Tầng lớp quan chức đặc quyền đặc lợi ở Việt Nam hình thành dần dần kể từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945. Trong 30 năm chiến tranh, tầng lớp này đã thành một lớp người riêng biệt, tách khỏi dần cuộc sống và mức sống của toàn xã hội. Trong thời chiến đời sống tinh thần của xã hội nói chung còn khá trong sạch vì tập trung vào chống chiến tranh xâm lược và chiến tranh phá hoại trên miền Bắc. Lý tưởng của xã hội còn duy trì được ở mức khá rộng, nên lớp người cầm quyền nhìn chung còn giản dị, chan hòa với xã hội.
Từ sau 30-4-1975 cuộc sống trong hòa bình với nhiều cám dỗ vật chất mới, con người thường nghĩ đến hưởng thụ sau mấy chục năm hy sinh, thắt lưng buộc bụng… nên tầng lớp cầm quyền phất lên khá nhanh; cuộc sống vật chất đua đòi trở nên một mối lo toan, ám ảnh thúc đẩy họ kiếm chác và làm giàu. Đạo đức bị xói mòn, lương tâm chẳng còn mấy ý nghĩa, lý tưởng mờ nhạt, lớp cầm quyền và gia đình họ càng lao vào những áp phe nhỏ, rồi lớn, làm giàu lên rõ rệt. Sau “đổi mới”, từ năm 1986, tầng lớp này đua nhau kiếm chác, tận dụng thị trường tự do, luật pháp còn nhiều sơ hở, dựa ào quyền lực và các mối quan hệ trên dưới, họ hàng, thân thuộc, cùng nhau móc ngoặc để kiếm chác trên lưng nghèo khổ của quần chúng lao động. Từ sau đại hội 7 giữa 1991, tầng lớp đặc quyền đậc lời càng thêm biến chất cách mạng, lao vào lược đoạt và chia chác của cải xã hội, làm giàu nhanh chóng một cách phi pháp; nó ngày càng mang tính chất mafia bất lương và tàn ác, một kiểu tư bản đỏ, rừng rú mà lịch sử Việt nam chưa từng có.
Cuộc đấu tranh hiện nay trong xã hội ngày càng trở nên cuộc đau tranh của đông đảo nhân dân lao động nghèo khổ, của những trí thức dân tộc có lương tâm và nhân cách, của lớp lớp thanh niên yêu nước, có ý thức dân chủ và công bằng xã hội, của một số đảng viên Cộng Sản có lương tri, lương thiện chống lại tầng lớp cầm quyền bất lực, bảo thủ và tham nhũng. Tầng lớp này nấp sau chiêu bài “đổi mới”, có đổi mới thật trên một mức độ nào đó về kinh tế, nhưng chống lại sự đổi mới về chính trị, nên không có khả năng lãnh đạo đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng lớn, triền miên về chính trị, kinh tế, tài chánh, ván hóa và xã hội; ngược lại tầng lớp ấy còn dìm đất nước sâu thêm vào cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội; nó còn lợi dụng tình thế này để làm giàu và kiếm chác trên nỗi nghèo nàn và đau khổ của số đông. Nó trở thành vật cản của công cuộc đổi mới thật sự, nó chịu trách nhiệm về sự xuống cấp thê thảm của đời sống xã hội, về tình trạng hỗn loạn và tha hóa con người đang diễn ra khắp đất nước.