Đặc biệt với Đào Duy Anh, tôi không tài nào nhớ nổi buổi sơ kiến anh là ở đâu, ra sao. Chỉ thấy cứ nghĩ đến anh thì ấn tượng bao trùm ở tôi là hình ảnh thân mật, ân cần và ngay thẳng của anh. Hình như không có sự sơ giao. Không biết có phải là thấy người sang bắt quàng làm họ không nhưng tôi luôn thấy anh mến tôi, mến hơi nhiều. Anh hay kể chuyện ngày trước của anh, lúc ấy cái giọng bao giờ cũng trầm, thong thả, cái giọng bị quá khứ nó ám, nó đè.
Một chiều muộn, không đèn đóm, anh rầu rầu nói trong bóng tối căn phòng anh: Tôi hay kể chuyện tôi với anh vì tôi hy vọng có ngày anh minh oan cho tôi. Cả nhà năm em nhà họ Đào chúng tôi, mà tôi là cả, khổ vì một tay Lê Đức Thọ.
Tôi vô cùng ân hận. Tôi mặc cảm kém cỏi: Làm sao cái phận tôi minh oan được cho nhà học giả đáng kính mà đang đau đớn này. Đâu tôi dám lố bịch giở sổ tay ra, một hành vi của phát lại, ghi chép những điều anh nói.
Ôi, công nghệ công nghệ! Giá như chúng tôi có chiếc máy ghi âm Nhật!
Mồng 4 Tết năm 1984, Đào Phan mời mấy chúng tôi đến chơi. Thò đầu vào thấy Lê Trọng Nghĩa, Kiến Giang, tôi vui quá reo lên. Đào Phan vờ nghiêm mặt: Đến muộn lại chẳng nhìn ngó! Xem ai kia…
Trong góc cùng bên phải gian phòng, trên chiếc ghế bành gỗ mộc, đồ nội thất sang quý nhà cán bộ lúc đó – chỉ cần một chiếc là đủ bề thế – Đào Duy Anh chống gậy ngồi cười nhìn tôi, rộng lượng, thân mật. Ồ, không ngờ! Tôi nhảy vào hôn lên hai má anh hai cái thật đằm thắm.
Ngồi một lát, anh xin cáo. Tôi đưa anh đi bộ trở lại tận nhà, xa hơn một cây số rồi lại quay lại với đám Đào Phan.
Đào Duy Anh mến tôi có lẽ vì cái phản ứng hay phăng xi lô của tôi. Trong mùi vị ảm đạm của chán ngán tràn lan, cái lạc quan hơi có vẻ suy đoán thuần tuý lô gích của tôi – tức là dân tộc sẽ không chấp nhận sức mạnh vô địch của đảng, sẽ không chấp nhận số phận cứ như thế này mãi mãi – hình như có đem lại cho anh đôi chút râm ran. Và có lẽ do trong một lần chuyện trò với hai anh em anh, tôi bỗng thiết tha như tuyên thệ: Vũ khí duy nhất của tôi để chống lại cái xấu bao la sầu này là lòng tự trọng. Là ranh giới không thoả hiệp về chính trị qui mène à l’érosion de la dignité – nó dẫn đến xói mòn nhân cách. Và cứ tiếng Pháp thế nói tiếp: si je devais mourirpar pure raison politique, je voudrais que je pue royalement – nếu như phải chết vì lý do thuần chính trị, tôi muốn sẽ thối inh lên như dòng vương giả.
Tôi lập tức thấy ánh mắt chấp nhận ở anh. Nếu ngày lập Đảng Tân Việt, gặp tôi, chắc anh cũng kết nạp tôi, với con mắt này và cho tôi làm ngay liên lạc viên như Võ Nguyên Giáp thời ấy, thời Giáp đang học thôi miên, chuyên khiến Đào Phan ban tối vào buồng tắm sâu hút lấy ra cho mình cái gáo dừa để kiểm nghiệm xem tài thôi miên đã đến đâu.
Hoạt động Tân Việt, Đào Duy Anh bị Pháp bắt. Vợ anh đem cho anh chiếc gối. Ai dè trong đó có một ít tài liệu. Mật thám Pháp khám được và người ta, cộng sản, nắm lấy làm rùm beng lên là anh đầu hàng, khai báo. Người ta không tiện vu cho đảng của tôi là phản động, anh nói, thì người ta vu cho tôi khai báo, đầu hàng. Thế nào người ta cũng phải tìm cách triệt các tổ chức khác để nắm lấy độc quyền lãnh đạo cách mạng. Họ sẵn sàng lợi dụng mọi sự cố bất hạnh để khai tử Tân Việt, kẻ dám mượn chủ nghĩa Mác – Lê tranh quần chúng với họ. Thất phu hữu trách, đúng, nhưng cái nhiệm vụ của mày là phải chịu tao lãnh đạo và tao phải phân công cho mày. Họ nói đoàn kết nhưng tất cả phải làm theo họ, phải nghe sự chỉ bảo của họ. Chủ nghĩa Mác phóng vào bốn biển đều đúng. Với điều kiện chỉ mình tao phóng. Và họ có cơ sở pháp lý vô sản độc tài để làm như thế. Họ được Quốc tế Cộng sản sử dụng và huấn luyện, đào tạo cơ mà. Quốc tế chi bao nhiêu tiền vào đó. Họ là những chuyên gia lật đổ, những kỹ sư cướp chính quyền. Mình thì không. Thuần trông vào sách vở, tri thức và lòng thành.
Biết bố tôi thèm một quyển Từ điển Truyện Kiều, anh lấy ngay trên bàn quyển anh đang bổ cứu và sửa bằng bút chì để tái bản ra tặng. Hai ông già rồi thơ ứng hoạ gửi cho nhau. (Bố tôi chơi chữ anh hoa còn anh chơi chữ cương thường – tên bố tôi là Cương).
Một lần anh kể chuyện: Sáng ấy, đang làm việc ở phòng trong, anh bỗng thấy tiếng lí nhí của một cô gái thập thò ngoài cửa. Lần thứ ba mới nghe rõ hỏi nhà ta có thuê người làm không? Tôi lấy làm lạ, anh nói, vì lúc này người giúp việc bắt đầu hiếm. Một là nói chung đều ít tiền cả, hai là dư luận xã hội hay xì xào lên án rồi nhòm ngó những nhà thuê người – bóc lột lao động nghèo mà. Tiếng thỉ thào lớn dần rồi anh nghe thấy cô gái nói to: “Dạ, cháu vẫn làm cho ông bà nhà văn này tốt lắm nhưng bây giờ cháu hãi lắm…” Anh bèn đi ra cửa. Một cô gái đang kể sự tình với vợ con anh. “Dạ, tổ dân phố cứ giục cháu thôi, sao lại đi phục vụ thằng phản động chống chế độ? Suốt ngày loa chõ vào nhà lên án ông ấy, cháu sợ lắm chả biết có dính đến mình không”.
– Nhà ai thế cô, anh hỏi.
– Dạ, ông gì văn tên là Tuân…, nhưng là tá quân đội.
– À, Hà Minh Tuân, tác giả Vào Đời! Tôi nghe nói anh ấy hiền lành.
Chị xin việc nói tiếp:
– Cháu làm cho nhà ấy đã quen việc, hai cụ và bác nhận cháu vào làm thì cháu xin đội ơn chứ cháu… về quê thì…
Nhìn cô gái chào rồi đi, tôi lại thương, anh nói. Toan gọi lại nói cô thông cảm, nhà tôi đây cũng từng bị loa chõ vào giáo dục suốt ngày cả hàng tháng trời rồi đấy. Chả biết loa có còn giáo dục tại gia nữa không đây. Hôm ấy, Đào Duy Anh nói, lần đầu tiên anh nhận thấy thân phận trí thức của anh cũng chả khác gì cảnh cô giúp việc sắp thất nghiệp kia.
– Nhìn ra thì toàn những người tội nghiệp như mình cả, anh nói. Tội nhân và nạn nhân thành một chuỗi dây chuyền đố sụp, đứt tung không nơi cầu cứu. Mà chỉ cần một người không bằng lòng phán lên cho một tiếng thôi. Dạo ấy ông Nguyễn Chí Thanh dọn dẹp văn nghệ và chính trị tư tưởng dữ lắm mà. Ông này văn võ đều dùng xe ủi san thành bằng địa. Tên Thanh là thanh lọc mà, nhà thanh lọc theo cái gu của riêng ông.
Tôi nói chúng tôi gọi Hà Minh Tuân là nhà văn “ngoan” của đảng.
– Vậy chắc vì cũng “ngoan” mà năm anh em chúng tôi điêu đứng bời một tay Lê Đức Thọ! Anh không biết khi tôi xuất bản Từ điển Pháp – Việt, Lê Đức Thọ đã mạt sát thậm tệ.
– Mạt sát?
– Vâng. Nào đã đầu hàng Pháp rồi lại còn chúi đầu làm từ điển phục vụ đám quan lại, sinh viên đỗ đạt ra làm đốc tờ, quan huyện. Hôm nào có thì giờ tôi nói rõ chuyện năm anh em họ Đào chúng tôi khốn đốn vì Thọ như thế nào.
– Vì anh phục vụ Pháp nên Pháp đền bù bằng cách cho anh vào từ điển Larousse, còn Sáu Thọ thì không.
Một dạo, anh hay đọc cho tôi những cái anh mới viết. Cả những cái anh viết đã lâu. Nhiều phen vừa đọc vừa đừng lên di ra bàn giấy ở trong cùng buồng lấy nốt đoạn tiếp rồi cứ thế vừa đọc tiếp vừa quay trở lại bàn nước con con có hai chiếc ghế đẩu con con ở cạnh cửa ra vào con con giữa hai gian buồng trong ngoài con con ngồi xuống. Vài lần không trúng ghế, suýt ngã ngửa, tôi phải ôm vội lấy. Sau đều đã in.
Năm 1978, anh đến thắp hương phúng bà bác tôi ở Hàng Đào xong, tôi tiễn anh ra bến xe đâu Cầu Gỗ, trông sang Bách hoá quốc doanh nay là nhà Hàm Cá Mập. Mở cửa cho chủ nghĩa tư bản thì nó cho hàm nó soi bóng xuống Hồ Gươm.
Anh trên xe, tôi dưới đường nói tình hình xem vẻ tốt đấy anh ạ. (Hà Nội với Bắc Kinh không có triển vọng dàn hoà).
Anh thò hẳn đầu ra cửa xe nói như rên lên:
– Họ còn ngồi đầy ra ở cả trên đầu minh kia mà anh nói khá thì là làm sao?
Gần chục năm sau, một lần kể chuyện ở một hội nghị khoa học, tướng Giáp đến bắt tay anh. Anh gật gù bảo tôi: Giáp không phải ý tứ nữa là có cơ sáng sủa ra được đấy.
Tôi thấy mắt anh còn vui hơn cả giọng anh. Tôi chợt nghĩ: Hy vọng, hy vọng…, ngươi chẳng tha cả trẻ lẫn tha già. Không hiểu hy vọng ở người già có cằn cỗi hơn hy vọng ở người trẻ không? Tôi bảo anh:
– Anh Anh ạ, tôi thấy chòm râu anh y như biểu tượng của hy vọng.
– Và phất phơ là cái chắc!
Khi anh đã mệt, tôi đến thăm chỉ thấy anh nằm. Bao giờ cũng là quần áo cánh trắng. Một cái gì nhẹ nhàng, tinh khiết. Nhưng không bao giờ vắng nụ cười và con mắt rinh anh, vồn vã. Anh lại chỉ vào ghế cạnh giường nói: Ngồi đây, ngồi đây, nói chuyện đi cho tôi nghe với, nói nhiều vào, nghe anh tôi rất vui.
Bữa ấy có cả Đào Hùng. Hùng sau đó bảo Lê Đạt nghe ông Trần Đĩnh thế nào tôi cũng thấy vui thật cơ chứ lại!
Nghe Đạt nói lại, tôi bảo: Tao vui vì luôn nhìn thấy Đảng loạng choạng lùi, trước thằng Đại lưu manh là thằng Thời Đại… Trước hôm anh Anh qua đời, Đào Phan và tôi quanh quẩn lâu bên giường anh. Anh nằm li bì. Một bộ mặt rất đẹp. Thuộc về tri thức. Tôn giáo, Tagore, Tolstoi… Đứa cháu trai mười bốn mười lăm đến đặt lên giữa hai môi mím lại của anh một múi cam: “Ông ơi, không ăn được thì ông cố mút cho khoẻ ông ạ”.
Hai môi anh héo hon khẽ mấp máy. Múi cam khẽ động đậy tí chút lại ngừng. Sợi dây cót suốt đời chuyên cần đến lúc này vẫn ngoan ngoãn nghe theo lẽ phải.
Đưa ma anh, chúng tôi đứng ở cổng trụ sở Uỷ ban mặt trận Tổ quốc trung ương. Thì Tố Hữu cùng đoàn học sinh trường Quốc học Huế cũ đi vào. Đào Phan ở bên ban thờ đã giữ Tố Hữu lại hỏi: Sao cậu lại đi với đoàn này? Cậu đã làm câu thơ “Tôi dạo gót trên đường phố Huế, Dửng dưng không một chút tình chi” cơ mà hả? Tố Hữu hơi sửng một lát rồi lẳng lặng cúi đầu mặc niệm.
Đào Phan đã bảo tôi: Một tối ở Huế tớ bảo nó (Tố Hữu) tối mai chi bộ họp kết nạp cậu, cậu hãy đến dự đúng giờ, ở chỗ này chỗ này… Rồi chi bộ chờ nó hoài và nó không đến. Tớ sau đó hỏi thì nó bảo tối ấy nó phải dạy gia sư không nghỉ được. Chả biết còn có lý do gì khác nữa không.
Cũng vừa lúc ấy tướng Giáp ở cổng lớn đi vào. Lập tức bắt đầu râm ran “Giáp, Giáp…, Giáp” như tiếng sóng dồi nhè nhẹ đuổi theo, vuốt ve.
Tôi nghĩ ngay người ta ủng hộ Giáp vì trước hết Giáp tiêu biểu cho dân: nạn nhân viết hoa của Đảng. Nằm trong áo quan kia, Đào Duy Anh có biết người liên lạc viên xưa đang đến phúng anh, không còn cần ý tứ nữa không? Anh có coi đó là dấu hiệu sáng sủa không?
Nhưng thế nào là ý tứ? Ý tứ là căn cứ đạo lý, văn hoá, lễ tiết. Vậy tránh Đào Duy Anh một dạo là căn cứ ý tứ quỷ nào?
Tôi chợt rớm nước mắt. Hôm nào anh bảo cái chắc là hy vọng của anh nó phất phơ. Hai năm trước, ở Sài Gòn ra, anh bảo tôi: một giáo sư Liên Xô mấy lần gặp anh mời anh sang đó. Thịnh tình lắm, trân trọng lắm, anh nói. Như sợ chưa lột tả hết, anh thêm: Tôi cảm thấy anh giáo sư này rất chân thành.
Trong tôi lại lóe lên hy vọng khá náo nức về anh, cho anh. Hôm nay ở tang lễ anh, tôi biết là hy vọng nó đã lìa bỏ anh vĩnh viễn.
Sứ quán Liên Xô chỉ bắn tin chứ không có ai đến cấp thị thực cho Đào Duy Anh như mười lăm năm sau, khi Hoàng Minh Chính sang Mỹ chữa bệnh, quan chức đại sứ quán Mỹ đến tận nhà trao thị thực vào tay Chính.
Liên Xô tế nhị phải giữ… ý tứ với Việt Cộng. Như Giáp với anh. Mỹ nó mới xô bồ, Mỹ nó trắng trợn thật. Khi Chính ung thư di căn ngắc ngoải, đại sứ Mỹ đến tận bệnh viện Việt Xô thăm Chính. Và Chính chết thì đại sứ quán Mỹ đi đưa. Như đều đặn đòi nhân quyền ở Việt Nam. Cuối những năm 1990, một nhà báo Mỹ đã phỏng vấn “chui” tôi về vấn đề “xét lại”. Theo gợi ý của sứ quán. Trong khi vẫn nhắm mở rộng hợp tác toàn diện với Việt Nam.
Nhưng ý tứ quỷ gì chứ? Tôi cứ nghĩ mãi về ý tứ. Đúng, ý tứ chân chính là bảo vệ lẽ phải, tôn trọng sự thật trước tiên chứ nhỉ?