Cái bản năng thù ghét nhau trong con người Việt nam mạnh đến nỗi nó có thể bùng nỏ một cách rất bất ngờ, ngay cả giữa những người thân quen.
Ông A và ông B là hai nhân vật có học thức và được nhiều người biết. Câu chuyện giữa họ mà tôi kể lại sau đây cũng đã được phơi bày trên nhiều tờ báo hải ngoại. Họ cũng là hai người bạn thân. Họ có tất cả mọi lý do để thân nhau. Họ là đồng nghiệp, cả hai đều giữ cùng một chức vụ dân cử quan trọng dưới thời Việt nam Cộng Hòa, và hơn thế nữa đều là những người có uy tín nhất; cả hai đều là những nhà nghị luận có tên tuổi; cả hai đều chống cộng; cả hai đều đối lập với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Trước nguy cơ sụp đổ chắc chắn của Việt nam Cộng Hòa, cả hai đều đồng ý là phải lật đổ Nguyễn Văn Thiệu mới có hy vọng cứu nguy. Họ cùng nhau âm mưu, rồi cùng bị bắt và bị giam với nhau. Trốn khỏi Việt nam sau ngày 30-4-1975, cả hai đều là những khuôn mặt lớn trong cộng đồng, đều nỗ lực hoạt động cho mục tiêu chấm dứt chế độ cộng sản. Lập trường của họ giống nhau, đường lối của họ cũng giống nhau. Khi nhóm Thông Luận chúng tôi để xướng lập trường dân chủ đa nguyên và hòa giải và hòa hợp dân tộc, cả hai ông đều là những người đả kích và lên án chúng tôi gay gắt nhất. Sau đó, và hình như vào cùng một thời điểm, cả hai ông đều hiểu chúng tôi và ác cảm biến thành thiện cảm. Họ đều là những trí thức lớn mà tôi quí trọng.
Năm 1993, ông A làm một cuộc thuyết trình và sau đó công bố bài thuyết trình trên nhiều tờ báo Việt ngữ tại hải ngoại. Trong bài thuyết trình này ông chấp nhận đường lối hòa giải và hòa hợp dân tộc trong một số điều kiện. Những điều kiện này được ông trình bày một cách khá rõ rệt, nó chứng tỏ lập trường chống cộng của ông vẫn không thay đổi, nghĩa là vẫn mãnh liệt như trước. Điều mà ông trình bày chỉ là một chiến lược để sớm chấm dứt chế độ cộng sản và thiết lập dân chủ mà thôi. Chỉ có một điều sơ suất là ông đã trích dẫn sai lời tuyên bố của Võ Văn Kiệt, ông nói ông Kiệt chấp nhận “hòa giải dân tộc” trong khi thực ra ông Kiệt chỉ kêu gọi “hòa hợp dân tộc”, hiểu theo nghĩa đoàn kết dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản mà thôi. Có lẽ vì lúc viết, ông A không có bản văn trong tay chứ không phải ông bênh vực Võ Văn Kiệt. Lập trường chống cộng của ông được phát biểu rất rõ rệt.
Nhưng chỉ cần như thế cũng đủ để ông B phản ứng bằng một bài báo gay gắt, lên án ông A là cơ hội chủ nghĩa, đón gió trở cờ, phản bội lý tưởng của mình trước đây. Không những thế, ông B còn vạch những chi tiết trong liên hệ riêng tư để chứng tỏ ông A là người không ra gì. Rõ ràng là đánh thẳng tay, đánh cho chết luôn.
Dĩ nhiên ông A không để yên. Ông trả đũa bằng một bài báo rất độc. Bài báo tuy không xuyên tạc lập trường và cuộc đời của ông B nhưng dùng những lý luận rất công phu để chứng tỏ ông B là một con người thiếu tế nhị, vi phạm những qui luật sơ đẳng nhất của đạo đức. Rõ ràng cũng là đánh lại thẳng tay, đánh cho chết luôn.
Bình thường ra, ông B có quyền buồn phiền về sự thay đổi lập trường – nếu ông nghĩ là có – của ông A. Ông có thể phản bác lại, đó là quyền của ông và hơn thế nữa, đó là phản ứng tự nhiên của một người đấu tranh chính trị. Nhưng tại sao ông có thể phản ứng một cách cạn tàu ráo máng như thế? Ngược lại, nếu ông B đã lỡ viết ra một bài như thế, thì ông A hoặc có thể bỏ qua, hoặc có thể biện minh, nhưng sao lại ra tay tàn nhẫn như vậy?
Nhưng chúng ta không bình thường. Người Việt nam chúng ta trong tiềm thức không ưa nhau, chúng ta có sẵn một bản năng tiêu diệt lẫn nhau, chỉ đợi cơ hội là bùng phát.
Anh em Thông Luận chúng tôi, và cá nhân tôi, đã là đối tượng của những đả kích rất gay gắt, xuyên tạc và mạ lỵ. Nhưng chúng tôi hằng bảo nhau là phải coi chừng cái tâm lý thù ghét nhau và phải đè bẹp nó, không cho nó cơ hội cất cái đầu xấu xa của nó lên. Chúng tôi đã im lặng trước mọi công kích, chúng tôi chỉ tiếp tục tranh đấu cho lập trường của mình mà thôi. Tưởng như thế là yên thân, không ngờ chúng tôi lại bị nhiều người buộc tội vì chính sự chịu đựng đó.
Tôi nói chuyện với cô Thụy Giao, chủ bút báo Xây Dựng tại San José, và cô Thụy Giao lên án chúng tôi: “Các anh khinh người quá người ta đả kích các anh, các anh không thèm trả lời, như thế là các anh coi mọi người là đồ bỏ!”.
Tôi trả lời: “Chúng tôi có trả lời đấy chứ, chúng tôi đọc nhưng bài đả kích và rút kinh nghiệm để trình bày rõ lập trường của chúng tôi, giải đáp nhưng chất vấn đã nêu ra”.
Mà thực tế là như thế.
Thực ra chúng tôi cũng muốn trả lời một cách trực tiếp, nhưng nhưng bài đả kích gay gắt và hằn học quá, rõ ràng các tác giả không muốn đối thoại.
Làm thế nào để khỏi bị lên án? Có lẽ không có cách nào cả vì người Việt chúng ta mang sẵn cái bản năng buộc tội và kết án lẫn nhau ở trong lòng. Chúng ta cần cảnh giác coi chừng chính mình.