Trong cuộc tiến công Mậu Thân 1968, cuộc tàn sát ở Huế được dư luận thế giới hết sức chú ý. Cho đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh sự kiện này. Đây là một cuộc tàn sát có chủ đích? Vậy đích đó là gì? Quy mô của cuộc tàn sát này đến đâu? Vài ba ngàn hay 5,6 ngàn người? Ai chịu trách nhiệm? Đây có phải là cuộc tàn sát lớn nhất trong cuộc chiến tranh?
Hồi tháng 2 và tháng 3 năm 1973, trong trại Davis tôi đã nghe tướng Ngô Du rồi tướng Dư Quốc Đống nêu lên vụ tàn sát này. Tổ liên hợp quân sự 4 bên đóng tại Bãi Dâu gần Gia Hội, Huế, ở ngay bên một vùng chôn cất những người bị tàn sát. Một vùng khác là ở chân núi Ngự Bình. Và một vùng nữa là ở phía Tây, trên con đường từ Huế lên phía núi, căn cứ xuất phát của các đơn vị đánh chiếm Huế. Hồi làm cuốn phim dài Việt nam, Thiên Lịch Sử Truyền hình (Vietnam, the Televisions History), tác giả bộ phim là Stanley Kamow khi đến Hà nội cũng hỏi tôi về sự kiện này. Phim này được giáo sư Ngô Vĩnh Long ở truồng đại học Maine chuyển sang tiếng Việt. Khi gặp tôi ở Hà nội hồi 1986, ông Long cũng hỏi tôi về sự kiện này. Đầu năm 1990, Stanley Karnow lại sang Hà nội và đặt vấn đề là phía Mỹ dự định mời một số nhân vật quân sự Việt nam sang Mỹ, coi như một bước có ý nghĩa theo phương hướng hòa giải. Ông đề cập đến tướng Giáp, rồi tướng Trần Văn Trà, tướng Văn Tiến Dũng, nhưng phía Việt nam cứ viện cớ là các vị này “rất bận”, chưa phải lúc có thể đến Hoa Kỳ. Một số người đưa ra tên trung tướng Trần Văn Quang, Thứ trưởng Bộ quốc phòng. Theo yêu cầu của ông Stanley Karnow, tôi yêu cầu Vụ đối ngoại Bộ Quốc phòng tổ chức một buổi gặp giữa ông Stalley Karnow với tướng Quang tại nhà Khách Bộ quốc phòng ở 33 Phạm Ngũ Lão. Vụ trưởng Vụ đối ngoại thiếu tướng Nguyễn Văn Vinh và tôi cùng dự. Sau cuộc gặp, Stanley Karnow lắc đầu nói với tôi: gay rồi, ông Quang là tư lệnh mặt trận Huế, tại đó xảy ra các vụ tàn sát lớn. Sự có mặt của ông ta ở Hoa Kỳ có thể gây rác rối, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ rất phẫn uất đối với sự kiện nói trên. Cần tìm một khách mời khác…
Tôi đã nhiều lần trở lại Huế. Lần gần đây nhất là vào mùa quán 1986. Tôi đã hỏi chuyện nhiều sĩ quan chỉ huy hồi đó như anh bạn Minh chỉ huy trận đánh vào Huế phía tả ngạn sông Hương; một số cán bộ hậu cần, địch vận; một số gia đình có người bị sát hại ở trong thành nội, gần nhà tôi ở khi xưa (hồi từ 7 tuổi đến 18 tuổi). Có những ý kiến hơi khác nhau, nhưng đều giống nhau trên những nét lớn. Tôi nói lên nhận xét chủ quan của tôi, cố giữ một thái độ khách quan, không định kiến. Tôi nghĩ những tổn thất trong chiến tranh, nhất là trong một kiểu nội chiến, huynh đệ tương tàn thì của bên này hay bên kia, đều là nỗi đau của chính mình.
Tôi nghĩ con số 5000, 6000 người bị giết là con số cố tình thổi phồng lên quá đáng. Con số 3000 cũng là con số có thể cao hơn thực tế, nếu chỉ kể số thường dân bị giết. Sau này cần nắm cho chắc lại xem thực tế là bao nhiêu. Bởi vì khi ra thực địa, thấy 100 thi thể người chết đã là la liệt, kinh khủng rồi. Đào lên 50, 100 cho đến 200 bộ thi hài thì đã cảm thấy nhiều ghê gớm lắm, có cảm giác như là có đến 400, 500… ở một xóm mà phát tang ở 10 gia đình có người chết thì do người khóc than, do khăn tang tảng bít trên đầu người thân đi lại người ta có cảm giác như là nhiều gấp 3, 4 lần vậy. Hai nữa là có trường hợp xảy ra những trận ném bom rất lớn của máy bay Mỹ khi quân Mỹ phản công, bom Mỹ giết hại người của cả 2 bên (lính miền Bắc Việt nam cùng với những “tù binh” họ giải đi). Thi hài linh miền Bắc thì được chôn và đánh dấu, có khi được đưa về gần cán cứ, thi hài “tù binh” thì vùi nhanh.
Khi mở cuộc tiến công vào Huế, bộ đội miền Bắc đã cơ bản chiếm được thành phố vào đêm mồng 4 tháng 2; ngay lúc ấy đã có tới 5 ngàn sĩ quan, quân nhân đủ loại ra trình diện. Bộ đội cùng lực lượng tại chỗ mở những cuộc truy lùng những kẻ cộng tác với đối phương. Thường là họ vào từng nhà, ai nghi ngờ là bắt giữ, giải đi đã. Những người bị bắt đi gồm có: viên chức ở các cơ quan hành chánh, an ninh, cảnh sát, cán bộ bình định nông thôn, mật vụ, chỉ điểm do nhân dân tố cáo, rồi lực lượng quân đội, biệt động, lực lượng bảo an, dân vệ bị bắt tại trận hay trong gia đình… Có trường hợp bắt cả gia đình đi theo. Viên chức trong bộ máy hành chánh thì gồm cả cấp tỉnh, cấp quận, cấp xã… Các trung đoàn phải lập nên đơn vị đặc biệt để giữ tù binh. Có trung đoàn giữ 200, có trung đoàn giữ 300 tù binh, do 1,2 trung đội phụ trách việc giam giữ lưu động.
Khi quân Mỹ được huy động để giải vây Huế, với các lực lượng bộ binh, thủy quân lục chiến phối hợp với các sư đoàn 1 sư đoàn dù thuộc quân đoàn 1 quân đội Sài gòn, tình hình chuyển biến rất nhanh, đặc biệt là từ ngày 14 tháng 2. Mới đầu Tư Lệnh Thừa Thiên-Huế được chỉ lệnh của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tổng tham mưu ở Hà nội: giữa vững thế trận, sẽ có lực lượng tiếp viện. Về sau có lệnh: chuẩn bị rút lui lên vùng rừng núi phía Tây, cố bảo toàn lực lượng, mang theo đủ vũ khí chưa sử dụng đến. Khi lệnh rút lui ban bố vào đêm 25 tháng 2, một không khí có phần hoảng loạn diễn ra. Máy bay Mỹ bắn phá ném bom ác liệt các đường rút lui. Máy bay Mỹ từ hạm đội 7, từ sân bay Đà Nẵng, Phú Bài cất cánh liên tục. Bom đạn rền vang dữ dội. Đối với hàng ngàn tù binh và người bị bắt giữ, giải quyết ra sao đây? Cho trở về thì nguy hiểm, sẽ lộ hết tình hình, địa điểm, vi trí. Dưới thỉnh thị lên trên, trên không trả lời rõ ràng, để cho dưới tùy cơ ứng biến. Còn biết bao việc khác khẩn cấp hơn.
Thêm nữa là hồi ấy trong không khí căng thẳng đột nhập thành phố, thấy dân không nổi dậy, lại còn bỏ chạy, rất ít người đón chào, phối hợp giúp đỡ bộ đội, nên bộ đội nhập thành phố liền có thành kiến với dân Huế.
Họ bảo nhau: đúng là dân “ngụy” rất nặng căn, dân kinh đô cũ của phong kiến, rất bảo hoàng, dân hoàng phái, dân các “mệ” theo Bảo Đại, theo Ngô Đình Diệm và nay là dân “chống cộng”. Danh từ (ác ôn” hồi ấy dùng cũng tràn lan, tuỳ tiện! Sỹ quan, hạ sĩ quan, cho đến nhân viên cảnh sát thì đều là “ác ôn” hết Vì đó là bộ máy đàn áp! Đảng viên Đảng Dân Chủ thì cũng là “ác ôn” tuốt vì đó là đảng của giới cầm quyền; cán bộ bình định nông thôn cũng là “ác ôn” vì công việc bình định được biết là rất tàn bạo, có biết đâu nhiều người đi vào đó là để tránh đi lính; công chức hành chánh tỉnh, quận, xã cũng bị coi là ác ôn vì là trong hệ thống chuyên chính của địch; cho đến sĩ quan, hạ sĩ quan, lính thuộc sư đoàn biệt động nhiều khi cứng bị coi là “ác ôn” vì đó là những đơn vị thiện chiến nhất… Những người làm ăn khá giả, nhà cửa bề thế, có tủ chè, sập gụ, hoành phi, câu đối thì bị cho là gia đình phong kiến, quan lại, hoàng phái, ủng hộ chính quyền và từng tham gia chính quyền chỗ dựa tin cẩn của chính quyền Sài gòn nên một số cũng bị bắt đi… Khi kiểm tra lại thì không một ai, không cấp nào có ra lệnh thủ tiêu tù binh cả. Trong bản qui định về kỷ luật chiến trường còn có ghi: Không được đánh đập tù binh; chỉ các cán bộ chỉ huy và chuyên môn (là quân báo và địch vận) mới được hỏi cung tù binh… Thế nhưng khi ở mặt trận lại có lệnh từ các sư đoàn xuống: “Phải giải hết tù binh loại “ác ôn”, loại nguy hiểm lên căn cứ”; phải “kiểm tra canh gác kỹ số này để không trốn được vì nếu để trốn, chúng sẽ làm lộ hết bí mật quân sự, sẽ hết sức nguy hiểm và tai hại.” Cho nên những vụ tàn sát có tính chất tập thể có thể đã xảy ra ở các tiểu đoàn đang hành quân rút lui. Giữa cảnh hỗn loạn khi có lệnh rút. Quân đối phương có những mũi vu hồi chặn hậu. Phía sau, phía trước, ngay trong khu vực hành quân đều bị bom và hỏa lực pháo… Quân hai bên và tù binh chết và bị thương lẫn lộn. Một số đơn vị nảy ra hành động thủ tiêu tù binh để bảo đảm không lộ bí mật, không bị nguy hiểm, “nhẹ gánh”, “khỏi vướng chân”, “sẽ chết cả nút”… Cuối cùng cũng còn một số ít tù binh giải về căn cứ, được dùng để đào hầm hố, khuân vác… một số về sau được thả về.
Các vụ tàn sát này về sau đã được giải quyết ra sao? Có ai bị kỷ luật không? Theo tôi được biết, do dư luận miền Nam, dư luận quốc tế xôn xao, xúc động mạnh nên Tổng cục chính trị, cơ quan thanh tra quân đội có chú ý vụ này. Việc có 5 bác sĩ Cộng hòa Liên bang Đức bị giết cũng làm cho vụ này vang động hơn. Tướng Trần Văn Quang có bị phê bình. Chính uỷ Lê Chưởng của Mặt trận Trị Thiên về sau chuyển ngành, ra Thứ trưởng Bộ giáo dục(!) ông chết trong một tai nạn ô tô ở Nghệ An. Đại tá Lê Minh chỉ huy cánh quân ở tả ngạn sông Hương cũng bị phê bình; ông chết bệnh sau đó. Cách giải quyết những sự việc lớn của chế độ hiện hành luôn che dấu, ém nhẹm, “xử lý nội bộ”, úp úp mở mở, không công khai, rõ ràng. Việc giáo dục căm thù cần thiết trong chiến tranh đã bị đẩy tới mức cực đoan, qui định tràn lan là “ác ôn”, kẻ thù tối nguy hiểm, không được để bỏ trốn… đã tạo nên những vụ tàn sát khốc liệt. Lẽ ra trong vụ này, công lý đã phải lên tiếng một cách công khai, rõ ràng vì liên quan đến mạng sống của hàng ngàn con người. Bất kể ai phạm tội đều phải bị xử trí đích đáng, để những sự kiện tương tự không thể tái diễn. Lẽ ra tất cả hệ thống chỉ huy Trị Thiên đều phải bị điều tra và xử lý về vụ này để qui rõ trách nhiệm từng người, để kết luận một cách công minh, để giảm bớt phần nào nỗi đau của những người trong cuộc và gia đình người thân của họ. Điều tệ hại là những người lãnh đạo đảng cộng sản có khuynh hướng coi những sai lầm “tả” khuynh là nhẹ. Như bắt người trong cải cách ruộng đất, thái độ hung hãn với các tôn giáo, qui định quá mức trong cải tạo tư sản… đều xử trí qua loa. Họ lập luận rất kỳ quặc là: hữu khuynh mới thật tai hại! Hữu khuynh là thiếu tinh thần cách mạng; còn tả khuynh là thừa tinh thần cách mạng. Cho nên ông Đồng Sỹ Nguyên hồi 1947, 1948 ở Quảng Bình phạm tội đốt phá, bắn giết một số làng công giáo, bị kết án cho yên lòng dân, sau đổi tên (tên thật hồi ấy là Nguyễn Sỹ Đồng) ra Hà nội làm Cục trưởng dân quân, rồi cứ lên mãi đến ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng… Ông Trường Chinh sau sai lầm cải cách ruộng đất, mất chức Tổng bí thư, chỉ ít lâu sau làm Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc Hội và vẫn là ủy viên bộ chính trị, rồi còn trở lại làm Tổng bí thư; ông Đỗ Mười là nhân vật chủ yếu đánh toàn bộ giai cấp tư sản, thủ tiêu cả nền công thương nghiệp tư doanh làm điêu đứng cả xã hội, nhất là nhân dân lao động thì lại lên làm Tổng bí thư? Các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Hà Phan, Đào Duy Tùng, Nguyễn đức Bình, Lê Phước Thọ… vừa được đưa lên đều là những nhân vật “tả khuynh cỡ nặng, những người đã lên án rất gắt gao ông Trần Xuân Bách ở Hội nghị Trung ương 7 và 8 hồi 1989 và 1990. Khuyến khích trên thực tế xu hướng “tả” khuynh, cực đoan, mù quáng là một nguyên nhân phạm sai lầm dai dẳng của đảng cộng sản.