Tên tuổi Lê Ðức Thọ ngày nay không những được biết đến ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Hình ảnh Lê Ðức Thọ được in trong những cuốn từ điển bách khoa, với tiểu sử tóm tắt và sự nhấn mạnh về công trạng tìm kiếm hòa bình cho cuộc chiến tại Việt Nam trong cuộc hòa đàm Paris với Henry Alfred Kissinger(1) và được trao giải thưởng Nobel hòa bình cùng với ông ta trong năm đó.
Ở Việt Nam tên Lê Ðức Thọ gắn liền với vụ nhóm xét lại chống Ðảng, và rất nhiều vụ oan khuất khác do Ban Tổ chức Trung ương tiến hành.
Tôi tiếc không được biết Lê Ðức Thọ một cách gần gụi để có thể viết nhiều và viết kỹ về nhân vật một thời làm mưa làm gió trên chính trường Việt Nam. Hi vọng rồi đây sẽ có người làm việc này một cách nghiêm túc, bởi vì Lê Ðức Thọ là một hiện tượng đặc thù trong hình thái xã hội từng được gọi là xã hội chủ nghĩa.
Ý định của Lưu Quý Kỳ về việc cho ra một tờ báo châm biếm tương tự tờ Cá Sấu của Liên Xô để phê phán các hiện tượng tiêu cực, mà tôi có nhắc tới trong một đoạn trên, không phải là ý định suông. Ðiều Lưu Quý Kỳ không ngờ là ý muốn chân thành của anh đã dẫn tới tai họa. Lê Ðức Thọ xồng xộc đến tận Sở báo chí để tự mình uốn nắn ý nghĩ ngạo ngược của anh. Mà Lưu Quý Kỳ được Thọ coi như đệ tử ruột một thời. Tinh thần cảnh giác cao chưa một lần ngủ quên của Sáu Búa Lê Ðức Thọ không thể lơ là để xảy ra một sự lỏng dây xích như vậy.
Tôi có mặt ở đấy khi xảy ra sự việc.
Con người cao to, tóc bạc trắng, với giọng nói cố ý kéo dài bắt người nghe chờ đợi câu tiếp theo, để lại trong tôi ấn tượng nhạt nhẽo và khó chịu. Tôi dị ứng với những gì không thật. Trong Lê Ðức Thọ tôi nhìn thấy đầy rẫy của giả. Mọi người khúm núm, sợ sệt. Tôi nhìn Thọ dửng dưng, bằng con mắt lạnh lùng.
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ở tuổi 30, chính quyền đã vững vàng, đám lãnh tụ đã học thuộc bài lên xe xuống ngựa xênh xang, đệ tử bâu quanh như ruồi thấy mật. Một chút khiêm tốn giả vờ, một chút bình dân đóng kịch, trộn với rất nhiều phô trương quyền thế, là nét nổi bật trong Thọ. Nói tóm lại, một tên hãnh tiến điển hình. Trong cuốn Sửa Ðổi Lề Lối Làm Việc ông Hồ Chí Minh gọi căn bệnh này là bệnh lãnh tụ.
Vào những năm đang được nói tới Lê Ðức Thọ là ủy viên Ban bí thư, ủy viên Thường vụ Trung ương Ðảng. Nhưng cả hai chức ấy chẳng có nghĩa gì so với một chức nghe khiêm tốn hơn, là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Thọ giữ chức này ba mươi năm liền, kể từ khi ra Bắc.
Từ một cơ quan bình thường, mang nặng tính chất sự vụ, làm công việc quản lý cán bộ Ðảng thời Lê Văn Lương, Ban Tổ chức Trung ương trong tay Thọ nhanh chóng trở thành cơ quan siêu mật thám, nắm trong tay quyền lực cao nhất, mạnh nhất trong toàn bộ hệ thống Ðảng. Nó bao trùm tất cả, đứng trên tất cả. Nằm trong quyền điều khiển của nó có cả Bộ Nội vụ. Với thể chế Ðảng cầm quyền, tình hình đó là lẽ đương nhiên.
Ban Tổ chức Trung ương của Lê Ðức Thọ trong thực tế không chỉ nắm lý lịch đảng viên và cán bộ Ðảng, mà cả cán bộ chính quyền, từ cấp thấp nhất tới cấp cao nhất, theo một hệ thống dọc.
Mỗi cán bộ đều có một cuốn lý lịch, nó dính vào anh suốt đời, như một cái bướu. Mỗi lần xét lên lương, xét cho đi học, xét cấp nhà, thậm chí một cái phiếu mua xe đạp, là một lần lý lịch anh lại được mở ra, được tính đến. Giá trị con người tính bằng mức độ trung thành với Ðảng, hồng là hơn chuyên, đức là hơn tài. Lý lịch là chứng chỉ xác nhận giá trị xã hội của mỗi cá nhân thành viên, do đó nó quan trọng vô cùng. Lý lịch còn được cập nhật, được bổ sung liên tục bởi công an chìm và nổi, bởi cán bộ tổ chức, cán bộ bảo vệ, các bạn đồng sự, bởi ông hàng xóm hoặc ông tổ trưởng dân phố. Hết thảy đều được dạy dỗ để theo dõi lẫn nhau, được khuyến khích thu thập tin tức về nhau.
Nhân vô thập toàn, con người ta ai cũng có lúc mắc khuyết điểm, không lúc này thì lúc khác, không ở nơi này thì nơi kia. Nếu chẳng may khuyết điểm bị tổ chức phát hiện, nó sẽ được ghi nhận, được xếp vào hồ sơ, còn sau này có dùng đến hay không, dùng vào lúc nào, là chuyện khác.
Tại Hỏa Lò tôi ngạc nhiên thật sự khi Huỳnh Ngự, với nụ cười trịch thượng trên môi, chìa cho tôi xem bản liệt kê tất cả những gì tôi đã viết, đã in, trong đó có nhiều cái ba lăng nhăng chính tôi cũng quên bẵng từ lâu. ỉ thì cứ cho rằng từ năm 1961 khi tôi viết Ðêm Mất Ngủ bị Tố Hữu đánh, lúc ấy nghi ngờ tôi là có lý. Nhưng làm sao trong hồ sơ lại có cả những bài báo ngô nghê đăng trên tờ Nhân dân và Văn nghệ từ mãi những năm 1954-1955, khi tôi còn là một con chiên ngoan đạo? Thì ra khi có một bút danh mới xuất hiện những cán bộ tổ chức theo dõi văn nghệ liền ghi ngay vào sổ, và nếu có một chút nghi ngờ thì một hồ sơ liền được lập. Nếu không làm sao người ta có thể có những bản liệt kê những thứ tầm phơ như thế?
Dù có căm ghét hệ thống quản lý cán bộ ấy tới mức nào chăng nữa tôi vẫn phải khâm phục tính chất vô nhân và vô luân hoàn hảo của nó. Về hệ thống của Thọ cần có nhiều công trình nghiên cứu nghiêm túc trên hai bình diện: môi trường xã hội cần và đủ cho sự nảy sinh và tồn tại của hệ thống, cách vận hành nó. Ðảng cộng sản Việt Nam có quyền tự hào – trong lĩnh vực này kể cả Gestapo của Ðệ tam Ðế chế cũng khó sánh được với Ban Tổ chức Trung ương.
Bên cạnh Ban tổ chức Trung ương, Lê Ðức Thọ đặt ra Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương. Nó được lập ra để bảo vệ sức khoẻ cho các ủy viên Trung ương, nhưng chủ yếu là các Trung ương ủy viên cổ cánh, và trước hết là các ủy viên Bộ Chính trị. Theo quy định, cán bộ đã tham gia hoạt động cách mạng trước 9-1945 đều nằm trong sự chăm sóc của Ban này, nhưng đó là quy định được đặt ra cho vui chứ không phải thực tế là như vậy. Không hề có dấu bằng giữa một đảng viên chịu đựng nhiều hy sinh cho cách mạng, với một ủy viên Bộ Chính trị đỏ da thắm thịt.
Sức khỏe các ủy viên Bộ Chính trị thời Duẩn-Thọ đượctiêu chuẩn phục vụ tối đa, với tất cả khả năng mà nền y học Việt Nam hiện đại có. Trong tay Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương có những bác sĩ hàng đầu ở các bệnh viện tốt nhất. Có vị còn được cấp phát một nữ sinh viên để thứ bảy chủ nhật đến săn sóc sức khoẻ và bầu bạn cho đỡ buồn. Khi cô sinh viên “xin phép chú cháu đi lấy chồng” thì chú nước mắt nước mũi giàn giụa nằng nặc giữ cô lại. Ðời con gái có thì, cô ta không chịu, thế là nhà lãnh đạo ngã bệnh, các chuyên gia Việt Nam khám không ra, chữa không được, ông phải đáp chuyên cơ(2) ra nước ngoài chạy chữa. Cuộc tình bao cấp được Thọ cho quay phim, chụp ảnh lén, sẽ có lúc dùng tới. Chuyện thâm cung bí sử này lọt ra ngoài cũng từ cái Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương nọ.
Cái sự ham muốn quyền lực thường có ở những người đã được nếm mùi quyến rũ của nó. Nhưng ở Lê Ðức Thọ nó mang một sắc thái đặc biệt, với một bề ngoài đạo đức giả điêu luyện. Những người tiên đoán mâu thuẫn giữa Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ nói rằng cặp này sớm muộn sẽ loại trừ nhau chính là do quyền lực. Tôi nghe vậy biết vậy, chứ không nghĩ rằng nhận định của họ có sở cứ, mặc dầu đó là những người biết cả Duẩn và Thọ từ những năm ở bưng biền. Sau mới biết là đúng.
Cuối năm 1967 tôi và mẹ tôi vào Hà Ðông thăm bác Ðinh Chương Dương, bác kể mới tháng trước có mấy cán bộ ở Ban lịch sử Ðảng vào gặp bác để lấy tài liệu về phong trào cách mạng và cộng sản ở Nam Ðịnh. Mấy nhà sử học quan phương một mực dỗ dành nhà cách mạng lão thành xác nhận bằng văn bản rằng Lê Ðức Thọ là người cộng sản đầu tiên ở Nam Ðịnh. Bác Ðinh nghe rác tai quá, mới bảo họ: “Này các anh, nghe tôi khuyên đây: nếu muốn chép sử thì nhất nhất phải chép theo sự thật. Còn muốn viết sử thì cứ việc viết theo ý các anh muốn, hoặc theo ý người trên. Không làm được Tư Mã Thiên thì làm thư lại mà giữ lấy nếp nhà lương thiện”. Kể lại chuyện này, bác Ðinh nói với tôi: “Khi bố cháu đã hoạt động cách mạng rồi thì anh Thọ này còn là học sinh(3). Chẳng hiểu sao anh ta lại thích được ghi vào sử đảng rằng anh ta là người cộng sản đầu tiên ở Nam Ðịnh đến thế? Con người tham thật, được bao nhiêu cũng chưa vừa lòng”. Anh Kỳ Vân kể hồi anh đã là xứ ủy viên Bắc Kỳ, Lê Ðức Thọ cũng từng hoạt động với anh. “Hồi ấy hắn ta không như bây giờ bây giờ đâu. Khiêm tốn lắm, nhũn nhặn lắm. Mà trình độ hiểu biết chính trị thì a b c, biết cái khỉ gì đâu. Cho nên nịnh Trường Chinh lắm, nghe Trường Chinh như nghe thánh sống. Thế mà sau năm 54 ở trong Nam ra hắn đã câng câng, nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt. Trường Chinh nâng đỡ hắn là thế, vậy mà khi Trường Chinh thất thế, hắn cũng vênh váo cả với Trường Chinh mới tệ”.
Mà nào có phải Lê Ðức Thọ là nhà cách mạng kiên cường cho cam! Năm 1943, ông Sao Ðỏ Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La về ở nhà tôi, tại 65 phố Nhà Rượu (phố Nguyễn Công Trứ bây giờ), ông còn bảo cha tôi: “Anh chịu khó đi Nam Ðịnh tìm thằng Khải(4) hỏi thẳng nó xem nó có còn muốn hoạt động với anh em nữa không, hay chỉ nằm nhà ôm vợ?”. Cha tôi đạp xe đi Dịch Lễ, tìm được Lê Ðức Thọ, lôi Thọ ra khỏi cái giường êm, trả về cho tổ chức. Về chuyện này cha tôi có ghi lại trong tập hồi ký “Tháng Tám cờ bay”.
Lạ nữa là chẳng phải một mình Lê Ðức Thọ làm to. Hai người em ruột Thọ là Ðinh Ðức Thiện (tức Phan Ðình Dinh) và Mai Chí Thọ (tức Phan Ðình Ðống), cho tới Cách mạng Tháng Tám chưa hề có tiếng tăm trong hàng ngũ cách mạng cũng làm to nốt. Một người lên đến thượng tướng, bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Tổng cục trưởng Tổng cục dầu khí, một người được phong đại tướng ngành Công an khi về hưu. Những nhà cách mạng lão thành cứ ngẩn ngơ trước sự thăng tiến vù vù trên hoạn lộ của ba anh em nhà nọ. Quả là sự hi hữu trong lịch sử.
Người làng Dịch Lễ nói rằng ba anh em Khải-Dinh-Ðống lên nhanh thế là nhờ mồ mả. Tôi không tin. Sau này, được chính anh cháu ruột Lê Ðức Thọ, một nhà khoa học hẳn hoi chứ không phải người không hiểu biết, kể cho tôi nghe chuyện ngôi mộ cụ thân sinh Lê Ðức Thọ tôi mới đâm ra ngờ vực – chẳng lẽ thuật để mả có từ lâu đời ở nước ta lại có thật? Không khoa học nào thừa nhận môn phong thủy, nhưng trong chuyện vận may của nhà họ Phan xem ra nó lại có lý hơn mọi cách giải thích khác. Sống vì mồ vì mả, không sống vì cả(5) bát cơm, không phải vô lý mà các cụ ta đã có câu như vậy.
Nhà khoa học kể: gia đình Lê Ðức Thọ gồm hai chi. Chi trên, ngành cả, là chi bác ruột của Thọ, cụ Phan Ðình Hòe, và chi dưới, cụ Phan Ðình Quế, thân sinh ra ba ông quan lớn sau này. Cụ Hòe từ nhỏ tư chất thông minh, văn hay chữ tốt, sau đỗ đạt cao, làm quan nhất phẩm, thượng thư hay là cái gì đó tương tự, tôi nghe nhưng không nhớ. Ông em ruột cụ là cụ Quế thì ngược lại, học trước quên sau, được cái tính củ mỉ cù mì, an phận thủ thường ở nhà với vợ, chịu khó cày sâu cuốc bẫm, chăn gà chăn lợn.
Cụ Hòe thôi việc quan, được một thầy địa lý nổi tiếng trong vùng chọn cho một huyệt tốt phòng khi cụ hai năm mươi, gọi là huyệt Lỗ Ao. Tại sao nó có tên như vậy thì nhà khoa học không biết, cũng không được ai giải nghĩa. Thế nhưng cụ Hòe lại thọ, thành thử huyệt đã sẵn mà cụ vẫn sống phây phây để rồi gặp được một thầy địa lý khác, theo lời thiên hạ đồn thì cao tay hơn ông thầy trước nhiều.
Thầy địa lý này trẻ mà kênh kiệu, cụ Hòe vời mấy lần mới chịu tới. Trước mặt cựu thượng quan thầy cung kính chắp tay thưa: “Kẻ hèn võ vẽ chuyện đất đai, nghe lời cha mẹ dạy trước nay làm việc này chỉ cốt được sự phúc đức. Thấy ai không hiểu biết, lỡ đặt cha mẹ hoặc thân nhân nhằm chỗ đất độc thì mách cho người ta đặt lại kẻo rồi sau di hại đến con cháu. Chứ tìm đất tốt phát vương phát bá thì kẻ hèn này không có tài”. Cụ Hòe nói muốn nhờ thầy xem lại huyệt Lỗ Ao. Thầy vâng lời, xem xong rồi thưa: “Bẩm, quan lớn là bậc đa kiến văn, trí lự hơn người, xin quan tự định liệu. Huyệt này đúng là phát, phát lắm. Tiếc thay, nó phát một đời, nhưng lại bị nguyền rủa muôn đời”.
Cụ Hòe giật mình, dặn con cháu: “Công hầu khanh tướng chẳng qua chỉ là giấc mộng hoàng lương. Ta chết đi chúng bay cứ chọn chỗ cao ráo cho ta nằm. Ta không muốn giòng họ ta vì phát một đời mà chịu tiếng xấu muôn đời!”. Con cháu nghe lời bỏ huyệt Lỗ Ao. Cụ Hòe có để lại một bài tứ tuyệt nói lên ý trên, đúng là khẩu khí của bậc hiền nho, nhưng nhà khoa học kể chuyện này không thuộc.
Cụ Quế tiếc rẻ cái huyệt phát, bảo: “Bác cả không nằm, để tao nằm”. Cụ qua đời, con cháu táng vào huyệt Lỗ Ao.
Câu chuyện này tôi được nghe vào năm 1966, thời cực thịnh của Lê Ðức Thọ.
Cho đến khi tôi viết những dòng này Lê Ðức Thọ bị nguyền rủa đã nhiều. Trong cả nước. Từ dưới dân đen tới những tầng cao chế độ. Không phải chỉ những người bị Lê Ðức Thọ hãm hại và con cháu họ, mà cả những người vô can. Người ta coi Lê Ðức Thọ là đệ nhất gian thần trong lịch sử nước nhà.
Ðinh Ðức Thiện không chịu chung những lời nguyền rủa với ông anh cả. Trong cuộc đời không dài Ðinh Ðức Thiện đã giữ những chức vụ rất quan trọng – bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim, Trưởng ban xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, Tổng cục trưởng Tổng cục dầu khí, hàm thượng tướng. Ông ít học. Trình độ học vấn không quá bậc sơ đẳng. Thế nhưng Ðinh Ðức Thiện khinh trí thức lắm. Ông hạ lệnh cho các kỹ sư điện tính toán thời hạn lắp đặt đường dây cao thế Thái Nguyên – Hà Nội. Họ tính kỹ rồi báo cáo lên Ðinh Ðức Thiện: không thể dưới hai năm. Ông ta nghe xong liền nổi khùng: “Rặt một lũ ăn hại đái nát! Làm chó gì mà mất những hai năm. Tôi mà ra lệnh cho công binh làm ấy à, chỉ hai tháng là cùng. Tính với chả toán, tính như con c… Các anh lúc nào cũng cúi đầu làm theo sách vở của bọn thực dân đế quốc. Vào rừng chặt cây về mà làm cột, mắc điện vào. Là xong. Trí thức với chả trí ngủ!”. Người kể lại chuyện này là một kỹ sư tốt nghiệp Cao đẳng kỹ thuật thời Pháp, hôm ấy được nghe Ðinh Ðức Thiện trực tiếp quát mắng.
Các kỹ sư tốt nghiệp ở các nước xã hội chủ nghĩa cũng chẳng được ông tướng trọng vọng hơn. Họ dặn nhau: “Ðến yết kiến lão phải phơi nắng vài ngày cho da đen đi cái đã. Mà nhớ lấy nhá, chớ có đi giày tây, chớ có diện củ(6), lão hò hét gì mặc lão, cứ vâng dạ. Chớ cãi, cãi lão chỉ có chết”. Thấy anh nào trắng trẻo, ăn vận sạch sẽ, có dáng ở Tây về, ăn nói thiếu thưa bẩm, cử chỉ không giữ gìn thận trọng trước cấp trên là ông quan hét ầm ầm: “Ði xuống cơ sở(7). Ngay lập tức, không oong đơ gì hết, Lao động một năm rồi về đây gặp tao”. Ðinh Ðức Thiện dị ứng với bằng cấp. Kẻ có bằng cấp muốn được ông thu dụng phải nhoài người ra mà nịnh ông cho tới khi ông mềm lòng.
Có một thời sự thiếu học được coi là niềm tự hào – người ít học là người có quá khứ trong sạch, không dính với thực dân, phong kiến. Ðinh Ðức Thiện tự hào về sự thiếu học của mình lắm. Ông vỗ ngực đồm độp: “Xem tao đây này, tao chẳng có cái bằng chó nào hết, thế mà tiến sĩ kỹ sư sợ tao một phép. Chúng nó ỷ có học, nhưng học gì lũ chúng nó, học vẹt ấy thì có, rời sách vở ra là chịu chết. Trí thức mà không có thực tế chỉ là cục c… Chính tao này, tao chỉ đạo kỹ thuật cho chúng nó, chứ ai? Nghe cái bọn quen bơ thừa sữa cặn ấy chỉ có mà ăn cháo, ăn cháo!”.
Cũng lại là công nhân theo lý lịch tự khai chứ không theo định nghĩa của Mác, Ðinh Ðức Thiện khó chịu với mọi biểu hiện ông cho là ăn chơi của cấp dưới. Lúc nào ông cũng phô cái quá khứ nhọc nhằn. Thực ra quá khứ của ông chẳng nhọc nhằn gì, người làng Dịch Lễ nói vậy. Ông sướng từ bé, lớn lên ra tỉnh ăn chơi lêu lổng, chim gái thành thần, họ kể. Nhưng ông cứ xưng xưng nói thế. Ông không cho phép cái lũ không biết nhọc nhằn là gì được phép sung sướng. Ông chỉ cho phép mình sung sướng thôi. Mà Ðinh Ðức Thiện là người biết cách để sung sướng lắm.
Hồi kháng chiến chống Pháp, công tác tại Liên khu 3, Ðinh Ðức Thiện rủ Hoàng Minh Chính mở một hộp đêm để giải sầu: “Chúng mình đầu tắt mặt tối, vào sinh ra tử, khổ bỏ mẹ, phải có một chỗ để thỉnh thoảng giải khuây, làm một phát cho khoái”. Hoàng Minh Chính không đồng tình: “Mày nói thế chó nó nghe được. Cán bộ cách mạng mà làm bậy, tổ chức kỷ luật chết”. Ðinh Ðức Thiện cười vào mặt Hoàng Minh Chính: “Xì, mày ngu bỏ mẹ, tiền lấy ở quỹ đen, mình làm đen luôn, giữ bem(8) tốt, thằng chó nào biết!”. Hoàng Minh Chính kể cho tôi nghe chuyện này vào mùa hè năm 1965, cũng nhân nói tới sự thăng tiến kỳ lạ của ba anh em họ Phan. Anh không hề có ác cảm với Ðinh Ðức Thiện khi kể lại câu chuyện đó. Hai người là bạn với nhau một thời, tuy không thân thiết.
Một người bạn tôi có hồi công tác dưới quyền Ðinh Ðức Thiện, thường được ông cho đi săn cùng. Ði săn là thú chơi của Ðinh Ðức Thiện. Anh kể mỗi lần ông ta ra lệnh đi săn là mỗi lần nhân viên phục vụ ông tướng quýnh quáng sửa soạn đủ thứ ông tướng cần, không được để thiếu thứ gì. Ông đi một xe, một xe chở lính hầu, súng săn, xoong nồi, bia rượu và trăm thứ bà rằn khác, kể cả lều bạt phòng khi ông hứng lên nghỉ lại trong rừng.
Sinh ư nghệ tử ư nghệ, Ðinh Ðức Thiện chết bất đắc kỳ tử trong một chuyến đi săn. Ðâu như lúc mở cửa xe bước xuống Ðinh Ðức Thiện bị súng cướp cò, đạn bắn vào đầu. Sau cái chết đột ngột của viên tướng có tin đồn: Ðinh Ðức Thiện bị hạ sát bởi tay Lê Ðức Thọ. Trước đó tôi cũng có nghe thiên hạ nói nhiều về mối bất hòa giữa hai anh em họ Phan. Người họ Phan nói chuyện đó có thật. Họ cho biết thêm: kể cả Mai Chí Thọ cũng không ưa Lê Ðức Thọ. Mỗi lần Mai Chí Thọ từ Sài Gòn ra Hà Nội ông ta đều đến thăm bà chị ruột góa chồng (ông chồng bà đã treo cổ tự tử trong Cải cách ruộng đất) và Ðinh Ðức Thiện, nhưng không đến Lê Ðức Thọ. Cũng người trong nhà nói ra thì Ðinh Ðức Thiện biết những việc ám muội của ông anh có lần đã quát vào mặt Lê Ðức Thọ: “Anh làm thế để thiên hạ đào mả bố lên à?”. Làm thế cụ thể là làm gì thì người kể chuyện không nói. Bởi vì chẳng nói người nghe cũng hiểu – trong đời mình Lê Ðức Thọ làm quá nhiều điều thất nhân tâm.
Tôi không tin chuyện Lê Ðức Thọ giết em. Trong một chuyến đi săn, cũng theo lời bạn tôi kể, có hai lái xe, mấy bảo vệ tháp tùng, không dễ gì mua chuộc hoặc cưỡng bức được bằng ấy người một lúc. Lời đồn chỉ chứng tỏ thiên hạ tin ở sự nhẫn tâm của Lê Ðức Thọ mà thôi(9). Tuy nhiên, tôi vẫn không hiểu vì lẽ gì người ta giấu nguyên nhân tai nạn. Hình như việc này cũng không đến nỗi khó hiểu, thậm chí còn tầm thường – nếu không giấu nguyên nhân tai nạn thì chôn Ðinh Ðức Thiện ở nghĩa trang Mai Dịch xem ra danh không chính ngôn không thuận. Ông tướng không tử trận, không chết trong khi thừa hành công vụ, mà chết trong khi đuổi theo mấy con vịt giời.
Mai Chí Thọ một thời gian dài làm giám đốc Công an, rồi chủ tịch ỷy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, sống như một ông hoàng. Trong ngôi biệt thự to lớn ở Sài Gòn Mai Chí Thọ có cả một khu vườn rộng nuôi trăn, nuôi vượn, nuôi gấu. Người Sài Gòn tính: hàng tháng riêng tiền chi cho việc mua giày Addidas và vợt Wilson để chơi tennis Mai Chí Thọ đã phải bỏ ra một số tiền gấp năm sáu lần lương ông ta. Tiền đâu ra? Không phải Mai Chí Thọ lấy ở quỹ đen nào, không phải Mai Chí Thọ tham ô công quỹ. Ðơn giản là trước thời kỳ “bung ra”,”đổi mới”, các phú thương Hoa kiều bị khốn đốn trong cuộc cải tạo tư sản hoành tráng của Ðỗ Mười, họ thoát hiểm nhờ tìm thấy nơi Mai Chí Thọ vị “đại huynh” rộng lòng bảo trợ. Ðể đền ơn đáp nghĩa họ chiều chuộng “đại huynh” hết lòng.
Ðám cán bộ ba cọc ba đồng bất bình trước cuộc sống sa hoa của Mai Chí Thọ. Không tham nhũng không thể sống như vậy được, họ nói. Người Sài Gòn cười hắc hắc, phẩy tay: “ Mấy ông tướng thời trước cũng dzậy à, hà cớ phải bực mình. Ông nầy không tồi hơn. Cờ tới tay ai người đó phất!’ Tòa án thành phố có lần gửi giấy triệu Mai Chí Thọ tới tòa làm nhân chứng cho vụ án xử thương gia Triệu Bỉnh Thiệt. Ðồn rằng hồi ấy phe chống Mai Chí Thọ xui mấy ông quan tòa nhân chuyện Triệu Bỉnh Thiệt phạm pháp sẽ hỏi nhân chứng một chặp rồi trước bách tính công chúng đưa Mai Chí Thọ qua ngồi ghế bị cáo. Không thể để cho cấp dưới làm chuyện đã rồi với ông em, làm mất thể diện mình, Lê Ðức Thọ cấp tốc triệu Mai Chí Thọ ra Hà Nội. Sau vụ này Mai Chí Thọ vào Bộ Chính trị.
Người Sài Gòn kể chuyện Mai Chí Thọ có một đệ tử chuyên dắt gái cho họ Mai là Năm T. Cậy có ô dù của đàn anh, Năm T. tổ chức hẳn một hộp đêm bề thế cho các quan chức cấp tỉnh lên ăn chơi ở Sài Gòn. Vụ này vỡ lở, dư luận ầm ĩ, các vị chức sắc tay đã nhúng chàm im re, mặc cho Năm T. vào khám. Năm ngồi tù mất hai hoặc ba năm, sau mới được đàn anh can thiệp cho ra trước hạn.
Một dạo Sài Gòn ồn lên cái gọi là “phương án 2”, cho phép người di tản đóng thuyền vượt biên, miễn nộp vàng cho Nhà nước. Thiên hạ rủ nhau đi như trẩy hội. Ði theo “phương án 2” người ít nhất cũng vài lạng, người nhiều hai ba chục “cây”. Ðó là một secret Polichinelle(10) được cả các quan chức lẫn dân vượt biên đồng tình giữ kín.
Tôi cho rằng Nhà nước, với tư cách bộ máy điều hành quốc gia, không có chủ trương đốn mạt đến thế, như một số báo chí hải ngoại viết. Ðây là sự thông đồng, toa rập của một đường dây quyền lực từ trên xuống dưới, một thứ mafia đã tạo kén trong hệ thống cai trị. Nhà nước, hoặc nói hẹp hơn, ngân khố quốc gia, chẳng thu được gì. Chỉ một số quan chức ở Sài Gòn (và cả ở Hà Nội) là vớ bẫm. Trong đó, cũng theo lời đồn, không thể thiếu anh em họ Phan.
Những lời đồn nói trên rất phổ biến, là thứ chúng khẩu đồng từ ông sư cũng chết, tuy hỏi kỹ thì lại không có chứng cứ nào cả. Mặt khác, chẳng ai có thể bác bỏ chúng bởi vì chúng đầy tính thuyết phục. Vụ tử hình vội vã tên Mười Vân(11), giám đốc Công an Ðồng Nai, được thiên hạ bình luận như một hành động xóa dấu vết cho “phương án 2”, nói cho đúng là xóa dấu vết cho các vị đã vớ bở(12).
Người Việt Nam vốn hào phóng với của chùa – tức là của chung cả làng, cả nước, của tập thể, cũng tức là chẳng của riêng ai, cho nên Mai Chí Thọ không bị nguyền rủa. Thực vậy, trong sự tham nhũng tràn lan từ trên xuống dưới, dư luận không xếp Mai Chí Thọ đứng đầu bảng. Còn có những nhân vật tham nhũng lớn hơn.
Dân chúng kết luận: mỡ đến miệng mèo, mèo không ăn mèo ngu. Mọi kẻ có chức quyền ở Việt Nam đều tham nhũng, khác nhau ở chỗ kẻ ít người nhiều mà thôi. Nếu ở các nước tư bản chủ nghĩa người có của dễ có quyền, thì ở nước xã hội chủ nghĩa người có quyền ắt có của.
Dân chúng quen làm ăn với những quan tham mất rồi, làm việc với quan tham không khó, tuy tốn kém, nhưng bù vào đấy lại nhanh hơn, được việc hơn. Có chuyện tới cửa công mà vớ phải ông thanh liêm thì hết hơi, người ta nói thế. Quan thanh liêm như con quạ trắng, dân sợ, dân xa lánh. Thời buổi này mà cứ thẳng băng, đúng phép tắc, không linh động gì hết, thì rõ là bôn-sê-vích dở hơi. Phép nước thì loạn xà ngầu, điều luật này chửi cha điều luật kia, nghị định này leo lên đầu nghị định khác, chính ông thanh liêm sa vào mê lộ luật pháp cũng còn lúng túng như gà mắc tóc, nói gì dân. Thành thử với lũ tham quan người ta khinh đấy, tởm đấy, nhưng để được việc người ta không chọn các quan thanh liêm.
Nếu thuyết phong thủy đúng thì huyệt Lỗ Ao ở làng Dịch Lễ ảnh hưởng quá ghê gớm tới vận mệnh dân tộc. Nó không phải chỉ ảnh hưởng tới một Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới cả các dân tộc láng giềng.
Nói những chuyện trên ra để ta cùng suy ngẫm về một hiện tượng, tôi không có ý phủ nhận sạch trơn những gì tốt mà ba anh em họ Phan đã làm. Những cái đó, trong thời đại của những nghịch lý, đều có thật, nhưng là cái hoàn toàn bình thường – bất cứ ai được đặt vào trong những cương vị như thế đều phải làm được cái gì đó, thậm chí là công trạng.
Nói đến Lê Ðức Thọ không thể không nói tới sự kiện Việt Nam chiếm đóng Kampuchea. Việc đưa 200.000 quân Việt Nam vào Kampuchea và ở lì đất nước người ta mười năm là việc liên minh Duẩn – Thọ chủ trương, trong đó Thọ vừa là người khởi xướng, vừa là người thực hiện. Thế giới không bênh vực Khmer Ðỏ. Cả thế giới lên án Khmer Ðỏ vì tội ác diệt chủng. Người Kampuchea đã hoan hỉ đón quân đội Việt Nam vào Kampuchea đánh đuổi Khmer Ðỏ. Nhưng không phải vì thế mà họ hoan nghênh quân đội Việt Nam chiếm đóng nước họ. Hai việc khác nhau không thể nhập một, không thể lấy cái tốt nọ để che cái xấu kia.
Sự kiện Khmer Ðỏ tấn công vùng biên giới Tây Nam hoàn toàn không phải là lý do để Việt Nam đưa quân sang chiếm đóng đất nước người khác(13). Không một người Việt Nam nào muốn đưa con em mình đi chết ở đó. Nhưng bất chấp dư luận, Duẩn – Thọ cứ xua quân sang. Làm gì nhau tốt? Rồi để quân lại đó, cũng làm gì nhau tốt? Ðảm bảo cho hành động phiêu lưu quân sự này đã có Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt-Xô, thực chất là hiệp ước liên minh quân sự, ký ngày 3.11.1978. Ông chiếm Kampuchea đấy, thử đụng vào ông coi thử? Ðàng sau ông là Liên Xô hùng mạnh với tiềm lực nguyên tử dồi dào, thằng nào muốn đụng đầu với Liên Xô cứ việc nhảy vào. Cũng giống như vụ Liên Xô chiếm đóng Afganistan, thế giới phản đối om xòm, nhưng chẳng ai dại gì thò tay vào ổ kiến lửa. Kể cả nước Mỹ.
Ai cũng thấy rằng sau những cuộc chiến tranh dai dẳng trên đất nước mình, các nhà lãnh đạo Việt Nam lẽ ra phải đủ tỉnh táo để chỉ làm một cuộc chiến tranh hạn chế khi Khmer Ðỏ cả gan vượt biên giới, tàn sát người Việt. Cùng lắm, có thể truy kích chúng, với mục đích răn đe, rồi rút quân về. Có thể để lại trang bị, vũ khí giúp nhân dân Kampuchea chống lại bọn diệt chủng. Gia dĩ có thể đào tạo cán bộ giúp họ. Và chỉ thế mà thôi. Nhân dân Kampuchea sẽ ghi ơn các chiến sĩ Việt Nam. Thế giới sẽ hoan nghênh Việt Nam biết xả thân giúp đỡ hàng xóm láng giềng trong cơn hoạn nạn.
Cuộc chiến tranh không tuyên bố ở Kampuchea đã xảy ra. Nó là cuộc chiến tranh không tuyên bố vì Quốc Hội không được hỏi ý kiến về cuộc chiến tranh này. Không hề có một cuộc biểu quyết nào tại Quốc Hội về việc đưa quân đội ra ngoài biên giới. Nhà nước Việt Nam không hề tuyên chiến với nước Kampuchea. Quốc Hội là cơ quan quyền lực tối cao của quốc gia, nhưng nó chẳng có quyền gì cả. Quốc Hội do Ðảng nặn ra, là tay sai của Ðảng, hơn nữa còn là tay sai bị khinh rẻ, đến nỗi Ðảng không cần dùng đến nó cho một việc hợp pháp hóa thông thường.
Thiếu tướng Hồ Quang Hóa, ủy viên Trung ương Ðảng, người được Thọ đưa lên và cũng do Thọ mà trở thành vật hiến tế trong vụ Xiêm Rệp (Siam Reap)(14) nói rằng vụ này cũng như mọi việc lớn việc nhỏ khác ở Kampuchea, đều do Lê Ðức Thọ chỉ đạo. Thái thú Lê Ðức Thọ phế truất Tổng bí thư kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pen Xô Van(15). Thái thú Lê Ðức Thọ đưa cô y tá Quân khu 7 Miên Xam On vào Trung ương Ðảng Nhân dân cách mạng Kampuchea. Cô gái dân tộc Kmer ở Việt Nam 26 tuổi lên chức vèo vèo: làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, rồi ủy viên Bộ Chính trị. Cô lên nhanh như thế, theo các cán bộ Việt Nam có mặt tại Kampuchea hồi ấy, là nhờ thường xuyên ra vào ngôi biệt thự sau điện Chăm Ca Mon để được thái thú “dạy dỗ”.
Cần phải làm rõ sự thật này một cách dứt khoát: cuộc chiến tranh ở Kampuchea là cuộc chiến tranh của Ðảng cộng sản Việt Nam. Không phải là cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam.
Liên minh Duẩn – Thọ đã biến một dân tộc hiền hòa thành quân xâm lược.
Cũng có thể cãi cho Lê Duẩn chút ít, rằng trong việc này ông ta không phải là đầu vụ. Còn đang say sưa với chiến thắng 1975 và những chương trình lớn, nhiều ảo tưởng hơn thực tế, Lê Duẩn hầu như mặc Thọ muốn làm gì thì làm. Ông ta cũng chẳng thiệt. Cuộc phiêu lưu Kampuchea do Thọ lo toan, xét cho cùng, vẫn cứ mang lại cho Lê Duẩn thêm một vinh quang. Mà vinh quang thì không bao giờ thừa.
Lê Duẩn không biết trong lòng Thọ đang nung nấu mưu đồ lớn. Nếu Thọ thành công trong việc dựng nên một chính phủ Kampuchea vâng lời Thọ thì Thọ sẽ có thêm một sức mạnh quyết định trong mưu toan nặn ra một Liên bang Ðông Dương. Trong Liên bang này Thọ sẽ là đồng chí trên hết các đồng chí. Ðến lúc đó Lê Duẩn sẽ chỉ là bí thư một nước thành viên mà thôi.
Ðám đệ tử Lê Ðức Thọ quá hí hửng về tiền đồ sáng lạn đã để lộ mưu đồ đó ra ngoài. Văn Cao có kể cho tôi nghe chuyện người của Thọ đã gặp những nhạc sĩ nào để gợi ý họ viết quốc thiều cho Liên bang Ðông Dương. Những nhạc sĩ nhận lời được Lê Ðức Thọ mời cơm tại nhà. Ông Bùi Công Trừng có lần nói với tôi: “Thằng Thọ nhiều tham vọng lắm, cháu ơi. Quan sát kỹ động thái của nó cháu sẽ thấy: mọi việc nó làm đều dẫn tới một cái đích – hất Lê Duẩn. Mà không phải chỉ nhằm cái chức tổng bí thư đâu, cái đó chưa đủ cho lòng tham của nó. Nó còn muốn làm tổng bí thư Liên bang Ðông Dương kìa”. Như vậy, từ những nguồn tin khác mưu đồ của Thọ cũng đã tới tai Bùi Công Trừng. Ông không ưa Lê Duẩn, nhưng không vì thế mà ông ưa con chuột chũi đang đào hầm dưới ghế Duẩn.
Khi Lê Duẩn phát hiện được mưu toan của Thọ nhằm phế truất mình thì Lê Duẩn căm Thọ lắm lắm. Ðến mức thẳng cánh đuổi Thọ ra khỏi nhà trong lần Thọ đến chia tay với tổng bí thư đang hấp hối. Người trong gia đình Lê Duẩn cho biết Duẩn gọi vỗ mặt Thọ là “thằng phản bội”.
Cũng theo tướng Hóa, Lê Ðức Thọ đã lẩn trốn trách nhiệm trước vụ Xiêm Rệp, cũng như nhiều vụ khác nữa, viện cớ bận họp, bận chữa bệnh.
– Anh hãy tìm cho tôi một kẻ dám chống lệnh ông Sáu vào thời gian ấy. – tướng Hồ Quang Hóa nói với tôi trong một bữa cơm ở Sài Gòn – Không ai được phép tự ý làm một việc gì nếu không có lệnh ông Sáu.
Cuộc phiêu lưu quân sự được tiến hành theo sáng kiến và sự chỉ đạo của Lê Ðức Thọ đã làm cho khoảng 52.000 chiến sĩ chết trận, 200.000 chiến sĩ bị thương(16). Chẳng những thế, nó còn làm cho dân tộc Việt Nam bị nhục nhã trước thế giới trong bộ mặt kẻ xâm lược, bị tẩy chay, bị trừng phạt.
Nước Việt Nam được gì, mất gì ở Kampuchea? Tại sao cho tới nay Ðảng cộng sản Việt Nam không dám nói tới, không có can đảm nhận lỗi trước những người láng giềng đau khổ để xóa đi một trang sử nhơ nhớp? Thọ đã chết trước khi phải ra đứng trước vành móng ngựa một phiên tòa liên tịch hai nước, với tư cách tội phạm chiến tranh.
Người duy nhất đủ tư cách thay mặt Thọ hôm nay là Lê Ðức Anh.
(1) Chính khách Hoa Kỳ, sinh năm 1923, cầm đầu phái đoàn Hoa Kỳ trong cuộc hòa đàm tại Paris năm 1973.
(2) Máy bay dành riêng cho các vị lãnh tụ.
(3) Theo hồi ức của ông Ngô Thế Tân, Việt kiều ở Pháp, chồng họa sĩ Nguyễn Thị Lựu, thì vào những năm 1926-1927 khi ông Tân còn là học sinh trường Canh nông Tuyên Quang thì vào “một đêm trăng mờ mở cuộc họp đông chừng vài chục người trong một khu rừng nhỏ. Không ai nhìn rõ mặt ai. Tóm tắt lại đây là đại diện một đảng có mục đích hoạt động bằng đủ mọi cách để lấy lại độc lập cho tổ quốc… Mãi đến năm 1956-1957 khi tôi ở Pháp trở lại Hà Nội anh bạn Vũ Ðình Huỳnh mới cho tôi biết người đảng viên bí mật nằm rừng tuyển mộ đảng viên ở trường Canh Nông hồi đó chính là anh… Nay anh đã khuất mà tôi cũng chẳng hay hồi ấy anh ở đảng nào…” Theo các nhà cách mạng thế hệ già Lê Ðức Thọ hồi ấy còn là học sinh.
(4) Tên thật của Lê Ðức Thọ.
(5) Cả ở đây là lớn, to, đầy.
(6) Bộ com-lê âu phục.
(7) Chỉ cấp thấp nhất trong các ngành, ở địa phương chứ không phải ở Trung ương.
(8) Bí mật, do hai chữ đầu b và m.
(9) Màn bí mật che phủ cái chết của Ðinh Ðức Thiện chẳng có lợi gì cho nhà cầm quyền. Nhưng người ta đã bị nô lệ cho thói quen không công khai và cam chịu tác hại của nó.
(10) Bí mật mà ai cũng biết.
(11) Mười Vân xuất thân là một nông dân với học lực lớp 4, bắt đầu được thăng quan tiến chức từ khi làm đội trưởng đội Cải cách ruộng đất tại Hòa Bình.
(12) Những người chạy trốn sự cai trị của cộng sản, di tản bằng thuyền, được thế giới gọi bằng cái tên “thuyền nhân” (boat people), đông tới một triệu rưỡi nhân mạng, là một vết nhơ không thể nào tẩy sạch trên mặt Ðảng cộng sản Việt Nam. Phần lớn thuyền nhân đi từ miền Nam Việt Nam nhằm hướng Mã Lai, Indonesia, số ít đi từ Hải Phòng, vùng mỏ Quảng Ninh nhằm hướng Hongkong. Có thể hình dung những người chủ trương “phương án 2” đã thu được một số lượng vàng lớn đến thế nào. Mười Vân có tội đã nâng giá “mở cửa” từ hai ba cây vàng lên tới mười, mười hai cây vàng cho một đầu người ra đi, gây nên cơn tức giận có lý ở cấp trên của y. Cho nên y bị đưa ra làm vật hiến tế cũng đáng.
(13) Theo những người lính từ chiến trường Kampuchea trở về kể lại thì thời gian đầu người dân Kampuchea rất vui mừng chào đón quân đội Việt Nam tiến sang tiêu diệt Khmer Ðỏ để cứu sống họ. Nhưng việc quân đội Việt Nam ở lì đó năm này qua năm khác đã gây ra một hậu quả xấu xa, nó trở thành quân đội xâm lược, một thứ lính lê dương, và người Kampuchea đã chống lại nó, từ quân Khmer Ðỏ cho tới cả quân của chính phủ bù nhìn Heng Xomrin.
(14) Vụ phản tình báo đã đưa vào xiếc Bộ chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam. Sự việc như sau: căn cứ vào tin đồn do Khmer Ðỏ, có sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Quốc, tung ra thì hầu hết cán bộ lãnh đạo tỉnh Xiêm Rệp đều đã làm việc cho Khmer Ðỏ. Bộ chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam liền ra tay đàn áp, không cần hỏi ý kiến ban lãnh đạo Ðảng bạn. Hơn bốn chục cán bộ của chính quyền Hun Xen bị bắt, bị tra tấn thành thương tật, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Xiêm Rệp tự sát. Trong thời kỳ này Lê Ðức Anh là Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam, Hồ Quang Hóa – tham mưu trưởng. Ðứng trên tất cả là Lê Ðức Thọ.
(15) Trước khi làm Tổng bí thư Ðảng cộng sản Kampuchea Pen Xô Van làm trưởng phòng quảng bá tiếng Khmer trong Ðài phát thanh Tiếng nói Việt Nam.
(16) Theo những nguồn tin quân sự đáng tin cậy.