Chương 52

Không thể không đưa những ngày cuối của Trần Độ vào góc vài chân đung nạn nhân ở đây, tuy anh đã xuất hiện ở một số chỗ khác trong cuốn sách này.

***

Vào Sài Gòn bị ốm phải nằm Chợ Rẫy, Trần Độ ra Hà Nội thì lại bệnh viện Hữu Nghị liền. Hai ngày sau về nhà, anh gọi tôi: Mai 2 tháng 9, đến tôi chơi đi. Nằm liệt đây, thể nào lại bị gẫy xương hông.

Cười khì một cái nhẹ như tự giễu mình.

Kể ngay ở Sài Gòn anh bị hai công an vạm vỡ nhảy tót lên xe anh chẹn cổ lấy đi tập Nhật ký rồng rắn anh viết suy nghĩ của anh trong hai năm 2000 và 2001. Tôi hỏi anh có nghe nói đến Bùi Quốc Huy không? Tôi xem cách thức lên xe bắt chẹt ông già thế này dễ Bùi Quốc Huy lắm.

Trần Độ nói mình cùng không rõ là anh nào. Ở ta tai nạn kiểu ấy chắc chả ít. Cái Trâm, đứa con dâu út của tôi ở Sài Gòn luôn gọi ra nói con sợ cái đống dây điện lằng nhằng ở đầu giường bố lắm đấy, nó nghe trộm bố suốt ngày suốt đêm đấy. Có khi vừa nói vừa thút thít.

Mắt thấy lắm dây điện quanh Trần Độ tôi cũng có ngại thật. Nhung anh xua tay, ý là “Không sao đâu”. Tôi ngờ anh có cách. Một bữa đã gặp một sĩ quan thông tín dưới quyền anh ngày xưa cầm các dây điện lên đứng im lặng xem.

– Nghe nói ông Giáp, bà Hà đến thăm anh, tôi hỏi?

– Có đến đấy.

– Vui không anh?

– Chả vui… (Chớp chớp mắt nhìn trần) Cảm động thì có. (Im một lát nói tiếp:) Anh Giáp nắm tay mình thế này nói thương Trần Độ lắm, thương Trần Độ lắm, chẳng làm cái gì, chẳng qua nói thật… Đến đây bà Hà khẽ giật tay ông Giáp, ông Giáp bèn thôi… (Ngừng một lát lại nói:) Không biết tôi nghe có lầm không nhưng tôi nhớ là anh Giáp có nói thế này: Tôi nhất trí với những cái anh đã viết… Đến đây bà Hà lại giật một cái, ông Giáp lại im.

– Bà Hà chắc còn sợ cái phương án Sáu Thọ đày cả nhà ra đảo Tuần Châu… Ra đảo thì ông Giáp thành An Tiêm nhưng dưa ông Giáp trồng là dưa Tây-về chứ không phải Tây-qua…

– Anh phải thấy bà Hà giật tay ông Giáp và ông Giáp nghe lời, Trần Độ cười.

– Cũng có lúc chả phải đến bà Hà giật. Phan Kế An bảo tôi một tối ông Giáp cùng một bảo vệ đến nhà An chơi theo hẹn. Lúc này ngồi chơi xơi nước, Giáp đang học piano và làm giao hưởng Điện Biên Phủ với Lê Liêm. Bốn chương, mỗi anh viết hai. Ai hay lão Podonski, hình như phó đại sứ Liên Xô tình cờ lại đến trước. Lão này bị coi là “giặc tình báo”. Đến lưng chừng cầu thang nhìn thấy phòng khách có Tây, ông Giáp bèn quay lui luôn. An ra mời thế nào ông Giáp cũng nhất định để khi khác.

– Ghê nhỉ… (Trần Độ nói và tôi chả tiện hỏi cái gì ghê. Rồi Trần Độ nói tiếp:) Ai cũng hãi mạng lưới công an phủ kín mít.

À, trước khi về, anh Giáp ghé xuống sát mặt mình nói: Phải sống đấy nhé, nhất định phải sống đấy, nhất định sống… Làm cứ như nhật lệnh, không nghe thì kỷ luật phắt. (Trần Độ lại cười).

Giáp đọc thấy cái gì báo trước trên mặt Trần Độ. Năm sau Trần Độ chết

Những ngày ấy tôi đã nghe giáo sư Đào Đình Đức bảo Trần Độ bị ung thư bàng quang. Cùng anh khám chữa bệnh cho Trần Độ, Bửu Triều nói với anh như thế. Nhưng tôi coi việc bác sĩ giấu bệnh nhân là bí mật nghề nghiệp. Và tinh thần lạc quan của Trần Độ thường làm tôi quên đi.

Xê hông dịch vai đổi thế nằm, Trần Độ chợt hoạt bát lên: Này, tướng văn nghệ Chu Phác đến cho biết đã nộp lên Lê Khả Phiêu tập Rồng rắn kẹp cổ minh mà lấy! Đọc rồi Phiêu nói cái này gồm hai phần thì phần đầu nhận xét tình hình và phê phán là đúng hết cả…, chỉ có phần hai tức là về cách sửa và dự báo thì không theo được. Chà, bảo khó theo cũng là một cách nói thế thôi.

– Đại ý anh viết sao?

– Thì nói là sai, là suy đồi. Viết suy nghĩ và cảm xúc cá nhân tôi về đảng, về tình hình, về lối ra là dân chủ… (Ngừng một lát nói tiếp:) Ngày càng rõ là trong mắt Đảng, dân chẳng ra cái đinh gì, đấy, tôi mới nói tăng quyền dân lên, dân chủ hoá là bị ngay tội chống Đảng. Thế ra thân với dân là phản động? (Trần Độ lắc lắc đầu).

– Thân Quốc gia chết, thân phương Tây chết, rồi thân Xô Cộng chết, thân Trung Cộng chết, đấy Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn, Lý Ban. Nay thân dân như anh chết nốt.

– Thời bí mật Đảng chưa có gì trong tay, dân là vốn liếng duy nhất, là chỗ dựa duy nhất. Lúc ấy anh Việt Minh chưa nói duy nhất mình cầm quyền mà nói mai đây rặt thằng chân lấm tay bùn ra thay Bảo Đại, quan bảy toàn quyền Tây cai trị nước. Lúc bọn tôi nói thế, bọn tôi cũng tin như thế thật. Ngày mới độc lập, đâu cũng băng rôn “Tổ quốc trên hết”, đâu cũng Ban thờ Tổ quốc! Nay biến! Đường phố, cơ quan dều căng “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” và ở hội trường, hội nghị nào cũng cờ búa liềm kèm cặp quốc kỳ. Trung Quốc chỗ này có vẻ ý tứ, ít phô cờ búa liềm ra trêu người dân.

– Có một nghịch lý thù lù, tôi nói. Đảng nói đại đồng công hữu, nhưng làm thì lại cùng cực tư hữu, độc hữu. Một mình chiếm đứt mọi thứ, từ chủ nghĩa Mác-Lê, đảng, chính quyền, nhân dân, đất nước cho chí thiên nhiên. Có mùa xuân mới có muôn loài nhưng cứ sắp Tết là phải mừng Đảng, thứ nhì mừng Xuân, bét tĩ mới mừng Đất nước! Tôi vừa nhận xét cái kỳ quái này cho cậu Trưởng ban tư tưởng… (Trần Độ xen vào: Cậu gì tên là Đồng- hồ-quay-ngược ấy hả?) Đúng, anh cùng nghe đến cái tên ấy ư?… Sơn Tùng kể lại với tôi những năm 70 anh xin Tố Hữu duyệt cho phim Nguyễn Tất Thành. Xem xong kịch bản, Tố Hữu gọi lên sầm mặt nói: Tôi không thích một chút nào cái tên Nguyễn Tất Thành cả! Là gì đây? Chẳng là gì hết. Với chúng ta, phài là Nguyễn Ái Quốc, phải là Nguyễn Tất Thành đã đầu hàng giai cấp công nhân, đã sang Liên Xô, đã làm việc cho Quốc tế… cố nhiên bộ phim bị phá sản. Tôì bảo Sơn Tùng: Học Tố Hữu, tôi cũng nói tôi chẳng thích tý nào chữ Việt Nam. Là cái gì đây? Chẳng là cái gì cả. Phải là Việt Nam đã đầu hàng cộng sản, đã theo Liên Xô, Trung Quốc và v.v…

– Đấy, thế là lòi cái ẩm ớ vớ vẩn ra ngay. Cánh ta bị bịt mắt dài thật, Trần Độ nói. Tôi nghĩ mãi cái gì đã khiến cho coi thường dân! Thì chính là cái nguyên lý cho rằng dân, kể cả công nhân, đều bất khả tri Mác-Lê. Đầu tối, bụng lại ngập ngụa ý thức tư hữu cho nên dân tất yếu phải phản động, lạc hậu. Cho nên tất yếu đảng phải nói, “ý Đảng lòng dân”, không thể nói ý dân được. Ý dân thì vứt ý Lê-nin! Lê-nin bảo nông dân là đại dương của chủ nghĩa tư bản! Đảng quý, dân tiện đã được chẻ hoe ra như thế, tức là đảng đã đành sẵn lòng rẻ rúng một bên cho dần rồi cơ mà. Ông biết cho là tôi đã rất đau đớn khi viết rằng cái chế độ tôi phá nó té ra lại tốt hơn cái chế độ tôi góp sức xây nên.

Chính tai nghe anh nói câu này tôi xúc động hơn khi mắt đọc nó. Tôi nhìn thấy nét mặt anh ân hận, thấy giọng anh buồn buồn. Tôi nói:

– Có cả một lý luận làm nền cho ý thức đảng quý dân tiện. Nói rõ khi chưa có chủ nghĩa Mác-Lê chỉ đạo thì lịch sử là mù, tự phát nghĩa là quần chúng làm nên lịch sử cũng chỉ là lũ phu hồ và đám thống trị xưa như Trần Nhân Tôn, Lê Thái Tổ… thì rặt đồ xẩm sờ, cái lịch sử họ làm ra rặt là tự phát, đỏm. Phải đến khi có những nhà mác-xít sáng mắt Xit, Mao, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn… thiết kế thì lịch sử mới lên giai đoạn tự giác tức là làm gì đều đúng cứ phăm phắp cả! Vỗ ngực tự đề cao bậc nhất trên đời!

Trần Độ lặng nằm nhìn trần. Rồi nói tiếp:

– Ngày xưa với bọn tôi nhục nhất là đầu hàng. Đầu hàng địch và dân đều nhục. Kìa, đâu hàng dân là “theo đuôi quân chúng”, là “thủ tiêu lãnh đạo của Đảng”, bỏ ý đảng công hữu làm như ý dân tư hữu mà. Tóm lại nghe địch, nghe dân đều phản động, chỉ có nghe Trung ương là đúng. Hỗn với dân ghê thế nhưng lại nói phục vụ nhân dân.

Rồi tôi có Nhật ký (năm) Rồng (năm) Rắn mà công an lên ô tô chẹn cổ lấy mất. Đúng là những dòng tâm huyết đau buồn, ân hận, cay đắng của “một kiếp người” đã “trọn tuổi xuân hiến dâng cuồng nhiệt” (để) tạo nên một “xã hội lừa dối: lãnh đạo dối lừa, đảng dối lừa, cán bộ dối lừa… tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối” và nó “làm cho con người co quắp lại, sợ sệt, làm cho con người dối trá, lưu manh hoá”, “Ta đã làm cho xã hội hiện nay lại có đủ các đặc điểm của bộ máy ta đã đập tan”.

Người cộng sản Việt Nam duy nhất sám hối công khai, về lội lỗi của đảng với nhân dân, đất nước.

Phải nhận rằng sau vụ công an chẹn lấy Nhật ký, Trần Độ cay đắng hơn, càng đi sâu phê phán hơn. So với những hôi ký anh viết về Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh trước đó thì khác hẳn. Rõ là đổi dòng.

Năm 2002, Trần Độ ra vào xoành xoạch bệnh viện, có ngày tôi đến tầng hai thăm Hoàng Minh Chính xong lại lên tầng ba thăm Trần Độ. Anh không nói được nhiều nữa nhưng vẫn rất thích nghe.

– Ông đọc nhiều mà lại nhớ dai, ông cứ điểm hết cho tôi những gì ông đọc, tôi khoái nghe lắm. Người khác đến tôi cáo mệt nhưng ông đã đến thì phải ngồi cho thật lâu.

– À, tôi nói, mới nhất là tờ Kinh tế Viễn Đông (The Fat-Eastern Economic Review) có bài nói Mỹ đã chuyển hướng chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương, coi đây là địa bàn chính. Trước kia là Bắc Đại Tây Dương và Tây Nam Á.

Trần Độ ngắt lời: Chắc là để ngăn Trung Cộng bá chiếm vùng biển từ Nhật qua Trường Sa đến Philippines. Trung Quốc vừa chiếm hòn gì ở Trường Sa, bất chấp Công ước Liên hợp quốc công nhận nó là thuộc vùng kinh tế đặc quyền của Philippines. Chỗ này sẽ là vũ đài chính trị, kinh tế, quân sự ghê gớm đây.

– Hòn đảo ấy là Mischief Reef cách Hải Nam những 1.300 cây số và Philippines có 220 cây số, Mỹ sợ Trung Quốc sẽ dựng một Trường thành trẽn biển nên đã cảnh báo và đáng nói là lần đầu tiên ta không chửi Mỹ thọc mũi vào Biển Đông.

– Này, vậy ta và Mỹ có chỗ ngứa ngáy giống nhau à? Vậy thì gãi có giống nhau không? Trước kia là chửi ngay Mỹ âm mưu nhảy vào xâm lược sân sau của ta và Trung Quốc đấy.

– Người thảo kế hoạch này là Dennis Blair, Tổng tư lệnh quân Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, tôi nói. Ông ấy đến ta được các cốp, cả Giáp, tiếp. (Trần Độ xen vào: Xưa thẳng thảo thứ này thì đừng hòng mà đến chứ đừng nói gặp!) Báo ta chỉ nói hai bên bàn chuyện “hợp tác”. Nhưng theo báo Mỹ thì hợp tác ở năm điểm sau: Việt Nam cam kết chống khủng bố; máy bay Mỹ có thể đáp xuống sân bay.Việt Nam trong điều kiện thời tiết xấu; Việt Nam rà soát ở Việt Nam các tài khoản có thể cấp cho Bin Laden (trùm khủng bố – BT) Việt Nam sẽ cử phái đoàn quan sát cuộc tập trận Hổ mang của lính Mỹ và Thái và hai bên đã bàn tới cảng Cam Ranh.

– Chà chà, thảo nào cứ thấy bà phát ngôn béo mấy hôm nay tuyên bố liền liền rằng Việt Nam sẽ dùng Cam Ranh vào phát triển kinh tế, Trần Độ bình. Hai chục năm trước ai ngờ ra thời cục này, ghê thật! Vậy là có cái anh tổng tư lệnh Mỹ hắn đến hắn bàn với ta cả một lô xách xông. Nhưng tôi nghe nói Giang Trạch Dân vừa qua sang cũng có đề cập Cam Ranh. Còn ngỏ ý muốn ta mở một cảng ở Đà Nẵng cho 900 tàu đánh cá Trung Quốc làm bến.

Tôi nói: Lưu Văn Lợi mới bảo tôi rằng chủ nhật vừa rồi Lợi gặp Đỗ Mười một tiếng rưỡi, đề nghị không nên để Trung Quốc vào khai thác bốc-xít ở Tây Nguyên với cả một hệ thống đi kèm là Trung Quốc sẽ mở lớn đường 14, lập một cảng biển riêng để chuyên chở bốc-xít. Lọi hỏi nếu “ta cứ phải bằng lòng” thì sao không cho thêm vài nước cùng khai thác để họ kèm chặn nhau nhưng Đỗ Mười chỉ mỉm cười bí hiểm. Coi như vấn đề này có nói anh cũng chả hiểu nổi…

Trần Độ im lặng. Tôi toan hỏi anh thấy sao thì anh nói:

– Chắc không cho vào đâu… Đang tranh chấp biển đảo, đất liền và toàn ở thế bị họ tước họ rỉa thế này mà để họ vào leo lên tận nóc nhà Tây Nguyên thì bằng là xác nhận tình hữu nghị với họ quan trọng hơn mất biển đảo ư?

– Tôi cũng thấy như vậy… Không thì là Alzheimer, chứng lú lẫn.

– Vị trí chiến lược quân sự, quốc phòng hết sức ghê gớm thì các ông ấy cho vào sao được. Để họ trong núi ngoài đảo đều quặp mình gọn cả thì… (lắc đầu im). Theo tôi không có lý do gì các ông ấy lại phải luỵ Trung Quốc đến mức buông cả chuyện an ninh quốc phòng như thế.

– Ngay hồi đánh Mỹ, quân Trung Quốc vào làm công sự, dân đã kháo họ đào lấy vàng tổ tiên họ chôn giấu đồng thời chôn cất sẵn vũ khí để khi động dụng là có cái xài liền, chắc Đảng đã phải nghe thấy quá!

Xin nói rõ ngay, lúc ấy chưa có hồi ký Trần Quang Cơ vạch bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Hồng Hà quỵ luỵ Trung Quốc, làm nhục quốc thể. Cũng chưa biết Bắc Kinh bôi trơn cho các vị hàng trăm triệu đô la để được lên nóc nhà yếu địa của ta. Càng không biết Đảng đã cho Trung Quốc xây trụ sở Bộ công an mới nhưng ta cứ bầy để làm hàng mẫu không ở. Dân Hà Nội kháo rằng bạn nhồi chi chít bọ nghe lén, nhìn lén vào toà cao ốc hữu nghị đồ sộ.

Từ yếu địa chiến lược lan man sang chuyện dân ta nghèo khổ. Tôi nói:

– Theo International Herald Tribune, một phần ba dân Việt Nam chưa có nổi mỗi tháng 10 đô la Mỹ trong khi mỗi năm dân Mỹ mua 11 tỷ đô la hoa, 110 tỉ đô la mỹ phẩm và 1 tỉ đô la cà-vạt. Một ngày kỷ niệm quốc khánh Mỹ dân Mỹ tiêu hơn 2 tỉ. Anh chắc biết GDP Mỹ 15.000 tỉ đô chiếm riêng một phần ba GDP toàn thế giới, ta thì 50 tỉ. Dân Mỹ mua 42% hàng hoá thế giới và thế giới chia nhau tiêu pha chỗ 58% còn lại.

– Biết hạnh phúc là do dân quyết định nên dân Mỹ phang chính phủ để bắt phải làm đúng yêu cầu của dân. Ta thì tất cả đều do đế quốc, thực dân, phản động phá hoại nên dân phải nghe Đảng để mà phang bên ngoài. Đế quốc có tác dụng giúp cho đảng đỡ bị dân quấy phá. Đảng xập xí xập ngầu đem nhất thể hoá Đảng với đất nước để hễ ai dụng đến Đảng thì Đảng phang vì tội không yêu nước.

– Anh nói Đảng nhất thể hoá đảng thành đất nước, tôi kể anh nghe một chuyện mới xảy ra ở Mỹ. Thế vận hội mùa đông mở ở Sail Lake City (bang Utah) sau khi Tháp Đôi bị đánh. Ngay trong số dành cho lễ hội lớn này, tờ Time Mỹ đã có hai xã luận chửi lối yêu nước lố bịch. Vặn luôn: Thế vận hội là của cả thế giới, tỏ lòng đoàn kết với Mỹ, vận động viên nước nào đến cũng cầm thêm một lá cờ Mỹ nhưng người Mỹ lại cho diễu hành đầu tiên vào sân vận động lá cờ Mỹ rách bươm ở Tháp Đôi, Thế vận hội của riêng anh ư? Rồi lễ bế mạc lại cho đội bóng khúc côn cầu trên băng của Mỹ thắng đội Liên Xô ở thế vận trước đi khép hậu để nói rằng Mỹ đã thắng chiến tranh lạnh. Time viết: Tại sao không mời cả đội bóng Liên Xô cùng đi. Họ cũng góp phần chấm dứt chiến tranh lạnh chứ bộ mình anh không thôi đấy? Đó, người ta bảo nhau yêu nước là gắn với nhân cách tốt đẹp chứ không phải để kiếm cớ phét lác, vỗ ngực chửi thiên hạ nằm mê một đêm hoá ra ta. Anh nhớ 1972, Nixon gặp Mao chứ? Time viết: Một vấn đề quan trọng là xem về lâu dài hai nước học được ở nhau nhiều bao nhiêu. Tôi thích cái văn chương sánh vai cùng tiến này hơn cái văn chương lạp xường muôn sự dẫn đến tao sống mày chết, tao thắng mày thua mà tao thì bao giờ cũng sẽ đè mày ra nhét cứt vào mồm mày. Mỹ đang vào công nghệ na nô, nanotechnology. Tôi chờ món này ra đại trà, dân chủ sẽ lại phát triển dữ hơn nữa.

– Tôi nghe nói máy tính, Internet đều là của quốc phòng Mỹ rồi nó tháo khoán cho thế giới dùng ké? Nó găm thì chẳng quân đội nào điện tử hoá nổi. Ta cũng chẳng đe sẽ làm chính phủ điện tử. Thế mà không cám on Mỹ.

Tôi nói nhà Việt học Tonnersson coi Internet và đại dương thông tin của Internet là hai trong bốn nhân tố khiến cho một đất nước dân chủ hoá. Tôi đùa là truyền bá Internet, Mỹ đã nối giáo cho giặc dân chủ ở từng nước. Mà đâu chỉ Internet? Mỹ là nước duy nhất báo cho loài người biết đâu có động đất, sóng thần và có thiên thạch nào đến gần quả đất tới mức nguy hiểm cần phải ngăn chặn. Mà ngăn chặn thì có lẽ chủ yếu cũng là nhờ Mỹ! Ta khinh cái tâm đế quốc bẩn chứ cái đầu của nó thì vẫn nên giỏng tai nghe đấy. Vì đầu nó đại học, còn thường là trung học, tiểu học.

– Anh khác mà nghĩ ra được các của này như Mỹ thì phải giấu vào tận bẹn để bắt chẹt, Trần Độ pha trò.

– Thế mà Xịt-ta-lin (Joseph Stalin) đã ca ngợi Mỹ đấy, 1942-43 gì đó, trong lần gặp Roosevelt và Churchill, Xịt nói nhờ sản xuất Mỹ to lớn ghê gớm mà chúng ta chiến thắng. Tôi nhớ sản xuất Mỹ lúc ấy lớn hơn cả sản xuất của Đức, Nhật, Ý gộp lại. Đâu như năm phút một máy bay, hai tuần một chiếc tàu.

Trần Độ lè lưỡi: Là dân tuyên huấn chúng mình đều đã từng ra sức che mắt dân cho tối om tất cả đi, trừ ta.

Trước khi về tôi hỏi Trần Độ có biết Thiết Vũ? Viết kịch?

– À, vâng, ở cạnh nhà anh đấy. Sĩ quan nhưng 1954 ra quân đội vì gia đình tư sản. Từ nay tổ quốc lên chủ nghĩa xã hội, phải gạt mày ra, mày thành lực cản phá rồi.

– Như Đặng Văn Việt mà anh gặp hôm nọ ở đây, cũng về nhà vì lý lịch.

– Vâng… Hôm nay tôi kể anh chuyện này. Một chiều Thiết Vũ rủ tôi đến phố Hàng Giấy, bảo tôi đứng ở hè chờ anh vào nhà đối diện một lúc. Một chốc tôi thấy Thiết Vũ ra ban công với một cụ già tóc bạc phơ rồi chỉ vào tôi mà nói gì đó… Rất nhanh Thiết Vũ xuống. Rầu rầu bảo tôi: Cụ ấy là ông bác họ rất gần, hẹn tao tối nay đến ăn cơm tiễn Lê Thành Khôi mai về Pháp. Khôi là con cụ Lê Thành Ý, nguyên giáo sư trường Albert Sarraut, em út ông bác họ kia. Ông bác ở giữa là bố thằng Lửa Mới. Tao đến kiếu, bảo mày ở tình uỷ Bắc Ninh mời tao tối nay sang bàn việc viết lịch sử đảng bộ cho họ, nói thế cho oai. Không ăn được! Ngày mới độc lập, tao theo Việt Minh, Nam tiến chí chết, Khôi theo Việt Quốc chửi Việt Minh chí chạt. Hễ Khôi đến nhà, tao lại hét người nhà đuối đi “không tôi cho nó ăn kẹo đồng”. Bây giờ nó thành học giả ở Pháp, chính phủ ta mời về, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng tiếp nó long trọng, còn tao kịch tác gia lương cán sự 5, quanh năm vay ăn. Tao kiếu là phải chứ! Khi Khôi sang Pháp học, mẹ tao cứ ca cấm thằng Tân nhà tôi, là tao, vác súng làm đày tớ cho Việt Minh rồi khổ, ở lại sang Pháp học có hay không? Hoá ra thành công dân Pháp lại cao sang hơn làm công dân Việt, dù công dân Việt đã chiến trận từ những ngày đầu tiên. Còn nữa. Em trai Thiết Vũ là phi công cùng lớp Nguyễn Cao Kỳ. Tai nạn bay chết. Trong sân bay Tân Sơn Nhất trước kia có con đường mang tên anh ta. Lê Thành Khôi đã viết sách lên án Việt Minh sau Cách mạng tháng Tám giết rất nhiều người không hề xét xử. Trong sách Việt Nam: Lịch sử và Văn hoá (nguyên bản tiếng Pháp Le Việt Nam: histoire et civilisation, 1955 – BT) Khôi còn dẫn lời Trường Chinh viết trong Cách mạng tháng Tám: “Chúng tôi chỉ tiếc (…) đã không trấn áp được đầy đủ bọn phản động…” Khôi kiên trì con đường sử học độc lập phê bình đảng. Tôi quý mến ông ta hơn khi đọc ông ta viết: sắp Cách mạng tháng Tám, tư lệnh quân Nhật đã gặp Bảo Đại và Trần Trọng Kim hỏi có cần quân Nhật dẹp loạn Việt Minh không? Họ có năm nghìn người và không vũ khí còn quân Nhật chúng tôi năm mươi bảy nghìn toàn tinh nhuệ, nếu các ngài đề nghị chúng tôi chỉ quét một đêm là xong. Nhưng hai vị này kém quan điểm bạo lực, nặng “nhiễu điều phủ lấy giá gương” nên từ chối, và rồi đều khốn cả. Anh xem, hai anh em họ đó, hai cách đối xử, đứa chống lại thì được trọng vọng còn đứa kiên trì theo Đảng thì trống không một đời. Anh Độ, nếu Thiết Vũ được làm lại thì anh bảo nên thế nào?

Trần Độ chớp chớp mắt im lặng.

– Phan Kế An có một bạn bác sĩ, Vinh, ở Hải Dương, tôi nói tiếp. Đâu những năm 70, một hôm cán bộ tỉnh đến mời Vinh hãy tạm đến ở một chỗ khác. Vì sao? Bí mật ạ! Chuyện của lãnh đạo cơ mà! Nửa tháng sau, Vinh trở về thì nhà khác hắn. Bồn tắm, bếp điện, quạt trần, quạt tường, tủ lạnh… đều mới hết

Vinh chưa hiểu sao thì chợt xe tỉnh chở khách quý của uỷ ban tỉnh đến: ông anh ruột trí thức của Vinh ở Pháp mới về nhưng cứ dứt khoát xin ở nhà ông em.

Tuần sau, ông anh trí thức về Pháp. Vinh lại được bảo tạm đi ở chỗ khác. Về nhà lần này, tất cả những gì sang đều không còn. Trên tường trên sàn những chỗ nhổ quạt, dỡ buồng tắm chẳng ai thèm sửa. Vinh đề nghị tỉnh lắp lại các thứ đó và xin thanh toán, ông anh Pháp kiều mới cho tí tiền. Nhung tỉnh nói đây là chuyện tiêu chuẩn, cấp nào mới được ngồi xí bệt, tức là ị có giật nước vừa mát vừa sạch vừa không sợ viềm tĩnh mạch.

– Hay nhỉ! Anh xem cái tiêu chuẩn ghế ở ta ghê gớm chưa. Ị có ghế phải là lãnh đạo và Việt kiều phê phán đến tận xương cốt lãnh đạo!

– Cuối cùng, tôi thêm chuyện này. Năm 1960, theo viết Cụ Hồ, tôi đã đến dự đại hội đảng bộ Hà Nội ở Câu lạc bộ Lao Động Tăng Bạt Hổ với Cụ. Hôm ấy Cụ đoá dữ. Mắt quắc lên. Lôi ra mắng một lô cái bậy, kể từ đái đường… Nhại cả động tác khuỵu đầu gối kéo hai vạt váy trước sau lên đái. Nhưng có một việc mà Cụ bảo là “kiểu đâu dã man đến thế”. Dân vào Bodéga mua bánh ngọt phải đứng ăn tại trận, không cho mang đi, sợ ra bán lại kiếm lời. Thế người ta, Cụ hỏi, mua về cho bố già người ta thì sao? Trần Danh Tuyên bí thư Thành uỷ bữa ấy xanh mắt. Sau anh em Thành uỷ cho hay đúng là có một bà mang đến nhà Bodéga một tờ giấy viết: “Tôi chẵn tám chục, chả còn sống bao lâu, nay giở chứng thèm ga-tô, thói xấu đế quốc chưa dứt, kính xin cửa hàng gia ơn cho con tôi được mang về cho tôi một chiếc thì tôi xin đội ơn”. Cửa hàng quyết lắc. Đứa cháu trai đi theo mẹ để mang bánh về cho ông mừng liền oà khóc ù té chạy. Khiếp đảm hay tủi thân cho ông?

Mắt Trần Độ rơm rớm.

***

Nhưng rồi căn bệnh tiểu đường nó đã làm Trần Độ suy sụp khá nhanh.

Chẳng bao lâu sau hôm hai chúng tôi tán sôi nổi về chữ “khác”, – altérité – cái chữ cộng sản kỵ nhất, ghét nhất, cần tiêu diệt nhất – một thu hoạch tôi mới có khi đọc quyển Ánh sáng đến từ phương tây của nhà triết học Iran Daryush Shayegan, Trần Độ đã vào bệnh viện. Và gia đình cho hay lần nay xem ra khác các lần trước.

Khánh Trâm, con dâu út Trần Độ đưa Kiến Giang và tôi đến thăm Trần Độ. Phòng cấp cứu A1 bệnh viện Hữu Nghị.

Bước vào phòng, tôi chột dạ liền. Ngỡ lầm buồng. Người nằm đó là Trần Độ? Chăn vải trắng che đến ngang ức, chừa ra hai vùng vai ngực nối ụ lên căng bóng, thoáng ánh đồng đen (như tượng Quan Thánh Trấn Quốc, tôi nghĩ), một miếng ni lông lồng phồng nhàu nát một màu xanh hoa lý vô lý – cái màu tự nhiên nom trai lơ – che lấy cổ và lòng thòng từ dưới đó những ống nhựa trắng bò ra móc lên mũi lên miệng pho tượng như đang dẫn tải một cái gì vô vị. Đặc biệt khuôn mặt! Trẻ đi đến hai chục tuổi, tròn căng, nung núc bứ lên vẻ phè phỡn, phô phang. Thì ngay sau đó tôi sững sờ: Trần Độ phù đến thế kia ư? Hàm răng giả như quá trắng, hơi kênh ra một cái cười mỉm hợm hĩnh khoe “này, xem ta đây trắng không?” Biến dạng hết! Một cái đau lẫn sợ nhói lên ở tôi: Phù thuỷ, pháp thuật đang hành Trần Độ.

Tôi cúi xuống, đặt tay lên vai trái anh đầy ụ, nói khẽ:

– Trần Đĩnh… đến thăm…

Thế là lột sột, loạt soạt ở sau tôi. Tôi ngoái lại, miếng ni lông hoa lý nhấp nhô giẫy cựa. Mấy ống nhựa trắng nhất tê khẽ rung rồi nảy lên bần bật.

Và lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến một con sóng triều màu bồ quân đỏ xậm, đỏ tối đang từ ngực Trần Độ rần rật dâng lên vai, lên cổ, lên mặt anh. Con hồng thuỷ tía đỏ lan đi rầm rộ, nó kéo đôi môi anh mấp máy rồi kéo đến hai mí mất húp híp cũng nhấp nháy, hai mí mắt chớp lia lịa rất nhanh như hấp tấp chèn nhau, lấn nhau rồi bất đầu rối loạn. Trong khi tôi bị hút chặt vào đôi môi, đôi mắt anh bỗng sống động lạ thường, chúng đang trở thành những tín hiệu morse cuống quít, lắp bắp, chấp chới cầu cứu trên một toàn thân phù sưng rắn câng như khối đồng xanh đúc cứng. Rồi ở bên trái tôi chói gắt lên một hồi bíp… bíp… bíp hốt hoảng. Trên màn hình, những đường huỳnh quang gẫy khúc như một thứ thước gập đang vội nhoang nhoáng quăng mình theo nhau vào một vòm hang động tối và bây giờ khi đã lén bò vào đo trộm, yểm vựng một cái gì đó yểu mệnh nhất bên trong Trần Độ rồi thì chúng cuống cuồng bỏ trốn.

Một nữ bác sĩ khẽ nói, bệnh nhân cần yên tĩnh, mời các bác ra.

Tôi liền rất buồn tự trách. Đã một lần Ung Văn Khiêm bị tai biến não khi đang nghe tôi ở nhà Phan Thế Vấn.

Đến cửa phòng bệnh, tôi ngoái lại. Thấy tấm bìa treo xộc xệch ở cuối giường:

Trần Độ
Viêm bàng quang

Sơ sài như đang phỉ báng.

Ra hành lang tôi thở dài bảo Kiến Giang và Trâm, hai ngày nữa thôi…

Trước đó sự biến dạng ghê rợn đã làm cho tôi cứ mơ hồ một cái gì không phải, một cái gì bố trí, man trá. Và thật tình chỉ đến lúc thấy anh được âm thanh quen thuộc của bạn bè, đồng đội đánh thức mà ra sức giằng giật, vũng giẫy khỏi nút ghì siết của bất động, lúc nhìn anh khao khát phá vỡ gông cùm của bại liệt, của câm nín để được cùng chúng tôi tương ứng tương liên, tôi mới nhận ra, mới chịu nhận ra đúng, pho tượng đồng xanh phù cứng rắn câng này là Trần Độ, và kia, vâng, chính anh đang lấy bẩy dướn dậy, níu bám lấy chứng tôi để báo rằng anh thiết tha muốn sống nữa, vâng, đúng thể, bởi chính trong những năm tháng tàn lụi này của đời, anh mới đang được sống có ý nghĩa hơn cả, vậy thì nào, chúng tôi hãy giơ tay cho anh nắm lấy mà đưa anh thoát ra khỏi cái biển sương lạnh buốt nó đang nham hiếm nhấn dìm anh xuống vực thẳm không lối về. Qua tín hiệu cần cấp cứu của mắt và môi anh, không, qua tín hiệu bấn loạn của toàn thân anh phóng gửi đến đồng đội có mặt giây phút ấy, tôi lần duy nhất được nghe tiếng con người cất lên đòi sống mãnh liệt, đắm say và xót xa đến thế. Vậy mà chúng tôi quay lưng đi… Chúng tôi là đám bạn đến phá cái trật tự mê mụ nó đang đắp khuôn uốn hình cho anh rồi chờ anh sắp chật vật ngoi tới ngưỡng ấm áp của cõi dương thì lại đùng đùng bỏ đi. Bỏ mặc anh trở về với khung tượng đồng để đợi từng hơi chết lướt tới. Anh một mình chìm về lại với chốn vắng của riêng anh có chật vật như khi lên đường tìm đến chúng tôi không? Bây giờ nghĩ lại việc anh cố giằng cố dứt để lên tiếng, để ra hiệu, để tiếp tục chuyện trò, để kêu đồng đội hãy mau cứu anh ra khỏi chốn hiểm nghèo này, tôi vụt hiểu sâu sắc câu tương khí tương cầu đồng thời thấy mình phạm lỗi ruồng một người thân trong cơn hoạn nạn. Để rồi quay ra ân hận cả về một chuyện nhỏ nhoi mới nhất: Tôi đã sai hẹn với anh, một cái hẹn bình thường ta có thể không cần tuân thủ lắm nhưng giờ phút này tôi lại đang tự quở mắng mình thậm tệ vì nó.

Hôm đến lấy sách anh tặng, hôm cửa sổ ra sân mờ hết khiến căn phòng anh thường đóng kín bỗng thênh thang một không khí boong tàu đập dờn sóng, tôi hẹn nghe xong một chuyện sẽ đến kể lại cho anh.

Chuyện ấy Cao Xuân Hạo báo trước chắc là Trần Đĩnh nghe sẽ thích. Ở Trần Độ ra, tôi đến Nhà xuất bản Giáo dục đường Trần Hưng Đạo gần ngõ Hạ Hồi gặp Hạo có lẽ gần mười năm chưa thấy mặt. Hạo nói, tôi nghe và đúng là rất thích nhưng rồi lại theo Hạo đi đến ngả khác.

Chuyện rất thích ấy như sau:

Năm 1989, Cao Xuân Hạo sang Tiệp họp hội nghị ngôn ngữ học các nước xã hội chủ nghĩa. Đúng sáng khai mạc, chủ nhà lên nói cần thay tên gọi của hội nghị: Nước Tiệp vừa trải qua cuộc Cách mạng nhung và tin đại hỉ thông báo với các ngài là Tiệp Khắc đã dứt bỏ chủ nghĩa xã hội. Lập tức mấy đại biểu Liên Xô tự phát xin lên diễn đàn. Lên thay mặt nước Nga tự phê bình hành động tự áp đặt chủ nghĩa xã hội cho Tiệp, đã từng đưa xe tăng đại bác và bộ binh đến đàn áp Tiệp để duy trì chủ nghĩa xã hội. Ôi, sám hối thế ra đã nung nấu từ lâu trong mọi công dân “xã hội chủ nghĩa”, tôi khẽ kêu lên với Hạo khi nghe tới đây.

Mấy ngày ấy, Hạo cho biết tiếp, báo chí Tiệp tập trung bàn đến một vấn đề coi như trung tâm: Xử lý sao với những người cộng sản bản xứ? Không phải là hành hạ họ, xử lý họ. Không! Đây chỉ là chuyện lo cho đạo đức của người Tiệp. Có nên chăng lập các khu ghettos riêng cho cộng sản? Vì nếu để cho cộng sản sống trộn với dân thì sự dân sẽ tiêm nhiễm thói xấu ghê gớm nhất của họ là vô liêm sỉ, dối trá…

Bữa ấy, Hạo còn nói anh sang Liên Xô, một giáo sư tên tuổi ở Liên Xô (tôi không nhớ tên Nga nhưng anh giải thích tiếng Nga tên ông này có nghĩa là nhanh, vite, fast) đã bảo anh rằng ông xác nhận bằng tai mắt ông là Cung điện Mùa đông bị chiếm không hề có nổ súng.

Tôi đã không đến Trần Độ kể lại ngay như đã hứa. Ai hay anh chết? Có lý do ấy. Nhưng, có phần nào cũng là sợ, ngại tới nhà anh cứ xoành xoạch, ngứa mắt an ninh.

Tôi nhớ kỹ hai việc trên đây vì hôm đó tôi quá vui, được nghe no nê hai chuyện nhất trí hết sức nức lòng – Giáp nhất trí với những điều nghịch thiên đảo địa mà Độ nói và các nhà khoa học phe cộng thì nhất trí với việc dân Tiệp cho chế độ cộng sản nhào.

Đưa ma Trần Độ, anh em bảo tôi viết một lời vào trướng của mấy chúng tôi: Trần Thư, Lê Đạt, Kiến Giang, Hồng Sĩ, Phan Thế Vấn. Tôi nghĩ đề hai câu Thiên hạ tri ảm – Thiên hạ chi âm, thiên hạ yêu (biết đến) tiếng nói – tiếng nói của thiên hạ. Tiếng nói rằng tôi đã bỏ tuổi thanh xuân đi đánh đổ một chế độ để lập nên một chế độ khác nhưng thế nào nó lại xấu hơn cái chế độ tôi đánh đổ. Cuối cùng để lại có câu trên, hy vọng đọc lên người ta cũng sẽ thấy được cả vang động của thiên hạ chi âm nữa.

Một dẫy bàn chắn hết chiều ngang cổng ra vào với hơn chục người xem xét, với năm sáu cái bàn kê liền nhau thành bức chiến luỹ trên đường phố. Tôi vừa kịp nhận ra nét lạ đó thì Hoàng Minh Chính đã gọi to tôi: “Xoè trướng ra cho người ta chụp ảnh!” Tôi ngỡ Chính đùa thi một người đến nói ngay: “Bác cho xem trướng với”. Miệng nói tay mỡ số, quyển sổ dầy tới hai đốt ngón tay rồi vừa nhìn trướng vừa lúi húi ghi. Tối chưa biết nhiều vòng hoa, bức trướng đã bị an ninh yêu cầu cắt xén, sửa chữa hoặc từ chối như bức trướng của cánh Hoàng Minh Chính.

Lần lượt sau đó bốn năm người nữa đến, xin bác cho xem trướng, ghi ghi chép chép. Tôi cuộn trướng lại thì người ta đến tự tay gỡ trướng, miệng xin phép sau.

Tôi bèn nói: Để tôi đọc cho anh ghi tên từng người kẻo sót này, đã mang mặt đến đây thì việc gì phải nặc danh?

Huy động quá nhiều công an đến, giẫm lên chân nhau để phô trương thanh thế. Còn ghi tên là đe “ông theo dõi mày từ nay đây!” Tôi chợt nhớ tới đám ma vợ một bí thư tỉnh. Cũng ghi tên từng người viếng cùng vật viếng. Nhưng để trả nghĩa bằng cất nhắc.

Những chuyện thất nhân tâm trong tang lễ Trần Độ đã được nói đến quá đủ, quá nhiều. Ngày nào nhật lệnh Võ Nguyên Giáp ban ra, cả nước răm rắp làm theo thì nay chữ “thương tiếc” của Giáp trên băng viếng Trần Độ đã bị cắt thẳng cánh. Sau đó hai vị thượng tướng Lê Ngọc Hiền và Nguyễn Hoà đến và đều bị yêu cầu bỏ chữ “kính viếng” và “đồng chí Trần Độ”. Hai vị tướng cáu. Đánh đông dẹp bắc, vượt vĩ tuyến 17 như bỡn, không gì cản được ta mà nay lạĩ đi tước xén tình cảm ta? Lời qua tiếng lại. Cuối cùng đám tư tưởng – văn hoá – an ninh hỏi: “Các bác có là đảng viên không? Có! Vậy các bác nghe đảng hay nghe ai?” Băng giấy “Thương tiếc đồng chí Trần Độ” lặng lẽ rớt xuống. Vòng hoa vô hồn được phép khiêng qua, một cái xác không mặt, vô thừa nhận. Quang Hưng, ca sĩ quân đội nhặt băng giấy lên. Đem về cho mọi người trong khu tập thể quân đội Mai Dịch xem và… chửi.

Bước vào lễ sảnh thấy ngay một cái gì hẫng hụt. Một ngôi nhà chưa ai ở, chưa bàn ghế và hình như được đẩy cao trần lên. Trống trải đến trơ trẽn. Phải một lát mới nhận ra tấm băng-rôn đỏ thắm với dòng chữ vàng quen thuộc VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC vẫn chạy dài trên bức tường ở trong cùng lễ sảnh đã biến mất Thay vào đó tấm vải đen với năm chữ trắng lạnh ngắt: LỄ TANG ÔNG TRẦN ĐỘ.

Tôi bảo Hoàng Minh Chính: vẫn để xổng mất chữ lễ! Lẽ ra chỉ TANG TRẦN ĐỘ

Chính ừ, đúng khá to rồi nghển cổ nhìn quanh. Tôi cảm thấy có vẻ anh muốn tìm ban tổ chức để mách cho sửa kịp sai sót lớn này.

Chờ lễ tan, tôi nghĩ miên man. Chợt nhớ đến hôm tôi đến thắp hương chị Câu mà Trần Độ mới tìm thấy mộ, anh có nói tôi thương chị tôi chưa yêu và chưa được yêu thì như để anh khuây khoả, tôi bảo Lưu Động có cho tôi hay rằng anh em xưa xì xào Câu và Đào Năng An yêu nhau. Nghe tôi, Trần Độ nói: “Khi tù ở Hoả Lò tôi hay gần anh An và tôi luôn coi anh An là một người anh”. Thế rồi không hẹn mà nên hai người đã đi đến một kết luận giống nhau. 1979, Trung Cộng đánh Việt Nam, Đào Năng An nói Mao-ít cố nhiên là không hay rồi nhưng còn cái ít khác thì cũng chả có hơn gì. Hai chục năm sau, 1999, Trần Độ ân hận đã đánh đổ một chế độ té ra còn tốt hơn cái chế độ anh bỏ sức ra xây dựng. Lúc tù Hoả Lò, còn trẻ cả, hai người có nghĩ rồi sẽ gặp nhau ở điểm tâm đắc này không? Thấy cái đúng có vẻ như vẫn có một hệ rễ ngầm len lỏi tìm nhau và kết lại để rồi có ngày vươn lên thành rừng cây lớn.

Đọc Kiểm soát và Trừng phạt – Sự ra đời của nhà tù (Surveiller et punir – Naissance de la prison, 1975) của Michel Foucault mà Nguyễn Văn Ký tặng, tôi thấy lại toàn bộ lịch sử trừng phạt con người, hay dùng chữ của chính tác giả: lịch sử chính trị của thân xác. Thân xác con người ta là có lịch sử chính trị của nó! (Cái chính trị kia, nó chiếm đoạt thân xác con người từ bao giờ, tôi đã tự hỏi?) Ở thời cổ, kẻ bị trừng phạt nhất loạt là có tội, hay thủ phạml Hay kẻ trừng trị tất yếu đúng, tất yếu có giá trị răn đe và giáo dục. Nhưng cái lịch sử chính trị của thân xác nói trên kia đã có thay đổi. Từ khi Chúa Jesus chịu tội đóng đinh câu rút, hay kể từ Mặc khải Thiên chúa giáo hay nói cách khác, từ khi chính nghĩa bị đàn áp thì bắt đầu nảy ra một loại người gọi là nạn nhân, những người đeo đuối một đạo lý mà bị trừng phạt bất công. Từ trong biển lớn các nạn nhân oan nghiệt, tầng lớp thánh đã ra đời cùng với nạn nhân số một Jésus.

Trừng phạt thời cố có nhục hình, tùng xẻo, ngựa xé, đổ chì chảy vào họng… Bởi kẻ chịu nhục hình đều bị coi là đã phạm tội giết vua – chữ nay là lật đổ! Giết bố cũng không lớn tội bằng giết hay lật đổ vua!

Với Trần Độ, cả vong hôn cũng bị tùng xẻo.

Rồi chợt nhớ đến câu “Đảng ta là đạo đức, văn minh”, tôi bật nghĩ rất nhanh: A, có lẽ ra đặt một vòng hoa đề câu ấy với tên tác giả đàng hoàng rồi mang vào mà hay đây!

Gia đình đưa thi hài Trần Độ về quê. Cùng xe an ninh bám sát. Sau Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Đặng Kim Giang…, một công thần nữa bị xua khởi nghĩa trang Mai Dịch, cái tên mà tôi hiểu ra là nơi chôn các sai nha, dịch lại hoặc đến mai sẽ bị dịch đi nơi khác. Hay mò ra câu răn trong dân gian: “bất hạ Mai Dịch kỳ”, – không đánh cờ ở Mai Dịch, nghe đâu cờ ở đó bịp bợm lắm.

Và Trần Quang Huy, một trong mấy mũi xung kích công phá dữ đội “xét lại” trong Hội nghị trung ương lần thứ 9 đã là người đầu tiên tự ý cự tuyệt Mai Dịch. “Chết tôi không vào đó, chỗ ấy nhiều tên tuổi bẩn thỉu”. Ông còn nói với Lê Trọng Nghĩa: “Tôi tưởng chỉ Trung Cộng mới độc ác, ai hay Việt Cộng không kém”.

***

Võ Nguyên Giáp đã nói với Trần Độ “Thương Trần Độ lắm… thương Trần Độ lắm…, chả có tội gì, chẳng qua là nói thật…” Vị tướng rất hiểu địch kia thế ra không biết ở trên đời này sự thật chính là kẻ thù không đội trời chung với “la”. Vị tướng, khai quốc đại công thần cũng nói với Trần Độ “mình nhất trí với những gì Trần Độ đã viết…”

Trần Độ viết gì? Viết ta đã “trọn tuổi xuân hiến dâng cuồng nhiệt” (để) tạo nên một “xã hội lừa dối: lãnh đạo dối lừa, đảng dối lừa, cán bộ dối lừa… tung hô lừa dối, hứa hẹn lừa dối” và nó “làm cho con người” co quắp lại, sợ sệt, làm cho con người dối trá, lưu manh hoá.

Khi Trần Độ kể với tôi chuyện Giáp nhất trí này, cả người kể lẫn người nghe đều im lặng hồi lâu. Đều thầm hỏi Giáp có thực sự nhất trí với tổng kết cơ bản này của Trần Độ không? Đến nay ta vẫn không thể hiểu, thật tiếc?

Dầu sao qua điều này ta biết Trần Độ xông pha trong đời – và cả trong đảng! – hơn vị chỉ huy. Và không phải cứ nhất trí là tất yếu có kết thúc giống nhau.

Trút hơi thở cuối cùng, Võ Nguyên Giáp, chiếc đinh vít trong bộ máy gây ốc-xi hoá của đảng vẫn phải che phía tối tăm của mình đi, chìa phía sáng chói ra cho đảng mượn để đảng tự đề cao là đã đoàn kết thống nhất, quý trọng hiền tài!

Nhưng Giáp cũng đã náu mình chờ cơ hội có lời: Tôi không chơi với các anh nữa! Thì đó, chối từ Mai Dịch, điểm đến tuyệt đích của các đấng sinh thành ra cách mạng hay chốn đô hội phồn hoa cuối cùng của danh vọng mà rẽ gót về một hoang địa tịch mịch giữa biển trời. Rút kinh nghiệm lần bỏ phiếu trắng ở Hội nghị trang ương 9, Giáp chờ chết rồi mới tỏ thái độ.

Mà biết đâu nhất tướng công hầu cũng phần nào muốn nằm xuống theo cách của vạn cốt khô, những người lính từng nghe ông lên đường rồi hoá làm cát bụi lơ lửng, vật vờ?

Và cũng có nghĩ đến Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Trần Độ… những tội đồ ông từng nhất trí nhưng bị cấm bén mảng vào Mai Dịch, để thêm một lần ông có thể nhất trí với họ cùng đi tới cõi đại đồng bao la xào xạc của thế gian lắm oán nhiều hận này?

Tin Giáp chết vừa loan, Hương, cô cháu gái tôi khá am hiều đạo Phật nói ngay: Bấy lâu nay ông Giáp đã thiền, vậy ông cho rải tro minh ra biển thì hay! Hoàn toàn vô ngã! Không còn một cái gì! Không còn gì thì có hết thảy.

Rừng chiến khu Trần Hưng Đạo, Cao Bằng với Võ Nguyên Giáp cất tiếng hô tập họp ba mươi tư người cộng sản vũ trang đầu tiên “Gươm súng vai… Vác!” ở cách Vũng Chùa bao xa?

Ngay đó. Một quay đầu.

Nếu ông chọn về lại Việt Bắc hay vùng Đá Chông, Sơn Tây? Thì vẫn cung đường “chính quyền ra từ nòng súng” hay “bạo lực làm nên tất cả” – cho đảng và cá nhân ông.

Thương Giáp – ông cùng trên con thuyền “xét lại chống đảng” và còn bị quy là tay lái – tôi đã ngờ ngợ: Ra đi từ chiến khu Trần Hưng Đạo rồi rời xa Mai Dịch mà đến Núi Chùa là Giáp còn muốn chia tay cả với quá khứ chinh chiến tốn kém máu xương nữa chăng? Nhưng lại một bí mật không được giải, thật tiếc.

Giá như Giáp cho hay đã nhất trí ra sao với Trần Độ cũng như nguồn cơn nào khiến ông chọn nơi đến trú ngụ cuối cùng này? Đời một người đúng là một đống cỏn con bí mật như André Malraux nói.

Nhưng không có cái bí mật đó thì chắc gì ông có nổi riêng một khoảnh son thuỷ quá đẹp. Xét theo góc độ mỹ học, mộ của Giáp ở Núi Chùa thiên tạo rõ ràng hay hơn Lăng Hô Chí Minh nhân tạo nhiều. Và về quyền sở hữu, nhờ gia đình chi tiền mua, Giáp có hẳn lãnh địa trúng luật phong thuỷ. Ở Việt Nam, mộ Giáp là hiện thực duy nhất cho thấy ở mặt cáo phó học, tư nhân uu việt hơn Nhà nước.

Khi chết, ông hơn hẳn các vị đứng đầu nước này một đẳng cấp.

Nhiều tướng đảng được Duẩn tin yêu hơn Giáp lắm (như Nguyễn Chí Thanh) mà chỗ nằm vẫn còm cõi trong khuôn thước tiêu chuẩn tẻ nhạt. Các vị đâu được nghĩa trang riêng và lính gác mộ. Vâng, trừ Hồ Chí Minh! Tuy cả hai thày trò này đều chung vết chính trị không được Mao ưng!

Về Vũng Chùa, Đại Ngã vậy là đã kén nơi VÔ NGÃ!

Và sau một binh nghiệp lẫy lừng nguyên soái đã tới nương vào nơi chi cho phép phấp phới ngọn cờ Cấm Sát Sinh!

Hai đối cực đẩy gạt tuyệt đối của Ngã cũng như của Sát liệu có hoà hợp nhau ở đây không?

Giáp bảo nhất trí với Trần Độ nhưng chốn cuối cùng hai người dạt tới khác nhau. Trần Độ lập mộ ở xó vườn nhà. Mộ ông phản ánh được đời ông, giản dị, nhức nhối như sự thật ông đã giấy trắng mực đen lên án chủ nghĩa và chế độ.

Về Đèo Ngang – đèo là đã chia ranh giới mà lại còn ngang hay ngược – phải chăng Giáp còn muốn than “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”?

Có đau lòng chứ! ông có muốn một lần tạ lỗi, mong lấy hồn thiêng trấn giữ Biển Đông từ nay chăng? Trung Cộng chiếm Hoàng Sa giữa lúc ông chuẩn bị Thần tốc vào Sài Gòn! Giải phóng kia, mất đây. Chiến thắng kèm chiến bại. Mỹ cút, Hoa vào.

Phải nhận rằng thái độ của ông với Trung Cộng trước sau như một. Bắt đầu bằng bỏ phiểu trắng, phản đối đường lối Mao, rồi ông đã có bài báo gọi đích danh Trung Cộng là kẻ có âm mưu xâm chiếm Việt Nam và lá thư vì an ninh quốc phòng phản đối cho Trung Cộng khai thác bốc-xít ở Tây Nguyên.

Giáp lạ gì năm 1971, một Nghị quyết của Trung ương khoá ba từng bêu ông lên bằng tên X. – chả lẽ lại vạch tên Tổng tư lệnh đang chói chang nổ súng – với tội chõng Đảng cùng bốn uỷ viên trung ương Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Lê Liêm, Nguyễn Văn Vịnh và chúng tôi.

Ông cũng không lạ việc Hồng vệ binh bôi nhọ ông ở ngay trước lễ đài Thiên An Môn cùng bài báo Bắc Kinh vu cáo trước thế giới rằng ông phản Hồ Chí Minh! Mao Chủ tịch đã nói hẳn với Lê Duẩn: “Đại biểu của phái hữu ở Việt Nam đại khái như Võ Nguyên Giáp, đại biểu của phái tả ở Việt Nam đại khái như Nguyễn Chí Thanh” và “cách mạng ở Việt Nam muốn tiến lên thì phải hạ phái hữu xuống”!

Ông chết rồi vẫn bị Bắc Kinh hạ xuống. Thủ tướng Trung Quốc sang trưa 13-10, người ta liền xén luôn nửa ngày Quốc tang ông! Đảng xén ngon vì biết rõ Giáp vẫn bị Bắc Kinh không ưa (ông là người duy nhất ở Việt Nam trên sách báo công khai vạch âm mưu xâm lược bá quyền của Mao) Nếu ưa thì Lý Khắc Cường sẽ xin đến hương khói cho Giáp một nén, dẫu là tượng trưng. Cũng thấy ngay toàn thể trung ương kém Lý Khắc Cường. Giáp mất, Trung ương không dám hoãn tang ông – hoãn cũng là một thứ xén – để họp yên Hội nghị trung ương lần thử 8 mà còn thêm mục toàn bộ trình diện cúi đầu trước vị công thần kiêm phần tử chống đảng.

Giáp có nhớ cuối tháng 9-1990, Trung Cộng đặc cách mời ông sang dự khai mạc Á vận hội rồi gặp Giang Trạch Dân? Rất long trọng. Khác hồi 1978 ông sang cảm ơn Trung Quốc chi viện đánh Mỹ thì đã bị cho ăn cơm có cả bát mẻ. Thế sao nay khác? À, sau hội nghị Thành Đô, Bắc Kinh đang ép Nguyễn Văn Linh. Thế là người ta chợt thân mật với ông. Ngầm doạ Hà Nội hãy trông một tiềm năng “lật đổ” các anh đang được chúng tôi trọng vọng đây! Bị úm, Nguyễn Văn Linh bèn củng cố luôn nhận định: Trung Quốc dù bành trướng song vẫn là nước xã hội chủ nghĩa! Phát triển tới chót vót nguyên lý “chủ nghĩa xã hội bảo đảm độc lập dân tộc”. Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Lê Đức Anh v.v… tất cả nhận thoải mái đóng góp bác học này.

Trung Cộng cao tay hơn Việt Cộng một đầu, một với thật. Nhìn ai đều là phương tiện. Xong việc lại bỏ giọ.

Đảng là một bọc trứng kỳ dị như bọc trứng Âu Cơ dung nạp thả giàn! Tổng tư lệnh chống Mỹ, người học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người cộng sản mẫu mực, kiên trung và đầu sỏ của bè lũ chống đảng!

Ở xứ này dễ thành người hai mặt hai lòng. Quen với đạo lý “gặp thời thế thế thời phải thế” lắm rồi.

Giáp nhắm mắt – hết là tiềm năng chống đảng – nên đã được toại nguyện cá nhân, làm gì tuỳ thích. Sự đối xử hậu hĩ cuối cùng của đảng với Giáp tương đẳng với sự cam chịu hậu hĩ cả đời của Giáp. Đảng viên biết đặt danh dự cá nhân xuống dưới uy tín đảng thì được đảng hết mực thương yêu thôi.

Vốn vô cùng ưa chuộng huyền tích và đang khát huyền tích nguyên vẹn nước sơn, dân kén ngay Võ Nguyên Giáp làm huyền tích mới.

Huyền tích mê hoặc người vì luôn mang sự lạ: Phù Đổng, con của một vết chân, là một đứa bé tự kỷ “ba năm chẳng nói chẳng cười trơ trơ”. Bà Triệu vú dài ba thước. Bác Hồ nhân thân ba đời ẩn hiện, vợ con mờ ảo. Giáp thì trung thần kiêm gian thần, trung thân với chính cái dân nước đang được đảng sáng suốt lãnh đạo, gian thần với chính cái đảng đang cúc cung tận tuỵ phục vụ dân nước.

Vì gian nên lúc sống Giáp chịu đắng cay, vì trung nên vừa nhắm mắt Giáp liền hưởng thụ. Đảng chắc chắn giật mình trước việc dân xót thương Giáp vượt xa vô cùng vô tận những Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Giáp không vấy bùn nhơ chính trị. Nhưng nếu Giáp cũng như các vị này? Thì dân không nườm nượp tiễn Giáp.

Tiễn Giáp đông chính là dân xây một nhà bảo tàng tiêu biểu cho tình cảnh trớ trêu của các anh hùng cộng sản ở đất nước này gồm có hai phần danh vọng và tủi hổ chẳng kém nhau chút nào cường độ sáng tối!

Mô hình nó cóp-pi chính cái phận dân chủ đấy mà tôi đòi đấy!

Lần đầu tiên với số lượng trăm nghìn, dân để cho hiện ra ở quốc tang Giáp cái vực sâu mênh mông khôn lấp khôn dò giữa dân và đảng.

Sao không nói hàng hàng lớp lớp dân tiếp bước nhau đến vĩnh biệt Giáp chính là đang diễn tập hành quân lật án? Lật án oan cho Giáp rồi tiến tới lật cho mình cái án phải “làm quần chúng bị lãnh đạo” kiếp kiếp đời đời không được ngửng trí tuệ dậy.

Nhưng!

Nhưng không báo nào đưa tin có bà mẹ một người lính Sài Gòn đã ra tiễn Giáp! Ai cho phép mẹ khi đã có đứa con chết trận ở Hoàng Sa.

Không, không phải! Có con là tử sĩ vì chống lại ông anh đại hậu phương giúp ông em tiền tuyến đi đánh đổ từng bộ phận của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và tay sai của nó, bà mẹ tự không cho phép mình ra.

Báo đài cũng không thấy nói có Giám mục Võ Đức Minh cai quản giáo phận Nha Trang – Khánh Hoà ra cầu nguyện cho Giảp. Gọi Giáp là bác ruột, giám mục có thể đã cầu nguyện cho Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại.

Và cô ruột giám mục là em gái Giáp, vợ trung tướng Quân lực Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Ngọc Lễ thì ngày 30 tháng 4-1975 đã bỏ chạy sang Mỹ, không ở lại đón anh.

Công bằng thôi! Anh không công nhận người ta hy sinh bảo vệ Hoàng Sa, bảo vệ đất nước thì người ta cũng không công nhận anh là anh hùng giải phóng. Sao anh khinh mạng những người lính Sài Gòn bị Trung Cộng giết hại thế? Sao mảnh đất không có cờ búa liềm che phủ lại bị anh rẻ rúng vậy?

Anh có biết khi anh bôi nhọ tất cả những người Cách mạng Quốc gia thì bản thân anh đã lụi tối đi trong lòng những người dân trọng giá trị chân chính của đất nước? Mãi đến đầu thế kỷ 21 anh mới cho hó hé ra chút nào Nguyễn Văn Vĩnh; Phạm Quỳnh, Tự lực Văn đoàn, Phan Khôi… Anh choán hết chỗ thờ phụng trong ngôi đền danh nhân đất nước! Ai muốn nhận danh phận yêu nước đều phải qua cửa anh xét duyệt.

Ở xứ sở này, nơi bị lưỡi đao giai cấp chặt đúng ngang lưng thành hai vùng Quốc – Cộng đầm đìa máu me thù địch thì chữ “chung một ý, chung một lòng”, chỉ dùng thuần cho hai lĩnh vực đau thương hay yêu quý không thôi cũng đã chướng tai chối mắt rồi. cân phải chữa thành “riêng dân Nam một bên ý, riêng dân Bắc một bên lòng”.

Thế thật mà! Trong khi Hà Nội kỷ niệm thành lập quân đội, người Việt ở Mỹ cũng kỷ niệm thành lập quân đội! “Buồn thật! Đất nước thiêng liêng bằng vậy mà cũng chia hai – sáng hay tối, quốc hỉ hay quốc hận?”

Con gái một bạn tôi ở Huế kể: “Cháu đi ăn cưới. Người ta hát. Phần lớn ca ngợi chiến thắng và cháu ớn. Nhưng đến bài “Huế của ta ơi, ơi Huế tự hào” thì cháu nghiến răng lại vì suýt khóc. Bà nội cháu, ba bác và chú cháu bị Việt Cộng vào giết một lúc. Nói Huế tự hào là bảo bà và các chú bác của cháu chết rất đáng đời hay sao? Giết dân lành mà tự hào? Bà con Thiên Chúa nói là chiến thắng của quỷ dữ.

Tôi đã nói với Lê Kim Phùng, cục trưởng A25 năm 1990 rằng Đảng có hơi bị yếu kém trí tuệ. Kèm hai thí dụ làm bằng mà tựu chung chỉ cốt để vỗ ngực tự khen và chỉ mặt chửi cha thiên hạ.

Còn một nữa lúc ấy tôi không nói ra và nay thì nói. Đó là mù loà trí tuệ nên không thấy lòng dân. Dân đã ngán Đảng quá xá (“Dịch lợn rồi lại dịch gà, Bao giờ dịch đảng dân ta reo mừng”) mà Đảng không cảm nhận được, lại đổ cho dần bị thế lực thù địch lôi kéo. Khác nào xưa Pháp đổ cho dân bị cộng sản lợi dụng rồi tăng cường đàn áp. Kém trí tuệ nên không nhớ câu “tức nước vỡ bờ” của dân cũng như phép rửa mặt sáng chiều đảng vẫn dạy bảo nhau. Nhưng kìa, sao mà rửa mặt được? Cái thứ anh cần vã lên mặt để rửa chính là nước mắt dân đổ ra vì các chính sách trói buộc của anh nhung anh không thấy, anh không động lòng. Anh đổ tại cho dân trí thấp!

Tồn tại nào cũng không thoát được cái gông trí tuệ. Nói gông để nhấn mạnh cái sức mạnh trói buộc.

Một thử thách rất nhỏ, đến bao giờ anh tỉnh ra để cúi đầu tưởng niệm chân thành những lính thuỷ Sài Gòn hy sinh ở Hoàng Sa? Đến bao giờ anh lấy gương quân đội Sài Gòn bảo vệ lãnh thổ để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam? Và khi nào anh tự hỏi sao trong dân tộc anh cứ phải định hạng ra kẻ thù để mà tiêu diệt?

Ngày mở màn Cải cách ruộng đất, đi viết hai vụ đầu tiên (lúc đó được cho là vinh dự) bắn địa chủ “phản động, gian ác, phá hoại kháng chiến” – bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm và cụ Cử Cáp – đều thân sĩ kháng chiến từng gặp Trung ương, Bác Hồ, tôi đã vùi kín ở riêng một góc lòng một phản ứng chống lại cái ác.

Nhưng thua đứa cháu cụ cử Cáp! Cháu lên năm lên sáu, đang ngồi với bà trên thềm cao gần nửa mét, thấy anh đội viên đưa tôi vào nhà liền kinh hoàng trợn mắt lên và như một hành vi tự sát gieo minh xuống mảnh sân trình đất đỏ vùng chè Phúc Trừu, Thái Nguyên. Cháu công khai bày tỏ nỗi khinh bỉ, ghê tởm những người đến phá nát gia đình cháu. Người ta mới bắn ông cháu tối qua. Còn dặn tang gia chia vui với thắng lợi của nông dân vươn mình, đừng to tiếng khóc. Phải chấp hành thôi! Lòng dân muốn mếu nhưng ý đảng muốn cười mà. Ý đảng là quy luật. Đảng là đấng tiên tri trần tục biết vạch ra cho loài người quy luật, đường hướng để cất chân đi theo mà vươn tới tương lai tươi sáng.