Từ dạy học đến nghiên cứu, phê bình văn học

Tôi bắt đầu nghiên cứu phê bình văn học từ khi được giữ lại trường đại học làm cán bộ giảng dạy (1960)

Như đã nói, hồi ấy chúng tôi coi đại học là một cái gì thiêng liêng lắm. Vì thế được dạy đại học là danh giá lắm. ấy là được làm cái công việc của những Trần Đức Thảo, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường… kia mà! Tâm lý những người như chúng tôi lúc bấy giờ rất lo lắng. Người nào cũng ngầm hứa với mình phải quyết tâm, cố chí vươn lên. Nghĩa là phải học, phải đọc, phải nghĩ, phải tìm hỏi các bậc đàn anh, hỏi bất cứ ai hiểu biết hơn mình để chiếm lĩnh cho được kiến thức ở tầm cao. Không xấu hổ. Có gì mà xấu hổ! Vả lại người ta có khinh mình thì cũng có oan ức gì đâu: đào tạo ba năm ở trong nước, nam nhân lại dạy nam nhân, đúng là “cơm chấm cơm”, có người gọi là phổ thông cấp bốn! Vậy mà cũng dạy đại học! Thương cho cái nước mình! Nghèo và dốt. Đến cái thứ mình mà cũng dạy đại học! Thương nước và thương mình! Vậy thì phải cố, vượt lên được chút nào hay chút ấy.

Hồi ấy chúng tôi rất kính sợ những người được học ở đại học nước ngoài, được nghe những giáo sư Tây, giáo sư Tầu giảng bài. Như Lê Huy Tiêu, Bùi Văn Ba, Trần Xuân Đề, Phan Hữu Nghệ, Phan Huy Luận, ở Trung Quốc về, như Từ Đức Trịnh, Nguyễn Văn Giai ở Liên Xô về. Từ Đức Trịnh đang học dở dang ở đại học Liên xô thì phạm kỷ luật, bị đuổi về nước, dạy văn học Nga Xô viết ở Đại học Sư phạm Vinh. Trần Gia Linh, học đại học cùng khoá với tôi, cũng được điều vào Vinh dạy Văn học Nga Xô Viết. Anh nói trịnh trọng trước một hội nghị khoa văn: “Tôi học suốt đời cũng không hết chữ của anh Trịnh”. Nguyễn Văn Giai cũng tốt nghiệp đại học Liên xô. Ngó vào phòng riêng của anh, thấy một bộ Pouchkine toàn tập gáy da chữ vàng xếp kín cả một ngăn giá sách. Sợ quá! Uyên bác quá! Anh đeo kính cận nặng, thường đi đi lại lại trước sân khu nhà tập thể, đầu ngẩng cao, bộ mặt đăm chiêu. Hẳn là đang suy nghĩ điều gì to tát, sâu sắc lắm.

Đến khi lớp phó tiến sĩ đầu tiên ở Liên xô về nước như Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Đức Nam, Tôn Gia Ngân, Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Ngọc Hiến… thì chúng tôi không phải chỉ nể trọng mà còn coi như những đại trí thức. Chúng tôi thường gọi là những ông “phó nghè”. Họ thuộc đẳng cấp khác hẳn, mình không thể vươn tới được.

Tôi nhớ trong một cuộc hội nghị khoa học ở Đại học tổng hợp Hà Nội vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, anh Đinh Gia Khánh có đọc một bài nghiên cứu về văn học dân gian. Đọc xong, anh rụt rè hỏi anh Nguyễn Tài Cẩn:“Thưa anh, như thế có thể gọi là khoa học được không ạ?” Cũng giống như thế, trong một cuộc hội thảo khoa học bàn về phương pháp luận nghiên cứu văn học, của Đại học sư phạm Vinh, lúc đó sơ tán ở Quỳnh Lưu, anh Bùi Văn Nguyên, sau khi đọc xong một báo cáo khoa học, cũng hỏi anh Nguyễn Đức Nam: “Thưa anh, như thế có thể gọi là phương pháp luận được không ạ?”

Coi đại học là thiêng liêng, khoa học là một cái gì rất cao xa, đồng thời tự thấy mình là hèn kém, theo tôi, đấy là một trạng thái tâm lý rất có ích cho những cán bộ trẻ mới bước vào hoạt động khoa học như chúng tôi. Không biết các anh cùng lứa với tôi ở Đại học Sư phạm hay Đại học tổng hợp Hà Nội có tâm lý ấy không, nhưng những thế hệ trẻ của ngày hôm nay thì rất khác. Hầu như không có tâm lý ấy nữa. Họ coi đại học chẳng có gì ghê gớm cả. Nhiều sinh viên được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy đã từ chối. Khoa học cũng vậy, ai làm chẳng được. Ông Hoàng Ngọc Hiến nói, dắt con bò sang Liên Xô nó cũng đỗ phó tiến sĩ kia mà! Anh Hiến thường có lối nói hết sức cực đoan như thế. Nhưng nhìn vào sự thật, thấy quả cũng có nhiều trường hợp khiến người ta thấy lời anh Hiến không phải hoàn toàn vô căn cứ: phó tiến sĩ, tiến sĩ ở Liên Xô, ở Đức về hoặc các vị tốt nghiệp ở các trường đại học lớn ở Trung quốc, quả có một số chẳng giỏi giang gì thật, thậm chí rất kém nữa.

Thế là coi thường tuốt. Gần đây, hàng năm, riêng khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội cứ sản xuất đều đều hàng trăm thạc sĩ, hàng chục tiến sĩ, phần nhiều đều đạt điểm xuất sắc cả. Khoa học vì thế càng bị coi rẻ. Tâm lý này càng được bơm to thêm bởi thói đố kỵ của khá nhiều tay trong giới làm báo gần đây, do học hành dở dang nên muốn nhân đây cào tất cả những người có học hàm, học vị đại học vào cái mặt bằng chung của sự dốt nát, dốt hơn cả những người không qua đại học. Vũ Hạnh đã nói như thế khi cho rằng Trần Mạnh Hảo không học đại học là một sự may của anh ta1.

Tâm lý này hết sức nguy hại. Thực ra khoa học vẫn là khoa học nếu là khoa học thật. ấy là con đường rất vinh quang nhưng đầy khó khăn, lắm chông gai. Tâm lý coi đại học là thiêng liêng, khoa học là khó khăn có thể làm cho một số người nản lòng, nhụt chí, mất tự tin. Nhưng nếu như ai đó có đủ bản lĩnh, đủ ý chí, đủ say mê để đi vào con đường này, thì tôi tin rằng thế nào cũng sẽ đạt được một cái gì thật sự có giá trị. Tất nhiên đạt đến mức độ nào còn tuỳ tài, tuỳ sức của mỗi người. Mà xét đến cùng, khoa học chỉ cần đến những con người có bản lĩnh, có ý chí, có sự say mê thực sự đối với nó mà thôi. Nó cần gì đến những kẻ chỉ muốn thành đạt dễ dãi để dùng những mánh khoé này khác, tạo ra thứ khoa học rởm, bằng cấp rởm…2

Tôi muốn là anh chàng Julien Sorel của Stendhal với cái ý chí quyết liệt muốn vươn lên kia. Tự thấy mình chỉ là một kẻ tầm thường, như Julien ở đẳng cấp thứ ba vậy thôi, nhưng quyết tấn công vào dinh luỹ của những đẳng cấp cao hơn. Anh chàng nhà quê, con ông thợ xẻ ở thị trấn Verrières phải làm sao chinh phục được cả những tiểu thư kiêu kỳ, đài các nhất Paris.

Nhưng phải nói cho đầy đủ rằng, sở dĩ tôi hăng hái lao vào nghiên cứu khoa học, trước hết và trực tiếp nhất còn vì sự thúc bách của nghề dạy học. Tôi rất yêu nghề dạy học. Hạnh phúc nhất của đời tôi là được làm cái nghề mình yêu thích. Lâu lâu không được lên lớp, buồn lắm. Tôi vẫn định nghĩa, nghề dạy học là nghề được nói. Nhà nước tổ chức những lớp học, tập hợp thanh thiếu niên lại nghe mình nói hàng ngày. Tôi thường dẫn câu văn này của Nam Cao trong truyện Lang Rận: “Nói, trao đổi những ý nghĩ, những nỗi lòng, có lẽ là cái tật chung của loài người. Không được nói thì khổ lắm.”

Điều thú vị là với nghề dạy học, người nghe mình nói lại là một đối tượng hết sức lý tưởng, tức là những thanh niên có văn hoá, tâm hồn trong sáng. Họ có nhiệm vụ đi học, nghĩa là đến lớp chỉ để được nghe thầy nói. Cho nên bây giờ đây, mỗi lần lên lớp, tuy tuổi đã cao, dạy học đã hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn rất hào hứng, náo nức.

Nhưng không phải ngay từ những ngày đầu dạy học, tôi đã yêu nghề. Muốn yêu nghề, điều kiện quan trọng nhất là phải dạy tốt. Nghĩa là bài giảng phải hấp dẫn học trò. Mới lên lớp, (1951) kinh nghiệm chuyên môn chưa có, kiến thức còn nghèo nàn, nông cạn, dạy hay làm sao được! Vì thế hồi ấy, mỗi lần lên lớp, tâm trạng tôi rất nặng nề, chưa cảm thấy hứng thú gì. Bài giảng hay trước hết phải có nội dung hay, nghĩa là có ý mới, ý riêng, chính xác và sâu sắc. Đối với đại học, yêu cầu này càng cao. ở cấp học này mỗi bài giảng phải là một công trình nghiên cứu thật sự. Tất nhiên trong cách truyền đạt cũng có một số thủ thuật này khác tạo thêm sự hấp dẫn. Nhưng đó chỉ là những yếu tố rất phụ, không thay thế được nội dung khoa học của bài giảng.

Như vậy là, soạn bài giảng và nghiên cứu khoa học là hai công việc luôn luôn đi sóng đôi với nhau trong cuộc đời người giáo viên đại học.

Vì lẽ đó, với tôi, bắt đầu dạy đại học cũng là bắt đầu nghiên cứu, phê bình văn học.

ở đại học, tôi được phân công dạy văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945. ở Sư phạm Hà Nội, dạy giai đoạn văn học này có ba người: anh Nguyễn Trác, anh Hoàng Dung, anh Nguyễn Hoành Khung. Nhưng ở Sư phạm Vinh, chỉ có một mình tôi. Mà phải soạn nhanh, soạn gấp, dạy ngay. Vất vả thật đấy, nhưng chính nhờ thế mà tôi chiếm lĩnh được văn học giai đoạn này khá nhanh. ở lại đại học giữa năm 1960, năm 1961 mới bắt đầu lên lớp, vậy mà năm sau (1962), tôi đã tham gia viết giáo trình chính thức với các anh ở Hà Nội (Giáo trình Lịch sử Văn học Việt Nam 1930 1945 Tập V) Nxb Giáo dục in năm (1963). Đến 1973 thì được giao làm chủ biên viết lại giáo trình này. Từ văn học 1930 – 1945, tôi mở rộng dần đối tượng nghiên cứu sang thời kỳ sau cách mạng Tháng Tám, và đến cuối những năm 80 thì được giao làm chủ biên bộ giáo trình Lịch sử văn học Việt nam 1945 1975 (hai tập) Nxb Giáo dục in năm 1989. Giai đoạn văn học 1930 – 1945 có một hiện tượng đặc biệt: sự xuất hiện hàng loạt cây bút tài năng, có cá tính, phong cách độc đáo. Vì thế tôi đặc biệt tập trung nghiên cứu các nhà văn này. Những công trình nghiên cứu của tôi phần lớn là những tiểu luận về họ: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Tô Hoài, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Hoàng Cầm..vv… Tiếp tục theo hướng ấy, tôi nghiên cứu các nhà văn sau cách mạng như Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Chính Hữu, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Thi, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đăng Khoa.

Ngoài ra còn có điều này nữa khiến tôi say mê nghiên cứu khoa học: tôi hình như có cái máu thích tìm tòi khám phá, cho nên bắt đầu ở lại đại học (1960) ngoài việc nghiên cứu để giảng dạy, tôi lao luôn vào việc tìm hiểu và giải quyết các vấn đề đặt ra lúc bấy giờ về hai ông Nguyễn Tuân và Vũ Trọng Phụng. Phải nói rằng đây là hai đối tượng tôi nghiên cứu sớm nhất và say mê hơn cả. Từ Vinh phóng ra Hà Nội, suốt ngày bám lấy các thư viện (thư viện quốc gia, thư viện khoa học xã hội, thư viện của viện văn, viện sử…) hăm hở đọc các ông ấy từ sách đến các bài báo. Hồi Pháp thuộc, các nhà văn như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố..vv… thường đăng bài trên đủ các thứ báo với những bút danh khác nhau, kể cả những tờ báo nhỏ của địa phương như Tuần lễ, Thanh Nghệ Tĩnh tân văn chẳng hạn… Đọc và ghi hết. Rồi chạy đi hỏi những người có quen biết Nguyễn Tuân và Vũ Trọng Phụng như Đồ Phồn, Như Phong, Vũ Đình Liên, Lưu Trọng Lư, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyên Hồng, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Minh Tước… Lại hỏi các bậc đàn anh trong giới lý luận phê bình, nghiên cứu văn học về các khái niệm liên quan đến Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng như khái niệm phong cách, chủ nghĩa tự nhiên… Rồi tìm ảnh hưởng của các nhà văn Pháp đến hai ông này như André Gide, Paul Morand, Emile Zola… Tiếng Pháp, tôi có giỏi giang gì đâu, nhưng cũng cố đọc một số tác phẩm của các nhà văn này. Đọc cả Nietzsche (Zarathousta) vì thấy có liên quan đến cái ngông của Nguyễn Tuân..vv…

Nghiên cứu Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng để làm gì? Viết báo, viết sách về hai vị này rất khó. Vì hồi ấy người ta quy cho các ông này lắm tội lắm: Văn Nguyễn Tuân thì phù phiếm, có người còn gọi là văn cô đầu thuốc phiện, đùa cợt với chính trị, lắm cái rớt… Vũ Trọng Phụng, thì sau vụ Nhân văn, bị quy là chống cộng, tự nhiên chủ nghĩa, chỉ có tài xỏ xiên, Giông tố thì ăn cắp Lôi của Tào Ngu – một vị uỷ viên bộ chính trị (Hoàng Văn Hoan) đã phán như thế.

Đúng là tôi cứ thích húc vào những đối tượng phức tạp như vậy, chả để làm gì cả. Yêu cầu dạy học không có, chương trình môn văn từ phổ thông đến đại học hồi ấy đều tránh các nhà văn này như những vùng cấm địa. Nếu có nhắc đến đôi chút thì cũng chỉ để lên án mà thôi. Sau vụ Nhân văn, không ai nghĩ đến chuyện viết sách về các ông này. Viết báo còn khó, nói gì viết sách.

Tôi nhớ, lúc ấy có một anh bạn xui tôi thế này: cậu dại lắm, muốn viết báo, viết sách thì phải nghiên cứu những cây bút cách mạng như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ..vv… hay các nhà văn hiện thực tiến bộ như Ngô Tất Tố, Nam Cao chứ. Như ông Đệ, ông Đức đấy thôi, cứ in sách tơi tới.

Tôi nghe ông bạn, quay sang nghiên cứu thơ Hồ Chí Minh. Lập tức đăng bài liên tiếp: Mong manh áo vải hồn muôn trượng, Những bài thơ quên mình của Bác, Cuộc đời cách mạng thật sang ! Vài suy nghĩ nhỏ v một phong cách lớn, Đọc văn chính luận của Hồ Chí Minh, Trần như thế kém tiên, Pác hùng vĩ..vv… Và cuốn chuyên luận đầu tiên của tôi được xuất bản là cuốn Mấy vấn đề về quan điểm phương pháp tìm hiểu, phân tích thơ Hồ Chủ Tịch. (Đại học Sư phạm in nội bộ năm 1978, Nxb Giáo dục in năm 1981)

Nhưng trong đời nghiên cứu văn học của tôi, tôi có kinh nghiệm này: khi anh nghiên cứu nghiêm túc một đối tượng nào thực sự có giá trị, thì trước sau thế nào cũng được dùng đến, ít ra thì bản thân anh cũng nhờ đó mà trưởng thành lên. Đối tượng càng khó khăn, phức tạp thì thành công càng vang dội, ảnh hưởng càng xa rộng.

Năm 1968, chị Thiếu Mai, hồi ấy làm ở Tạp chí văn học, đặt tôi viết về ký chống Mỹ của Nguyễn Tuân. Tôi đã vận dụng những gì từng nghiên cứu về sự nghiệp của nhà văn này vào việc tìm hiểu những bài ký chống Mỹ của ông. Một bài phê bình mà nền tảng là sự đào sâu vào qui luật vận động tư tưởng và phong cách của nhà văn từ ngọn nguồn thời “tiền chiến” của ông. Bài này được Hoài Thanh đánh giá rất cao. Ông đưa cho anh Cao Huy Đỉnh bài viết vừa duyệt xong và nói: “ Phê bình văn học hiện đại phải viết như thế này này.” Bài phê bình đầu tiên này của tôi tuy bị lãnh đạo hồi ấy cho là có vấn đề quan điểm, nhưng đến năm 1980, thời thế đổi thay, chính nhờ bài ấy mà tôi được giao làm Tuyển tập Nguyễn Tuân và đến năm 2000 thì làm Nguyễn Tuân toàn tập (Nxb Văn học). Công trình của tôi về Nguyễn Tuân không chỉ được đọc trong nước. Nó còn được in lại ở Pháp và Canada. Và riêng đối với Nguyễn Tuân tôi được ông đặc biệt tin cậy.

Về Vũ Trọng Phụng, bài tiểu luận công phu và đắc ý nhất của tôi là bài Mâu thuẫn bản trong thế giới quan trong sáng tác của Trọng Phụng, cũng viết năm 1968, nhưng đến 1971 mới được đăng trên Tạp chí văn học. Đây cũng là một bài tiểu luận được viết trên cơ sở nghiên cứu toàn bộ sự nghiệp của nhà văn được nghiền ngẫm từ mười năm trước. Hoài Thanh cũng thích bài này, tuy Vũ Đức Phúc không tán thành về quan điểm. Chế Lan Viên cũng đánh giá cao. Hôm ấy gặp anh ở trụ sở Hội nhà văn (65 Nguyễn Du), anh chạy ra bắt tay tôi và khen bài viết rất hay. Bài này cũng lập tức bị phê phán về quan điểm, nhưng đến năm 1987, đất nước đổi mới, tôi lại được giao làm Tuyển tập Trọng Phụng (Nxb Văn học) và đến năm 1999 thì làm Trọng phụng toàn tập (Nxb Hội nhà văn).

Vậy là cuối cùng, hai ông nhà văn phức tạp và “có vấn đề” nhất kia lại chính là những người đã giúp tôi khẳng định được vị trí chắc chắn của mình trong giới nghiên cứu, phê bình văn học.

Từ cuối những năm 60 sang những năm 70, 80 của thế kỷ trước, tôi viết liên tục, đầy hào hứng, từ viết báo đến viết sách. Viết ngày, viết đêm. Đúng là có những đêm tôi không hề chợp mắt. Hồi ấy đời sống hết sức khó khăn. Cán bộ khoa văn Sư phạm Hà Nội chủ yếu sống tập trung ở hai dẫy nhà lá, nền đất, vách đất gọi là K2, K3. Cả gia đình tôi sống chen chúc trong một gian nhà vẻn vẹn có mười mấy mét vuông. Nước khan hiếm. Sáng sớm mọi người lục tục đem xô, đem chậu ra xếp hàng hứng nước ở một cái vòi công cộng. Tôi mượn được một gian bên cạnh của một anh bạn có nhà ở Hà Nội, để trống, ngồi viết từ chập tối cho đến khi nghe tiếng xô, chậu loảng xoảng ở vòi nước thì mới buông bút, xách xô chạy vội ra xếp hàng. Năm ấy (1973) vì làm việc quá sức lại không có gì bồi dưỡng, tôi đã bị lao phổi phải nằm ở bệnh viện A gần năm tháng. Năm 1980, được giao làm Tuyển Tập Nguyễn Tuân, tôi cũng rất ham hố. Phải viết sao cho xứng đáng với Nguyễn Tuân, nghĩ thế, tôi miệt mài viết đêm viết ngày. Bài Tựa Tuyển Tập chỉ có 70 trang mà tôi viết tới 6 tháng – tất nhiên cũng có viết xen vào vài bài báo nhỏ nữa. Sáu tháng ngồi cặm cụi hầu như không rời ghế, tôi bị xuống máu chân. Hôm ấy, chợt nhìn xuống chân, thấy phù hẳn lên, tôi hoảng quá.

Thời gian từ khoảng 1970 đến 1985, tôi còn hai lần bị chảy máu dạ dày. Một lần ở Sài Gòn, một lần ở Hà Nội. Nhưng ra viện, tôi lại viết, viết liên tục không ngừng không nghỉ. Ngay trong những ngày nằm viện tôi cũng tranh thủ viết. Không viết thì cũng đọc sách vở, tài liệu và suy nghĩ trăn trở để chuẩn bị viết.

Vì sao có sự miệt mài, hăm hở như thế?

Tôi cho rằng có hai nguồn động viên chính: một là được học sinh, sinh viên yêu quý, hai là được nhiều nhà văn khuyến khích.

Như trên đã nói, hai công việc dạy học và nghiên cứu phê bình có quan hệ với nhau. Nhưng nói cho chặt chẽ hơn thì hai công việc ấy chỉ quan hệ với nhau về nội dung khoa học chứ không hẳn đồng nhất về phương pháp và hình thức diễn đạt. Không ít người nghiên cứu thì tốt, viết cũng hay, nhưng dạy thì không hấp dẫn. Ngược lại có nhiều người dạy thì hấp dẫn nhưng viết lại rất nhạt – vì văn viết và văn nói rất khác nhau, vả lại đối tượng thuyết phục cũng không hoàn toàn là một.

Tất nhiên trước hết phải có nội dung tốt đã. Nội dung tốt có nghĩa là phải có ý mới, ý riêng, chính xác và sâu sắc. Đối với sinh viên đại học, ý mới, ý riêng phải vượt lên trên tầm tư duy của họ – ý mới mà chỉ ngang tầm tư duy của học trò thì tuy họ cũng có thể thích nhưng chưa thể thoả mãn về nhận thức. Tôi đã thấy có nhiều cán bộ giảng dạy thích phô bầy những tài liệu mới lạ, vì biết rằng sinh viên không có điều kiện đọc được. Như thế đâu phải là vượt tầm sinh viên, chẳng qua chỉ vì họ không có điều kiện đọc được những tư liệu ấy mà thôi. ở đại học, bài giảng hay nhất là làm sao, trên cùng một tư liệu, một văn bản, thày và trò đều được đọc, được biết, mà phát hiện ra những điều mà trò dù có nghĩ cũng không nghĩ ra được. Vì tầm hiểu biết và nhất là tầm tư duy khoa học của họ thấp hơn. Dạy đại học gần nửa thế kỷ, tôi nghiệm thấy, sinh viên rất chờ đợi ở người thầy những phát hiện tầm cỡ như thế. Tất nhiên tôi không nói những loại sinh viên lười biếng, chả chịu học hành gì. Trên đời, con người ta có nhiều thứ khoái cảm, trong đó có một thứ khoái cảm rất trí tuệ khi đầu óc được soi sáng bởi một ý tưởng nào đó có ý nghĩa năng tầm nhận thức của mình lên một bước mới. Đó thường là những ý khái quát chính xác, sâu sắc, kết quả của một phương pháp tư duy mới mẻ, khoa học.

Tôi cho rằng đến lớp chỉ nên trình bày những ý tưởng như thế mà thôi. Những nội dung khác của bài giảng tuy cũng quan trọng, nhưng vì sinh viên tự mình hiểu được, nên chỉ cần hướng dẫn họ tự tìm tài liệu mà đọc.

Tất nhiên, những ý tưởng sâu sắc, mới mẻ nói trên, phải diễn đạt sao cho sinh viên hiểu được, nếu không thì làm sao họ có thể hưởng được các khoái cảm nói trên.

Có người cho rằng, có những chân lý cao siêu, không thể diễn đạt giản dị, dễ hiểu được đối với học trò. Trong phạm vi hiểu biết của tôi, tôi không tin như thế. Nếu anh thực sự hiểu được thì thế nào cũng có cách làm cho người khác hiểu được – người khác ở đây là sinh viên đại học chứ đâu phải loại người vô học.

Cuối năm học 2003 – 2004, cán bộ khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội đưa nhau lên tận Tam Đảo để tổng kết năm học. Hôm ấy, tôi phát biểu thế này: Cán bộ giảng dạy đại học có thể chia làm ba loại: một là giảng rất rõ ràng, rành mạch những chân lý giản đơn, muôn thủa, ai cũng biết cả rồi. Nghĩa là bài giảng không làm cho sinh viên khôn thêm lên một tý nào. Hai là diễn đạt quá tối tăm rắc rối, không ai hiểu gì cả, kể cả người giảng cũng không hiểu mình nói gì. Đây là loại không thích nói những điều thông thường ai cũng biết, nhưng những điều mới lạ, độc đáo lại không nghĩ ra, bèn dùng lối khoe chữ nghĩa rắc rối, khoe đọc sách này sách khác, tiếng Tây tiếng Tầu đủ cả, tung ra một mớ hoả mù khái niệm có vẻ uyên bác, cao siêu, thực chất đầu óc rỗng không. Loại một tuy tầm thường, nhưng đứng đắn. Loại hai phải gọi đích danh là lừa bịp, là bất lương trong giới đại học. Còn loại ba là những thầy giáo thực sự giỏi và trung thực. Họ truyền đạt cho học trò một cách dễ hiểu những điều mới lạ, sâu sắc. Họ thực sự là những nhà khoa học, đồng thời là những nhà sư phạm lương thiện. Họ nghĩ ra nhiều điều mới mẻ sâu sắc và hiểu rõ những điều mới mẻ sâu sắc ấy, nên có cách diễn đạt cho học trò hiểu được.

Có lẽ từ tuổi thanh niên, công tác ở Ban tài chính tỉnh đảng bộ Thái Nguyên (1949), tôi đã được giao nói chuyện về văn học với nhiều đối tượng, nên nói năng cũng quen. Sau này, làm nghề dạy học, (dạy cấp II từ 1951, dạy đại học từ 1960), tôi cũng rút được một số kinh ngiệm.

Kinh ngiệm của tôi là phải có một vốn từ phong phú mới có thể diễn đạt được đích đáng những điều mình phát hiện.Trong lời giảng, những từ đích đáng sẽ gây ấn tượng rất sâu trong tâm trí sinh viên. Hai là, dù bài giảng có hay ho thế nào, khi mở đầu cũng không nên tạo cho sinh viên tâm thế chờ đợi một điều gì to tát, ghê gớm cả. Đừng có khoa trương hùng biện, cứ làm cho họ có tâm lý bình thường để chuẩn bị tiếp thu một bài giảng bình thường. Như thế khi nghe thày nói những điều không bình thường, nghĩa là sâu sắc, mới mẻ, khoái cảm của họ sẽ tăng lên gấp bội. Ba là không chỉ trình bầy các chân lí đã phát hiện được, mà cần chỉ ra con đường đã dẫn dắt tư duy của mình tới những chân lý đó. Bốn là trong một lớp học thế nào cũng có một vài sinh viên xuất sắc nhất được bạn bè nể trọng. Nội dung khoa học của bài giảng phải nhằm vào đối tượng ấy, nhưng cách diễn đạt thì phải làm sao cho cả lớp hiểu được.

Với những kinh nghiệm trên đây, tôi đã có nhiều giờ dạy thành công và nói chung, được sinh viên hâm mộ.

Vào lớp, tôi rất ít khi kiểm tra sự có mặt của sinh viên xem có đầy đủ hay không. Một phần vì tính tôi dễ dãi. Phần khác, tôi nghĩ, điều quan trọng là bài giảng của anh có hấp dẫn hay không. Nếu hấp dẫn thì tự khắc họ sẽ đến đông đủ, việc gì phải kiểm tra. Vả lại có mặt mà không thích nghe thì có mặt làm gì -có mặt thế có khác gì để chịu một hình phạt. Những chuyên đề của tôi dạy cho các lớp đại học, cao học, khi kết thúc, sinh viên thường nài tăng thêm giờ, thêm buổi, nghĩa là họ chưa thấy chán. Đấy là một nguồn động viên lớn khiến tôi dạy học say mê, hào hứng.

Nguồn động viên lớn thứ hai của tôi là sự khuyến khích của giới sáng tác. Trong hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học, đối tượng viết, nhất là

cách diễn đạt có khác với giảng dạy văn học. ở đây, mỗi bài viết là một cuộc đối thoại với những tài năng văn học, trong đó có những cây bút bậc thầy. Nếu trong giảng dạy, nội dung khoa học của bài giảng phải nhằm đáp ứng trước hết loại sinh viên xuất sắc, thì trong nghiên cứu phê bình, khi lập ngôn, lập ý, phải nghĩ đến những đối tượng cao nhất trong giới cầm bút như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Tô Hoài, hay Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc… Mỗi bài viết phải là một nỗ lực quyết liệt nhất nhằm đạt tới bậc thang giá trị cao nhất, tất nhiên tuỳ theo tài sức của mình. Phải viết thế nào để sau này có muốn viết lại như thế cũng không thể được. ở đây, đúng ra còn có chuyện cảm hứng. Không có cảm hứng thì cũng khó viết được cái gì là văn thực sự. Nhưng cảm hứng là gì? Theo tôi, đó là sự gặp gỡ, sự đồng cảm giữa đối tượng viết, giữa nội dung các tác phẩm được đề cập đến với chính tư tưởng của mình, nghĩa là với những ước mơ, những kinh nghiệm sống, những yêu, ghét, cả những căm thù của mình chứa chất, nung nấu không biết từ bao giờ. Chẳng hạn khi tôi viết về “niềm căm uất không nguôi” của Vũ Trọng Phụng đối với cái xã hội ông gọi là “ nghĩa ” ngày trước, thì tôi quả cũng có chen vào đấy niềm căm uất của chính bản thân mình đối với những kẻ xỏ xiên, đểu giả, phản trắc vẫn còn không ít trong xã hội ta hôm nay. Khi tôi ca ngợi câu thơ Xuân Diệu “ Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, thì thật tình tôi cũng có gửi vào lời bình luận của mình niềm khao khát hướng tới cái đẹp vừa trần thế, trần tục, đầy tính sắc dục, vừa trinh trắng, tinh khiết của hình tượng thơ, đồng thời không che dấu thái độ khinh bỉ đối với những cây bút phê bình đạo đức giả nào đó từng phê phán là “thiếu lành mạnh” một trong những câu thơ tuyệt vời nhất, lành mạnh nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại.

Đặng Đức Siêu có lần nói với tôi, anh đã chảy nước mắt khi đọc bài “Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng của tôi, (đăng trên báo Nhân dân, khi nhà văn vừa qua đời.) Vâng – tôi cũng nói với anh rằng, bản thân tôi cũng chảy nước mắt khi viết những dòng thương tiếc ấy: Nguyên Hồng đã sống hơn sáu mươi năm, đã viết hơn bốn mươi năm, ai biết được ông đã đổ ra bao nhiêu nước mắt cho đời cho nghệ thuật? Bây giờ nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy, liệu bao giờ khô cạn được chăng?” Tôi từng viết rất nhiều về Nguyễn Tuân, nhưng lần nào cũng rưng rưng xúc động khi nói đến tấm lòng tha thiết của ông đối với tiếng nói dân tộc, đến thái độ nâng niu trân trọng của ông đối với những giá trị văn hoá nghệ thuật cổ truyền trên đất nước này và những gì tạo nên cảnh sắc và hương vị độc đáo của quê hương mình, từ cành đào ngày Tết, dò hoa thuỷ tiên nở đúng đêm giao thừa, đến cây bàng, cây sấu hết sức bình dị quen thuộc trên hè phố Hà Nội; từ tấm bánh chưng ngày Tết, hạt cốm làng Vòng bọc lá Sen, đến bát phở có hương và vị riêng của Hà Nội…

Thơ Hoàng Cầm không phải bài nào tôi cũng thích. Có khá nhiều bài tôi cho là giả, là gượng. Nhưng tôi thật sự cảm động khi đọc được của ông những vần thơ như gợi lên được linh hồn ngàn năm của đồng quê Kinh Bắc. Chẳng hạn như bài Diêu Bông. Tôi đã không cầm nổi nước mắt khi viết những dòng này: “ Diêu Bông gì? cái trên đời này gọi Diêu Bông? Vậy thì tìm đâu cho thấy Diêu Bông? Nhưng chính cái ý nghĩa hồ của cái âm hưởng của sao cứ văng vẳng như tiếng gọi, tiếng kêu, tiếng khẩn cầu của ai đó trên cánh đồng trống vắng của một buổi chiều đông bị gió đồng thổi bạt đi thành ra càng trở nên xa vắng hơn nghe hồ như tiếng gió: “gió quê vi vút gọi”.

phải là linh hồn của đồng quê ta cất lên thành tiếng đó không? phải linh hồn của các thôn nữ ngày xưa, của những Tấm, những Ngọc Hoa, Cúc Hoa, những Xuý Vân đến chết vẫn còn vương vấn trên mảnh đất này với niềm khao khát yêu thương đó chăng? Hay chính linh hồn ta đó, hoà cùng linh hồn đất nước, cất lên thành tiếng gọi thiết tha trên đồng chiều bạt gió:

Diêu Bông hời!… ới Diêu Bông!…

Những dòng này, tôi viết cho Hoàng Cầm, viết về thơ Hoàng Cầm, hay viết cho mình, viết về lòng mình, thật khó phân biệt.

Nói về cách diễn đạt thì văn nghiên cứu phê bình khác hẳn với lời thầy giảng trên lớp. Một đằng để nghe, một đằng để đọc. Lời nói gió bay, vì thế, nhiều câu nhiều chữ trong bài giảng cứ phải nhắc đi nhắc lại để khắc sâu vào đầu óc học trò. Sinh viên rất khó chịu khi chưa kịp hiểu câu trước đã phải đuổi theo câu sau của thày. Ngược lại, người đọc rất chán khi bài viết cứ lặp đi lặp lại một ý “ biết rồi khổ lắm nói mãi”. Văn viết phải rất súc tích. Nếu viết nửa câu mà người đọc hiểu được rồi thì chỉ viết nửa câu. Kỵ nhất là lời văn cứ tãi ra một cách thừa thãi. Và cái gì cũng giảng giải làm như người đọc là những học trò của mình vậy.

Viết phải có văn, có nghệ thuật, giống như đàn bà phải có trang sức. Nhưng đừng có làm văn một cách lộ liễu để trở thành một lối uốn éo, một thứ trang trí hoa lá cành. Nhiều khi cũng phải dùng hình ảnh. Nhưng hình ảnh của văn nghiên cứu phê bình khác với hình ảnh trong văn sáng tác. Hình ảnh của văn nghiên cứu, phê bình phải đạt được cùng một lúc hai chức năng: một là chuyển tải tình cảm cảm xúc thẩm mỹ, hai là diễn đạt được những khái niệm, những phạm trù, những quy luật phản ánh bản chất của đối tượng nghiên cứu, phê bình. Vì nghiên cứu phê bình còn là chuyện khoa học, chuyện tư duy trừu tượng.

Ngoài ra, cũng như văn sáng tác, văn nghiên cứu phê bình cũng phải có giọng điệu, cũng phải tạo được không khí. Tuỳ theo nhu cầu này mà chọn từ, đặt câu cho thích hợp. Nói chung văn phê bình gần với văn sáng tác hơn, hành văn phóng túng hơn. Có khi phải dùng từ thật chính xác, có khi lại phải dùng những khái niệm mơ hồ. Có khi phải đặt câu ngắn, có khi phải viết câu dài. Để tạo giọng điệu, có khi phải viết những câu thiếu thành phần ngữ pháp, giống như khẩu ngữ vậy – “khẩu ngữ là máu của câu văn xuôi”, có một nhà nghiên cứu phê bình văn học đã nói như vậy. Biết dùng khẩu ngữ, đúng lúc, đúng chỗ, câu văn sống động hẳn lên.

Viết văn ai chả muốn viết cho hay. Nhưng tự đánh giá văn mình có dễ đâu. Dễ chủ quan lắm, “Văn mình vợ người” mà. Ngay những nhà văn lớn cũng không dám chủ quan về chuyện này. Chủ quan nhất thường lại là những cây bút trẻ. Có lần giảng bài ở trường viết văn Nguyễn Du, Xuân Diệu đã mở đầu thế này: “Trên đời, có ba loại người kiêu ngạo nhất, một là đứa trẻ lên ba, cái gì nó cũng đòi, nó đòi cả ông trăng trên trời, hai là những cô gái đẹp, ba là những nhà văn trẻ”. Hiện nay đang xuất hiện nhiều cây bút trẻ có thể gọi là đại kiêu ngạo. Nhưng các nhà văn đàn anh lại thường khiêm tốn. Cứ phải đợi xem phản ứng của độc giả mới biết văn mình có xem được hay không. Trong tiểu thuyết Anna Karinine của l..Tolstoi’, tôi nhớ có chi tiết này: một danh họa nọ triển lãm tranh. Ông rất hồi hộp chờ đợi ý kiến đánh giá của bọn quý tộc đến xem, tuy biết bọn này chẳng hiểu gì lắm về nghệ thuật.

Thế đấy, muốn hiểu văn mình thế nào cũng phải soi vào dư luận độc giả. Ai chả muốn được khen. Độc giả tầm thường khen cũng thích. Tất nhiên được loại độc giả cao cấp khen thì khoái hơn nhiều và mới biết được cái giá thật của văn mình.

Ông Hoài Thanh có lần nói với Hoàng Ngọc Hiến: “Nguyễn Đăng Mạnh viết thì thông đấy, nhưng phiêu lưu”.

Ông nhận xét tôi phiêu lưu là phải, vì từ sau cách mạng, ông viết quá thận trọng, thậm chí muốn phủ nhận cả tập Thi nhân Việt Nam nổi tiếng của mình. Còn tôi thì luôn luôn bị uốn nắn, phê phán. Nhưng được ông khen “viết thông” không dễ đâu. Tôi biết ông rất chú ý đến văn khi duyệt bài.

Năm 1972, tôi viết bài Sức sống của ngòi bút Nguyễn Thi, Nguyễn Khải rất thích. Bài này được giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Hồi ấy có lẽ cách ăn mặc và bộ dạng của tôi rất nhếch nhác. Không biết Nguyễn Khải nghĩ thế nào mà lại nói với Vương Trí Nhàn: “ấy cứ nhếch nhác thế mới viết được”.

Tô Hoài, Nguyên Ngọc thì cho tôi là người viết phê bình có phong cách, nắm được cái “tạng” riêng của mỗi cây bút. Hồ Dzếnh thì cho tôi có khả năng nhận ra được cái thần của mỗi nhà văn. Hồi Nguyễn Minh Châu còn sống, tôi cũng hay đến anh. Anh nói với tôi: “Anh cứ tiếp tục viết như thế đi, chúng tôi ủng hộ anh”.

Trong đời viết văn làm sách của tôi, tôi sướng nhất là được nhận những lời khích lệ của Xuân Diệu và Nguyễn Tuân.

Tôi đến Xuân Diệu luôn vì biết anh rất quý tôi. Anh nói: “ Mình có bốn người thân quý nhất: Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông và Nguyễn Đăng Mạnh.”

Rất tiếc là khi còn sống, Xuân Diệu chỉ mới đọc có hai bài viết ngắn của tôi, một bài viết về tập thơ “Tôi giàu con mắt” và một bài chân dung, nhan đề “Xuân Diệu niềm khát khao giao cảm với đời.” Anh Văn Hồng ở nhà xuất bản Kim Đồng cho tôi biết, Xuân Diệu đọc bài này và đã khóc, vì cho tôi rất hiểu mình.

Sau bài viết ấy ít lâu (năm 1985), tôi có đến Xuân Diệu để mời anh nói chuyện với một lớp sinh viên đặc biệt gọi là lớp 5C, học năm năm (các lớp khác chỉ học bốn năm.)

Anh nói về bài tôi viết về anh, cho là tôi viết sâu sắc: “Mạnh ít đến mình mà hiểu mình rất sâu. Đọc bài viết của cậu, người ta sợ gặp cậu đấy, vì cậu sẽ đưa người ta vào bài viết. Nhiều điều mình nói đã lâu mà sao Mạnh còn nhớ được, như mình nói về bài Bản đồ huyện ý Yên. Đúng là bài thơ trung bình cần đến nhà phê bình, mình có nói thế. Nhưng đáng lẽ phải nói bài trung bình của nhà thơ lớn. Chứ bài trung bình của nhà thơ thường thì phân tích làm gì.

Huy Cận đọc và khen bài này. Chắc Mạnh cũng thấy có nhiều người khen bài này chứ!”

Lúc ấy có một người khách trẻ vẫn có mặt trước khi tôi đến – Xuân Diệu bảo là cháu. Tôi đoán anh này chắc có hẹn gì đó với Xuân Diệu, nên nói: “Chắc anh có việc bận?” Xuân Diệu nói: “Không, mình đang đợi Mạnh đến, đang mong gặp Mạnh.” Rồi anh vào buồng tìm một cái gì đó. Khi trở ra, anh kéo tôi ra nói chuyện riêng ở phòng ngoài.

Anh lại nói tôi viết rất sâu về anh, không có ai viết sâu hơn. Đúng là tri âm tri kỷ. Rồi anh nói vòng vo rào đón để chuẩn bị tặng tôi một cái gì đó để tôi nhận mà không phải chối từ lôi thôi: “ Mình quý Mạnh, không phải vì Mạnh viết về mình đâu, chắc Mạnh hiểu không phải như vậy – Anh đẩy về tôi cái đồng hồ đeo tay đựng trong một cái hộp nhỏ vuông có nắp bằng mica – mình giữ những cái này mà đến lúc chết đi thì người ta bảo là thằng ngu, nên cần phải gửi ở người thân làm vật kỷ niệm. Xưa Tản Đà vào Nam kỳ, Diệp Văn kỳ có biếu ông một nghìn bạc Đông Dương. Một nghìn bạc Đông Dương to lắm! Hồi ấy chỉ một xu một quả trứng gà thôi mà. Anh con Tản Đà nói, cha tôi nhận ngay mà không cám ơn gì cả, ngông thế, nhận một cách tự nhiên như là mình có quyền nhận, chẳng cần cám ơn ai hết, và người cho cũng không muốn nghe lời cám ơn khách sáo làm gì. Tản Đà sướng thật! Mình thì không xứng với Diệp Văn Kỳ, nhưng Mạnh thì đúng là Tản Đà.”

Ôi! Anh ví von gì mà kỳ thế! Chắc ý anh muốn nói, tôi nhận mà không cần cám ơn anh, còn món quà của anh thì bằng sao được một nghìn bạc Đông Dương của Diệp Văn Kỳ.

Lúc ấy Tuyển Tập Xuân Diệu mới in tập I. Tập này tuyển thơ, Hoàng Trung Thông đề tựa. Anh đề nghị tôi giới thiệu cho anh một người khác đề tựa tập II, tuyển văn xuôi. Tôi giới thiệu một người bạn cùng dạy khoa Văn Đại học Sư phạm với tôi mà Xuân Diệu cũng có quen biết. Nhưng anh ngồi nghĩ một lúc rồi bảo: “Anh ấy chưa connu.” Và anh nói thẳng: “ Thôi Mạnh viết cho mình.” Rất tiếc khi Tuyển Tập Xuân Diệu, tập II xuất bản (1987) thì anh đã qua đời (cuối năm 1985)

Về Nguyễn Tuân thì hồi dạy ở Đại học Sư phạm Vinh, tôi có được gặp một lần. Năm 1967, khoa Văn trường Vinh có giao cho tôi đi mời Nguyễn Tuân vào nói chuyện với cán bộ và sinh viên về ký chống Mỹ. Nhưng sau đó khá lâu tôi không tiếp xúc với ông nữa. Không có lý do gì, đến ông rất ngại. Mãi đến năm 1980, được giao làm Tuyển Tập Nguyễn Tuân, tôi mới có cớ đến ông. Hoá ra ông có đọc bài Con đường Nguyễn Tuân đi đến bút chống Mỹ của tôi đăng báo từ năm 1968, và khi ông Lý Hải Châu, Giám đốc nhà xuất bản Văn học, đề nghị hai người làm tuyển tập Nguyễn Tuân là Vũ Ngọc Phan và tôi thì ông đã chọn tôi.

Khi tôi viết xong bài Tựa Tuyển Tập, anh biên tập viên Lê Khánh thấy dài quá, đề nghị tôi rút ngắn lại, tôi không chịu, anh bèn đưa cho Nguyễn Tuân, định lấy cái uy của Nguyễn Tuân bắt tôi cắt bớt bài viết.

Khi tôi đến Nguyễn Tuân để nghe ông góp ý, ông mời tôi uống rượu. Suốt buổi, ông không nói gì về bài Tựa của tôi. Tôi đoán ông chưa đọc nên xin phép đi về. Lúc ấy ông mới lấy bản thảo bài Tựa ra và nói vắn tắt: “Tôi không có ý gì khác. Nhà xuất bản bảo tôi đề nghị anh rút ngắn lại, nhưng anh yên tâm, tôi đã nói với họ rồi, có nhà văn đơn giản người ta viết ngắn cũng được, nhưng có nhà văn phức tạp, người ta phải viết dài.” Rồi ông tự tay cho cái bản thảo vào cái túi xách khá nhếch nhác của tôi (loại túi của đàn bà đi chợ mua miếng thịt, mớ rau) – một cử chỉ thân mật ít có của Nguyễn Tuân. ông còn nói với tôi muốn đến ông lúc nào cũng được, không cần báo trước, miễn là đến từ mười giờ trở đi. Trước đó ông thường đi dạo mấy vòng ngoài phố, 10 giờ thì về ăn cơm.

Từ đó tôi đến ông luôn, tất nhiên mỗi lần đến vẫn phải tìm một cái cớ nào đấy, vì tôi vẫn nghĩ, mình có là bạn bè gì của ông mà đến chơi.

Có một lần ông nói với tôi thế này: “Một buổi sáng nọ, tôi bước ra cửa thì thấy có hai cháu nữ sinh đứng ở hành lang. Hỏi có việc gì thì nói là sinh viên đại học ở Thanh Xuân (ông không nói là ở trường Đại học Tổng hợp) được thầy Phan Cự Đệ hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp về Nguyễn Tuân, vì thế xin đến gặp để tìm hiểu. Tôi nói với các cháu, hãy đến nhà xuất bản Văn học, hỏi địa chỉ anh Nguyễn Đăng Mạnh, anh ấy sẽ nói cho biết.”

Vậy là tôi được giao làm “đại diện toàn quyền” cho ông rồi còn gì!

Ít ngày sau, quả nhiên có hai cô sinh viên tổng hợp tìm đến tôi ở Đồng Xa. Hoá ra một cô là con ông Phạm Hựu, Giám đốc nhà xuất bản Khoa học xã hội, còn một cô là con chị Đặng Thanh Lê, cán bộ giảng dạy khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội.

Từ xưa đến nay, ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, những người sáng tác thường không ưa giới phê bình. Riêng tôi thuộc vào số người viết phê bình ít bị các nhà sáng tác ghét hơn cả. Tất nhiên cũng có người ghét. Nhưng ít thôi. Thí dụ như Hồ Phương. Trong một bài báo gọi là “ Dòng sông rều rác” (Công an thành phố Hồ Chí Minh. 10 – 1- 1996), anh cho cuốn sách của tôi: Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn (bị Trần Mạnh Hảo đánh.) có “ tác hại (…) còn lớn tệ hơn tác hại của ba cuốn Sex về ái tình éo le bạo lực đang còn la liệt trên các vỉa hè, quán sách khắp nước.” Đây là cuốn tới hôm nay đã được tái bản đến lần thứ tư và đã được nhận giải thưởng khoa học Nhà nước. Không biết Hồ Phương có đọc không và nghĩ thế nào mà lại viết như thế, chắc là nhắm mắt theo Trần Mạnh Hảo. Đúng là một đầu óc đen tối, thô bỉ và rất vô trách nhiệm.

Tôi nhớ hồi 1987, có dịp cùng đi với Hồ Phương sang Cămpuchia. Hồi ấy quân ta còn đóng bên ấy. Anh Nguyễn Chí Trung có mời một số người sang bồi dưỡng nhà văn quân đội Cămpuchia: Trần Quốc Vượng, Hoàng Ngọc Hiến, Thu Bồn, tôi và Hồ Phương. Chỉ có một lớp học thôi nên chúng tôi được đưa sang lần lượt từng người một, từ Sài Gòn (doanh trại quân đội số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm) sang PNông Pênh, khi về lại ở 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm. ở đây, chúng tôi ăn ở bếp ăn quân đội. Không hiểu sao hồi ấy cái gì cũng rập theo Tầu. Phòng ăn có ba dãy bàn phân theo cấp bậc, cắm biển Đại táo, Trung táo, Tiểu táo. Tôi và Hồ Phương được ăn ở bàn tiểu táo, nghĩa là tiêu chuẩn cao nhất. Tuy vậy thức ăn chẳng có gì. Hồi ấy đời sống cán bộ cũng như quân đội còn thiếu thốn, khó khăn lắm. Tôi không phải là lính nhưng cũng rất thông cảm với lính – họ còn phải ăn theo tiêu chuẩn thấp hơn (Đại táo). Hồ Phương là sĩ quan quân đội, hình như đại tá, trung tá gì đó – bây giờ được phong thiếu tướng rồi – mà ăn nói rất thiếu văn hóa. Anh nói với tôi: “Chúng nó cho chúng mình ăn như cho chó ăn vậy.” Đúng là tâm địa rất xấu và độc ác nữa. Vậy mà cứ mở mồm ra là nói nhân văn, nhân đạo.

Vũ Quần Phương chắc cũng không ưa tôi. Trong cuộc hội thảo về lý luận phê bình văn học ở Tam Đảo, anh ta ủng hộ Trần Mạnh Hảo, phê phán tôi là tiểu khí và hãnh tiến. Đúng là ăn nói vu vơ chẳng có căn cứ gì. Bây giờ Hảo đã trở cờ, không biết có còn dám bênh Hảo nữa không? Vũ Hạnh chắc cũng không ưa tôi. Khi anh đề tựa cuốn Hầu chuyện các giáo của Trần Mạnh Hảo mà cho rằng, Hảo không qua đại học là một điều may mắn của anh ta, thì chắc anh cho tôi là đại học rởm, giáo sư rởm. Còn Trần Mạnh Hảo thì tôi cho anh ta chẳng ghét gì tôi, tuy viết hàng loạt bài xuyên tạc quy chụp tôi tới tấp. Bởi con người này viết có vì chân lý, có vì yêu hay ghét gì ai đâu, mà chỉ xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Lúc cần đến Đảng thì nịnh Đảng, lúc cần theo Tây thì nịnh Tây, quay 180 độ như không.

Một người cũng hay phê phán tôi, phê phán rất quyết liệt nữa, là anh Trần Thanh Đạm. Anh cho tôi là đổi mới cực đoan, quá khích, còn tôi thì cho anh là đầu óc bảo thủ thâm căn cố đế rất khó hiểu ở một con người có văn hoá như anh. Anh viết một bài phê phán tôi khinh bạc cả cách mạng, khinh bạc hơn cả Nguyễn Tuân: “Đối với hơn 30 năm hy sinh chiến đấu của dân tộc của văn nghệ dân tộc, cụ Nguyễn Tuân chưa bao giờ không thể cái giọng khinh bạc như của anh Mạnh.3

Lập luận của anh Đạm có một mâu thuẫn: Câu trên anh viết: “Thế hệ trẻ rất thông minh, sáng suốt, biết phân biệt lẽ phải, điều hay với những trái lại”; câu dưới anh lại thừa nhận tôi “ uy tín tác dụng” hơn anh rất nhiều đối với giáo viên, sinh viên: Tôi ( Trần Thanh Đạm ) đã gặp nhiều thày giáo, nhiều sinh viên mang dáng dấp tưởng phong cách của anh (Nguyễn Đăng Mạnh), “đồ đệ” của cả điều hay lẫn chỗ dở của anh.” Vậy thì họ rất ngu chứ sao lại cho là “thông minh, sáng suốt” được.

Một điều cũng lạ là tuy phê tôi rất ác, nhưng tiếp xúc với tôi, anh vẫn tỏ cảm tình nồng nhiệt. Rất khó hiểu. Hay vì anh là người Huế – “Sơn bất cao, thuỷ bất thâm…”?

Nhớ hồi 1979, tôi có tặng anh tập tiểu luận, phê bình văn học đầu tiên của tôi, cuốn Nhà văn, tưởng phong cách. Sau đó ít lâu, tôi vào Sài Gòn, bị chảy máu dạ dày phải vào cấp cứu ở bệnh viện, anh có đến thăm. Anh tặng tôi mấy câu thơ, có thể xem là cảm đề cuốn sách của tôi:

Đọc anh nhớ lúc anh nằm viện,
Một lần ngoài đó, một lần đây;
Những dòng ta viết cho người khác,
Ai biết bên trong máu thấm đầy.

Gần 30 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, giờ tôi vẫn nhớ và vẫn biết ơn anh về bốn câu thơ ấy.

Về các nguồn động viên đối với tôi trong nghiên cứu phê bình văn học, tôi còn phải kể đến nguồn này nữa: Cảm tình của nhiều học sinh phổ thông trên nhiều vùng đất nước. Họ không hề học tôi và gặp tôi bao giờ, nhưng vì đọc sách của tôi (ngoài sách nghiên cứu phê bình tôi còn viết sách giáo khoa phổ thông trung học và nhiều sách bồi dưỡng học sinh về môn văn), họ viết thư thăm hỏi tôi, lời lẽ rất thắm thiết và đầy ngưỡng mộ4. Thư nào cũng mong mỏi tôi trả lời.

Nhưng tôi cứ lần lữa rồi cuối cùng chẳng trả lời ai cả. Chắc các em cho tôi là coi thường mình. Không, tôi không coi thưòng ai cả nhất là những người có cảm tình với tôi – vì khi mới tập sự viết sách tôi đã từng bị có người khinh và rất thấm thía điều đó. Chẳng qua là tôi có bệnh lười viết thư, kể cả viết thư cho người thân trong gia đình. Nhưng biết bệnh mà không sao chữa được.

Tôi rất biết ơn những bức thư kia. Đó là những lời động viên hồn nhiên, vô tư, chân thật nhất, giúp tôi phấn khởi trong hoạt động nghiên cứu phê bình văn học.


  1. Lời giới thiệu cuốn Văn học phê bình, nhận diện ( Hầu chuyện các giáo sư) của Trần Mạnh Hảo. Nxb văn học 1999. 

  2. Gần đây, do một số người (giáo sư Hoàng Xuân Sính, anh Hoàng Ngọc Hiến) sang Mỹ tìm hiểu về đại học cho biết, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, té ra ở Mỹ cũng có rất nhiều tiến sĩ rởm, viện sĩ rởm, có khi còn nhiều hơn ở nước ta.(hơn ba nghìn trường đại học, chỉ có khoảng một trăm trường có chất lượng và độ bảy trường có tầm cỡ quốc tế. Nhiều luận án tiến sĩ không đáng điểm không (zéro) – bà Hoàng Xuân Sính nói thế. Nhưng khác với ta, họ không sử dụng loại bằng cấp rởm. ở nước ta thì không phân biệt gì cả. 

  3. Trao đổi ý kiến với giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh về cuộc “nhận đường” của văn học hôm qua và hôm nay. Sài Gòn giải phóng, 11 – 6 – 1995. 

  4. Tính cho đến hôm nay, tôi đã nhận được 32 lá thư gửi từ các nơi như Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Giang, Hoà Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Qui Nhơn, Phú Yên, Vĩnh Long, Đà Lạt.