Tôi đã có dịp nói về chuyện ông Lê Duẩn kể lại những sự kiện lịch sử cận đại vào mùa hè 1983 tại nhà nghỉ của Bộ Chính Trị ở Quảng bá cạnh Hồ Tây Hà nội cho một số người nghe. Trong khi cao hứng ông tự nhận là sáng hơn, giỏi hơn chủ tịch Hồ Chí Minh. Về quân sự, trong cơn cao hứng, ông nhận định rằng học thuyết quân sự của đảng cộng sản Việt nam có tinh thần bao trùm là tiến công mà tuyệt nhiên không có phòng ngự (!). Phát triển ý ấy cao hơn nữa, ông phát biểu rằng học thuyết quân sự của giai cấp vô sản cũng chỉ có phương thức tiến công mà không có phương thức phòng ngự, bởi vì ngay cả khi dùng phương thức phòng ngự cũng phải mang bản chất tiến công.
Cùng ngồi nghe với nhà báo Thép Mới và tôi có đại tá Quang Cận, Tổng biên tập của tạp chí Quân Đội Nhân Dân, từ năm 1986 đổi tên tạp chí Quốc Phòng Toàn Dân. Chúng tôi cùng học với nhau ở Trường lý luận chính trị trung cao cấp của quân đội. Anh em thường gọi Nguyễn Quang Cận là “Cận mù vì bị cận thị nặng luôn mang kính. Tôi thấy Cận ghi chăm chú và liên tiếp mọi điều ông Duẩn kể, với thái độ kiên nhẫn và kính cẩn! Sau đó ông Duẩn lại nói chuyện với cán bộ ở thành phố Hồ Chí Minh, nhắc lại rằng học thuyết quân sự của đảng cộng sản luôn mang tinh thần tiến công nên không có phương thứ phòng ngự gây nên tranh cãi khá sôi nổi ở các cơ quan quân sự, nhất là ở Học viện quân sự cấp cao, viện nghiên cứu lịch sử quân đội, Bộ tổng tham mưu, Trường lý luận chính trị của quân đội (có 1 phần học về quân sự trong chương trình để cán bộ cho rằng không thể bác bỏ hai hình thức cơ bản trong hành động quân sự là: tiến công và phòng ngự. Sáng tạo gì thì sáng tạo, không thể loại bỏ phòng ngự đi được Cho dù khi phòng ngự vẫn phải có tinh thần tiến công thì phòng ngự vẫn là phòng ngự với những đặc điểm của nó, không thể thủ tiêu hình thức phòng ngự đi được! Liền đó, trên tạp chí Quân Đội Nhân Dân, một loạt bài phân tích lý luận ra đời, cho rằng giai cấp vô sản không có phương thức phòng ngự và “đảng ta” trong lý luận quân sự của mình, cũng chủ trương là chỉ có một hình thức tiến công là bao trùm, là duy nhất, cho dù khi buộc phải gọi là “phòng ngự” thì chỉ là phòng ngự về hình thức mà vẫn mang tinh thần tiến công, là phương thức tiến công! Tôi không còn nhớ kỹ lập luận kỳ quặc ấy, nhưng chỉ còn biết là một sự lẩm cẩm trong suy luận, nhân danh sự “sáng tạo của “đảng ta” và của người đứng đầu của đảng cộng sản Việt nam lúc ấy. Các bài luận văn ấy được ký tên: Quang Cận. ít lâu sau, tác giả được lên cấp thiếu tướng. Phải chăng đây là một sự ban thưởng cho một kẻ a tòng biết “hứng” khi lãnh tụ “tung” ra, như chuyện tiếu lâm dân gian, quan lớn “làm gì” cũng khen là “thưa thơm lắm ạ” vậy!