Một cuộc hành trình dù vội vã đến đâu qua lịch sử Việt nam cũng không thể bỏ qua đảng cộng sản. Tác động của nó vào lịch sử Việt nam đã vô cùng to lớn.
Đó là phong trào Việt nam lần đầu tiên tôn vinh đế quốc Nga (dưới mỹ từ Liên Bang Xô viết). Sự thần phục này nghịch lý về nhiều mặt. Nga là nước không những ở rất xa nước ta, chưa hề có một quan hệ nào với nước ta, mà lại là nước do điều kiện địa lý rất ít giao thiệp với thế giới bên ngoài. Nga có trình độ phát triển thấp hơn hẳn các nước phương Tây. Văn hóa Nga dù không tồi cũng không sánh được với văn hóa phương Tây.
Chọn lựa đồng minh và quan thày kỳ lạ này đến từ một chọn lựa độc đáo khác: Đảng cộng sản Việt nam cũng là phong trào nổi dậy đầu tiên không lấy quốc gia làm đối tượng phục vụ, hơn thế nữa mục đích sau cùng của nó còn là giải thể quốc gia Việt nam (cũng như mọi quốc gia khác) để hội nhập vào một thế giới vô sản. Chủ nghĩa đã mạnh hơn các quan tâm về địa lý, lịch sử và văn hóa. Điểm này cần được nhận định đúng đắn để rút một suy tư về đất nước.. Chính vì khó có thể tin rằng một phong trào không nhắm phục vụ mà còn nhắm giải thể Việt nam mà lại được người Việt nam ủng hộ nên ngay cả một số những người chống cộng vẫn cố biện bạch rằng phong trào cộng sản là một phong trào yêu nước.
Nhưng sự thực không phải như thế. Sự lấn cấn sở dĩ có là vì chúng ta không phân biệt hai khái niệm khác nhau: người cộng sản và đảng cộng sản. Có và có nhiều người cộng sản yêu nước, nhưng Đảng cộng sản không phải là một đảng yêu nước.
Đảng cộng sản thành lập lúc ban đầu dưới danh xưng là Đảng Cộng Sản Đông Dương với vai trò phân bộ của phong trào cộng sản quốc tế. Nó nổi dậy lần đầu với tên gọi “Xô Viết Nghệ Tĩnh” và lá cờ đỏ mang khẩu hiệu “Vạn Tuế Sô Nga”. Cuộc nổi dậy này hoàn toàn chỉ do những động cơ giai cấp, dưới khẩu hiệu “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”, nó chỉ nhắm tàn sát những người bị coi là kẻ thù của giai cấp vô sản. Trên thực tế đây không phải là một cuộc nổi dậy vì Việt nam. Chiêu bài dân tộc chỉ được dùng tới sau đó, do một chọn lựa chiến lược mà Stalin áp đặt lên đệ tam quốc tế: chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội trong từng quốc gia. Những người cộng sản Việt nam đầu tiên không phải đã hân hoan đón nhận mệnh lệnh này. Họ đã chỉ tuân hành nó một cách miễn cưỡng. Điều đã thôi thúc những người cộng sản trung kiên, đã khiến họ có thể hy sinh tính mạng và đã đem lại sức mạnh cho đảng cộng sản, vẫn là lý tưởng quốc tế vô sản.
Đảng cộng sản cũng khiến Việt nam một thời được cả thế giới biết đến và nẻ phục như một dân tộc anh hùng bất khuất đã chống trả một cách thắng lợi với hai cường quốc lớn Mỹ và Pháp. Nó cũng là phong trào lần đầu tiên đánh bại Hoa Kỳ. Mỗi người Việt nam, kể cả những người chống cộng và đã thực sự đứng trong hàng ngũ đối địch với đảng cộng sản, sẽ lầm nếu phủ nhận những chiến công này. Phủ nhận chúng cũng như người Ai Cập phủ nhận các kim tự tháp hay như người Trung Hoa phủ nhận Vạn Lý Trường Thành. Đó là những công trình được xây dựng trên mồ hôi, nước mắt và xương máu của các dân tộc nhưng đồng thời cũng là những di sản của họ. Ngược lại, những người cộng sản cũng nên tương đối hóa những chiến thắng đó. Cùng lắm chúng chỉ khiến chúng ta xuất hiện như là một dân tộc giỏi chiến tranh trong một thế giới ngày càng tôn vinh những giá trị khác và trong đó chỗ đứng và sự vinh nhục của các dân tộc được quyết định bởi những thành tựu về văn hóa, khoa học, kỹ thuật, thương mại. Hơn nữa chúng ta đã phải trả giá quá đắt cho những chiến thắng này. Chúng ta đã kiệt quệ hoàn toàn và còn thù ghét lẫn nhau, để rồi bế tắc trong sự thua kém.
Đảng cộng sản đã làm chết bốn triệu người qua ba mươi năm chiến tranh (con số sẽ cần được khảo sát một cách chính xác) nhưng đã nắm được chính quyền và thống nhất đất nước. Họ đã thất bại khi cầm quyền. Cần nói rõ về sự thất bại này để tránh ngộ nhận chủ quan: chế độ cộng sản, sau những đập phá lúc ban đầu do bản chất cách mạng của nó, đã làm nhiều cố gắng xây dựng đúng. Nó đã nâng cao phần nào cuộc sống của người dân mặc dầu dân số Việt nam tiếp tục tăng nhanh. Nó cũng đã thúc đẩy nhiều công trình nghiên cứu có ích, và nó cũng dành cho người dân một chỗ đứng và một phẩm giá lớn hơn hắn các chế độ quân chủ tại Việt nam trước đó Nếu chúng ta không tự giới hạn trong cuộc tương tranh quốc- cộng mà cố gắng nhìn cả chiều dài của lịch sử thì chế độ cộng sản phải được coi là chế độ hay nhất mà chúng ta đã có từ trước đến nay trong những chế độ đã cai trị toàn bộ Việt nam (không kể chế độ Việt nam Cộng Hòa, một công thức canh tân được đề ra để đối đầu với công thức cộng sản, nhưng đã thất bại sau 27 năm tồn tại và chưa bao giờ kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ và dân số Việt nam).
Đảng cộng sản không thất bại so với các triều đại đã cai trị Việt nam trước họ. Nhưng họ đã thất bại so với thế giới. Các vua chúa Việt nam trước đây tuy không bằng họ ngày nay, nhưng lại hơn các lân bang lúc đó và vì thế Việt nam đã đứng vững được và bành trướng được. Đảng cộng sản hơn các vua chúa ngày xưa nhưng lại thua kém các chính quyền khác trên thế giới ngày nay nên Việt nam tụt hậu. Trong khi các quốc gia khác tiến rất xa so với quá khứ của họ, Việt nam dưới chế độ cộng sản chỉ tiến khá xa so với quá khứ của mình mà thôi. Đó là tất cả vấn đề. Tội chính của Đảng cộng Sản Việt nam là tội làm mất thì giờ của đất nước, mà trong thời đại này thì giờ là tất cả, mất thì giờ nhiều quá có thể mất nước luôn. Việt nam trong thập niên 1960 và trong nửa đầu thập niên 1970 đã được cả thế giới biết đến và nề phục vì đã làm một việc phi thường là dám chống lại quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Việt nam bước vào thế kỷ 21 cũng đang được cả thế giới biết đến, nhưng không nề phục chút nào, vì đang làm một việc cũng rất phi thường khác là tiếp tục theo đuổi một chủ nghĩa ngây ngô đã sụp đổ. Nhưng làm sao có thể ôm lấy một cái gì đã đỏ nát tung tóe? Chế độ cộng sản Việt nam hiện nay chẳng phải là cộng sản. Nó chỉ là một pha trộn quái dị của nhiều thành tổ cộng sản, tư bản, phát-xít, quân phiệt và mafia.
Trong chiều dài của lịch sử, đảng cộng sản đã có một thành tích quan trọng. Họ đã thống nhất đất nước. Đó là một thành tích lớn dù nhiều người, trong đó có tôi, tin rằng chúng ta có thể thống nhất đất nước một cách ít tốn kém và đổ vỡ hơn.
Họ đã chấm dứt vĩnh viễn được cuộc tranh cãi, không còn lý do nữa nhưng vẫn không chịu chấm dứt hẳn, xem tôn giáo nào đáng được coi là quốc giáo. Họ đã dứt khoát khẳng định Việt nam là một nhà nước thế quyền. Trong thế giới ngày nay, loại trừ được ảnh hưởng của các tôn giáo trong sinh hoạt chính trị là một may mắn lớn. Tuy nhiên nhiều người, trong đó có tôi, tin rằng chúng ta vẫn có thể làm được việc này bằng một cố gắng văn hóa, chính trị đứng đan mà không phải dùng tới những biện pháp thô bạo. Vấn đề nên làm là đưa các tôn giáo ra khỏi chính trị, đảng cộng sản đã làm điều ngược lại là đem chính trị vào tôn giáo. Điều mà đảng cộng sản cố gắng làm – nhưng không làm được – là tiêu diệt các tôn giáo.
Họ cũng đã thay đổi một cách quan trọng tập tính người Việt. Đạo đức truyền thống đã bị phá sản hoàn toàn. Biết bao nhiêu người, kể cả những người cộng sản ngoan cố, đã than phiền sự băng hoại của đạo đức. Con người trở thành vị kỷ, lưu manh, thô lỗ. Nhưng cuộc chuyển hóa tư tưởng này không hoàn toàn tiêu cực. Trên ít nhất hai điểm nó rất tích cực.
Một là nó đã tiêu diệt được óc tôn sùng bằng cấp, một căn bệnh tâm thần rất tai hại của người Việt. Không phải đảng cộng sản nhận thức được sự tai hại của tâm lý trọng bằng cấp và dụng tâm đánh đổ nó. Trái lại chính vì họ quá trọng bằng cấp mà đã cấp phát bừa bãi cho các đảng viên những học vị to lớn, với kết quả là khiến các bằng cấp trở thành những mảnh giấy lộn không hơn không kém. Tình trạng này đưa đến hậu quả tốt mà họ không ngờ là con người từ đây sẽ chỉ được đánh giá theo khả năng. Từ đây người Việt nam sẽ phải học để biết, để có khả năng chứ không học để giành lấy một bằng cấp không còn chứng minh gì nữa. Nói một cách khác, từ đây người ta sẽ phải có thực học thay vì chỉ cần học vị. Đây là một cuộc cách mạng văn hóa rất lớn, mà vô tình đảng cộng sản đã làm được.
Hai là nó đã phần nào biến dân tộc Việt nam từ một dân tộc từ chương, công chức và làm công thành một dân tộc buôn bán và kinh doanh. Ngay lúc đi tù về tôi đã chứng kiến cuộc chuyển hóa vĩ đại này. Hình như nhà nào cũng buôn bán một cái gì. Một tủ kem, một thùng thuốc lá, một quảy tạp hóa tí hon, một quán cà-phê đột xuất v.v. Cũng có những người suốt ngày tháng loay hoay chạy mối bán thuốc tây, hàng vải, đủ thứ. Từ ngàn xưa chúng ta coi thường và bài xích thương mại và do đó đã nghèo khó, lạc hậu và thua kém. Chế độ cộng sản vô tình – hoàn toàn vô tình vì chủ nghĩa của họ không những bài xích mà còn thù ghét thương mại – đã chữa được cho người Việt nam chứng bệnh tâm lý tổ tông truyện này.
Trái với một số người, tôi không quá lo ngại về sự băng hoại đạo đức hiện nay. Thật ra chúng ta đòi hỏi gì ở con người? Chúng ta mong muốn những con người có khả năng, chăm chỉ, lương thiện và nhã nhặn. Tất cả những đức tính đó một sinh hoạt kinh tế thị trường đúng nghĩa, nhất là hoạt động buôn bán, sẽ đem lại. Trong một sinh hoạt kinh tế thị trường thực sự, không có khả năng, lười biếng, gian trá thì mất việc; có khả năng, lương thiện, chăm chỉ thì lên chức, lên lương. Buôn bán mà gian trá, thô lỗ thì mất khách và phá sản. Kinh tế thị trường tự do cũng có cái lô-gích và cái đạo đức của nó. Phần lớn những thói hư tật xấu đều có thể khắc phục được trong vòng một thế hệ nếu chúng ta mau chóng có được một nhà nước dân chủ pháp trị đúng đắn, tin tưởng vào kinh tế thị trường và khai thác triệt để mọi ưu điểm của nó.
Một thành quả cũng rất vô tình nhưng vô cùng vĩ đại của chế độ cộng sản là đã tạo ra cộng đồng người Việt hải ngoại. Lúc đi du học trong thập niên 1960, tôi nỡ ngàng khám phá ra là Việt nam không có cộng đồng hải ngoại như các dân tộc cùng tầm vóc khác. Đó là một thiệt hại rất lớn. Cộng đồng hải ngoại là những đầu cầu thương mại, văn hóa, khoa học và kỹ thuật rất quí báu nhưng, điều còn nhiều lần quí báu hơn, nó cũng là con mắt của một dân tộc để nhìn và hiểu thế giới. Một dân tộc không có cộng đồng hải ngoại không khác gì một người mù. Không có cộng đồng hải ngoại thì không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng ta thiển cận, mù quáng, hẹp hòi, bất dung, cố chấp, và sau cùng lạc hậu. Tất cả các quốc gia mới vươn lên gần đây đều đã nhờ sự đóng góp tích cực của một cộng đồng hải ngoại hùng mạnh.
Đảng cộng sản đã không chủ đích thành lập một cộng đồng người Việt hải ngoại vì nhìn thấy vai trò của nó. Họ không có một viễn kiến quốc gia nào. Chính sự bạo ngược của họ đã làm cho hàng triệu người phải liều chết vượt biển ra đi, và họ còn cấm cản một cách đã man làn sóng vượt biên. Sau cùng chính họ cũng đứng ra tổ chức vượt biên, nhưng chỉ để làm tiền và trục xuất người Việt gốc Hoa theo một quan niệm dân tộc hẹp hòi. Họ đã làm mất đi một tài nguyên nhân lực quan trọng của đất nước, đồng thời cũng khiến cộng đồng người Việt hải ngoại không có được tiềm năng đóng góp mà đáng lẽ số lượng của nó phải đem lại bởi vì phần lởn người Hoa khi còn ở Việt nam là những người Việt gốc Hoa nhưng khi ra nước ngoài chỉ còn là những người Mỹ, người Pháp, người úc gốc Hoa. Tuy vậy, kết quả vẫn còn đó, một cộng đồng người Việt hải ngoại gần ba triệu người, trong đó phân nửa sinh ra tại hải ngoại đã thành hình. Và đây là một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại nhất từ ngày lập quốc.
Một lời sau cùng trước khi sang phần khác: chúng ta sẽ rất lầm nếu căm thù đảng cộng sản và chế độ cộng sản. Chế độ cộng sản là một giai đoạn chuyển tiếp lô-gích từ chế độ quân chủ Khổng Giáo sang một chế độ dân chủ. Chủ nghĩa cộng sản, dù được văn bản hóa tại châu Âu, chỉ là một cải tiến của Khổng Giáo. Về bản chất, cộng sản và Khổng Giáo chỉ là một; ý thức hệ cộng sản đã cải tiến Khổng Giáo bằng cách đem vào, ở một mức độ thấp, một số ý niệm mới: luật pháp và nhân quyền, cùng với một kỹ thuật tổ chức hiệu lực hơn. Đó là điều sẽ được trình bày trong phần sau.
Ở đây tôi chỉ xin đưa ra hai nhận định. Một là, lý do chính khiến đảng cộng sản đã được hưởng ứng và đã thành công là vì chủ nghĩa cộng sản rất phù hợp với văn hóa Khổng Mạnh mà chúng ta đã thấm nhuần và trân trọng trong suốt dòng lịch sử. Chúng ta đã phải đi qua đoạn đường cộng sản bởi vì đó là một giai đoạn chuyển tiếp tự nhiên trừ khi chúng ta làm một bước nhảy vọt về văn hóa và tâm lý, nhưng bước nhảy vọt này đã không có. Hai là, chế độ cộng sản, nhìn như một giai đoạn chuyển tiếp từ chế độ quân chủ tuyệt đối đặt nền tảng trên Khổng Giáo sang một chế độ dân chủ, đã kéo dài bởi vì chúng ta chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo một cách quá nặng nề.
Chúng ta đã phải đi qua đoạn đường cộng sản vì, do thiếu kém tư tưởng, chúng ta đã không dám hoặc không muốn vứt bỏ một cách dứt khoát và nhanh chóng Khổng Giáo để quả quyết chọn lựa dân chủ. Không thiếu những người vừa chống cộng kịch liệt vừa đề cao Khổng Giáo như một đạo lý cao đẹp chỉ cần cải tiến để thích nghi với thời đại mới mà không ý thức được rằng chủ nghĩa cộng sản chính là một cải tiến lớn của Khổng Giáo. Không phải là một sự tình cờ mà phong trào cộng sản đã thành công ở cả ba nước theo Khổng Giáo: Trung Quốc, Cao Ly và Việt nam (trái với một nhận định hời hợt, Nhật Bản không phải là một nước Khổng Giáo). Cũng không phải là một sự tình cờ mà ba trong bốn nước cộng sản còn lại là những những nước thuộc văn hóa Khổng Giáo. Cộng sản không phải là một tai họa từ trên trời rơi xuống, nó tự chính chúng ta mà ra. Đó là một di sản của lịch sử mà chúng ta phải nhìn nhận và quản lý đúng đắn để thoát khỏi.