Lần vào Sài Gòn nhân 49 ngày bố mất, qua Vấn tôi quen Ung Văn Khiêm. Anh có sức hút đặc biệt. Điển hình Nam Bộ, ngay thẳng, cởi mở, bình dân và trí thức. Tiếng Pháp giọng đặc Pháp. Anh là một trong mấy người Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội đầu tiên của Nam bộ. Rất thân thiết với anh, Mỹ Điền cho tôi hay đầu năm 1930 Ung Văn Khiêm đã đi Macao để dự hội nghị thống nhất đảng như Lê Duẩn nhưng rồi lỡ. Tôi bảo Mỹ Điền rằng tuyên truyền 30 năm thành lập đảng trên báo Nhân Dân, tôi đã gặp và hỏi kỹ Trịnh Đình Cửu và Trần Văn Cung nhưng không thấy hai người này nói đến Khiêm. Mỹ Điền nói vì đường xá cách trở, Khiêm đi bị muộn và hơn nữa người ta không mấy khoái anh xuất thân địa chủ An Giang.
Khiêm và tôi đã chuyện hàng buổi. Anh bật mí những chuyện có thể gọi là tày đình. Theo anh, nạn nhân đầu tiên, numéro un, của vụ xét lại ở ta là Cụ Hồ. Kìa, Cụ không biểu quyết thì ngay sau Nghị quyết 9 Bộ chính trị thông báo từ nay vì sức khoẻ, Bác không sinh hoạt Bộ chính trị nữa, biết hông? Hay chuyện có lần ông Cụ gặp chuyện rắc rối ở khách sạn bên Nam Tư, bộ trưởng ngoại giao là anh phải ở lại thêm nửa tháng để giải quyết cho im ắng rồi sau về nước một mình. Hay chuyện Cụ đưa Khiêm bản Tuyên bố chung với Novotny chủ tịch Tiệp do Khiêm thảo mà chính tay Cụ đã viết thêm bằng mực đỏ vào đó những câu mang tinh thần hoà bình của Tuyên bố của hội nghị 82 đảng, những câu rồi bị lên án và phế bỏ.
– Nghĩa là Cụ không tán thành theo Mao phát động chiến tranh, tôi hỏi. Hay là Cụ ném hoả mù giấu ý đồ đánh Mỹ? Nếu ném hoả mù thì sao Duẩn lại chơi Cụ? Nếu ném hoả mù thì sao ở Hội nghị Trung ương lần 9 Cụ lại không biểu quyết?
Trên chóp bu đảng ông chẳng bà chuộc ầm ầm mà dân mù tịt! Lãnh đạo thế này thì sướng thật, tôi nghĩ thầm.
Năm ấy bầu bạn vào Sài Gòn đông. Lê Liêm, Đào Phan, Lê Trọng Nghĩa, Chu Đình Xương, Kiến Giang. Đào Phan và tôi cứ cách nhật lại thượng năm tầng lầu lên toạ đàm với Lê Liêm đang ở nhà Công, con trai, gần bùng binh Dân Chủ. Ung Văn Khiêm thường đi xuống các tỉnh xem tình hình. Thành uỷ Sài Gòn cho anh một chiếc xe La Dalat và cấp xăng dầu đầy đủ.
Vừa hết chiến tranh, Nguyễn Văn Linh đã kéo ngay Khiêm về Sài Gòn. “Chờ cái gì mà chờ, xong nhiệm vụ thì về chớ! Ô hay, lại còn hỏi về thế nào? Về với tôi, Linh nói. Ra máy bay ngay bây giờ. Kìa, khổ, lại còn nói chưa thu dọn đồ đạc. Vất lại hết. Không lấy cái gi ở ngoài này cả. Vào khắc có tất…”
Rõ là Linh biệt nhãn với Khiêm. Nhưng Mỹ Điền lại nói chính Võ Văn Kiệt mời về, tri ân Khiêm dìu dắt ngày trước. Và điều này trong một thời gian đã làm tôi nhìn không đúng bản chất chính trị của Linh.
Ờ Sài Gòn, Lê Liêm nhiều lúc đã tỏ ra yếu. Một lần anh và tôi đạp xe đi lòng vòng cả sáng, anh hất đầu chỉ một cái hẻm quãng giữa Võ Di Nguy và Cầu Kiệu, Phú Nhuận. Chúng tôi rẽ vào. Và lạc mãi trong cái mê cung những ngõ hẻm chỉ vừa lọt một xe đạp mà hàng quán vui tíu tít trong không khí sặc mùi cổng rãnh lành lạnh tanh tanh và trẻ con hàng đàn. Ra khỏi đó, mặt anh tái mét, hai môi trắng bệch. Đứng trước một vi la đầy hoa giấy thử hồi lâu mới bình thường lại.
Một hôm, tôi và Đinh Văn Đảng đến anh. Người trực cổng chung cư Nam Kỳ Khởi Nghĩa gần bùng binh Dân Chủ nói ngay: Bác ấy đi cấp cứu rồi.
Tôi lập tức đến Vấn rồi hai chúng tôi đến báo Ung Vãn Khiêm. Rồi xuống bệnh viện Thống Nhất. Co thắt động mạch não. Không nghiêm trọng. Lê Liêm vẫn tươi tỉnh.
Sáng sau, Ung Văn Khiêm đến nhà kéo tôi đi thăm. Chiếc La Dalat trắng bé xíu, ghế giả mây đan đu đưa như võng.
Xe chạy, Khiêm nói anh vừa nhận được giấy của Ban tổ chức trung ương mời đi Đức nghỉ. Năm ngoái đã mời đi Liên Xô nhưng anh từ chối. Năm nay lại mời? “Ông thấy sao? À, Hương phó ban ký, phải Mười Hương không?”
Tôi hất đầu về anh lái xe. (Khiêm nói: Người nhà).
– Không phải Mười Hương, tôi nói. Sao anh từ chối?
– Mấy đứa chúng nó bảo ngoài ấy không tốt, ra làm gì. Cậu Sáu Dân, Võ Văn Kiệt ấy, nó ngăn mình đi. Đi để ném hoả mù cho Liên Xô nghĩ là họ đã tốt với anh ư? Cũng có đứa nói anh đi với đoàn nó có kỷ luật ngăn gặp gỡ thì làm được gì.
– Thế lần này sao?
– Cũng từ chối.
– Theo tôi, anh cứ đi. Nhà ngoại giao cỡ anh đi ra ngoài là cọp về rừng. Sự hoả mù ư? Hoả mù phải có người ném. Ung Văn Khiêm không ném thì ai ném hộ được? Còn kỷ luật đoàn? Liên Xô là chủ, nó có hàng vạn mẹo để móc anh ra khỏi cái đoàn ho hen phần lớn đã từng chửi cha chửi cụ nó chứ anh. Nó lấy cớ tiếp kiến, chiêu đãi người được huân chương Lê-nin rồi đấm mõm mỗi vị trong đoàn một quạt tai voi thì đoàn trưởng nào của ta dám cấm? Năm nọ, một đoàn điện ảnh Liên Xô sang Hà Nội nói muốn gặp Lê Liêm. Anh Liêm từ chối. Gặp cả lũ cả lĩ ở trụ sở Hội điện ảnh thì nói năng cái gì, anh bảo tôi thế. Tôi tán thành anh Liêm. Xuân Trường, thứ trưởng văn hoá sang Liên Xô, khi người ta hỏi thăm Lê Liêm đều bịa rằng Lê Liêm vẫn làm việc bình thường. Đấy chỉ có họ mới rắc hoả mù được về ta.
– Ừ, chúng nó, Sáu Dân, lại mách mình đừng đi, Khiêm ngập ngừng rồi nói. Cậu Sáu Dân này nó yêu mình lắm. Lúc mình đang lao đao, nó ra Bắc đã dám đề nghị Bộ chính trị “cho anh Khiêm về lãnh đạo miền Nam chúng tôi” cơ mà!
Xe đỗ ở cống bệnh viện. Khiêm vừa xuống xe lập tức chìm nghỉm vào giữa đám bệnh nhân đang dạo chơi trong sân. Tôi lùi lại nghĩ, giá ngày nào sắp Nghị quyết 9, anh em trong Nam cũng quây lại bảo vệ cho Khiêm thế này?
Đến bên giường Lê Liêm. Ung Văn Khiêm giơ tay trái lên ngang vai, co lại chào kiểu vô sản. Kiên cường, kiên cường…
– Có tin gì không, Liêm hỏi ngay?
Đặng Kim Giang, Minh Việt bệnh nặng hễ thấy tôi đều “có tin gì không?” thay cho chào. Sự khao khát thông tin này nghĩ lại mới thấy thật là tội nghiệp.
Khiêm lắc đầu. Tôi nói: Có đấy! Dính dáng đến anh Khiêm.
Khiêm “há” một cái nhìn tôi. – Ban tổ chức từ năm ngoái gửi liền hai giấy vào mời anh Khiêm đi nghỉ ở Liên xô và Đức. Tôi thấy là một động thái đáng chú ý.
– Vậy nên thế nào, Khiêm cười hỏi Liêm?
– Hỏi Đĩnh ấy, Liêm nói.
Tôi nói lại ý cọp về rừng. Liêm gật đầu: Mình tán thành.
Hôm sau, Khiêm lại La Dalat ghế đu đưa như võng đến đón tôi thăm Liêm. Chào vô sản xong, kiễng chân móc túi quần lấy ra một xấp giấy bạc đưa cho Liêm: “Cần gì thì tiêu nghen… chẳng có được nhiều”.
Tôi nghĩ ngay đến hình ảnh chị Khiêm tóc bạc phơ sáng sáng thường ngồi bên mẹt khế trước cửa nhà số 222 Điện Biền Phủ bán cho có đồng ra đồng vào. Cùng với Lý Tự Trọng, chị là liên lạc viên đầu tiên của bí thư xứ uỷ Nam bộ Ung Văn Khiêm. Nay hai anh chị già lão nuôi người con trai chạc bốn chục tuổi mắc bệnh tâm thần. Mỹ Điền bảo lúc ở Hà Nội cháu bị thày giáo đánh mà nên bệnh. Người con hay lén ra như cái bóng, nhảy tót cả hai chân lên ghế ôm lấy hai đầu gối lắc lư người nhìn bố và bạn bố, nghiêng ngửa đầu góp một cái cười ngây ngây dại dại. Rất nharih thò tay nhót lấy một điếu thuốc đưa lên miệng. Lúc ấy bố lại trịnh trọng bật lửa dâng đến tận trước miệng hầu con. Có khi chưa kịp đôi hồi đã són ra mà chẳng biết cho đến khi sặc mùi. Tôi đã vài lần xách ghế ra vòi nước cạnh cửa ngoài đường cọ rửa…
Người bố không một lần to tiếng hay cau có, phật ý với người con không may. Không một lần xua gạt. Ngỡ như người con có đến phá đám như thế thì bệnh nhẹ đi được. Vả chăng người con cũng không quậy. Chỉ ư ứ đối thoại lành hiền với bố. Một cái bóng rất nhanh, rất lặng lẽ. Nhoáng một cái đã hiện ra vắt vẻo hai chân trên ghế nhìn bố cười cười. Kiểu như chốc chốc lại phải ra nạp vào người một lượng nhân từ, âu yếm ở mặt người bố để có sức sống tiếp.
Tôi ra Hà Nội ít lâu thì Lê Liêm cũng ra. Bệnh tình mới bị nên nhẹ, anh lại chỉ mới sáu mươi ba tuổi. Thế nhưng không hiểu thế nào bệnh cứ ngày một nặng ra. Tôi đến thăm anh, anh vẫn tập đi trong gian buồng đã từng một lần, quần đùi may-ô anh đứng chuyện với tôi, tay cầm một ca tráng men Trung Quốc ăn cơm nguội với dưa. À, mình vừa đi đánh tơ-nít về. Phải tập, có mức độ. Tim to bằng quả bưởi rồi.
Ôi vị tướng của Điện Biên Phủ, con người đôn hậu, khiêm nhường và dân chủ cực kỳ.
Sau khi tôi chuyển đến cơ ngơi mới được đám tội đồ dọn nhà và mờ cõi giúp, Lê Liêm cùng Đào Phan, Lê Trọng Nghĩa đạp xe vào mừng. Này, cô Linh, tôi bảo nhá, bót hoa đi, trồng rau nhiều vào. À, cả đường đi này cũng thu hẹp lại. Dành đất tròng rau… Cái cô này ở Điện Biên Phủ sáng sớm nào cũng đến đầu núi chỗ mình hát rất to… À, luyện âm, thế hả? Ừ, ở đấy có con suối đổ nước xuống ầm ầm, thế ra đẩy thi âm lượng với tiếng thác chắc, Liêm đùa. Chỉ vào cây hoa giấy mầu cá vàng, anh nói thứ này khó trồng lắm. Nhà mình trồng không đậu. Tôi nói Từ Lâm cho tôi và đã định bụng sẽ giâm cho anh một cây.
Thế rồi anh phải vào viện. Nặng lên rất nhanh. Tôi đến luôn thấy Hương, con gái út anh, học sinh Nhạc viện Hà Nội, ngòi bóp chân bóp tay cho bố. Cậu người yêu của Hương hiền lành, nhút nhát ở sau xa một chút. Lúc ấy anh lại bảo con gái ngừng “để bố nhờ chú Đĩnh”. Tôi thấy có phần nào muốn cảm thấy hơi ấm bạn bè, làm nũng. Không chỉ nhờ xoa bóp. Bảo giúp buồng bên họ vặn bé đài lại một tí nhé. Tìm cô Hiền, bác sĩ trực hộ… Một tối, điện yếu, đèn đỏ từ một sợi dây tóc run rẩy, anh cười bảo con gái: Mai kia, tốt nghiệp ra trường, Hương nhờ chú Đĩnh tìm việc cho, chú quen nhiều lắm.
Một cử chỉ âu yếm với con gái, với tôi mà thôi. Anh thừa biết tôi giúp tôi còn chả xong.
Tối ấy xem vẻ anh bồn chồn. Những lo toan cuối cùng run rầy, bé mọn.
Tôi thình lình nhận thư Vấn. “Anh Khiêm mời Đĩnh vào gấp. Dạo này mình chữa bệnh lai rai có tiền, mình lo cho”.
Năm 1984, Ung Văn Khiêm, Vấn và tôi bàn viết hồi ký cho Khiêm. Tôi vội lên đường. Không được đưa ma Lê Liêm, người bạn tôi yêu quý như một người anh lớn.
Lê Liêm ra đi, vĩnh biệt hết, vĩnh biệt hết. Để nhận lấy những cấp phát Đảng mới đặc cách đặt ra dành riêng cho anh.
– Một, không cho phép gọi (Lê Liêm) là đồng chí! Hai, không cho phép quàn ở Bộ Văn hoá! Ba, các quan chức đang công tác không được đi đưa.
Như Bùi Công Trừng, Lê Liêm ngăn Đảng gắn bó môi răng, theo Mao phát động chiến tranh. Để trả miếng, Đảng ngăn các anh chết được hưởng nghi lễ truyền thống, bản sắc dân tộc, hơi ấm bạn bè. Cho tới lúc chỉ còn là cái xác trần trụi mang tội nói trái lại Đảng, mày mới thấm thía thế nào là tình chí cốt anh em vô sản, hiểu chưa?
Sau này Lê Đạt bảo tôi lúc chị ruột Lê Liêm khóc gọi Huấn ơi – cái tên bố mẹ đặt, cái tên chị đã từng mắng khi nó nhè dai, là lúc cảm động nhất. Chẳng xứ uỷ, trung ương uỷ viên gì hết, chẳng bí danh, mật hiệu gi hết, chẳng đồng chí, đồng tâm, đồng sàng đồng xèng gì hết, cứ mộc mạc như thế trở về với đất mà lại làm cho tất cả nghẹn ngào. May sao còn lại một cõi riêng tây ấy. Và hay sao là nó bướng nó không cho dị thể, tạp vật thọc tay vào cải tạo nó cho đúng với giai cấp luận.
Nghĩa tử là nghĩa tận. Xin cho phép được nói liền đến cái chết của Đặng Kim Giang và của Chu Đình Xương.