Mác và Engels có biết đâu ở tận chân trời xa xăm bên Châu Á, có một dân tộc được biết về hai ông, được học về hai ông nhiều đến vậy! Tên hai ông được nhắc đi nhắc lại hằng ngày trên báo, trên đài, trong các nhà trường. ảnh hai ông la liệt đầy nhà, đầy phố. Và nay tâm lý xã hội cả nước đầu những năm 90 này là cay đắng khi nghe đến ông. Nếu tỉnh dậy hai ông có thể bàng hoàng, giận dữ nữa, bảo rằng “chủ thuyết chúng tôi đâu có đơn giản, thô kệch, phi lý đến như vậy?”, rằng “tư duy chúng tôi đâu có ấu trĩ, cứng đờ như người ta gán ghép một cách tai hại”, rằng “chúng tôi chỉ muốn cung cấp cho người đương thời một phương pháp luận rất uyển chuyển thì các người lại coi đó là những nguyên lý cứng nhắc không có sức sống. Chúng tôi không nhận ra những gì mang tên chúng tôi, vẽ nên mặt mũi của chính chúng tôi. Không! Chúng tôi khác hẳn!”
Cái duyên nợ nặng nề nhất với Việt nam thì phải nói đến Stalin và Mao Trạch Đông. Hai lãnh tụ kiệt xuất hay hai kẻ gian hùng? Hai vị lãnh tụ kiểu mới từ dân, do dân, vì dân hay là hai kẻ độc tài? Hai vị cứu tinh hay hai kẻ tàn phá cuộc sống của nhân dân? Tất cả đã rõ. Hai nhân vật này đã mang đến Việt nam những cơn bão cấp 10, những cơn động đất đến 10 độ, làm điêu đứng từng gia đình, từng con người ở Việt nam? Tất nhiên là thông qua “thiện chí mù quáng” của đảng cộng sản Việt nam. Tất cả bi kịch là ở đó.
Vậy thì xin được kiến nghị với các vị lãnh đạo của đảng cộng sản, hơn 100 vị trong viện Mác Lênin, hơn 800 cán bộ lý luận của hệ thống trường đảng Nguyễn Ái Quốc… thông báo cho toàn xã hội biết chủ nghĩa Mác Lênin còn có những giá trị đích thực gì cho đất nước Việt nam ngày hôm nay để nó vẫn được ghi bằng nét đậm trên Hiến pháp 1992? Rằng họ đánh giá Stalin ra sao, hay vẫn là công 7 tội 3? Mong rằng ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam họ chỉ ra mọi người được biết chủ nghĩa xã hội hiện còn tồn tại ra sao? ở đâu? Như thế nào? Và cái chủ nghĩa xã hội mà họ ghi trên giấy trắng mực đen trong cương lĩnh và đang được quá độ xây dựng hình thù nó ra sao? Và vì sao các vị lại mời ông Lý Quang Diệu làm cố vấn, mời chuyên gia pháp luật của chính phủ Pháp giúp để thảo các bộ luật mới? Họ là những người nắm chắc chủ nghĩa Mác Lênin chăng? Họ là những nhân vật kiệt xuất soi sáng con đường Việt nam quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội chăng? Không dứt khoát đoạn tuyệt với sai lầm trong quá khứ thì không thể tìm ra con lường đúng đi đến tương lai.
Không phải là ai khác, chính ông Viện trưởng Viện Mác Lênin ở Hà nội là Đặng Xuân Kỳ, con ông Trường Chinh từng tuyên bố rằng, chủ nghĩa xã hội ở Việt nam sẽ ra sao, chúng tôi chưa hình dung được, chúng tôi còn phải nghiên cứu! Nhiều cán bộ ở Viện Mác nin cũng nói: mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt nam chưa có, hiện cứ vừa làm vừa tìm tòi thế là cứ nhắm mắt mà đi! Đi vào chốn tù mù đáng sợ! Và họ vô tình giam cả đất nước vào một khối tù mù! ở Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình đang lãnh đạo nước Trung Hoa quá độ đi về chủ nghĩa tư bản, một kiểu chủ nghĩa tư bản do đảng cộng sản lãnh đạo, theo kinh tế thị trường. Thà ràng cứ nói thẳng như vậy.
Ở Việt nam, đảng cộng sản Việt nam đang lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế thị trường, với 5 thành phần kinh tế, mà khu vực quốc doanh là chủ đạo, là then chốt. Một mô hình đầu Ngô mình Sở, sẽ không có chủ nghĩa xã hội, cũng sẽ chẳng có chủ nghĩa tư bản; một sự pha trộn giữa nước và lửa; một sự ghép lại của những điều trái ngược, phủ định nhau. Sẽ chỉ đẻ ra một quái thai: xã hội hỗn loạn, không pháp luật, một số kẻ đặc quyền thao túng, nạn tham nhũng buôn lậu thành dịch, giàu nghèo phân hóa theo hai cực, đất nước thành mồi béo cho các nhà tư bản nước ngoài ranh ma và lão luyện thao túng, tài sản quốc gia bị thất thoát vào mọi túi tham trong và ngoài nước. Tất cả trong không khí tù mù về lý luận và đường lối!
Trách nhiệm thuộc về ai? Về đảng. Đảng là ai? là cơ quan lãnh đạo hay cả gần hai triệu đảng viên cộng sản? Trách nhiệm tập thể. Nghĩa là không có ai chịu trách nhiệm cá nhân cả. Cá nhân nấp kín sau tập thể khi đổ vỡ. Tất cả đều phủi tay! Chỉ riêng vụ sai lầm cải cách ruộng đất là có kỷ luật cá nhân. Thế nhưng kỷ luật cũng như không! Ông Trường Chinh mất chức Tổng bí thư thì sau đó lại được làm chủ tịch Quốc hội, rồi trở lại quyền Tổng bí thư. Ông Hoàng Quốc Việt sau đó làm chủ tịch Tổng công đoàn, chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc; ông Lê Văn Lương sau khi b! kỷ luật, vào lại Ban bí thư và kiêm Bí thư Thành ủy của Hà nội. Ai lập công đầu tận diệt nền công thương nghiệp tư doanh ở miền Bắc hồi 1956, 1957, diệt trừ sức sản xuất mới của tầng lớp tư sản dân tộc, làm điêu đứng cả người lao động? Ai phải chịu trách nhiệm chính làm cho bộ đội ta sa lầy, chuốc lấy hậu quả kinh khủng: 50 ngàn chiến sĩ chết oan, 200 ngàn bị thương (phần lớn là cụt chân do mìn Trung Quốc), ngân sách quân sự táng quá đáng, bị cả thế giới tẩy chay, trừng phạt, chỉ vì giấc mơ hão liên minh ba nước Đông Dương!
Nếu trách nhiệm cá nhân rõ ràng thì rất khó mà ông Lê Đức Anh có thể thu được 100% phiếu ngon ơ! Có thể thấp hơn nhiều, và cũng có thể dưới 50% và dưới nữa, dưới nữa nếu có một nền dân chủ đích thật, có tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Tai họa của đất nước đến từ đâu? Ai là người chịu trách nhiệm? Câu hỏi này xoáy sau trong óc của tất cả những nạn nhân trong toàn xã hội. Cỗ máy nghiền mang nhãn hiệu ngoại lai và những người cầm lái cho chạy cỗ máy ấy trên đất nước ta là nguyên nhân và người chịu trách nhiệm về thảm họa dân tộc hiện nay.
Nếu nguyên nhân và trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay của đất nước được làm rõ thêm chút nào qua phần viết này của cuốn sách, người viết cảm thấy sung sướng vì đã góp phần đề cập đến một vấn đề hệ trọng trong lịch sử của đất nước, nhằm tìm ra một lối thoát cho quê hương.