Vào quãng cuối năm 1990 dưới trang 3 của báo Nhân Dân đăng một bài luận văn dài hơn 3000 chữ với đầu đề: “Đi dưới bảng chỉ đường của trí tuệ là theo sự lãnh đạo đúng đắn của đảng cộng sản”. Bài báo ký tên Quang Cận. Nhà “lý luận” quân sự trứ danh kể trên lại xuất trận? Bài báo nhằm bác bỏ một bài báo khác có đầu đề là: “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ (hay: Thử giải bài toán lô gíc xã hội, mọi điều rắc rối bắt nguồn từ đâu?), bài báo ký tên Tú Xuân Hà Sĩ Phu.
Đây là một bài báo không được đăng báo. Tác giả lần lượt gởi đăng một số báo lớn, kể cả Ban chuẩn bị Đại Hội nhà văn dân thứ 4, nhưng chẳng có một lời hồi âm, ngoài một công văn của Hội Nhà Văn Việt nam, từ chối khéo rằng: “Tuy nhiên, thời gian ở đại hội hạn hẹp rất khó có điều kiện để trình bày phát biểu này”.
ở báo Nhân Dần chắc hẳn ban chính trị có nhận được bài này, nhưng đã xếp vào hồ sơ của những “bài báo đen” “chống Đảng”!
Tú xuân Hà Sĩ Phu là ai? Đó là một sĩ phu Bắc Hà, phó tiến sĩ sinh học Nguyễn Xuân Tụ, ở viện khoa học Việt nam, đang công tác tại một cơ sở của viện đặt ở thị xã Đà Lạt, nhà anh ở 4E đường Bùi Thị Xuân. Anh viết bài báo này vào tháng 9 năm 1988. Không nơi nào nhận đăng bài báo dài 10 trang đánh máy này, Hà Sĩ Phu liền nghĩ ra cách phổ biến khá nguy hiểm cho anh: phô-tô-cô-pi bản đánh máy, gởi cho bè bạn thân quen, có ghi rõ nơi gửi là: bạn bè, những người hiểu biết, quan tâm và có trách nhiệm, để xin ý kiến trao đổi.
Đây là một bài báo rất thú vị, của một trí thức có chiều sâu suy nghĩ, tự tin, có trình độ nghiên cứu, lại hóm hỉnh. Một con người quý, hiếm, có tư duy độc lập.
Trong lời mở đầu, tác giả cho rằng mình đã “cả gan lạm bàn chuyện quốc gia đại sự!”, và nhấn mạnh: “Những điều này nói ra hôm nay đã là quá muộn”.
Câu đầu bài viết là: “Hãy thử để cho trí tuệ được vài phút hoàn toàn tự do, xem nó có thể mách bảo ta điều gì?”
Đó là:
– Hệ thống mà ta đang khảo sát chứa đựng quá nhiều “nghịch lý nếu chưa muốn nói là cấu thành bởi toàn những nghịch lý”. Những nghịch lý ấy là:
– Hệ thống dân chủ gấp triệu lần lại vướng mắc chính vấn đề dân chủ!
– Hệ thống tiêu biểu cho sự thật, có các nhà xuất bản sự thật, thì đang phải cố chữa bệnh nói dối!
– Hệ thống ưu việt tiêu biểu cho sự giải phóng con người thì lại không ưu việt về quyền con người!
– Hệ thống tiêu biểu cho Nhân loại, tính tập thể thì lại xuất hiện nhiều ví dụ về tệ sùng bái cá nhân.
– Hệ thống tiêu biểu cho sức sáng tạo của trí thức thì vấn đề trí thức lại cứ cộm lên như một hạt nhân của toàn bộ cái hiện thực cần cải tổ.
– Chúng ta vẫn nói tới thắng thua giữa các chế độ rút cuộc là ở năng suất lao động thì ta lại thua quá xa!
– Hệ thống xã hội chủ nghĩa được mô tả là đầy sức sống, còn chủ nghĩa tư bản thì đang “giãy chết”, vậy mà trong tất cả trường hợp quốc gia bị chia cắt làm hai thì dù chia theo kiểu nào, nửa thuộc phía “giãy chết” cũng có năng xuất lao động và chất lượng sản phẩm hơn nửa kia!…
Tác giả phê phán chủ nghĩa Mác về 2 luận điểm cơ bản là “đấu tranh giai cấp” và “chuyên chính vô sản”, và phân tích tình hình xã hội theo 3 quan niệm: duy lý, duy tín và duy lợi
Tác giả nêu bật ý nghĩa của trí tuệ, của trí thức, yếu tố năng động nhất ở con người, mà con người lại là yếu tố năng động nhất của sức sản xuất xã hội…
Trong phê phán chế độ hiện thời, Hà Sỹ Phu có phán xét thâm thúy, ngay thật vạch trần sự phi lý của nó: “Chủ nghĩa bình quân gắn chặt với tư tưởng lật đổ. Khi chưa có thì muốn lật đổ để cào bằng, cào bằng cho được rồi lại muốn mình giàu hơn người khác, lật đổ vua nhưng rồi mình lại làm vua!” Tác giả lên án chủ nghĩa cơ hội, thái độ bạc nhược quay mặt đi một cách vô trách nhiệm, ngậm miệng ăn tiền, trì hoãn, thậm chí độc ác lì lợm, cố thủ của một số gọi là trí thức, và nhận xét:. “Trong bức tranh chung về sự tha hóa, cái bệnh chung nói dối cứ như con bạch tuộc ôm ghì lấy xã hội, chẳng để cho ai thoát ra…
Tôi trích ra khá nhiều, mà vẫn còn muốn trích thêm để bạn đọc hiểu rõ về một trí thức sớm “dấn thân” theo kiểu của mình, điềm tĩnh, rỉ rả phê phán những sai lầm đã qua một cách sâu sắc riêng của mình, một cách thật thâm thúy, và đồng thời chỉ ra lối thoát là nhìn thẳng vào sự thật, chấm dứt sự lừa dối, trở về với sự thông minh, với trí tuệ. Rất mong bài viết từ năm 1988 ấy sớm đến được với bạn đọc trong và ngoài nước nguyên vẹn để bạn đọc thưởng thức một suy nghĩ mớí, và hiểu rằng ở trong nước đang có những bộ óc cần mẫn sáng tạo rất đáng trân trọng và tin cậy. Ví dụ của anh về đôi giày với người chủ của đôi giày lau bóng đôi giày ấy kẹp nách rồi vấp ngã, chân tóe máu vẫn ôm ấp đôi giày, quả là một ví dụ cười ra nước mất. Ban tư tưởng và văn hóa lúc ấy do hai ông Trần Trọng Tân và Thái Ninh cầm đầu lập tức cho những cây bút được họ coi là nổi danh nhất phang cho Hà Sỹ Phu những chùy nặng trên báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân và Tuổi Trẻ, lên án tác giả là có dụng ý xấu, bôi đen chế độ, đả kích vào đảng; là: đưa ra những quan điểm mơ hồ và mỵ dân về duy lý, duy tín và duy lợi; là: mang tâm lý thất bại chủ nghĩa và bi quan, bối rối trước thời cuộc; rồi còn là: ăn phải bả luận điệu của đế quốc… Nghĩa là đủ mọi thứ mũ.
Cách làm tướng “đổi mới” vẫn theo một lối cũ, rất cũ. Đó là hô hoán toáng lên đối tượng định “phang”, thế nhưng lại giấu rất kỹ không để công luận biết được nhưng luận điểm của bài báo ấy, cấm chỉ sự lưu truyền và tịch thu mọi bản đang được truyền tay, coi đó là tài liệu phản động, đồ quốc cấm!
Đây phải nói thẳng là các làm theo lối “ăn gian”, khinh thị công luận, có tính chất hèn nhát, không cho đối thủ của mình được trình bày chính kiến! Họ sợ tranh luận công khai.
Họ đã mất hẳn tự tin và tự biết trước là họ đuối lý. Trận đấu này dù sao so với thời lên án Nhân Văn Giai Phẩm cũng có khác. Đó là vài bài báo phản bác viết sơ sài, bôi bác, tác giả không một ai có chút uy tín nào, trừ bài của Quang Cận đăng trên báo Nhân Dân là độc giả còn có người biết đến cái tên. Nhưng bài báo này đã mang lại cho tác giả “phần thưởng” xứng đáng, sự khinh thị và chê cười. Một cậu học trò lớp mười phổ thông con bạn tôi đọc xong, liền nói ngay với tôi trước mặt bố: “Họ cứ nói lấy được; lại cả vú lấp miệng em đây. Sao họ không đăng bài của ông ấy để mọi người biết và đánh giá. Lên án thế này thì thật vộ tích sự! Chú cố tìm cho cháu mượn bài của ông Sĩ Phu Bắc Hà này chú nhé. Cháu muốn đọc lắm! Lúc ấy ai có lý mới rõ được” Chú học trò sinh năm 1975, lúc ấy mới 15 tuổi mà đã khôn thế đấy.
Tất nhiên là phó tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ bị hành đủ kiểu. Sự trả thù của cơ chế không phải là thường! Anh bị chụp mũ, bị xỉ vả, bị bôi nhọ ở Hà nội, Sài Gòn, Đà Lạt. Vợ con anh bị chỉ trỏ, thầm thì, khinh miệt bởi một số kẻ cơ hội. Anh không được tín nhiệm như trước ở cơ quan. Cuộc sống gia đình khó khăn, anh phải mở một quán giải khát bình dân, bán nước chè, thuốc lá, bánh kẹo để sinh sống. Họa vô đơn chí, anh vừa bị một tai nạn nhỏ, trượt chân ngã, trẹo cả cẳng. Anh chịu đựng sự đối xử xấu chơi của cơ chế với niềm tự tin của một trí thức chân chính.
Gần đây anh sử dụng quyền tự vệ, sao thêm bài viết của anh và các bài lên án anh để cho công luận rộng đường suy xét. Họ im lắng. Họ cố quên! ở bất cứ nước nào có tự do báo chí và tự do ngôn luận, ắt hẳn chuyện in bài của cả 2 phía đã được thực hiện ngay từ đầu. Nhân dân, người đọc báo, công luận xã hội sẽ là trọng tài công minh, đáng tin cậy nhất. Hơn thế nữa, ở một xã hội có luật pháp, anh Tú Xuân Hà Sỹ Phu có thể phát đơn kiện về những bài báo đã xuyên tạc, vu cáo chụp mũ anh, và những Trần Trọng Tân, Thái Ninh, Quang Cận đều phải đính chính trên báo chí công khai, ngay trên báo nào mà họ đã vu khống, phải xin lỗi và còn phải đền tiền bồi thường danh dự cho anh Hà Sĩ Phu. Cái thời đảng là luật pháp, ngồi xổm trên luật pháp sẽ qua, đang qua, đang trôi dần vào dĩ vãng…