Mảng tường đen và chiếc áo cốt bông sờn

Trước khi sang Pháp tháng 9 năm 1990, tôi vô tình gặp anh Tạ Đình Đề ở ngay cổng báo Nhân Dân. Tôi rủ anh đi uống nước. Chuyện anh kể kéo dài hàng mấy giờ. Chúng tôi quen nhau khi anh là chỉ huy biệt động đội thành phố Hà nội. Anh xuất quỉ nhập thần. Quân anh thường ở vùng Vân Đình quê tôi, coi đó là một căn cứ xuất phát. Tuấn Sơn, tay Trung đoàn trưởng rất trẻ, bạn chúng tôi, có lúc định lấy cô em họ tôi, về sau Tuấn Sơn bị chết trận trên đường số 6. Chúng tôi nhắc chuyện cũ, rồi đến chuyện anh. Anh chuyển ngành từ sau Điện Biên Phủ, làm Trưởng ban Thể dục Thể thao ngành đường sắt. Anh bị bắt, bị giam, ở tù trong Hỏa Lò. Phiên tòa xử anh cách đây đến 8 năm không lên án nổi anh1, khi ấy Hoàng Văn Hoan còn là phó chủ tịch quốc hội phụ trách công việc của toà án, ngồi ở tầng trên theo dõi vụ án này. Chánh án xử vụ Tạ Đình Đề vốn không ưa các tay công an ép cung nên mới vờ hỏi những câu ngớ ngẩn để qua đó tìm cách gỡ cho Đề. Đến hồi kết, chánh án xin ý kiến Hoan, nhờ Hoan nói câu nổi tiếng: Có tội thì xử theo tội, không có tội thì mạnh dạn tha bổng mà Đề thoát nạn… Đó là phiên tòa đông kín người xung quanh tòa án Hà nội. Chánh án hỏi: “Ai kết nạp anh vào đảng?” Trả lời: “Chủ tịch Hồ Chí Minh.” Anh vốn là lính bảo vệ ông Hồ hồi ở Hoa Nam. Tòa án chất vấn: “Sao anh tuyển vào xí nghiệp cầu lông và vợt ping-pong xuất khẩu toàn những kẻ bị tiền án tiền sự.” Trả lời: “Họ ở tù ra muốn trở thành công dân lương thiện; tôi dùng họ vì thương họ, tin họ, luyện họ thành người tốt, đó là tội ư? Các ông muốn họ cứ lêu lổng để phạm tội ư?” Vỗ tay vang dội mỗi vân anh trả lời. Lắc đầu, xuỵt, ê của quần chúng sau mỗi câu hỏi vớ vẩn của chánh án. “Anh nhận tội tham nhũng, có đúng không?” Trả lời: “Tôi nhận qua loa vì bị sức ép của người lấy khẩu cung; họ không cho tôi ăn, không cho tôi uống, không cho tôi ngủ, tôi đành nhận bừa để sống, để ra đây phản cung, tự bênh vực tôi. Tôi không bỏ túi riêng một đồng nào.”. Tòa án đã định kết án anh năm năm tù, lại phải đình. ít lâu sau anh được ra tù. Người ta động viên anh: thôi, được ra tự do là may rồi, thông cảm với đảng! Anh không chịu. Anh mất danh dự, ai bồi thường cho anh? Anh bị tù oan hàng năm trời, có ai xin lỗi, đền bù cho anh? Cái tai tiếng khủng khiếp: bị tù, bị nằm Hỏa lò, tội tham nhũng, đã có báo nào cải chính? Một người có thành tích trong kháng chiến như vậy, vào đảng trước cả chánh án, bị tước quyền công dân, tước đảng tịch, bị chụp mũ, bôi đen, khi ra tù rồi vẫn còn bị hăm dọa: Coi chừng! Lôi thôi thì lại vào nhà đá! Phải biết điều!

Anh cho tôi biết anh không chịu khuất phục cường quyền. Anh đã kiện lại ông nhà nước. Họ sai thì phải sửa, phải sửa theo luật pháp chứ! Sức khỏe anh mất đến 40 phần trăm. Danh dự, tài sản, chức vụ, mất sạch. Anh gửi hàng chục lá đơn, đến mọi cửa. Từ tòa án, Viện Kiểm sát Tối cao, đến Tổng bí thư, Thanh tra chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng… Tất cả đều im re! Chỉ hai nơi gửi lại một cái vé con: đã nhận đơn, chờ xét. Chờ mòi cổ, dài cả cổ vẫn im lặng!

Thân phận một con người! Anh hiểu: cái cơ chế này nó là một bộ máy không hồn, không thần kinh, không tim gan và trí tuệ. Nó lặng lẽ, không thương tiếc, nghiền nát hêí mọi trở ngại trên đường đi của nó. Anh kể những thủ đoạn lấy khẩu cung của cơ quan an ninh. Tùy tiện, thâm độc, hèn hạ. Làm cho ý chí con người bị lung lay, không còn tỉnh táo, để họ mớm cung và buộc nhận tội. Khi không kết tội nổi anh, buộc phải thả anh về, họ vẫn còn giở trò:

– Này! Viết đơn xin ra tù để trên xét.

– Sao lại vậy, thưa các quan. Tôi có viết đơn xin vào ngồi đây đâu mà lại phải xin ra? Tôi không viết, tùy các quan!

Vẫn cái kiểu nói năng rất “lếu láo” kiểu Tạ Đình Đề. Xe com-mãng-ca chở anh từ Tuyên Quang về đến Hà nội qua đường Nguyễn Du, rẽ vào đường Trần Bình Trọng, trụ sở Bộ Công An, rồi dừng lại. Anh đang lo phải khập khiễng về nhà thì bỗng mấy tiếng la lớn:

– Bố Tạ Đình Đề phải không? Trời! Đúng! Bố Đề về đây rồi chúng mày ơi! Thủ trưởng chúng mình về đây rồi!

Mấy anh xe xích lô trẻ ôm lấy anh, hôn lên bộ râu quai nón lởm chởm cứng quèo của anh mà hét lên, mặc cho mấy tay công an ngơ ngác đứng nhìn. Mấy anh xích lô vốn là công nhân xí nghiệp làm vợt ping-pong và vợt câu lông của Tổng Cục Đường Sắt do anh phụ trách. Anh em mời anh đi làm một chầu bia, rồi mời anh lên xích lô, cười ròn rã:

– Bố ơi, từ nay đi đâu bố cứ gọi chúng con nhé!

Hôm gặp ấy, chúng tôi nhắc đến số anh em văn nghệ sĩ, hơn 60 người, bị xử trí oan trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Bốn anh vừa được “cho phép sinh hoạt trở lại ở Hội Nhà Văn”. Vẫn là kiểu trịch thượng, ban ơn. Tôi đã gặp Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt… Ở Đại hội nhà văn cuối năm 1989. Hoàng Cầm thường ghé tôi chơi, còn nhận họ hàng vì bà nội anh vốn lấy người họ Bùi làng Liên Bạt. Nếu bình thường thì các anh ấy không thể hài lòng vc cách xử xử của đảng và nhà nước. Trước chuyển biến mới ở Đông Âu, lo sợ sự căm giận của nhân dân, họ buộc phải có chính sách cởi mở một chút, đâu phải là thật lòng, đâu phải là thực hiện công bằng với những người bị án oan. Các anh bị mất không biết bao nhiêu điều vô giá, bị chụp mũ, lăng mạ, bị mất việc, mất lương, bị chửi bới thậm tệ, vợ con bị liên lụy, thế mà nay chỉ có “được trở lại sinh hoạt ở Hội Nhà Văn” và vụ án Nhân Văn Giai Phẩm vẫn được giải thích chính thức là: không điều gì phải xem lại cả! (Qua nhận định của Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tư tưởng và Văn hóa tháng 2 năm 1990).

Bàn chuyện này, Tạ Đình Đề nhận xét:.

– Ông ạ, ở ta, không có luật, kiện là kiện củ khoai à?

– Với lại ông không bị tù, ông không biết! Khủng khiếp lắm. Mình nghĩ lại còn rùng mình. Mình là cái thằng lang bạt kỳ hồ, nếm đủ mùi, liều lĩnh, bạt mạng mà còn khiếp thì hỏi thằng nào còn dám chống lại họ. Họ là công an, là mật vụ, theo gương Gestapo,theo gương KGB Nga, và lecole stalinienne (theo trường phái Stalin). Đó là thời kỳ Beria? sau Odjonokidze, nghĩa là tàn ác, tai quái, ma giáo hơn vài bực. Còn ghê hơn cả thằng Gestapo Đức. Ông thử hỏi mấy cậu ấy, bảo kể lại, viết lại thời kỳ bị bắt, bị tra hỏi, bị cật vấn, bị o ép, mớm cung, bị khống chế, bị chia rẽ, lôi kéo, mua chuộc… Có ai dám kể lại đâu! Nó nặng nề đến kinh khủng. Có lúc nó đè nặng ngay lên lương tâm mình!

– Khi ra tù, họ có cách khóa mồm các vị, và họ giữ chìa khóa. Tài nghệ họ siêu đến vậy đó.

Chuyện chẳng khác gì thời Stalin. Cùng trong Bộ chỉ huy khởi nghĩa cách mạng tháng mười, vậy mà sau khi Lênin chết, Stalin đày Trotsky đi Alma Ata (rồi Trosky buộc phải xuất ngoại nếu không sẽ bị Stalin lấy đầu, để rồi sau vẫn bị Stalin cho người sang tận Mexico để ám sát vào năm 1940). Còn bốn vị còn lại của Bộ chỉ huy khởi nghĩa ấy là Bukharine, Zinoviev, Kamenev và Ri-cốp đều bị xử bắn bởi Stalin vì tội phản nghịch. Điều siêu phàm của KGB là 4 vị này trước khi chết đều “tự” nhận tội là có ý định ám sát đồng chí Stalin vĩ đại và hô: “Stalin muôn năm!” Có nghĩa là đến khi không còn gì để mất nữa, cuộc đời sắp kết liêu rồi, vẫn xin lỗi, ca tụng… chính tên đồ tể của mình! Mà đó lại là những nhân vật cách mạng kiên cường nhất, những trí thức cỡ lớn, có trình độ trí thức cao hơn Stalin đến mấy cái đầu!

Đó là khoa học của KGB trong việc khống chế, làm bấy nát nghị lực, làm hủy diệt nhân tính, làm mất lòng tự tin và niềm tin ở lẽ phải con người, làm cho đối tượng có mặc cảm sâu nặng về tội lỗi, về sự phản trắc, về sự phản bội bạn bè mình. Và họ giữ những lời khai, lời phát biểu trên giấy tờ, trên phim ảnh, trong ghi âm làm bằng chứng. Con người kiên cường đến mấy cũng phải có một giây yếu mềm, trong những điều kiện đặc biệt. Con người trung thành với lý tưởng, với bạn bè mình cách mấy cũng phải có một phút lầm lạc do bị nài ép, dụ dỗ hay đe dọa nặng nề. Họ sẽ chộp lấy giây ấy, phút ấy để khống chế cả cuộc đời anh, nói đạo lý với anh, đưa cách mạng và nhân dân ra để dụ dỗ anh, để anh “trở về với chính nghĩa, dân tộc”, để anh tự phủ định lý tưởng thật sự cao đẹp của anh, để anh tự sỉ vả, nguyền rủa anh. Anh tự phản bội cái lý tưởng thật của anh, nhưng sĩ diện vẫn được ve vuốt là trở về với chính nghĩa. Anh sẽ được họ tán tụng, ở trên mây xanh. Khi tỉnh ra thì ôi thôi, chuyện đã rồi, tay đã nhúng chàm. Anh luôn luôn mặc cảm tội lỗi ở cả phía này và phía khác. Có khi anh không hiểu chính mình là ai, ra sao nữa. Anh đã bị phân tâm ra thành từng mảnh, từng mảng rồi.

Giống hệt như một số trí thức Nga bị gán cho là bị bệnh tâm thần để bị giam ở bệnh viện tâm thần gần Gorki, ngoại ô Moscou, sau khi bị thẩm vấn, ở tù, nhiều anh em khi trở về từ nơi bị giam giữ thường giật mình hốt hoảng; có khi nửa đêm thức dậy hoảng hốt nghĩ: mình vẫn còn bị giam chăng? Hay đã được tự do? Phải mấy phút hãi hùng mới lấy lại được tâm trí và biết rõ mình đang ở nơi nào, đang làm gì, thời gian này là thời gian nào, địa điểm này là địa điểm nào. Đó là trường hợp Trần Dần sau nhiều năm bị thẩm vấn, bị kết tội, bị mất tự do, trở về ngôi nhà nhỏ phố Khâm Thiêm. Anh cứ ngày đêm ngồi thừ một chỗ; chỉ mặc một chiếc áo cốt bông của bộ đội màu dưa đã bạc, chỉ đã sờn, chiếc quần nâu cũng bạc, đưa vào tường đến vàng bóng cả khoảng tường trắng, cả mảng tường trên đen kịt vì khói thuốc lào; đôi mắt thờ thẫn… Ngày này qua ngày khác, hết ngày dài lại đêm thâu, cái đầu trẻ trung, sáng tạo, xuất sắc ấy nghĩ gì? Uất hận? Cay đắng? Buồn tủi cho thân phận? Anh nghĩ đến quá khứ, đến hiện tại, đến tương lai? Anh dự tính điều gì? Những điều anh nói hồi ấy, trong bài thơ Nhất Định Thắng có gì là phản động, là phản bội, so với những bài thơ, bài báo nhan nhản hiện nay? Anh chỉ có cái “tội” đi trước, nói trước những điều đến nay người ta mới dám nói. Anh đúng hơn, anh dũng cảm hơn, anh bén nhậy hơn người khác chứ! Vậy mà là tội ư? Cái giá phải trả thật kinh hoàng! Có ai muốn công bằng cho anh. Để bây giờ anh ốm, già nua, nói trước quên sau như bây giờ! ở cổ anh bây giờ vẫn còn vết sẹo nhỏ, anh tự vân bằng một nhát dao, nhưng anh vẫn còn nợ với đời, chưa ra đi được Tôi còn nhớ hồi chống nhóm Nhân văn giai phẩm, mấy câu thơ bị lên án nhất là:

Tôi bước đi
Không thấy phố
Không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
Trên màu cờ đỏ…

Người ta bảo, cờ đỏ là màu cờ đất nước, là cờ đảng thì chỉ được tả trong nắng, trong gió thôi! Nắng chói và gió lộng.

Và ở dưới còn có câu:

Ôi! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người?
Người vẫn thường hoảng hốt trước tương lai?

Mấy câu này bị phê rất mạnh vì Người sao lại viết hoa.

Người viết hoa thì chỉ có thể là chủ tịch Hồ Chí Minh. Tội này là tội tày đình! Khi bị giam giữ, anh đã bị cật vấn dữ dội về bài thơ này, và đặc biệt là mấy câu thơ trên đây.

Sau đổi mới ít lâu, hồi 1986, bỗng một người bạn đến nhà Trần Dần. Lâu lắm rồi, nhà anh mới có khách. Anh bạn tốt vừa kiếm cho anh một việc làm ở hiệu sách, xếp các trang in lại để đóng. Công việc không nặng nhọc, có chút tiền, trong cơn túng quẫn cùng cực. Anh phấn chấn. Ra khỏi được cái ghế đã nhẵn thín, trút chiếc áo bằng cốt bông bộ đội sặc mùi thuốc lào, ra khỏi mảng tường đen kịt ám khói thuốc, anh cạo râu ria. Lên đường kiếm việc. Chẳng may hôm ấy vẫn còn đen? Đã có người khác nhận công việc ấy. Thân phận một con người… Đến năm 1989, anh mới vui một chút ít, khi đến hội trường Ba Đình, dự Đại hội Nhà Văn, được nghe một lời xin lỗi chân tình của một nhà viết kịch và đóng kịch già Bửu Tiến của xứ Huế.

Cũng giống như Lê Đạt. Lê Đạt bị kết án về bài thơ Ông bình vôi:

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại…

Anh ám chỉ ai đây? Ai là người nhiều tuổi trong lãnh đạo? Ai là người hay được chúc sống lâu trăm tuổi, sống muôn năm? Lại tội phạm thượng tày đình!

Sau một thời gian dài mất tự do, không được viết, hầu như bị bạn bè xa lánh hết, Lê Đạt trở về ngôi nhà nhỏ. cùng bà mẹ anh ở phố Lãn Ông làm nghề mua bán giấy cũ, mua hộp cạc tông cũ về cắt, xén, tạm sống trong túng bấn và cơ cực cả vật chất và tinh thần, phần thưởng cho một tấm lòng, một tài năng ít giống ai…


  1. Ông Bùi Tín nhầm, phiên toà xử Tạ Đình Đề vào tháng 10-1976.