Một sáng Nhân Dân nhật báo ra xã luận: Đến lúc rồi! Shi shi hou le!
Lúc gì?
Lúc trấn áp, nghiền nát, đập tan bọn “hữu phái” đang điên cuồng chống phá Đảng cộng sản, mưu mô đưa Trung Quốc quay ngược trở lại con đường tư bản phản động.
Dài hơn gấp ba, xã luận hôm sau mới nói rõ hết đầu đuôi. Phái hữu đã lợi dụng thiện chí chỉnh đảng, trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng của đảng để lật đổ đảng. Chúng là lũ rắn độc, cỏ dại. Chúng nói đảng bày mưu lừa người.
Đúng! Mưu thật. Nhưng không phải âm mưu mà là dương mưu vì mưu này bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Không có mưu sao nhử được rắn độc, cỏ dại chui ra, ngóc lên mà tiêu diệt chúng chứ?
Đảng đề tỷ lệ 5 % đảng viên là phái hữu. Họ là những người lãnh đạo đã chấp hành nghị quyết chỉnh đảng mà cho mở báo chữ to, diễn đàn dân chủ để “thiêu đảng”.
Họ là những người đã bắt đầu do dự thì giật mình thấy Trần Kỳ Thông bị kỷ luật giáng cấp vì dội nước lạnh vào tinh thần đấu tranh của quần chúng cho nên lại vội ra sức lãnh đạo quần chúng đẩy mạnh thiêu đảng lên một nấc nữa.
Hàng triệu người đã bị chết, tù, lầm than trong cuộc đàn áp. Biết bao gia đình tan nát.
Sóng thần nổi lên dữ dội trong giới văn học nghệ thuật. Điêu linh những Ngãi Thanh, nhà thơ theo trường phái Apollinaire với tập thơ “Đuốc” cùng thời “Nữ thần” của Quách Mạt Nhược, Đinh Linh, Phùng Tuyết Phong, Ngô Tổ Quang…
Một chuyện làm xúc động và kính phục: Tân Phụng Hà, nghệ sĩ lớn Bình kịch, ngang tầm với những Mai Lan Phương bậc nhất Kinh kịch và Hồng Tuyến N, bậc nhất viết kịch tuyên bố từ bỏ hết các danh hiệu đảng đã khoác lên bà như đại biểu Quốc hội…, từ bỏ hết để cam chịu cùng tội hữu phái với chồng bà, nhà lý luận sân khấu lớn Ngô Tổ Quang. (Nhưng một tài liệu sau này tôi đọc lại nói Trương Khiếm, người đóng Hồ Điệp phu nhân trong vở ca kịch cùng tên lừng tiếng là vợ Ngô Tổ Quang).
Mao vạch mặt tổ chức “chống đảng Chương Bá Quân – La Long Cơ”. Chương Bá Quân, bộ trưởng Giao thông, chủ tịch Đảng Dân chủ Công Nông; La Long Cơ, bộ trưởng Lâm nghiệp, Phó chủ tịch Đồng Minh Dân Chủ, lãnh tụ tinh thần của trí thức ở Âu Mỹ về nước. La Long Cơ có một câu làm Mao tức tối: “Tiểu trí thức của chủ nghĩa Mác-Lê lãnh đạo đại trí thức của tiểu tư sản. Thằng mù dắt thằng sáng đi”.
Phải nói tôi thích ông trí thức này không bằng các đảng viên cộng sản thiêu đảng. Vẫn ngờ động cơ các ông.
Mã Dần Sơ, nhà kinh tế học tên tuổi và hiệu trưởng của chúng tôi cũng bị lôi ra là “rắn độc”. Ông đã phê phán lời kêu gọi của Mao cho rằng Trung Quốc càng đẻ nhiều càng tốt vì người là tư bản quý báu nhất, vì Trung Quốc phải tiến lên bằng các đại công trường thủ công nên càng ăm ắp người càng tốt. (Những năm 70, Lê Duẩn đề ra đại công trường thủ công và hợp nhất tỉnh, huyện cho đông sức chân tay là dựa vào ý Mao). Ông già Mã Dần Sơ bị đưa đi cải tạo ở đâu tôi không rõ.
Qua mấy tháng vờ dân chủ để khều rắn kể trên, tôi dần thấy thì ra mình cũng “rắn độc”. Chỉ là không bị nhử và không có chỗ chui ra thôi. Phải chờ sau khi về nước nó mới lôk mặt.
***
Một chuyện xảy ra với tôi trong lúc báo chữ to đang rầm rộ. Câu chuyện tôi giấu mãi.
Bữa ấy tôi đang đọc báo chữ to gần Da Xan Ting – Đại thiện đình (Nhà ăn lớn). Một sinh viên Trung Quốc đến bên tôi. Trắng, đẹp, kính trắng, mắt hiền.
– Xin lỗi, anh là lưu học sinh Việt Nam?
– Vâng, còn anh ala Thượng Hải? (ala tiếng Thượng Hải là chúng ta, chúng tôi).
– Tôi là… (anh nói tên nhưng tôi không nhớ), muốn nói chuyện một ít với anh, có được không?
Anh nhờ tôi chuyển cho sứ quán Việt Nam một thư đề nghị Bắc Việt Nam hãy tôn trọng hiệp định Genève, đình chỉ đưa quân và vũ khí vào trong Nam cũng như rút lực lượng đã phi pháp cài lại từ 1954.
– Làm gì có chuyện ấy nhỉ?
Hoàn toàn bị xúc phạm, tôi vừa ngớ ra ngạc nhiên vừa khó chịu. Anh đốt đảng anh thôi chứ lại định đốt cả đảng tôi nữa ư?
– Có, đài nước ngoài thường xuyên lên án, tố cáo Bắc Việt Nam.
– Sao anh tin những thứ ấy?
– Đọc các đại tự báo đây anh có tin không?
Tôi quay đi và nói:
– Tôi không chuyển thư anh được vì bận và vì ý kiến của anh thiếu cơ sở.
Nhưng từ hôm ấy, tôi bỗng cứ lởn vởn nghĩ ta có vi phạm hiệp định Genève thật không? Chả lẽ ta chính nghĩa lại bội ước? Chả lẽ bản chất ta hoà bình lại thích chiến tranh?
Lúc ấy thật tình tôi không biết đảng có phương án kế hoạch cài cán bộ và quân lính ở lại miền Nam cũng như tiến hành nghiên cứu ngay từ đầu hình thế bờ biển để sau này lập “đội thuyền không số” có cơ sở ở huyện Thuỷ Nguyên. v.v…
Lúc ấy đâu đã đến ngày, thí dụ 24 tháng 5 năm 1962 để tôi họp trưởng phó ban của báo Nhân Dân mà ghi vào sổ tay sự việc dưới đây: Chính phủ Diệm gửi công hàm đi 72 nước đề nghị lên tiếng phản đối Việt Cộng ngày một mở rộng hoạt động lật đổ (lúc đó Cà Mau đã thành vùng giải phóng) thì Anh quốc và Sihanouk hưởng ứng sớm nhất. Anh quốc quy trách nhiệm cho Hà Nội vi phạm hiệp định Genève, Sihanouk thì yêu cầu mở hội nghị quốc tế giải quyết vấn đề miền Nam để đất nước ông được yên. Nhưng Liên Xô, uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nước ký vào hiệp định Genève, lại đổ hết trách nhiệm cho Ngô Đình Diệm, quyết giữ hình thái hai bên Quốc-Cộng “trùm chăn đánh nhau” chết thôi bên trong lãnh thổ miền Nam theo đúng ý đồ miền Bắc. Canada và Ấn Độ trong Uỷ ban Kiểm soát Quốc tế đã ra nghị quyết riêng lên án Hà Nội vi phạm hiệp định Genève.
Thế là báo Nhân Dân nổ xã luận đả kích dữ dội họ. Phản ứng lại, Canada doạ rút khỏi Uỷ ban vì ta bảo họ “đứng đằng sau Mỹ” vu cáo miền Bắc. Ấn Độ thì bị xã luận bôi cho một câu lăng mạ: “không xứng đáng là Chủ tịch Uỷ ban quốc tế…”. Sau đó, hưởng ứng xã luận, dân nhiều nơi mít tinh đả đảo Canada, Ấn Độ.
Lê Duẩn phải dặn dò nên chú ý lời lẽ đả kích Anh và Ấn Độ. Cung bậc theo ông đại khái là chính phủ thì ôn hoà, báo đảng có thể cao giọng đôi chút còn ngoài ra, các báo khác tha hồ được nặng lời với hai uỷ viên quốc tế “bênh Mỹ – Diệm”. Liều lượng phân bổ đòn ngôn luận này đã vào cẩm nang.
Nhân nhắc đến Lê Duẩn thời gian này, xin kể tiếp một việc cũng vào sổ tay tôi lúc ấy. Ban văn hoá của báo cho biết anh Lê Duẩn quan tâm đến đời sống dân lắm. Anh đã hỏi kỹ anh Phạm Ngọc Thạch rằng một bát cơm ăn với rau muống luộc có khác một bát cơm ăn với rau muống xào không. Khi nhờ phân tích khoa học cao siêu, (tôi ngứa tay thêm mấy chữ này vào đây) biết là có khác nhau… “cơ bản” thì anh Duẩn đã chỉ thị hãy cố sao cho “về cơ bản” dân ta được ăn nhiều rau muống xào mà “cơ bản” bớt luộc đi. Nói “về cơ bản” vì phấn đấu cho có thêm mấy triệu thìa mỡ mỗi ngày “về cơ bản” không dễ!… Tôi nghĩ ngay việc gì phải Phạm Ngọc Thạch nghiên cứu, cứ bày lên bàn ông Duẩn hai dúm cơm, một rang mỡ, một không là kiến nó cho ý kiến nó ngay không phải chờ Phạm Ngọc Thạch chỉ thị cho ngành y tế.
Nhưng xin trở lại chuyện diễn ra ở Bắc Kinh.
***
Tuần sau tình cờ tôi gặp anh “Thượng Hải” ở gần Đại lễ đường. Anh đi với một cô gái trăm phần trăm Shang hai gu niang, Thượng Hải cô nương. Cô gái nhìn tôi như có ý hỏi anh bạn đi bên: “Cha từ chối đưa thư đấy phải không?”
Không nghe thấy nhưng tôi cáu – đinh ninh cô gái nói nei jia huo, thằng cha kia. Cùng lúc thấy cô gái rất đẹp. Picasso có lẽ lấy mẫu kiểu tóc đuôi ngựa ở cô gái thanh tú này.
Chẳng hiểu sao tôi rẽ ngoắt luôn. Tức. Không, có cả ghen vớ ghen vẩn.
Khi chống phái hữu, nhiều giáo sư, sinh viên bị đưa đi, tôi có ý tìm anh “Thượng Hải”. Không thấy nữa. Nghĩ cô gái Thượng Hải nếu không xuống nông thôn lao động cải tạo – để bị người ta cưỡng hiếp, chửa hoang và treo cổ chết – thì chắc phải bỏ học và bỏ cái đuôi ngựa “văn hoá đồi truỵ phương Tây”, tôi bỗng bồn chồn cùng ân hận lạ lùng.
Tôi chưa hiểu với tôi những ông thày sống động đầu tiên chỉ ra con đường và cách thức đấu tranh cho dân chủ chính là làn sóng “phái hữu” trong đó có anh sinh viên cùng cô bạn gái xinh đẹp của anh. Sau này trong gian nan phải chịu đựng tôi mới nhận ra hình ảnh của họ càng đậm nét trong tôi. Nhưng tại sao anh sinh viên đeo kính trắng lại chọn tôi để nhờ chuyển thư phản đối ta “phạm pháp” đưa súng ống, binh lính vào Nam? Anh đọc thấy gì ở trên mặt tôi. Một hừng sáng nào đó ư? Một kiểu Nàng Kiều với Đạm Tiên ngày Thanh Minh.
Tôi còn một bạn học, người Nam Kinh. Lúc “phái hữu” lên tiếng, anh từng bảo tôi:
– Chắc cậu cũng biết truyện “cô gái quàng khăn đỏ?” Chúng ta đấy. Cũng quàng khăn đỏ cả mà. Hỏi bà ơi, tại sao tai bà to thế? Bà nói: Để bà nghe thấu bọn phản động chúng nó thì thào. Thế sao mắt bà sáng thế? À, sáng mới thấy được chỗ chúng nó ẩn nấp. Còn răng? Sao răng bà to thế? Răng bà to để ăn thịt những đứa khoẻ thắc mắc về bà… như cháu. Ăn luôn.
Tôi hỏi anh:
– Người Trung Quốc nghĩ như cậu có nhiều không?
– Zen ma shuo ya? Nói sao nhỉ? Một nửa đi. Nhưng nửa kia có loa ở mồm và có súng trên tay.