Tiếp theo là những đêm không ngủ. Cái loa công cộng, cách chúng tôi khá xa, mắc trong trại lính gác Hỏa Lò, theo gió đưa tới tai chúng tôi những tin tức đứt quãng, bập bõm, lúc được lúc mất, chen lẫn những khúc quân hành hùng tráng. Qua những con số không rõ, những địa danh lào phào, nhưng còn có thể đoán được, chúng tôi hiểu rằng ở miền Nam đang xảy ra những trận đánh lớn.
– Choảng nhau to ở miền Nam rồi! – Thành nói.
– Chắc thế.
– Ðang còn ngừng bắn mà?
– Ðiệu này mình vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. – tôi nhận xét – Không phải Mỹ. Nếu là Mỹ, người ta chửi nhiều, chứ không hát nhiều.
– Miền Nam thế là mất đứt cái Tết.
– Còn phải nói! Miền Bắc cũng mất một nửa. Cho mít-tinh chào mừng.
Nằm cuộn tròn trong chăn, tôi vẫn thấy rét run. Ðể có chỗ ngủ ấm, người tù xà lim phải lấy nhiệt thân mình sưởi cho cái phản xi-măng trước đã. Phải sưởi khá lâu nó mới ấm lên được, mà cũng chỉ ấm đúng bên dưới thân người thôi, hai bên sườn vẫn lạnh như băng.
Không ngủ được, Thành ngồi dậy hút thuốc lào. Khói thuốc tạo ra ảo giác nhờ nó hơi ấm không bay đi, hoặc nó ngăn được không khí lạnh từ ngoài vào.
Hỏa Lò không tham gia chiến tranh. Nó đứng sang một bên, duy trì sinh hoạt đều đặn của nó, dửng dưng như một kẻ vô can. Quản giáo đóng cửa mở cửa, lấy phạm đi cung. Chấp pháp tới giờ làm việc la hét, cật vấn như những viên chức được trả lương chỉ để quát nạt. Tôi nằm dài trên phản, nghĩ vẩn vơ. Chiến tranh đi bên ngoài những bức tường đá như người qua đường. Những hồi còi báo động báo yên là những tin tức duy nhất về một cuộc chiến đang xảy ra ở một nơi nào đó rất xa.
Những ý nghĩa lan man dẫn tôi tôi nhớ tới cuốn Nhật Ký Tây-Ban-Nha, một tác phẩm rất hay của nhà viết phóng sự Mikhail Koltsov(1). Tác giả của nó, nguyên tổng biên tập báo Pravda, một người cộng sản, vào một ngày đẹp trời bỗng nhiên trở thành kẻ thù của nhân dân xô-viết. Một chiếc xe bịt bùng đến mang ông đi vào ban đêm, và thế là con người tuyệt vời nọ biến mất. Chỉ còn lại cuốn sách, đứa con tinh thần côi cút, nhân chứng của thời đại, kỷ niệm về người tạo ra nó.
Nhớ tới Nhật Ký Tây-Ban-Nha, tôi chợt phát hiện một điều thú vị. Thì ra trong cái sự cứng đầu của mình đối với bọn độc tài có cả ảnh hưởng của tiếng thét bất khuất “No passaran(2)” vang vọng từ Madrid xa xăm.
– Không biết năm nay vợ con mình ở nhà ăn Tết ra sao? – Thành tự hỏi – Hay là có tí tiêu chuẩn nào lại gửi vào cho mình hết?
Tôi nhớ hai đứa con tôi. Chúng ăn Tết ở nhà với bà nội bà ngoại chứ không ở nơi sơ tán. Vợ tôi thể nào cũng đưa các con về. Không biết cái sự giã nhau trong lúc tết nhất này có ảnh hưởng đến mấy ngày vui chơi của chúng không?
– Ðã thỏa thuận nghỉ Tết thì ăn Tết cái đã, Tết xong tiếp tục đánh nhau cũng được. Cho nó đàng hoàng. – tôi lầu bầu – Trong chiến tranh Tây-ban-nha, anh biết không, quân Cộng hòa và quân Phát-xít đánh nhau thậm chí còn có giờ giấc nữa kìa(3).
Thành gãi sồn sột. Mấy hôm nay ngày nào anh cũng truy lùng một con rệp tình nghi từ một xà lim khác bò qua mà không tìm ra.
– Ðánh nhau có giờ giấc là thế nào?
– Là thế này: từ sáng sớm hai bên nã đạn vào nhau chí tử, nhưng đến đúng ngọ là ngừng bắn, lính cả bên này lẫn bên kia bò ra khỏi chiến hào, phủi bụi, rồi đi đến một cái quán ăn nằm giữa tuyến lửa, ăn trưa và uống cà phê với nhau…
– Lại còn thế nữa?! Phịa!
– Thật mà. Có điều họ ngồi quay lưng lại với nhau, không bên nào thèm nói chuyện với bên nào…
Tôi kể cho Thành nghe những đoạn thú vị trong “Nhật ký Tây-ban-nha”. Anh thích nghe tôi kể chuyện, với vẻ mặt nửa tin nửa ngờ. Ðối với anh, nhà văn là thứ người chúa bịa chuyện, hay thì hay đấy, mà không tin được. Với tôi, anh gọi nửa đùa nửa thật: “Này, cậu nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm ơi!”
– Tôi có hỏi một ông người mình hồi ấy chiến đấu ở bên phe Cộng hòa, ông ấy bảo chuyện có thật(4) đấy, đúng như thế.
– Sao? Cậu bảo có cả người mình tham gia chiến tranh Tây-ban-nha kia à?
Thành trợn tròn mắt.
Tôi kể cho Thành nghe về ông ThọTây-ban-nha, về những Binh đoàn quốc tế. Thành khoái lắm.
– Ông ấy còn sống chứ?
– Ông ấy còn khỏe. Có dịp, tôi sẽ giới thiệu anh.
– Nếu chúng mình không chết trước khi ra khỏi đây.
Thành cười, cái cười pha một chút chua chát, một chút ngạo nghễ thường có ở những người lính từng trải.
Từ xa vọng vào tiếng một đoàn xe nặng nề – xe tăng hoặc xe bọc thép. Có thể cảm thấy cái phản xi-măng rung lên nhè nhẹ. Gần đây, phía đường Bạch Mai, luôn vẳng đến tiếng ầm ì của xe hạng nặng chạy về phương Nam.
– Ông ấy còn khỏe. Có dịp, tôi sẽ giới thiệu anh.
– Nếu chúng mình không chết trước khi ra khỏi đây.
Thành cười, cái cười pha một chút chua chát, một chút ngạo nghễ thường có ở những người lính từng trải.
Từ xa vọng vào tiếng một đoàn xe nặng nề – xe tăng hoặc xe bọc thép. Có thể cảm thấy cái phản xi-măng rung lên nhè nhẹ. Gần đây, phía đường Bạch Mai, luôn vẳng đến tiếng ầm ì của xe hạng nặng chạy về phương Nam.
Ông Thọ Tây-ban-nha sau cách mạng chẳng làm chức gì to. Cha tôi khuyên ông:
– Mày đừng nghe chúng nó xui dại mà nhận chức này chức nọ. Nước độc lập rồi, thế là hả dạ, mày biết nấu cơm tây, làm nghề ấy là hay nhất, không phải lo nghĩ.
Cha tôi hồi ấy đang làm vụ trưởng Vụ Lễ tân. Ông giới thiệu ông Thọ đi làm bếp cho sứ quán Cuba.
Ông Thọ Tây-ban-nha thường đến thăm cha tôi. Tôi nhớ có hôm ông đang ngồi uống trà với cha tôi thì phó thủ tướng Lê Thanh Nghị đến chơi. Ông Thọ Tây-ban-nha nhấp nhổm định về. Cha tôi giữ lại: “Nó làm quan to kệ nó, mày với nó đồng chí, việc gì mà ngại”. Như mọi khách khác ông Lê Thanh Nghị đến nhà tôi phải bắt bảo vệ ngồi đợi ngoài xe, chính ông cũng phải tụt giày, đi chân đất vào phòng cha tôi mà ngồi trên sàn gạch men. Căn phòng này cha tôi lau sạch sẽ để khi trời nóng quá thì lăn ra cho mát. Ông phó thủ tướng ôm chầm lấy ông bếp, cả ba chuyện trò vui vẻ, cười vang nhà. Ông Thọ Tây-ban-nha hứng lên chạy xuống bếp tự tay nấu món ra-gu cho cả ba cùng ăn.
Ông Thọ Tây-ban-nha có cho tôi biết một chi tiết thú vị mà những nhà nghiên cứu đời hoạt động của ông Hồ Chí Minh chắc cũng muốn biết: trong ông Hồ Chí Minh con người quốc tế và con người quốc gia con người nào mạnh hơn? Hồi phe xã hội chủ nghĩa cường thịnh, người ta ra sức chứng minh ông Hồ theo chủ nghĩa quốc tế. Sau này người ta lại ra sức chứng minh ông Hồ là người quốc gia. Cho nên lời chứng của ông Thọ Tây-ban-nha có ý nghĩa lắm. Theo ông Thọ kể lại thì khi biết có người Việt Nam chiến đấu trong Binh đoàn quốc tế, ông Hồ nói: “Rõ việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng”.
Năm 1964, hoặc 1965 tôi không nhớ rõ, ông Thọ Tây-ban-nha đã thôi nấu bếp cho các sứ quán, đang làm gác kho cho Liên hợp dệt Nam Ðịnh thì được tổng thống Nam Tư Iosif Broz Tito(5) mời sang Belgrad dự cuộc họp mặt các cựu chiến binh Binh đoàn quốc tế. Nhận được giấy triệu tập của Ban tổ chức Trung ương ông dặn vợ: “Ðã nhiều năm Trung ương không nhắc gì tới tôi, nay lại có giấy gọi, lành thì ít dữ thì nhiều, nếu tôi không về thì
bà ráng nuôi con, đừng nghe người ta nói này nói nọ mà hiểu lầm. Tôi không chống cách mạng, không phải tờ-rốt-kít, không phải AB(6) gì ráo. Tôi sống trong sạch, chết cũng trong sạch”. Lê Ðức Thọ tiếp ông, căn dặn trước khi lên đường: “Sang bên ấy anh không được phát biểu chính trị. Câm như hến, nghe chưa? Ăn nói lăng nhăng thì coi chừng!”. Ông trở về, tôi hỏi ông chuyện Nam Tư, ông cười hiền lành: “Có chuyện quái gì mà kể! Tao sang bên ấy làm đúng như Lê Ðức Thọ ra lệnh, ai nói gì tao cũng chỉ nhe răng ra cười. Mới lại, có ai nói chính trị chính em gì đâu. Bạn bè lâu ngày gặp lại, ca hát ầm ầm, uống rượu lu bù, say khướt. Vui lắm!”
– Thế ông nhà báo Liên Xô về sau bị giết à? – Thành hỏi.
– Người ta không nói rõ. Ông ta bị bắt mang đi rồi chết trong tù. Mà không phải chỉ có ông ta. Nhiều người nhà văn nhà thơ bị giết trong thời kỳ đó(7).
– Tội nghiệp!
Thành nghe chuyện, ngồi như tượng, tư lự đặt tay lên cái cùm, vuốt ve nó một lát, rồi quay mặt vào tường làm thêm một điếu thuốc lào ngoài kế hoạch.
Tôi đã kể về cái cùm trong xà lim. Của đáng tội, cái cùm ở chỗ chúng tôi chỉ hiện diện như một vật trang trí nội thất. Ít khi nó được dùng đến, trừ ra trong các xà lim tử hình.
Tù tử hình chỉ được tháo cùm vài lần trong một ngày – một lần làm vệ sinh thân thể buổi sáng, hai lần khác cho ra lấy cơm, trả bát rếch. Có người không được tháo, nhà bếp phải mang cơm vào tận nơi. Khi bị cùm người tù chỉ có một tư thế nằm, hai chân bị kẹp chặt. Tiểu tiện, đại tiện đều ở trong tư thế đó.
Thành có bị cùm lần nào không tôi không rõ, anh không kể. Thành nói những người to béo vào tù khổ hơn những người gày còm nhiều. Trước hết là đói, người béo đói hơn người gày. Thứ hai, cùm chỉ có một cỡ, chân to quá thường bị nghẽn máu, sinh hoại thư, dễ bị cưa. Tôi đồ rằng anh đã được nếm thử.
Trong hồi ký của những người bị xử trí oan thời Stalin không thấy nói tới thứ này. Xiềng thì có. Mình mà bị cùm thì không biết sẽ giải quyết vấn đề đại tiểu tiện ra sao đây, tôi vẩn vơ nghĩ? Sau này, bị cùm rồi, có kinh nghiệm rồi, tôi mới thấy Thành nói tới cái chân là đúng. Cổ chân mà to thì khốn nạn lắm, chứ chuyện đại tiểu tiện khó khăn là cái không đáng kể.
Mãi tới mồng bốn Tết, tôi mới được Huỳnh Ngự gọi đi cung.
– Mấy bữa rầy anh có biết có chuyện gì đang xảy ra không? – Huỳnh Ngự vui vẻ đón tôi bằng câu hỏi.
– Không. Trong xà lim kín như bưng làm sao biết được việc ở bên ngoài.
Huỳnh Ngự nghi ngờ nhìn tôi:
– Tưởng các anh ở trỏng có nghe loa đấy chớ?
Tôi nói trong xà lim tôi có nghe thấy tiếng loa nhưng không rõ nó nói cái gì.
Y quẳng lên bàn cho tôi mấy tờ Nhân dân, trang nhất nào cũng đỏ lòe những hàng tít lớn.Những tờ báo nhàu nát, chứng tỏ chúng đã qua tay nhiều người. Tôi vồ lấy, đọc ngấu nghiến.
Mọi chuyện xảy ra ở miền Nam đúng như tôi và Thành hình dung. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, mà một đứa trẻ cũng hiểu do miền Bắc dựng nên, vu cho đối phương vi phạm thỏa thuận ngưng bắn nhân dịp Tết Nguyên đán để làm một vi phạm lớn hơn – mở một cuộc tổng tiến công trên toàn cõi. Những mỹ từ bóng lộn, tỏa sáng, ồn ào, tràn ngập từ bài xã luận kêu gọi thừa thắng xông lên cho tới những hàng tin giờ chót.
– Anh nghĩ ra răng, Ðảng ta lãnh đạo tuyệt vời chớ? – Huỳnh Ngự nheo mắt nhìn tôi, mặt ngời ngời phấn khích – Nói để anh hay, cứ đà này chỉ trong vài ngày nữa là ta nuốt tất, nuốt tất. Miền Nam sẽ được hoàn toàn giải phóng.- Tôi rất vui mừng…- tôi nói.
– Anh vui là đúng. – Huỳnh Ngự nói – Chẳng lẽ anh lại buồn? Nhưng tui muốn hỏi nhận định của anh kìa?
Tôi nhún vai.
Huỳnh Ngự ghét tôi nhún vai lắm, y đã lưu ý tôi vài lần, nhưng tôi bỏ ngoài tai. Tôi đã ở tuổi không cần đến vú em. Huỳnh Ngự coi nhún vai chỉ có một ý khinh bỉ.
– Những chuyện lớn thế này nhận định của tôi phỏng có nghĩa gì? – tôi thờ ơ nói – Chẳng có ý nghĩa gì hết.
– Nhưng chừ anh tin ở tài lãnh đạo của Ðảng rồi chớ?
– Tại sao lại cứ phải hỏi đi hỏi lại tôi chuyện đó? Tin hay không tin là chuyện khác, không phải chuyện nhận định một hiện tượng hay một sự kiện cụ thể.
Huỳnh Ngự cười khục khục.
– Vậy mà thằng Hoàng Minh Chính lại không tin đó. Tui vừa làm việc với hắn ta xong, điên cả ruột. Vì vậy tôi mới hỏi anh coi anh nghĩ có giống hắn không.
– Anh Chính tin cái gì hay không tin cái gì là chuyện riêng của anh ấy, tôi không quan tâm.
Huỳnh Ngự mời tôi uống trà. Ðó gói trà Tết của Ban Tổ chức Trung Ương cho tôi mà y giữ lại.
– Nói để anh hay: đợt tiến công và nổi dậy lần này, về thực chất, là tổng khởi nghĩa, còn đối với cuộc chiến tranh chống Mỹ là tổng phản công. Anh đọc lại thơ chúc Tết của Bác đi. Ðó! Bác thiệt vĩ đại! Bác tính trước tất cả, thấy trước tất cả. Xuân này rõ ràng hơn hẳn mấy xuân qua…Ðúng vậy không nào? Ðúng quá đi chớ. Tiến lên, toàn thắng ắt về ta! Bác đã lệnh thì toàn quân, toàn dân cứ việc thi hành. Bác đúng là thánh, thánh sống. Mấy thằng tổng thống Mỹ chỉ đáng mút cu cho Bác(8) thôi. Anh có thấy thằng Chính hắn dốt không? Thắng đến như vậy mà hắn còn nói là đánh sớm, đánh bây chừ khi chuẩn bị chưa tốt, chưa hội đủ các điều kiện để giành toàn thắng, là manh động, là mất hết cơ sở gây dựng bao nhiêu lâu mới có trong địch hậu… Thối, thối lắm!
Thì ra là thế!
Tôi cũng nghĩ như Hoàng Minh Chính. Các điều kiện bên trong và bên ngoài đều chưa đủ chín muồi, theo chỗ chúng tôi biết. Mà chúng tôi biết không đến nỗi tồi. Quan tâm tới diễn biến của cuộc chiến, chúng tôi tiếp xúc với khá nhiều nguồn tài liệu, với nhiều người có trách nhiệm ở miền Bắc cũng như những người từ trong Nam ra.
Không rõ chủ tịch Hồ Chí Minh có bao nhiêu phần quyết định trong cuộc chiến được Huỳnh Ngự gọi là tổng phản công? Và lần này ông có được tham chiến với tư cách bộ óc sáng suốt của cách mạng Việt Nam không?
Ai cũng biết vai trò quyết định trong ván bài này là sự nôn nóng của cá nhân Lê Duẩn muốn giải phóng thật nhanh vùng đất mà trước 1954 Lê Duẩn lãnh đạo, giải phóng bằng bất cứ giá nào, dù có phải đốt sạch rặng Trường Sơn, như chính ông ta tuyên bố. Nhưng nói với Huỳnh Ngự làm gì? Nói với y, như các cụ ví, vạch đầu gối ra mà nói còn hơn!
Nhưng Huỳnh Ngự không dễ dàng buông tha. Trong sự hỏi cung y rất dai hoi. Y mà đã đặt ra câu hỏi thì y đòi bằng được câu trả lời.
– Tôi nghĩ khác. – đành trả lời cho qua chuyện – Tôi nghĩ đúng như cách dùng từ của Trung Ương trong các bài báo vừa đọc. Ðó là một đợt tổng tiến công và nổi dậy, không hơn, cũng không kém.
– Nghĩa là làm sao?
– Nghĩa là nếu đúng là tổng khởi nghĩa và tổng phản công(9)thì Ðảng đã nói tổng khởi nghĩa, tổng phản công, hà tất phải nói tổng tiến công và nổi dậy.
Huỳnh Ngự nóng mặt:
– Tui nói rồi: thực chất đó là tổng phản công! Lũ các anh đúng là một giuộc với nhau hết trọi. Ðảng nói vậy phải tin vậy chớ. Không phải vậy Ðảng nói vậy mần chi?
– Tôi đang ở đây. Bác thông cảm. Tôi không có nguồn tin nào khác. Tôi cũng không được nghe Ðảng chính thức tuyên bố. Còn về chuyện phổ biến miệng tôi đã có chút ít kinh nghiệm. Trước hết, cần phải coi lại xem cấp phổ biến cho mình là ai? Ðảng ủy? Ðảng đoàn bộ? Ðảng đoàn các cơ quan Trung Ương? Hay là Tuyên giáo Trung Ương? Tôi biết có những vụ người này người khác nhân danh Trung Ương nói việc này việc nọ, rồi sau Trung Ương lại phải cải chính, nói không phải quan điểm của Ðảng như thế đâu. Thành thử tốt nhất là cứ tin báo Nhân dân. Nó mới là cơ quan ngôn luận chính thức của Ðảng.
Câu nói ám chỉ y chả là cái gì làm Huỳnh Ngự tức giận:
– Anh cho rằng tui phổ biến cho anh sai?
– Không phải thế. Tôi chỉ muốn nói ta nên tin báo Nhân dân thì hơn thôi. Còn người nào không tin báo Nhân dân là tùy.
– Tui không nói không nên tin báo Ðảng.
– Tôi cũng không nói bác có ý ấy.
– Hừ, khi các anh không tin thì các anh đủ miệng lưỡi ngụy biện để che đậy sự thiếu lòng tin. Tại sao anh không dám nói huỵch toẹt ra như thằng Chính, có phải hơn không?
– Thì tôi nói huỵch toẹt ra đấy thôi, tôi có quanh co đâu. Ðây này, trước mặt tôi là quan điểm của Ðảng được in ra rành rành bằng giấy trắng mực đen, bác khuyên tôi tin quan điểm này hơn hay tin tôi quan điểm được phổ biến bằng miệng hơn? Xin lỗi, không phải tôi không tin bác. Nhưng bác cũng chỉ được nghe phổ biến thôi, cấp nào phổ biến tôi không rõ.
– Có nghĩa anh không tin những điều tui nói là quan điểm của Ðảng?
Tôi thở dài.
– Tôi nhắc lại: tôi không nói như vậy. Ta giả thử thế này: Ðảng khôn, chứ Ðảng không dại, trên báo chí chính thức Ðảng chỉ nói tổng tiến công và nổi dậy thôi, còn cái gì khác thì cho người đi phổ biến miệng. Rồi ra, nếu toàn thắng Ðảng sẽ bảo: đó là tổng phản công, Ðảng đã nói rồi, còn nếu không thắng được như ý muốn thì Ðảng bảo: đó chỉ là một đợt tổng tiến công và nổi dậy thôi, báo Ðảng đã viết rõ rành rành. Ðã gọi là một đợt tổng tiến công và nổi dậy có nghĩa là sau đợt này còn có đợt khác nữa…
Huỳnh Ngự nín lặng. Mặt y đần ra. Y chợt thấy trong câu nói của tôi có cái lý mà y chưa nghĩ tới. Hẳn y nghĩ cái lý đó có thể đúng, cho nên y không gầm thét với tôi như thường lệ, mà chỉ hầm hừ:
– Giỏi, anh giỏi. Chúng ta còn có dịp quay trở lại vấn đề này. Rồi anh sẽ thấy sự việc diễn biến ra sao, các anh đúng hay là tôi đúng?
Diễn biến của sự việc chứng tỏ Huỳnh Ngự sai.
Tôi không nói Ðảng sai, bởi vì tôi không rõ những nhà lãnh đạo hồi ấy tính toán thế nào? Người ta chỉ sai so với dự tính, chứ không thể sai chung chung. Nếu họ tính làm một cuộc tổng diễn tập thì sao? Họ dự định trả giá nào cho nó.
Những người bạn tôi chiến đấu trong Nam kể thời kỳ Mậu Thân thương vong nhiều lắm, cơ sở hậu địch vỡ từng mảng lớn, có nơi vỡ hết, sau này phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới xây dựng lại được. Nhưng họ cũng không thể biết đích xác sự thiệt hại trong cuộc phiêu lưu này là bao nhiêu. Ðây là đề tài cấm kỵ, các nhà nghiên cứu quân sự cũng không được biết, nói gì đến báo chí.
Vả lại, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân kéo dài tới giữa năm, tổn thất nhiều thật, nhưng cái đạt được cũng rất lớn – đó là thắng lợi vang dội trên mặt ngoại giao và sự hủy hoại về căn bản ý chí chiến đấu của đối phương. Nước Mỹ bị phân hóa. Dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh đã kéo quá dài, lại chẳng phải là cuộc chiến tranh nhất thiết phải tiến hành vì quyền lợi nước Mỹ.
Vấn đề vẫn là so sánh cái được với cái mất.
– Anh được nghỉ Tết mấy bữa nữa. Sau đó ta lại tiếp tục làm việc.
Huỳnh Ngự nói như thể chúng tôi đang ở trong một công sở chứ không phải trong Hỏa Lò.
Mấy ngày Tết trời rét ngọt. Tôi lo lắng cho cha tôi. Ông không chịu được lạnh. Những ngày trở trời cha tôi thường lên cơn đau gan. Huỳnh Ngự thông báo: sức khỏe của cha tôi bình thường, bệnh gan của ông đỡ nhiều. Trong ni, y nhắc lại, cha tôi vẫn được hưởng chế độ săn sóc y tế như khi ở ngoải, tôi có thể yên tâm.
Tôi thừa biết, nếu cha tôi có lên cơn bệnh nặng thì ông cũng chẳng được đưa đi bệnh viện đâu. Người ta sẽ giao ông cho tên y sĩ đặc trách chúng tôi. Ðó là một con người vạm vỡ, thấp, dáng đi nặng nề, với cặp mắt vô hồn dưới vầng trán ngắn. Y không thích hợp với bất cứ bộ quần áo nào. Mọi thứ trên người y đều giống đồ đi mượn. Y không tốt cũng chẳng xấu, không ác cũng chẳng hiền, câm lặng một nô lệ bẩm sinh, ra đời để chịu sự sai khiến của ai đó, bất kể là ai, miễn người đó trả công y, nuôi y. Thỉnh thoảng y xuất hiện, kiêm luôn công việc quản giáo, đưa tôi đi cung, thay cho Hách hoặc Sứ giả hòa bình. Thuốc của y vẻn vẹn chỉ có át-bi-lin (aspirine), hoặc ga-li-đăng (ganidan), theo cách gọi của y, để chữa độc có hai bệnh mà y biết: nhức đầu và đau bụng.
Thỉnh thoảng tôi cũng xin y thuốc ngủ. Y cho luôn, không cần hỏi han dài dòng:
– Này, mê-bô-ba-mát đây! Tối một viên. Khó ngủ quá thì hai.
Thấy y dễ, tôi xin cả thuốc đau bụng nhức đầu. Tôi phải viện trợ cho mấy xà lim bên cạnh. Tù xà lim ốm, xin thuốc rất khó. Quản giáo khe khắt đã đành, nhưng có lẽ còn có cả nguyên nhân thiếu thuốc nữa. Thành khuyên tôi phải xin để có một ít thuốc dự trữ, nhân lúc còn xin được. Ở Việt Nam chẳng có gì ổn định, chẳng có gì lâu dài, con người nay ở đây mai đã ở nơi khác, nay làm công tác này mai đã chuyển công tác khác. Biết đâu mình chẳng gặp một tên y sĩ khó chịu hơn.
Ý nghĩ tự sát thỉnh thoảng vẫn trở lại. Tôi quyết không chịu để cho bọn độc tài muốn hành tôi thế nào thì hành. Cái chết bằng thuốc ngủ là cái chết dễ chịu. Nhờ trong y bạ của tôi trước đây y sĩ vẫn thường cho thuốc ngủ, nên viên y sĩ nhà tù cũng không tỏ ra khe khắt khi tôi đề nghị. Gói thuốc ngủ tích cóp được để ở đầu giường, thỉnh thoảng tôi lại giở ra đếm lại. Thành nhìn thấy, không nói gì.
Từ ngày vào Hỏa Lò tôi ngủ dễ và ngủ nhiều lắm. Tôi cho rằng đó là giấc ngủ bù cho thời gian làm việc căng thẳng trước đó. Một hôm Hoàng bảo tôi:
– Này anh Hiên, đây là nơi đấu tranh tư tưởng chứ không phải nơi để ngủ đâu nhé!
Thì ra trong xà lim mọi động thái nhỏ nhất của tôi đều được quản giáo báo cáo cho chấp pháp.
– Trong lòng thanh thản thì ngủ dễ. – tôi nói – Tôi chẳng có điều gì phải suy nghĩ. Cũng chẳng làm điều gì để đến nỗi phải xấu hổ, không bị lương tâm cắn rứt.
Phấn khởi trước thắng lợi vang dội ở miền Nam, cường độ làm việc của các chấp pháp tăng vọt. Huỳnh Ngự thoáng hiện, thoáng mất, bỏ mặc tôi cho lũ đàn em – chắc hẳn y bận làm việc với nhiều phòng cùng một lúc. Hoàng cũng biến đâu mất. Làm việc với tôi là một tay non choẹt, đang thời kỳ tập sự. Y không hỏi tôi, mà chỉ đọc các câu hỏi của Huỳnh Ngự ra cho tôi. Tôi cặm cụi viết. Y ngồi bên canh chừng, như phỗng.
Thành chăm chú nghe tôi kể về những câu hỏi quái dị của bọn chấp pháp chẳng hiểu từ đâu mà có, do ai khai ra cho tôi, rồi cười hì hì:
– Trò trẻ con ấy mà! Bài bản của họ chỉ có tưng nấy thôi: bắt nọn là một, hù dọa là hai. Mình cứng thì họ hết vở. Nhưng thế mà lắm lúc cũng đau đầu ra phết. Gặp phải anh non gan, tưởng mọi người khai cả, phun phè phè, thì mình chống đỡ cũng mệt. Họ chỉ cần tóm được lời khai của một hoặc hai anh, dùng nó moi tiếp hết người nọ tới người kia, cho tới khi tất cả không chịu nổi nữa, nhận tội hết, là xong… Hiểu ra thì đã muộn.
Nụ cười của anh trông cay đắng lắm. Nó dính chặt vào mặt anh, không có cách gỡ ra. Thà đừng cười còn hơn.
– Mình lấy làm lạ: Ðảng nói cách mạng nhằm xây dựng một xã hội trong đó người với người là anh em, thế mà trên thực tế chỉ thấy Ðảng chăm dạy oán thù, căm ghét chứ không thấy dạy yêu thương, là làm sao? Cứ nhìn một cái Hỏa Lò này đủ thấy. Thằng công dân bị bắt, chưa biết ất giáp ra sao, cán bộ đã khăng khăng bắt nó nhận tội cái đã. Nhỡ oan người ta thì sao? Cái sai, cái tồi tệ từ đó mà ra. Làm cho lòng dạ con người thành ra cằn cỗi, hận thù như thế là lỗi ở ai? Bác đâu có dạy cán bộ như vậy!
Năm 1946 khi đến thăm lớp cán bộ bình dân học vụ đầu tiên do nhóm ông Nguyễn Hữu Ðang tổ chức, ông Hồ chỉ trích những người viết sách vỡ lòng trong đó có câu mẫu “Nó ở tù” để dạy ghép vần có nguyên âm u: “Các đồng chí không còn thí dụ nào hay hơn sao mà dùng cái thí dụ ác thế? Làm hại đầu óc trẻ con. Xin tìm câu khác”. Mẹ tôi đi dự lớp huấn luyện này. Bà thường kể câu chuyện trên cho mọi người nghe như một thí dụ về lòng nhân ái cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Hồ gặp một tù binh co ro trong cái rét cắt da của rừng Việt Bắc. Ông cởi tấm áo trấn thủ của ông cho anh ta, và câu chuyện lan truyền trong tù binh như một huyền thoại.
Nhưng tôi còn biết một Bác Hồ khác. Mùa hè năm 1950, đang ở Thái Nguyên, tôi nhận được thư cha tôi gọi tôi tới ATK(10). Tôi tới đúng lúc được dự lễ mừng lục tuần đại khánh(11) của Bác.
Trong bộ quần áo ta bằng lụa nâu, ông Hồ ngồi sau cái bàn tre ghép, trên có mấy tờ báo tiếng Pháp. Trong ngôi nhà vách nứa lợp cọ ở Thác Dẫng, tổng hành dinh các lực lượng kháng chiến, ông giống một lão nho tiên phong đạo cốt, một nhà thơ, một bậc hiền triết phương Ðông hơn là một thủ lĩnh nghĩa quân, vị thống soái của cách mạng. Tôi bước vào, đứng nghiêm, đưa tay chấm vành mũ lá. Ông hiền từ ra hiệu cho tôi ngồi xuống bên cạnh:
– Chà, thằng nhỏ vận bảnh hả? Bộ đội giờ quần áo đẹp đấy chớ! – ông nói với cha tôi – Mới được phát, hả?
Giọng ông âm vang, ấm áp, một giọng nói pha trộn âm sắc Nghệ An với nhiều vùng khác của đất nước, của riêng ông, rất đặc biệt, rất dễ thương, không giống giọng nào khác. Có điều hơi thở của ông rất hôi. Tôi nghĩ tới bệnh lao phổi mà ông mắc từ khi về nước. Bệnh có vẻ không đỡ. Tôi xót ông, lòng tôi tràn ngập niềm kính trọng đức hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của ông.
Tôi lễ phép thưa với ông rằng bộ đội bây giờ thường được phát mỗi năm hai bộ, nhưng quần áo không đồng nhất: bộ đội khu 3 mặc vải khác bộ đội Việt Bắc, bộ đội khu 4 mặc khác kiểu bộ đội khu 5. Bền nhất là quần áo của bộ đội khu 5, được may bằng vải xi-ta dày dặn, màu xám tro chứ không phải màu kaki.
– Thế này tốt rồi. Nước ta còn thiếu thốn, cháu ạ, chưa có quần áo cùng một kiểu cho các cháu…
– Thưa Bác, chúng cháu cũng không kêu ca. Ðược thế này đã tốt quá!
Ông đưa bàn tay gày guộc mân mê chất vải trên bộ quần áo tôi mặc, vẻ hài lòng. Ðó là quân phục mới của bộ đội Liên khu 3.
Không bao lâu sau ông ra lệnh xử tử Trần Dụ Châu, đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu, người cung cấp chúng tôi thứ quần áo từng làm ông thích thú, vì tội nhận hối lộ. Chất lượng quân phục thứ quân phục chúng tôi được cấp đúng là không ra gì – làm bằng sợi viscose, còn gọi là tơ dứa, mặc vào vải cứ chảy ra, lõng thõng, lụng thụng. Nhưng dù sao mặc lòng nhờ những cố gắng của Cục Quân nhu chúng tôi cũng không còn ăn vận lung tung, mỗi đơn vị một kiểu quần áo như hồi đầu kháng chiến.
Cha tôi can ông, nhưng ông không nghe. Cha tôi nói ông Hồ không chịu giảm nhẹ hình phạt cho Trần Dụ Châu còn vì tội ăn chơi xa xỉ. Người ta báo cáo Trần Dụ Châu chụp “cả một va-li ảnh” với người tình là ca sĩ T.H. Cha tôi có hỏi lại, thì không phải thế. Trần Dụ Châu có chụp nhiều ảnh với T.H. thật, nhưng nói “cả một va-li” là ngoa ngôn. Tội hối lộ cũng không rõ ràng. Chính cái “va-li ảnh” đã làm cho ông Hồ nổi giận. Ông Lê Giản cũng không tán thành án xử tử Trần Dụ Châu. Nhưng một khi ông Hồ đã muốn trừng phạt để làm gương thì không ai có thể làm ông đổi ý.
Cũng chính ông Hồ đã duyệt án tử hình một trung đoàn trưởng trong chiến dịch biên giới (1950) vì tội anh này tự động nhận lời mời của viên quan năm thầy thuốc Pháp(12) đáp máy bay về thăm gia đình anh ở Hà Nội nhân cuộc trao trả tù binh. Anh nhận lời mời với điều kiện anh sẽ mặc quân phục Việt Nam đi với viên quan năm, chứ không mặc thường phục. Trước khi lên máy bay anh còn vui vẻ nói với các bạn rằng hôm nay đồng bào ta ở thủ đô sẽ được thấy người của quân đội Việt Nam đi hiên ngang trên đường phố của thủ đô bị chiếm đóng. Anh muốn bằng cách đó tuyên truyền cho chiến thắng Cao-Bắc-Lạng. Người Pháp giữ lời hứa – từ sân bay Gia Lâm anh ngồi trên xe Jeep về thẳng Bờ Hồ và đi bách bộ ở đó rất lâu trước con mắt trầm trồ của dân chúng. Ðúng là anh đã được diện quân phục Việt Nam đi trên đường phố Hà Nội. Cũng với bộ quân phục ấy anh đi ra trường bắn. Những người lính bị cưỡng bức bắn anh, bắt xong vứt súng lăn lộn gào khóc.
Trong kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông Hồ Chí Minh, chí ít cũng cho tới năm 1950, khi biên giới Việt-Trung được nối liền, những vụ oan khuất xảy ra có thể tính trên đầu ngón tay. Trừ vụ H122(13) do Hoàng Quốc Việt chỉ đạo làm chết nhiều cán bộ quân đội, phần lớn ở cấp đại đội và tiểu đoàn. Cha tôi nhận xét trong vụ này tội của Hoàng Quốc Việt đương nhiên lớn nhưng Trường Chinh phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, mặc dầu lên án Trường Chinh trong vụ này, và trong sai lầm Cải cách ruộng đất, nhưng cha tôi vẫn không coi Trường Chinh là một người hiếu sát. Trường Chinh, theo ông, con người cách mạng Trường Chinh được hiến dâng trọn vẹn cho những giáo điều cằn cỗi, còn con người trần thế Trường Chinh thì hoàn toàn hài lòng với một nửa ngai vàng. Trong những người gần gụi Trường Chinh – từ anh giám mã, chị cấp dưỡng cho tới các nhân viên văn phòng, các bí thư, không người nào yêu mến Trường Chinh. Trong khi đó những người được ở gần ông Hồ không những chỉ kính trọng ông mà còn yêu mến ông thực sự.
Mẹ tôi có những kỷ niệm tốt về Trường Chinh. Bà kể khi biết ông Trần Huy Liệu quá đắm đuối trong mối tình với nữ sĩ Thu Tâm ở Huế, ông Trường Chinh giận lắm, mới đưa việc này ra thường vụ Trung ương. Sau đó ông đại diện cho thường vụ họp với các bà: bà Liệu, mẹ tôi và bà Trần Ðình Long. Trong cuộc họp này ông Trường Chinh ra quyết nghị: cho ông Liệu được đi chơi với cô Thu Tâm thêm một tháng nữa, sau đó phải về với vợ con, trái lệnh Ðảng sẽ thi hành kỷ luật. Một Trung ương Ðảng giải quyết chuyện tình của cán bộ Ðảng như vậy tuyệt quá đi chứ. Vừa thấu tình vừa đạt lý. Trường Chinh, chứ không phải ai khác, đã đứng đầu một Trung ương như thế!
Nhưng đó là chuyện quá khứ, chuyện người ta không thể tắm hai lần trong một dòng sông.
(1) Koltsov M.E. (1898-1940), nhà văn và nhà báo, đảng viên Ðảng cộng sản Liên Xô từ năm 1918.
(2) Chúng bay không đi qua được! (tiếng Tây-ban-nha).
(3) Năm 1936, quân đội của tướng Francisco Franco (1892-1975) nổi dậy chống nền Cộng hòa do liên minh cánh tả (cộng sản và xã hội) nắm quyền. Cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài cho tới năm 1939 thì kết thúc với chiến thắng của quân Phát-xít. Quân Cộng hòa, được Liên Xô và các binh đoàn Quốc tế (gồm các chiến sĩ tình nguyện từ châu Âu và Mỹ) giúp đỡ, nhưng ô hợp, thiếu kỷ luật, đã thua quân Phát-xít, được phát-xít Ðức-í yểm trợ mạnh mẽ về quân sự.
(4) Một trong hai người Việt Nam tham gia trong những Binh đoàn Quốc tế là ông Nguyễn Văn Thọ, biệt hiệu “Thọ Tây-ban-nha”. Ông Thọ kể còn có mấy người nữa, tôi không nhớ tên. Trong các Binh đoàn quốc tế hồi đó có Josip Broz Tito, Ernest Hemingway, Mikhail Koltsov, Roman Karmen…
(5) Iosif Broz Tito (1892-1980), tổng thống Nam Tư (cũ), người Croatia, sau này là một nhà lãnh đạo các quốc gia không liên kết. Ðáng ngạc nhiên là ông vẫn nhớ đến những đồng chí Việt Nam trong các chiến sĩ tình nguyện quốc tế để mời.
(6) Phần tử chống bôn-sê-vích, nói tắt tiếng Pháp anti-bolchevik.
(7) Hãy kể một số tên tuổi được thế giới biết đến như Babel,Vessioly, Voronski, Kataev, Kluiev, Koltsov, Mandelstam, Pilniak, Pribludny, Sviatopolk-Mirski, Florenski, Tchaianov…
(8) Có lẽ Huỳnh Ngự học đòi nhà thơ Bút Tre trong một bài thơ với những câu: “Trên trời con khỉ đánh đu. Thằng Ngô Ðình Diệm mút cu cụ Hồ…”. Tôi xin lỗi vì những lời trích thiếu văn hóa. Cho tới nay một số nhà lý thuyết văn học vẫn còn đề cao Bút Tre như một nhà thơ lớn và độc đáo, thơ Bút Tre là một hiện tượng văn học. Một nét chấm phá hi hữu cho bức tranh xã hội.
(9) Theo lý thuyết của Trường Chinh trong cuốn Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi thì đó là giai đoạn thứ ba của bất kỳ cuộc kháng chiến nào. Lý thuyết này được viết còn rõ hơn trong Trì cửu chiến luận của Mao Trạch-đông.
(10) Gọi tắt An toàn khu, một khu nằm sâu trong vùng rừng núi Tuyên Quang, Thái Nguyên, được bảo vệ rất cẩn mật, là nơi đặt các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến chống Pháp. Phủ Chủ tịch đặt tại thác Dẫng, thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
(11) Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60.
(12) Hình như viên đại tá quân y này tên là Huart.
(13) Một vụ phản tình báo do phía Pháp tiến hành, tạo ra hồ sơ giả cho Việt Minh đanh cắp. Theo hồ sơ này thì Pháp đã chiêu mộ được rất nhiều cán bộ quân đội Việt Nam làm việc cho Pháp.