Đây là ngôi nhà 6 tầng lớn nhất thủ đô. Lớn nhất về trang bị kỹ thuật, lớn nhất về uy lực của nó. Trụ ở chính của Bộ là Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương cũ nay vẫn là trường Mỹ Thuật trông tiêu điều, đổ nát. Nó được xây dựng từ năm 1973 đến 1982 thì khánh thành. Do Bộ nội vụ Liên xô giúp xây dựng cho Bộ nội vụ Việt nam. Tổng cục an ninh và Tổng cục phản gián đóng đô ở ngôi nhà mới này, cùng với văn phòng của Bộ Trưởng và các thứ trưởng. Ngôi nhà cũ của Bộ nội vụ ở phố Trần Bình Trọng cách đó không xa, nay là nơi làm việc của Tổng cục Hậu Cần, Tổng cục xây dựng lực lượng của Bộ nội vụ. Cạnh đó, trên đường Trần Hưng Đạo là trụ sở của Sở Công An Hà Nội.
Lực lượng quân đội đã quá lớn, lực lượng công an cũng không kém. Công an và cảnh sát. Có công an mặc sắc phục, có công an mặc thường phục, công an nổi và công an chìm. Có công an chính trị, công an kinh tế, công an văn hóa, công an đối với người ngoại quốc. Có công an hộ khẩu, công an đường phố, có công an lưu động. Cảnh sát cũng đủ loại cảnh sát khóm, rồi công an đường sắt, công an hải cảng, công an sân bay…
Năm 1978 khi xảy ra vấn đề người Hoa, lực lượng công an và cảnh sát ở cơ sở được tăng vọt lên. Trụ sở công an phường trở nên bề thế. Điều không bình thường là các cơ sở giáo dục, y tế, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, nơi giải trí của thanh niên, thiếu nhi… thì chật hẹp, nhơ bẩn, tiêu điều, xuống cấp đến tệ hại thì các cơ quan công an cảnh sát lại tăng thêm diện tích, nhà cửa bề thế, sang trọng hẳn lên! Nhà khách của Bộ Nới Vụ ở phố Nguyễn Thượng Hiền, khách sạn của Bộ nội vụ ở Nguyễn Du nổi bật hẳn lên so với các ngôi nhà ở xung quanh.
Tôi ước mong sau này sẽ đến lúc nhân dân ta biết được vô vàn hồ sơ mật được giữ kỹ trong trụ sở của ngành an ninh, để dư luận trung thực trong và ngoài nước hiểu thêm về những vụ án vô lý, bất công cho đến nay vẫn chưa được nhìn nhận lại và giải oan cho đương sự.
Cần lưu ý đến một ngành an ninh rất ít người biết đến. Đó là ngành bảo vệ trong quân đội. ở cơ quan Tổng Cục Chính Trị của Quân đội nhân dân có một ngành an ninh được đặt tên là ngành bảo vệ gồm có Cục bảo vệ do một viên tướng làm cục trưởng, thường là 3 đến 4 cục phó; ở mỗi quân khu và quân đoàn có một Ban Bảo Vệ trong Cục Chính Trị; ở mỗi sư đoàn có một Phòng Bảo vệ trong Ban Chính Trị, ở các trung đoàn có trợ lý bảo vệ trong cơ quan chính trị. ở các cơ quan lớn như Bộ Quốc Phòng, Bộ Tổng Tham Mưu, Học Viện, Trường Quân Sự cũng đều có Ban Bảo Vệ. Cán bộ bảo vệ luôn cùng với cán bộ tổ chức là loại cán bộ được vị nể nhất, có quyền hành lớn nhất, nghĩa là quyền sinh quyền sát đối với sinh mạng chính trị của cán bộ, bất kể thuộc cấp bậc và chức vụ nào.
Nhiệm vụ của ngành Bảo vệ là bảo đảm sự trung thành tuyệt đối của sĩ quan, đơn vị đối với đảng, theo dõi, điều tra, phát hiện những người không thông suốt với đường lối chính sách của đảng để có biện pháp xử trí. Dạo những năm 1965 đến 1967, khi có chủ trương đi tìm những phần tử xét lại thân Liên xô, tôi ở báo Quân Đội Nhân Dân, thỉnh thoảng lại có cán bộ bảo vệ của Tổng cục chính trị ra làm việc và có lúc họ cho xe ô tô con bịt kín đến, đọc lệnh bắt người rồi đưa đi luôn. Đó là trường hợp bắt đưa đi Tổng biên tập trung tá Hoàng Thế Dũng, thay cho thượng tá Văn Doãn ở lại Liên xô sau khi học trường chính trị ở Moscou; và sau đó là các trung tá Trần Thư, trung tá Mai Luân, thiếu tá Đinh Chân, thiếu tá Mai Hiến, trung tá Đặng Cần, Trung tá Nguyễn Cận… Họ bị đưa đi biệt tích luôn. Không ai nhắc đến và hỏi đến họ, hiểu ngầm với nhau rằng đây là những người dính đến “quan điểm xét lại”, đồng tình với đường lối của đảng Liên xô… Vài năm sau họ trở về, nhưng bị điều đến đơn vị khác, hoặc cho chuyển ngành, giải ngũ, và cũng không còn ai dám nhắc đến họ nữa. Hỏi hay nhắc đến họ có thể mang vạ vào thân, sẽ bị lập tức nghi ngờ là “có liên quan”, “cùng quan điểm”…
Những người nói trên khi bị hỏi cung, chất vấn bởi cán bộ bảo vệ, thường buộc phải khai: Đã đến nhà tướng Giáp hao giờ? Để làm gì? Viết bài gì? Trao đổi ý kiến những gì, có những ai dự, v..v.. Điều này để nói lên cán bộ bảo vệ có quyền rất lớn, giám sát cả đại tướng Bộ trưởng Bộ quốc phòng, người mà trên danh nghĩa là Thủ trưởng của họ! Quyền lực của ngành bảo vệ quân đội còn ở chỗ ngành ấy có quan hệ với Bộ nội vụ và đặt dưới quán chỉ đạo về nghiệp vụ an ninh của Bộ trưởng nội vụ, hồi ấy là ông Trần Quốc Hoàn, về sau là ông Phạm Hùng, sau nữa là ông Mai Chí Thọ và nay là ông Bùi Thiện Ngộ. Ai cũng biết ông Mai Chí Thọ không qua hệ thống đào tạo sĩ quan an ninh gì cả, từ bên ngoài nhập vào ngành là được phong luôn quân hàm đại tướng công an với những quyền hành rất rộng lớn. Nhưng người giám sát quân đội rất chặt chẽ, mà bản thân không thuộc hệ thống quân đội là ông Lê Đức Thọ, ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng ban tổ chức trung ương. Với chức vụ này ông nắm toàn bộ tổ chức của hệ thống chuyên chính vô sản của chế độ bao gồm: đảng, chính quyền nhà nước, quân đội, công an, an ninh, mặt trận… Ông còn trực tiếp phụ trách công tác tình báo chiến lược, công tác phản gián. Như đã nói ở trên, ông không phải quân nhân, không phải sĩ quan, nhưng ông lại ứng cử và bầu cử trong đảng bộ quân đội nghiễm nhiên là một ủy viên của quân ủy trung ương, trong khi Tổng bí thư Lê Duẩn kiêm luôn chức Bí thư quân ủy trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về mặt Đảng, chỉ là một phó bí thư quân uỷ trung ương. Cho nên nhóm lãnh đạo gồm các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu cùng với các ông Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng… trên thực tế đã chi phối toàn bộ tình hình chính trị, quân đội và ngoại giao trong thời kỳ chiến tranh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ có tấm lòng ngay thật, đôi khi thật thà đến ngây thơ, lại cả nể, nhu nhược, chỉ còn biết than thân trách phận vì không có thực quyền. ở gần 40 năm trên cương vị Thủ tướng, ông chẳng có chính kiến gì rõ rệt, luôn tỏ ra nhu nhược và bất lực. Người ta chê ông, thương hại ông và không ai tỏ ra nể sợ ông cả. Một số trí thức cho rằng ông Phạm Văn Đồng làm một nhiệm vụ về văn hóa thì thích hợp và có thể thành đạt hơn, như ông Tố Hữu nếu chỉ làm một nhà thơ, một nhà văn hóa thì có ích hơn, có lợi cho ông ta hơn. Ông ta muốn trở nên một nhà kinh tế, một nhà chính trị cho nên bị vỡ mộng một cách cay đắng. Thì ra cái khó của một con người vẫn là tự hiểu khả nàng của mình để có một hoài vọng đúng mức.
Ông Lê Đức Thọ là loại người có tham vọng lớn, có tự tin lớn. Ông “bao sân” rất ghê: tổ chức cán bộ, quân sự, an ninh, ngoại giao… Ông gắn bó với ông Lê Duẩn và do đó tha hồ vùng vẫy. Chính cái ngành tổ chức cán bộ, ngành ông chịu trách nhiệm chính, thì lại là ngành bảo thủ nhất, cổ hủ nhất, có định kiến với cán bộ trí thức nhất, và tác hại xấu nhất cho toàn bộ sự nghiệp đất nước. Có lúc trong đảng rất nhiều người nghĩ rằng ông sẽ là người thay ông Lê Duẩn ở cương vi Tổng bí thư; về sau có người nghĩ rằng ông Đức Thọ đã chuẩn bị cho ông Tố Hữu lên thay ông Lê Duẩn… Thế nhưng sự đổi mới của Liên xô dưới thời Gorbachev đã làm thay đổi tất cả. Ông Nguyễn Văn Linh được “ngờ” là con người của đổi mới! Lại một sự ngộ nhận! Và đến nay ông Đỗ Mười vô cùng thủ cựu lại được ngỡ” là con người của đổi mới, cùng với ông Đức Anh bảo thủ cũng không kém? Thật là nỗi bất hạnh lớn của đảng cộng sản, dẫn đến nỗi bất hạnh lớn của đất nước.
Nhìn lại tất cả bộ mặt lãnh đạo mới, tôi nhớ đến tình hình của đảng cộng sản cuối năm 1989 và đầu năm 1990. Hồi đó tình hình nổi cộm nhất là đánh giá tình hình Liên xô và Đông Âu. Vì sao sụp đổ? Vì nguyên nhân bên trong hay vì nguyên nhân bên ngoài? Và ta phải rút ra từ đó bài học gì? ông Trần Xuân Bách khi đó lập được ra một văn phòng gồm những cán bộ chuyên thu nhận và phân tích thông tin từ các nước ngoài (Đông âu, Liên xô và phương tây) nên có điều kiện hiểu tình hình một cách khách quan và toàn diện, nhận ra rằng nguyên nhân bên trong (quan liêu, thiếu dân chủ, kinh tế tập trung cứng nhắc theo kế hoạch nên kém phát triển, hàng tiêu dùng thiếu, đảng xa rời nhân dân) là chính và bài học rút ra là phải đi bằng hai chân: chân kinh tế là tự do thị trường và chân chính trị là dân chủ và đa nguyên. Ông viết báo, nói chuyện, truyền bá quan điểm của mình. Lập tức các vị giáo điều bảo thủ nhất trong đảng nhao nhao lên phản đối. ở hội nghị trung ương lần thứ tám, những tiếng nói giận giữ nhất trút lên đầu ông Trần Xuân Bách là của các ông: Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Hà Phan, Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Vũ Oanh, Lê Phước Thọ…Họ cho ý kiến của ông Bách là nguy hiểm, theo quan điểm của kẻ thù của xã hội chủ nghĩa, mang tính chất cơ hội hữu khuynh và xét lại… Bộ chính trị chỉ dự định đề nghị trung ương thi hành kỷ luật đưa ông Bách ra khỏi Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư, nhưng các vị trên đây nhất định đòi là phải ra khỏi trung ương; lại còn có vị đưa ra ý kiến là với chính kiến và thái độ vô kỷ luật trong phát ngôn như thế, ông Bách không còn có tư cách là một đảng viên thường nữa. Ông Đào Duy Tùng vốn là Tổng biên tập Tạp Chí Cộng Sản, chính do thái độ cứng rắn ấy mà nay ông nhận trách nhiệm ủy viên Bộ Chính Trị, thường thực Ban Bí Thư, thay ông Nguyễn Thanh Bình. Đây là một vị trí vô cùng quan trọng, quyền hạn lớn, thay mặt Bộ Chính Trị giải quyết mọi công việc hàng ngày, một chức vụ vẫn được coi như phó Tổng bí thư trung ương đảng. Chính ông đã phổ biến các nghị quyết 7, 8 và 9 hồi 1989 và 1990 trong các hội nghị cán bộ đảng ở Hội trường Ba Đình.
Ông Nguyễn Đức Bình là phó hiệu trưởng trường Nguyễn ái Quốc được đưa lên hiệu trưởng trường này từ năm 1985. Năm 1987, ông cầm đầu một đoàn cán bộ lý luận sang Liên xô để trao đổi ý kiến về dự thảo cương lĩnh mới của đảng chuẩn bị cho Đại Hội 7 của đảng. Trong khi trao đổi ý kiến với phía Liên xô, các quan điểm chủ quan, giáo điều của bản dự thảo đã bị cán bộ Liên xô phê phán và yêu cầu loại bỏ, nhất là quan điểm về đặc điểm chủ yếu của thời đại ngày nay là sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới, về sự giẫy chết hiện tại của chủ nghĩa tư bản, về sự bần cùng hóa của lao động trong xã hội tư bản, về tính ưu việt và tốc độ phát triển cao của chủ nghĩa xã hội…
Các bài phát biểu gay gắt phê phán ông Trần Xuân Bách của các ông: Nông Đức Mạnh, Đoàn Khuê, Lê Đức Anh, Nguyễn Hà Phan, Vũ Oanh, Lê Phước Thọ… đã được chú ý từ đó để đi đến hình thành một hạt nhân lãnh đạo cứng rắn và cứng nhắc hiện nay, nhằm duy trì bằng mọi giá đường lối giáo điều và bảo thủ về cơ bản, tuy có đổi mới và tự do hóa đáng kể về kinh tế. Các vị này đã được “khen thưởng xứng đáng” trong một tập hợp mới. Ông Nguyễn Hà Phan khi ấy còn là ủy viên dự khuyết trung ương, đã được đưa ngay lên ủy viên trung ương chính thức để rồi sau Đại Hội 7 vào luôn Ban Bí Thư.
Chính những nhân vật bảo thủ cực đoan nhất nói trên đang chi phối tình hình chính trị ở Việt nam vì ông Lê Đức Anh đã trở thành chủ tịch nước và trực tiếp nắm cả các ngành quốc phòng, an ninh và đối ngoại, coi Bộ trưởng nội vụ Bùi Thiện Ngộ là người dưới quyền mình. Ngôi nhà lớn ở phố Yết Kiêu, trụ sở của Bộ Nội Vụ luôn có nhiệm vụ lớn nhất là bảo vệ sự lãnh đạo của đảng cộng sản; nhiệm vụ ấy được đặt cao hơn là bảo vệ an ninh quốc gia, cao hơn công cuộc bảo vệ sự phát triển của đất nước trong pháp luật.