Tháng 2-1999, Lê Khả Phiêu đi thăm Trung Quốc. Có cả doanh nhân tư bản theo, cất cánh tám giờ sáng ở Hà Nội. Năm giờ chiều chủ đón. Vậy là có một thời gian nán lại ở đâu đó lặng lẽ. Một so sánh nhỏ: Mấy tháng trước vừa đến đất Trung Quốc, Clinton liền ghé nghỉ Tây An, khai vị tưng bừng luôn bằng duyệt tượng lính đất nung Đại Đường, toạ đàm cùng nông dân thôn Xihe rồi tối xem vũ nữ xiêm y cổ xưa múa. Đài báo đưa tin rầm rộ. Đồng chí cũng không bằng đứa nước lớn. Một so sánh nữa: Lê Khả Phiêu là Tổng bí thư phải chờ đợi khá lâu mới được Trung Quốc mời sang. Có lẽ một kiểu úm cho mà biết tiến thoái đúng nhịp trống. Năm giờ chiều “bạn” đón. Rồi hội đàm. Rồi chiêu đãi rồi… hạ màn. Liền một lèo. Đặc biệt không diễn văn! Gần tàn chiêu đãi, Giang Trạch Dân lên hát bài Bông hồng nhỏ của tôi. Hát xong bảo Nguyễn Mạnh Cầm sắp thôi Bộ trưởng ngoại giao hát. Cầm hát “Cây trúc xinh là ý a cây trúc mọc… một mình…“ Như sinh hoạt liên cơ quan thời Diên An và Tân Trào! Trần Châu đùa: Bắc Kinh có lầm ra rằng Cầm ngụ ý tao không cần mày đỡ đầu không nhi? Nói thế thôi chứ nó thừa biết anh trơ cái thân còm ra nên phải quay đầu về lạy nó rồi. Một thứ mentalité d’ esclave, – tâm tính nô lệ. Với Bắc Kinh thì việc “cáo chết ba năm quay đầu về núi” này là một thắng lợi quá lớn không tốn một giọt máu, một hạt mồ hôi, một viên đạn, một đồng xèng. Báo đài theo đoàn viết rằng trước khi lên đường, phía bạn bắt anh chị em kê khai khắp mặt các thứ mang theo, số lượng, kiểu loại, nhãn hiệu… và sắp lên đường lại kiểm tra xem có khớp đúng với khai báo hay không. Một nhà báo than chưa thấy đâu thít nhau quá xá thế này. Tôi đùa: Ta được cái đức tính lăn xả. Đánh Mỹ thì lăn xả vào ôm thắt lưng; nối lại với Trung Quốc thì lăn xả vào bám “đường lối”. Tham quan mấy nơi trong đó có một “nhà máy hiện đại”. Hỏi nhà báo chi li đến nách kia, tôi biết là nhà máy làm thuốc đánh răng. Có hiện đại không, tôi hỏi? – “Em cũng chẳng biết làm thuốc đánh răng thì thế nào là hiện đại nhưng đến xem cái ấy là hơi bị yếu”. Tôi lại hỏi: “Hay cốt để liên hệ đến môi răng?” Bạn nhà báo cười: “Sao lại liên hệ?” – ”À, đại khái bây giờ hiện đại răng có cắn môi cũng không sợ nhiễm trùng… – “Hình như Bắc Kinh mời chậm? Thường Tổng bí thư ta mới lên vài tháng Bắc Kinh mời ngay. Đằng này từ 1997 cho đến mãi 2000! Có ý gì với Phiêu không?” – “Em không biết”. – “Bắc Kinh có ý nhắc là Phiêu xâm lược Campuchia… Đe tí ti cho hốt mà rối chân tóc rồi lia lịa gật”. Không ký một hiệp định nào. Kinh tế vẫn biên mậu chui chui lủi lủi, cửu vạn, đòn gánh, hàng nhái, hàng lậu, hàng có chất độc, bạc giả (mua bao nhiêu cũng có!). Trong khi đó Trung Quốc ký hiệp định kinh tế với Campuchia và trợ cấp 100 triệu nhân dân tệ. Ta 20 triệu nhân dân tệ và không ký gì hết. Ở Campuchia, Bắc Kinh có cả bố con ông Sihanouk lẫn ông Hun Xen cách mạng, ta chỉ le lói chút bào ảnh Hun Sen. Kỳ dị là bao giờ, ở đâu Bắc Kinh cũng tay trên ta. Ta biết Trung Quốc ở đằng sau Pol Pot diệt chủng nhưng Phnom Penh vẫn có hẳn một đại lộ Mao Trạch Đông còn không ai của ta – dù ta đổ máu bao nhiêu cho họ – thì lại không vào nổi phố xá họ. Trên đường về, giữa chín tầng mây, Tổng bí thư Phiêu họp báo phân tích thắng lợi của 16 chữ vàng. Chắc rất hớn hở: Tổng bí thư duy nhất lời, đem được chữ vàng về. Hơn Duẩn, hơn Linh và Đỗ Mười là cái chắc. Lúc ấy dân chưa biết ông còn có hạt máu đỏ vất lại bên đó, theo tin Trung Quốc. Có vị có khi lại phục thầm chỗ dấm dúi tông giống chui lủi vả liều mạng này. Theo một số nguồn tin thì mười sáu chữ vàng Giang viết là: “Sơn thuỷ tương liên, lý tưởng tương thông, văn hoá tương đồng, vận mệnh tương quan”, mười sáu chữ chơi trên một chủ điểm “tương” – sông núi liền nhau, lý tưởng thông nhau, văn hoá giống nhau, vận mệnh liên quan tới nhau. Theo tôi cái vế cuối cùng mới đáng sợ: Nó cộp lại hết ý tứ Giang định nhắc nhủ: vận mệnh chúng ta móc xấu vào nhau, thiếu đứa này là đứa kia chết liền! Đó là tương tương, hai bên tương nhau. Chắc chắn Giang Trạch Dân không biết tiếng Việt. Mà có biết ông cũng không thư pháp chữ Việt. Nhưng đảng lại thích trình dân một bùa bảo lĩnh của ông anh để cho dân phấn khởi mà tin yêu thêm đảng. Bình đẳng thì hai bên cùng bàn bạc nội dung, cùng trao nhau một bản tiếng Việt, một bản tiếng Hán thế nhưng đảng cứ phải xin anh đề bút rồi nhận về xuýt xoa bình văn anh ban cho. Như kiểu xin ấn Đền Tràn. Tức là chịu để cho anh chơi cha bố. Kiểu thế này! Vào đúng lúc Tổng bí thư họp báo trên không giải thích thắng lợi 16 chữ vàng diễn đạt theo ngữ pháp, câu cú cũng như thi pháp Hán, Bắc Kinh cánh cáo Philippines chớ này nọ với quần đảo Trường Sa, cảnh cáo thia lia Phiêu. Ra ma hết bao nhiêu tấn xăng nhớt phục vụ cho chuyến đi xin hữu nghị. Rồi thành lệ. Hễ vị to nào của ta sang hữu nghị, bên đó anh lại mó đến Trường Sa! Được cái ta lăn xả trước hết vào hữu nghị. Tôi rất muốn biết Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu giải trình thế nào với Bắc Kinh riêng một chữ “kẻ thù” bêu trong Hiến pháp. Chỉ suông miệng thôi sao? Còn gì nữa trong biên bản các cuộc gặp lúc cầu cạnh cho quay trở lại? Lê Duẩn khó lòng vắng bóng ở vai trò bung xung! Một nhà thơ cho hay năm 2005, hồi ký Những cái lần đầu tôi thấy của Tiên Kỳ Tham, nguyên phó thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao có hai chương nói đến Việt Nam. Cả về chuyến thăm của Lê Khả Phiêu. Theo hồi ký này thì đoàn Phiêu chờ mãi chẳng thấy chủ nói năng gì. Xem lịch tiếp đón của chủ thấy 14 giờ Giang Trạch Dân tiếp khách, Lê Khả Phiêu bèn dẫn đoàn đến nơi nhưng đó là Giang đón Đổng Kiến Hoa, thống đốc Hông Kông. Lúc ấy Tiền Kỳ Tham mới báo Phiêu là 17 giờ Giang tiếp Phiêu. Phiêu đã đưa cho Tiền một tờ giấy gồm một số chữ, đề nghị Giang thư pháp. Tiền đưa nỏ cho Giang. Giang đọc xong lẳng lặng vo lại ném vào sọt giấy, lấy một tờ khác thư pháp theo ý ông. Nhận được thư pháp, Phiêu hỏi Tiền sao không có chữ bình đẳng hợp tác Phiêu nêu ra? Tiền Kỳ Tham viết trong hồi ký: “Tôi không trả lời Phiêu mà chỉ cười và nghĩ thầm rằng, người lãnh đạo cao nhất như Phiêu mà không hiểu nổi rằng xưa nay có bao giờ Việt Nam được bình đẳng với Trung Quốc!” Rồi tiễn Phiêu, Tiền viết: Máy bay cất cánh, tôi được biết Phiêu sẽ họp báo trên không phân tích thắng lợi 16 chữ mà ông từng thắc mắc là thiếu một số chữ với tôi… Trong hồi ký, Tiền Kỳ Tham nhắc tới cả việc các tác phẩm tiến bộ ở Việt Nam đã bị tịch thu như tập thơ của Nguyễn Duy. Ông có dẫn hai câu thơ trong tập thơ xấu số: Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng, Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn…
Phó ban tư tưởng văn hoá Hồng Vinh họp báo nói cấm phát hành nó. Tôi chợt hiểu Ban tư tưởng còn có nhiệm vụ ngậm đẳng nuốt cay chứ không chỉ phun lời châu ngọc. Cũng thấy rõ ràng là bạn “Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên”. Tiền Ninh, con trai Tiền Kỳ Tham, học ở đại học Michigan Mỹ sau vụ đàn áp Thiên An Môn đã cho ra một quyển sách “Học ở Mỹ” gây xôn xao vì cái giọng “lật đổ” của nó như Lý Quang Diệu nhận xét.
Đầu 1999, Vũ Quốc Tuấn ở Phủ thủ tướng rỉ tai tôi: Bộ chính trị vừa có một quyết định quan trọng. Ký hiệp định thương mại với Mỹ. Thấy tôi trố mắt, Vũ Quốc Tuấn bố sung: Đa số phiếu, sáu ông tán thành cơ đấy.
A, lại cả biểu quyết nữa! Tôi nghĩ rất nhanh và thấy vui. Mới hôm nào Vũ Quốc Tuấn bảo tôi hai cố vấn Đỗ Mười và Lê Đức Anh vẫn lập trường lắm. Phản đối kịch liệt trang trại. Cố Mười nói đảng đấu tranh gian nan mãi mới đem lại được cho mỗi nông dân một sào mà nay lại toan cho tư bản nó lột đi mất của nông dân ư! Tháng 6 đúng là thế giới nói một hiệp định thương mại Mỹ – Việt có cơ được ký. Tháng 7 sẽ họp keo thứ bảy. Tôi chợt nhòm ngược lên thấy cánh gà sân khẩu của việc thả tù chính trị hồi nào. Trong khi đó, mấy sĩ quan quân đội thắc mắc sao Trung Quốc cũng sẽ kỷ niệm to “chiến thắng Điện Biên Phủ”. Không biết Trung Quốc đã ra một cuốn sách kể trong sáu đại chiến công của Giải phóng quân nhân dân thì có ba là ở Việt Nam: giải phóng Đường số 4, mở thông biên giới Hoa-Việt, chiến dịch Điện Biên Phủ và “cho bài học” ở sáu tỉnh biên giới bắc Việt Nam.
Quả nhiên tháng 5-2004, Bắc Kinh họp kỷ niệm Điện Biên Phủ. Mời ta, mời Pháp. Mời cả cựu chiến binh ba nước – làm như Trung Quốc đánh chác là chính vậy. Sau đó, báo đài Việt Nam nói về vấn đề Điện Biên Phủ, Việt Nam và Trung Quốc có một số “bất đồng do mỗi bên sử dụng sử liệu có khác nhau”. Thì họ cốt thế, nếu để cho giống ta thì chỉ còn mỗi câu suông tình “giúp đỡ to lớn” thôi ư? Chỉ nói riêng việc chỉ đạo các anh thôi là tôi đã có đánh đó! Ra Hà Nội Tết Ất Dậu, 2005 về lại Sài Gòn, Nguyễn Khải bảo tôi Võ Nguyên Giáp hứa sẽ nói hết sự thật về Việt-Trung cho Hữu Mai viết. Mỗi người một kho kinh lịch, nhiều đấy, nhưng anh thủ kho lại phải đợi lệnh xuất kho. Nhận định của Đặng Tiểu Bình về Việt Nam bội bạc có vẻ vẫn còn in đậm trong lãnh đạo Trung Cộng. Hồ Mộ La, con gái chí sĩ Hồ Học Lãm, ca sĩ, giảng viện nhạc đến nhà tôi, than thở chị về Vân Nam tìm mộ bố, gặp đám bạn học xưa, họ đều kêu Việt Nam bạc. Chó nó không bao giờ cắn lại chủ, cậu nhớ lấy nha, họ bảo Mộ La! Việt Nam học cách mạng Trưng Quốc mà quay lại đánh như thế. Họ cũng nhắc lại câu Chu Ân Lai: Ai tốt với Trung Quốc một thì Trung Quốc tốt lại mười, ai xấu với Trung Quốc một thi Trung Quốc xấu trả lại một trăm. Thảo nào dân ta được dạy là phải nghi ngút nhớ ơn họ! Thật trái ngược! Đồng thời nghe Mộ La, tôi cũng không thể không nhớ đến gian buồng của cụ bà Hồ Học Lãm sống với con gái bé của Hồ Mộ La ở phố Hàng Cống bên hông báo Nhân Dân. Chừng năm mét vuông, một mái dốc cao chừng hai mét rưỡi, chắc chắn hẹp hơn xà lim giam Cụ Hồ ở Trung Quốc. Trước buồng là đường cống cái của eơ quan báo. Cụ Hồ một Tết đã từ Câu lạc bộ Thống Nhất chui qua cửa sổ buồng bác Lâm thường trực cổng cơ quan báo mà sang báo Nhân Dân rồi đứng ở mép cổng hỏi thăm cụ Lãm bà. Nghe Mộ La, tôi tự nhiên nghĩ: Ta chỉ trả miếng cái xấu gấp có chục lần nhưng ta thường quên hẳn cái ơn đã nhận.
***
Ký tắt được hai ngày, hai anh an ninh Tiến và Đoan đến tôi. Hỏi ký hiệp định thương mại này ta liệu có sợ mất không? Tôi hỏi mất cái gì thì lại nói à không. Tôi ngợ, có chuyện mới hay sao? Thì ra Việt Nam tẩy chay Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ thật. Không giải thích công khai nhung mấy luật sư Hà Tây bảo Trần Châu và tôi: được nghe truyền đạt ở chi bộ rằng bác Đỗ Mười chỉ thị phải nhớ Mỹ vẫn là kẻ thù của loài người và của ta. Đó là vê chính trị, còn về mặt kỹ thuật thì có cái vướng nhất là rồi nó có thể sẽ trợ cấp cho bọn tay sai trước kia ở trong Nam. Nhất định nhiều hơn ta trợ cấp ta. Thế ra “bán nước” lại vớ bẫm ư? Cho nên Đỗ Mười nói ai thò tay ký là bán nước. Tích cực với việc ký tắt, Trương Đình Tuyển bị phế bộ trưởng. Nhưng tháng 12, Mỹ – Trung lại ký với nhau, chả sợ địch đọt gì cả. Dân Hà Nội kêu thế là Bắc Kinh xỏ. Hắn xui ta thận trọng để một mình hắn tha hồ hửng đầu tư Mỹ. Tôi hiểu thêm tại sao các nước kiểm tra đầu tiên hệ thần kinh của người ứng cứ tổng thống. Lên cơn mà bấm nút phóng tên lửa hạt nhân thì chết cả nút. (Nhân thể kể một chuyện. Tr., con trai Đỗ Mười chập điện hàng tỷ vôn. Đã mấy mụn con, anh ta vẫn y như hồi ở Tú Xương một mực lắc không cho vợ nhập hộ tịch ở biệt thự mới xây xong tại An Khánh. Mà lấy đâu ra tiền mà xây biệt thự?)
Liền đó, báo đăng “Hiệp ước biên giới (đất liền) Việt – Trung đã ký kết thành công”. Dân thấp thỏm chờ bản đồ đăng báo xem ta được miếng nào. Thỉ đồn ran lên là ta mất phần lớn thác Bản Giốc và Mục Nam Quan.
Rồi sẽ còn mất nửa Vịnh Bắc Bộ. Năm 1979, quân Trung Quốc phá hang Pắc Bó. Nghe đồn tượng Marx mà Cụ Hồ tạc vào vách hang nay bằng thạch cao. Cán bộ bàn nhau: Thế ra chúng nó ghét Mác à? Tôi muốn hỏi: Thế ta yêu Mác hơn nó mà sao không được Mác bênh?
***
Sau nghị quyết Trung ương về bản sắc đậm đà dân tộc, Hữu Ngọc, nhà văn hoá tên tuổi viết trên báo Nhân Dân một bài nói đến “tiếp biến văn hoá”, “sốc văn hoá” rồi kêu gọi sẵn sàng làm cuộc “kháng chiến thứ ba” là kháng chiến về văn hoá. (Tuy ông thủ nhiều quỹ văn hoá nước ngoài giúp ta mà ông không hề kêu gọi kháng chiến chống “sốc tài chính ngoại” cũng như nay ông viết sách truyền bá văn hoá Việt Nam ra ngoài nhiều đến độ có lẽ họ phải chuẩn bị kháng chiến chống diễn biến văn hoá Việt. Phương tây nhận xét người Việt tham thích ăn người có lẽ đúng). Tôi thư cho ông nói ông mới “dẫn luận” về “tiếp biến” tức là dem ý hệ Marx, cái đã vào ta và thay đối cơ bản văn hoá ta, ra chỉ đạo khoa học cho nên ông không thấy rằng “tiếp biến” là bất khả chỉ huy. Hai ngoại tộc Mông, Mãn thống trị Trung Quốc hàng trăm năm cả thì rồi Mãn “tiếp biến” văn hoá của kẻ bị trị để hoá thành một bộ phận của nó còn Mông quay về thảo nguyên với vẹn toàn cát sa mạc. Sao lại nhất hữu nhất vô như thế? Khi gửi, ngại dài, tôi đã bỏ một đoạn: Ngay như chủ nghĩa Marx là công trình Đức nhưng quê hương Đức “tiếp biến” yếu nên đã phải sang Nga dựng “sốc cách mạng”. Ờ Nga, Plekhanov “tiếp biến” nó sớm nhất thì hoá thành “phản bội”; còn Lê-nin, tiếp biến nó qua Plekhanov lại thành thánh nhân. Nhưng rồi Nga, quê hương chủ nghĩa Lê-nin cũng giũ nó nốt. Ờ Trung Quốc, Lý Đại Chiêu, Trần Độc Tú “tiếp biến” chủ nghĩa Marx lại bị các nhà văn hoá lớn của Trung Quốc cùng thời gọi là “tay sai Nga Xô” và cuối cùng cũng bị chính đảng cộng sản đào thải vì đã “tiếp biến” giáo điều Nga Xô. Tiếp biến chủ nghĩa tư bản, Minh Trị Thiên Hoàng Nhật và Tôn Trung Sơn đều thành thánh nhân. Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông cũng đều thánh nhân Trung Quốc nhưng ở hai “tiếp biến” tương diệt.
Tôi nói ông kêu gọi “kháng chiến văn hoá” là dễ đi đến đóng cửa và khẩu hiệu này làm tôi nghĩ tới bài báo của tướng Trần Xuân Trường đăng trên báo Nhân Dân hồi tháng 4 nhận xét nền độc lập của Việt Nam “chưa vững chắc”. Vậy thì nước Nga không còn đảng lãnh đạo chắc đã hoá nô lệ mất rồi. Và kháng chiến mà ông chuẩn bị sẽ là ùng oàng chứ đâu có thuần “văn hoá” nữa. Tôi biết nhà văn hoá này khi biên tập lại mấy trăm trang viết của Hoàng Xuân Hãn cũng đã “tiếp” rồi cho “biến” bằng cách bỏ đi các đoạn viết rất lý thú về Hồ Chí Minh và Cách mạng Tháng Tám. Trả lời tôi, ông nói “đồng ý với đa số ý kiến” của tôi. “Cuộc kháng chiến văn hoá tôi nêu lên chỉ là để nhấn mạnh việc bảo vệ bản sắc dân tộc, đừng để nó suy tàn trong toàn cầu hoá”. (Đọc đến đây tôi nghĩ ngay: Vậy theo ông để cho văn hoá chỉ quấn quít với văn hoá Trung Quốc thì sẽ cường vượng?) ông thanh minh không đứng trên ý hệ. Cũng nói đóng cửa là tự sát. Nhưng ông không nói quỹ văn hoá các nước giúp ta mà ông trông coi có gây “sốc đô la” hay không? (Tôi nghĩ thế là ông không thấy bị sốc rúp, sốc nhân dân tệ, Việt Nam đã hoá ra ngất ngư đầu óc. Tất nhiên ông càng không nhắc đến cuộc “kháng chiến văn hoá” từng đã thắng lợi trên một trận địa hẹp vanh là hai hàm răng trong suốt cả nghìn năm Bắc thuộc; thế mà mới chỉ vài chục năm Pháp thuộc liền bỏ chạy khiến cho cả nước bây giờ sớm tối đều Colgate cho răng khỏi kiên trì mãi bản sắc… đen). Ngại “sốc xã giao”, tôi đã bỏ đi đoạn viết các thứ chống “diễn biến hoà bình”,”sùng bái văn hoá ngoại”, “sốc văn hoá” hiện nay chính là kết quả của câng cuộc “tiếp biến” một ý hệ ngoại vào cải tạo cho dân tộc ta chỉ còn được phép thờ độc nhất nó là thần thiêng. Và nó đâu chỉ có gây sốc văn hoá? Nó gây sốc đảo điên dân tộc. Nó cho “tiếp biến” lập trường đấu tranh giai cấp, nó dẫn cả địch vào trong mọi mối quan hệ xã hội, họ hàng, gia đình, bè bạn để đấu tố nhau, xin mạng nhau. Tôi cũng rất tiếc phải bỏ một đoạn: có lẽ phục trang nữ Việt chịu nhiều sốc văn hoá nhất. Có thời nữ chỉ được “tiếp biến” váy. Rồi đến thời chỉ “tiếp biến” quần (nhà Minh). Manh vải che hạ bộ phụ nữ mà chịu bao nhiêu “sốc” là “sốc” (Chú ý: không phải xốc). Có lẽ nên nghiên cứu cái sốc văn hoá dâm ô nào đã đem tiếp biến xịp vào. Cái xịp này là dẫn tới tụt truồng rất dễ, chỉ cần ngoéo ngón tay giằng nhẹ một cái. (Một bạn xét lại bảo tôi, các cụ bà xưa không xịp nên chỉ cần tốc váy lên thôi, không có động tác thừa). Ngại “sốc” tràn lan, tôi không hỏi người giữ quỹ quốc tế giúp đỡ văn hoá Việt có ăn lương phòng chống “sốc kinh tài” không? Tôi có tật khi viết thư thường như viết luận văn theo chủ đề. Phóng hết ý ra rồi xoá cho hợp đối tượng gửi thư. Sau đó, nhà khoa học Nguyễn Lân Dũng rất hay viết báo có một bài ca ngợi Nguyễn Mạnh Tường. Theo ông, luật sư Tường đã rất được đảng và chính phủ ta ưu ái.
Tôi thư cho tác giả nói chắc ông không đọc quyển hồi ký thê thảm Người bị rút phép thông công của Nguyễn Mạnh Tường nên không nhắc được đầy đặn đến đời ông Tường. Sự thật giấu một nửa là giả dối. Tác giả trả lời, ông (Nguyễn Lân Dũng) mới vào nghề báo nên còn có chỗ chưa đạt, xin thông cảm. Đến năm 2012, chắc đã đạt, ông có bài viết: Ban chấp hành Trung ương Đảng là đã đại diện cho toàn dân Việt Nam ta rồi! Trong khi dân Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược thì bị đảng đàn áp thắng cánh. Hồi ký của Nguyễn Mạnh Tường tôi đọc nguyên bản tiếng Pháp – Un Excommunié rất sớm. Đưa Vũ Cận. Đọc xong Cận đạp xe đến kính tặng thày Tường (dạy anh ở trường Tây Con) ba bông hồng anh mua ở quầy hoa chuyên bán cho Tây xã hội chủ nghĩa ví lép tại ngã ba Lê Duẩn – Điện Biên Phủ.