Vào năm 1956, ông Hoàng Văn Chí vượt tuyến vào Nam và cho xuất bản cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc cùng với nhiều tài liệu khác mà ông đem vào. Ông đã gây được một sôi nổi lớn tại miền Nam. Chính phủ Ngô Đình Diệm khai thác triệt để các tài liệu này vì lúc đó đang phát động chiến dịch tố cộng. Các tài liệu được phổ biến rộng rãi. Tài liệu được đặc biệt chú ý là bản tham luận của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, từ đó tôi đã được đọc rất nhiều bài nói về ông. Điều làm tôi chú ý là tất cả mọi bài đều ca tụng ông Nguyễn Mạnh Tường đã đậu hai bằng tiến sĩ luật khoa và văn khoa khi mới ngoài hai mươi tuổi. Ngoài ra không thấy nói ông Tường đã đạt được một thành tích nào.
Vài năm trước khi qua đời, ông Nguyễn Mạnh Tường có dịp di Pháp và báo chí hải ngoại lại đề cập đến ông như là một trí thức đã bị cộng sản lừa gạt và ngược đãi. Trong tất cả những bài viết về ông Tường đều có nhắc lại việc ông đậu hai bằng tiến sĩ, thêm vào đó là việc ông đã tỏ ra có khí phách khi viết bài tham luận tố giác những tội ác của vụ cải cách điền địa. Ngoài ra cũng không có gì khác
Hồi tháng 5-1994, tôi có viết một bài tham luận về trí thức Việt nam đăng trên báo Ngày Nay, xuất bản ở Houston, Hoa Kỳ. Bài này là một bài tham luận về văn hóa và tư tưởng. Những điều tôi viết đã không làm hài lòng một số trí thức và đã có một số bài phản ứng. Ông Phạm Nam Sách có viết một bài góp ý trên tờ Thời Luận, xuất bản tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Bài của ông Sách lại đưa đến một bài báo khác ký tên Công Tôn Hoàng, chắc chỉ là một bút hiệu, đả kích cả ông Sách lẫn tôi. Tác giả cho biết chỉ đọc bài của ông Sách chứ không đọc bài của tôi. Tôi bị đả kích thật nặng lời hơn cả ông Sách, mặc dù những điều tác giả đả kích thực ra là do ông Sách viết chứ không phải tôi. Nhưng điều đó không quan trọng lắm. Điều đáng để ý là cả hai bài này đều đề cập đến ông Nguyễn Mạnh Tường, và một lần nữa nhắc lại việc ông Tường đậu hai bằng tiến sĩ.
Trong tất cả bài viết về ông Tường mà tôi đã được đọc cho đến nay không có bài nào không nói đến hai bằng tiến sĩ của ông. Ngoài ra không có gì đặc biệt. Hình như việc ông đậu hai bằng tiến sĩ là quan trọng nhất trong cuộc đời ông dưới mắt nhiều người. Sự kiện đó được coi là đủ để kết luận ông là người giỏi và những điều ông nói là cao siêu.
Tôi có dịp gặp ông Tường tại Paris tại nhà một người bạn. Buổi nói chuyện kéo dài khá lâu và tôi thú thực không thấy gì đặc sắc. Ông nói nhiều điều đúng, không có gì để phản đối cả, nhưng đều là những điều rất thông thường.
Tôi cũng có đọc nhiều bài nói về ông Trần Đức Thảo, và tất cả mọi bài đều nói đến việc ông đậu thạc sĩ triết học. Có một số bài còn nói đến việc ông từng tranh luận với Jean-Paul Sarlre, nhưng các tác giả đều không biết ông tranh luận về cấp gì và đưa ý kiến gì. Tác giả nào hình như cũng ngưỡng mộ ông về mảnh bằng thạc sĩ của ông, việc tranh luận với Sartre chỉ được nêu ra để minh họa thêm trình độ cao của ông mà thôi. Tôi chỉ đọc được một bài của ông Hoàng Khoa Khôi, một người thợ tự học và một người cách mạng mà tôi rất quý mến, tranh luận một cách không nhân nhượng với ông Thảo và tỏ ra không hề mặc cảm về cái bằng thạc sĩ của ông. Ông Thảo hình như làm luận án về hiện tượng luận, nhưng biết học trừu tượng không phải sở thích của tôi, nên tôi không đọc tác phẩm nào của ông cả. Tôi chỉ đọc một tập sách ngắn – đúng ra phải gọi là một bài dài – của ông nhan để Un itméraire (Một lộ trình), trong đó ông tóm lược diễn tiến tư tưởng của ông. Thú thực tôi thấy nó rất xoàng, phải nói thẳng là quá xoàng. Tuy nhiên đối với rất nhiều người, việc ông đậu bằng thạc sĩ là đã đủ để bảo đảm giá trị của những gì ông viết.
Tháng 7 năm 1990, tôi đi dự đám tang của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, một người mà tôi rất quí mến, tôi cũng được nghe một bài điếu văn liệt kê tất cả những bằng cấp của ông một cách rất trân trọng, mặc dầu cuộc đời đấu tranh phong phú của Nguyễn Ngọc Huy có rất nhiều điều đáng nói hơn.
Hình như đối với người Việt, bằng cấp là quan trọng nhất, và một con người trước hết được đánh giá qua nhưng bằng cấp mà mình có. Bằng quí như thế nên tôi đã từng thấy những người chơi bằng. Họ có đủ mọi loại bằng cấp, mặc dầu chỉ làm được có một nghề. Có những người ngoài bốn mươi tuổi vẫn còn cố đi học để lấy thêm một bằng cấp khác, không biết để làm gì. Những thì giờ đó nếu họ dùng để học hỏi mở mang kiến thức thực sự, hay để sống với vợ con, hay ngồi nghỉ ngơi và suy tư thì hay biết mấy.
Trong sinh hoạt nghề nghiệp, tôi có dịp phỏng vấn nhiều người Việt nam để tuyền dụng. Hồ sơ ứng tuyển của họ lọt dễ dàng vòng sơ khảo của sở nhân viên để đến tay tôi vì họ có bằng cấp rất khá. Dần dần kinh nghiệm cho tôi một nhận định rất rõ ràng: người~ Việt thường có bằng cấp quá cao so với giá trị của họ. Không những thế, thường thường họ hiểu biết rất ít về những gì họ đã làm.
Trong ngành tin học ứng dụng vào quản trị, hoạt động chính của tôi trong những năm gần đây, các kỹ sư Việt nam thường chỉ biết tin học và mù tịt về quản trị. Trong khi tin học chỉ là phương tiện, quản trị mới là mục đích. Đã thế họ còn diễn đạt một cách rất khó hiểu. Điều trớ trêu là phần lớn cũng biết như vậy nhưng đã giải quyết một cách khác: trong CV (lý lịch) của họ, ngoài bằng kỹ sư tin học, có khi còn có thêm bằng tốt nghiệp một trường quản trị. Họ tin rằng với một bằng về tin học và một bằng về quản trị dĩ nhiên mình phải được coi là giỏi cả về tin học lẫn quản trị. Có bằng là có tài và chúng ta yên trí.
Trong giao dịch nghề nghiệp, tôi có dịp tiếp xúc với đủ loại người và khám phá nơi người Việt mình một đặc tính: họ có the bị lừa bởi bằng cấp của chính họ. Một khi đã có bằng cấp về một môn nào đó, họ tin chắc là họ giỏi về môn đó, mặc dầu trên thực tế họ chỉ biết rất lơ mơ. Sự đánh giá bằng cấp của người Việt thật là kỳ lạ đối với người Pháp mà tôi biết khá rõ, bằng cấp là chứng nhận một trình độ hiểu biết, bằng cấp nói lên khoảng một phần ba nhưng gì họ biết, đối với người Việt nam nó là ba lần những gì họ biết. Người Việt nam mình đánh giá người khác qua bằng cấp và sau cùng cũng tự đánh giá mình qua bằng cấp. Bằng cấp đối với người Việt vì vậy có một tầm quan trọng rất đặc biệt. Có thể nói người Việt vì vậy có một tầm quan trọng rất đặc biệt. Có thể nói người Việt nam đi học để lấy bằng cấp chứ không phải đễ lấy kiến thức. Bằng cấp không những là phương tiện để lừa người khác mà còn là phương tiện để đánh lừa chính mình. Tôi đã ca tụng tính hiếu học của người Việt trong những trang trước. ở đây, tôi phải đánh một dấu giáng trên niềm tin đó. Hiếu học là hay, những học để làm gì còn quan trọng hơn. Khổ thay phải nhìn nhận rằng nguyên nhân tính hiếu học của người Việt không lấy gì làm trong sáng lắm.
Nếu bằng cấp là hãnh diện cho kẻ có thì nó cũng là một tủi hổ cho người không có. Một anh lúc ở Việt nam là một tư chức nhỏ, trình độ học vấn của anh ta cỡ vào khoảng giữa bậc trung học. Anh ta mơ mảnh bằng tiến sĩ, điều đó quan trọng vô cùng đối với anh, đến nỗi anh vật vã trong hơn mười lăm năm miệt mài, ban ngày đi làm lặt vặt kiếm sống, tối học đi thi lấy bằng tiến sĩ. Anh ta ghi danh vào một trường đại học không đòi hỏi bằng tú tài và cho làm luận án tiến sĩ mà không đòi hỏi bằng cao học, nghĩa là một thứ tiến sĩ đại hạ giá. Sau khi đã có bằng tiến sĩ, tôi không thấy anh ta khá hơn trước. Nhưng sự kiện có bằng tiến sĩ khiến anh ta trở nên thoải mái, tự tin, trông mặt anh ta sáng hẳn lên. ít ra mảnh bằng đã cho anh ta hạnh phúc.
Phải giải thích thế nào óc trọng bằng cấp và ham bằng cấp của người Việt? Nó là biểu hiện của một dân tộc thiếu óc làm chủ, một dân tộc có bản năng làm công và làm mướn. Nếu không có ý định đi xin việc làm mà nhất quyết xây dựng một cơ sở của riêng mình chắc chắn người ta không cần bằng cấp, mà chỉ cần kiến thức.
Những người Trung Hoa ở Chợ Lớn không cần bằng cấp vì họ không có ý định xin việc làm, họ làm cho chính họ. Và họ thành công hơn người Việt, và cũng giỏi hơn người Việt. Thời gian làm việc tại miền Nam trước 1975, đã cho tôi nhiều cơ hội để tiếp xúc và tìm hiểu họ. Trái với dư luận thông thường, họ không phải là những nhà triệu phú vô học, viết chữ còn run tay. Họ là những con người xuất chúng, có kiến thức rất sâu và rất rộng, có lý luận rất sắc bén và có cách trình bày rất minh bạch. Chắc chắn họ đã học hỏi rất nhiều. Có điều là họ học cho giỏi chứ không học để lấy bằng.