Chương kết

Chương này gồm những ghi chép lộn xộn về số phận những nhân vật được nói tới ở trên. Nó được viết thêm do yêu cầu của những bạn đã đọc bản thảo muốn biết đoạn tiếp nằm ngoài những hồi tưởng.

Tôi rời Phong Quang ngày 7 tháng Chín năm 1976.

Cuộc giã biệt đời tù của tôi, trái với hình dung thông thường, diễn ra không được êm ả. Chuyện thế này. Theo lệ, người tù ra trại (tức là được tha, mãn hạn hoặc không có hạn để mà mãn) phải viết một bản nhận tội, một bản cam đoan không tái phạm, không tiết lộ bí mật của trại giam. Bản nhận tội, bản cam đoan đã được soạn sẵn thành mẫu, chỉ việc chép lại, ký tên, là xong. Tù được tha làm cái roẹt, nộp Ban Giám thị rồi cuốn xéo. Không ai nấn ná thêm một phút.

Không hiểu sao, vào đúng cái thời khắc sung sướng nhất đời tù tôi lại nổi điên, nhất định không chịu làm cái việc đối với mọi người chỉ có giá trị hình thức ấy. Tôi tuyên bố sẵn sàng ở tù thêm, ở bao lâu nữa cũng được, nhưng tôi sẽ chờ cho tới khi việc giam giữ tôi được làm cho sáng tỏ. Tôi nói: tôi không có tội. Mà đã không có tội thì không thể nhận tội được.

Nhùng nhằng một hồi, phó giám thị kéo tôi về phòng anh uống trà. Ðó là một anh công an đã đứng tuổi, tính tình nhân hậu, dễ thương, được tù nhân mến.” Chúng tôi chẳng qua chỉ là một thứ thủ kho thôi, anh ạ. Lệnh trên bảo nhập thì chúng tôi cho hàng vào, lệnh trên bảo xuất thì cho hàng ra, – anh phân trần – Trên lệnh xuống bảo xuất mà anh không chịu ra thì chỉ khổ mấy thằng tôi, rồi hỏi han kiểm điểm rắc rối lắm”. Mấy hôm trước chính anh chạy vào trại vui vẻ gọi tôi ra một chỗ rồi thì thào báo cho tôi biết có tin đồn Mao sắp chết: “Anh được về đến nơi rồi! Mao chết là xong hết”. Tôi bảo anh: “Chớ vội mừng. Con cháu Mao đông lắm!”. Trà thuốc xong chúng tôi thỏa thuận mỗi bên nhân nhượng một ít. Tôi ra về không viết bản nhận tội nữa, anh làm thế nào thì làm, tự xoay xỏa, chống đỡ với trên. Nhưng đổi lại, tôi phải nhận tờ Lệnh Tạm Tha, trong đó tội của tôi được ghi rõ rành rành là “phản động chống chế độ”.

Cái Lệnh Tạm Tha tôi giữ được hơn một tuần. Anh công an khu vực, lại cũng một chàng trai dễ thương nốt, đến hỏi thăm tôi, đòi xem, xem xong nhét luôn vào xà-cột, bảo để làm chứng từ gốc cho việc nhập hộ khẩu sau này.

Anh Hoàng Minh Chính tiếc mãi: “Bằng ấy anh em, mỗi mình cậu nắm được tờ giấy quý như thế làm bằng mà để xổng mất. Tài liệu lịch sử đấy!”.

Ðúng là chỉ mình tôi có tờ giấy như thế, anh em khác chỉ được công an đọc cho nghe chứ không cho giữ. Tiếc thật! Nhưng nếu nhà cầm quyền đã quyết không thích chúng tôi giữ nó thì họ chẳng thiếu gì cách, tôi nghĩ. Mà đúng thế. Lũ đệ tử của Duẩn-Thọ, những Trần Trọng Tân, Ðào Duy Tùng, Nguyễn Ðức Bình về sau này, khi Duẩn-Thọ băng hà hết cả rồi, vẫn lấp liếm vụ án chúng tôi bằng đủ mọi giọng lưỡi trí trá, thiên hạ đều biết. Tôi có giữ được tờ giấy ấy cho tới bây giờ thì đám ấy cũng chẳng ngại. Ai chứ họ dám xưng xưng bảo rằng giấy giả lắm. Tôi cũng không nghĩ ra phải giữ nó làm bằng cớ, hoặc làm kỷ niệm. Hồi ấy Hà Nội chưa có tiệm photocopy nào. Chụp ảnh cũng nhiêu khê. Chưa chắc tiệm ảnh nào đã dám chụp thứ giấy tờ kiểu như thế, với tinh thần cảnh giác bảo vệ nồi cơm họ sẽ lễ phép hỏi chụp để làm gì, nhằm mục đích gì?

Thế là vật chứng cuối cùng và duy nhất về vụ “nhóm xét lại chống Ðảng” mất tăm.

Giờ thậm chí người ta có chối băng rằng chúng tôi không hề bị giam giữ cũng được. Có lệnh tống giam tống giếc gì đâu. Ðược cái nhà cầm quyền của chúng ta không đến nỗi mặt trơ trán bóng quá. Họ tránh không nói tới chuyện họ đã bỏ tù chúng tôi, quả có vậy, nhưng họ cũng không chối rằng không. Khi cần dằn mặt, họ khéo léo nhắc chúng tôi chớ quên chúng tôi là kẻ đã có tiền sự(1).

Ngày rằm Tháng Tám năm ấy gia đình chúng tôi ăn bữa cơm đoàn tụ đầu tiên sau chín năm mỗi người mỗi ngả. Cha tôi cũng đã được trở về Hà Nội sau ba năm lưu đầy ở Nam Ðịnh. Ông già xọm, da bọc xương. Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ, Trường Chinh, Trần Quốc Hoàn nhìn thấy ông như thế chắc hả dạ. Mẹ tôi vẫn lúc trên nhà lúc dưới bếp, tất tả đủ việc, y như trong ngôi nhà chưa hề có bão táp đi qua. Con gái út tôi đứng từ xa quan sát tôi, chào tôi bằng chú. Sau khi so kỹ bức ảnh tôi chụp với vợ con trước khi bị bắt với người vừa từ nhà tù trở về nó mới ngượng nghịu gọi tôi bằng bố. Vợ tôi gày còm, xanh xao, các con tôi võ vàng trong quần áo vá chằng vá đụp.

Tôi được tha có điều kiện: Bộ Nội Vụ báo cho gia đình tôi biết Ðảng chủ trương tha tôi rồi, nhưng phải có một cơ quan nhận tôi vào làm thì tôi mới được về. Mẹ tôi, vợ tôi, cả nhà tôi nhờ hết người này tới người khác, chạy vạy khắp nơi để kiếm cho tôi một chỗ làm. Cái điều kiện Ðảng ra khó quá, oái oăm quá – chẳng ai dại gì nhận một nhân vật chống Ðảng về cơ quan, xí nghiệp mình. Rách việc lắm. Không dưng lại bị công an theo dõi. Thời buổi thì khó khăn, ai cũng phải sai một tí để mà sống, cái gì cũng đúng nguyên tắc thì chết nhăn răng. Thế mà rồi cũng có người dám nhận, mới kỳ, mới quý. Tôi được thả ra, nhưng không phải thả về nguyên quán, mà về Công ty cung ứng vật liệu xây dựng Hà-Sơn-Bình(2). Tiếng là tôi được nhận về công ty làm chân bốc vác (cái hợp đồng tạm tuyển làm công nhân bốc vác đến nay tôi còn giữ được), nhưng các anh lãnh đạo công ty không cho tôi đi bốc vác lấy một buổi, giữ tôi ở văn phòng công ty gọi là để giúp việc ban giám đốc.

Trong chín năm tù, xã hội thay đổi nhiều. Bạn bè người mất người còn. Nhiều cháu khi tôi ở ngoài còn đánh khăng đánh đáo nay đã thành liệt sĩ, đến thăm gia đình bạn chỉ thấy cháu từ trên ban thờ ngó mình hờ hững.

Anh Nguyễn Trọng Luật đã qua đời mấy năm trước, không ai báo nên tôi không được tin. Thành thử cái dự định ôm ấp trong tù rằng khi trở về thể nào cũng phải đến thăm anh ngay không thành. Chị và các cháu vẫn ở ngõ Chân Cầm, cuộc sống vẫn đạm bạc như khi anh còn sống. Chị nói anh chẳng để lại gì cho vợ con. Tôi an ủi chị, rằng theo chỗ tôi biết thì những người cách mạng chân chính đều chẳng để lại gì cho những người thân. Trừ lòng kính trọng của người đời. Thế đã là nhiều lắm rồi, đã quý lắm rồi. Tôi đạp xe đi Văn Ðiển thăm mộ anh, cùng với bác sĩ Phan. Bác sĩ Phan nói trước khi chết anh thường nhắc tôi. Anh buồn, nói rằng anh là người thua cuộc, nhưng thua trong canh bạc bịp vĩ đại với một bande des salauds(3) thì cũng chẳng xấu hổ cho lắm. Anh được chôn ở Khu A, khu “vĩnh viễn”, là khu không phải cải táng để rời đi nơi khác. Chúng tôi thắp hương cho anh và cho những ngôi mộ gần đấy, của những người đáng kính và của cả những người không đáng kính bao nhiêu.

Tôi được bác sĩ Phan, anh Ðích nhiệt tình giúp đỡ trong việc điều trị cấp tốc những bệnh mạn tính đeo đẳng theo tôi từ nhà tù. Anh Ðích không trách tôi một câu về vụ tôi khuyên anh trở lại công tác để bị thải hồi. Bạn bè mang tới cho tôi số quần áo đủ dùng ít nhất cũng hai mươi năm, đến nỗi tôi phải mang cho bớt các bạn nghèo hơn. Tuy tôi vừa ở tù ra, nhưng số bạn còn nghèo hơn tôi trong tình trạng đó hóa ra cũng không ít.

Hà Nội còn tiêu điều hơn khi tôi chưa bị bắt. Người ta vẫn nháo nhác đi Nam, “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”. Nhà tôi đã có vô tuyến truyền hình, cũng quà của họ hàng miền Nam cho. Tối đến cả nhà quây quần xem phim tình báo Bungari Trên Từng Cây Số. Cơm độn mì sợi, mì bột, bo bo, ngô, cái gì cũng có mùi bao tải. Một lần, mẹ tôi hớt hải từ dưới bếp chạy lên: “Sao, có phát thêm phiếu sa-tanh à?”. Cả nhà cười ầm. Mẹ tôi lầm – đó là phát thanh viên báo trên tivi chương trình chiếu phim sắp tới: “Miếu Sa-tăng”.

Dương Tường tất tả kiếm việc cho tôi làm. Công việc đầu tiên tôi có được là dịch các bài báo khoa học và làm tổng thuật các sách nước ngoài cho Viện thông tin khoa học xã hội. Trong sự cấp việc cho tôi làm chị Ðỗ Thúy Hà, cán bộ của Viện, là người đỡ đầu hăng hái. Tình hình chính trị tuy có khác trước, nhưng khác không nhiều lắm, ai giúp đỡ tôi người đó phải bỏ ra nếu không nhiều thì cũng một ít tinh thần dũng cảm.

Anh Lê Sĩ Thiện, giảng viên thông tin thời trường Lục quân, tìm được tôi trong lúc tôi đang lúc túng quẫn. Cũng như Trần Quốc Thành, trong anh có một anh bộ đội sống dai. Anh thương tôi lắm. Anh khuyến khích tôi mạnh dạn bước vào những công việc trước kia nằm mơ cũng không thấy để kiếm sống. Tôi đi làm thợ cán cao su, đúc tay phanh xe đạp, đùn đồ nhựa, nấu gang dẻo, làm “ve” quét tường, làm bột nở cho các bà bán cháo quẩy… Cái gì không hiểu anh giảng cho cặn kẽ. Tôi cũng cố học các nghề anh dạy để kiếm sống. Vất vả rất nhiều, nhưng tôi cảm thấy sung sướng vì mình được là mình. Giá họ có cho tôi trở về với nghề báo chắc tôi cũng nghĩ cách chối từ.

Có hôm đi làm ở xưởng cao su về qua Yết Kiêu tôi rẽ vào thăm Văn Cao. Nhìn tôi gày còm lam lũ, Văn Cao để rơi nước mắt xuống chén rượu.

Những công việc phải làm ở chỗ khác thì thôi, chứ công việc nào làm ở nhà đều có bàn tay vợ tôi tham gia. Nhất là hồi tôi làm nhuộm mạ kim loại, chốc lại rửa, nhát lại rửa, vợ tôi chạy trên gác xuống nhà, dưới nhà lên gác, cứ như đèn cù, da tay ngâm nước nhiều bợt ra, trông mà thương. Ðược cái có công việc thì có tiền, vợ con tôi dần có da có thịt, không đến nỗi gày còm như trước, là điều phấn khởi nhất cho tôi. Có tiền rồi, tôi mua cái tủ lạnh trước tiên, sau mua xe máy, tivi. Hồi đó ở Hà Nội có câu: “Tivi, tủ lạnh, Honda. Có ba thứ ấy mới ra con người”. Lại nhớ tới Huỳnh Ngự và câu nói của anh ta “Ðảng nuôi dạy anh nên người. Không có Ðảng ấy à, có mà rã họng!”. Thời đại bắt đầu đổi thay. Người ta cảm thấy hoàn toàn có thể làm người được mà không cần có Ðảng, nhất là cái Ðảng lúc nào cũng bù lu bù loa kể công với những kẻ gắn bó với Ðảng bằng sợi xích.

Trong thời gian còn ở Hà Nội tôi muốn tìm anh Trần Quốc Thành lắm, nhưng không sao tìm được. Vụ của anh người nói có xử, người nói không xử. Cũng như vụ xét lại Ðảng quyết định chỉ xử lý nội bộ để tránh tiếng. Không biết nên tin ai. Có người nói anh đã vào Sài Gòn, nhưng ở trong Sài Gòn mấy năm, tôi hỏi thăm đã nhiều mà cũng không tìm thấy anh. Nếu tình cờ cuốn sách tới tay anh, xin anh tin cho tôi biết anh ở đâu.

Trung úy Dứa cũng biệt tăm. Nghe nói anh về Mỹ Tho. Thế mà mấy lần đi Mỹ Tho tôi hỏi thăm bất kỳ ai có thể cho tôi biết tin anh, vào Ty Công an để hỏi cũng chẳng ai biết anh ở đâu. Thế mới biết “nhất ẩm nhất trác giai do tiền định”, không phải cứ muốn mà được.

Bận kiếm sống, khi ở Hà Nội mấy lần tôi định đi Vĩnh Phú tìm Nguyễn Xuân Cao nhưng rồi lại không đi được. Vả lại, tôi chỉ nhớ được một cái tên làng là Ðình Chu. Làng này nằm ở huyện nào trong tỉnh Vĩnh Phú tôi không biết. Cứ chần chừ mãi. Ðến khi vào Sài Gòn rồi thì lại ít khi ra. Nhưng nỗi nhớ Cao vẫn canh cánh bên lòng.

Trung úy Bưởi đi học đại học công an. Tôi đến anh em làm công tác nghiên cứu xin họ sách và tài liệu cho Bưởi. Phan Kế Hoành là người cho nhiều nhất: “Nếu có một cậu công an tốt thì phải giúp cho cậu ta nên người”. Ðưa sách cho Bưởi, tôi nói: “Ðây không có tài liệu chống chế độ đâu, toàn sách nhà nước cả, đừng sợ”. Bưởi bùi ngùi: “Bằng ấy thời gian em ở bên anh, em không hiểu anh sao. Em không tin những gì người ta nói về anh đâu. Cũng mong anh đừng vì bộ quần áo em mặc mà hiểu sai về em”. Tôi tin Bưởi sẽ trở thành một cán bộ công an tốt. Chế độ nào cũng cần tới công an, nhưng phải là công an tốt.

Marinết chết ở trong tù, như anh tiên đoán về cuộc đời mình. Chẳng bao giờ có ai tới để đặt lên mồ anh một nhành hoa, thắp cho anh một nén hương. Rồi thời gian sẽ xóa nhòa mọi dấu tích của một con người đã từng sống, đã từng chiến đấu và mơ ước về một thế giới đại đồng, bốn biển là anh em. Hôm đặt nhành hoa lên lò thiêu người ở Katowicze để tưởng niệm những nạn nhân đã chết trong trại tập trung Auschwitz-Birkenau, tôi nhớ anh nhiều quá, Marinết ạ.

Lại có tin khi mối tình Trung-Việt “vừa là đồng chí vừa là anh em” tan vỡ, cuộc xung đột biên giới trở nên gay gắt, “đồng chí” Ðặng Tiểu Bình đòi “dạy cho Việt Nam một bài học” bằng súng và tên lửa, chứ không phải chỉ “tỉu na má” không thôi, thì bất ngờ Huỳnh Ngự bị phát hiện là người Việt gốc Hoa, bị buộc phải về hưu. Không biết tin có đúng không, tôi nghe mà thương Huỳnh Ngự quá! Mới biết cái kiếp đảng viên thèo đảnh lắm, mong manh lắm. Nếu đúng thế thì lần này Ðảng lại nhầm mất rồi – Huỳnh Ngự là người rất mực trung thành với Ðảng, cho dù có gốc gì đi chăng nữa.

Lại cũng có tin đồn Lý Cà Sa, lúc ấy đã được tha ra một nông trường, được quân đội Trung Quốc vượt biên giới đón về. ớt lâu sau mấy người tù cũ đi lang thang bị quân Trung Quốc bắt. Họ nhận ra tướng chỉ huy của phía bên kia chính là Lý Cà Sa. Lý Cà Sa cũng nhận ra bạn tù cũ, hồ hởi đón tiếp họ, mở tiệc chiêu đãi nồng hậu rồi tha về. Những người này có lẽ không biết quân hàm Trung Quốc thế nào, cho nên người nói họ Lý đeo lon trung tướng, người nói không phải, lon thượng tướng. Nếu tin này đúng thì cái huyền thoại về đạo quân thứ năm của Trung Quốc có cơ sở lắm.

Một buổi tối tôi ngồi uống chè chén trong một quán ở phố Hàm Long thì nghe người ta đùa cợt chuyện anh chàng Căn bị bắn hụt. Anh ta cũng ngồi đấy, béo tròn, cười hi hí. Tôi cũng tham gia câu chuyện, như một khách qua đường. Căn chăm chú nhìn tôi. Dường như anh ta nhận ra giọng tôi. Nhưng tôi tảng lờ không biết. Anh ta rồi nghĩ mình nhận nhầm, không để ý đến tôi nữa. Thế là anh ta đã được ra. Kiếp người thế vẫn còn may.

Việt Hùng vẫn làm công an. Anh đối với tôi mặn mà hơn trước, bè bạn hơn trước nhiều. Anh cũng nhiệt tình giúp tôi trong sự quan hệ với nhà cầm quyền. Chắc chắn họ hỏi anh về tôi và anh đã nói những lời trung thực.

Tôi có hỏi Việt Hùng về Hoàng. Thì ra họ biết nhau cả. Việt Hùng khen Hoàng là người có học, tử tế, có tư cách. Ðến giai đoạn này những khái niệm đúng – sai, phải – trái không còn được đương nhiên là khái niệm thống trị nữa. Người ta bỗng nói nhiều tới những cặp khái niệm đối xứng bị bỏ quên như tử tế – ba que, đứng đắn – vô lại, quân tử – tiểu nhân. Nghe nói sau khi làm việc với đám tù xử lý nội bộ Hoàng bị điều động vào công tác ở Huế. Tôi tính có dịp qua Huế thể nào cũng phải ghé thăm anh, nhưng rồi chưa đến Huế được lần nào, trừ nửa giờ phơi nắng trên sân bay Phú Bài trong một lần hạ cánh bắt buộc. Bây giờ chắc Hoàng cũng đã về hưu. Tôi vẫn còn để đấy một chai rượu cho buổi tái ngộ.

Trước khi qua đời ít lâu Nguyễn Tuân một hôm đùng đùng kéo tôi đi ăn chả cá Lã Vọng. Ngồi vào bàn ông rút trong túi vải ra một chai rượu. “Rượu bộ, thưa bác?”, tôi hỏi ông. “Không phải, rượu bộ hết rồi, ông nói, cả cái thời rượu bộ cũng hết rồi!”. Chúng tôi uống. Tôi xin lỗi, nói tôi xa ông gần chục năm là tại tôi không thuộc cái véc-bờ sợ mà ông dạy. Ông lắc đầu nói: thời này lẽ ra mình không nên làm văn. Làm văn mà sợ, mà lấm lét, mà run rẩy thì còn ra cái văn quái gì! Nhưng thôi, cái gì đã qua thì nó cũng qua rồi, ông nói tiếp trong hơi rượu, tôi bây giờ đếch thèm sợ nữa, thì đã muộn. Bây giờ các anh phải sống theo cách khác cái lũ già hèn nhát chúng tôi, phải học chia một véc-bờ khác: Tôi đếch sợ anh, anh đếch sợ tôi, chúng ta đếch sợ chúng nó…, thế mới phải, hà hà!

Gần bốn chục năm đã qua, tôi đã ở nước ngoài, ông bạn họa sĩ đã đánh cắp cuốn nhật ký của tôi theo lệnh đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh để cho Kỉnh nộp công an, nhờ con rể tôi nhắn lời cho tôi rằng ông xin lỗi tôi vì hành động hèn mạt nọ. Tôi nhắn lại rằng chuyện cũ quá rồi, tôi đã quên. Mà Kỉnh thì cũng đã chết rồi. Trước khi Kỉnh chết, công an bắt được mấy tên lưu manh mang kim cương đi bán; chúng khai lấy ở nhà Kỉnh, nhưng hỏi Kỉnh thì Kỉnh không nhận. Dù sao thì việc này cũng làm cho Kỉnh không được chôn ở nghĩa trang Mai Dịch, theo lời bình của anh bạn công an kể cho tôi nghe câu chuyện trên. Thì ra hồi ấy tôi đoán đúng: cái sự lập công, ra cái điều trung thành với Ðảng thường được dùng để che giấu những việc làm tồi tệ, và ngài đại sứ trung thành với Ðảng không quên bỏ lỡ dịp may buôn lậu.

Bùi Xuân Phái thết tôi một chầu cà phê nhân dịp tôi ra tù. Anh vẫn trung thành với chủ nghĩa sợ. “Tôi là thằng nhát nhất thế giới!”, anh nhỏ nhẻ tuyên bố. Nguyễn Sáng lầm lì cấm cung trong căn phòng của anh, bên cạnh con nghê vỡ trán đựng gạo, vẫn vẽ những bức tranh không bán được, vẫn nghèo. Cách phòng anh mấy bước Trần Ðông Lương sống sung túc nhờ vẽ bưu thiếp lụa, sáng tác mẫu rồi cho gia công, theo cách hiện đại. Kiếm được tiền rồi, anh mới vẽ tranh cho mình. Nguyễn Sáng biết thế, nhưng theo không được.

Ông Lâm toét tiếp tục cho các họa sĩ ăn chịu, uống chịu. Phòng tranh của ông ngày một phong phú. Nguyễn Sáng rủ tôi “đi Lâm đi”. Gặp tôi ông Lâm vồn vã lắm. Chúng tôi lại có dịp ngồi với nhau trên gác, phòng triển lãm tranh của riêng ông, được ông đãi rượu, thuốc lá thơm và thưởng tranh. Nếu ông Lâm giàu hơn, ông có thể trở thành một Mạnh Thường quân cho nền hội họa Việt Nam lắm. Kém gì đại phú gia Tretiakov của nước Nga. Ông rất tế nhị, không hỏi tôi một câu rằng mấy năm nay tôi đi đâu, ở đâu. Cứ như thể ông không biết rằng từ cuộc gặp gỡ lần trước tới giờ đã có chín năm nước chảy qua cầu.

Về chuyện “nhóm xét lại chống Ðảng”, tôi luôn luôn gặp những câu hỏi khó trả lời. Bộ máy tuyên truyền của Ðảng làm việc theo kiểu Goebbels(4): “nói mãi, nói mãi, thì sự giả cũng thành sự thật”, làm cho nhiều người cứ ngẩn ngơ không biết có nên tin tôi hay không khi tôi nói rằng tôi chưa hề ở trong một nhóm nào như thế, rằng theo tôi thì chẳng hề có một nhóm nào như thế. Chẳng cứ người ngoài, ngay khi tôi vừa được thả, Huy Vân ra tù trước tôi ba năm còn hỏi: “Cậu có ở trong tổ chức chống Ðảng nào không?”. Tôi cười: “Chắc chắn không ở trong tổ chức chống Ðảng của cậu rồi. Nếu có chắc cậu với mình phải sinh hoạt cùng trong một tiểu tổ hoặc một chi bộ”.

Hẳn anh cho rằng có “nhóm xét lại chống Ðảng” thật, và anh bị bắt oan vào nhóm đó. Ðến khi biết chắc chẳng có “nhóm xét lại chống Ðảng” nào hết thì anh tức lắm, anh nói anh sẽ làm cho ra nhẽ. Cách anh sẽ làm cho ra nhẽ thế nào thì chẳng ai biết, anh cũng không nói cho tôi nghe. Anh yêu nghề điện ảnh lắm, vì nó anh đã bỏ phứt cái hoạn lộ thênh thang của anh. Huy Vân là một trong những người biết tiếng Nga đầu tiên ở Việt Nam. Anh học tiếng Nga ở Trung Quốc cùng với Nguyễn Mạnh Cầm, bộ trưởng Bộ Ngoại giao sau này. Anh đã chạy chọt, xin xỏ, nhưng chẳng ai dám liều mạng nhận anh trở lại Xưởng phim. Năm 1977, anh lại bị bắt, lần này vì tội ăn cắp xe đạp. Người ta kể anh cứ lừng lững dắt khỏi cổng cơ quan một cái xe đạp không khóa và cũng chẳng buồn bỏ chạy khi bị công an đuổi bắt. Anh ra tù, tôi hỏi tại sao lại làm chuyện bậy bạ thế thì Huy Vân trả lời: “Mình cần được ra tòa để nói lại chuyện trước, nhưng cả lần này nữa chúng nó cũng không chịu xử”. Anh bị bắt lần thứ ba trên một ngọn đồi giáp biên giới Trung Quốc cùng với một nữ biên tập viên báo Phụ Nữ hay Nhà xuất bản Phụ Nữ, tôi không rõ. Người ta buộc anh tội vượt biên. Tôi không tin anh có ý định vượt biên sang Trung Quốc – anh sang đấy làm gì? Huy Vân bị đưa về Hỏa Lò Hà Nội, sau chết trong tù, không rõ ở nhà tù nào, Hỏa Lò hay một trại Trung ương. Có người nói anh chết ở Sơn La. Chuyện Huy Vân ăn cắp xe đạp chứng tỏ những năm dài ở xà lim đã làm cho anh thành một bệnh nhân tâm thần mà không ai biết.

Anh là người thứ ba qua đời trong số những người thuộc “nhóm xét lại chống Ðảng”. Người thứ hai là ông Bùi Công Trừng, một trong những tên “xét lại hiện đại” là ủy viên Trung ương nên được Ðảng xử lý nhẹ nhàng, chỉ khai trừ Ðảng chứ không tống vào Hỏa Lò. Ông mất sau khi tôi được tha ít lâu. Trước khi chết ông nói với tôi: “Bác thương nước quá!”. Người thứ tư là Trần Minh Việt, nhà lý luận của “nhóm xét lại chống Ðảng”, theo sự phong chức hào phóng của những người tự xưng bảo vệ Ðảng. Anh từ giã cuộc đời bình thản, hiền lành, nho nhã, chẳng giống bất cứ thứ kẻ thù nào của bất cứ ai. Tôi đi theo linh cữu, đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau anh đến lượt tướng Ðặng Kim Giang, rồi cha tôi, rồi tướng Lê Liêm, rồi ông Ung Văn Khiêm.

Nguyễn Lộc không trở lại với triết học và mỹ học nữa. Anh không viết gì, làm nghề dịch thuê để nuôi vợ con. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau. Trong những lần gặp ấy Lộc chỉ cười hiền lành, anh chán chính trị đến tận cổ, thứ chính trị “lăn tròn trên mọi lưỡi”. Tôi được tin anh chết trong cảnh nghèo khổ khi tôi đã không còn ở Việt Nam. Anh mới đích thực là người thua cháy túi trong canh bạc bịp vĩ đại.

Phùng Mỹ làm kế toán cho một lò gốm Bát Tràng. Năm thì mười họa anh tạt qua Hà Nội. Gày và già đi rất nhanh, Phùng Mỹ nhìn đời bằng cặp mắt hờ hững. Anh chán ngán tất cả, thậm chí không buồn phục hồi kinh tế gia đình như một số anh em khác, cho rằng đó là sự bon chen. Anh chỉ vui ở chỗ được chia tay một lần cho mãi mãi với Ðảng của anh.

Vũ Huy Cương tiếp tục cuộc sống độc thân trong căn phòng nhỏ xíu nằm sâu sau mặt đường Bà Triệu. Tôi giục anh lấy vợ. Cương cười méo mó: “Cô nào lấy mình bây giờ là phải lấy kèm mấy anh công an mật, mấy anh cán bộ tổ chức, như thế nhiều quá, vất vả quá!” Anh là người quảng giao. Nhờ bạn bè giúp đỡ, anh làm công việc in ấn trăm thứ bà dằn, nghe nói cũng sống được. Cho tới khi tôi viết những dòng này Vũ Huy Cương vẫn chưa lấy vợ. Bây giờ anh nói: “Ai lấy mà lấy? Lấy nhau bây giờ để dắt díu nhau đi Hoàn Vũ(5) à?”

Vợ Trần Châu đi lấy chồng, anh trở về sống cô độc mấy năm rồi gá nghĩa với vợ một liệt sĩ thời chống Mỹ, hai vợ chồng mở một quán tạp hóa trong làng bán vở và kẹo bột cho học sinh, nước mắm và mì ăn liền cho người lớn, nghe nói sống cũng được.

Hoàng Thế Dũng điếc đặc sau những năm tù, lẽo đẽo theo tôi làm ve quét tường, buổi tối trở về mặt xanh lè bột màu phtalocyanine, nhưng không để mất nụ cười yêu đời. Anh làm hợp đồng cho tờ Lịch Sử Quân Sự, viết được nhiều tài liệu tổng kết các chiến dịch, trong đó có mấy bài hay về cuộc vượt biên giới của quân đội Việt Nam giải phóng vùng Thập Vạn Ðại Sơn cho Trung Quốc. Hoàng Thế Dũng có kể cho tôi nghe một câu chuyện cảm động. Một hôm anh đi cùng một phái đoàn quân sự tới thăm một quân khu, việc của anh là thu thập các tài liệu lịch sử của quân khu này cho Tập san, thì tư lệnh trưởng quân khu, một thiếu tướng chạy tới trước mặt anh rập gót, đưa tay lên vành mũ chào anh theo đúng quân phong: “Chào thủ trưởng!”. Thì ra đó là một cán bộ cấp dưới của anh từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Sau khi chào phái đoàn, tư lệnh trưởng mời thủ trưởng cũ ngồi bên cạnh mình, điềm nhiên như không hề biết chuyện gì xảy ra với anh những năm qua.

Lê Trọng Nghĩa thỉnh thoảng lại vào Sài Gòn. Chị Thảo, vợ anh, công tác tại đây lâu, có một chỗ ở trên đường Võ Thị Sáu. Nhà lãnh đạo ngành tình báo quân đội trong cuộc chiến tranh Việt-Pháp già đi nhanh, nhưng minh mẫn. Những nhận định thời cuộc của anh vẫn sắc sảo như khi anh còn trẻ. Tôi uống trà với anh, nghe anh kể chuyện bằng cách nào Cục 2 đã phát hiện người Pháp chuẩn bị mặt trận Ðiện Biên Phủ, chuyện cán bộ Cục 2 đi vào Nam ngay từ khi Hiệp nghị Genève về Ðông Dương vừa được ký kết. Chị Thảo kể khi đại tướng Hoàng Văn Thái sắp nhận chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông mời chị tới nhờ chị nói với anh hãy bỏ qua chuyện cũ để trở lại công tác. Nhưng nói chuyện với chị hôm trước thì hôm sau ông đột tử. Hà Nội đồn cái chết của ông do Lê Ðức Thọ gây ra. Tiếp đến cái chết của đại tướng Lê Trọng Tấn. Ông cũng sửa soạn nhận chức bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì lại đột tử. Cái chết của ông cũng được buộc cho Lê Ðức Thọ. Ðúng là một lần ỉa bậy, lần sau thấy cứt người ta gọi đến.

Trần Thư bắt đầu cuộc sống ngoài biên chế bằng cách chữa nước mắm thối, làm nước mắm từ cá khô, in nhãn hương và dịch sách. Mấy năm nay anh mang một khối ung thư trong bụng. Cuốn Chuyện Người Tù “Xử Lý Nội Bộ” của anh, mới xong phần đầu, đã được in ở nước ngoài, hé mở một phần vụ án được Ðảng giữ bí mật. Nguyễn Kiến Giang cũng ra được một tuyển tập những bài viết về chủ nghĩa Mác thời hiện đại trong mối quan hệ với vận mệnh đất nước, được người đọc chú ý. Cũng như phần lớn anh em trong vụ án, anh sống bằng nghề dịch – sách văn học, sách chính trị, sách triết học, tài liệu thương mại, đủ thứ.

Lưu Ðộng vẫn ầm ầm chửi “bọn tiếm quyền khốn nạn”, nhưng Lê Ðức Thọ trước khi chết đã ngán Lưu Ðộng lắm, giả vờ điếc không nghe thấy. Không thể bắt Lưu Ðộng một lần nữa. Lại càng không thể bắt Lưu Ðộng câm mồm. Thấy quan thầy không dám động tới Lưu Ðộng, lũ đệ tử cũng đành làm ngơ. Khi tôi rời Việt Nam, nghe sức khoẻ anh đã kém lắm, nhưng vẫn còn minh mẫn.

Ðược biết nhiều trường hợp oan ức xảy ra với dân chúng trong những nhà tù mà tôi đi qua, vừa từ nhà tù về tới nhà tôi viết ngay một bức thư cho ông Nguyễn Lương Bằng: “Chuyện của cháu hãy để đấy cho lịch sử. Nhưng nỗi oan của dân thì phải giải quyết ngay. Cháu đề nghị bác hãy tới các nhà tù để nghe dân khiếu oan. Cháu tình nguyện làm người dẫn đường cho bác…”. Ông Nguyễn Lương Bằng không trả lời. Ông im lặng như một lãnh tụ chính cống. Tôi hoàn toàn thất vọng về người anh hùng cách mạng trong thuở ấu thơ của mình. Lúc đó tôi cũng còn chưa được biết về ông khi đi tìm tư liệu cho cuốn sách này, tôi chưa biết rằng ông rồi nhảy vào Ban chuyên án vụ “nhóm xét lại chống Ðảng”, trở thành cai ngục của tôi. Tôi tiếc đã viết bức thư nọ – cái hi vọng mới hão huyền làm sao! Hôm đưa tang ông, cha tôi rủ tôi cùng đi. Tôi từ chối. Tôi không có mối quan hệ thân thiết trong quá khứ với Nguyễn Lương Bằng như cha tôi. Tôi không rộng lượng như cha tôi. Tôi cũng không thừa thời giờ cho một con người đã bán mình cho danh vọng.

Trường Chinh sau khi rút lui khỏi cuộc đọ sức với Lê Ðức Thọ vào chân tổng bí thư, buồn bã ngồi nhà. Ông qua đời vì chấn thương não trong một cú ngã ở cầu thang. Có tin ông bị Lê Ðức Thọ sai tên bảo vệ ông, người của Trần Quốc Hoàn, hạ sát. Tên này lẽ ra phải đi sát ông từng bước, nhưng đã để ông ngã khi có một mình. Vết thương ở gáy có thể do mép bậc thang gây ra, mà cũng có thể do một vật bằng gỗ khác đập vào. Việt Nam nghèo cái gì thì nghèo nhưng không nghèo tin đồn. Chẳng biết hư thực ra sao.

Hoàng Minh Chính tiếp tục cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do. Anh bị bắt lần thứ ba(6), năm 1995, lần này bị xử án hẳn hoi, vì tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Trước tòa anh bình thản nhận bản án một năm tù, không khiếu nại, đơn giản vì “tôi không công nhận cái bản án xử tôi”, như anh phát biểu. Hoàng Minh Chính không công nhận bản án là phải. Nó không những vô lý mà còn vô đạo.

Cùng với vụ xử Hoàng Minh Chính bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ cuộc đổi mới cài số lùi, thời kỳ ông Ðỗ Mười hạ lệnh cho các quan tòa xử lấy được, bất chấp đúng sai. Với cách giải thích luật pháp của Ðảng không ai có thể biết cái lằn ranh các quyền tự do dân chủ được Ðảng đặt ở đâu, cho nên công dân nào đi luạng quạng đều có cơ may bị các cảnh sát viên mác-xít thổi còi tống vào bót. Lê Ðức Thọ chết rồi, nhưng hồn ma của Thọ vẫn lởn vởn trên cung đình.

Nhưng khác với thời trấn áp “nhóm chống Ðảng”, vụ bắt Hoàng Minh Chính lần này dấy lên cả một làn sóng phản đối, âm ỉ ở trong nước, ồn ào trên thế giới. Có cả một ủy ban bảo vệ Hoàng Minh Chính và Ðỗ Trung Hiếu được thành lập ở Paris gồm những trí thức đã từng ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Một luật sư Pháp gửi đơn xin chiếu khán đi Việt Nam để bảo vệ Hoàng Minh Chính, nhưng đại sứ quán Việt Nam, theo truyền thống ngoại giao lì lợm, không thèm trả lời.

Những người nào cổ không đúng cỡ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” thì đã có cái tròng khác, đại loại như “chiếm đoạt bí mật nhà nước” như trường hợp xảy ra với Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang… Những người này bị trấn áp, nhưng, vẫn như thường lệ, không được xử đúng cái tội mà chính quyền chuyên chính vô sản muốn trị, mà vì một cớ khác, được bịa ra một cách ngớ ngẩn, như mọi người đều biết. Vở kịch xử án họ do chính Bộ Chính trị Trung ương Ðảng đạo diễn không được hưởng dù chỉ vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt ngay trong đám khán giả được Ðảng cử tới.

Cũng khác với “nhóm xét lại chống Ðảng” những người đối lập mới không còn đòi xét lại chủ nghĩa Mác nữa, mà thẳng thắn bác bỏ nó. Nền tảng của cái gọi là nhà nước vô sản chuyên chính bị xói mòn bởi trào lưu dân chủ trên thế giới, bởi nền kinh tế thị trường, cho nên cái cùm của nó cũng rệu rã, lỏng lẻo hơn trước nhiều. Với cuốn sách nổi tiếng Từ Bỏ Ý Thức Hệ, Hà Sĩ Phu kêu gọi sự tống tiễn ôn hòa có tình có nghĩa đối với chủ nghĩa Mác ngoại lai ra khỏi Việt Nam, đặt tên cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là triều đại phong kiến cuối cùng. Ngang tàng là thế, ngạo ngược là thế mà tác giả chỉ bị có một năm tù.

Một buổi tối năm 1983 Hoàng Ðạo đến thăm tôi. Anh vừa biết địa chỉ tôi là tới liền, rủ tôi đi nhậu. Tác giả vụ điệp báo lừng danh một thời già xọm, người như thấp đi, cặp mắt đã mờ, cái nhìn buồn bã. Tôi nhắc chuyện “Jean Valjean gọi bằng cụ”. Anh nói suốt từ năm 1946 anh không nghe nói tới Tôn Thất Tần nữa, nhưng “chuyện anh ấy kể là có thật”. Tối đó tôi có cái hẹn không thể bỏ, đành hẹn anh bữa khác. Bữa khác ấy rồi không có. Người nói anh đã bỏ đi Ðồng Nai, người nói anh ở trong rừng Ðồng Tháp. Năm 1995 tôi thấy hình anh trên một tờ báo công an. Người ta kỷ niệm vụ đánh đắm thông báo hạm Amyot d’Inville và nhắc đến cái chết của chị Lộc. Trước đây, trong một thời gian dài người ta không nói tới cái chết cảm tử của chị. Có người có chức quyền hẳn hoi còn nói chị mang va li thuốc nổ lên chiến hạm để tự sát – chị bị lao nặng đã hết cách chữa. Vì thế mà Trung ương không phong cho chị danh hiệu anh hùng. Cũng có thể ngày ấy người ta còn sợ uy Trường Chinh. Danh hiệu này chỉ được truy tặng cho người nữ anh hùng khi ở Việt Nam bắt đầu có “đổi mới”.

Nguyễn Chí Thiện được thả ra năm 1977. Từ ga Trần Quý Cáp anh tới thẳng nhà tôi, ăn với tôi bữa cơm rồi mới về Hải Phòng. Thỉnh thoảng anh lên Hà Nội chơi lại rẽ vào thăm tôi. Vẫn ngơ ngác nhìn đời qua cặp kính trắng, ít nói hơn cả trong khi ở tù, còn ít cười hơn nữa, Nguyễn Chí Thiện hoàn toàn thu mình vào nội tâm. Tôi giao cho anh bột nở về bán cho các hàng cháo quẩy của thành phố cảng. Khi tôi chế bột nở cho cao su, anh cũng bán được một ít cho những người buôn hàng vào Nam. Nhưng anh không có khiếu thương mại. Tôi vào Sài Gòn hẳn từ năm 1983. Năm 1988 tôi ra chơi, Lê Trình báo tin Nguyễn Chí Thiện đã bị bắt lại. Anh chạy vào sứ quán Anh ở Hà Nội, trao cho họ tập thơ anh làm trong tù rồi bước ra để vào Hỏa Lò, ở thêm mấy năm nữa. Trình kêu gọi anh em bạn tù góp tiền cho gia đình Nguyễn Chí Thiện tiếp tế cho anh. Năm 1994 Nguyễn Chí Thiện sang Mỹ, từ đó anh đi khắp thế giới để chửi chính quyền Hà Nội. Tôi đọc báo và buồn lòng thấy anh chống cộng vung vít, chống luôn cả những hành động cứu trợ nhân đạo cho đồng bào, chỉ vì những khoản cứu trợ, theo anh nói, nuôi béo chính quyền cộng sản. Tôi biết có những vụ tham ô hàng và tiền cứu trợ, nhưng không phải tất cả đều thế. Anh còn nói rằng không thể tin được bọn cộng sản ly khai, quên khuấy rằng họ cũng là những người yêu nước không kém gì anh, ít nhất là như thế. Nhưng nghĩ tới những gì Nguyễn Chí Thiện đã trải qua, tôi hiểu nỗi căm giận của anh. Có điều, như các cụ nói, no mất ngon, giận mất khôn, nên anh mới khai trừ thẳng cánh những người trước kia là cộng sản ra khỏi đám con cháu Lạc Hồng, vĩnh viễn tước của họ cái quyền yêu nước.

Sau khi ra khỏi nhà tù, khoảng năm 1977, Kiều Duy Vĩnh và tôi gặp nhau luôn. Anh sảng khoái hơn bao giờ hết vì chuyến viễn du bất đắc dĩ cuối cùng rồi cũng đã kết thúc. Chúng tôi kéo nhau lên Hàng Vải Thâm rủ Lê Trình đi uống cà phê. Ðôi khi có cả Văn Thợ Mộc, Phổ Gián Ðiệp. Vĩnh giàu nhất trong bọn chúng tôi, vì chị Vĩnh có sạp bán trà ở chợ Bắc Qua. Nhưng Trình Hàng Vải, cao niên hơn cả, bao giờ cũng tranh trả tiền. Có thể nói đây là hạt nhân của Hội Cựu Tù Nhân Việt Nam, nếu như một ngày nào đó nó ra đời.

Phổ Gián Ðiệp được các đồng chí cũ thanh minh, được thả ra, nhưng gia đình đã tan nát, ngôi nhà bị thu vẫn chưa lấy lại được.

Văn Thợ Mộc đã lấy vợ. Cuộc hôn nhân bắt nguồn từ việc ông thợ mộc hiền lành của chúng tôi đi đóng giường thuê cho vợ một liệt sĩ. Chị kể với anh chị ước mong có một ban thờ tử tế để thờ chồng mà mãi chưa thực hiện được. Ðúng ngày 27.7(7) anh xuất hiện ở nhà chị, hì hục đóng cho chị cái ban thờ mà chị muốn có, không lấy tiền. Chị xúc động trước tấm lòng cởi mở của anh. Hai người trở thành bạn. Rồi anh trở thành chồng chị, chăm nom những đứa con của người mà lẽ ra anh phải coi là kẻ thù. Những đứa con của người đã khuất rất yêu quý anh.

“Jean Valjean gọi bằng cụ” cũng đã ra khỏi nhà tù. Như tôi đã kể, thật ra chính quyền cũng không có ý định nâng cao kỷ lục tù cho ông, nhưng vì lúng túng không biết thả ông thế nào, nên đành để ông đó cái đã. Tiễn tôi ra trại, trung úy Bưởi hứa với tôi sẽ giúp đỡ “Jean Valjean gọi bằng cụ”. Anh cho tôi biết nếu bây giờ có người nhận, ông sẽ được về ngay. Tôi tới gặp nhà sử học Chiêm Tế, cũng là người trong hoàng tộc, đề nghị anh bảo lãnh cho Tôn Thất Tần thì Chiêm Tế kêu lên: “Anh bị chín năm chưa chán sao mà còn dây vào những chuyện này! Tôi sợ lắm!”. Chỉ có Bửu Tiến là hăng hái giúp. Anh vào Nam, tìm được con gái Tôn Thất Tần. Cô làm đơn xin bảo lãnh cho người cha chưa biết mặt. Qua nhà thơ Trần Mạnh Hảo tôi mới gặp lại Tôn Thất Tần. Hóa ra anh là con rể người tù vĩ đại.

Một hôm tôi đang phóng xe máy trên đường Thụy Khê thì bị một công an viên nhảy ra giơ hai tay chặn lại. Thì ra thiếu úy Nguyễn Văn Nhẩm.

– Anh còn nhớ em không?

– Nhớ chứ! – tôi ôm lấy anh – Tôi quên những tên khốn nạn, nhưng nhớ rất lâu những con người tốt bụng.

Nhẩm khoe với tôi anh đã ra khỏi ngành quản lý trại giam, bây giờ làm công an đường phố. Chúng tôi kéo nhau vào một quán bia gần đấy, uống bia Thanh Ðảo và ôn lại chuyện những ngày ở Tân Lập. Nhẩm hẹn tôi một bữa ăn trên nhà hàng nổi Hồ Tây.

Tôi hỏi Nhẩm về số phận của gián điệp quốc tế Dịp Pún Mằn. Nhẩm cho biết anh ta đã được tha ra một nông trường gồm những tù nhân không nơi nương tựa ở gần trại. Sau anh ta có về Hải Phòng không thì Nhẩm không biết. Tôi hỏi Nhẩm đã gặp bao nhiêu gián điệp quốc tế kiểu như Diệp Bản Minh thì Nhẩm nói mới gặp có một. Tôi nói thế thì hồng phúc cho nước nhà.

Kể từ khi tôi ra tù, sự kiện ồn ào nhất về vụ “nhóm xét lại chống Ðảng” là vụ Nguyễn Trung Thành, nguyên vụ trưởng Vụ Bảo vệ Ðảng, cánh tay phải của Lê Ðức Thọ trong thời kỳ chúng tôi bị trấn áp, bỗng dưng đùng đùng lên tiếng đòi xét lại vụ án. Ông tuyên bố chúng tôi hoàn toàn vô tội. Ông nói việc tham gia vụ án này làm cho ông bị lương tâm cắn rứt ngày đêm. Ðã đến lúc ông không còn có thể im lặng.

Bức thư gửi Ban chấp hành Trung ương Ðảng đề ngày 3.2.1995 là một tiếng sét giữa trời quang, làm sửng sốt không phải chỉ các nhà lãnh đạo mà cả chúng tôi. Có ai ngờ một người như ông mà lại đủ can đảm làm một việc tầy trời như thế – trước hết là lòng dũng cảm phủ định chính mình, sau là sự dấn thân vào một việc khó khăn, vô vọng mà hậu quả có thể rất nặng nề.

Nguyên vụ trưởng Vụ tổng hợp Bộ Nội vụ vào thời gian nói trên là ông Lê Hồng Hà, cũng có dính líu với vụ án của chúng tôi, đã nhiệt tình ủng hộ ông Nguyễn Trung Thành trong việc lập lại lẽ công bằng cho những người cộng sản bị đàn áp.

Tổng bí thư Ðỗ Mười nổi giận. Ông gặp Nguyễn Trung Thành, trách móc, khuyên can, dọa nạt. Nhưng Nguyễn Trung Thành vẫn trơ trơ.

Lê Hồng Hà còn đi xa hơn. Nhân dịp này ông rà soát lại nhận thức của mình, rồi thẳng thắn vạch ra rằng mọi điều tồi tệ xảy ra là hậu quả sự du nhập chủ nghĩa Mác ngoại lai vào Việt Nam, sự áp dụng những nguyên tắc “dân chủ tập trung” và “chuyên chính vô sản”, về thực chất là nền tảng của thói chuyên quyền, độc đoán.

Không làm gì được hai nhân vật phản tỉnh, Ðỗ Mười ra lệnh khai trừ họ khỏi Ðảng. Chưa đủ. Lê Hồng Hà bị bắt, cùng một lượt với Hà Sĩ Phu, bị tòa xử hai năm tù giam, nhưng không phải vì lập trường chống chủ nghĩa Mác, vì thái độ phản kháng sự bạo hành của chính quyền đối với nhân dân, mà vì… “có hành vi chiếm đoạt bí mật nhà nước”. Mà bí mật nhà nước ở đây là cái gì? Là bức thư của đảng viên Võ Văn Kiệt gửi các đồng chí của ông trong Bộ Chính trị, mà đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đã được biết từ lâu.

Sau khi biết việc ông Nguyễn Trung Thành gửi thư cho Trung ương Ðảng, mẹ tôi đi xích-lô lên tận nhà ông ở Ngọc Hà để nói với ông:

– Trước kia, tôi căm thù anh không kém gì căm thù Lê Ðức Thọ. Nhưng nay tôi lại thấy ở anh một đồng chí, hay nếu ta không dùng cái chữ ấy nữa vì nó bị người ta làm cho ô uế rồi thì ta dùng chữ khác vậy, anh là một người tử tế…

– Cảm ơn chị.

– Mà này, tuổi đời cũng như tuổi cách mạng anh đều kém tôi, chi bằng tôi gọi anh bằng chú cho thân mật.

– Thưa chị, – ông Nguyễn Trung Thành nói – chị đã tha tội cho em, lại còn nhận em làm em nữa thì lòng chị thật là rộng rãi, thật là bao dung! Em rất biết ơn chị.

Mẹ tôi cười vui vẻ:

– Ðã coi là em rồi thì mọi sự là tình nghĩa chị em, đâu còn chuyện ai rộng rãi với ai, ai bao dung với ai?

– Nhưng nếu em rồi cũng bị bắt, thì chị lại đi tiếp tế cho em nhá?

– Chú yên tâm. – mẹ tôi nói – Cái việc này chị quen rồi. Thời Pháp chị đã đi tiếp tế, thời Nhật chị đã đi tiếp tế, thời ta lại được đi tiếp tế cả cho chồng lẫn cho con, như thế gọi là có thâm niên đấy. Chị sẽ đi tiếp tế cho chú…

Hà Nội – Sài Gòn – Moskva – Warszawa – Paris
1993-1997

(1) Khái niệm tư pháp của Việt Nam về chuyện này như sau: người có tiền án là người phạm tội, bị đưa ra tòa xử, có án hình rõ ràng, người có tiền sự là người phạm tội nhưng xét chưa tới mức phải đưa ra xử, chỉ bị đưa đi giáo dục cải tạo, trong lý lịch tư pháp được coi như chưa can án lần nào. Thành thử có thứ tiền án 3 tháng tù treo, có thứ tiền sự thôi mà người được hưởng nó phải ở hàng chục năm (tù) cải tạo.

(2) Ðã có một cái tỉnh như vậy theo sáng kiến của Lê Duẩn.

(3) Một băng đểu cáng (tiếng Pháp).

(4) Paul Joseph Goebbels (1897-1945), bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của nước Ðức phát-xít.

(5) Lò thiêu xác ở Hà Nội.

(6) Mãi gần đây, cuối năm 1996, Hoàng Minh Chính mới biết lý do thật khiến anh bị vào tù lần chót. Số là vào tháng 5 năm 1995 anh và một số cựu đảng viên Ðảng dân chủ Việt Nam, là những đảng viên đầu tiên của đảng này trước khi nó trở thành một đảng bù nhìn, có gặp nhau trong một bữa trà dư tửu hậu tại nhà anh. Trong cuộc gặp gỡ này có người nêu ý kiến nên có một cuộc họp mặt rộng hơn nhân ngày kỷ niệm Ðảng dân chủ Việt Nam ra đời, vào giữa tháng 6. Cuộc nói chuyện bị ghi âm trộm. Thế là người ta tá hỏa, nghĩ rằng Hoàng Minh Chính và các cựu đảng viên Ðảng dân chủ Việt Nam có ý tái lập đảng, do đó vội vã bắt ngay Hoàng Minh Chính. Lý do thì không có, người ta viện cớ Hoàng Minh Chính dám gửi hộ Ðỗ Trung Hiếu những kiến nghị của ông tới địa chỉ các vị lãnh đạo, là hành động tán phát những tài liệu chống nhà nước và chủ nghĩa xã hội, để buộc tội. Thế là ông Ðỗ Trung Hiếu trở thành đầu vụ một cách oan uổng.

(7) Ngày thương binh liệt sĩ Việt Nam.