Raxkonikov bắt đầu sống qua một thời gian kỳ lạ: như thể một màn sương mù bỗng buông xuống trước mặt chàng và giam hãm chàng trong một cảnh cô đơn nặng nề, không lối thoát. Lâu mãi về sau, khi nhớ lại thời gian nầy, chàng mới hiểu ra rằng ý thức của chàng đôi khi như lu mờ hẳn lại và cứ thế, trừ một vài quãng hở ngắn, kéo dài mãi cho đến tai hoạ cuối cùng. Chàng đã hoàn toàn thấy rõ rằng trong thời gian ấy chàng nhầm lẫn rất nhiều, chẳng hạn về thời gian và thời hạn xảy ra một vài sự việc; ít nhất là về sau, khi nhớ lại và cố gắng lý giải những ký niệm ấy, chàng đã biết thêm nhiều về bản thân mình, nhờ những tài liệu do người khác cũng cấp cho. Chẳng hạn, việc nầy thì chàng lại lẫn với việc nọ; có việc chàng cho là hậu quả của nó một sự kiện nào đó chỉ có trong tưởng tượng của chàng mà thôi. Đôi khi chàng bỗng thấy bồn chồn lo lắng một cách đau đớn khổ sở, thậm chí còn đâm ra sợ sệt hoảng hốt nữa. Nhưng chàng nhớ lại rằng cũng có những phút, những giờ, và có lẽ cả những ngày nữa, chàng hoàn toàn dừng dưng; tâm trạng đó đến với chàng như để đối lập với tâm trạng sợ hãi về trước, nó giống như trạng thái dửng dưng bệnh tật của một số người hấp hối. Còn nói chung thì trong những ngày cuối cùng nầy chính chàng cũng lại dường như cố gắng trốn thoát cho khỏi hiểu một cách mình mẫn và trọn vẹn tình cảnh của mình; một số sự kiện liên quan đến cuộc sống hàng ngày, vốn đòi hỏi được giải thích ngay, đặc biệt khiến chàng khổ tâm; nhưng chàng sẽ sung sướng biết chừng nào nếu được giải thoát, được trốn khỏi những mối lo âu mặc dầu trong tình cảnh chàng mà quên lãng những mối lo âu ấy thì có thể lâm vào nguy cơ diệt vong hoàn toàn không sao tránh khỏi.
Làm cho chàng lo sợ nhất là Xvidrigailov; thậm chí còn có thể nói rằng chàng dường như chỉ nghĩ đến Xvidrigailov nữa thôi. Từ khi Xvidrigailov nói ra những lời lẽ quá rõ ràng và quá nguy hiểm đối với chàng trong căn buồng của Sonya, trong giờ lâm chung của Katerina Ivanovna, giòng tư tưởng thường ngày của chàng dường như đã rối loạn đi. Nhưng mặc dầu sự kiện mới nầy làm cho chàng lo lắng đến cùng cực, Raxkonikov hình như vẫn không vội tìm cách lý giải nó. Thỉnh thoảng, khi bỗng dưng tình cờ đến một khu phố xa vắng, hẻo lánh nào, ngồi trong một tiệm rượu thảm hại nào đó, một mình một bàn suy nghĩ miễn man, và hầu như cũng không nhớ tại sao mình lại đến đây, chàng bỗng sực nhớ đến Xvidrigailov: chàng bỗng lo lắng nhận thức được một cách quá rõ ràng là phải thương lượng với con người ấy càng sớm càng tốt, và quyết định dứt khoát những gì có thể quyết định được. Có lần đi lang thang ra ngoài cửa ô, chàng lại còn mường tượng rằng mình ra đây đợi Xvidrigailov vì hai người đã hẹn gặp nhau ở đây Một lần khác, gần tảng sáng chàng thức dậy thì thấy mình nằm giữa đất, cạnh những bụi rậm, và hầu như không hiểu sao mình lại ở đấy. Vả chăng trong khoảng hai ba ngày sau cái chết của Katerina Ivanovna chàng đã có hai lần gặp Xvidrigailov, lần nào cũng hầu như gặp ngay trong phòng Sonya, chàng ghé vào đấy để làm gì thì chính chàng cũng không rõ, và lần nào cũng chỉ ghé khoảng một phút. Lần nào hai người cũng trao đổi với nhau vài câu vắn tắt, và không bao giờ đã động đến cái điểm chính yếu, như thể tự nhiên giữa hai người đã có mặc ước với nhau là tạm thời không nói đến việc đó. Xác Katerina Ivanovna vẫn còn quàn trong quan tài. Xvidrigailov chạy ngược chạy xuôi lo liệu cho đám tang. Sonya cũng rất bận. Lần gặp sau cùng, Xvidrigailov cho Raxkonikov biết rằng về mấy đứa con của Katerina Ivanovna thì lão đã thu xếp xong xuôi đâu vào đấy cả; nhờ có quen nơi nầy nơi nọ, lão đã tìm được mấy nhân vật giúp lão gửi ngay cả ba đứa trẻ mồ côi vào những viện cô nhi rất thích hợp với chúng; những món tiền ký quỹ cho chúng cũng giải quyết được nhiều việc vì trẻ mồ côi mà có vốn thì gửi dễ hơn con cái hạng bần cùng nhiều. Lão còn nói thêm những gì gì về Sonya, hứa có dịp sẽ thân hành đến gặp Raxkonikov và nói quả là “mong được bàn bạc với chàng; có những việc rất cần nói chuyện với chàng…”. Câu chuyện giữa hai người được trao đổi ở phòng mắc áo, đầu cầu thang.
Xvidrigailov nhìn đăm đăm vào mắt Raxkonikov rồi sau một lát im lặng, đột nhiên hạ giọng xuống hỏi:
– Nầy, Rodion Romanovich, sao trông cậu thảng thốt thế? Thật đấy! Cậu nghe, cậu nhìn, nhưng xem ra thì hình như cậu không hiểu gì hết. Cậu phải can đảm lên. Đây, ta nói chuyện một chút: chỉ tiếc là tôi đang bận quá: việc mình lẫn việc người… Chà, Rodion Romanovich, – lão bỗng nói thêm. – người ta ai cũng cần không khí, không khí… trước hết phải có không khí!
Lão bỗng né ra một bên để nhường lối cho ông linh mục và người giúp lễ đang đi vào. Họ đến làm lễ cầu hồn. Theo yêu cầu của Xvidrigailov, lễ cầu hần được cử hành hai lần một ngày đúng nghi thức, Xvidrigailov bỏ đi. Raxkonikov đứng yên suy nghĩ một lát rồi theo ông linh mục vào phòng Sonya.
Chàng đứng trên lối vào, lễ cầu hồn bắt đầu, lặng lẽ nghiêm trang, buồn bã. Từ hồi còn bé, chàng đã có một cảm giác nặng nề, một nỗi sợ hãi thần bí khi nghĩ đến cái chết và cắm thấy nó lẩn quất đâu đây; vả lại đã lâu chàng không dự lê cầu hồn nào. Hẳn nữa ở đây còn có một cái gì khác, quá khủng khiếp, đáng lo sợ.
Chàng nhìn mấy đứa trẻ: chúng đều quỳ bên quan tài. Polenka khóc. Sau lưng chúng, Sonya cầu nguyện se sẽ; hình như nàng đang rụt rè khóc thầm. “Ra trong mấy ngày nay nàng không nhìn ta lần nào và không nói với ta một lời nào” – Raxkonikov chợt nghĩ. Ánh nắng chiếu vào phòng sáng rực; khói trầm hương bay cuộn lên nghi ngút; người linh mục đọc: “Xin chúa ban cho bằng an”. Raxkonikov đứng dự suốt buổi lễ. Khi làm dấu ban phước lành và cáo từ ra về, người linh mục đưa mắt nhìn quanh, vẻ kỳ lạ. Sau buổi lễ Raxkonikov đến cạnh Sonya. Nàng bỗng cầm lấy hai tay chàng và gục đầu vào vai chàng. Cử chỉ giản dị ấy khiến Raxkonikov hết sức kinh ngạc; chàng còn thấy nó kỳ quặc nữa: lạ thật, nàng không chút nào thấy ghê sợ không mảy may thấy kinh tởm chàng, tay nàng không hề thoáng run lên chút nào! Đây quả thật là lòng nhẫn nhục không bờ bến. Dù sao đó cũng là ý nghĩ của chàng. Sonya không nói gì hết. Raxkonikov xiết tay nàng rồi ra về. Chàng thấy lòng nặng trĩu.
Giá giờ phút nầy có thể bỏ đi đâu mà sống một mình, dù có phải sống như thế suốt đời chăng nữa, thì chàng sẽ cho mình là người diễm phúc. Nhưng khổ một nỗi trong thời gian gần đây, tuy hầu như lúc nào chàng cũng một mình, nhưng chàng không sao cảm thấy mình được ngồi riêng lại với mình cả. Có những lần chàng đã tình cờ ra ngoại thành, bước lên con đường thiẻn lý, thậm chỉ có lần chàng còn đến một khu rừng nhỏ nữa; nhưng những nơi ấy càng hẻo lánh vắng vẻ, thì chàng lại dường như càng cảm thấy một cái gì gần gũi và đáng lo sợ đang lẩn quất đâu đây, một cái gì không hẳn là ghê rợn, nhưng hầu như rất đáng bực mình, thành thử chàng hối hả trở về thành phố, trà trộn vào đám đông, ghé vào quán rượu, quán giải khát, đi ra chợ tầm tầm hay chợ Hàng Rơm. Ở đây chàng thấy để chịu hơn và hầu như cô đơn nữa.
Trong một quán rượu, vào lúc xế chiều, khách khứa đang hát. Chàng ngồi nghe họ hát suốt một tiếng đồng hồ và nhớ rằng mình còn thấy thích thú nữa. Nhưng về sau chàng lại bỗng đâm ra lo lắng; cứ như thể lương tâm bắt đầu cắn rứt chàng. “Đấy, mình ngồi nghe hát thế nầy, nhưng việc mình đang cần làm có phải thế đâu! Chàng thoáng nghĩ. Nhưng rồi chàng lại hiểu ngay ra rằng không phải chỉ có điều nầy khiến chàng lo lắng, còn có một cái gì đòi hỏi phải giải quyết ngay không chậm trễ, nhưng cái đó thì không thể nào lý giải được mà cũng không thể nào diễn đạt ra bằng lời được. Tất cả đều rối bết lại thành một cục. “Không, thế nầy thì thà phải tranh đấu còn hơn, thà một lần nữa phải đương đầu với Porfiri, với Xvidrigailov còn hơn… Sao cho chóng có được một lời thách thức nào, một kẻ nào tấn công ta… Phải! phải!”
Chàng ra khỏi quán và cắm cổ đi thật nhanh, gần như chạy. Nghĩ đến mẹ và Dunia, không hiểu sao chàng bỗng thấy sợ cuống cuồng lên. Chính đêm ấy, khi gần tảng sáng, chàng đã thức giấc giữa những khóm cây rậm trên đảo Krextovxki, người sốt run cầm cập; chàng về đến nhà thì trời đã sáng. Ngủ được mấy tiếng thì cơn sốt qua khỏi, nhưng chàng thức dậy muộn: lúc bấy giờ đã hai giờ trưa. Chàng sực nhớ ra rằng hôm nay chính là ngày đã chọn để đưa ma Katerina Ivanovna, và lấy làm mừng rằng mình đã không đến dự. Naxtaxia đưa thức ăn lên cho chàng; chàng ăn uống rất ngon miệng, gần như ngốn ngấu. Trí óc chàng đã mình mẫn hơn, chàng thấy bình tĩnh hơn ba ngày gần đây. Thậm chí chàng còn thoáng lấy làm lạ về những cơn hoảng sợ cuống cuồng trước đây. Cửa mở, và Razumikhin bước vào.
– À ăn đấy hở, thế tức là không ốm!
Razumikhin nói, với lấy chiếc ghế và ngồi vào bàn, đối diện với Raxkonikov. Anh đang lo, và cũng không có ý muốn giấu nỗi lo ấy. Anh nói năng có vẻ bực bội rõ rệt, nhưng nói từ tốn, không cao giọng. Có thể nghĩ rằng anh vừa nẩy ra một ý định gì riêng, một ý định đặc biệt nữa là khác. Anh mở đầu, giọng cả quyết:
– Cậu ạ, mình thì mình kệ xác cả lũ các cậu, nhưng cứ theo những điều hiện nay mình thấy được thì rõ ràng là mình không thể hiểu một tí gì; xin cậu đừng tưởng mình đến đây để cật vẫn cậu, mình nhổ toẹt vào! Mình không cần! Bây giờ dù cậu có thổ lộ hết những chuyện bí mật của các cậu với mình, có lẽ mình còn không thèm nghe nữa là khác, mình sẽ nhổ toẹt một bãi mà bỏ đi. Mình chỉ đến để tự mình nghiệm lại cho thật dứt khoát; trước hết là có thật cậu điên hay không? Đấy cậu cũng thấy; có người tin chắc rằng (ấy, những người ấy là ai thì cậu cũng biết) có lẽ cậu điên hay sắp phát điên đến nơi rồi. Mình thú thật với cậu là chính mình cũng có chiều muốn xiêu về ý kiến nầy khá mạnh, trước hết là căn cứ vào những hành động ngu xuẩn và có phần khả ố của cậu (những hành động ấy không thể nào cắt nghĩa được) và sau nữa là căn cứ vào cách cậu cư xử với mẹ và em cậu gần đây. Nếu không phải, là một thằng điên thì chỉ có một con quai vật, một tên đốn mạt mới có thể xử với họ như cậu; vậy phải kết luận rằng cậu là một thằng điên…
– Cậu gặp họ đã lâu chưa?
– Vừa gặp xong. Thế còn cậu thì không gặp họ từ lúc nào? Cậu lẩn đi đằng nào mà mất mặt thế, cậu thử nói xem mình đến tìm cậu đã ba lần mà không gặp. Mẹ cậu ốm khá nặng từ hôm qua. Bà cụ định đến thăm cậu; Avdotia Romanovna ra sức can ngăn nhưng bà cụ một mực không chịu nghe, cụ bảo: “Nếu nó ốm, nếu nó bị loạn óc, mà mẹ nó không săn sóc nó thì còn ai?” Thế là mình với Avdotia Romanovna, phải đưa bà cụ đến đây, vì không lẽ để mặc bà cụ đi một mình? Suốt dọc đường, mãi cho đến khi vào sát cửa nhà cậu chúng mình cứ van xin bà cụ yên tâm. Vào nhà, chả thấy cậu đâu cả; bà cụ ngồi ở chỗ nầy đây. Bà cụ ngồi như thế đến mười phút, Avdotia Romanovna với mình thì im lặng đứng cạnh. Bà cụ đứng dậy nói: “Nó đi đâu vắng, thế tức là nó vẫn khoẻ; nhưng quên cả mẹ, làm mẹ mà phải đứng ở cửa xin chút tình thương như xin của bố thí thì thật là ngang chướng và đáng hổ thẹn”. Bà cụ trở về nhà và nằm xuống giường, bây giờ đang sốt: “Tôi biết nó có thì giờ để đến với người của nó” Ý bà cụ muốn nói “người của nó” đây là Sofia Xemionovna, vị hôn thê hay tình nhân của cậu gì đấy, tớ cũng không biết nữa. Vừa rồi tớ lập tức đến nhà Sofia Xemionovna vì tớ muốn tìm biết cho tường tận, – tớ đến thì thấy một cỗ quan tài đặt ở trong nhà, lũ trẻ thì khóc. Sofia Xemionovna đang ướm thử áo tang cho chúng. Cậu thì chẳng thấy đâu cả. Tớ xem một lúc, xin lỗi rồi ra về, thuật lại sự tình cho Avdotia Romanovna rõ. Thế nghĩa là tất cả những chuyện kia đều nhảm nhí hết, chẳng phải người của cậu gì sốt, đúng hơn cả là cậu điên. Nhưng đến đây thì lại thấy cậu ngồi chén thịt bò ngốn ngấu như thể đã ba ngày không ăn. Cứ cho rằng người điên cũng vẫn ăn như thường, nhưng mặc dầu cậu chưa nói với tớ câu nào, tớ cũng thấy ngay là cậu không điên! Tớ sẵn sàng thề như vậy. Gì thì gì chứ nhất định là không điên. Cho nên ma quỷ bắt tất cả bọn cậu đi cho rảnh, vì ở đây có một điều bí ẩn, một chuyện bí mật gì đây; còn như tớ thì tớ không hơi đâu mà đi vắt óc nghĩ cho ra những chuyện bí mát của các cậu. Cho nên tớ chỉ ghé qua chửi cậu dăm câu, – anh đứng dậy, kết luận – Cho nó hả dạ, còn bây giờ thì tớ biết tớ phải làm gì rồi!
– Thế bây giờ cậu định làm gì?
– Bây giờ tớ định làm gì thì có việc gì đến cậu?
– Xem chừng đấy, rồi cậu sẽ quay ra rượu chè mất thôi!
– Sao… sao cậu lại biết?
– Thôi đi, có gì mà chẳng biết.
Razumikhin lm lặng một lát.
– Cậu xưa nay vẫn là người có trí xét đoán rất tinh và chưa bao giờ, chưa hề điên bao giờ cả, – anh bỗng nói, giọng, nhiệt thành. – Đúng thế đấy: tớ sẽ uống rượu! Thôi, tớ về nhé? – Đoạn anh quay gót đi.
– Đâu hôm kia thì phải, tôi có nói chuyện với em gái tôi về cậu đấy Razumikhin ạ!
– Về tớ! Nhưng mà… hôm kia thì cậu gặp cô ấy ở đâu được? – Razumikhin bỗng dừng phắt lại, thậm chí còn hơi tái mặt đi nữa. Có thể thấy rằng tim anh bắt đầu đập mạnh trong lồng ngực, chầm chậm và căng thẳng.
– Dunia có đến đây, đến một mình, ngồi đây nói chuyện với tôi.
– Dunia?
– Phải, Dunia.
– Thế cậu nói gì… tớ muốn hỏi là cậu nói chuyện gì về tớ?
– Tôi bảo Dunia rằng cậu là một người rất tốt, trung thực và cần cù. Còn như cậu yêu Dunia thì tôi không cần nói ra, vì chính nó cũng biết.
– Chính cô ấy cũng biết?
– Gì mà không biết! Dù tôi có đi đâu, dù tôi có mệnh hệ nào cậu cũng nên ở lại che chở mẹ và em tôi. Tôi “phó thác” hai người lại cho cậu đấy, Razumikhin ạ. Tôi nói như vậy bởi vì tôi biết chắc mười phần là cậu yêu Dunia, tôi tin chắc ở tấm lòng trong sạch của cậu. Tôi lại còn biết rằng nó có thể yêu cậu và hơn nữa, có lẽ nó đã yêu cậu rồi cũng nên. Bây giờ cậu thấy thế nào hơn thì cậu cứ định liệu lấy: có nên rượu chè hay không thì tuỳ cậu đấy.
– – Rodia… cậu ạ… Ấy… Chà, quỷ thật? Thế còn cậu thì định đi đâu? Cậu thấy không, nếu đó toàn là chuyện bí mật cả thì thôi! Nhưng tớ… tớ sẽ biết được điều bí mật ấy… Và tớ tin chắc rằng đó là một chuyện gì hết sức vớ vẩn, nhảm nhí không đâu, chắc chắn như thế, và chỉ do một mình cậu bày đặt ra cả. Nhưng cậu là một người hết sức tốt! Tốt vô cùng!
– Tôi còn muốn nói thêm một điều nữa, nhưng cậu cứ cắt ngang, tôi muốn nói là lúc nãy cậu nghĩ rất phải khi quyết định không tìm biết những chuyện bí mật, những điều bí ẩn ấy. Tạm thời cậu hãy cứ để mặc đấy, đừng bận tâm. Đến lúc rồi cậu sẽ biết hết, biết đúng vào lúc cần biết. Hôm qua có một người nói với tôi là con người cần không khí, cần không khí, không khí! Bây giờ tôi định đến gặp người ấy hỏi xem người ấy nói như vậy có ngụ ý gì.
Razumikhin đứng yên, vẻ trầm ngâm và xúc động như đang suy xét điều gì.
“Cậu ấy có tham gia một âm mưu chính trị gì đây! Chắc chắn như thế! Và chắc là nay mai sắp tiến hành một việc gì quyết liệt – Chắc chắn như thế! Không thể nào khác được, và… cả Dunia cũng biết… – anh bỗng thầm nghĩ.
– Thế ra Avdotia vẫn lui tới nhà cậu, – anh nói, dằn từng chữ – Còn cậu thì đang định gặp một người có nói rằng cần có nhiều không khí hơn, nhiều hơn nữa và có thể nghĩa là bức thư ấy… cũng nằm trong phạm vi nầy, – anh kết luận như tự nhủ một mình.
– Thư nào?
– Cô ấy có nhận được một bức thư, vừa nhận được hôm nay, bức thư làm cô ấy lo lắng lắm. Rất lo lắng. Lo lắng quá đỗi nữa là khác. Tớ quay ra nói đến cậu. Cô ấy liền bảo tớ im. Rồi sau đó… cô ấy bảo có lẽ chỉ nay mai chúng ta sẽ xa nhau, rồi quay ra cảm ơn tớ rất nhiệt thành; sau đó cô ấy về phòng riêng khoá trái cửa lại.
– Nó có nhận được một bức thư à? – Raxkonikov hỏi lại, vẻ trầm ngâm.
– Phải, một bức thư, thế cậu không biết à? Hừm.
Cả hai người im lặng một lát.
– Thôi tớ về, Rodion nhé. Cậu ạ,… đã có lúc tớ, nhưng thôi, tớ về nhé, cậu thấy không, đã có lúc tớ… Thôi tớ về đây? Tớ cũng đang có việc… Tớ sẽ không uống rượu đâu. Bây giờ thì không cần… cậu chỉ nói láo!
Razumikhin hấp tấp ra về; nhưng khi ra khỏi cửa và đã đóng cửa sắp kín lại anh bỗng mở ra nói, mắt nhìn đi nơi khác:
– À nầy? Cậu còn nhớ vụ án mạng ấy chứ, chậc cái lão Porfiri ấy mà. vụ giết mụ già ấy mà? Ấy, thế thì tớ nói cho cậu biết là đã tìm ra tên giết người rồi, hắn đã thú tội và đưa ra đầy đủ bằng chứng. Cậu thử tưởng tượng, đó chính là một trong hai người thợ sơn, cậu nhớ chứ, dạo trước tớ vẫn bênh vực đấy? Cậu có thể tin được không: cả cái vụ đánh nhau, cười đùa ầm ĩ trên thang gác với thằng bạn trong khi người gác cổng với hai nhân chứng lên phòng mụ già, đều là do hắn bày ra để đánh lạc hướng. Cái thằng chó con ấy khôn ngoan mà tinh trí thật! Thật khó mà tin; nhưng chính hẳn giảng giải và thú nhận hết! Dạo trước tớ bị mắc lỡm to! Bây thì thì tớ đã thấy đây chỉ là một thiên tài về thuật vờ vĩnh khôn ngoan, một thiên tài về môn đánh lạc hướng điều tra hình pháp, – Cho nên chẳng có gì đáng lấy làm lạ cho lắm cả! Những người như thế cũng có thể có lắm chứ? Còn như việc hắn không chịu nổi mà phải thú nhận, thì làm như thế tớ lại càng tin hơn nữa. Như thế có lý hơn… Nhưng dạo ấy tớ mắc lỡm to mắc lỡm một cách tệ hại! Tớ đã bốc đồng lên vì hai thằng ấy!
– Cậu thử nói hộ tôi nghe, ai cho cậu biết chuyện ấy và tại sao cậu lại quan tâm đặc biệt như vậy? – Raxkonikov hỏi, vẻ xúc động rõ rệt.
– Lại còn tại sao! Tại sao tớ quan tâm! Thế mà cũng hỏi! Tớ biết chuyện ấy là do Porfiri, và mấy người khác nữa. Nhưng chính hắn cho tớ biết hấu hết mọi chuyện.
– Porfiri ấy à?
– Porfiri.
– Thế hắn… hắn bảo sao? – Raxkonikov hỏi, vẻ hớt hải.
– Hắn cắt nghĩa cho tớ rõ ràng lắm. Cắt nghĩa theo lối riêng của hắn, dùng tâm lý học.
– Hắn cắt nghĩa à? Chính hắn tự cắt nghĩa cho cậu rõ?
– Chính hắn, chính hắn; thôi tớ về đây! Sau nầy tớ sẽ kể rõ thêm, chứ bây giờ tớ đang có việc. Dạo trước… đã có một lúc tớ nghĩ… Nhưng thôi; sau hẵng hay! Bây giờ thì việc gì tớ lại đi rượu chè. Không rượu cậu cũng làm cho tớ say khướt rồi. Tớ say rồi đấy Rodia ạ! Bây giờ thì không rượu tớ cũng say, thôi tớ về nhé, tớ sẽ ghé cậu, chỉ nay mai thôi.
Razumikhin đi ra.
“Đúng cậu ấy có tham gia một âm mưu chính trị rồi, chắc chắn, chắc chắn như thế! – Razumikhin quyết định dứt khoát trong bụng, trong khi thong thả xuống thang gác. – Cậu ta lôi cả em gái vào cuộc nữa; cái đó có lẽ rất thích hợp, rất thích hợp với tính cách của Avdotia Romanovna. Hai anh em vẫn có hẹn hò với nhau… Chính cô ấy cũng có nói xa xôi với mình. Cứ xét những lời lẽ, những câu nói xa gần… bóng gió của cô ấy thì đúng là như thế! Nếu không thì làm thế nào cắt nghĩa được cái mở bòng bong nầy? Hừm! Thế mà mình cứ tưởng… Trời ơi, mình nghĩ ra những chuyện như thế có chết người không chứ! Phải, đó là một ý nghĩ u mê ám chướng, mình thật có lỗi với cậu ấy! Chính cái hôm đứng ở bên ngọn đèn mình đã nảy ra cái ý ấy. Xì! Thật là một ý nghĩ xấu xa, thô bỉ, hèn hạ! Thằng Mikonka thú nhận như vậy là khá lắm… Vả lại tất cả những việc xảy ra trước kia thì bây giờ đã quá rõ! Căn bệnh của cậu ấy, những hành động kỳ quái kia, mà ngay cả dạo trước nữa, dạo còn ở trường đại học ấy, lúc nào cũng thấy cậu ấy lầm lì, cau có lạ lùng… Nhưng bây giờ lại có cái bức thư ấy là thế nào? Chắc cũng có một cái gì đây. Thư của ai gửi thế nhỉ? Mình ngờ là… Hừm. Thôi được, mình sẽ biết tất”.
Anh sực nhớ đến Dunia và suy nghĩ đến tất cả những gì có liên quan đến nàng, và thấy tim mình lịm đi. Anh cắm cổ chạy.
Razumikhin vừa ra khỏi thì Raxkonikov đứng dậy: quay ra cửa sổ, húc đầu vào góc nầy góc nọ như thế đã quên bẵng mất kích thước chật hẹp của căn buồng, rồi… lại ngồi xuống đi-văng. Chàng như đã đổi mới hoàn toàn; lại một cuộc đấu tranh – thế nghĩa là lối thoát đã tìm thấy! Phải, thế nghĩa là đã tìm thấy một lối thoát! Chứ không thì mọi việc sẽ bế tắc quá, chàng sẽ bị dồn vào thế bí, chàng sẽ ngạt thở ghê gớm, sẽ u mê đi mất.
Ngay từ dạo gặp Mikonka trong phòng Porfiri chàng đã bắt đầu ngạt thở vì không có lối thoát, vì chật chội.
Sau Mikonka lại đến cuộc nói chuyện ở nhà Sonya, cũng ngay hôm ấy; chàng đã tiến hành và kết thúc cuộc giãi bày hoàn toàn không giống tí nào với cách chàng đã hình dung trước kia… thế nghĩa lả chàng đã suy nhược đi trong chốc lát, suy nhược đến cùng cực rồi! Ngay trong một lúc! Mà hôm ấy chàng cũng đã thú nhận với Sonya, tự chàng thú nhận, chân thành thú nhận rằng chàng không thể mang cái gánh nặng ấy trong lòng một mình mà sống được! Còn Xvidrigailov là cả một bài tính đố… Xvidrigailov khiến chàng lo âu, quả có thế, nhưng hình như không phải về phương diện ấy. Với Xvidrigailov có lẽ cũng sắp phải đấu tranh. Có lẽ Xvidrigailov là cả một lối thoát cũng nên, nhưng Porfiri thì lại là chuyện khác.
Thế là Porfiri tự ý cắt nghĩa cho Razumikhin hiểu, dùng tâm lý học mà cắt nghĩa, hắn lại bắt đầu đưa cái tâm lý học chết tiệt của hắn vào đây rồi! Porfiri à? Nhưng làm sao Porfiri lại có thể tin, dù chí một phút thôi, rằng Mikonka là thủ phạm, sau khi giữa hắn với chàng dạo ấy, trước khi gặp Mikonka, đã diễn ra một cuộc chạm trán mà không có cách giải thích nào có thể cắt nghĩa đúng được, trừ một cách duy nhất (Mấy ngày hôm nay Raxkonikov đã nhiều lần thoáng nhớ lại từng mảng một trong buổi gặp gỡ với Porfiri lần ấy; giá nhớ lại toàn bộ thì chàng sẽ không tài nào chịu nổi). Dạo ấy những câu nói, những cử chỉ, những cái nhìn trao đổi với nhau, giọng nói dùng trong khi đối đáp và nói chung tất cả đã đi đến những mức độ cùng cực, đến nỗi sau đó Mikonka (mà Porfiri đã đoán biết được tỏng tong trong ngay từ lời nói và cử chỉ đầu tiên) Mikonka không thể là người có khả năng làm lung lay tận gốc những định kiến của hắn được.
Thế kia mà! Ngay cả Razumikhin cũng còn bắt đầu nghi ngờ nữa là! Cuộc nói chuyện trong hành lang, bên ngọn đèn, không phải không để lại một dấu vết gì. Thế là cậu ta lao đến tìm Porfiri… Nhưng hắn lòe cậu ta như vậy là để làm gì? Hắn có mục đích gì mà lại lái cho Razumikhin quay sang Mikonka như thế? Vì chắc chắn là hắn cố nghĩ ra một mưu mẹo gì đấy, hắn có những ý định gì đấy, nhưng cụ thể là ý định gì? Quả nhiên từ buổi sáng hôm ấy cho đến nay cũng đã khá lâu, quá lâu nữa là khác, mà Porfiri vẫn im hơi lặng tiếng. Ấy, như thế lại càng nguy hơn…
Raxkonikov cầm lấy mũ lưỡi trai, ngẫm nghĩ một lúc rồi đứng dậy để mở cửa. Trong suốt thời gian ấy, đây là ngày đầu tiên chàng cảm thấy mình ít ra cũng tỉnh trí. “Phải thanh toán với Xvidrigailov mới được – chàng nghĩ, – và dù có thế nào cũng phải thanh toán ngay, càng sớm càng tốt; hình như cái lão nầy cũng đợi mình tự dẫn thân đến thì phải”. Và giây phút ấy từ cõi lòng đã mệt mỏi của chàng bỗng trỗi dậy một mối căm thù dữ dội đến nỗi chàng có thể giết ngay Xvidrigailov hay Porfiri. Ít nhất chàng cũng cảm thấy rằng nếu không phải ngay bây giờ, thì sau nầy chàng có thể đủ sức làm việc đó. “Rồi sẽ xem, rồi sẽ xem” – Chàng tự nhủ.
Nhưng chàng vừa mở cánh cửa trông ra phòng ngoài thì bỗng vấp ngay phải đích thân Porfiri. Ông ta đến tìm chàng. Raxkonikov đớ người ra một lát.
Lạ thay, chàng không ngạc nhiên lắm khi trông thấy Porfiri và hầu như không thấy sợ. Chàng chỉ giật mình, nhưng chỉ trong khoảnh khắc chàng đã định thần lại rất nhanh. “Có lẽ đã đến đoạn kết! Nhưng làm sao hắn lại lặng lẽ tới đây như một con mèo, mình chẳng nghe thấy gì cả? Hay hắn đứng rình ở ngoài từ nãy?”.
– Chắc anh không ngờ có khách, anh Rodion Romanovich nhỉ, – Porfiri Petrovich cười lớn. – Đã lâu tôi muốn ghé anh, hôm nay nhân đi ngang, tôi nghĩ bụng: tại sao không ghé vào nói chuyện dăm phút. Anh định đi đâu đấy? Tôi sẽ không ngồi lâu đâu. Đây, chỉ hút xong điếu thuốc nầy là tôi về, anh cho phép nhé!
– Nhưng ông ngồi xuống chứ, ông Porfiri Petrovich, mời ông ngồi, – Raxkonikov nói, có vẻ bằng lòng và thân mặt, đến nỗi thật tình chàng cũng sẽ tự lấy làm lạ nếu chàng còn đủ sức tự quan sát. Nỗi lo sợ của chàng trước đấy đã tiêu tan không còn lấy một dấu vết! Đôi khi, bị một tên cướp bắt, người ta có thể sợ cuống cuồng lên trong khoảng nửa giờ, nhưng đến khi tên cướp kề dao vào cổ hẳn hoi thì lại không còn thấy sợ hãi gì nữa. Raxkonikov kéo ghế ngồi ngay trước mặt Porfiri và nhìn thẳng vào y, không hề chớp mắt.
Porfiri nheo nheo đôi mắt và bắt đầu châm thuốc lá hút.
“Nào, nói đi, nói đi kìa, – Câu ấy như chỉ chực buột ra tự đấy lòng Raxkonikov. – Nào, sao thế, sao mãi mày không nói thế hả?”