Chương 20

Đúng  là  có  một  tổng  hành  dinh  chuyên  phát  tin  hậu  cung tuyệt mật.  Ba ngày sau, Trường Chinh lên tiếng phê phán Liên Xô rút tên lửa.  Dặn vớt là vẫn phải giữ thái độ thân thiện với Liên Xô… Tôi viết hồi ký Trường Chinh với tâm trạng  rã  rời  và  trong  khung  cảnh  thất  bại  ê  chề  ấy.  Về  tình cảm  cá  nhân  tôi  bị  một  mất  mát  lớn:  Trường  Chinh  đã  đổi dòng.  Ông  mà  lại  theo  Mao  muốn  Xô,  Mỹ  choảng  nhau  cho ruồi muỗi chết!

Tôi gửi lên Trường Chinh bản hồi ký viết không hồn kèm một thư rất ngắn.  Đọc thư này, Thép Mới chớp chớp mắt nói: – Sao thư mày viết lạnh thế mày?

Tự nhiên nó lạnh thế.  Có thể nói đây là một thất tình của tôi  với  Trường  Chinh,  cũng  là  mối  thất  tình  đầu  tiên  trong đời.  Chợt thấy như bị vét trắng túi!  Vét nhẵn cả đến cái “tâm sự” tôi ngỡ nhìn ra thấy ở  anh tối hôm cuối cùng ở Bãi Cháy. Đúng ra đó là tâm sự của tôi trá hình sang làm tâm sự anh. Tôi  đang  mong  đảng  cự  tuyệt  xu  thế  tả  lộng  hành  xưa  nay trong đảng.  Và nhất là nay nó đang rầm rầm rộ rộ phủ bóng đen của nó lên toàn bộ sinh hoạt của đất nước. Chiến tranh hớn hở đến gần và cái phao tôi bám vào đã nổ đánh bụp.

Hồi ký và thư tôi không có trả lời.  Im bặt.  Hoặc là:  l)  viết quá tồi, không thể dùng được.  2) Trường Chinh không cần đến hồi ký nữa. Viết hồi ký là Trường Chinh muốn phất một ngọn cờ tập hợp.  Lúc dự định viết, ông quá biết ông có chỗ dựa ở Hồ Chí Minh,  Võ  Nguyên  Giáp  vốn  cùng  chung  quan  điểm  với  ông. Nhưng  ông  không  ngờ  Lê  Duẩn,  Lê  Đức  Thọ,  Nguyễn  Chí Thanh… đã có thể gay gắt đến thế với việc Hồ Chí Minh không biểu quyết.  Và ông bằng lòng điểm  chỉ vào Nghị quyết 9 làm “bố dượng tinh thần” như tôi nói. Vậy thì chả còn lý do để cho hồi ký của ông ra mắt nữa!  Mấy năm sau này ông có gọi mấy nhà báo đến như Lê Điền, Bùi Tín để viết nhưng tôi nghĩ ông chỉ cốt để phía Lê Duẩn không nghi ngờ ý định  “phất cờ tập hợp” bằng hồi ký mà ông định viết từ 1962 nhắc lại bộ ba chủ chốt Hồ Chí Minh  –  Trường Chinh  –  Võ Nguyên Giáp trên Pắc Bó, Tân Trào. Ông nhờ mấy nhà báo kia vì họ đều rất sùng bái Duẩn. Tôi bảo Trường Chinh quy hàng nhưng với ông thì ông đã  gương  mẫu  chấp  hành  nguyên  tắc  tập  trung  dân  chủ,  cá nhân phục tùng đa số, cấp dưới  (như ông, Chủ tịch Quốc hội) phục tùng cấp trên (như Lê Duẩn, tổng bí thư.)

Mấy hôm sau, gặp tôi ở sân báo, Quang Đạm bóp bóp tay tôi nói:  –  Mình vừa lên anh Năm  (tức Trường  Chinh) về, anh Năm bảo sao Trần Đĩnh lại sa đọa chính trị thế?

Tôi nghĩ thầm: chẳng biết ai sa đọa! Mới hôm nào ông thư cho  tôi  tán  thành  với  tôi  là  ta  tắp  lắp  của  Trung  Quốc  quá nhiều,  nguyên  nhân  vì  ta  yếu  lý  luận  và  kém  tổng  kết  kinh nghiệm.  Vâng, cải cách ruộng đất làm cho ông điêu đứng thế mà ông lại quên ngay bài học.

Trong  khi  đó,  tôi  vẫn  nghe  Quang  Đạm  nói  “với  riêng mình thì mấy đứa sống với nhau từ trên rừng mình muốn nói với Trần Đĩnh rằng Trần Đĩnh có thể chửi mình thế nào cũng được  thế  nhưng  Trần  Đĩnh  chửi  Mao  Chủ  tịch  thì  mình  đau lòng lắm.”

Tôi rút tay ra quay đi.

Tại hội trường Ba Đình, tháng 1 – 1964, trước các cán bộ cao  và  trung cấp  học  tập  nghị  quyết  9, Trường  Chinh  tuyên bố  đại  ý:  Đảng  ta  và  Nhà  nước  ta  về  cơ  bản  thống  nhất  với đường  lối  đối  ngoại  và  đối  nội  của  Đảng  Cộng  sản  và  nhà nước Trung Quốc.

Tôi nghe Nguyễn Thành Lê thông báo tin này ở cơ quan mà  tưởng  sụp  đổ.  Ngỡ  như  Nguyễn  Thành  Lê  chủ  yếu  chỉ nhằm bảo điều đó với riêng tôi.

Sau đó tôi gặp Trần Châu.  Anh nói hôm qua  Hoàng Minh Chính bảo anh là Chính đã có phát biểu bác bỏ tại chỗ ý của Trường Chinh.  Tôi liền thốc ngay tới Chính. Anh cho hay tại hội  nghị  phổ  biến  Nghị  quyết  9  ở  trường  Nguyễn  Ái  Quốc, Trường  Chinh  giới  thiệu  nghị  quyết,  Hoàng  Minh  Chính  đã đứng  lên  bác  lại. Vặn  ngay  Trường  Chinh:  Hội  nghị  trung ương 9 không đủ tư cách xóa nghị quyết đại hội 3 năm 1960. Phải là một đại hội đảng mới bỏ được đường lối xây dựng hòa bình ở miền bắc, chiếu cố miền nam. Chính nói đánh Mỹ sẽ là cưỡi lưng cọp dữ chứ không phải cưỡi cọp giấy đâu.

Kể lại với tôi Chính còn cười:  –  Thế không phải cưỡi lưng cọp dữ thì là cưỡi bò đi chơi à? Mao bảo toàn thế giới căng đế quốc  Mỹ  ra  mà  đánh  nhưng  Mao  cấm  dân  Trung  Quốc  đổ máu, người ta khôn thế chứ đâu dại như… ta.

Tôi  bắt  tay Chính  rất  chặt và nói: –  Đúng, đâu có phải là cưỡi bò. Mao rất giỏi dụ âm binh. Lò gang thép này, làm công xã  này, diệt  chim  sẻ  này, đều  cả  nước  rầm  rộ  làm…  Nhưng đánh Mỹ thì bảo đứa khác.  Cũng như hiếu chiến thì lại chửi Mỹ phá hoại hòa bình. Nay nơi dễ xúi cho choảng nhau hơn cả là Việt Nam sẵn có hai miền và đêm không ngủ ngày không ăn!

Lúc  ấy  có  một  chỗ  kẹt  ghê  gớm.  Đảng  hết  sức  bí  mật chuẩn  bị  chiến  tranh, ngay  Nghị  quyết  9  cũng  có  hai  phần, phần hai mới nói về đánh Mỹ nhưng tuyệt mật chỉ phổ biến đến một bộ phận nhỏ cán bộ cao cấp cho nên chúng tôi không thể vô bằng vô cớ đùng đùng kêu lên phản đối chiến tranh! Ai chiến tranh? Đảng bảo vệ hòa bình cơ mà? Có đánh Mỹ đâu mà đảng tranh luận với chúng tôi chuyện nên hay không nên đánh. Đảng chỉ chống chủ nghĩa xét lại, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lê thôi! Rồi nữa, nếu có chủ trương đánh thật thì sao anh lại biết được  “bí mật Nhà nước “?  Anh thế là tỏi rồi.

Trong  khi  hết  lời ca ngợi  phản  chiến ở Mỹ  thì  tại  sao trừng  trị  chúng  tôi ác  nghiệt  đến  thế và đặc  biệt  trước  sau không bao giờ nêu tội danh phản chiến của chúng tôi ra? Kìa, nêu ra để mà lộ ý định phát động chiến tranh hay sao?  Hơn nữa, để cho tia lửa phản chiến của chúng tôi có cơ lan nhanh đi khắp đất nước ư? Chụp cho chúng mày cái tội tay sai lật đổ hèn hạ là hay nhất.

Tôi bảo Chính tôi quá thất vọng về Trường Chinh. Chính hơ hơ cười: –  Mình thất vọng hơn ấy chứ. Chính ông ấy nhờ mình viết cho ông ấy diễn văn đọc ở Đại hội 22 ca ngợi chung sống hòa bình mà.  Lúc đứng lên ở  giữa hội trường bảo đánh Mỹ là cưỡi cọp dữ chứ không phải cọp giấy, mình nhìn xoáy vào ông ấy thế này như định hỏi:  “Sao hôm nay đồng chí nói
khác?”

– Thế nét mặt ông sao?

– Ông ấy nhìn lại… Ông ấy thì kín lắm…

* * *

Xuất hiện bài vè phân hạng xét lại ở báo Nhân Dân:

Trần Châu, Trần Đĩnh, Hồng Hà, 
Khánh Căn, Hữu Chỉnh, Cộng Hòa, Hồng Thao, 
Chính Yên, Lưu Động cũng vào…

Và một số tên nữa.

Thế ra tôi “á hậu” 1, Hồng Hà “á hậu” 2. Rồi nhờ quay lưỡi “nhất trí,” á hậu 2 vào Ban bí thư trung ương đảng.

Hoa hậu và á hậu 1 thì khốn đốn…

Mao – nhều  ngâm và bình ran ran ở cơ quan báo cái cao siêu của  “Nhật ký đường về” của Tố Hữu mới ra mắt, chiếm gần  một  phần  ba  trang  nhất  báo  Nhân  Dân.  Nó  hoá  thành đỉnh thơ ca  và ngang với sấm Cụ Trạng.  “Hạ cho Cẩm Ly một câu thành trì lặng im là tiêu ma mẹ nó cu cậu rồi…,”  “Hay, rủ Castro theo bằng câu ‘Có về Nam Hải với anh thì về’, quá hay. Xưng là anh quá đúng.” Lúc ấy có ý cho rằng Castro bị Liên Xô úm.

Hay véo von nhất hai câu:  “Bên đây biên giới là nhà, Bên kia biên giới cũng là quê hương.” 

Một bữa tôi hỏi móc một Mao – nhiều: – Này sao không đọc “Bác Mao tuy   rất xa, Bác Hồ ta đó ấy là Bác Mao?.” 

–  Đọc chứ!  –  Đọc luôn và sau đó hất đầu hỏi:  –  Có  biết bài này còn hay hơn nữa không? “Mao Trạch Đông! Tôi đã thấy: Dáng người cao lồng lộng, Đẹp như một ngọn cờ Hồng, Trên mặt người, mặt đất mênh mông.” Còn nhiều nữa, nghe không? Ừ, anh Lê Duẩn viết sao? “Tư tưởng Mao Trạch Đông là tư tưởng Lê-nin  của thời đại ba dòng thác cách mang Á – Phi – La…”, đọc đi chứ, văn bản tất độc cơ mà, đọc thuộc lòng vào.

Khương Hữu Dụng kể khi làm việc tái bản tập thơ  “Ta đi tới”  của Tố Hữu, anh rất ngạc nhiên thấy Tố Hữu gạch chéo chữ  thập  lên  khổ  thơ  “Hoan  hô  đại  tướng  Võ  Nguyên  Giáp” rồi nói “Bỏ đi, người này hết vai trò lịch sử rồi.”

Trước khi ra  tay đổi tiền năm 1985 làm tan hoang cuộc sống của dân nước, Tố Hữu đã giơ tay đổi ghế. Những ngày tháng ấy nổi bật lên trên mặt trận tư tuởng là Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu. Thanh có một bài nói làm cán bộ quá ư xôn xao. Vì tầm chửi rủa cay độc, phũ phàng và rải thảm của nó.

Chính Yên đã đưa tôi đến nhà Nguyễn Khắc Tiếp đọc bài báo nảy lửa này.

Một  ấn  tượng  bao  trùm:  kinh  sợ!  Sao  có  thể  thù  ghét những cái vui nho nhỏ của kẻ khác đến thế? Sao tự cho mình có quyền vọc tay vào đời người khác như thế? Sao cho phép mình làm phán quan lập trường, đạo đức để ngạo mạn lên án người khác như thế?

Bài nói rất dài. Chính Yên đọc hơn một tiếng. Chíếc mùi – soa cô con gái thôn quê mua làm nơ buộc tóc cũng bị rủa là “học đòi tiểu tư sản,” văn công lên diễn sao cứ phải phấn son? Trừ phi diễn cho nước ngoài thôi chứ còn thì cứ là diễn mộc, mặt thế nào thì lên sân khấu cứ để nguyên thế ấy!  Bà tướng, vợ Phạm Kiệt cũng bị chửi là “đỏm dáng như khỉ.”

Nhà  Tiếp ở cách hàng  vàng  giả  Mỹ Ký  xưa  kia chút  ít. Ở Tiếp về sau đó, tôi bảo Chính Yên: – Xưa có một Mỹ Ký và họ nhận họ hàng giả, nay la liệt Mác Ký nhưng  đều  nhận  Mác thật.

Cụ  Hồ đã yêu cầu thu hồi bài nói. Vài năm sau Hồng vệ binh Trung Quốc cũng nói y thế. Nguyễn Chí Thanh đánh phá ác liệt tiểu thuyết “Phá Vây” của  Phù Thăng vì có câu “hoà bình là nguyện ước của vạn vạn con người.” Rồi “vào Đời” của nhà văn quân đội Hà Minh Tuân.  Thép Mới, Như Phong bảo tôi viết phê bình. Tôi nói Tuân bị chê mãi là  “tô hồng”  thì nay sửa bằng bôi đen tí ti đi chứ có gì đâu mà phê?

Sáng sau Như Phong hớn hở đến nói mày thôi, để tao viết. Như Phong là  cựu Văn hóa Cứu quốc nhưng nay cũng ở danh sách những người mê Mao, sùng bái Mao, Mao – nhều, bảo  tôi: – Tối qua  ông Thanh gọi tao đến nói đây là thuốc độc, anh phải vạch trần ra.

Như  Phong viết “vào  Đời, chén thuốc độc.” Bại hoại, tan một đời Hà Minh Tuân. Đọc đầu đề bài báo, tôi bảo Như Phong: – Thuốc độc là của ông Thanh còn chén chứ không thìa hay bát thì do dược sĩ Như Phong quy định!

Như Phong hi hí cười: – Thuốc độc thì một chén đã là đủ đô rồi còn gì nữa hả mày!

Sau  bài  báo  này  Như  Phong  lại  được  dùng  rồi  sang  báo Văn Nghệ. Nhưng cuối những năm 70, chính anh đã bảo tôi: – Mày nhìn rõ lão Mao rất đúng và rất sớm!

Giữa năm 1963, Nguyễn Chí Thanh có bài đăng trang nhất báo Nhân Dân kêu gọi tiết kiệm lương thực. Hợp tác xã cha chung không ai khóc, năng suất thấp, thóc gạo thiếu, biện pháp duy nhất thích hợp là bóp miệng lại, Thanh nay liệt bún vào bảng xa xỉ phẩm. Viết hẳn: Tại sao phải ăn bún?

Lúc Tố Hữu mở bữa thịt chó khao in tiểu sử Cụ, chưa hợp tác hóa nông  nghiệp, bún  ê hề, Thanh ca ngợi thiên tài bếp núc dân tộc thể hiện ở tổ hợp bún, thịt chó, mắm  tôm. Từ ngày hợp tác hoá nông nghiệp, quản lý hết thóc gạo thịt thà, kể cả chó, thiên tài bếp núc gần như tiêu ma. Một cá nhân bèn dám lớn tiếng truy hỏi dân tộc: “Sao phải ăn bún?” và nổ bộc phá vào nền móng thiên tài ẩm thực dân tộc!

Sau phải có chế độ đổi tem gạo lấy bún để duy trì  tổ hợp thiên tài.

Đọc xong bài báo của một cá nhân dám lên tiếng truy hỏi dân tộc: “Sao phải ăn bún?” tự nhiên tôi sang buồng Thợ Rèn, hỏi lại chuyện dạo nào Thợ Rèn theo thư bạn đọc làm một bài “chuyện lớn chuyện nhỏ “phê một xe hơi chở mấy cậu ấm chạy  chơi trên bãi biển Sầm Sơn đang buổi tắm đông người. Bài có chú thích hẳn số xe hơi. Đúng hôm báo đăng, hai anh công an đến gặp Thợ Rèn  hỏi  tại sao anh đả kích cái xe có biển số kia. Rồi cho biết cái xe đó là  của anh Thanh. Phải cảnh giác bọn phản động bôi nhọ lãnh tụ. Chúng tôi đem  thư về nghiên cứu bút  tích tìm kẻ tố cáo.

Tôi thấy Nguyễn Chí Thanh lần đầu ở chiến dịch Vĩnh Phúc, 1951. Ở mặt trận về Tổng cục Chính trị tiền phương, đến một đầu lũng nhỏ, tôi chợt nghe thấy tiếng thú gầm gừ và tiếng vật lộn. Rẽ vào một tràn ruộng cạn, tôi chậm chân lại: một người quần áo nâu đang vật nhau với một con béc – giê to tướng. Người nằm dưới gạt đầu chó ra nhìn tôi – kẻ phá quấy – rồi lại tiếp tục cuộc đọ tài cao thấp. Tôi nhận ra một khuôn mặt vuông vức, xám đen, dân dã nhưng oai. Vào Cục tuyên huấn, tôi hỏi Tử Phác đang trực ở đó rằng ai ở đây mà Tây thế, vật nhau với béc – giê? Tử Phác thủng thẳng: – Ông tướng nông dân Nguyễn Chí Thanh, người vẫn phê bình cán bộ đến cà phê cô Hạ Cao Vân là hoà bình hưởng lạc đấy!

Năm 1964, tôi đi với hai nhà báo Trung quốc Luo Lie và Xi Hong Shi vào Vĩnh Linh. Khi trở ra, tôi đến Nguyễn Tuân. Anh hỏi thăm ông chủ nhiệm Nhà giao tế Đồng Hới còn không. Rồi hạ giọng hỏi: – Ông hay gần các ông to, tôi xin hỏi ông là có thật anh  Thao (Nguyễn Chí Thanh) thanh đạm như vẫn đồn không? Tôi nói tôi không rõ ông này. Tuân bèn nói: – Lần ấy mình dẫn Pierre Abraham của tờ Nouvelle Critique  vào trong đó.  Đến  Nhà  giao  tế,  nhòm  vào  tủ  rượu,  mình  thấy  hai  chai săm – banh Moet & Chandon thì  mừng quá bèn khen xừ chủ nhiệm chuẩn bị đến  cho cả  rượu ngon của Pháp cho khách quý Paris. Xừ chủ nhiệm bèn nói không, đây là dành cho anh Thao, anh Thao ngày nào cũng hai chai. Sáng sau sắp lên đường đi tiếp, xuống  nhà  ăn  thấy hai cái  thồi to kê sát  vào nhau bày đầy món ăn rất ngon, mình lại nhanh nhảu khen tay chủ nhiệm khéo chuẩn bị cho ông khách quý Paris có cái ăn trong mấy ngày ở Vĩnh Linh. Xừ chủ nhiệm lại nói: Dạ thưa bác, hôm nay gia đình anh Thao lên núi đi săn với thường vụ tỉnh ủy, các cái này là phục vụ các anh ấy đấy ạ!

Kể đến đây, Tuân nhành mồm ra cười đánh khì  một cái rồi nghiêng người đặt tay lên đùi gật gù,  như tượng  “Người suy tư” của Rodin  nhưng chán đời.

Hai năm sau, 1966, chuyện cũng dính đến ô tô.

Hôm ấy, Mỹ ném bom Phú Thượng, quãng ngã ba đường Bưởi.  Làm việc với anh chị em từ trong Nam ra ở K15 Nghi Tàm, năm giờ chiều Nguyễn Khải và tôi về. Thì ngập vào đám đông bà con lũ lượt chạy về Hà Nội nghẽn hết cả đường. Chợt một Volga đen từ Hà Nội nhích từng vòng bánh lên phía Phú Thượng. Trên xe ba đứa con trai nhảy từ ghế trên xuống ghế dưới. Và Nguyễn Chí Thanh lặng  ngắm Hồ Tây đỏ tía ánh chiều tà trước khi tới tham quan nơi bị bom Mỹ.

Tôi nói: – Đang Buồn trông cửa biển chiều hôm kìa.

– Ông ấy nên đeo khăn tang, – Khải nói.