Chữ đoàn kết được nêu lên không biết đến bao nhiêu lần trong các văn kiện của đảng cộng sản. Đoàn kết dân tộc. Đoàn kết quốc gia. Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Có báo Đoàn kết, câu lạc bộ Đoàn kết, cửa hàng Đoàn kết, cho đến bánh kẹo cũng mang nhãn hiệu Đoàn kết. Đoàn kết nghĩa là bắt tay nhau, chung lòng chung sức, hợp quần, đồng tâm nhất trí để phấn đấu…
Thế nhưng đối với những người lãnh đạo cộng sản, chữ đoàn kết có ý nghĩa khác với ý nghĩa thông thường. Theo họ, đoàn kết luôn có nghĩa, và chỉ có một ý nghĩa là: Theo tôi! Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, trong Mặt trận Liên Việt hay trong mặt trận Tổ Quốc có nghĩa là theo sự lãnh đạo của đảng cộng sản, vâng lời đảng cộng sản, chịu mọi sự áp đặt của đảng cộng sản. Nói khác với đảng, cãi lại đảng là vi phạm tinh thần đoàn kết, là nhằm cách phá vỡ khối đoàn kết, là có tội, có khi tội rất nặng. Ngay ở trong đảng, vấn đề giữ đoàn kết của đảng như con ngươi của mắt mình, có nghĩa là luôn phải tuân theo ý kiến của lãnh đạo, không được có ý kiến khác, nếu có ý kiến khác thì liền bị kết tội là bè phái, là chia rẽ, là phá vỡ sự đoàn kết thống nhất, thậm chí là phản bội, là phản động… Có hồi Đảng Dân Chủ Việt nam và Đảng Xã Hội Việt nam cùng với Đảng cộng sản Việt nam đoàn kết trong Mặt Trận Tổ Quốc trên tinh thần bình đãng, tôn trọng lẫn nhau, nhưng thực tế hai đảng đó phải tuân theo sự chỉ huy và lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản. Hai chữ đoàn kết, bình đẳng chỉ là hai sợi dây buộc chát hai tổ chức ấy vào cỗ xe của đảng. Họ giải thích rằng đoàn kết thì phải có lãnh đạo; tinh thần dân chủ tập trung là thế! Cũng như đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa, đoàn kết với Liên xô.luôn bao hàm ý tuân theo sự lãnh đạo và chỉ huy của Liên xô, những ý kiến của Liên xô luôn phải coi là chỉ thị để chấp hành nghiêm chỉnh. Trong mối quan hệ giữa đảng cộng sản trên bán đảo Đông Dương, giữa ba nước Việt Miên Lào cũng vậy, đoàn kết bao gồm ý phải công nhận sự lãnh đạo của Việt nam, phải coi ông Hồ Chí Minh là người lãnh đạo của cả 3 đảng. Nước lớn và nước nhỏ, nước đàn anh và nước đàn em luôn rõ ràng, phân minh, không thể nhập nhằng được! “Đoàn kết” trở thành một sợi giây vô hình trói buộc mọi cá nhân với đảng, mọi tổ chức với đảng cộng sản, thủ tiêu các quyền dân chủ, thủ tiêu sự bình đẳng, làm cơ sở cho mọi sự chuyên quyền và độc đoán tệ hại. Đây cũng là một kiểu cách lạt mềm buộc chặt của ông Hồ Chí Minh.
Cần khôi phục lại ý nghĩa chân thật của hai chữ đoàn kết, cùng nhau đoàn kết trên cơ sở ngang nhau.
Nhân đây cũng xin có vài lời về cụm từ “hòa giải, hòa hợp dân tộc”; vấn đề này từng gây biết bao tranh cãi trên báo chí hải ngoại. Người thì nói rằng đây là vấn đề quan trọng bậc nhất, không thể bỏ qua. Người thì cho rằng không cần, đó chỉ là cái bẫy nguy hiểm, một sự lừa lọc. Đầu năm 1993, trong cuộc họp với một số Việt Kiều ở Sài gòn, ông Võ Văn Kiệt nói bảy lần đến đoàn kết và hòa hợp, không nói đến hòa giải. Hòa hợp là một yêu cầu nhằm giải quyết vấn đề ngăn cách, chia cách, xa lánh, bất hòa, không hiểu nhau, không gần nhau, không quan hệ hay ít quan hệ với nhau vì xung khắc, vì định kiến… Hòa giải là một yêu cầu nhằm giải quyết những vấn đề xung khắc, xung đột, có khi là hận thù với nhau, xuất hiện so những điều kiện trước đây, nay cùng nhau gặp gỡ trực tiếp để thanh toán cho êm đẹp đi đến hiểu nhau, gần nhau, đạt đến mối quan hệ thân quen khác hẳn trước.
Nếu hiểu rõ như vậy thì trong xã hội Việt nam rất cần đến sự hòa giải, hòa hợp, vì do những điều kiện lịch sử, đã có những sự đối địch giữa chế độ miền Bắc và miền Nam, đã có chiến tranh huynh đệ tương tàn, đã có người của phía bên này và phía bên kia, do đó người dân thường ít hiểu về chính trị cũng bị ảnh hưởng trong suy nghĩ. Trong nhân dân, đã có khá nhiều điều đã được hòa giải một cách tự phát, trong gia đình, giữa bạn bè, người thân quen ngay từ sau 30-4-1975. Sự hòa hợp đã được thực hiện khá rộng và khá sâu trong nhân dân vốn giàu tình cảm và lương tri (bon sens).
Tuy nhiên vẫn cần có chủ trương hòa giải và hòa hợp trên phạm vi quốc gia, để thực hiện một cách đầy đủ, rộng khắp, nhất quán trong nhận thức, trong văn kiện, tầl liệu, trên sách báo, trong nếp nghĩ, trong cả đánh giá những sự kiện và nhân vật lịch sử cũng như trong xử sự hiện nay. Biết bao nhiêu việc cần làm để mở trang sử mới, không bị quá khứ giam hãm và đè nặng để thanh thản nhìn tới tươnglai.
Hòa giải và hòa hợp cần thực hiện rộng khắp, trong quan hệ nhà nước với công dân, không còn định kiến dân “ta” và dân “ngụy”, “ngụy quân” và “ngụy quyền” cũ trong các cơ quan hành chánh, an ninh, các cơ quan của đảng cộng sản hiện nay, quan hệ giữa các cơ quan hành chánh, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học với công dân; quan hệ với bà con Việt Kiều… trong đó nhà nước và Đảng cộng sản lãnh đạo nhà nước phải giữ vai trò chủ động và chân thành. Đây không phải là kiểu trịch thượng, ban ơn, “ta cho các người được hòa giải và hòa hợp với ta” mà là hòa hợp và hòa giải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau về nhân cách và nhân phẩm. Nếu không, vẫn là kiểu “đoàn kết” có nghĩa là khuất phục, theo tôi! Và hòa giải, hòa hợp lại là cúi đầu xin tha tội, rồi mới chìa tay ra bắt.
Do đó hòa giải và hòa hợp phải xuất phát từ thiện chí, từ tình anh em trong một nhà, từ tình nghĩa ruột thịt, con em chung một tổ quốc, nhìn lại quá khứ với con mắt am hiểu, độ lượng, thông cảm nhau, từ đó tôn trọng, quí mến nhau trên tinh thần bình đẳng.
Ngay trong cộng đồng Việt ở nước ngoài, với những quá khứ và lịch sử khác nhau, trong các tổ chức khác nhau, quan điểm chính trị khác nhau, có khi đối địch nhau, cũng cần đặt vấn đề hòa giải và hòa hợp, tôn trọng nhau trên tinh thần dân chủ, đa nguyên, chung sức hợp tác xây dựng cộng đồng lớn mạnh, đóng góp có kết quả nhất để xây dựng tổ quốc. Trong cộng đồng người Việt, cũng có ý kiến cực đoan cho rằng đối với cộng sản, không có vấn đề hòa giải và hòa hợp gì hết, chỉ có vấn đề buộc họ phải rút lui, chỉ có vấn đề họ phải giao quyền (rút lui như thế nào và giao quyền ra sao thì có người không phát biểu rõ được) vì họ là những kẻ có tội, phá hại đất nước… Đây là lối nhìn trịch thượng, không thực tế. Còn cần tạo nên nhiều sức ép trong và ngoài nước mạnh mẽ mới có thể ép những người lãnh đạo Đảng cộng sản chấp nhận bầu cử dân chủ thật sự theo quan diềm đa nguyên. Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, những người có cách nghĩ cực đoan không nhiều, số này lại đang giảm đi rõ rệt. Tôi đã có dịp gặp hàng nghìn người ở nhiều nước, với những đặc điểm rất khác nhau về quá khứ, hoạt động đảng phái, nghề nghiệp cũ, động cơ rời đất nước, hoạt động hiện nay… Thật là phong phú. Họ là giáo sư, trí thức các ngành khoa học, tự nhiên và xã hội. Họ là nhà kinh doanh. Họ là cựu sĩ quan của miền Nam cũ, có người là thiếu tướng, trung tướng, đại tướng. Họ là dân biểu, thượng nghị sĩ ở quốc hội Sài gòn cũ. Họ là nhà báo, văn nghệ sĩ, bác sĩ, dược sĩ. Tôi không e ngại gặp gỡ, thảo luận, đối thoại với bất cứ ai.
Suốt hơn hai năm gặp gỡ nhiều người, tôi ghi chép tất cả và nhận thấy mỗi người một vực, không ai giống ai, thế nhưng tất cả đều có một nét chung: Họ là những người lương thiện, có thiện tâm, ít nhiều đều có lòng yêu nước, mong mỏi quê hương phồn thịnh. Cá biệt lắm mới có người cực đoan, mù quáng, thiên về cảm tính, bị quá khứ cầm tù, và những người này dù sao vẫn có thể cảm hóa được. Tôi đặc biệt quý trọng thế hệ trẻ, từ 20 đến 30, 35 tuổi, là sinh viên, cán bộ kỹ thuật các ngành, họ không bị quá khứ ràng buộc, có cách nhìn thoáng rộng, độc lập và tự chủ. Chính số cán bộ trẻ này có nhiều kinh nghiệm khoa học, kỹ thuật, quản lý, kinh doanh, chắc chắn sẽ có ích cho mất nước trong thời gian tới, khi họ có thể trở về một thời gian ngắn hoặc đài tùy theo yêu cầu để làm việc ở trong nước. Số cán bộ, trí thức trẻ này có tấm lòng hòa giải và hòa hợp rất tự nhiên, nhẹ nhàng mà không kém phần sâu đậm. Có anh chị em trẻ còn nói, việc hòa giải hòa hợp là chuyện của các vị, chúng tôi không muốn kế thừa cái truyền thống chia rẽ của các vị! Tuổi trẻ chúng tôi ở trong nước với ở ngoài nước đã là bạn bè anh em với nhau rồi. Tất cả thành kiến và thủ đoạn chia rẽ dân tộc, phân chia giả tạo từ cả hai phía thành: yêu nước và phản động, yêu nước và bán nước, yêu nước và “việt gian”; quốc gia và cộng sản, tay sai đế quốc Mỹ, tay sai Nga Tầu, bù nhìn của kẻ này và kẻ khác… đã đến lúc phải thanh toán triệt để. Sẽ gỡ đi được gánh nặng đè lên cuộc sống của dân tộc ta, mọi người thanh thản lao vào sự nghiệp lớn: phát triển đất nước, khắc phục lạc hậu và nghèo khổ, ráng đuổi kịp các nước láng giềng.