đời hoạt động mới, ấy cậu cũng biết thừa những mộng tưởng kiểu như thế. Tôi lập tức nhận rõ rằng con chim đang tự ý lao vào lưới, và về phía tôi, tôi cũng rình săn. Hình như cậu cau mày thì phải, cậu Rodion Romanovich? Không sao đâu, cậu cũng biết đấy: trước sau cũng chỉ xảy ra những chuyện vặt mà thôi. (Mẹ kiếp, tôi uống nhiều rượu quá!) Cậu ạ, ngay từ đầu lúc nào tôi cũng nghĩ mà lấy làm tiếc rằng số phận không cho em cậu sinh vào thế kỷ thứ hai hay thứ ba của kỷ nguyên nầy, làm con một vương công hay một vị tổng trấn, lãnh quan nào đấy ở Tiểu Á. Cô ta chắc chắn sẽ là một trong những người tuẫn đạo và tất nhiên sẽ mỉm cười khi đao phủ dí chiếc kìm nung đỏ vào ngực. Hẳn cô ta sẽ tự ý xông ra lĩnh lấy nhục hình, và nếu sống ở thế kỷ thứ bốn hay thứ năm thì sẽ bỏ sang miền sa mạc Ai Cập ở đấy ba mươi năm trời, sống bằng rễ cây, bằng cuồng hoan và ảo ảnh. Bản thân cô ta chỉ khát khao, chỉ đòi hỏi cho chóng có dịp đau khổ vì một người nào, và nếu không tìm được dịp đau khổ, cô ta có lẽ đến phải nhảy qua cửa sổ mà chết. Tôi có nghe nói ít nhiều về một ông Razumikhin nào đấy. Nghe đâu ông ta là một người có lương tri, đúng như tên họ ông ta2 chắc hẳn là một anh thầy dòng3, thôi được cứ để cho ông ta bảo vệ em cậu. Nói tóm lại, tôi đã hiểu được cô em thì phải, và tôi cũng lấy làm hân hạnh về điều đó. Nhưng hồi ấy, nghĩa là hồi mới quen, chính cậu cũng biết đấy, bao giờ người ta cũng có phần nông nổi và khờ khạo hơn, người ta cứ nhìn sai lệch, thấy gà hoá cuốc. Mẹ kiếp, sao cô em lại đẹp đến thế làm gì. Lỗi không phải tại tôi! Nói tóm lại, thoạt tiên, tôi thấy trỗi dậy trong lòng một cơn dục vọng ồ ạt không sao cưỡng nổi. Avdotia Romanovna là một người tiết hạnh đến mức kinh khủng, chưa từng thấy, chưa từng nghe nói có ai như vậy. (Xin cậu lưu ý, tôi nói như vậy, về em cậu là để cung cấp một sự kiện, cô em cậu tiết hạnh có lẽ đến mức bệnh tật, tuy cô ta vốn có một trí tuệ rộng rãi, và như vậy sẽ có hại cho cô ta): Vào dạo ấy có một ả tên là Parasa, ả Parasa mắt huyền, vừa mới đưa từ một thôn khác về làm gia nô. Trước kia tôi chưa từng gặp cô ả bao giờ. Rất xinh, nhưng lại ngốc đến quá quẩn: cô ả kêu khóc ầm ĩ cả lên, chuyện đâm ra lôi thôi to. Một hôm, sau bữa ăn chiều, Avdotia Romanovna cố ý tìm cách gặp riêng tôi trên một lối đi trong vườn, và hai mắt sáng long lanh, có ta đòi tôi phải buông thả ả Parasa. Đó hầu như là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện riêng với nhau. Dĩ nhiên tôi coi việc thoả mãn ý muốn của Avdotia Romanovna như một vinh dự, tôi cố làm ra vẻ ân hận, bối rối, nói tóm lại, tôi đóng kịch không đến nỗi tồi, thế là bắt đầu những mối quan hệ, những cuộc nói chuyện bí mật, những lời khuyên răn, thuyết giáo, khẩn khoản, van nài thậm chí cả những giọt nước mắt nữa- Cậu có tin không, cô ta còn khóc nữa. Đấy lòng ham muốn tuyên truyền của một thiếu nữ nó có thể mãnh liệt đến mức ấy đấy! Dĩ nhiên là tôi đổ lỗi hết cho cái số phận của tôi, làm ra vẻ thèm muốn khát khao ánh sáng, và cuối cùng tôi huy động đến cái thủ đoạn lớn nhất và công hiệu nhất để chinh phục một trái tim phụ nữ, một thủ đoạn chưa từng đưa lại thất bại cho ai bao giờ và có tác dụng quyết định đối với mọi người không trừ một ai. Đó là một thù đoạn rất thông thường: nịnh hót. Trên đời không có gì khó bằng cương trực, và không có gì dễ cho bằng nịnh hót. Nếu trong thái độ cương trực có chen vào dù chỉ một nét giả tạo hết sức nhỏ nhặt, thì lập tức sẽ gây một ấn tượng lạc điệu rồi sẽ sinh ra vỡ lở to chuyện. Còn nịnh hót thì dù có giá dối từ đầu chí cuối cùng vẫn dễ chịu và người nghe cùng vẫn không khỏi thích thú; tuy đó là một cảm giác thích thú thô lậu, nhưng dù sao cũng vẫn là một cảm giác thích thú. Và dù cách nịnh hót có thô thiển đến đâu chăng nữa, thì ít nhất trong đó thế nào cũng có một phần nữa có vẻ đúng sự thật. Đối với trình độ nào và tầng lớp nào trong xã hội cũng thế thôi. Dùng cách nịnh hót thì dù là một ni cô trong đền Vexta4 cũng hủ hoá được. Còn những người bình thường thì chẳng cần nói làm gì nữa. Tôi không nhịn được cười mỗi khi nhớ đến chuyện tôi quyến rũ một bà rất mực tận tuỵ với chồng, với con và với tiết hạnh của mình. Thật, không có gì vui bằng mà cũng không có gì ít tốn công sức hơn! Mà bà ta thật sự là một con người đức hạnh, ít ra cũng đức hạnh theo một lối riêng. Toàn bộ chiến thuật của tôi chung quy lại là ở chỗ luôn luôn phủ phục xuống làm như bị áp đảo trước cái tiết hạnh của bà ta. Tôi nịnh bà ta một cách vô sỉ, và hễ mới chớm được bà ta xiết tay một chút hay nhìn qua một thoáng, tôi đã tự trách là đã cưỡng bách bà ta, là bà ta đã kháng cự, và kháng cự quyết liệt đến nỗi chắc chắn tôi sẽ không bao giờ được chút gì nếu tôi không phải là người xấu xa đến thế, rằng bà ta quá trong trắng nếu không lường trước được âm mưu quỷ quyệt của tôi và đã vô tình ưng thuận, tuy bản thân bà cũng không hay biết vân vân, vân vân. Tóm lại, tôi được hưởng tất, trong khi bà kia vẫn tin chắc như đinh đóng cột rằng mình trong trắng, tiết hạnh, mình vẫn làm tròn bổn phận, mình sa ngã một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Thế rồi cuối cùng tôi mới nói rằng tôi thành thật tin chắc mười phần là bà ta cũng đi tìm khoái lạc chẳng khác gì tôi, bà ta giận tôi một mẻ ra trò. Bà Marfa Petrovna đáng thương của tôi cũng rất ưa nịnh, và nếu tôi muốn, đĩ nhiên tôi đã chuyển được toàn bộ cơ ngơi của bà ta thành sở hữu của tôi từ khi bà còn sống. (Chà, tôi uống rượu dữ quá, thành thử ba hoa tợn). Tôi mong cậu đừng giận nếu tôi nói rằng chính cái hiệu quả ấy cũng bắt đầu thấy thể hiện ở cô Avdotia Romanovna. Nhưng tôi lại ngốc và thiếu kiên nhẫn nên mọi việc mới hỏng bét ra. Trước kia Avdotia Romanovna cũng đã mấy lần rất đỗi phật ý vì cách nhìn của tôi (riêng có một lần thì lại càng phật ý đặc biệt), cậu có tin được không? Tóm lại, trong khóe mắt tôi mỗi ngày một ánh lên một tia lửa mạnh mẽ và trâng tráo, khiến cho cô ta sợ và rốt cục đẩy ra thù ghét. Không cần phải kể chi tiết làm gì, dù sao giữa hai chúng tôi cùng đâm ra bất hoà. Đến đây tôi lại làm một việc dại dột nữa. Tôi bắt đầu đưa ra những lời lẽ hết sức thô tục để nhạo báng tất cả những thứ tuyên truyền, thuyết giáo đó; Parasa lại được đưa lên sân khấu, mà cũng không phải chỉ một mình ả ta, nói tóm lại, nhà tôi trở thành một thứ Xodom5. Chao ôi, cậu Rodion Romanovich, giá cậu được trông thấy dù chỉ một lần thôi đôi mắt của Avdotia Romanovna những khi quắc lên long lanh như thỉnh thoảng trong thời gian ấy! Bây giờ tôi say thật rồi, tôi uống hết cả cốc rồi, nhưng cái đó không hề gì, tôi vẫn nói thật đấy: tôi xin quả quyết với cậu rằng đêm đêm tôi mơ thấy ánh mắt ấy; cuối cùng tôi không sao chịu nổi tiếng sột soạt của chiếc áo dài nàng mặc nữa. Quả thật dạo ấy tôi tưởng đã sắp lên chứng kinh phong đến nơi, tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình có thể điên dại lên đến mức ấy. Tóm lại thế nào cũng phải làm lành; nhưng bấy giờ không thể làm lành được nữa rồi. Cậu thử tưởng tượng xem lúc ấy tôi đã làm gì? Con người ta có thể điên dại, cuồng si đến chừng nào! Đã điên dại lên rồi thì đừng bao giờ mưu toan việc gì hết, cậu Rodion Romanovich ạ. Tôi suy tính rằng Avdotia Romanovna dù sao cũng chỉ là một cô gái nghèo hèn (Ồ, xin lỗi, tôi không định nói thế, nhưng chữ nghĩa thì có gì là quan trọng, đằng nào cũng vẫn một nội dung ấy thôi mà) tóm lại, cô ta sống bằng sức lao động của hai bàn tay, cô ta lại còn phải nuôi mẹ nuôi anh (Ồ, quỷ thật, cậu lại nhăn mặt…), nghĩ thế tôi quyết định xim biếu cô toàn bộ tất cả tiền bạc của tôi (dạo ấy tôi có thể có đến ba vạn rúp) để cô ta cùng tôi đi trốn, trốn lên đây, lên Petersburg thôi cũng được: Lẽ dĩ nhiên tôi sẵn sàng thề thốt yêu đương trọn đời. hứa hẹn hạnh phúc cực lạc vân vân, vân vân. Cậu có tin được không, lúc ấy tôi si mê đến nỗi ví thử nàng có bảo tôi cắt cổ hay đầu dộc bà Marfa Petrovna để lấy nàng, tôi sẽ làm ngay tức khắc. Nhưng cơ sự rốt cục vỡ lở thảm hại như cậu đã biết, và cậu cũng có thể tự mình đoán được tôi điên cuồng lên đến chừng nào khi được biết bà Marfa Petrovna đi đào ở đâu ra cái tên cạo giấy Lugin chó đểu ấy và hầu như đã dàn xếp xong cuộc hôn nhân, – thực chất mà nói thì như vậy cũng chẳng khác gì những lời đề nghị của tôi, có phải không? Có phải không nào? Đúng thế chứ còn gì nữa? Tôi nhận thấy cậu bắt đầu nghe rất chăm chú… cậu thật là một chàng thanh niên rất thú vị!

Xvidrigailov sốt ruột nện quả đấm lên bàn, hắn đỏ dừ cả mặt ra. Raxkonikov thấy rất rõ rằng cốc sâm banh hay cốc rượu gì đấy mà hắn đã nhấp dần từng ngụm nhỏ hết từ lúc nào không biết đã có một tác dụng không lành mạnh đối với hắn, bèn quyết định lợi dụng cơ hội nầy. Chàng thấy Xvidrigailov rất khả nghi.

– Ấy đã thế thì bấy giờ tôi hoàn toàn tin chắc rằng ông lên đây là vì em gái tôi, – Chàng nói thẳng với Xvidrigailov không giấu giếm, để trêu gan cho lão tức thêm…

– Chà thôi, – Xvidrigailov như chợt trấn tĩnh được, – Thì tôi đã nói với cậu… vả lại em cậu không thể nào dung thứ được tôi.

– Thì tôi vẫn biết chắc là nó không thể dung thứ, nhưng vấn đề bây giờ không phải ở chỗ đó.

– Cậu có biết chắc là cô ta không thế? – Xvidrigailov nheo mắt và mỉm cười ngạo nghễ – Cậu nói đúng: cô ta không yêu tôi; nhưng cậu đừng bao giờ nói một điều gì cả quyết về những việc xảy ra giữa hai vợ chồng hay giữa hai người nhân tình nhân ngãi. Ở đây bao giờ cũng có một khía cạnh mà trên đời không bao giờ có ai biết được ngoài hai người trong cuộc. Cậu dám nói quả quyết rằng Avdotia Romanovna nhìn tôi một cách kinh tởm?

– Cứ theo một vài câu nói, một vài ý của ông trong khi kể chuyện, tôi nhận thấy rằng đến bây giờ ông vẫn còn có những ý định riêng, những âm mưu mà ông định tiến hành gấp, nhằm vào Dunia, dĩ nhiên là những âm mưu đê tiện.

– Sao! Tôi đã buột mồm nói ra những câu, những ý như thế à? – Xvidrigailov bỗng hoảng hốt lên một cách hết sức ngây ngô, không hề để ý đến cái hình dung từ mà chàng dùng để đánh giá những âm mưu của hắn.

– Thì ngay bây giờ ông cũng đang buột mồm đấy thôi. Chẳng hạn, ông sợ cái gì mà sợ lắm thế? Sao bây giờ ông bỗng đâm hoảng lên thế?

– Tôi sợ, tôi hoảng? Tôi sợ cậu chắc? Cậu sợ tôi thì có. Anh bạn trẻ ạ. Chà, kể cùng ngộ thật… Vả chăng tôi say rồi, tôi biết lắm; lại suýt lỡ lời nữa rồi. Rượu quỳ rượu quái! Ê, đem nước lã ra đây!

Hắn vớ lấy chai và chẳng nói chẳng rằng quăng ngay ra cửa sổ. Phillip bưng nước ra.

– Toàn là chuyện nhảm, – Xvidrigailov vừa nói vừa nhúng ướt chiếc khăn mặt chườm lên đầu, – Tôi chỉ cần nói một tiếng cậu cũng đủ đuối lý và tất cả những nghi ngờ của cậu tan ra tro. Chẳng hay cậu có biết tôi sắp cưới vợ không?

– Ông cũng đã có lần nói với tôi rồi thôi.

– Tôi có nói? Thế mà quên mất. Nhưng dạo ấy tôi chưa thể nói chắc chắn được, vì thậm chí tôi cũng chưa trông thấy vị hôn thê bao giờ; tôi chỉ mới có ý định thôi. Ấy, còn bây giờ thì tôi đã có vị hôn thê, công việc đã xong xuôi, và giá không có những việc bức thiết thì thế nầy tôi cũng đưa cậu lại đằng ấy ngay bây giờ, vì tôi muốn hỏi ý kiến cậu. Chà, quỷ thật, chỉ còn có mười phút. Cậu thử nhìn đồng hồ mà xem; tuy vậy tôi cũng xin kể cho cậu nghe, vì đây là một chuyện rất lý thú, chuyện tôi cưới vợ ấy, nghĩa là cũng có chỗ lý thú riêng, kìa cậu đi đâu? Lại bỏ đi à?

– Không, bây giờ thì tôi không bỏ đi nữa đâu.

– Cậu ở lại hẳn? Để rồi xem! Tôi sẽ đưa cậu đến đằng ấy, thật đấy, sẽ cho cậu xem mặt vị hôn thê của tôi nhưng bây giờ thì chưa, bây giờ thì cậu cũng sắp phải đi có việc. Cậu rẽ sang phải, tôi rẽ sang trái. Cậu biết cái bà Resslich ấy chứ nhỉ? Thì cái bà Resslich hiện cho tôi thuê phòng trọ ấy mà? Cậu có nghe nói chứ? Kìa, cậu nghĩ gì thế, chính cái mụ Resslich mà người ta vẫn đồn là đã làm cho một con bé phải nhảy xuống sông ngay giữa mùa đông ấy mà, ấy, cậu có nghe nói chứ. Thế thì chính mụ ta lo liệu cho tôi cả đấy; mụ ta bảo: ông bây giờ một thân một mình như thế chắc là buồn lắm. Ông nên chơi bời đi cho nó khuây khoả. Mà tôi thì tính lại âm thầm, buồn bã. Cậu tưởng tôi vui lắm? Không, tôi buồn lắm; tôi không làm hại ai: tôi cứ ngồi lì trong xó, có khi suốt cả ngày không nói với ai một câu. Cái con mẹ Resslich xó lá ấy trù tính như thế nầy đây, để tôi nói cậu nghe: tôi lấy vợ được ít lâu sẽ phát chán, sẽ bỏ vợ đây mà đi, thế là cô vợ kia sẽ nằm lại trong tay mụ ta, mụ ta sẽ cho lưu thông trên thị trường, nghĩa là thị trường thượng lưu như hạng ta ấy, cao hơn nữa cũng nên. Mụ ta bảo cô ấy có một ông cha liệt bất toại, một công chức hưu trí, suốt ngày ngồi trên ghế bành, đã ba năm nay chân không cử động được. Mụ ta lại bảo mẹ cô là một người đàn bà khôn ngoan. Bà ta có một người con trai làm việc đâu ở các tỉnh, không đỡ đần gì cho cha mẹ cả. Cô gái lớn thì đã đi lấy chồng và từ đấy biệt tăm; lại phải nuôi báo cô hai đứa cháu (làm như trong nhà chưa đủ miệng ăn), cô con gái út đang học dở trong trường trung học thì được gọi về, một tháng nữa mới tròn mười sáu tuổi, thế nghĩa là một tháng nữa có thể cho đi lấy chồng nốt, là lấy tôi ấy. Tôi với mụ ấy đến; ở nhà họ đến là buồn cười: tôi tự giới thiệu: một nhà trang chủ goá vợ, có tên tuổi cô ít nhiều thân thế, có vốn – ấy, tuy tôi năm mươi còn cô ta mới mười sáu, nhưng thế thì đã sao? Ai kế đến chuyện ấy. Thế nào, cũng thú đấy chứ hả. Thú thật, ha ha! Giá cậu được trông thấy tôi nói chuyện với ông bố, bà mẹ. Được xem tôi lúc ấy thì trả tiên cùng đáng! Cô ta bước ra, nhún chân chào. Cậu thử tưởng tượng mà xem, hãy còn mặc chiếc áo ngắn, thật là một nụ hoa chưa nở, mặt đỏ bừng lên như trời rạng đông (dĩ nhiên họ đã nói chuyện cho cô ta biết). Tôi không biết ý cậu đối với dung nhan phụ nữ ra sao, chứ theo tôi thì cái tuổi mười sáu ấy, đôi mắt còn thơ ngây ấy, cái vẻ e lệ và những giọt nước mắt thẹn thùng ấy theo tôi thì còn hơn cả nhan sắc, thế mà đằng nầy cô ta lại đẹp như một bức tranh nữa. Mái tóc vàng nhạt, uốn thành từng búp nhỏ, đôi môi mọng, đỏ thắm, đôi bàn chân xinh xẻo thật mê hồn! Ấy, thế là chúng tôi làm quen với nhau, tôi bảo là tôi phải vội về vì bận việc nhà, và đến ngày hôm sau, tức là ngày hôm kia, ông bố và bà mẹ đã chúc phước cho hai trẻ. Từ dạo ấy hễ đến nhà là tôi bế cô bé lên đùi ngay, và không đặt xuống đất nữa… Ấy, cô ta đỏ mặt tía tai lên, còn tôi thì cứ hôn lấy hôn để; bà mẹ thì dĩ nhiên khuyên bảo con rằng đây là chồng mày, và phải như thế mới được, tóm lại là một của quý! Và cái thời gian hiện nay, thời gian chưa cưới ấy, có lẽ lại còn thú hơn cả thời gian làm chồng kia. Ở đây có một cái gọi là la nature et la vérité6 Ha ha! Tôi đã nói chuyện với cô bé hai lần: cô bé chẳng ngốc chút nào đâu; có lần có ta nhìn trộm tôi làm tôi cháy bùng lên như que diêm. Mà cậu ạ, mặt cô ta như kiểu mặt Đức bà của Raphael ấy. Ấy, Đức bà Xikxtin có một vẻ mặt huyền hoặc, vẻ mặt của một cô gái cuồng tín đang buồn tủi, cậu không để ý sao? Ấy, kiểu như thế ấy. Vừa cầu phúc xong, đến hôm sau tôi mang lại nghìn rưỡi ngay: một đồ trang sức bằng kim cương, một cái khác bằng ngọc trai và một cái tráp bằng bạc dựng đồ trang điểm to bằng ngần nầy, lại thêm đủ thứ lặt vàt nữa, đến nỗi cô ta, cô Đức bà ấy, mặt mày cũng rạng rỡ cả lên. Hôm qua tôi đặt cô bé lên đùi, chắc là tôi làm sỗ sàng quá, thế là cô ta đỏ bừng mặt lên, trào cả nước mắt ra, không chịu để cho tôi, tuy người nóng bừng lên. Cả nhà đi đâu vắng một lát, chúng tôi ngồi lại một mình, cô bé bỗng ôm chầm lấy cổ tôi (đây là lần đầu tiên), đôi tay bé nhỏ xiết chặt lấy tôi, hôn tôi và thế sẽ là một người vợ tốt, ngoan ngoãn và trung thành của tôi, sẽ làm cho tôi sung sướng, sẽ hiến dâng cả cuộc dời, hiến dâng mỗi phút trong đời mình, sẽ hy sinh tất cả, tất cả, và để đền đáp lại chỉ xin tôi coi trọng cô ta mà thôi, không cần “biếu tặng quà cáp gì hết”. Cậu cũng nên thừa nhận rằng được nghe một lời thổ lộ riêng tây như thế của một cô thiên thần mười sáu tuổi, mặt ửng đỏ lên vì một nỗi thẹn thùng trinh bạch, mắt rơm rớm những giọt lệ hân hoan, cũng thú đấy chứ? Phải không nào? Cũng đáng công đấy chứ hả? Đáng lắm chứ ấy… cậu ạ ta, ta đến nhà cô ấy đi, nhưng bây giờ thì chưa được!

– Nói tóm lại, chính sự chênh lệch quái gở về tuổi tác và thể chất ấy nó kích thích dục tình của ông chứ gì? Mà chả nhẽ ông lại lấy vợ như thế thật hay sao?

– Còn gì nữa? Hẳn đi chứ! Mỗi người phải tự xoay xở cho mình và kẻ nào biết cách tự lừa dối mình hơn cả thì kẻ ấy sống vui vẻ hơn cả! Ha ha! Nhưng sao cậu bỗng dưng đâm ra đạo đức thế? Xin cậu rủ lòng tha thứ cho, tôi là một con người tội lỗi, hê! hê! hê!

– Thế nhưng ông lại thu xếp cho con cái bà Katerina Ivanovna. Vả chăng… vả chăng ông cũng có những lý do riêng để làm như vậy… bấy giờ tôi đã hiểu hết.

– Nói chung tôi rất yêu trẻ, tôi rất yêu trẻ con, – Xvidrigailov cười phá lên. – Về phương diện nầy tôi lại có thể kể cho cậu nghe một mẩu chuyện hết sức lý thú, chuyện ấy cho đến nay vẫn còn tiễp diễn. Hôm đầu tiên lên đây tôi đi khắp các xó xỉnh mà, thì cậu bảo bảy năm không nếm mùi rồi còn gì. Chắc cậu cũng để ý thấy rằng tôi không vội tìm gặp bạn bè cũ, tức là các bầu bạn ngày xưa ấy mà. Ấy tôi lại còn cố tránh họ càng lâu càng tốt, dẫu biết không, dạo ở thôn quê với bà Marfa Petrovna tôi khổ đến chết với những kỷ niệm về những xó xỉnh bí mật ấy: ở đấy ai biết cách thì có thể tìm được rất nhiều cái thú. Mẹ kiếp! Người ta chè chén say sưa, thanh niên có học thức thì chẳng biết làm gì quay ra tự tiêu huỷ sinh lực trong những mơ ước và mộng tưởng cực kỳ viển vông, đâm đầu vào những học thuyết quái gở; bọn Do Thái ở đâu ùn ùn kéo đến vơ vét tiền bạc, và bọn còn lại thì thì nhau chơi bời truỵ lạc. Ngay từ mấy giờ đầu lên đến đây tôi đã lại ngửi thấy cái mùi quen thuộc của thành phố nầy. Tôi tình cờ sa vào một thứ gọi là dạ hội khiêu vũ, một cái tổ quỷ ghê người (tôi vốn thích loại tổ quỷ bẩn bẩn một chút kia). Dĩ nhiên ở đấy người ta nhảy một điệu căng-căng điên loạn, không đâu có và hồi tôi còn ở đây chưa bao giờ thấy. Phải, tiến bộ ở chỗ ấy đấy.

Tôi chợt trông thấy một con bé độ mười ba tuổi, ăn mặc rất xinh xắn, đang nhảy với một tay sành sỏi; một tay khác nhảy đối diện với nó. Mẹ nó ngồi trên một chiếc ghế đặt sát tường. Ấy, cậu thử tưởng tượng điệu căng-căng nó thế nào! Con bé thẹn thùng đỏ mặt, cuối cùng cảm thấy nhục và bắt đầu khóc. Tay sành nhảy kia ôm lấy nó mà quay cuồng và làm bộ làm tịch trước mặt nó, xung quanh mọi người đều cười phá lên. Những lúc như thế tôi thích cái công chúng ở đây lắm, tuy là loại công chúng của điệu căng-căng. Họ cười ha hả và reo: “Phải đấy, phải như thế mới được. Ai bảo cho trẻ con đến đây”. Tôi thì tôi cần quái gì, mà việc gì đến tôi, họ giải sầu có theo đúng logic, hay không thì tôi cân quái gì? Tôi lập tức chọn chỗ ngồi bên cạnh bà mẹ và bắt đầu kể lể nào tôi cũng là người ở nơi khác mới đến, nào ở đây toàn là những bọn vô học, nào là họ không biết phân biệt thế nào là giá trị chân chính và không biết kinh nể người tử tế cho phải đạo, tôi nói hở ra cho họ biết là tôi có nhiều tiền; tôi mời họ lên xe ngựa của tôi và đưa họ về nhà chọ trọ trong một buồng thuê lại của người ta, vì họ vừa mới đến Petersburg. Tôi làm quen với họ. Họ tuyên bố rằng được làm quen với tôi như thế nầy, cả mẹ lần con đều lấy làm hân hạnh; tôi được biết rằng họ chẳng có tiền mong gì cả, họ lên đây là để xin xỏ một việc gì ở một công sở nào đây; tôi bèn tự nguyện giúp đỡ cho tiền; tôi lại được biết rằng họ đến dự buổi dạ hội ấy vì tưởng lầm rằng ở đấy người ta dạy khiêu vũ thật; tôi tình nguyện góp phần giáo dục cô bé, dạy cho cô ta học tiếng Pháp và học khiêu vũ. Hai mẹ con hoan hỉ nhận lời cho đó là một vinh dự lớn, và từ đấy tôi quen thân… Cậu có muốn thì ta sẽ đến đằng ấy, nhưng bây giờ thì chưa được.

– Ông đừng có kể những chuyện bẩn thỉu, hèn hạ ấy ra đây nữa, đồ dâm đãng, đồ hèn mạt!

– Thật là một Schiller đúng Schiller của chúng ta đây rồi! Où la vertu va-t-elle se niche7. Cậu ạ, tôi sẽ cố ý kể cho cậu nghe những chuyện như thế, cốt để nghe những tiếng kêu than của cậu. Nghe khoái lắm!

– Còn phải nói. Ông trong lúc nầy tôi không thấy mình lố bịch hay sao? – Raxkonikov lẩm bẩm, vẻ hằn học.

Xvidrigailov cười phá lê ông ổng; cuối cùng hắn gọi Philip, trả tiền và rời ghế đứng dậy:

– Thôi tôi say thật rồi, Nói chuyện thế là đủ rồi! – hắn nói, – khoái thật.

– Cố nhiên là ông phải thấy khoái lắm, – Raxkonikov cũng đứng dậy nói, – đối với một ke dâm ô đã chán chường như ông mà kể những thành tích như vậy, trong khi đang âm mưu một việc gì cùng bỉ ổi không kém thì gì mà chả khoái, nhất lại kể trong những hoàn cảnh như thế nầy, và kể cho một người như tôi… Có sức kích thích lắm.

– À nếu thế, – Xvidrigailov vừa đáp vừa nhìn Raxkonikov, hơi có vẻ ngạc nhiên – nếu thế thì chính cậu cũng là một tay vô sỉ ra trò. Ít nhất cậu cũng có nhiều bản lĩnh. Cậu có thể nhận thức được nhiều, nhiều lắm… mà cũng có thể làm nhiều. Nhưng thôi, thế là đủ. Tôi thành thật lấy làm tiếc là nói chuyện với cậu được ít quá, nhưng cậu không thoát được tôi đâu… Đấy, cậu cứ đợi một chút mà xem…

Xvidrigailov bước ra khỏi quán rượu. Raxkonikov ra theo. Xvidrigailov cũng không say gì mấy; đầu hắn chỉ choáng váng một lúc, nhưng hơi men mỗi chốc một rút dần. Hắn như đang lo lắng về một việc gì hết sức quan trọng, mặt cứ cau lại. Hình như hắn đang chờ đợi một việc gì sắp xảy đến, khiến hắn bồi hồi lo sợ. Trong những phút sau cùng, thái độ của hắn đối với Raxkonikov tự dưng thay đổi hẳn, mỗi lúc một thêm thô lỗ và ngạo mạn. Raxkonikov cũng để ý thấy thế và cũng đâm lo. Chàng bắt đầu thấy Xvidrigailov có điều gì rất khả nghi, và quyết định đi theo hắn.

Hai người đã xuống đến vỉa hè.

– Cậu rẽ sang phải, tôi rẽ về phía trái, hay có lẽ ngược lại cũng được, nhưng có điều adieu, mon plaisir8 rất mong gặp lại cậu.

Đoạn hắn rẽ sang phải, đi về phía chợ Hàng Rơm.


  1. Điếu văn (tiếng Pháp). 

  2. Razum có nghĩa là lương tri, lý trí. 

  3. Ý muốn nói một người làm cách mạng. 

  4. Vexta là nữ thần của lửa và của gia đình (cổ Hy Lạp). 

  5. Xodom là một thành phố cũ của xứ Palestin, dân ở đấy hoang dâm đến cực độ, cho nên thành phố đã bị lửa nhà trời thiêu huỷ hoàn toàn để trừng phạt (Kinh Thánh). 

  6. Tính tự nhiên và chân thật (tiếng Pháp). 

  7. Đức hạnh sẽ biết trốn vào đâu (tiếng Pháp). 

  8. Xin chào anh bạn rất lý thú (tiếng Pháp).