Biết lo thì rồi ắt phải biết sợ. Lo và sợ đi với nhau thành lo sợ. Nỗi sợ đói nghèo không đến nỗi nặng nề. Vì đã có chánh sách bao cấp. Gạo, muối, đường, xà phòng, vải, dầu đun bếp… có nhà nước lo cho ở mức tối thiểu. Khám bệnh cho thuốc không mất liền, tuy là ở mức thấp. Tiền học không phải trả. Mọi người sống ngang nhau, gần như giống nhau, không mấy ai băn khoăn phải vươn hơn người về vật chất. Nỗi sợ về chính trị có phần nặng nề. Lý lịch là bản mệnh cán bộ và công dân. Nhận xét của cơ quan tổ chức cán bộ và cơ quan công an là có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh chính trị mỗi người. Đối với công dân được nhận xét là trung thành với chế độ, thông suốt chính sách của đảng và nhà nước là điểm son. Đối với cán bộ thì lập trường chính trị vững vàng, thông suốt đường lối chính sách, tin tưởng ở đảng và nhà nước, không có vướng mắc gì là đạt điểm ưu. Lại tùy tình hình chính trị. Như trong cải cách ruộng đất và sửa sai thì phải có nhận xét: lập trường giai cấp rõ ràng, dứt khoát đứng về phía nông dân, căm thù lên án địa chủ, không mơ hồ, thông suốt và tin tưởng ở chính sách sửa sai, không hoang mang giao động; có lập trường kiên định, giữ vững niềm tin ở đảng, nhà nước; khi có vận động cải tạo công thương nghiệp tư doanh thì phải đạt được nhận xét: lập trường rõ ràng dứt khoát lên án giai cấp bóc lột, đứng hẳn về phía công nhân lao động, thông suốt chính sách cải tạo… Học nghị quyết cũng vậy. Mấy chục năm, cán bộ, đảng viên, công dân phải học không biết bao nhiêu nghị quyết! Nghị quyết Đại Hội đảng thì phải học hàng năm; nghị quyết Bộ chính trị hay Trung ương Đảng cứ trung hình một năm từ 3 đến 5 dân, mỗi lần hàng tháng! Học thì phải liên hệ, phải thu hoạch, viết ra giấy, ký tên. Hoặc các tổ trưởng học tập phải ghi rõ kết quả từng người, nộp cho tổ chức. Tổ trưởng phải khéo khêu gợi thắc mắc học viên, nêu lên để tranh luận, theo phương châm: tự do tư tưởng? Chữa bệnh cứu người. Người nói không có tội, người nghe để răn mình.
Toàn là cân vàng thước ngọc của “Mao chủ tịch”! Nhưng chẳng ai dại gì nói lên thắc mắc của mình, để bị ghi lại là chưa thông chính sách. Tổ trưởng thường phải nghĩ ra, bịa ra, vay mượn “thắc mắc” ở nơi khác để đặt vấn đề thảo luận… Trong thảo luận chữ “quán triệt” được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. Thật là “Tàu, thật là khó định nghĩa, nên không dùng được chữ nào khác. ý nghĩa của “quán triệt” là hiểu cho thật sâu sắc, rõ ràng và ngấm vào mình để thành hành động thực tế có kết quả cao. Học là để quán triệt, cho nên phải thông suốt, không còn có vướng mắc, băn khoăn nào. Còn vướng mắc băn khoăn là học chưa kết quả. Cuối cùng là tổng kết và giải đáp; thường là Bí thư đảng ủy được Trưởng ban Tuyên huấn phụ giúp làm việc này. Đó là nhắc lại nội dung nghị quyết, giải thích các lý lẽ, giải đáp mọi thắc mắc còn tồn tại và động viên hành động… Vẫn chưa xong. Còn phải một buổi thu hoạch, thu hoạch chung ở tổ, và thu hoạch riêng. Thường trong thu hoạch, học viên đua nhau ca ngợi và khoe: học thật kết quả! Đảng ta thật tài tình! Nhận thức được nâng lên hơn hẳn trước khi học. Và bao giờ thu hoạch cũng thường có câu: “Dưới ánh sáng của nghị quyết, tôi nhận thấy lớp học thật bổ ích…” Cứ y như là xã luận báo Nhân Dân vì nghị quyết của đảng, thường là bắt đầu bằng công thức: dưới ánh sáng của nghị quyết… Đã hàng chục năm nay, cứ mỗi lần học như thế (như năm 1989 và 1990, học Nghị quyết 7, 8 và 9 của Trung ương Đảng về tình hình Đông Âu, về quan hệ đảng với quần chúng, về quan hệ quốc tế) tôi không khỏi bấm bụng cười, hoặc cười nháy với 1, 2 ông bạn thân cùng trong phòng họp và trộm nghĩ: thật là kỳ quặc, thật là khôi hài, ai cũng tham gia đóng kịch, nghĩa là thường phải xưng tụng, nói lên những điều mình không nghĩ và chỉ nghĩ như điều mình không dám nói ra… Tôi đoán rằng mới đây, những đợt học về nghị quyết đại lội 7, về Hiến pháp mới, về nghị quyết 3 và nghị quyết 4 của Trung ương đảng giữa năm 1992 và đầu năm 1993, có thêm rất nhiều người phải bấm bụng cười thầm như thế. ắt rằng nhiều người tự nghĩ hoặc trao đổi lẻ với nhau: văn là trò nhảm nhí, tuyên truyền áp đặt, nhồi nhét một cách bắt buộc, ánh sáng thì tù mù, nâng cao mà là hạ thấp, nói lấy được bất chấp thực tế và lẽ phải… Thế nhưng trong lớp, có ai dám nói ra những suy nghĩ thật của mình. Bởi vì mọi người còn sợ! Bởi vì cán bộ, đảng viên mà không thông nghị quyết thì sẽ là tai họa! Không thông nghị quyết thì có nghĩa là chống nghị quyết. Chống nghị quyết thì đồng nghĩa với chống đảng. Chống đảng thì đồng nghĩa với phản động. Phản động trong quan điểm nhận thức thì là có lập trường phản bội. Phản bội đảng thì ắt là phản quốc, phản nhân dân.
Nhưng không phải chờ đến khi bị chụp mũ là chống đảng, là phản động mới biết sợ. Ngay khi bị nhận xét: “Không thông suốt chính sách”; “có nhiều quan điểm chính trì mơ hồ”; “bị ảnh hưởng nặng những luận điệu tuyên truyền của địch”; là đã đủ để bị phiền hà, bị ngồi ở bên lề, bị ngồi chơi xơi nước, bị “mác kê”, và cả vợ con, gia đình cũng có thể bị liên lụy. Vì sợ nên phải dấu kín lòng mình. Vì sợ nên đành phải dối trá. Vì sợ nên phải đóng kịch. Vì sợ nên giả dối là lẽ thường. Mà sợ trong điều kiện hoàn cảnh ấy là để tự vệ. Và quyền tự vệ luôn được coi là chính đáng. Và sợ là thuộc bản nàng sinh tồn trong tình hình cụ thể như thế.
Cho nên nhà văn Nguyễn Tuân đến cuối đời ông đã nói một câu đau đớn, mỉa mai mà chí lý: “Tớ còn tồn tại như thế này là bởi vì tớ còn biết sợ”. Có nghĩa là nếu không biết sợ thì ắt đã bị nghiền nát từ lâu rồi? Không biết sợ thì có thể đã bị vứt ra bên lề cuộc sống, bị bôi đen, chụp mũ, mất cần câu cơm, mất nhà cửa, mất danh dự, mất hết mọi quyền lợi, và vợ con, bạn bè bị vạ lây… Có người biết xử sự như thế là hận, là mất nhân cách nhưng lại luôn thấy cơ chế như một cỗ máy khổng lồ không đầu óc, không tim gan, nó chạy một cách lạnh lùng, nghiền nát mọi vật trên đường của nó. Phải ở trong cuộc mới thấy hết nỗi dằn vặt của những người lương thiện phải giả dối trước cỗ máy nghiền hung tợn. Tránh voi chẳng xấu mặt nào!
Nhà thơ Chế Lan Viên mất cuối năm 1991, vữa tròn 70 tuổi ở trong nước, giới văn học đều biết rõ về nhà thơ mà tài năng xuất hiện từ rất trẻ với tập Điêu Tàn đặc sắc. Sau vào chính trị, là một đại biểu quốc hội, còn cố “phấn đấu để có thể vào trung ương đảng, phụ trách văn học và văn nghệ, trở thành “quan chức lãnh đạo”. Với mục tiêu ấy, ông đã giở nhiều thủ thuật phê phán, sát phạt nhiều anh chị em đồng nghiệp để ngoi lên. Xuân Sách trong tập thơ Chân dung nhà văn từng khắc họa khá đậm về nhà thơ cơ chế này. Ông mất rồi, vợ ông, nhà văn Vũ Thị Thường công bố mấy bài thơ ở dạng phác thảo ông viết khi nằm trên giường bệnh. Hai bài rất đáng chú ý là Bánh Vẽ và Trừ Đi. Có thể coi đây là lời trăn trối, thanh minh, ân hận của nhà thơ đối với cuộc đời, với bạn đọc. Bài Bánh Vẽ có nhưng câu:
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui…
Chúng là những ai? Là ông trùm và những kẻ a tòng?
Bài Trừ Đi như một lời sám hối, có những câu:
Sau này anh đọc thơ tôi thì nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi…
Cả 17 câu thơ toát lên niềm ân hận, xót xa, tự nhận thái độ hèn nhát của mình, và cái tàn ác thâm độc của cơ chế.
Tôi viết bằng xương thôi, nhưng không có thịt của mình…
Bởi vì cơ chế này không cho anh được là anh; nó buộc mọi người mang mặt nạ, nói theo sách của họ, chỉ còn một nửa là mình! Chỉ là một nửa của mình thì còn đâu là mình nữa. Lời tâm huyết này, khi còn sống, nhà thơ không thổ lộ cùng ai! Anh chưa dám, còn sợ. Nỗi sợ dai dẳng. Để rồi khi khuất mới cất được nên lời. Lỗi ở anh một phần, còn tội, tội rất lớn là ở cái cơ chế, cái học thuyết mà đảng đã du nhập và áp đặt lên toàn xã hội.