Rồi về Hà Nội. Nhưng còn vần tiếp tôi một số ngày nữa.
Cái hòm tôn hôm nay khiêng lên xe nặng quá. Thì mọi người bạn một biên bản khai cung vài chục trang còn gì?
Cùng Tuấn, Côn, anh tài khiêng được nó lên xe mà thở dốc, tôi xoa vào nó nghĩ thầm: thế nào mà Marx. Lê-nin, Mao, Lưu Thiếu Kỳ, Lukacs, Hồ Phong, Đặng Thác, Jean-Paul Sartre… chọi nhau ầm ầm ở đây, mày vẫn yên ắng chung sống thế này được nhỉ?
Xe thả tôi ở Khu văn công Mai Dịch. Vào buồng. Vắng ngắt. Phòng học rộng trăm mét vuông trần xì một cái chiếu mỏng bợt cói ở giữa nhà, một hòm gỗ tạp Linh mua ở Hàng Hòm bôi nước màu đỏ lòe lòe và một cái trạn hẹp cao ngất nghểu (để tiết kiệm diện tích) Linh tự đóng lấy bằng cái thùng gỗ tạp đại học bên Bắc Kinh cho tôi đựng cơ ngơi về nước. Ra lại Đường 32, gió thổi mới biết chảy nước mắt từ lúc nào. Hai mẹ con Linh – Mây đến bà cô tôi tại đầu ngã năm Bà Triệu – Nguyễn Du Hà Nội.
Jean Cathala, nhà văn Pháp bị vào trại cải tạo ở Liên Xô rồi sau thành cộng sản nói: Nghe Thorez Tổng bí thư, tôi không hay là mình đã phân thân. Từ đấy ở trong tôi có một Tôi Biết và một Tôi Tin. Hôm nay tôi lạ là hoá ra tôi đã biết qua qua nhiều nhưng nào tôi có hay. Khai cung trở về, “cái Trần-Đĩnh-Tôi-Biết” vẫn nguyên dấn vốn trong khi “cái Trần-Đĩnh-Tôi-Tin” không hề được phục hồi chút nào nhưng tôi chưa truất được nó đi, vẫn cho nó lái con tàu tôi. Tôi còn luỵ danh nghĩa đảng viên, điển hình của ngu trung. Mà để thể hiện nó thì phải tuân theo kỷ luật đảng. Cho nên bị đảng đánh đau bỏ bà nhưng anh phải nín thít. Đấy, tướng Giáp, đâu dám kêu oan trước quân đội mà ông là Anh Cả? Thà chịu nuốt đau, thà đóng kịch lạc quan tin tưởng để lừa nhau, lừa dân.
Vì sao? Lúc ấy trong tôi cái “tôi tin” vẫn lớn hơn cái “tôi biết”. Nó chỉ đạo hành vi ngôn từ của tôi thì tôi mới được là đảng viên và là đảng viên thì tôi mới có Quyền Lợi. Đúng, ít nhất là được quyền lãnh đạo, giáo dục và quản lý quần chúng – nghĩa là thuộc tầng lớp tinh hoa ở trên dân. Giải phóng con người là một thứ ngoa ngôn sặc mùi tâm thần. Giải phóng cho bản thân bình đẳng với dân còn làm không nổi, nói gì giải phóng loài người?
Xuống tàu điện đi bộ từ Cửa Nam về nhà bà cô. Mọi người đang ăn cơm tối. Đứa con gái một mẩu ngoan hiền ngồi bên mẹ. Tôi đeo ba lô đến bên cháu trước tiên. Cháu ngước mắt nhìn. Tôi chợt thấy ngay tôi thua đứa con hai tuổi rưỡi về cường độ kinh ngạc cũng như về chiều sâu ngóng chờ. Tôi đưa hai tay lên ấp hai má nó. Thế là bật ra cơn lũ quét. Mãnh liệt, nức nở. Nghe rõ tiếng kêu bất bình bênh vực bố, nghe rõ tiếng phản kháng chống lại một vắng hụt không có giải thích, không thể giải thích, tiếng bục phá của một dồn nén, một thua thiệt lâu nay phải kìm giữ trong câm lặng, trong lo lắng. Cũng cả một tiếng reo khe khẽ trước một kết thúc hằng khao khát.
Sáng sau, tôi bế cháu vào báo Nhân Dân, cơ quan tôi đã làm việc ở đó hàng chục năm trời, cái nơi mà tâm thức tôi vẫn coi là một chốn quê, một góc nhà.
Tôi chưa hiểu mình chung tình với họ là mình ngu dốt! Sao họ – những người coi khinh con người, số phận con người – lại chung tình với những kẻ họ cầm giữ làm công cụ được?
Đang họp toàn cơ quan. Hội trường đầy người. Các cái đầu quay ra nhìn tôi rước con lên vai cho nó cười khanh khách vờn túm các rễ đa loà xoà cách đó mười mét. Lễ hội nhỏ mọn của đứa bé thành vấn đề!
Hôm sau, tôi đến làm việc liền được Lê Điền thay mặt Ban biên tập, đảng uỷ và chi bộ Ban thư ký chính thức phê bình tôi hai điều: một, không thấy tôi ăn năn hối cải mà lại đến đùa vui trước tập thể để tỏ cho tập thể biết là mình coi thường mọi sự; hai, xa lánh anh em, không chịu gần để nhận sự giáo dục.
Tôi ngồi nghe. Không hề tức. Mà lại thấy hơi hài kịch. Nên đâm ra nghĩ lan man tới năm 1953, thường vụ tỉnh uỷ Nam Định, Lê Điền chân ướt chân ráo lên báo đã khẩn khoản nhờ tôi “lớp đi trước” mách bảo cho kinh nghiệm làm báo. Tôi đã mách. Còn mách cho cả cách yên thân. Trước khi đi học nước ngoài, tôi bảo anh cách trốn cải cách ruộng đất. Lê Điền vốn là địa chủ.
Tôi hỏi Lê Điền nói xong chưa rồi nói:
– Tôi trước hết không đi đạo nên không biết ăn năn hối cải. Tôi lại càng không phải là diễn viên để trình làng một cái mặt mếu máo (bụng nghĩ chắc Lê Điền phải nhớ tới Hồng Hà mếu máo lần họp đảng bộ xua quét xét lại). Còn cậu bảo tôi tránh anh em? Cậu có nhớ cách đây mấy tháng, cậu tìm tôi nói khẽ là cho mình lánh Trần Đĩnh từ nay không? Ai cũng tránh tôi vì sợ mà lại đòi tôi gần? Cậu có nhớ cải cách ruộng đất, địa phương cho người lên lôi cổ thằng địa chủ Đỗ Huy Định (tức Lê Điền) về đấu rồi may lại ngừng cải cách ruộng đất không?
– Thôi, thôi, anh Trần Đĩnh, tôi rút ý kiến, tôi cũng sẽ trình bày lại với chi bộ ý kiến của anh.
Mười sáu mười bảy năm sau, khi về hưu, Lê Điền là Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết. Sau bữa cơ quan liên hoan chia tay, anh đi bộ dọc Võ Thị Sáu đến nhà tôi ở Nguyễn Thông, gần ga xe lửa Hoà Hưng, Sàigòn. Vừa ngồi xuống ghế, liền nói:
– Tôi về hưu rồi, anh Đĩnh ạ… – Mắt thế là rơm rớm ướt rồi nghẹn ngào nói tiếp – Từ nay tôi sẽ không còn bạn, tôi biết… Ở ta, khi đang có quyền thì còn bạn bè chứ khi hết quyền thì sẽ vắng lặn. Tôi mong anh vẫn gần tôi…
Không ai hiểu thân phận bèo nổi mây trôi bằng các đảng viên cộng sản nắm chức trách.
Thật tình hôm Lê Điền thay mặt các thứ phê bình tôi, tôi đã định hỏi Lê Điền: “Cậu có nhớ lần cậu sang lớp tổng kết cải cách ruộng đất ở sáu xã huyện Đại Từ báo tớ về đi học ở nước ngoài, tớ đã bảo cậu hãy đưa vợ con trong vùng chiếm đóng ở Nam Định lên xã Bình Thuận đã cải cách ruộng đất để tránh bị đấu tố không?”. Nhưng hôm ấy tôi không kể công này ra vì thấy làm thế thì hèn hạ!
Chuyện xui Lê Điền trốn cải cách ruộng đất rồi tôi không nhắc với ai nữa. Không ngờ cuối năm 2012, gặp tôi ở nhà con gái út Hoàng Minh Chính, Đỗ Huy Bắc, con trai cả Lê Điền (hay Đỗ Huy Định), chủ tiệm rượu tây ở Hàm Nghi đã nói:
– Cháu rất cảm động kể lại với chú chuyện này. Chú đã mách cho cả nhà cháu bỏ Nam Định lên Bình Thuận, Thái Nguyên tránh cải cách ruộng đất. Bố cháu không nói. Thế chú bảo ai nói? Mẹ cháu, chính người phụ nữ đồng quê chả biết gì hết ấy đã thì thào dặn chúng cháu hãy nhớ lấy việc chú làm.
Tôi nghe cũng cảm động. Cả một thời xa lắc. Ừ, tại sao tôi mách lên Bình Thuận? Có lẽ cái tên Bình Thuận có dính đến X., cô con nuôi của Cụ Hồ mà tôi đã nắm tay, đã cho cô biết tôi ký tên Hoàng X. lên báo – khiến cô đỏ mặt nhìn tôi – rồi cô cho tôi cái thìa, món kỷ niệm tôi đặt lên trên bụi lạc tiên đầy bụi ở giữa Na Sầm và Đồng Đăng, chờ vượt sang Trung Quốc. Tóm lại tình trong như đã, mặt ngoài còn e…
Ngoài Lê Điền, tôi bảo cả Lê Bổng đổi tên kẻo địa phương họ đòi về đấu tố. Lê Bình ra đời từ đấy.
Năm 1949, Lê Bổng, học xong phổ thông trong Thanh Hoá được người anh họ Lê Xuân Kỳ làm văn phòng báo Sự Thật – gồm mấy bị cói tài sản của báo đựng ít giấy tờ còm và chiếc máy chữ Japy Baby giống cái máy chữ của Cụ Hồ – gọi đến chơi. Quang Đạm mấy hôm sau bảo tôi:
– Gay quá, Đĩnh à, cậu này con quan lại, địa chủ mà lọt vào căn cứ địa không giấy tờ gì hết. Bảo về thì sợ cậu ta đi qua Đường 5, Đường 6 bị Tây phục kích rồi khai ra thì nó ném bom tan căn cứ địa. Mà chả lẽ thủ tiêu…
Thế là Lê Bổng ở lại và nhờ hoá thành bình địa, anh đã bổng lên tới phó Tổng biên tập báo. Rồi thông gia với ông Phạm Ngọc Mậu cực kỳ lập trường bần cố. Tôi, kẻ “chống đối cải cách ruộng đất” thì ngã chổng kềnh… Tránh sao thoát? Tôi mang chất “phản” trong người mà. Cách mạng gồm “phản phong” và “phản đế” thì tôi “phản… cách mạng”.
Lúc ấy ở báo, chỉ riêng một cô biên tập viên tin quốc tế ái ngại hỏi hẳn tôi:
– Tạng anh thế sao lại làm chính trị?
– Tôi làm đạo đức, không làm chính trị, – tôi đáp.
Người ta đổi trắng thay đến chỉ một sáng một chiều, lật lọng, xoay đầu đổi đít, đấy, hôm qua mở cuộc thi khen tuần phim Liên Xô, Đàn sếu bay qua, Chín ngày một năm… thì hôm nay đã chửi là phản động, đấy, hôm qua leo lẻo hoà bình muôn năm, cả nước tới tấp ký đòi hoà bình thì hôm nay ai yêu hoà bình đã thành đầu hàng, phản bội.
***
Tám giờ tối hôm về lại Hà Nội, sau cơn lũ quét của con gái, tôi đến ngay nhà Phan Kế An. Bảo ngay An nếu họ hỏi tớ có đến cậu không thì bảo có nhé.
– Tại sao? – An hỏi.
– Họ theo tớ ngay từ nhà cho đến đầu ngã tư Quang Trung đây.
Rồi tôi đưa An một xấp giấy bao thuốc lá, giấy kẹo tôi ghi ở đó những điều đã khai liên quan đến An. Mai kia khai cung, An nói khớp với tôi thì đỡ rách việc. Tôi đưa ra một xấp mỏng nữa bảo tôi sẽ đến Nguyễn Tuân đưa. Thì An lắc đầu nói:
– Đừng, cậu đi vắng, xừ ấy bảo Nguyễn Thành Long là từ nay chúng ta đừng nói đến Trần Đĩnh nữa…
Mấy hôm nữa, như cho trọn vẹn, Long bảo tôi sau khi nói thế, Tuân có kèm thêm một câu tiếng Pháp: En lui, je respeste son côté homme. (Ở anh này tôi trọng cái khía cạnh người).
Vài tháng sau, An đi thẩm vấn, tại Hà Nội. An nói, Trần Trung Tá vụ phó Bảo vệ vừa thấy An thì hỏi luôn:
– Anh Trần Đĩnh về có đến ngay anh không?
– Có!
– Thế thì hỏng rồi, – Tá nói.
Tôi cũng sớm đến Chính Yên. Thấy tôi, anh hơi thất sắc.
Nhợt nhạt, âu sầu. Anh nói:
– Chúng mình không nên gặp nhau nữa. Nguy hiểm thật đấy chứ không phải đùa đâu.
Mấy hôm sau Chính Yên tìm tôi.
– Mình bị khủng hoảng quá, đừng giận mình. Đĩnh đến vào lúc mình đang chán. Mình đã tự tử. Trên Ban tổ chức trung ương… Khi đang viết bản cung. Treo cổ vào thắt lưng nhưng thắt lưng bở đứt, ngã một cái đau lịm người. Đĩnh đừng nói với ai.
Phải nói về Hà Nội hôm trước hôm sau, tôi đọc luôn Bươm Bướm (hay Người tù khổ sai – Le Papillon – BT) của Henri Charrière. “Tà thư” là thứ tôi không thể không ngốn. Rồi sau hai hôm thì đến xem ngay một phim Liên Xô chiếu cho nội bộ Hội điện ảnh. Chả thấy cần phải làm cho mình xo xúi đi, một dạng của giả nghèo giả khổ vốn dễ được lòng đảng! Tan buổi, đứng trên tam cấp rạp Dân Chủ, gần ngã ba Đình Ngang đâm vào phố Cửa Nam, nhìn xuống tôi thấy Trà Giang nhìn lên.
Ngẩn ra một lúc rồi Trà Giang khẽ reo:
– Anh Trần Đĩnh!
Thấy rõ giọng reo mừng kìa: tôi đã về rồi.
***
… Làm việc thêm một thời gian ở Hà Nội thì kết thúc. Họp rút kinh nghiệm. Tôi nói sáng nay đi Bệnh viện Việt Xô khám sức khỏe, thấy Huy Cận trước nhà A1, chưa kịp nói năng gì anh ấy đã rúc qua hàng rào ô rô, đi tuốt. Một thăm dò (“đấy bạn bè coi tôi là phản động rồi!”) nhưng Nguyễn Trung Thành, Trần Trung Tá, Lê Công Tuấn chỉ cười.
Cố nhiên tôi không nói lúc thấy Huy Cận tránh gặp, tôi thấy ngay người ta đã phao tin tôi bị bắt, tôi rất phản động, chống phá cách mạng dữ lắm và lạ lùng là tôi bỗng nhớ đến “Nắng chia nửa bãi chiều rồi, Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu…”. Đúng là chia. Tiền chiến thì ngủ đi em, mộng bình thường. Bây giờ mộng bình thường dễ biến thành ác mộng.
Nhưng cũng phải nói sau đó tôi vẫn ở báo Nhân Dân và Huy Cận đến đưa thơ đăng vẫn chuyện trò vui vẻ với tôi.
Cuối cùng tôi hỏi – lại một thăm dò:
– Tôi hay đến bè bạn, các anh biết, mà các anh thì còn theo. Để đỡ rối và mất thì giờ, các anh có thể cho tôi biết là tôi không nên đến ai không?
Tá suy nghĩ một lát rồi nói:
– Với anh, chúng tôi đã vi phạm nhiều nguyên tắc làm việc rồi. Đây là cái cuối cùng: anh đừng đến anh Lưu Động.
Tôi chợt hiểu vì sao trong thông báo thứ hai của Trung ương về vụ xét lại, Sáu Thọ nói lẽ ra bắt Lưu Động nhưng không bắt. Anh là bẫy cho những kẻ ẩn náu ở xa lớ xớ mò vào thì sập.
– Tôi đề vào lý lịch thế nào? – tôi hỏi. Thêm một thăm dò.
– Đề là có quan hệ với đám Hoàng Minh Chính. Anh chú ý là không được nói với ai, kể cả với anh Hoàng Tùng việc anh làm và nói gì với chúng tôi.
Lúc ấy, 1968, vì Cụ Hồ chưa “đi xa” nên chờ đến 1971, Đảng mới ra Nghị quyết 20 (hay 21 tôi không nhớ rõ) của Trung ương Khoá 3 lên án “Bè lũ xét lại hiện đại tìm cách tuyên truyền xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin. Một số phần tử trong nước ta đã sao chép các luận điểm của chúng, sử dụng các khái niệm xét lại để tuyên truyền chống lại các chính sách của Đảng ta. Bọn họ đã vứt bỏ nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào năm 1963, đường lối cơ bản của nghị quyết là phê phán và phủ nhận chủ nghĩa xét lại hiện đại…”
Tránh nói chúng tôi chống nội chiến vì nó có sức lay động lòng dân ghê nhất, bới ra sợ có khi dân theo bọn chống Đảng.
Trích ở đây một mẩu trong ghi chép của một sỹ quan quân đội miền Bắc bị quân Mỹ lấy được trên chiến trường, nói về một trong những tài liệu phổ biến về vụ chống Đảng như sau:
“Những kẻ phản bội này (…) cố ý phân tích sai, phê phán thiên lệch, và đánh giá có hại trong Bộ Chính trị để gây chia rẽ trong lãnh đạo Đảng. (…) Chúng cố ngăn cản cuộc phản công của chúng ta với quân thù. Chúng cố ngăn cản Đảng bộ miền Nam triển khai Nghị quyết 9 (tức là ngả hẳn theo Mao phát động chiến tranh đánh Mỹ. (Tư tưởng Mao được Lê Duẩn suy tôn là tư tưởng Lê-nin thời ba dòng thác cách mạng. – Trần Đĩnh chú). Chúng cho rằng trong 20 năm qua, đường lối chủ trương của Đảng ta bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa giáo điều và kế hoạch chống Mỹ cứu nước là thiển cận…”
Dùng chữ thiển cận ở đây cũng là tránh cái chữ chúng tôi nói: “không biết thương dân”, “bị Mao xui” (có khi cáu lên còn nói “bị Mao cho ăn cứt gà sáp”), “sai toét”…
Ai cũng biết Mao là tổng tư lệnh phất cờ cho một ít đảng háu đấu Mỹ nhưng có lẽ rất hiếm ai lúc ấy – kể cả anh chị em “xét lại” chúng tôi ngờ nổi rằng Mao kêu gọi đánh xét lại chính là chìa ra cho Mỹ tín hiệu củ cà rốt: ta đứng cùng một trận tuyến đánh kẻ thù số một của nhà ngươi đấy! Cho ta đi cùng với đi!
Biết Cụ Hồ sau Nghị quyết 9 đã bị phe Lê Duẩn cho ngồi chơi xơi nước, chúng tôi bắt đầu kém tin yêu Cụ vì đã chịu thua Lê Duẩn, không bảo vệ đến cùng chân lý.
***
Tôi chờ nhận một kỷ luật. Nhưng không.
Lê Đức Thọ đã giữ lời. Hay đúng hơn, ông tin chắc kéo được tôi. Biết đâu ông muốn qua tôi hiểu thêm sức mạnh cảm hoá của ông?
Lúc ấy tôi chưa thấy rằng ông hiểu câu “cán bộ quyết định tất cả” của Stalin hơn bất kỳ ai. Mà ông thì nặn ra kẻ “quyết định tất cả”. Ông cũng hiểu rằng nếu giỏi bấm vào hai huyệt tham và sợ thì sẽ dễ có cho mình một tổ chức nòng cốt lợi hại quay lại quyết định hầu hết bộ máy.