Phải chăng giấc chiêm bao vẫn tiếp tục? – Raxkonikov tự hỏi một lần nữa. Chàng đưa mắt ngờ vực và e dè nhìn người khách bất ngờ.
– Xvidrigailov? Vô lý! Làm gì có chuyện ấy! – cuối cùng chàng ngỡ ngàng nói to lên.
Hình như khách không mảy may lấy làm lạ vì mấy câu chàng vừa thốt ra.
– Tôi đến gặp ông có hai mục đích: trước hết tôi muốn được làm quen với ông, vì từ lâu tôi đã được nghe nói về ông nhiều điều rất lý thú và rất vinh hạnh cho ông; thứ đến, tôi mong rằng ông sẽ vui lòng giúp tôi một việc có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của em gái ông, Avdotia Romanovna. Nếu tôi cứ thế nầy đến gặp, không có ai gửi gắm gì, thì do một thành kiến cũ, thậm chí tiểu thư cũng không cho tôi vào sân nữa, còn được ông giúp cho thì ngược lại, tôi hy vọng rằng…
– Ông hy vọng hão rồi, – Raxkonikov ngắt lời.
– Xin hỏi, phu nhân và tiểu thư mới lên hôm qua phải không ạ.
Raxkonikov không đáp.
– Hôm qua, tôi biết. Chính tôi cũng mới đến đây được ba hôm nay. Rodion Romanovich ạ, về việc nầy tôi xin nói với ông như sau, tôi không thấy cần phải tự thanh minh, nhưng cũng xin phép hỏi ông câu nầy: thật ra trong tất cả câu chuyện đó, tôi có làm điều gì đặc biệt tội lỗi không, nghĩ là nói một cách không có định kiến gì, chỉ phán đoán theo lương tri?
Raxkonikov vẫn im lặng nhìn hắn.
– Tôi có đeo đuổi một người thiếu nữ không nơi nương tựa, ngay trong nhà tôi, và đã “đưa những lời rủ rê bỉ ổi xúc phạm đến nàng” chứ gì? (Đấy, tôi tự buộc tội trước rồi đấy!) Nhưng chỉ xem ông thử nghĩ rằng tôi cũng là một con người, et nihil humanum1). Nói tóm lại, tôi cũng có thể bị sa ngã và đem lòng yêu dấu (cái nầy lẽ dĩ nhiên ý chí của ta không thể can thiệp vào được), đấy chỉ xin ông nghĩ cho như vậy là có thể lý giải được mọi việc một cách hết sức tự nhiên. Vấn đề chung quy như sau; tôi là một con quái vật hay chỉ là một nạn nhân? Ấy, nếu tôi là nạn nhân thì sao? Vì trong khi bàn với người tôi yêu đi trốn sang Mỹ hay sang Thuỵ Sĩ có thể là tôi vẫn ấp ủ những tình cảm hết sức tôn quý, lại còn nghĩ đến việc xây đắp hạnh phúc cho cả hai người nữa! Lý trí vốn phụng sự cho tình cảm mà; có lẽ kẻ bị tôi làm hại nhiều hơn cả lại chính là tôi cùng nên, xin ông tin cho như vậy!
– Nhưng vấn đề hoàn toàn không phải ở chỗ ấy! – Raxkonikov bực bội ngắt lời, – chẳng qua ông là một người ghê tởm. Ông đúng hay không đúng cũng thế thôi, cho nên người ta không thèm nhìn mặt ông, người ta xua đuổi ông, thế thì ông bước đi…
Xvidrigailov bỗng cười phá lên.
– Ông nầy thật… thật khó chơi với ông lắm. – hắn vừa nói vừa cất tiếng cười hết sức thẳng thắn, – tôi cũng định mưu mẹo một tí, nhưng ông lại xoáy ngay vào điểm chính.
– Thì ngay khi nói thế ông vẫn mưu mẹo đấy thôi?
– Sao ạ? Sao ạ – Xvidrigailov vừa nhắc đi nhắc lại vừa cười ha hả – thế nầy thì thật là bonne guerre2) như người ta thường nói, và mưu mẹo của tôi quả cũng là loại mưu mẹo có thể dung thứ được lắm! Nhưng ông cho tôi nói nốt đã; dù sao tôi cũng xin khẳng định lại rằng giá không có câu chuyện xảy ra trong vườn thì sẽ không có gì rầy rà hết. Marfa Petrovna…
– Nghe nói ông cũng đã cho Marfa Petrovna về bên kia thế giới rồi thì phải? – Raxkonikov ngắt lời một cách thô bạo.
– Ông cùng có nghe nói việc nầy à? Mà không nghe sao được… ấy, về câu hỏi nầy quả tình tôi không biết nói sao, tuy lương tâm tôi hoàn toàn trong sạch trong việc nầy. Nghĩa là xin ông chớ nghĩ rằng tôi sợ lôi thôi nầy nọ, mọi việc đều xảy ra một cách bình thường và đúng lẽ: cuộc điều tra y tế chỉ phát hiện ra rằng đây là một cơn động kinh xảy ra vì mới ăn no và uống đến gần một chai rượu vang mà đã đi tắm ngay, ngoài ra không phát hiện được chút gì thêm nữa… Không ạ, đây, trong một thời gian, nhất là trong khi ngồi trên toa xe lửa lên đây, tôi có nghĩ thế nầy: có phải tôi đã có góp phần vào cái… tai nạn nầy không, vì tôi đã làm cho bà ta bị kích thích về tinh thần hay một cái gì như vậy? Nhưng tôi đã đi đến kết luận rằng chắc chắn không thể như vậy được.
Raxkonikov bật cười.
– Việc gì ông phải lo!
– Sao ông lại cười? Ông thử nghĩ xem: tôi đánh có hai roi nhẹ, thậm chí cũng không có lằn nữa… Xin ông đừng cho tôi là vô sỉ; tôi cũng biết rõ tôi làm như vậy là rất bỉ ổi, vân vân; nhưng tôi cũng biết chắc rằng Marfa Petrovna có lẽ cũng lấy làm hài lòng về sự… có thể nói là sự khiếm nhã của tôi. Câu chuyện về em ông đã được khai thác hết nước hết cái. Marfa Petrovna đã phải ngồi nhà đến ba ngày rồi; không còn chuyện gì để mà đem rêu rao trên phố nữa, vả lại bà ta đã làm mọi người phát chán với bức thư ấy rồi (chắc ông đã nghe nói chuyện đọc thư rồi chứ?). Và bỗng nhiên có hai nhát roi ấy như từ trên trời giáng xuống… Trước hết bà ta sai thắng xe, ngựa… ấy là tôi chưa nói đến những trường hợp đàn bà họ rất thích chí khi bị lăng nhục, tuy bề ngoài tỏ ra phẫn uất. Những trường hợp như vậy thì ai cũng có; thậm chí con người ta còn rất thích, rất thích bị lăng nhục nữa, ông có nhận thấy thế không? Nhưng nhất là đàn bà, thậm chỉ có thể nói họ chỉ biết lấy thế làm vui thôi.
Có lúc Raxkoniko đã toan đứng dậy bỏ đi để chấm dứt cuộc gặp gỡ nầy. Nhưng chàng chợt thấy tò mò thế nào ấy, và dường như còn muốn trù tính điều gì nữa, nên lại ngồi yên.
– Ông thích đánh đập lắm à? – chàng hỏi, giọng lơ đãng.
– Không, không thích lắm, – Xvidrigailov điềm nhiên đáp. – Còn như Marfa Petrovna với tôi thì hầu như không bao giờ đánh nhau. Chúng tôi ăn ở với nhau khá hoà thuận và xưa nay bà ta vẫn hài lòng về tôi. Suốt bảy năm trời chung sống tôi chi dùng roi có hai lần (nếu chưa kể một lần thứ ba nữa, nhưng trường hợp nầy lại hơi khó phân xử): lần thứ nhất là hai tháng sau khi cưới, ngay khi vừa về làng, và lần cuối cùng là lần vừa rồi. Chắc ông đã nghĩ tôi là một quái vật, một kẻ thoái hoá, một tên bạo chúa? Hê – hê hê – hê… À nầy, Rodion Romanovich, chắc ông còn nhớ cách đây mấy năm, từ dạo có những lời “sấm truyền ân đức”, công chúng và báo chí đã sỉ nhục một anh chàng quý tộc – tôi quên mất tên – dùng roi đánh một mụ người Đức trong toa xe lửa. Ông còn nhớ không? Dạo ấy, hình như đúng vào năm ấy lại xảy ra cái “hành động quái gở của báo Thế kỷ” (ấy, buổi ngâm bài “Đêm Ai-cập” trước công chúng ấy mà, ông nhớ không?) Đôi mắt đen ấy mà, ôi, thời thanh xuân rực rỡ nay còn đâu! Đấy, ý tôi là thế nầy: tôi hoàn toàn không tán đồng cái ông đã đánh mụ người Đức, bởi vì thật ra không có gì… mà tán đồng! Tuy vậy tôi cũng không thể không tuyên bố rằng đôi khi cũng có những “mụ người Đức” làm mình ngứa chân, ngứa tay đến nỗi tôi thiết tưởng không có một người nào, dù tiến bộ đến đâu chăng nữa, lại dám tin chắc mười phần là mình có thể tự chủ được. Dạo ấy không ai nhìn sự việc cho quan điểm ấy, thế mà đây mới chính là một quan điểm nhân đạo, đung thế đấy.
Nói xong, Xvidrigailov đột nhiên cười phá lên. Raxkonikov thấy rõ ngay rằng con người nầy có một chủ định gì dứt khoát trong đầu óc.
– Chắc ông đã mấy ngày liền không nói chuyện với ai? – chàng hỏi.
– Gần như thế. Sao, chắc ông ngạc nhiên khi thấy tôi dễ dãi?
– Không, tôi ngạc nhiên vì thấy ông dễ dãi quá mức kia.
– Vì tôi không mếch lòng trước những câu hỏi thô bỉ của ông chứ gì? Phải thế không? Nhưng… mếch lòng cái gì? Ông hỏi thế nào thì tôi cũng trả lời thế ấy – hắn nói thêm, vẻ chất phác lạ lùng. – Vì tôi hầu như không quan tâm đặc biệt đến một cái gì cả, – hắn nói tiếp, vẻ như trầm ngâm. – Nhất là bây giờ, tôi không có việc gì bận tâm… Vả chăng, ông cũng có quyền nghĩ rằng tôi muốn gây thiện cảm của ông, nhất là vì tôi đang có việc dính dáng đến lm gái ông, như chính tôi đã nói rõ. Nhưng tôi xin nói thật, buồn lắm! Nhất là ba ngày nay, thành thử tôi còn lấy làm mừng được gặp ông nữa… tôi nói thế nầy ông đừng giận. Rodion Romanovich ạ, chính ông tôi trông cùng kỳ quái lắm, chẳng hiểu tại sao. Cũng tùy ông muốn nghi sao thì nghĩ, nhưng hiện nay ở ông to một cái gì đấy không riêng giây phút nầy nầy mà nói chung hiện nay… ấy. Ấy thôi, tôi xin thôi, ông đừng nhăn mặt! Tôi không đến nỗi là con gấu như ông tưởng đâu!
Raxkonikov, gườm gườm nhìn hắn.
– Có lẽ ông cũng chẳng phải là một con gấu. – chàng nói. – Tôi có cảm tưởng ông là người lịch thiệp hay ít nhất khi cần ông cũng biết tỏ ra mình là người tử tế.
– Nhưng tôi có quan tâm gì mấy đến cảm tưởng của ai về tôi đâu. – Xvidrigailov đáp xẵng, giọng hầu như có vẻ khinh bỉ nữa, – cho nên tôi tự hỏi tại sao lại không làm một kẻ hạ lưu: ở khí hậu ta khoác áo hạ lưu cũng thoái mái lắm và, nhất là nếu mình có xu hướng tự nhiên về phía đó – hắn nói thêm đoạn lại cười ha hả.
– Song tôi nghe nói là ở đây ông có nhiều người quen. Vì ông cũng có “ít nhiều thần thế” như người ta thường nói. Nếu vậy thì ông đến tôi để làm gì, nếu không có những mục đích nhất định?
– Ông nói đúng đấy, quá tôi có nhiều người quen, Xvidrigailov tiếp, không trả lời vào điểm chính, – tôi cũng có gặp họ; chả là tôi lang thang ở đây đã ba ngày nay rồi; tôi nhận ra họ, và hình như họ cũng nhận ra tôi. Tôi ăn mặc cũng tươm tất và cũng được xem là một người có máu mặt. Cuộc cải cách điền địa không động chạm gì đến nhà tôi: đất của tôi toàn là rừng và đồng cỏ nuôi gia súc, thu nhập không hề mất chút nào; nhưng… tôi không tìm đến họ; trước đây tôi cũng đã chán ngấy: tôi đến đã ba hôm nay mà vẫn không chào hỏi ai hết… Lại cái thành phổ nầy nữa! Không biết nó cấu tạo theo cái kiểu gì. Ông thử nói tôi nghe xem! Thành phố của bọn thư lại và đủ các loại thầy dòng3! Quả trước kia ở đây tôi cũng không nhận xét được nhiều, tám năm trước đây, khi tôi còn chơi bời ở đây. Bây giờ thì tôi chỉ còn mong vào giải phẫu nữa thôi, thật đấy!
– Giải phẫu thế nào?
– Còn về những thứ câu lạc bộ, những tiệm ăn Dussaud, những sòng bi-a và những thứ gọi là tiến bộ của các ông thì thôi, không có tôi ở đây cũng được, – hắn nói tiếp, không để ý đến câu hỏi của Raxkonikov. – Vả lại hơi đâu đi làm cờ bạc bịp mãi?
– Thế ông cũng đã làm cờ bạc bịp đấy à?
– Không thì biết làm thế nào? Chúng tôi có cả một công ty toàn người rất tử tế cả, cách đây tám năm; chúng tôi chơi cho qua thì giờ; ông ạ, toàn những người lịch thiệp, có cả những nhà thơ, nhưng nhà tư bản. Mà nói chung trong xã hội Nga chúng ta thì những kẻ lưu manh lại là những kẻ lịch thiệp nhất – Ông có để ý thấy không? Và ở nông thôn tôi mới đổ đốn ra như thế nầy. Thế nhưng dạo ấy tôi cũng suýt đi tù vì nợ một thằng cha người Hy-lạp ở Niegan. Đến đây Marfa Petrovna xuất hiện, bà ta thương lượng mặc cả với họ rồi chuộc tôi với số tiền ba vạn rúp (Tôi nợ cả thảy bảy vạn). Chúng tôi cưới nhau và bà ta lập tức chở tôi về làng như chở một kho tàng. Bà ta hơn tôi năm tuổi. Yêu tôi lắm. Bảy năm tôi không ra khỏi làng. Và xin ông lưu ý cho rằng suốt đời bà ta cứ giữ cái tờ biên lai ba vạn rúp ấy để đối phó với tôi, thành thử hễ tôi có ý nho nhoe gì một chút là bà ta lập tức cùm tôi lại! Bà ta không từ đâu? Đàn bà là họ kết hợp được tất cả các thứ đó ở trong người.
– Thế giá không có tờ giấy kia, ông sẽ chuồn chứ?
– Tôi không biết nói với ông thế nào đây? Tờ giấy ấy hầu như không bó buộc gì tôi cả. Tôi chẳng muốn đi đâu và chính bà Marfa Petrovna đã hai lần bàn với tôi đi du lịch ra nước ngoài khi thấy tôi buồn chán! Thế cơ đấy! Trước kia tôi cùng có ra nước ngoài, và lần nào tôi cũng phát buồn nôn lên. Cũng không hẳn như thế, nhưng trông thấy những buổi bình mình trên vịnh Napoli, nhìn mặt bể mà buồn buồn thế nào ấy. Khó chịu hơn cả là tự dưng có một cái gì làm cho mình buồn thật? Không, ở trong nước vẫn hơn: ở đây ít nhất chuyện gì cũng có thể đổ lỗi cho kẻ khác và tự thanh minh cho mình. Có lẽ bây giờ đây tôi sẽ sẵn lòng đi thám hiểm Bắc cực, vì J’ai le vin mauvais4), tôi ghét uống rượu lắm, mà ngoài rượu ra thì không còn cách gì nữa. Tôi đã thử. À nầy, nghe nói chủ nhật nầy Berg sẽ biểu diễn bay trên một quả khinh khí cầu rất lớn ở vườn Yuxupov, ai muốn cùng đi chỉ phải trả một số tiền nào đó phải không?
– Sao, ông muốn bay à?
– Tôi ấy à? không… là nói thế… – Xvidrigailov lắp bắp, vẻ đăm chiêu.
“Thật ra hắn muốn cái gì thế không biết” – Raxkonikov tự hỏi.
– Không, tờ giấy ấy không bó buộc tôi, – Xvidrigailov trầm ngâm nói tiếp, – tôi không ra khỏi làng là tự ý tôi. Hơn nữa, cách đây gần một năm, nhân ngày lễ thánh của tôi. Marfa Petrovna đã trao lại tờ giấy cho tôi, lại còn biếu thêm một số tiền khá lớn. Chả bà ấy có một số vốn. “Arkadi Ivanovich, ông thấy tôi tin ông đến thế nào, – Phải, bà ta nói thế đấy! Ông không tin bà ta nói thế à? Ông nên biết là tôi đã trở thành một vị điền chủ khá giỏi giang ở trong các làng quanh vùng người ta biết tôi cả. Tôi lại còn đặt mua sách về nữa. Lúc đầu Marfa Petrovna khuyên khích tôi, nhưng rồi lại sợ tôi đọc nhiều quá mụ người đi.
Hình như bây giờ không có Marfa Petrovna, ông buồn lắm thì phải?
– Tôi ấy à? Có lẽ, có lẽ đúng đấy. À nhân thể… ông có tin ma không?
– Ma gì?
– Ma ấy mà, ma thông thường ấy chứ còn ma gì?
– Thế ông tin à?
– Cũng tin mà cũng không, pour vous phaire5… Nghĩa là không hẳn là không…
– Ông có trông thấy hay sao?
Xvidrigailov nhìn chàng, và trong khóe mắt hắn có một cái gì kỳ quái:
– Marfa Petrovna có nhã ý trở về thăm tôi, – hắn nói, mồm méo xệch thành một nụ cười kỳ đị.
– Thăm ông là thế nào?
– Về ba lần rồi. Lân thứ nhất tôi trông thấy bà đúng hôm chôn cất, một giờ sau khi tôi ở nghĩa địa về. Đấy là một hóm trước khi tôi lên đường đến đây, lần thứ hai là hôm kia, ở dọc đường, lúc rạng đông, ở ga MalayaViesta, còn lần thứ ba thì cách đây hai tiếng, trong phòng trọ của tôi; lúc ấy trong phòng chỉ có mình tôi
– Trong khi ông thức à?
– Thức. Cả ba lần tôi đều đang thức cả. Bà ta đến, nói chuyện một lát rồi đi ra cửa. Hình như tôi còn nghe cả tiếng chân của bà ấy nữa.
– Không hiểu sao tôi cũng nghĩ là thế nào ông cũng phải gặp những chuyện như thế! – Raxkonikov bỗng thốt ra và lập tức lấy làm lạ về điều mình vừa nói. Chàng đang xúc động mạnh.
– Thế à? Ông nghĩ như thế à? – Xvidrigailov ngạc nhiên hỏi, – Thật thế đấy, tôi đã bảo là giữa hai chúng ta có một điểm gì giống nhau mà.
– Ông chưa hề nói như thế bao giờ! – Raxkonikov đáp xẵng, giọng tức tối.
– Tôi chưa nói?
– Chưa!
– Thế mà tôi cứ ngỡ là có nói rồi. Lúc nãy khi tôi vào thấy ông nằm nhắm mắt giả vờ ngù, tôi đã tự nhủ: “Đúng hắn đây rồi”
– Đúng hắn đây rồi là thế nào? Ông muốn ám chỉ gì? – Raxkonikov quát lên.
– Ám chỉ cái gì ấy à? Quả tôi cũng không biết là cái gì… – Xvidrigailov lúng túng, vẻ thật thà và hình như còn bối rối nữa, hai người im lặng một lát, giương mắt nhìn nhau.
– Thật là vớ vẩn! – Raxkonikov bực bội kêu lên. – Thế những khi bà ấy đến, bà ấy nói với ông những gì?
– Bà nhà tôi ấy à? Ông thử tưởng tượng xem, nói toàn những chuyện vặt vãnh; con người ta kể cũng lạ thật: tôi lại còn nổi giận lên nữa chứ. Lần thứ nhất bà ấy vào (hôm ấy tôi mệt lắm ông ạ: lễ cầu hồn, rồi kinh yên nghỉ, rồi đưa đám, rồi tiệc tang, xong xuôi đâu đấy tôi mới về buồng làm việc ngồi một mình suy nghĩ) bà ấy bước vào cửa nói: “Ông Arkadi Ivanovich ạ, hôm nay ông bận rộn quá quên lên dây đồng hồ ở phòng ăn rồi đấy”. Quả nhiên suốt bảy năm nay, tuần nào tôi cũng lên đây đồng hồ lấy, và mỗi khi tôi quên bà ấy lại nhắc.
Hôm sau tôi lên đường đi Petersburg. Lúc ấy vào khoảng rạng đông, tôi vào ga – suốt đêm qua tôi chỉ ngủ gà, ngủ vịt, mỏi rã rời ra, mắt sưng húp, – tôi gọi cà-phê; chợt thấy Marfa Petrovna đến ngồi cạnh tôi, tay cầm một cỗ bài. “Arkadi Ivanovich ạ, tôi bói cho ông một quẻ xem đi đường có bình an không nhé? Bà ta vốn bói bài rất nghiệm. Tiếc quá, sao lúc ấy tôi lại không bảo bà ta bói cho kia chứ! Tôi hoàng hốt bỏ chạy. Vừa may lúc ấy chuông nhà ga cùng réo lên báo giờ tàu chuyển bánh. Hôm nay vừa ăn trưa xong, một bữa ăn rất tồi tệ mang ở hiệu về, bụng nặng trịch, tôi đang ngồi hút thuốc bỗng thấy Marfa Petrovna vào, trang phục rất chững chạc, mình mặc một chiếc áo dài lụa xanh đuôi dài lướt thướt: “Chào ông Arkadi Ivanovich! Ông thấy chiếc áo nầy thế nào? Amxka cũng không may khéo được thế nầy đâu (Amxka là cô thợ khâu của chúng tôi ở trong làng, xưa vốn là nông nô, có đi học may ở Moskva về; cô bé kháu đáo để)
Marfa Petrovna quay người cho tôi ngắm. Tôi ngắm chiếc áo, rồi nhìn kỹ mặt bà ta, tôi nói: “Marfa Petrovna, chỉ có những chuyện vậy ấy mà bà cũng cất công đến nói với tôi làm gì” – “Ô trời ơi, đến quấy rầy ông cũng không được nữa sao!” Tôi trêu tức: Marfa Petrovna ạ, tôi muốn lấy vợ – “Cái đó thì tuỳ ông thôi. Arkadi Ivanovich ạ; mồ vợ chưa xanh có mà ông đã đi lấy vợ khác ngay thì cũng chẳng có gì vinh hạnh lắm đâu. Và dù ông có chọn được người tốt chăng nữa, tôi cũng biết rằng cả người ấy lẫn ông rồi cũng chẳng ra gì, chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ thôi”. Nói đoạn bà ta đi ra và tôi ngỡ chừng như nghe tiếng đuôi áo sột soạt trên sàn. Vô lý thật, phải không?
– Nhưng cũng có thể nãy giờ ông nói dối suốt – Raxkonikov nói.
– Tôi ít khi nói dối, – Xvidrigailov đáp, vẻ trầm ngâm và dường như không để ý đến cái giọng thô lỗ của câu hỏi.
– Thế trước đây ông không bao giờ thấy ma à?
– Có chứ, chỉ thấy một lần thôi cách đây sáu năm. Tôi có thằng gia nô tên là Finka; hắn chết vừa mới chôn xong, thế nhưng tôi quên mất, cứ gọi theo thói quen: “Finka: tẩu đâu!”, thế là hắn bước vào và đi thẳng đến cái tủ để cái tẩu của tôi. Tôi ngồi nghĩ: “Hắn trả thù mình đây”, vì ngay trước khi chết, hắn với tôi có chuyện xích mích khá to. Tôi mới nói: “Sao mày vào phòng tao mà lại dám mặc cái áo rách cùi tay thế hả, cút ngay, đô vô lại!”. Hắn quay ra và không bao giờ đến nữa. Dạo ấy tôi không nói với Marfa Petrovna. Tôi cũng toan làm một buổi lễ cầu hồn cho hắn, nhưng rồi cũng ngường ngượng nên lại thôi.
– Ông đi nhờ bác sĩ khám cho.
– Cái đó thì ông không nói tôi cùng hiểu là tôi có bệnh, tuy không biết bệnh gì; theo tôi thì tôi còn khoẻ gấp năm ông đấy, tôi không muốn hỏi ông có tin là người ta có thể thấy ma không. Tôi muốn hỏi ông có tin là có ma không kia?
– Không, không đời nào tôi tin! – Raxkonikov quát to lên, giọng còn có vẻ hằn học nữa.
– Thường người ta nói thế nào nhỉ? – Xvidrigailov lẩm bẩm như nói một mình, mắt nhìn sang bên cạnh, đầu nghiêng nghiêng. – họ nói: “Anh ốm, vậy thì những cái anh thấy hiện lên chỉ là một giấc mê sảng hư ảo mà thôi”. Thế nhưng nói như vậy không được lô gích cho lắm. Tôi đồng ý là chỉ có người ốm mới thấy ma; nhưng điều đó chỉ chứng minh rằng ma chỉ có thể hiện lên cho người ốm trông thấy mà thôi, chứ không hề chứng minh rằng bản thân con ma là không có thật.
– Dĩ nhiên là không! – Raxkonikov bực tức nhấn thêm vào.
– Không à? Ông nghĩ thế à? – Xvidrigailov chậm rãi đưa mắt nhìn chàng, nói tiếp. – Thế nếu suy luận thế nầy thì sao. Ông thử nói hộ tôi: “Ma có thể nói là những mảnh vụn, những mẩu đứt đoạn của những thế giới khác, là yếu tố phôi thai của nó. Người khỏe mạnh thì dĩ nhiên không thấy được, vì người khỏe mạnh là thứ người trần tục nhất cho nên chỉ sống cuộc sống trần tục mà thôi, dễ sống một cách trọn vẹn và có khuôn phép. Thế nhưng hễ ốm một cái, hễ cái trật tự bình thường của cõi trần bị phá vỡ thì lập tức bắt đầu thấy lộ ra cái khả năng tồn tại của một thế giới khác: và càng ốm nặng thì lại càng tiếp xúc nhiều hơn với cái thế giới ấy, thành thử khi người ta chết hẳn tức là người ta bước hẳn sang thế giới khác”. Tôi đã suy nghĩ vấn đề nầy từ lâu. Nếu ông tin có cuộc sống vị lai thì cùng có thể tin lối suy luận đó.
– Tôi không tin có cuộc sống vị lai. – Raxkonikov nói.
Xvidrigailov ngồi yên, vẻ tư lự.
– Còn nếu ở bên kia chỉ có loài nhện hay một thứ gì như thế thì sao? – hắn chợt hỏi.
“Thằng cha nầy điên” – Raxkonikov thầm nghĩ.
– Đấy ta vẫn hình dung vĩnh hằng như một ý niệm không thể hiểu được, một cái gì to lớn vô cùng. Nhưng tại sao lại nhất thiết phải to lớn: Thế nhỡ ra, thay cho cái đó anh thứ tưởng tượng một căn buồng nhò xíu như cái buồng tắm ám khói ở nhà quê, góc chăng đầy mạng nhện, đấy cái vĩnh hằng chỉ có thế. Ông ạ, đôi khi tôi vẫn tưởng tượng như thế đấy.
– Thế chả nhẽ, chả nhẽ ông không hình dung thấy cái gì công bằng và có sức an ủi hơn thế sao – Raxkonikov thốt lên với một cảm giác khó chịu.
– Công bằng hơn ư? Biết thế nào được, có lẽ chỉnh như thế là công bằng hơn cũng nên, và nếu phải tôi thì tôi sẽ cố ý làm như vậy đấy ông ạ! – Xvidrigailov đáp, môi nở một nụ cười bâng quơ.
Nghe câu trả lời quái gở nầy, Raxkonikov bỗng thấy người lạnh toát. Xvidrigailov ngẩng dầu, nhìn chàng đăm đăm và bỗng cười phá lên.
– Không, ông thử xét điều nầy xem – hăn nói to – cách đây nửa giờ chúng ta chưa gặp nhau, bây giờ chúng ta đang xem nhau là kẻ thù, giữa hai chúng ta có một vấn đề chưa giải quyết, chúng ta đã gạt cái vấn đề ấy sang một bên và đi vào những chuyện văn chương triết lý như thế đấy? Đấy, tôi nói hai chúng ta cùng hội cùng thuyền cả, có đúng không nào?
– Ông làm ơn, – Raxkonikov bực mình đáp, – xin ông bày giải nhanh lên và cho tôi biết ông có nhã ý đến thăm tôi để làm gì… và… và… tôi đang vội, tôi có việc phải đi ngay bây giờ…
– Vâng, vâng được ạ. Em gái ông, Avdotia Romanovna, sắp lấy ông Lugin Piotr Petrovich phải không?
– Ông không thể đừng đã động gì đến em tôi và đừng nhắc đến tên em tôi ở đây hay sao? Thậm chí tôi cũng không hiểu tại sao ông dám mở miệng nói đến tên em tôi trước mặt tôi, nếu quá thật ông là Xvidrigailov?
– Thì tôi đến đây là để nói chuyện cô ấy, làm sao lại không nhắc được?
– Thôi được, ông nói đi, nhưng phải nhanh lên!
– Tôi tin chắc rằng về cái ông Lugin kia, một người có họ với nhà tôi, ông phải có một ý kiến rõ rệt, nếu ông đã gặp Lugin khoảng nửa giờ đồng hồ hay đã từng nghe ai nói về ông ta một cách trung thực và chính xác ông Lugin không xứng đối với Avdotia Romanovna đâu. Theo tôi, trong việc nầy Avdotia Romanovna hy sinh mình một cách khá hào hiệp và vô tư cho… cho gia đình. Qua tất cả những điều tôi đã được nghe nói về ông, tôi có cảm tưởng rằng về phía ông, ông cùng sẽ rất hài lòng nếu cuộc hôn nhân nầy không thành, miễn là quyền lợi của em không bị xâm phạm. Đến nay được trực tiếp làm quen với ông, tôi lại càng tin chắc như thế.
– Còn về phần ông thì như vậy là rất ngây thơ, xin lỗi, tôi muốn nói là rất trơ tráo.
– Tức ông muốn nói rằng tôi muốn kiếm chắc chứ gì ông đừng lo, Rodion Romanovich ạ, tôi mà muốn kiếm chắc thì đời nào tôi lại nói thẳng ra như thế, tôi có phải là một thằng ngốc đâu. Về vấn đề nầy tôi xin bộc lộ với ông một hiện tượng tâm lý kỳ lạ. Lúc nãy khi thanh minh cho mối tình của tôi đối với Avdotia Romanovna, tôi có nói rằng chính tôi là nạn nhân. Thế thì bây giờ xin ông biết cho rằng tôi không còn cảm thấy yêu đương gì nữa hết, thành thử chính tôi cũng lấy làm lạ, vì thật ra trước kia tôi quả có cảm thấy yêu…
– Vì ăn không ngồi rồi và dâm ô, – Raxkonikov ngắt lời.
– Quả nhiên tôi là người dâm ô và ăn không ngồi rồi. Vả chăng em ông có nhiều ưu thế đến nỗi tôi không thể không chịu một ấn tượng nào đó. Nhưng bây giờ chính tôi thấy đó toàn là chuyện nhảm.
– Ông thấy thế đã lâu chưa?
– Tôi đã nhận thấy từ trước, nhưng đến hôm kia, lúc gần đến Petersbung tôi mới biết chắc. Ngay ở Moskva tôi vẫn còn hình dung là mình đang đi ngỏ lời cầu hôn Avdotia Romanovna và kình địch với ông Lugin.
Tôi ngắt lời thế nầy ông bỏ qua cho, ông làm ơn nói ngắn lại và nói thẳng vào mục đích cuộc đến thăm hôm nay có được không? Tôi đang vội, tôi cần đi có tí việc.
– Rất sẵn sàng. Sau khi đến đây và quyết định đi một chuyến… du lịch, tôi muốn dàn xếp một số việc chuẩn bị cần thiết. Con cái tôi ở lại với bà dì; chúng nó có tài sản của mẹ để lại, không phải trông cậy gì vào tôi cả. Mà tôi cũng có ra mặt bố đâu! Tôi chỉ lấy về phần mình những gì Marfa Petrovna đã biếu tôi năm ngoái. Đối với tôi số tiền đó cũng đủ. Xin ông thứ lỗi cho, tôi đi ngay vào vấn đề đây. Trước khi lên đường đi du lịch – vì chuyến du lịch nầy có lẽ sẽ thực hiện – tôi muốn thanh toán dứt khoát với ông Lugin. Không phải vì tôi ghét bỏ gì ông ta lắm, nhưng chính vì ông ta mà sinh ra chuyện xích mích giữa tôi với Marfa Petrovna, khi tôi được biết rằng bà ta đã dàn xếp nên cuộc hôn nhân nầy. Bây giờ tôi muốn nhờ ông thu xếp cho tôi gặp Avdotia Romanovna để phân trần với cô em – trước mặt ông có lẽ càng tốt – rằng trước hết lấy Lugin không những không có chút lợi lộc gì mà lại còn thiệt thòi to nữa là khác. Rồi sau khi xin cô em tha thứ cho những chuyện rầy rà xảy ra trong thời gian gần đây, tôi sẽ xin phép được biếu cô em một vạn rúp để cho cô em dễ bề cự tuyệt ông Lugin, vì tôi biết chắc rằng cô em cũng vui lòng cự tuyệt ông ta, miễn là có khả năng để làm như vậy.
– Nhưng ông điên rồi, điên thật rồi! – Raxkonikov quát lên, vì kinh ngạc nhiều hơn là vì tức giận. – Sao ông dám ăn nói như thế?
– Tôi cũng biết ông sẽ quát lên; nhưng trước hết, tuy tôi không giàu, song số tiền một vạn rúp ấy nay cũng thừa, nghĩa là tôi hoàn toàn không cần dùng đến.
Avdotia Romanovna mà không nhận thì có lẽ tôi sẽ tiêu phí đi một cách rồ dại hơn nữa, đó là một. Sau nữa là lương tâm tôi hoàn toàn trong sạch, tôi biếu như vậy tuyệt nhiên không có suy tính thiệt hơn gì. Ông có tin hay không thì tỳ, sau nầy ông cũng như Avdotia Romanovna sẽ thấy rõ chẳng qua vì tôi đã làm cho cô em rất đáng kính của ông phải chịu nhiều nỗi lo âu phiền hà thật, cho nên tôi thành thực hối hận và chân thành muốn – không phải là chuộc lỗi hay đền bù lại những chuyện rầy rà nọ, – mà chỉ muốn làm một việc gì có ích cho cô em, bở vì quả tình tôi không phải chỉ có thể làm những việc xấu mà thôi. Ví thử tôi có chút suy tính tư lợi gì thì tôi sẽ không đề nghị biếu cô một vạn rúp, vì chỉ cách đây có năm tuần thôi tôi đã có để nghị biếu nhiều hơn. Hơn nữa, chỉ còn ít lâu, rất chóng thôi; tôi sẽ lấy một người con gái, do đó tất nhiên không còn có thể nghi ngờ gì rằng tôi có ý muốn mua chuộc Avdotia Romanovna. Để kết luận, tôi xin nói rằng nếu lấy ông Lugin, Avdotia Romanovna cũng nhận một số tiền như thế, chỉ có điều là của một người khác mà thôi… Xin ông đừng nổi giận, Rodion Romanovich ạ, ông hãy suy xét một cách điềm tĩnh và bình thản.
Trong khi nói như vậy, chính Xvidrigailov cũng hết sức điềm tĩnh và bình thản.
– Xin ông chấm dứt cho! – Raxkonikov nói. – Dù sao thì như vậy cũng là láo xược một cách không thể dung thứ được.
– Không láo xược tí nào đâu. Cứ như thế thì trên đời nầy con người chỉ có thể làm hại con người mà thôi, không có quyền làm là một chút điều thiện, chỉ vì những hình thức thông tục không đâu. Thật vô lý. Ví thử như tôi chết đi chẳng hạn, và để lại số tiền nầy cho em ông trong di chúc, chả nhẽ lúc bấy giờ cô ta cũng khước từ ư?
– Rất có thể.
– Ồ không đâu. Mà thôi, thế cũng được. Nhưng kể ra có một vạn rúp đôi khi cũng hay. Dù sao tôi cũng xin ông nói lại với Avdotia Romanovna cho.
– Không, tôi sẽ không nói lại đâu.
– Nếu vậy, ông Rodion Romanovich ạ, chính tôi buộc lòng phải tìm cách gặp riêng cô em, tức là phải quấy rầy cô ta.
– Nếu tôi nói lại, thì ông sẽ không tìm cách gặp riêng nữa chứ?
– Quả tình tôi không biết nói thế nào đây. Giá được gặp một lần thì hay lắm.
– Ông đừng hòng.
– Tiếc thật. Vả chăng ông không biết rõ tôi. Có lẽ sau nầy ta sẽ thân nhau hơn.
– Ông cho rằng chứng ta sẽ thân nhau hơn?
– Sao lại không kia chứ – Xvidrigailov mỉm cười nói đoạn đứng dậy cầm lấy mũ, – không phải tôi muốn phiền ông làm gì, và khi đi đến đây tôi cũng không dám trông mong gì nhiều, tuy sáng nay dung mạo của ông đã gây cho tôi một ấn tượng rất mạnh…
– Sáng nay? Ông trông thấy tôi ở đâu? – Raxkonikov lo lắng hỏi.
– Tình cờ thôi… Tôi cứ có cảm giác là ông có một cái gì giống tôi… Thôi xin ông đừng lo, tôi không hay nhũng nhiễu đâu; với bọn cờ bạc bịp tôi cũng ăn ý lắm, công tước Xvirbey, một quan đại thần có họ xa với tôi, cũng không đến nỗi khó chịu vì tôi, với phu nhân Prilukova, tôi cũng biết viết vào an-bom mấy chữ về bức “Đức Bà” của Raphaen, với Marfa Petrovna cũng đã sống được bảy năm trời không đi đâu, trong nhà Vyazemxki ở Chợ hàng Rơm tôi cùng đã từng nghỉ đêm hồi trước, và có lẽ tôi còn đi khinh khí cầu với Beng nữa.
– Thôi được. Xin hỏi ông đã sắp đi chưa?
– Đi đâu ạ?
– Thì ông vừa nói là đi một chuyến “du lịch” mà.
– Đi du lịch? À phải? Quả thật tôi có nói chuyện với ông về chuyến du lịch… ấy, đấy là một vấn đề rộng lớn… Giá ông biết việc ông đang hỏi là việc gì! – hắn nói thêm đoạn cười to lên một tràng ngắn. – Có thể tôi không đi du lịch mà lại lấy vợ cũng nên; người ta đang làm mối cho tôi một người.
– Ở đây à?
– Vâng.
– Sao mà chóng thế
Nhưng tôi rất muốn được gặp qua Avdotia Romanovna một lần nữa. Tôi tha thiết xin ông như vậy Thôi, chào ông… à phải! Thế mà quên mất! Trong chúc thư Marfa Petrovna có để lại cho cô em ba nghìn rúp. Cái nầy tôi xin cam đoan là đúng. Một tuần lễ trước khi chết, Marfa Petrovna có viết chúc thư, lúc ấy tôi cũng có mặt. Độ hai ba tuần nữa Avdotia Romanovna có thể nhận tiền mặt.
– Ông nói thật đấy chứ?
– Thật đấy Xin ông chuyến lời lại. Thôi, xin chào ông. Tôi trọ cách đây không xa.
Ra cửa, Xvidrigailov vấp phải Razumikhin.