Những người bênh vực Khổng Giáo thường gắn liền Khổng Giáo với đạo đức. Bài bác Khổng Giáo bị coi là bài bác đạo đức, nghĩa là vô đạo. Trong một cuộc bút chiến với Phạm Quỳnh, ông Phan Kế Bính, một trí thức xuất chúng và cũng có Tây học, đã có công đóng góp nhiều cho văn hóa Việt nam và có tên đường ở Sài Gòn và Hà Nội, đã viết một câu chắc nịch: “Đạo lý là đạo lý Khổng Mạnh”. Như vậy phải chăng các dân tộc không biết tới Khổng Mạnh là những dân tộc không có đạo đức?
Khổng Giáo đề cao một số giá trị mà con người phải cố gắng để đạt được. Nhưng nếu ta hỏi các nhà nghiên cứu Khổng Giáo những giá trị đó là gì thì các vị này sẽ rất bối rối. Có vị bảo là “trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, cũng có vị bảo đó là “nhân, trí, dũng, văn”, có vị lại thêm “trực (ngay thẳng), tri (hiểu biết), đạo, cung, kinh, dung (dễ chấp nhận người khác)”. Đọc Luận Ngữ và sách của các danh nho khác còn phải thêm: “đạt, mẫn, tôn, trọng, thuận”. Như vậy đủ thấy “đạo lý Khổng Giáo” dù đã xuất hiện và ngự trị từ cả hàng nghìn năm vẫn còn rất mập mờ.
Các giá trị thường được nhắc tơi là “trung, hiếu, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Các giá trị này đã được cải thiện dần dần với thời gian và đi vào quần chúng. Lúc ban đầu chúng chỉ là những giá trị dành cho người quân tử, tức người làm quan hay học để làm quan, và có ý nghĩa đặc biệt của chúng.
Luân lý Khổng Giáo thường được tóm gọn trong “tam cương, ngũ thường”. “Tam cương” là ba bổn phận của kẻ sĩ: trung với vua, hiếu với cha mẹ, thủy chung với vợ. “Tam cương” không được rõ ràng lắm. Cũng có những học giả coi “tam cương” là “quân, sư, phụ” nghĩa là bổn phận đối với vua, với thầy và với cha. “Ngũ thường” thì vẫn được coi là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Khổng Giáo về sau được bồ túc bởi một loạt “giá trị” dành cho phụ nữ, đó là “tam tòng, tứ đức”.
“Tam tòng” là ba sự phục tùng mà người đàn bà phải tuân thủ: lúc còn con gái thì phải phục tùng cha, lấy chồng thì phải phục tùng chồng, chồng chết thì phải phục tùng con (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử). “Tứ đức” là bốn đức tính người đàn bà phải rèn luỵện, đó là “công (khéo tay), dung (nhan sắc), ngôn (ăn nói) và hạnh (hạnh kiểm)”. Thêm vào đó lại có một giá trị đặc biệt cho người đàn bà: chữ “trinh”.
Nếu hiểu “hiếu” là kính trọng và tận tụy với cha mẹ, “nhân” là yêu thương người, “lễ” là kính trọng người khác trong mọi giao dịch, “tín” là giữ lời hứa và tôn trọng mọi cam kết, “trí” là cố gắng để đạt tới sự hiểu biết rộng thì dĩ nhiên đó là những giá trị của mọi xã hội và mọi nền văn minh chứ không phải của riêng Khổng Giáo. Nếu muốn nói tới các giá trị của Khổng Giáo thì phải nói tới các giá trị chỉ có trong Khổng Giáo hay được đặc biệt nhấn mạnh và đề cao trong Khổng Giáo mà thôi.
Nhưng trước khi bàn về nội dung của Khổng Giáo ta phải nhận định một điểm rất quan trọng, đó là Khổng Giáo dứt khoát không phải là một đạo lý.
Ngôn ngữ Việt nam và Trung Quốc thường hay lẫn lộn về khái niệm nên có thể nhưng điều sau đây không được sự nhất trí của nhiều độc giả, nhưng vấn đề là có thực. Triết học phân biệt đạo lý hay đạo đức (éthique, ethic) và luân lý (morale, moral). Đạo lý là nhưng giá trị có căn bản triết học, được phân tích rõ ràng, được biện luận đến nơi đến chốn và sau cùng được chấp nhận như là kết quả của một cố gắng suy tư. Luân lý, trái lại, chỉ là những điều được áp đặt và trở thành thói quen và qui luật trong một xã hội. Không thể coi việc người Do Thái cấm ăn thịt heo hay thịt những con vật mà móng chân sẻ ra, cấm ăn cá không có vẩy là một đạo lý được. Đó chỉ là một luân lý, nghĩa là một qui luật được luân chuyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà thôi.
Khổng Tử và các môn đệ không hề phân tích, biện luận mà chỉ phán ra các mệnh lệnh mà thôi, nên Khổng Giáo không phải là một đạo lý mà chỉ là một luân lý mà thôi.
Về nội dung các giá trị Khổng Giáo thì sao?
Trước hết, hệ thống giá trị áp đặt cho phụ nữ rất mọi rợ và vô nhân đạo. Nó hạ giá người phụ nữ xuống hàng một nô lệ và một vật dụng. Trí tuệ và nhân cách của người đàn bà không được kể đến. “Công, dung, ngôn, hạnh” là gì? “Công” chỉ là tài thêu thùa, may mặc, nấu bếp, nghĩa là tài hầu hạ, phục dịch. “Dung” không phải là sắc đẹp mà là cấm không được làm đẹp vì như thế là lòe loẹt, lẳng lơ. “Ngôn” là ăn nối phải e dè, càng nói ít càng tốt. Còn “Hạnh” chỉ là sự chăm chỉ phục tùng, phục tùng cha mẹ, rồi phục tùng chồng, rồi phục tùng cả con trai mình. ấy là chưa kể trong gia đình còn phải phục tùng cả chú bác, anh chị. Nếu là một người con gái út trong gia đình nghèo thì địa vị của một phụ nữ chẳng còn gì.
Rồi lại có cái chữ “trinh” cực kỳ đểu cáng. Một người phụ nữ đã có quan hệ tình dục với ai bị coi là “mất thân”, có tì vết, mất hết giá trị. Không phải chỉ có phụ nữ bình thường mà ngay cả các công chúa cũng không thoát khỏi sự khống chế tàn tệ của chữ trinh. Ở Việt nam có chuyện Chử Đồng Tử. Anh chàng này nghèo khổ, không có nỗi cái khố, một hôm một cô công chúa vô tình quay màn tắm ngay chỗ anh ta trần truồng nằm chui dưới cát. Đến khi dội nước thì lộ ra anh ta. Cô công chúa chỉ lỡ nhìn thấy anh ta trần truồng mà coi như bị mất trinh, đành phải cưới anh ta làm chồng cho phải đạo! Văn học Trung Quốc cũng không thiếu những câu chuyện các cô gái vì vô tình đụng chạm phải một người đàn ông mà phải coi như đã mất trinh, đành phải lấy người đó làm chồng. Chữ “trinh” là một sáng tạo dã man của đàn ông để nô lệ hóa phụ nữ và coi phụ nữ như một đồ chơi độc quyền của họ. Ngày nay chúng ta đều đồng ý rằng quan niệm của Khổng Giáo về người phụ nữ là rất lạc hậu. Nhưng chúng ta đã thực sự vất bỏ nó chưa? Tôi chưa chắc, quán tính của chúng ta vẫn còn nặng lắm. Cái tâm lý chồng chúa vợ tôi vẫn còn hiện diện rất mạnh, ngay trong cả các gia đình trí thức sinh sống tại các nước tân tiến phương Tây. Người vợ dù là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư đại học vẫn là nạn nhân của một sự phân công quái gở là lo chuyện bếp núc, phục dịch trong gia đình trong khi đức ông chồng ung dung hưởng thụ. Người chồng Việt nam là một trong những người chồng thô bỉ nhất thế giới.
Tôi có lần nói chuyện với một học giả, giáo sư đại học. Ông ta lo lắng vì con gái đã lớn và học chung với nhiều bạn trai. Mối lo của ông ta là con gái sẽ giao du với bạn trai. Tôi nói giao du là chuyện dĩ nhiên chẳng có gì đáng sợ, ông ấy trả lời rằng trai gái bây giờ nó tự do lắm, nó cứ bắt tay nhau một cách tự nhiên, có khi còn hôn nhau khi gặp gỡ hoặc chia tay. Tôi hỏi “thì đã sao?”. Và ông ta nổi đóa: “Nó hôn má, rồi có ngày nó sẽ hôn môi, rồi nó sẽ làm tình!”. Đối với ông ta hình như nếu con gái ông ta có bồ và hôn môi một chàng trai nào, nhất là lại làm tình thì không khác gì trời sập. Nhưng ngược lại, nếu đứa con trai ông ta cũng làm những điều ấy thì lại rất bình thường. Đó là một trí thức uyên bác đã sống tại Pháp gần 40 năm.
Chữ “trung” và chữ “hiếu” được định nghĩa từ đời nhà Tống một cách rõ rệt như thế này: “Vua bảo phải chết mà không chịu chết là bất trung, cha bảo phải chết mà không chết là bất hiếu” (quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu). Trong Luận Ngữ, Khổng Tử định nghĩa chữ “hiếu” như sau: “cha còn sống thì phải theo ý cha, cha mất thì theo việc cha làm, ba năm không được sửa đổi những gì cha đặt ra” (phụ tại quan kỳ chí, phụ một quan kỳ hành, tam niên vô cải ư phụ chi đạo), “cha mẹ có lầm lỗi can gián không được cũng không được làm trái ý, đau lòng cũng không được giận” (sự phụ mẫu cố gián, kiến chí bất tòng, hữu kính bất vi, lao nhi bất oán); “cha mẹ còn sống thì không được đi xa” (phụ mẫu tại, bất viễn du). Cũng cần lưu ý là chữ “hiếu” của Khổng Giáo chủ yếu là hiếu với cha mà thôi, người mẹ rất ít được đề cập tới. Sự kính mến người mẹ ở trong các xã hội thuộc văn hóa Trung Hoa có thể được nhìn như là một phản ứng dân gian trước sự tàn nhẫn của Khổng Giáo đối với phụ nữ. Chữ “hiếu” của Khổng Tử không những bệnh hoạn mà còn bất lương. Khổng Tử bàn luận với Diệp Công về sự ngay thẳng (“trực” cũng là một giá trị của Khổng Giáo). Diệp Công nói rằng người ngay thẳng nếu cha mình đi ăn trộm cũng phải tố giác, Khổng Tử phản đối nói rằng đạo làm con thì dù cha có đi ăn trộm cũng phải bênh, như thế mới là trực. Đó là những lời vàng ngọc của đức thánh Khổng!
Về sau các nho sĩ cũng không làm cho “trung” và “hiếu” lành mạnh hơn, trái lại chỉ thêm vào những điều xằng bậy, thí dụ như, “hiếu” được định nghĩa phải có con trai. Có ba tội bất hiếu, tội nặng nhất là không có con trai (bất hiếu hữu tam, vô hậu chi đại), “trung” được định nghĩa chỉ được thờ một chủ mà thôi.
Về chữ “nhân”, Khổng Tử định nghĩa một cách rất lăng nhăng. Nhan Hồi hỏi ông về “nhân”, Khổng Tử đáp đó là các đức tính “cung (kính cẩn), khoan (khoan dung), mẫn (thông minh), huệ (may mắn)”. Như vậy thì “nhân” không phải là một giá trị riêng mà chỉ là tổng hợp năm giá trị khác của Khổng Giáo. Việc coi “mẫn” và “huệ” là những thành tố của “nhân” cũng đáng ngạc nhiên. Khi Phần Trì hỏi thì ông đáp “nhân” có nghĩa là yêu người; đây là lần duy nhất mà Khổng Tử định nghĩa khái niệm “nhân” một cách gần đúng. Khi Trọng Cung hỏi thì ông đáp “nhân” là “ra khỏi cửa phải như gặp thượng khách, sai dân thì phải uy nghi như tế lễ lớn, mình không muốn điều gì thì đừng làm cho người khác” (xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế, kỷ sở bất dục vật thi ư nhân); ở đây “nhân” chỉ giản dị là sự đúng đắn. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử còn đưa ra một định nghĩa khác về “nhân”: “người trí thì thích nước, người nhân thì thích núi, người trí thì động còn người nhân thì tĩnh” (trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn, trí giả động, nhân giả tĩnh). Định nghĩa quái đản này tuy vậy cũng nói lên nhân sinh quan của Khổng Tử, ông không có lý tưởng giúp đời, “nhân” của ông là tĩnh, nghĩa là bất động, chứ không phải xông pha vào khó khăn để giúp người. Điều này phù hợp với đạo lập thân mà ông đã dạy người quân tử: nước nguy thì không nên đến, nước loạn thì không nên ở, xã hội lành mạnh thì ra làm quan, xã hội không lành mạnh thì rút về ở ẩn. Như vậy chữ “nhân” của Khổng Tử dứt khoát không phải là chữ “nhân” mà chúng ta thường hiểu. Khổng Tử được tôn thờ nên đời sau đã cố tình đem cái lòng tốt của mình mà hiểu những điều ông nói Khổng Tử đặc biệt bối rối khi nói về nhân vì cá nhân ông không có lòng nhân đạo, ông mạt sát thậm tệ những người dân cùng khổ và chắc chắn là ông đã từng chủ trì nhiều buổi lễ chôn sống những người vô tội trong những đám tang của những gia đình quí tộc.
Nhân nói về chữ “nhân” cũng nên dừng lại giây lát để bàn về một chủ nghĩa chính trị có tên là “nhân trị” của Khổng Giáo. Đại đa số những người bàn về nhân trị thường cho đó là một chủ nghĩa nhân bản, lấy sự quí trọng con người làm căn bản. Điều này hoàn toàn sai. ý niệm nhân được định nghĩa một cách mơ hồ như đoạn trên không thể là nền tảng cho một thể chế chính trị nào. Chữ nhân trong “nhân trị” chỉ có nghĩa là cá nhân mà thôi, “nhân trị” vì vậy có nghĩa là để cho một người cai trị một cách tùy tiện, đối ngược lại với “pháp trị” có nghĩa là cai trị theo luật pháp. Nhân trị chỉ giản dị là độc tài cá nhân tuyệt đối; mà về bản chất thì mọi chế độ độc tài tuyệt đối đều dã man vô nhân đạo cả nên thuyết nhân trị cũng phải được xếp vào loại chủ thuyết dã man. Phan Chu Trinh đã phân tích khá rõ ràng về điểm này. Chữ Hán, nhất là khi đọc theo lối Việt, có nhiều chữ cùng âm mà khác nghĩa cho nên có những trường hợp ngộ nghĩnh là người Việt hiểu sai hẳn. Sự hiểu lầm cho rằng chủ nghĩa nhân trị là một chủ nghĩa quý trọng con người là một ví dụ. Một ví dụ khác: tôi từng được nghe rất nhiều người viện dẫn câu “quân tử hợp quan, tiểu nhân hợp đảng” để từ chối tham gia vào các tổ chức chính trị. Đối với họ tổ chức chính trị là đảng và như vậy những người quân tử cao thượng như họ không thèm gia nhập, đạo lý Khổng Mạnh đã dạy như vậy. Thực là oan cho Không Mạnh quá. Chữ “đảng” ở câu này không có nghĩa là đảng chính trị mà có nghĩa là xóm làng. “Quân tử hợp quần, tiểu nhân hợp đảng” có nghĩa là người có danh phận (quân tử) thì có thể kết hợp với nhau (hợp quần) còn dân chúng (tiểu nhân) thì chỉ sống chung với nhau trong xóm, nghĩa là không giao du và kết hợp rộng rãi.
Chữ “lễ” của Khổng Giáo cũng là một sự hiểu lầm. Đọc Kinh Lễ và Luận Ngữ thì rất rõ ràng là lễ chỉ là nghi thức và hình thức mà thôi, thí dụ như tế trời thì phải mặc áo nào, gặp vua thì quì như thế nào, lạy bao nhiêu lạy, lúc tiếp chỉ của vua thì phải có cũng cách nào, gặp quan lớn phải có thái độ nào, gặp quan nhỏ thì ra sao, v.v… Khổng Tử khi đưa khách vào gặp vua thì giang tay cúi đầu giới thiệu, rồi cung kính đứng đợi, đến lúc khách quay ra thì hô lên “khách không quay lại nữa”. Đó là “lễ” của Khổng Giáo, nó không có nghĩa là sự đối xử lịch sự, bặt thiệp trong xã hội đối với mọi người. Về lễ chính Khổng Tử đã nói một câu kinh khủng: “lễ không kể đến bọn thứ dân” (lễ bất há thứ dân).
Về lễ phép, phải nối rằng người Á Đông rất vô lễ, nhất là những dân tộc chịu ảnh hưởng Khổng Giáo. Người phương Tây đi qua mặt một ai đều xin lỗi, nhận của ai món đồ nào đều cám ơn, gặp nhau chúc tụng nhau ngày vui, đi thì nhường bước cho phụ nữ… Ngay cả giữa các đối thủ với nhau, họ cũng tỏ ra trang nhã. Wellington đánh bại Napoléon I, nhưng khi Napoléon bị cầm tù và chết trên đảo Sainte Hélène ông cũng tới đó nghiêng mình kính cẩn. Ngược lại, các tướng Trung Hoa ra trận thì chửi nhau, bắt được địch thì đối xử tàn tệ. Quan Vân Trường được coi là bậc thánh, nhưng khi Lưu Bị giới thiệu đứa con nuôi là Lưu Phong thì hỏi Lưu Bị ngay trước mặt Lưu Phong: “Anh đã có con rồi, nuôi giống con tổ vò này làm gì?”; bắt được tướng địch là Vu Cấm thì nói: “Tao giết mày cũng như giết giống chó ngựa thôi”. Tập quán Á Đông đối với kẻ trên, kẻ thắng thì khúm núm, đối với kẻ dưới, kẻ bại thì thô lỗ. Đó không phải là lễ hiểu theo nghĩa đúng và đẹp của nó.
Gần đây có phong trào kêu gọi tái lập phương châm “tiên học lề hậu học văn”. Những người chủ trương như vậy hoặc có dụng ý thống trị hoặc không hiểu ý nghĩa thực sự của tôn chỉ này. “Tiên học lễ hậu học văn” chỉ có nghĩa là trước hết học nghi thức và hình thức, học lạy, học quì và cúi đầu, nói chung là cúng tế, rồi sau đó mới học tới kiến thức. “Tiên học lễ hậu học văn” chỉ có nghĩa là trước học cúng rồi sau mới học chữ.
Cũng phải hiểu rằng, lễ và nhạc trong Khổng Giáo là những dụng cụ thống trị, mục đích của chúng là lấy nghi thức và âm thanh để trấn áp tinh thần và khuất phục.
Nhiều độc giả tới đây sẽ phê phán tôi là dựa vào kinh sách để lên án Khổng Giáo, trong khi Khổng Giáo được thể hiện một cách khác trong cuộc sống. Các vị có lý, luân lý Khổng Giáo trong đời sống hang ngày không đến nỗi như vậy.
Tại sao? Đó là vì Khổng Giáo là một hệ thống giá trị khe khất, máy móc và vô nhân đạo được các vua chúa đem áp đặt vào cuộc sống. Người dân đành phải chấp nhận và vì không thể chấp nhận nguyên vẹn nó, người dân đã phản ứng lại bằng cách thay đổi nội dung của nó để bớt đi phần nào sự khe khắt. Do đó mà Khổng Giáo đã phần nào được nhân bản hóa. Chữ “trung” thì họ không đổi được, nhưng chữ hiếu đã được hiểu là sự quí trọng và săn sóc cha mẹ. “Lễ” được hiểu là cách đối xử đẹp đẽ giữa người và người, nhân cũng mang màu sắc của tình thương.
Nhà văn Bá Dương của Trung Quốc, trong một loạt bài tạp văn được tập trung trong một cuốn sách nhan đề “Người Trung Quốc Xấu Xí” (Sửu lậu đích Trung Quốc nhân), gọi văn hóa Khổng Giáo là một hũ tương đặc sệt. Tôi thấy cách gọi này không đúng hẳn. Tương chỉ làm bởi một chất chính là đậu, ngâm vào muối để cho rã ra và phân hóa lâu ngày mà thành. Khổng Giáo có đủ thứ, nào là kinh sợ quỉ thần, tuyệt đối phục tùng nhà vua, rồi lại đến cách ăn ở giữa vợ chồng, cha con, thầy trò, cách học hỏi, tu thân, v.v… vật chất cũng có, tinh thần cũng có, siêu hình cũng có, luân lý cũng có mà chính trị cũng có. Nói chung là đủ thứ được pha trộn lộn xộn lâu ngày với nhau, thâm nhập vào nhau và biến chất lẫn nhau. Phải coi đó là một hũ mắm thập cẩm, thịt có, cá có, tôm có, mà rau cũng có. Mỗi người nếm nói một cách riêng, người thì bảo là thịt, người thì nói là cá, người lại nói là tôm. Ai cũng đúng cả mà cũng chẳng ai đúng cả. Cho nên có người nói Nho Giáo là hệ thống chính trị, có người nói đó là một triết lý và cũng có người coi nó là đạo lý.
Điều quan trọng đối với chúng ta là những tập tính mà Khổng Giáo đã tạo ra trong nếp sống dân gian.
Trước hết là óc thủ cựu. Tôn chỉ “thuật nhi bất tác”, chỉ lập lại mà không sáng tạo, đã được các vua chúa áp đặt như một mệnh lệnh tuyệt đối. Với thời gian nó thành một đạo lý và làm tê liệt cả trí não các dân tộc theo văn hóa Trung Hoa, nhất là Trung Quốc và Việt nam. Chúng ta không những không tìm cái mới mà còn thù ghét cái mới.
Thứ hai là óc bất dung, độc quyền lẽ phải. Các vua chúa áp đặt địa vị độc tôn của Khổng Giáo, rồi dùng bọn nô nho mạt sát mọi tư tưởng khác biệt nhân danh chính nghĩa vệ đạo. Dần dần chúng ta bỏ mất cả khả năng đối thoại. Chúng ta không thể thảo luận với nhau một cách bình tĩnh và tương kính, hễ khác ý kiến là phải dùng những lời lẽ hận thù, hằn học, là thấy cần phải tiêu diệt nhau. Chúng ta coi tranh luận có nghĩa là hạ bệ người trước mặt, làm cho hắn mất uy tín và bị lên án nếu được. Tôi có thể làm chứng về tinh thần “vệ đạo” này bằng kinh nghiệm cá nhân. Tôi có viết một số bài báo trình bày một số ý kiến cá nhân và đã nhận được một loạt bài phản bác. Có những bài rất cay nghiệt, nhưng các tác giả không phản bác được gì cả vì họ chỉ tập trung cố gắng để khiến độc giả ghét tôi thay vì tranh luận ý kiến!
Thứ ba là sự sùng bái người xưa một cách bệnh hoạn, hậu quả tổng hợp của sự sùng bái quỉ thần và chữ hiếu được đẩy quá xa. Yêu quí người xưa là một tình cảm tốt vì đó là cội nguồn của ta. Tổ tiên đã khổ sở và vất vả để lại cho chúng ta một di sản, di sản đó dù nhiều hay ít chúng ta cũng là người thừa kế và thụ hưởng. Nếu không có di sản đó thì ngày nay chúng ta vẫn còn ăn lông ở lỗ. Nhưng cái bệnh hoạn là ở chỗ ta tin người xưa là đúng và lấy họ làm mẫu mực. Chúng ta không dám tin rằng thế giới càng ngày càng tiến, chúng ta hiểu biết nhiều và thông minh hơn cha ông, cũng như con cháu chúng ta sẽ thông minh và hiểu biết hơn chúng ta.
Thứ tư là lô-gích bạo lực. Nhiều người sẽ phản đối và viện dần vô số câu nói rất hòa bình và khoan dung. Nhưng quả thực phải nói nền tảng của xã hội Khổng Giáo là bạo lực. Vua không bao giờ có lỗi thì làm sao mà thay thế những hôn quân, bạo chúa? Đạo lý Khổng Mạnh không cho phép chống lại vua, cho nên chỉ có nhưng kẻ bất chấp đạo lý nổi loạn giết vua mới thay đổi được tình thế. Kẻ ấy nếu thua thì bị coi là giặc, là phản, là vô đạo, nhưng nếu may mắn thắng được thì các nho sĩ sẽ quì xuống thần phục và giải thích là mệnh trời đã đổi. Mọi thay đổi chính quyền đều phải diễn ra qua bạo lực và đổ vỡ chứ không thể diễn ra một cách hòa bình. Đảng cộng sản Việt nam khi chủ trương chống diễn biến hòa bình đã chỉ lập lại một tâm lý bạo lực đã sẵn có trong văn hóa Khổng Giáo.
Dĩ nhiên thương tật nặng nề nhất trong tâm lý Trung Quốc và Việt nam vẫn là tâm lý tôi đòi, nhẫn nhục trước độc tài chuyên chế. Như đã nói, chúng ta thừa hưởng tâm lý đó từ nền văn hóa phù sa. Khổng Tử chịu ảnh hưởng nặng nề của tâm lý đó, đưa nó lên hàng một đạo lý. Đến lượt Khổng Tử cũng được tôn lên hàng thánh nhân và một mẫu mực. Mấy chục thế kỷ chuyên chế của quân quyền về mặt chính trị và của Khổng Giáo về mặt tư tưởng đã biến tâm lý chấp nhận bạo quyền thành một bản năng; ta có thể là nạn nhân của một chế độ chuyên chính và chống lại chuyên chính ấy, nhưng nếu thành công ta sẽ áp đặt một thứ chuyên chính khác. Ta chưa dứt khoát được tư tưởng bởi vì, do di sản Khổng Giáo, ta vẫn còn mang mầm độc tài chuyên chính ngay trong lòng mình.