Đến đây, sau Khải, cho tôi nói sang Q., một bạn học từ bé cho đến cuối 1946 chiến tranh xa nhau, hai bên trận tuyến, rồi mãi tới 1975 mới gặp lại.
Sau bao năm bẵng tin bạn thân gặp lại thì cố nhiên hay quá rồi. Nhưng vừa bắt tay, cái đầu tiên sau vài chục năm, Q. đã hỏi tôi: “Thế nào Sao Đỏ Con? Già thì đỏ bạc màu đi rồi hả?” Ha ha cười rồi giải thích: “Nghe ông chống đảng! Đỏ phai là bội bạc lại cờ đỏ. Tôi nghe tín này rất mừng. Mais on revient au peuple, quoi, – Thì trở lại với dân mà”.
A, nhờ Q., tôi nhớ lại tên “Sao Đỏ Con” bạn bè đặt mà tôi tự hào – trong lớp học, tôi bênh Việt Minh nhất. Lúc ấy tôi cũng khen dữ Con đường sáng của Hoàng Đạo, nhà văn Quốc Dân Đảng. Tôi thích lý tưởng tưng bừng và văn trong sáng của tác giả.
Tôi thấy Q. như có một nét mới, cái nhìn đặc biệt chất chưởng. Chẳng hạn tưng tửng:
– Đánh Mỹ là một công trình giao thông nhằm chuyển đi ruột dinh cơ mà các ông miệng ghét bụng thèm. Phải cái tội quá tốn kém.
– Dinh cơ sứ quán Mỹ đó! Xẻ dọc Trường Son để vào đuổi nó bán xới con mẹ hàng lươn rồi rinh tùng rinh nó ra tận Hà Nội! Vì nguyên lý cộng là cứ phải đánh đế quốc ê mặt tái mào đi rồi mới vớt lên cho làm đối tác. Cũng như trảm tư sản dân tộc bắt hưởng cảnh ăn mày gọi là cải tạo cái đã rồi mới cho sống lại. Đùa thôi, chính là tư duy cộng sản đã vỡ tan vỡ nát khi đi vào cuộc sống.
Cũng hôm ấy Q, bảo tôi: Thoạt đầu dân Sài Gòn nói XHCN là Xạo Hết Chỗ Nói, tôi chưa tin. Sau thì tin. Tại sao? Đọc Tố Hữu “Ngôi sao chân lý giữa trời, Việt Nam, vàng của loài người hôm nay”. Ông ơi, phét quá! Phải là cỡ đại hâm. Tôi đã sống với lính Tây, Mỹ, Thái, Hàn, Úc… đến đánh Cộng nhưng chưa thấy thằng nào khoe là ở quê nó máy lạnh bò đầy đường như, xin lỗi, các ông. Nếu là Quỹ Ford tôi sẽ chi vài triệu đô mở hội nghị khoa học thảo luận đề tài về nghĩa vụ nói phét. Rồi nghĩa vụ cãi văng tê. Sau hiệp định Genève, thế giới tố cáo các ông cài người ở lại phá hoại thì các ông chửi là vu cáo bỉ ối và lời các ông hay dùng nhất lúc ấy là “vả vào những cái mồm nói láo”. Nay báo chí lại tự hào ngay từ lúc hiệp định Genève chưa ráo mực đã sớm cài người, rồi mở đường mòn với “con thuyền không số” để chuẩn bị cách mạng. Lạ à? Đọc Nhân Dân 21 tháng bảy linh tư đi.
Tôi đọc. Gia Lai gặp mặt 154 cán bộ được đảng phần công ở lại “bám dân bám đất, lãnh đạo chống lập tề, chống bắt lính để tiếp tục sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà ngay sau hiệp định Genève”.
Sau đó mấy hôm Q. gặp tôi. Nói ngay: Chú ý là ngay sau và tiếp tục sự nghiệp giải phóng tức là hê mẹ nó Genève đi từ sớm và uýnh luôn sang màn hai, thế nhưng lại nói vì nó không chịu tổng tuyển cử. Anh cài người, từ Lê Duẩn, anh chôn vũ khí lại, anh phá Chính quyền Quốc gia thì hỏi còn đứa nào tổ chức được tổng tuyển cử nữa mà anh cứ vu cho nó phá tổng tuyển cử! Lưỡi không xương, ông cha nói hay thật đấy! Gần đây cố vấn quân sự Trung Quốc tung ra hồi ký cho hay tháng 3 năm 1955, La Quý Ba, Vi Quốc Thanh và Võ Nguyên Giáp đã vào tận Bến Hải nghiên cứu bờ biển để sớm đề phương án tác chiến “tương lai”. Tháng 9, Võ Nguyên Giáp lại sang họp với Bành Đức Hoài và tướng lĩnh Trung Quốc bàn thêm. Trung Cộng không lộ ra thì có đến mùa quít dân mới biết đảng đã cùng với Bắc Kinh chủ động tiến công trước cả Mỹ nhiều, ông biết Wilfred Burchett viết sách nói ký xong Genève, Phạm Văn Đồng ứa lệ đau đớn bảo ông rằng Bắc Kinh đã mua chuộc Pháp và phân bội Hà Nội. Rồi Đồng lại tuyên bố công nhận Hoàng Sa của Trung Quốc và không hề ứa lệ. Trong khi Hội nghị San Francisco 1951 đã công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của nước Việt Nam Cộng Hoà! Chả ma nào hiểu nối lúc nào ứa lệ thật mà giả, lúc nào thân nhiên không mà có. À, vậy thì nhờ chính đế quốc thừa nhận mà Sài Gòn thu hồi đất đai, biển đảo rồi chiến đấu bảo vệ nó. Ngược lại, ông anh cộng sản lại nẫng mất toi của Việt cộng.
– Ô hô! bất giác tôi kêu, rõ to.
- nắm tay tôi lắc khẽ như muốn vỗ về:
– Theo tôi, Mao mở chiến tranh thảm khốc ở Việt Nam là để dọn cho mình một bàn tiệc và đặc biệt qua đó lại còn được hưởng một món cực hiếm: đất đai của chính chiến hữu cộng sản. Một bạn tôi, sĩ quan Thiết giáp, năm 1983 vừa tù tận Lào Cai về liền bảo tôi: Nên hiểu câu ông Hồ nói Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào thành ra Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Hoa vào, ở tù tôi rút ra cái sự thật kinh khủng lù lù ấy. Thằng Tây nó tếch, thằng Tàu nó sang.
Mất một lúc tôi như say sóng. Choáng. Và đột ngột hiện lên trước mắt tấm tranh vẽ khổng lồ suốt những năm chiến tranh vẫn treo trước toà nhà đối diện cửa hàng Bách hoá tổng hợp: Ông Hồ sơ-mi lính chống nạnh nhìn đoàn quân lớp lớp ra trận. Rồi tôi không còn ngước lên nó bao giờ nữa. Có thể chống nạnh nhìn con em rầm rộ, lũ lượt dấn thân vào cõi chết như thế được không? Muốn phủ dụ: nay thế giặc nhàn, Bác chống nạnh ung dung thế này là vì thế…, cháu sẽ hy sinh nhưng cháu đã dược Bác xét duyệt, vinh dự đấy, phấn khởi lên, Cố nhiên đây là tác phẩm dựng theo ý hoạ sĩ nhưng hoạ sĩ thì không thể tránh được cái khâu thỉnh thị đồng chí Tố Lành, tuyên giáo.
Một khi hé ra, sự thật quá đơn giản thường giống một cú đấm táng vào giữa mắt. Bàn tiệc linh đình, lớp lớp đàn em tưng bừng bưng dọn cho Mỹ cút ở Biển Đông để Hoa vào thế chân. Ôi, chỉ việc đối “nguỵ nhào” ra “Hoa vào” là thấy rõ cả một nước cờ siêu thủ. Thiên hạ đại loạn, Trung Quốc được nhờ mà.
Chúng tôi rồi hay gặp nhau. Q. thường ra Hà Nội. Khoảng 1997, một bữa Q. nói: Tôi còn ngồi được với ông một hai giờ nữa rồi vào trong kia, con cháu chúng mang tôi sang Anh. Coi như tôi nhảy đứt vào cái xã hội nó không đội dân lên là những gỉ gì gi. Nhưng bên đó chính phủ nói dối là phèo với dân ngay. Ở các nước ấy, đâu có chuyện thình lình nhà cầm quyền phát hiện ra dân bị trói mấy chục năm mà thủ phạm trói là thằng nào con nào chả có ma nào biết. Chả bù ở các nước vừa thấy có mảng rau câu lạ dạt đến bờ biến là đã chu chéo báo động, ừ, vì chúng ta là dân bèo dân bọt chả bằng được rau câu mà. Thôi, bây giờ tôi mách ông nên tìm đọc hồi ký Hồi ức và suy nghĩ của Trần Quang Cơ viết Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Hồng Hà “làm nhục quốc thể”, quỵ luỵ với Bắc Kinh, kể cả với đại sứ Trương Đức Duy, mở ra thời kỳ Bắc thuộc mới.
– Hồi đánh Pháp, Tắc Vầy Đức Duy là cán bộ Hoa kiều vụ của Lý Ban vẫn lĩnh lương của ông Đỗ, phó tướng của Trưởng ban kinh-tài Nguyễn Lương Bằng.
– Ngày nào nhân viên Việt Cộng quèn đừng mong đến bên đầu não thế rồi thành đại diện của Nhà nước Trung Hoa thì gặp ai cũng được và ra yêu cầu là Việt Cộng nghe. Thế nào mà anh hùng sắt đá lại hoá thành con ốc vỡ vỏ và người xéo vỡ lại chính là Bắc Kinh. Nhục chứ! Từ nay khó khăn là phải vật nhau với ồng Anh vốn chả còn lạ gì gan mề phèo phổi họ nhà sứa của chú em.
– Nghe ông, tôi nhớ đến nhà văn Pháp Claude Roy ân hận mãi về việc mình đã vào đảng. Khi bỏ đảng Roy nói: Vào Đảng cộng sản là “theo đuổi có hiệu quả công cuộc ăn cắp cuộc sống, ăn cắp lòng tin…” của người dân.
– Ồ, tuyệt cú, bao giờ dân mình đọc được các ý này.
Rồi chúng tôi chia tay nhau. Bất giác tôi hỏi Q.: ông toàn ở thành phố có trông thấy giòi bao giờ không?
- nhìn tôi, ngạc nhiên:
– Lúc bé về quê có thấy. Sao?
– Nhưng đã quan sát vận động của giòi kỹ chưa? Vận động thuần tuý cơ học thôi.
- lắc.
– Theo tôi, trong các dạng vận động cơ học của sinh vật, xin nhắc lại là đây tôi chỉ nói vận động thuần tuý cơ học, thì dạng động học của giòi là đáng xem xét hơn cả. về tổ chức và hành vi, nó đồng dạng, thuần nhất không thứ gì bằng, về hoạt lực, nó tích cực nhất, năng động nhất, cạnh tranh nhất, hiệu quả nhất. Thế nhưng cá thể giòi không làm lợi gì cho tập thể giòi cũng như cho cái môi trường nuôi nó. Khi nó thành ruồi bay đi rồi thì cái không gian – tức là cái xã hội giòi – từng đã tưng bừng hơn hội lễ dung chứa nó lập tức trở nên rỗng tuếch, không một dấu tích, ngỡ như không khí cũng sạch trơn, hư vô hoàn toàn. Thôi, tào lao với nhau thế được rồi nhỉ.
– Ý giòi quá hay. Hay lắm. Thôi, chia tay… hãy ôm khẽ nhau một cái.
Tôi thú thật là bịn rịn. “Đi may mắn…, tốt lành…” tôi hơi ấp úng. “À, H., quên, em gái ông, cứ quên…”
– Chết rồi, Liên Khu 1 đầu kháng chiến. 28 tháng giêng 47. – Giọng Q. hơi nghèn nghẹn. – Em nó lên chơi bà bác trên Hàng Đường trưa 19 tháng chạp thì tối nổ súng, mất liên lạc với nhà. Đi cáng thương binh tử sĩ ta đánh đầu câu Doumer, em nó bị đạn súng cối chết ở gần bóp Hàng Đậu.
Tôi im lặng nắm chặt tay Q. mà bụng ngổn ngang khó tả.
- thường đỏ ran mặt mỗi khi tôi đến tập ghi-ta hoặc nghe tiếng Anh Assimiỉ (giáo trình tiếng Anh nổi tiếng của Pháp – BT) với Q. Chơi đàn và nghe đĩa lúc ấy, tôi lơ mơ tới người con gái với chiếc áo dài màu cyclamen mà tôi luôn đinh ninh là màu môi má H. tràn sang. Một lần theo Q. lên gác, khi qua găm cầu thang bày giầy dép, tôi thoáng thấy đôi xăng-đan da đỏ quai viền kim tuyến thật mảnh đặt ngoan ngoãn trên một bục gỗ con: H. đi nó hôm theo Q. và tôi đến kermesse – chợ phiên đầu tiên sau ngày Độc lập ở Ấu trĩ viên. Tôi khẽ tụt dép ướm chân vào chiếc xăng-đan tôi ngắm vụng hôm nào, nó mềm mại như thuận lòng, như đáp lời, như một bàn tay ngửa ra trao. Thằng ngố, thế mà ngỡ đã có thệ ước dưới cái gầm cầu thang mờ tối lơ lửng một mùi nước hoa xui tìm một cái gì…
Sau cuộc chuyện trò dài ấy với Q., tự nhiên cả đêm những lời Q. nói lởn vỏn mãi trong tôi. “Nhà triết học Trần Đức Thảo, tôi không quen” – Q. nói, “nghe đâu ông ấy bị tâm thần, luôn sợ an ninh. Nhưng cuối đời ông ấy viết đả mấy người phê bình đảng thì tôi nhận ra đó là sự sụp đổ thê thảm của một đời trí thức”.
Không hiểu sao tôi không thanh minh hộ Trần Đức Thảo, Mà lại thú thật với Q: Nghe ông, tôi xấu hổ… Tôi hay sợ… Nó ló ra luôn, rất tức thì, và tôi phải cố lắm.
– Tôi khác gì đâu? Ở chỗ này cần nói rõ một tí. Sợ chính là ông thần hộ mệnh nội sinh. Hộ cho cái mệnh sinh học là thân xác và cái mệnh tinh thần là phẩm giá, lương tâm. Việc đáng réo chửi là trên cái nền tự vệ Bản Năng ấy, người có quyền lại cài cấy thêm hệ thống sợ vào mỗi chúng ta, gieo vào chúng ta một Ý Thức Sợ và cái sợ ngoại sinh này lại được vun trồng, tưởi bón công phu để cho có một con rô-bốt hay con ma xó hay thằng cò sợ nấp sẵn ở trong mỗi chúng ta, nó ngày một ranh ma tự động remote cho ta cái sợ ngày một tinh vi. Tôi hỏi ông kết quả đầu tiên của lập trình Sợ luôn được nâng cấp ấy là gì? Ờ, cố nhiên là hèn… Nhưng… ừ thôi được, cho là hèn đi, vậy biểu hiện đầu tiên của hèn là gì? Là ăn gian nói dối, đúng chứ? À, đúng! Cái này là đặc thù của con người, khiến con người đốn hơn con vật. Sợ vãi đái ra trước mặt ông nhưng chó mèo không ăn gian nói dối với ông! Chó mèo, gà vịt, hay rận rệp, đúng, rận rệp mà cũng ăn gian nói dối, uốn lưỡi nhất trí bậc thày cả thì tôi dám chắc cuộc sống sẽ quả ư kinh hoàng. Những ngày xung quanh đi cải tạo, tôi có khi cả tuần không ăn, sụt chín cân trong hai ba tháng! Nhất là hồi họ gọi vợ tôi đi tra hỏi: làm “phát ngôn viên” cho nguỵ đã chửi cách mạng những gì? Mãi họ mới vỡ lẽ là đã lầm “phát ngân” thành “phát ngôn!” Có tiền gì đâu mà có phát ngân thì tất phải lầm chứ? Cũng như có văn hoá đâu nên bắt oan người ta rồi tha về mà chả thèm xin lỗi một lời. Nhưng tôi nói, như ông, tôi đã cố vượt cái sợ. Tôi đã nghĩ nếu vào trại tôi sẽ học nhiều người mót lấy bo bo trong cứt tù già không tiêu nối thải ra rồi ngâm suối vài ngày để nấu lại ăn. Phải sống! Vì tôi tin Mỹ sẽ trở lại, tư sản như Phạm Nhan rồi sẽ mọc đầu do đó mình còn có thể sống và nên sống. Nói sao rồi nhỉ? À, nói tôi cũng đã không sợ như ông. Mà bảo ông không sợ là có chứng cử. Đó, đời ông một con zê-rô tổ bố nhưng ông vẫn chọn cái vô dụng chứ không kiếm cái hữu dụng. Hữu dụng nay dễ kiếm lắm. Lên báo lên ti-vi nịnh khỏe vào. Muốn họ nhà mình danh giá chỉ căn mua bên văn hoá cái giấy công nhận cho ông cụ tổ bốn đời của mình tại xã này xã nọ đã có công phục dịch quân Quang Trung khi đánh ra Bắc. Khắp nơi lễ tổ. Nghe đâu các nước thèm có một ông tổ như ta để làm lễ quốc tổ lắm.
– Hàn Quốc vừa bắt bốn anh Việt ăn cắp chó quỳ lạy con chó vừa cắt tiết xong. Họ bảo bọn mày thạo lạy lắm mà, cái gì cũng lạy lia lịa được, vậy lạy chó của chúng tao đi.
– A, (tự nhiên Q. dừng lại nhìn tôi, nhìn từ trán xuống cằm rồi nhướng một bên mày lên). Mà ông cũng văn chương đáo để cả đấy chứ… Sao không cho trào ra?
Chả hiểu sao tôi không đáp lời Q. hỏi mà lại khẽ nói: Tôi chả thiếu lúc hèn. Nhưng tôi đã cố không để cho sập cái cứ địa cuối cùng là nhân phẩm vì nó giúp tôi chống lại họ. Thà sập thân phận xã hội. Nếu hỏi trong đời đã có lúc nào tôi nói năng âm vang nhất thì tôi có thể nói tới lúc sau đây. Lần ấy, 1975, kết thúc chiến tranh, Lê Duẩn đặc biệt đến báo Nhân Dân nói về thắng Mỹ. Cơ quan báo đảng biến thành hội lễ tưng bừng, mọi người hớn hử trạt bâu vào nhau nồng nhiệt hoan hô Tổng bí thư. Tiếng vỗ tay reo hò im bặt khi Lê Duẩn lập bập cất tiếng. Cũng lại chả hiểu sao tôi bỗng cùng lúc đi khỏi chỗ ngồi, rẽ quặt ngược chiều xuống hàng ghế cuối hội trường, một mình chống hai tay vào thành ghế rồi đứng đó – vâng, tạo nên một khoảng trống khá rùng rợn giữa hai diễn giả chênh lệch vô biên về quyền lực để chất vấn tác giả của “thắng lợi”: “Thắng gì? Thắng ai?” Mà tôi tin rằng Lê Duẩn nhìn mắt tôi đã đọc ra được chất vấn chát chúa của tôi. Tôi cũng có viết. Cho tôi. Con rắn bò còn để lại vết cơ mà. cả một đời bò lê trong đàn áp chả lẽ lại không có chút mùi vị địa ngục nào lưu lại? Nếu “Trời còn cho có hôm nay, Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” thì tôi sẽ trình làng một chút chứng tích. Chống lại họ, tôi đầu tiên học chối từ hư danh. Hư đốn mãi với danh nghĩa chiến sĩ giải phóng loài người rồi mà. Có người bảo tôi sao không xin vào Hội nhà văn. Tôi cười. Tôi đã chống đảng thì vào cái hội con của gã bố ấy làm gì? Người ta bảo tôi nộp đơn xin trợ cấp chống Mỹ thì tôi nộp một sơ yếu lý lịch ghi bị khai trừ đảng vì ở trong tổ chức chống đảng, lật đõ. Ý là không chống Mỹ mà chống đảng, tôi không xin trợ cấp chống Mỹ. Chính là tôi muốn cho thấy tôi phù nhận mọi nấc bậc ở thang giá trị hiện hành vốn là một xếp đặt nhảm. Lưng khôn uốn, lộc nên từ, Nguyễn Trãi đó. Đất nước này rồi phải dựng lại các giá trị chân chính. Nó như một chiếc bít tất thối, nhưng người ta vẫn cố hết sức uốn lưng khom gối để rúc lọt nổi toàn thân vào nó. Từ lâu tôi chỉ mong lìa thoát hết mọi ràng buộc ú ớ chúng dễ làm cho ta tầm thường đi mỗi khi ta còn lấy chúng làm chuẩn giá trị. Tôi chỉ mong được ở cái bậc thang của chính mình, nạn nhân mang bộ mặt chứng nhân của bạo tàn chuyên chế. Tôi đã lỡ là đồng chí của họ nhưng rồi giật mình không chịu tòng phạm với họ nữa. Vâng, cự tuyệt hết, vâng, tôi ấy, ấy thế mà có một lần tôi đã co giò toan lên một con tàu, gia nhập – engager một cuộc đi mà tôi nhận được lời mời từ trên tít chín tầng mây gửi xuống. Hồi ấy tháng 9 năm 1967, vừa bắt đám Hoàng Minh Chính, Trần Châu, Phạm Viết, Hoàng Thể Dũng, tôi đến Trường bổ túc văn hoá sơ tán về huyện Văn Giang, Hưng Yên gặp Trần Thị Vân, chị họ Trần Thị Lý để viết hồi ký, sau (cuốn hồi ký) Nguyễn Đức Thuận. Tâm trạng tôi rất đặc biệt. Luôn thấy mình đang bị nhòm ngó sát sườn, luôn thấy tìm gan, đầu óc mình bị phơi ra trần trụi. Như con nhái mổ phanh ở iớp học sinh vật. Và chán và thấp thỏm chờ – đến lượt mình – một trạng thái mệt mỏi, ngán ngẩm nhưng cứ phải giữ vẻ bình thản, có khi lại còn hiên ngang khiến họ gai mắt. Đêm ấy, đúng Trung Thu, nửa đêm rét, tôi kéo chiếc chiếu đầu giường nhà chủ đắp lên người và thế rồi thao thức, ngổn ngang không ngủ lại được. Chợt như có tiếng bẻ ngón tay lắc rắc khe khẽ, ở rất cao, đúng hơn, như có tiếng lụa rũ mở, không đúng hơn nữa, tiếng xập xòe khép đóng của những nan quạt ngà… ở giữa trời trăng vằng vặc. Ô, cánh chim sải gió khoan thai, hùng mạnh. Và rồi tiếng gọi vào tai tôi: Hu… u… hu… Tiếng gọi hết sức thanh cao như được xoe tròn, chuốt cho thật dài thật nhẵn, lọc cho thật sạch rồi gói bọc vào không khí chính thu thành những ống pha lê trong vắt mà gửi xuống cho mình tôi. Một đàn ngỗng trời – hay thiên nga – đang bay qua tôi để thiên di xuống phương nam ấm áp. Tôi vội ra sân nhìn theo, cố nghe vớt tiếng gọi. Không còn thấy gì, ngoài có lẽ vài gợn sóng trăng chấp chói bạc đâu ở gần chân trời, cái chân trời bỗng như một cửa mở của một vương quốc trong sáng khác thường. Và nhẹ nhàng lướt đi tít trên cao, mắt tôi thấy, một con thuyền galère thời xưa. Tôi đứng bơ vơ ở sân một lúc nghĩ đến câu Nous sommes dans line même galère, – chúng ta cùng trên một con tàu, của Camus cùng câu cô hồng thiên ngoại, chim hồng một mình ngoài trời, mà buồn. Tôi vừa để lỡ mất một lần kết nạp thênh thang nhất, sạch sẽ nhất trong đời.
Nghe tôi, bên lông mày nhướng lên của Q. dịu dần dần xuống. Rồi anh khẽ khàng:
– Tôi hiểu nỗi ông. Ông đã kiên trì làm cho được đúng ông để nên ông. Đời này, cái đời ở đó tout se vend tout se paie, – cái gì cũng mua bán được, thì kiên trì làm mình là cực khó. Ông chống họ về tinh thần và còn chống họ cả ở từng bước chân, từng lời nói. Còn tôi, tôi cũng đã cố giữ lấy manh chiếu – thành trì của kẻ đã bị tước đoạt sạch. Trên manh chiếu ấy, tôi có một vũ khí. Đó là con mắt nhận ra thấy ở sau bất cử sử thi, bi kịch, tráng ca nào đều có một gã hề, cái thành tố không thể thiếu của phận người. Kìa, trên đường thành người, chúng ta đã bao lần bốc bải cứt đái rồi đó! Làm Viagra để chữa tim mà hoá ra chữa lò xo cò súng, hề không? Nhìn ra tay hề này rồi thì thấy chả có ai đáng sợ hết. Tôi xưa yêu Việt Minh vì Việt Minh có đủ hai cái tiêu biểu nhất lúc đó: thứ nhất, có Cụ Hồ – Nguyễn Ái Quốc vai vế của Quốc tế Cộng sản; thứ hai, lại có cả Mỹ đứng bên. Lúc ấy gọi là “Bộ đội liên quân Việt – Mỹ ở chiến khu về” cơ mà. Té ra Việt Minh thuần đỏ! Đó, ở canh mở bát đầu ngỡ họ thân Mỹ ấy, khối người tẽn tò. Mà một nhân tố gây cười là gì? Là tẽn tò, đúng không? Lúc biết Việt Minh chính cống cộng thì lại nghe đồn Cụ Hồ ngang Xít và Mao. Trần Văn Giàu chẳng vai vế gì trong đảng mà còn hơn Thorez với Tito cơ mà! Nhưng độc lập rồi Việt Nam một thân chỏng trơ chống Pháp mãi! Thế là canh mở bát thứ hai lại tẽn tò nốt, ngỡ ta cộng sản cỡ bự thì hoá ra là cộng sản bị Quốc tế ruồng! Có một món nay luôn nói đến là “tự hào”, ngỡ thứ hàng này tối độc, không đụng với ai vậy mà ông xem, ta tự hào đã vũ trang giành độc lập thống nhất còn độc lập do đế quốc thí cho thì xấu hổ nhưng Xing (Singapore – BT) lại tự hào nó đã nhận độc lập của Anh cho rồi sau làm ăn giỏi khiến Trung Quốc phải noi gương; và độc lập sau ta 10 năm thế mà nay vượt ta hơn trăm năm. Một điều cộng sản không thấy là tự hào và xấu hổ thường cặp díp đi đôi. Đúng mà! Ông cha chả vẫn nói: Anh hùng như thể khúc lươn. Khi co chì ngắn, khi vươn thì dài. Hay Anh hùng nằm ngủ vỉa hè, Rách phơi của nợ lại khoe ông đây hiển hách võ công bề bề. Cứ xem đấy, trong khi chửi đế quốc như chó thì suốt ngày khúm núm biết ơn ông anh! Ta lấy máu đổ đầu rơi làm chuẩn để tự hào, họ lấy nguyên vẹn sinh linh. Đảng tự hào với nền độc lập bắt nguồn từ Cách mạng tháng Mười (Nguyễn Ái Quốc từng reo: Con đường cứu dân tộc của tôi là đây). Nhưng chính quê hương Cách mạng tháng Mười (Liên Xô – BT) đã lờ Việt Nam lúc mới chào đời đang cần ôm ấp tã lót. Vậy tự hào mặt nào, xấu hổ mặt nào? Thêm một thí dụ: Ánh lửa bạo lực cách mạng mở đường cho các ông vào Sài Gòn nhưng Sài Gòn lại mở mắt cho các ông thấy ánh sáng văn minh thế giới để sau rẽ vào xếp hàng nhờ vả nó. Ít ra “Nguỵ” nó cũng tự hào là bước đúng sớm hơn Cộng một chân! Cái chân kinh tế thị trường mà các ông khiêng về làm mảnh phao cứu sinh đấy. Khi bị thấm vấn ông đã nói dân ta anh hùng nhưng thua thằng hèn. Rất hay. Khi co thì ngắn, khi vươn thì dài… Co ngắn làm XHCN, vươn dài thì thành Xấu Hổ Cả Nước hay Xám Hối Cả Ngày, Ừ, Xin hèn tận cốt nhục.
Chả biết thế nào, chia tay nhau chúng tôi dừng lại ở kết luận: Cộng sản mang ở trong lòng sức mạnh phá phách, cần có quyền lực thì lãng phí máu xương nhân dân, khi nắm quyền lực rồi thì tham nhũng tiền của của dân. Phong kiến tạo ra được nhân tài nhưng cộng sản triệt sạch. Biến dân thành những linh hồn chết.
Sắp quay gót, Q. nói:
– Nên hy vọng hay không đây?
Thật thà tôi chả thể kết luận, u ám lắm.
Tôi toan níu Q. lại. Không, tôi hy vọng. Tôi muốn trao đổi điều này với Q. Nhưng rồi lại buông Q. ra.
Tôi đã nói đến hai vế anh hùng và bán nước đối chọi trên Mặt Mẹ Việt Nam. Gặp Q., tôi thấy ở trong con mắt Việt có hai cái nhìn trái nghịch nhau sâu thẳm, nhức nhối, định luật hơn nhiều so với hai mặt mẹ dẫu sao chỉ là trò tuyên huấn bày đặt giả tạo, xấu và ngờ nghệch.
Nhưng sao không có bố anh hùng? Khôn ngoan cứ là loại trước, kẻo mai kia có đứa nó trình ADN thì quăng đứa “bố anh hùng” giả đi đâu?