Hoà bình, lần đầu tiên Linh được cấp một căn hộ ở Khu văn công Cầu Giấy để thật sự là nhà ở của riêng mình – trước toàn ở nhờ lớp học. Một trong bốn gian nhà lá mười hai mét vuông, tường toóc-si nằm trước hai ba mét một dãy nhà xí “tăng cường” (là cất vội thêm cho kịp với nhu cầu bài tiết do dân số tăng gấp) gồm bốn ngăn bằng đất (hai ngăn cho nam, hai cho nữ), ngang nhà ở của nghệ sĩ xét về vật liệu nhưng bé hơn, ọp ẹp hơn. Như tất cả, mặt hậu nhà tôi quay ra đường Chùa Hà (chả ai thiết mặt tiền, lúc ấy trừ tiền tuyến còn tiền gì cũng xấu vì nó làm nghĩ đến cái nhơ nhuốc nhất là đồng bạc), cứ ngày rằm mồng một hằng tháng, công an, du kích lại dựng rào, xếp ghế băng hầm hè đuổi nạt dân đến lễ, không cho bập vào “thuốc phiện”. Một lần dân gần như nổi loạn, huyện đội phải điều bốn khẩu đại liên phòng không vào sân chùa vờ tập trận, tôi ra tận nơi xem. Từ ngày đầu mở cõi nghệ thuật, ngoài nhà xí “tăng cường”, đã xây ở bốn góc Khu Văn Công bốn dẫy nhà xí chính thức mái phi-brô xi măng, tường gạch quét vôi trắng (sang hơn nhà đất mái lá của văn nghệ sĩ) đầy những bức vẽ có sức rủ gọi trẻ chui vào sau hố xí nhòm ngược lên những khi có nữ nghệ sĩ ở trong. Thấy nón trắng lốp (để làm cửa di động thay cho cửa gỗ đã bị lấy cấp về làm củi) rẽ vào mà nhòm là không thể sai. Đám trẻ ấy bà con còn nhớ tên, nay cũng đã hơn năm chục tuổi, xe hơi đi lại ra dáng cả. Vậy là danh thơm nghệ sĩ được gìn giữ quá lỏng lẻo sau những dãy xí tập thể giống các chòi canh thấp bé ở trại tập trung và có vùng toả hương rộng tới chừng ba bốn chục mét đường bán kính.
Hôm chúng tôi ở Khu Văn Công Mai Dịch dọn đến, Tr. trong dàn hợp xướng mách ngay:
– Anh nhớ cho em là của chúng ta, mọi cái đẹp đều giả, chỉ có cái xấu là thật.
Tôi lắc đầu, không hiểu. Cô bèn giảng:
– Không ư, đứng trên sân khấu Nhà hát lớn, đầy người óng ánh toàn kim sa, thuỷ tinh giả vàng giả bạc, chắp tay lại giả vờ say sưa hát “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”, để rồi khi nghe thấy mưa ầm ầm trên mái nhà hát lại bụng vội bảo dạ chết, liệu sân khu Văn công có bị lụt không, thằng bé nhà mình lê la trên hè có lăn cha nó xuống nước ngập trắng băng không. Mà tài anh ạ, vẫn cứ say sưa “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…”. Ừ, lão tác giả này hâm đặc, nó làm cho mình cứ mong chiến tranh mãi, kẻo mai kia hết thì sẽ xấu lắm đây.
Nói đến đây, Tr. tát vào miệng mình:
– Chung quy tại cái khe không đáy, cái lỗ không nắp này nó cứ phải có cái ấn vào để sống cho nên nó cứ phải điêu, mày này, cái đồ điêu, bà thì tát cho chết trợn mắt mày ra này. Có mó rau muống ăn cho ngày mai ăn cả
cho ngày sau mà cứ rên lên là chưa bao giờ đẹp bằng… Cha nó, thế mà là mồm mép! Là cái thùng rác thì có ấy!
Con đường đất chính chạy giữa khu lổn nhổn những tảng đá hộc (cốt để vấp ngã) được gọi là Đại lộ Hà Huy Giáp, cái ao rộng để vất rác, chuột, rửa bô là Hồ Cù Huy Cận. Có lẽ đám văn công đã mở ra kiểu lấy tên danh nhân cách mạng đặt tràn cho các đường phố sau này.
Tôi đưa con gái đi buổi đầu tiên đến trường. Thôn Trung, xã Dịch Vọng. Một hầm sâu một mét. Mái thấp đè sụp xuống bốn lớp ngồi hổ lốn. Hai bậc thang cuốc vào vách hầm làm lối lên xuống. Lớp học kiêm hầm phòng không luôn thể. Gà qué, chó lợn chạy nhẩng trên mặt đất hất tung phân, rác vào các cháu… Mưa, trẻ con trong lớp đội nón khoác mảnh ni lông và các trang vở nhoè nhoẹt.
Xin nói chuyện hai vụ cháy ở Khu văn công nhà mái lá. Nạn nhân là nữ ca sĩ nổi tiếng Ngọc Dậu. Chị chạy tới chạy lui vào đám cháy cố lấy đồ đạc ra đem chất ở gần đấy. Xong cháy, mò đến chỗ để đồ thì người ta khiêng về nhà người ta hết cả rồi.
Sau đó, nhà Q.L., một diễn viên múa có chồng học ở Pháp cũng bị cháy. Cô đứng canh trước nhà, ai đến cứu đều lịch sự từ chối. “Xin cảm ơn các vị. Tôi còn chả thiết cứu, tức là chả có gì thì thôi xin các vị khỏi luỵ”. Rồi bảo bạn bè:
– Thà thế, còn hơn bê đồ nhà mình ra cho người ta dùng hộ.
Và ai cũng khen cô biết xây dựng đạo đức mới.
Một chuyện nữa về nghệ sĩ. Thường một hai năm lại có dịp kéo quân sang Đức, Tiệp… biểu diễn và càn quét các cửa hàng bách hoá. Các cô kháo cái T., cái X. hay đi vì chịu chìa “hến” cho mấy lão trên bộ soạng. Chúng nó bảo mất chó gì. Soạng hến suông thôi mà. Coi như đi bệnh viện khám phụ
khoa thiếu găng tay. Một lần P., em gái NĐT đi Đức về đến thăm Hồng Linh kể:
– Chuyến này ở Berlin bọn em ngượng quá. Vào bách hoá, vừa mới cười làm duyên thì mấy cô bán hàng Đức đã đon đả: “Mẹ nhà các chị, có cần b. không?” chả biết đứa nào ở bên ấy nó dạy người ta lếu láo như vậy.
Những chuyện nên vào biên niên sử nghệ thuật Việt Nam vẻ vang thời chống Mỹ giải phóng đất nước.
Đời sống quá lầm than. Chiến tranh chấm dứt, cái nghèo khổ rộng khắp bao la đoái hoài đến dân ngay. Các ông anh cộng sản chỉ đủ sức và cũng chỉ mong giúp Hà Nội đánh đế quốc hộ. Còn xây gấp mười trước thì phải nhờ đế quốc thôi.
Mãi từ Cách mạng tháng Tám tôi nay mới lại nghe thấy chữ “điêu linh”, chữ xưa Việt Minh thường dùng để tố cáo chế độ thực dân bạo tàn.
Chú họ tôi ở ngã năm Nguyễn Du – Bà Triệu, một công chức lưu dụng giãn phế quản hộc ra từng ca máu khò khè bảo tôi:
– Đĩnh ơi… trên cao kia có biết cho nỗi điêu linh của dân chúng không? Nói tới đâu thì có người nghe cho nhỉ?
Tin yêu Cụ Hồ, chú ở lại cùng công nhân viên bảo vệ Sở điện nên được lưu dụng. “Chú ngỡ người ta thuần tuý quốc gia! Ai hay chính bà lang trọc cộng, nói lời lại nuốt lấy lời. Bố cháu hồi 1945-46 đã nói bọn Vẹm này nói thì kinh lắm rồi mà. Chú còn ngây ngô. Thình lình cắt tiêu chuẩn lưu dụng, lương tụt một nhát ngỡ như chính bản thân chú bị sập hầm”.
Cuối cùng sắp sáu chục tuổi ông phán là chú họ tôi phải đạp xe đi thu tiền điện. Ông nói:
– Lạ là từ Hàng Bài xuống Chợ Hôm cứ thấy toàn hố đào ngang đường. Đành xuống xách xe vòng lên hè tránh rồi lại tụt xuống đạp. Thấy người đi đường nhăn răng cười chú mới biết mình đã lầm bóng băng rôn hắt xuống là hầm hào. Thế là ứa nước mắt ra, biết mắt thiếu bồi dưỡng sắp mù đến nơi rồi. Một ông bạn bảo nếu đọc được băng rôn thì cụ không khổ. Toàn lời hay ý đẹp sáng mắt sáng lòng…
Đứa con trai út chú học “Nhật ký trong tù” phát biểu câu thơ: “Nhân vì trong ngục không có gì làm, Hãy mượn việc ngâm thơ cho qua ngày dài, Vừa ngâm vừa đợi ngày tự do” của Bác Hồ là tiêu cực vì chờ đợi tự do. Cậu bé bị phê vào học bạ: “Phần tử này không nên cho vào đại học…”
Cả trăm pho vè và tiếu lâm miêu tả cái nghèo. “Một yêu anh có Pơ-giô, Hai yêu anh có cá khô ăn dần, Ba yêu rửa mặt có khăn”, “Bắt phanh trần phải phanh trần, Cho may ô mới được phần may ô”. “Việt Nam kiêu hãnh hiên ngang, Mua cái đinh ranh cũng phải xếp hàng, mua mẩu khoai lang thì bẩm chờ em tìm tem phiếu”, con gái bảo nhau: “Lấy chồng cho đáng tấm chồng, Bõ công em tắm xà phòng Camay”. Camay là của quý bán chui bán lủi. Có người mua chỉ để ướp quần áo, mỗi lần mở hòm lại lim dim mắt hít một hơi.
Một sáng gặp Thanh Tú ở Cửa Nam. Tu mời tôi đến ăn cơm. Mạnh Toàn, bạn tôi, anh cả Kỳ Nam ở Hải Phòng lên. Tôi hỏi Tú dao này thế nào. Tú than anh ơi, sáng em đi bán bột mì đong gạo, chiều em đi bán quần áo họ hàng bên Pháp cứu tế, tối em đi bán mặt cho tivi, cho sân khấu… May là không bị gọi con phe. Mẹ em sang Pháp xem một phim về đời sống Việt Nam bảo xấu hổ lắm. Có cảnh bà làm phim (Tôi nói là Danie le Hunebelle rất đẹp, nhân tình Kissinger, mình đọc sách Dear Kissinger của bà ấy rồi mà) đến thăm một ông đạo diễn, vợ là giáo viên. Vào nhà ở khu tập thể Kim Liên, ba vướng mấy đứa trẻ đang dán bao bì cao Sao Vàng ở cửa. Hỏi lương vợ chồng xong bà đạo diễn nói thế thì chỉ mua nổi vài cân cá, tôi vừa khảo giá ở chợ Hàng Bè, vậy sống nhờ gì? Ông chồng chỉ vào đám trẻ : “Nhờ chúng!”. Ô hay, trí thức bóc lột lao động thiếu nhi, bố mẹ ăn bám con! Mẹ em bảo xem ti vi một mình mà vẫn ngượng chín cả mặt. Em bảo mẹ em: “Thôi, mẹ ạ, thì đã được thế giới ca ngợi là anh hùng”. Đảng ra sức truyền cho dân thói sính anh hùng và yếu tố quyết định tạo anh hùng là nuốt ngon mọi khổ cực, trước hết sinh mạng mình.
Phạm Mạnh Toàn nói ở Hải Phòng có ba anh em nó đều cán bộ chia nhau lần lượt nuôi mẹ già. Ba thằng gặp nhau làm thủ tục sang tay mẹ cho nhà khác, trong có mục cân mẹ, ghi sổ đàng hoàng để xem ai nuôi tốt nuôi tồi, áp dụng kiểu thi đua ở cơ quan. Nhưng bà cụ đáo để. Yêu đứa út nhất cụ độn vào bụng hai bọc xi măng, đứa thứ hai cũng yêu cụ để một bọc, đến anh cả cụ ghét thì cụ vất hết và ba hôm trước khi cân cụ còn nhịn ăn… Cụ nói thằng út tôi coi như công nông nên tôi chiếu cố.
Kỳ Nam kêu lên:
– Ôi đường lối giai cấp vận dụng vào cả trong gia đình.
Toàn cười:
– Có câu này vào được sử liệu các câu đối hay nhất nước ta: “Có cứt gì mà phân? Mà có phân thì như cứt”.
Nhân chuyện bán mặt cho tivi Thanh Tú kể, xin nói đến chuyện bán mặt nạ cũng của Thanh Tú tuy nó xảy ra lúc đất nước đã chơi xe hơi nhà lầu. Đầu 2003, tôi đi chào chỗ quen biết để vào Sài Gòn ở. Tôi đến Tú ở Triệu Việt Vương thì Tú bảo tiếc quá, giá anh không vào Sài Gòn thì anh với em cộng tác quá hay: ta viết sách về làm đẹp, em kể, anh viết… Tú cho biết tay nghề tô đắp cái đẹp dung nhan của Tú đã được kén làm đẹp cho các ông cốp lên ti vi. Tôi đùa “Công vỗ mặt ấy to đấy, bao nhiêu một mặt”.
Tú nói:
– Ba bốn chục nghìn. Mặt họ quý nhưng công mình vỗ vuốt mặt cho họ thì là công bọ công bèo. Nhưng em cũng thôi rồi.
– Sao thôi? – tôi hỏi.
– Có đứa bạn em nó bảo cẩn thận đấy, mày bôi mày quệt các thứ lên mặt các cha mà ngộ nhỡ các cha lên sởi hay quai bị hay sưng mộng răng hay phấn son làm nám da thì mày chết…
– Sao chết?
– Ô, người ta nghi mày mưu hại lãnh đạo… Này, các chỗ ấy nguy hiểm chết người hơn cả trạm biến thế điện hay chuồng cọp đấy, cứ té cho xa… Em bèn so-ri bái bài…
Tôi chợt nhớ tới chuyện Lê Duẩn xưa tắc “chỗ kia” mà chả bác sĩ ta nào dám mổ đâu. Cả Phạm Văn Đồng thong manh cũng vậy.
Vợ Vũ Hoàng Địch, giáo viên bảo tôi bọn tôi vừa ăn tối xong thì trường triệu tập họp gấp 7 giờ rưỡi. Đang đại hàn chi cực, rét ghê rét gớm. Tôi ngồi cạnh một cô cứ thấy nó run bắn người lên. Hỏi thì nó bảo chị sờ quần em xem. Ướt đẫm. Em có mỗi cái quần dạy xong đem giặt thì bị gọi họp. Nhà không có bàn là mà có thì hôm ấy cũng mất điện. Đạp xe đến bạn ở khu phố khác để là thì không kịp thế là đành… Lớp không có cửa gió bấc cứ hun hút. Tối ấy tôi tưởng nó chết… Ở Đinh Công Trứ, gần nhà Vũ Hoàng Địch, Anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên bán vé xổ số.
Dân tổng kết quá siêu đầu ra của võ công oanh liệt:
Đầu đường đại tá bơm xe,
Giữa đường thượng tá bán chè đậu đen,
Trung tá đi bán cà-rem,
Thiếu tá thì bận thổi kèn đám ma,
Đại uý chăn vịt đuổi gà,
Trung uý ở nhà bám đít con trâu,
Còn thằng thiếu uý đi đâu,
Ba-lô lộn ngược buôn tàu bắc nam.
Bao giờ Trung Quốc tràn sang,
Trung ương Đảng gọi, sĩ quan chạy làng!
Như ca dao xưa đã nói “thằng Tây nó tếch thằng Tàu nó sang!”. Cùng tiền đồ đầy hy vọng: “Ngày xưa chống Mỹ, chống Tây; Bây giờ chống cổng rước Mỹ Tây vào nhà”.
Một chiều xếp hàng mấy tiếng ở Bách hoá tổng hợp mua săm lốp xe đạp Sao Vàng theo tem phiếu một đời xe may mới được cấp một lần, tôi chứng kiến một cảnh chắc chắn khắp thế giới không đâu có.
Cách chúng tôi đám người mua xăm lốp chừng mười mét là quầy sữa. Bảy tám chị em còn trẻ nhấp nhổm chờ ở đó đã khá lâu. Chốc lại nhăn nhó hỏi cô bán hàng sao lâu thế, con em ở nhà chẳng có người trông. Nghe đâu bị giữ ở đây bốn tiếng, chị em đã gọi đây là Hoả Lò ngoại trú. Khoảng nửa giờ sau, một người đàn ông thấp, vạm vỡ, hai cánh tay trần xăm xăm đi tới, miệng nói lớn. “Trật tự, lần lượt từng người, xếp hàng vào… Nào, đúng là đã chờ đủ bốn tiếng chứ?” vừa nói vừa nhặt một tờ giấy ghi tên những người đến vào giờ nào giờ nào để ở trên quầy lên xem. “Ai không đủ bốn tiếng thì về hôm khác đến…”. (Một ông xếp hàng cạnh tôi nói khẽ: Sửa trụ sở y tế phường nên chị em phải đem vú đến chỗ chợ búa thử thách xem tươi hay héo, rắn hay nhão. Chúng nó cấm về nhà vì sợ chị em cho con bú hay vắt kiệt sữa đi… Chốc sẽ còn bắt chị em uống nước thật nhiều cho sữa dễ rỉn ra).
Tôi thật sự không tin vào mắt mình. Những bà mẹ trẻ lần lượt trật vú ra cho người đàn ông bóp kiểm tra trữ lượng sữa sẽ nuôi các Phù Đổng tương lai. Hai tay hai bầu, mắt chằm chằm vào núm vú, anh ta nói: – Cố nhịn đau đấy, tôi nhẹ tay thì lại bảo tôi ngoắc ngoặc, thiên lệch… Cô bán hàng bên cạnh bỗng bình giá: “Bốn hộp!”. Người mẹ vừa nghiến răng xoa ngực vừa vội kêu lên: “Ối, bốn hộp thì con em bú sao đủ, tiền đâu mua sữa phe, khổ con em…”
Tôi quàng lốp vào cổ vội lách ra. Nghĩ đến tít xã luận báo Nhân Dân: “Hà Nội, thủ đô của phẩm giá con người” mà không thể không rủa thầm bố tiên sư nhà nó!
Vừa tới cổng bách hoá đằng Hai Bà Trưng thì bị giật về đúng ba ngả: trái, phải và đằng sau. Một cô liến thoắng:
– Bố hớ rồi, dớ mẹ nó loại hai rồi, phải xem có sợi chỉ xanh ở vải lót bên trong cơ, bố Khốt (khù khờ) quá… Thôi, thương bố Khốt con mua đỡ cho với giá giữa loại hai và loại một xuất khẩu.
Tôi nghẹn cổ không trả lời được vì một cô bên trái đã hai tay níu lấy cái lốp xoắn lại và nó lập tức thít lấy cổ tôi. “Có mỗi con là chơi đẹp với bố Khốt. Nghĩa là trả đúng loại một, chỉ xin bố Khốt bớt kha-ra-sô năm đồng. Thế là ố chìn tuyệt, bố Khốt nhẻ nhẻ!”
Tôi cố gỡ ra khỏi gọng kìm:
– Tôi mua dùng, bánh xe tôi vấn một năm nay rồi…
– Bán đi. Đi vành sắt không lốp đỡ trượt ngã!
Tôi chẳng thiết ngó xem ai vừa mách mẹo thiết luân xa. Bụng nghĩ: chủ nghĩa tư bản biến người thành hàng hoá, mình hơn là còn được làm cái giá treo hàng cho nên mới thành lương tâm thời đại… đồ…
Ít lâu sau, mấy chị em ở báo cho hay tay bóp vú ăn lương kia bị vợ li dị. Quen thói hoá thành quỷ bạo dâm với ngay vợ.
Cũng cho hay hôm nọ y tế lộ ra bí mật quốc gia là 90 % trẻ sơ sinh của ta bị ỉa chảy. Loại cho bóp vú được tám hộp sữa Liên Xô cũng điêu đứng. Sữa Nga để quá ba ngày là kém phẩm chất. Ăn vội được ba hộp còn
năm lại đem ra Hàng Buồm cho phe đỡ hộ. Sữa Similac Nga ăn vào là trôn tháo cống ồ ồ ngay.
– Khéo mà các ta-va-rít làm nhầm thuốc tẩy ra thành sữa à?
Một chị vặn lại:
– Thế Nétxlê nó cho thuốc táo bón vào ư?
Một chị nhắc lại hôm nào công đoàn bán cho đoàn viên sữa Mộc Châu. Đặc quánh hệt mỡ tra ổ líp xe đạp. Nhiều người mách nhau nấu chè bà cốt. Cứ tương cho nửa bàn tay gừng vào là chắc dạ. Nhưng có chè lại khổ nỗi không thìa, phải lấy dao bếp nạy.
Nghe nói, tôi chợt nhớ đến những cái thìa ở quán Bốn Mùa thủng lỗ chỗ. Thìa không nằm trong dự kiến của Uỷ ban kế hoạch vì nghề đúc bị cấm như mọi ngành nghề thủ công khác – trừ hàng thiếc làm đèn dầu, bếp dầu bằng những vỏ hộp nhờ trật vú ra cho bóp mà có. Dân liền vào quán cà phê mậu dịch gọi một tách cà phê ba hào, uống xong nẫng luôn thìa nhà mậu hào hai một chiếc. Đối phó lại, nhà mậu đem đục thủng thìa ra. Một số trí thức gọi là thìa theo phái pointlillisme, – hội hoạ lấm tấm… Được, ông lấy ông vất cống cho bõ ghét thôi mà.
Nhà mậu cuối cùng thuê trẻ con mót que kem cho vào mỗi cốc cà phê hay chanh quả một que đã được dội nước đánh ào một gáo cho chung cả rổ. Cuộc đấu trí giữa thìa và que kem diễn ra khá dai dẳng trước con mắt dửng dưng của trọng tài là đảng vốn thờ câu “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng!”
Đúng, không công bằng quá! Sao quốc doanh các anh có thìa mà tôi không?
Tôi hỏi Khoa, công an sống trong khu văn công, sao ăn cắp nó chạy mà công an cứ thổi còi chứ không đuổi? Khoa nói:
– Đuổi làm gì chứ chú?Bắt sao được nó? Nó chạy nhanh hơn.
– Sao lại thế?
– Sáng nó xơi sủi cảo, bọn chúng em toàn cơm hẩm mà nguội ạ.
Thời ấy công an yếu không hay nện dân như thời lắp thêm chân kinh tế thị trường.
Lúc ấy chưa có tổng kết bất hủ: lương công nhân viên chức chỉ sống đủ cho 10 ngày. Tôi đã bảo Thép Mới:
– Nạn đói thâm niên này nhất định để lại trầm tích sâu dày trong vô thức. Rồi sẽ tham lam, tắt mắt, hôi của… tràn lan. Cái đói nó ngoạm hết dần nhân cách.
Nhưng dân không chỉ tự phá nhân cách! Cũng phá cả quan cách, tức là “tế phệ” ngay cái anh gieo khổ vào mình. Đầu tiên dân thử đánh thí điểm vào anh em quốc tế vô sản rồi mở ra diện sau. Đồng chí Liên Xô hoá thành Nhi-cô-lai Nhai-quai-dép, đồng chí Triều Tiên thành Chim Xun Xun, đồng chí Lào thành Hắc Lào Mông-chi-chít, Cai-đẻ Thôi-đẻ- hẳn, đồng chí Trung Quốc thành Bành Âm Hộ…
Quy luật chăng? Mở trận chống cường quyền, dân thường dùng vũ khí nhọ nồi trước. Bôi đen nhẻm mặt đối tượng đi. Thành khỉ khẹc rồi sẽ hiện ra thành quỷ dữ.
Tôi vẫn coi mẩu chuyện dân sáng tạo sau đây là tiêu biểu nhất của vũ khí nhọ nồi.
“Toàn chui lủi luật lệ, Việt Nam bị Liên hợp quốc doạ đuổi và phải khai lại lý lịch, không được nói phét nhập nhèm. Bèn khai:
– Họ và tên: An Nam, tức Việt Nam.
– Anh (kiêm mẹ lo cơm cháo): Liên Xô, Trung Quốc, chuyên xui em đánh đấm.
– Nghề làm lâu nhất: ăn xin…
– Sở trường: đâm chém và xé hiệp ước.
– Sở đoản: nhìn ngõ cụt thành đại lộ thênh thang.
– Khả năng giúp Liên hợp quốc: thảo nghị quyết.
– Tiền đồ phát triển: vật phẩm có triển vọng thay hết nhân phẩm”.
***
Một hôm, Bộ nội vụ mời tôi đến 16 Trần Bình Trọng; bộ phận tiếp dân của Bộ. Tết vừa qua, lũ người nhà tù xét lại đến đây gửi thư từ, quà Tết cho tù. Toàn các chị, riêng tôi đàn ông thăm Trần Châu vì anh không còn gia đình. Người trẻ nhất trong chúng tôi là Châu, con gái Kỳ Vân, chị đứa em, Đông, hy sinh vì rốc-két ở Trường Sơn. Cháu nhanh nhảu, hay cười như bố. Nhìn cháu tự nhiên tôi nhớ đến một sáng rất rét trên An toàn khu, nằm trong chăn Kỳ Vân bảo tôi: mày chưa được biết những sớm thế này con mày nó dậy nó leo lên người mày rồi nhìn mày bằng hai con mắt tròn xoe… rồi nghĩ thầm chắc là cháu này đây. Kỳ Vân bị cổ chướng được về nhà chữa bệnh. Đảng không muốn thêm một người chết trong tù sau Phạm Viết. Tôi hỏi cháu: bố sao?
– Bụng như cái trống chú ơi. Nước đái đỏ như nước vối đặc.
– Bố có buồn không?
– Cười đùa suốt, chẳng thấy buồn chú ạ. – Trả lời tôi, cháu cười toét, đúng cái cười của Kỳ Vân.
– Thế mới là bố cháu. Về nói với bố là chú hỏi thăm, chú rất nhớ… Bất năng khuất là bố cháu…
Thế rồi Kỳ Vân chết. Cháu Châu cũng chết. 1975, sau bố hai năm. Đẻ bị băng huyết.
Hôm nay nhận giấy mời của bộ, tôi vẫn lệ thường dạo bộ với Lê Đạt nhưng lần này rông xuống tận hồ Thuyền Quang. Rồi bảo Đạt chờ ở đó, tôi vào chỗ tiếp dân của bộ, ở Trần Quốc Toản.
Lê Thành Tài, người Nam tập kết, trưởng phòng cục chấp pháp đã ngồi chờ ở phòng khách cùng với một người mặt hổ phù đỏ xậm. Trước mặt hai người hai gói thuốc lá và chè chưa bóc. Tài giới thiệu, tôi mới biết người ngồi đó là Hoàng Thao, thứ trưởng công an.
Tai nghe tên Hoàng Thao thì đầu tôi nghĩ ngay đến Lưu Động. Anh nói ở nhà tù Sơn La, anh được chi bộ phân công dạy Hoàng Thao tiếng Pháp nhưng, anh nói, nó óc bã đậu quá. La forêt là rừng thì nó học mãi không thuộc, đến lúc thuộc lại xọ ra thành na pho dê nà dừng. Tao phải bảo xừ Xứng Lê Thanh Nghị là rừng dạy nó thôi, cho nó thông tiếng ta là tốt quá rồi…
Còn lúc ấy tôi chưa biết chính Lê Thành Tài có hôm bảo Châu trong tù:
– Ta vừa sút tung lưới xét lại Liên Xô ghi hai bàn thắng xong. Tóm mấy chục người các anh là một bàn này, vô hiệu hoá Võ Nguyên Giáp là một nữa này. Bàn thứ ba là sẽ sang Nga lôi cổ mấy thằng Lê Vinh Quốc, Văn Doãn v.v… về.
Cũng chính Tài bảo Châu khi Châu tù ở Phú Sơn Thái Nguyên:
– Báo anh biết là bắt thằng Trần Đĩnh em anh rồi. Nó là một bộ trưởng trong chính phủ phản động của các anh.
Châu bảo tôi sau đó nghe ở ngoài giếng có ai huýt sáo anh cứ nghĩ là tôi. Tôi nghe mà thấy mình có lỗi: Không bị bắt và không đến thanh minh khi anh ngỡ tôi huýt sáo.
Tài pha trà, bóc thuốc (Thăng Long hẳn hoi) rồi nói hôm nay bộ mời anh đến để anh Hoàng Thao có chuyện liên quan đến Trần Châu. Tôi hơi chột dạ thì Thao nói ngay:
– Nay Đảng khoan hồng tha cho Trần Châu về nhưng phải có người viết giấy bảo lãnh, mời anh đến là để viết bảo lãnh đó.
Ngỡ họ ít ra cũng thanh minh về việc lỡ bắt anh chị em, tôi phản ứng luôn:
– Tôi không bảo lãnh! Không tự do gì cả… Tự nhiên bắt, chẳng có toà xét xử và cứ thế giam, nay tan nát gia đình, thất nghiệp rồi ra tù lại cứ vẫn đeo cái tiếng phản động.
Lê Thành Tài hút thuốc, mặt như không nhưng dưới gầm bàn đá lia lịa vào chân tôi. Công an can tử tế cũng bằng bạo lực – đá ngầm.
Nhận thông điệp quá dồn dập của Tài vào ống đồng, tôi bèn nói:
– Nhưng đấy là nói nếu là tôi, còn đây là chuyện Trần Châu…
Thành Tài bảo anh chỉ viết nhận bảo lãnh cho anh Trần Châu rồi đưa chúng tôi là xong. Tài hỏi tôi ở quê còn ai không.
Tôi nói ông bà nội đã lìa quê từ trẻ. Ôi, số phận, nếu tôi trả lời khác? Có thể Châu sẽ chẳng về gần Hà Nội có vợ chồng tôi và sẽ chẳng lập gia đình và có con cháu ở một làng tại Quốc Oai, Yên Sơn và nằm lại tại đó. Nhất Sơn là làng nguyên quán.
Đến lúc ấy, Hoàng Thao nói:
– Anh Trần Đĩnh ạ, các anh nói Đảng ta theo Trung Quốc là không đúng đâu. Đảng ta coi Liên Xô và Trung Quốc đều có cái tốt cái xấu như nhau…
Tôi lại bật ra:
– Tôi đến đây là đi cùng một anh bạn, chính khi đến đây tôi bảo anh bạn đó là cả hai thằng đều thối.
Vừa nói hai thằng cứt hết với Lê Đạt thật, sửa thành thối vì xã giao!
Hoàng Thao vội xua tay:
– Thôi, thôi, tôi không nói nữa, kẻo các anh lại bảo Hoàng Thao biết gì lý luận mà nói.
Khi bắt Lưu Động, chắc Hoàng Thao đã bảo đem đến cho gặp mình. Chắc muốn cho một bài học lập trường. Tù Sơn La với nhau nhá, mày tú tài, tao bập bẹ chữ, nhưng đấy đã thấy căn bản cách mạng cần cái gì chưa? Cần chó gì cái tiếng Tây chuyên xui phản động của mày! Sau đó khi họ điệu đi, Lưu Động cứ ôm chặt chân bàn (gỗ lim nặng lắm, chắc vẫn là bàn mật thám Pháp hồi bắt, Lưu Động bảo tôi) mà chửi Hoàng Thao rất to:
– Tiên sư bọn Mao-ít chúng mày giỏi nhất là bắt tù giết hại đồng chí!
Mồng sáu Tết, Lê Thành Tài điện thoại nói Trần Châu đã về. Xin lỗi không báo trước được, anh ấy về từ hăm chín Tết.
Vâng, ở Xí nghiệp nông cụ Quốc Oai. Quan liêu mà không báo hay là đánh bồi thêm cho một đòn ngay sau khi mày đã được ông thả? Thế là Châu còm cõi mấy ngày Tết không Tết giữa cái nhà máy vắng lặng…
Linh chất đầy một xe máy thức ăn, quà cho tôi đi gặp Châu. Anh em ôm nhau, tôi nói khẽ vào tai Châu: “Thả ra vì nay cần con tin nộp Liên Xô…”
Không biết còn là tuân theo khoản thả tù chính trị ký trong hiệp định Paris. Mỹ nó hay thọc gậy vào bánh xe chuyên chính.
Ngang sống mũi Châu là một vệt tím bầm. Châu bảo sáng hôm được tin về, anh vui quá hút thuốc lào bị say ngã vập mặt vào gờ xô vệ sinh… Tôi nghĩ đó là cái dấu cuối cùng nhà tù lưu lại cho anh.
Anh em tù mỗi người về ở một huyện xa. Hoàng Minh Chính ở thị xã Sơn Tây ngay cạnh đồn công an nhưng chỉ một năm anh đã lén ra bến ô tô từ sớm mua vé về Hà Nội, phá lệnh. Đặng Kim Giang về Lim nhưng rồi cũng lại cả gia đình dọn về ở trong khu vực chùa Liên Phái. Vũ Đình Huỳnh về phố Thợ Tiện, Nam Định (cũng vài lần ra đến bến ô tô để về Hà Nội nhưng công an lại túm được). Lê Trọng Nghĩa đánh xe bò hợp tác xã vận tải thô sơ ở Trương Xá, Ân Thi, Hưng Yên. Minh Việt đến Thắng, Hiệp Hoà Bắc Giang. Gia Lộc, Kiến Giang ở hai nhà máy chè trên Ấm Thượng. Lưu Động, Huy Vân, Huy Cương về nhà máy gỗ đầu thị xã Ninh Bình. Phan Thế Vấn bật lên tận Lạng Sơn sống với em trai là bác sĩ Hổ trên đó. Hôm đưa Thẩm và Vấn về, xe Lê Thành Tài đỗ ở trước nhà Vấn để Tài vào báo cho bố mẹ Vấn biết Vấn lên Lạng Sơn. Không được vào chào bố mẹ, ngồi trên xe, Vấn nghe thấy người ta gắt bố già mình: “Đến báo con các người ra tù mà mãi mới mở cửa à?”
Bố mẹ Vấn từng lọ mọ lên tận Yên Bái, Lao Cai thăm đứa con cả tù tội. Nhưng đi hàng ngày đường vất vả chỉ được thăm con nửa giờ. Người ta phạt Vấn đã dám gửi thư lên Lê Duẩn xin cho anh thuê luật sư cãi giúp anh.
Ở đây phải nói tới kế hoạch chưa thực hiện được là đày vợ chồng con cái Võ Nguyên Giáp ra đảo Tuần Châu.
Sáu Thọ định sẽ để anh em tù cứ thế sống vĩnh viễn tại nơi về quản thúc. Cấm anh em làm những nghề sau: chữa đài thu phát thanh (sợ liên hệ với địch), chữa đồng hồ (sợ đặt mìn định giờ), chữa xe đạp (sợ có phương tiện tẩu thoát) và cắt tóc (sợ cắt tiết đồng bào chăng?)
Châu mới ra tù, mỗi tháng tôi đi thăm anh hai lần. Chủ nhật nhà máy vắng lặng, một mình anh trơ trọi. Thường lên đến bờ đê tả song Đáy đầu huyện Quốc Oai, tôi mới chảy nước mắt. Nhịn từ lúc chia tay. Biết rằng bao giờ anh cũng đứng ở đầu đê nhìn theo tôi mãi. Hà Nội từ nay là chỗ trống không của anh.
Nỗi khổ lớn nhất của anh là bặt tin ba đứa con. Mồng một Tết tự do đầu tiên của anh, chúng tôi đưa anh đến nhà bà chị ở Hàng Đào, cho anh đứng ghé mắt qua lỗ cửa con khoét trên cánh cửa lớn để nhòm xem ba con anh chúng sắp đến nhà Kh., dì ruột nó gần đây. Châu đang nghiêng nghiêng đầu ngó thì bỗng nấc lên một tiếng, bàn tay giơ lên quờ quạng, run rẩy. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy người mất hồn… Tôi nhòm ra: thung dung đi hàng một ở vỉa hè trước mặt, ba đứa trẻ con anh.
Một dạo dài chúng hãi hùng nghe nhắc tới bố.
Một quy định chung của Đảng: con cái tù xét lại không được vào đại học, trừ nông nghiệp, sư phạm và xây dựng mà Đảng coi là đồ tã…
***
Thẩm vấn tôi, người ta kết luận tôi sa đoạ vì đọc quá nhiều “tà thư”. Họ lầm chính sách của họ là chính thư, biết đâu chính cuộc đời bày ra sống động hàng ngày mới là chính thư. Còn trong mắt tôi tà thư lại nâng tôi dậy!
Thẩm vấn – à, là hỏi cung, dịch ra các tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha đều là thế. Thẩm vấn về, hôm sau tôi ngốn ngay Bươm bướm của Henri Charrière và mấy nhà văn nữ. Hoài niệm không giống với nó thuở xưa, hồi ký của Simone Signoret, vợ Yves Montand, hai vợ chồng đều siêu sao điện ảnh Pháp, Chim hoạ mi thôi hót trước bình minh của Elsa Triolet cho tôi câu: “Thuở ấy tôi chưa biết số phận, ấy là chính trị.”. Một cái chết rất êm dịu của Simone de Beauvoir viết về cái ốm cái chết riêng tư bé nhỏ của mẹ mình mà sao đầy trí tuệ và tình cảm tinh tế đến thế. Trong khi chúng ta ngày ngày chết bao nhiêu mạng mà chẳng có cái viết nào cảm lòng người. Tôi lẽ ra phải nghe những “chính thư” như chỉ thị của một nhà lãnh đạo văn hoá nói xã hội ta không có bi kịch.
“Nam Ngạn một bà cụ có hai con gái phục vụ trận địa pháo hy sinh đấy, anh nào đến chia buồn thì bà cụ tát cho vỡ mặt!”
Ở hồi ký của Simone Signoret, tôi xúc động chuyện Yves Montand nhận lời mời đến Hội nhà văn Liên Xô với điều kiện là không đòi ông hát, mỗi ngày ông đã hát ba buổi ở nhà máy, nông trường quốc doanh và nông trang tập thể rồi. Hội nhà văn nuốt lời. Rất cáu nhưng ông vẫn lên bục. Để hát đúng hai câu thì ngừng lại hỏi các nhà văn bên dưới: “Các người đã đổi gì để có phè phỡn này? Đổi bằng nín thít, thậm chí đồng loã nữa, trước những oan trái, chết chóc, tù đày của các nhà văn dũng cảm, có tài hơn các người rất nhiều đấy”.
Những ngày thế giới đau lòng về thuyền nhân Việt Nam, Yves Montand đã cùng Bernard Kouchner lập ra “Phong trào một con thuyền cho Việt Nam” với con tàu cụ thể là Đảo Ánh sáng.
Hồi Nghị quyết 9, tôi nói với Phan Kế An một tâm đắc lớn rồi sau đi vào biên bản hỏi cung tôi. Hai chục năm sau, An bảo tôi:
– Chơi với mày từ 1948-49, tao nhớ một câu mày nói: “Chúng mình tiêu bạc thật, họ tiêu bạc giả, hãy cho lòi thánh đường bạc giả ra”.