Khi ban hành chế độ tiền lương và cải tiến nhiều dân chế độ tiền lương ấy, những người lãnh đạo đảng cộng sản thường nói rằng khoảng cách giữa mức cao nhất (là chủ tịch nước, tổng bí thư đảng) với mức thấp nhất (lương tối thiểu của công nhân bậc thấp nhất, lao động giản đơn) là 1/7. Tỷ lệ này được coi là hợp lý, theo nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội: hưởng theo lao động. Thật ra tỷ lệ này chỉ là tương đối. Nó chỉ đúng với nhân dân, với người lao động thấp, với cán bộ sơ cấp và trung cấp. Tinh thần đồng cam cộng khổ chỉ có thật với cán bộ từ trung cấp trở xuống.
Từ cán bộ cao cấp trở lên, những khoảng bổng lộc và cung cấp theo chế độ ngoài tiền lương thì nhiều không kể hết. Đó chính là đặc quyền đặc lợi được che giấu kỹ nhằm tránh gây nên sự phê phán, bực tức và phản đối của xã hội. Một ủy viên trung ương đảng, một ủy viên bộ chính trị có mức sống cao vượt hẳn lên mức của cán bộ cao cấp, và cán bộ cao cấp có mức sống cao vượt hẳn lên cán bộ trung cấp, cho nên trên thực tế, tỷ lệ chênh lệch 1/7 trở thành 1/50, 1/100 hoặc hơn rất nhiều nữa.
Về tiêu chuẩn mặc, mỗi người dân một năm được mua 4 mét vải; được mua 2 quần đùi, 2 áo may ô 3 lỗ (không có tay); nhưng thật ra các vị nói trên có đến 5,7 bộ áo quần loại cực sang được may đo theo tiêu chuẩn: dự đại hội đảng, đi họp ở nước ngoài; tiếp khách quốc tế nhằm giữ thể diện quốc gia; áo quần dạ, quân phục do quân đội biếu tặng; hàng may mặc do quà tặng của Liên xô và Trung Quốc; từ hàng viện trợ của các đảng anh em… Riêng khoản mặc, tầng lớp Nomenclatura đã có tủ quần áo, quần áo len, quần áo dạ, áo khoác, áo mưa, quần áo dạ hội… được cung cấp và biếu tặng có giá trị gấp trăm lần một cán bộ trung sơ cấp (chỉ có trần xì 4 mét vải thô).
Còn biết bao tiêu chuẩn khác, mang ra so sánh mới thấy tất cả sự bất công phi lý của một chế độ tự nhận là dân chủ, là mang tinh thần cách mạng, là bình đẳng xã hội. Báo hàng ngày, hàng tuần, tạp chí hàng tháng, cán bộ trung cấp phải bỏ tiền túi ra mua để đọc, hoặc đọc nhờ ở cơ quan, còn các vị trong tầng lớp đặc quyền đặc lợi thì được cung cấp không, cả gia đình đọc không hết. Theo giá hiện nay, số tiền ấy phải tới 300, 400 ngàn đồng một tháng. Đó là báo cung cấp, báo biếu, tính vào tiền của cơ quan. Sách chính trị, sách Mác Lênin, sách kinh điển, sách văn học, nghệ thuật, tầng lớp này cũng được biếu cả. “Để các đồng chí cho xin ý kiến?” Tính thành tiền không thể biết là bao.
Vẫn chưa hết. Các vị tai to mặt lớn và toàn gia còn được cung cấp vé xem biểu diễn nghệ thuật: cải lương, kịch, xiếc, ca hát, múa, xem triển lãm, xem chiếu bóng không mất tiền nữa. Một năm thành bao nhiêu tiền? Và ở trụ sở trung ương, ở khu tập thể cán bộ trung ương còn có các phòng chiếu phim và biểu diễn nghệ thuật cho các quan chức và gia đình không mất tiền.
Như vậy là trong ngân sách gia đình, người dân thường, người lao động bình thường cho đến cán bộ trung cấp, sơ cấp có bao nhiêu khoản chi thì lên đến cán bộ cao cấp, lên đến các quan chức tai to mặt lớn, các khoản chi ấy đều lấy từ qũy công ra cả. Họ là tầng lớp không biết tiêu tiền, không cần móc túi riêng mà có đủ đến thừa thãi mọi thứ! Họ làm sao hiểu được cảnh năm cọc ba đồng, cảnh chờ tiền lương cuối tháng, cảnh từ 3 giờ sáng đi xếp hàng mua gạo khi mưa to, gió lớn, cảnh phải mặc quần áo sờn vá của người dân, của anh chị em trí thức, giáo viên, của cả sĩ quan cấp trung tá ở các cơ quan bộ quốc phòng… ăn, mặc đã vậy. Còn đi lại thì sự khác biệt cũng cực lớn. Anh công nhân, cán bộ sơ cấp, lọc cọc cái xe đạp cà tàng. Người ta thường thấy giáo sư Trần Đức Thảo, một triết gia nổi tiếng trên đất Pháp hồi xưa, gần đây vẫn thường đạp xe con vịt (xe đạp Liên xô làm cho thiếu nhi) từ khu tập thể Kim Liên nơi giáo sư ở! Còn cán bộ cấp cao của đảng thì đã có xe ô tô riêng, lái xe riêng, hoặc là com măng ca Liên xô, hoặc là xe Pobéda, xe Lada Nga, hoặc cao hơn là xe Volga đen, và gần đây là xe Toyota, Mazda Nhật Bản, cho đến xe Mercédes của Tây Đức, xe Ford của Hoa kỳ. Một giáo sư kinh tế ở Hà nội đã tính nếu kể chi phí dị chuyển của một vị lãnh đạo của đảng và nhà nước thì mỗi tháng lên đến bạc triệu. Vì một chiếc xe con giá ước chừng 36 triệu (giá năm 1993 này); với 1 lái xe tiền lương cũng tính hàng triệu nữa. Rồi tiền xăng dầu, bảo quản… Vậy mà mỗi ủy viên bộ chính trị đâu phải chỉ một xe! Có cả một bãi xe của văn phòng Trung ương phục vụ các vị. Xe chở cả gia đình đi chơi, đi nghỉ cuối tuần và mùa hè!
Vẫn chưa hết! Xin được kể rõ: hồi trước và sau năm 1975, khi máy bay Liên xô còn có khá nhiều, có máy bay lên thẳng MI-6, MI-8…, có máy bay vận tải YAK-40, IL-18… có cả TU lớn nhỏ, cả thảy gần 20 cái, thì mỗi ủy viên bộ chính trị và ủy viên Ban bí thư đi đầu đều có quyền điều động máy bay cho bản thân mình! Đi vào Sàigòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… họp hành và nghỉ mát. Đi Đà Lạt nghỉ hè… Đi Đồ Sơn tắm và nghỉ cuối tuần. Trong khi ấy rất nhiều trí thức đi làm những việc nghiên cứu hệ trọng thì phải gò lưng đạp xe đạp, chờ đợi xe tàu hết ngày này sang ngày khác. Chính tướng Đào Đình Luyện hồi 1975 khi còn là tư lệnh không quân (nay là thượng tướng Tổng tham mưu trưởng) đã kể cho tôi nghe nỗi khổ phải đáp ứng yêu cầu của các vị. Vì hồi đầu Hàng Không Dân Dụng còn thuộc Bộ tư lệnh không quân. Tổng bí thư, chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch nước đi đâu đều phải có một vị trong Bộ chỉ huy không quân đích thân đi hầu hạ. Khi thì là phó tư lệnh, khi thì là chính ủy hay phó chính ủy, khi thi tham mưu trưởng, tham mưu phó của không quân… Đã vậy đối với các vị này, để bảo đảm an toàn tuyệt đối còn phải điều thêm một chiếc máy bay đi làm dự trữ phòng khi chiếc chính thức bị trục trặc. Nhất là vào mùa hè. Các vị đều muốn vào Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, việc phục vụ bằng chuyên cơ thật căng thẳng! Chi phí di chuyển này không sao tính xiết cả! Đã thế các vị lại còn ganh ty ngầm với nhau, rồi vợ con các vị cũng lại còn ganh nhau nữa, nên việc “hầu hạ” di chuyển này thật phiền toái và nhiều khi nan giải. Nếu cộng những khoản chi này thì khoảng cách của các “cụ lớn” so với người lao động đâu phải 1/7, nó phải là 1/100, 1/500, hay 1/1000 ấy chứ.