Chương 42

Xcarlett sinh con gái, một hài nhi bé choắt đầu nhẵn thín, xấu như một con khỉ không có lông và giống Frank một cách phi lý. Trừ người bố sướng mê, không ai có thể thấy nét gì đẹp ở con bé, nhưng hàng xóm láng giềng độ lượng bảo rằng tất cả trẻ sơ sinh xấu xí, cuối cùng, đều hóa ra xinh cả. Nó được đặt tên là Ilơ Lâurinơ. Ilơ, để nhớ đến bà ngoại Ilơn và Lâurinơ, vì đó là cái tên thời thượng nhất để đặt cho con gái, cũng như Rôbơt I. Li và Xtônuâl Jêchxơn cho con trai, và ÊibrơchemLincơn và Imenxipêisơn (Giải Phóng) cho trẻ con da đen.

Nó sinh ra vào giữa một tuần lễ náo động điên cuồng, cả Atlanta căng thẳng chờ đợi một tai họa. Một gã da đen khoe là vừa hiếp một phụ nữ da trắng, liền bị bắt thật, nhưng chưa kịp đưa ra xử thì bọn 3K đã đột nhập vào nhà giam và lặng lẽ treo cổ gã. Đảng 3K hành động như vậy để tránh cho nạn nhân chưa được nêu tên khỏi phải ra làm chứng trước phiên tòa công khai. Cha và anh trai nàng thà bắn chết nàng còn hơn để nàng ra tòa, bêu nỗi nhục trước thiên hạ, cho nên dân thành phố thấy việc tự động hành hình gã da đen là một giải pháp hợp tình hợp lý, thực tế là giải pháp đúng đắn duy nhất có thể chấp nhận được. Nhưng các nhà chức trách quân sự thì nổi giận. Họ chẳng thấy có lý do gì khiến cô gái không nên ra trước tòa như một nhân chứng.

Lính trán bắt bớ lung tung, thề quét sạch bọn 3K dù có phải bắt giam tất cả những người da trắng ở Atlanta. Vừa khiếp sợ vừa hậm hực, đám da đen dọa đột một số nhà để trả đũa. Không khí nháo nhác, rộn lên những lời đồn đại, nào là bọn Yanki sẽ xử giảo hoạt nếu tìm ra tìm ra những lời đồn đại, nào là bọn da đen định phối hợp nổi dậy chống người da trắng. Dân chúng trong thành phố đóng kín cửa ra vào và cửa sổ, ở lì trong nhà, đàn ông không dám đi làm, để vợ con không ai che chở.

Năm mệt lả trên giường, Xcarlett yếu ớt thầm cảm tạ Thượng Đế là Ashley đã khôn ngoan không tham gia đàng 3K, còn Frank thì quá lớn tuổi và non gan. Thật khủng khiếp biết bao nếu biết rằng bọn Yanki có thể ập đến nhà, bắt họ đi bất cứ lúc nào! Tại sao đám thanh niên điên đầu trong đảng 3K không để mặc mọi sự, mà lại cứ kích động bọn Yanki lên như thế? Xét cho cùng, có thể cô gái nọ không hề bị hiếp cũng nên. Có thể cô ta chỉ bị một cơn hoảng đâm ngớ ngẩn và cô ta, một lô đàn ông có thể bị mất mạng.

Trong bầu không khí này, khi mà thần kinh căng thẳng như đang theo dõi một cái ngòi cháy chậm nối liền với một thùng thuốc nổ, Xcarlett lại mau chóng hồi sức. Cái khí lực lành mạnh đã nâng đỡ nàng vượt qua những ngày gay go gian khổ ở ấp Tara, giờ lại giúp nàng đứng vững và hai tuần sau khi sinh Ilơ Lâurinơ, nàng đã đủ sức ngồi dậy, ngứa ngáy muốn hoạt động. Đến tuần thứ ba, nàng đứng dậy, tuyên bố là nàng cần phải lo liệu công việc của hai xưởng máy hiện đang đình đốn vì cả Hiu và Ashley đều sợ không dám bỏ mặc gia đình cả ngày.

Rồi xung đột xảy ra.

Lòng đầy tự hào vì mới được làm bố, Frank thu hết can đảm cấm Xcarlett không được rời khỏi nhà trong lúc tình hình còn đang nguy hiểm như vậy. Nàng ắn đã không đếm xỉa tới mệnh lệch đó của chàng và cứ đi lo công chuyện nếu chàng không đem gửi cả đàn ngựa lẫn xe của nàng ở một chuồng ngựa cho thêu kèm theo lời dặn là không được giao cho bất cứ ai ngoài chàng. Tệ hơn nữa, trong khi nàng ở cữ, chàng và Mammy đã kiên trì lục soát khắp nhà, tìm ra được chỗ nàng giấu tiền. Và Frank đã đem khoản đó gửi ngân hàng dưới tên chàng, thành thử bây giờ nàng không có cách nào thuê nổi một cỗ xe.

Xcarlett cáu rầm lên với cả Frank lẫn Mammy, rồi đành phải dấu dịu van xin và cuối cùng, khóc suốt một buổi sáng như một đứa bé giận hờn vì bị tước đoạt đồ chơi. Nhưng bất kể mọi đau đớn của nàng, hai người kia chỉ một mực: “ Thôi nào, cục đường phên của tôi! Mình còn đang yếu mệt như một em bé gái đau bệch!” và “ Cô Xcarlett, nếu cô không thôi thôi nàm mình nàm mẩy, xỡ cô xẽ chua, em bé bú vào đau bụng đó, chắc chắn dư một mấy một nà hai vậy “.

Điên đầu lên, Xcarlett lao qua sân sau sang nhà Melanie và lớn tiếng trút hết ấm ức tuyên bố là sẽ đi bộ đến xưởng máy, nào là sẽ đi khắp Atlanta nói cho mọi người biết rằng nàng đã lấy phải đồ sâu bọ, nhưng nàng sẽ không để bị đối xử như một con bé đần độn đâu. Nàng đã từng bắn một tên đàn ông và nàng sẽ lấy làm thích thú, phải, thích thú bắn một tên nữa, nàng sẽ…

– Ôi, chị không nên liều mạng! Nếu có chuyện gì xẩy ra với chị thì em không sống nổi! Ôi, em xin…

– Tôi sẽ làm thế! Tôi sẽ đi bộ…

Melanie nhìn nàng và thấy đó không phải là cơn thác loạn của một người đàn bà còn yếu lả sau khi sinh nở. Mặt Xcarlett in rõ cái quyết tâm liều lĩnh vong mạng mà Melanie đã bao lần nhìn thấy trên mặt ông Giêrơlđ Âuherơ kho ông đã nhất quyết một điều gì. Nàng quàng tay ngang lưng Xcarlett, ghì chặt lấy.

– Tất cả là tại em không dũng cảm như chị, nên cứ giữ lấy Ashley ở nhà với em suốt thời gian này trong khi lẽ ra anh ấy phải có mặt ở xưởng máy. Ôi, lạy Chúa! Em thật ngu xuẩn! Chị thân yêu, em sẽ bảo Ashley là em không sợ một tí nào, em sẽ sang bên ấy ở với chị và cô Pitti, để anh ấy trở lại làm việc và…

Ngay với riêng mình, Xcarlett cũng chẳng dễ thừa nhận rằng nàng cho là Ashley không đủ sức độc lực đối phó với tình hình.

– Cô không phải làm thế! Nàng kêu lên. Liệu Ashley có thể làm được gì tốt đẹp nếu chú ấy lúc nào cũng lo lắng về cô? Người nào cũng khả ố hết! Ngay cả bác Pitơ cũng không chịu lái xe cho tôi đi! Nhưng tôi bất cần! Tôi sẽ đi một mình. Tôi sẽ đi bộ suốt cả quãng đường và sẽ mộ một đám thợ da đen ở đâu đó…

– Ồ, không! Chị không được làm thế. Một chuyện gì kinh khủng khiếp có thể xảy đến với chị? Nghe nói cái trại Sentitao trên đường Đikêitơ đầy những da đen gớm ghiếc mà chị lại phải đi qua ngay cạnh đấy. Để em nghĩ coi… Chị thân yêu, chị hãy hứa với em là hôm nay chị hẵng khoan đừng làm gì vội. Em sẽ nghĩ ra một cách gì đó. Hãy hứa với em là chị sẽ về nhà nằm, nom chị xanh dớt thế này. Hãy hứa với em đi nào.

Quá mệt vì cơn lôi đình thịnh nộ không làm gì khác được, Xcarlett phụng phịu hứa và quay về nhà, kiêu kỳ bác bỏ mọi cố gắng làm lành của những người thân.

Chiều hôm ấy, một bóng người lạ tập tễnh qua hàng rào nhà Melanie và qua sân nhà bà Pitti. Hiển nhiên, đó là một trong những người mà Mammy và Đilxi thượng gọi là “ bọn hạ Hiu mà cô Meli nhặt ở ngoài phố về cho ngủ dưới hầm diệu nhà cô “.

Tầng hầm nhà Melanie có ba buồng trước kia là chỗ ở cho gia nhân và để rượu. Bây giờ, Đilxi chiếm một buồng, còn hai buồng kia thường làm nơi tạm chú cho hàng lũ khách vãng lai cùng khổ, rách rưới. Ngoài Melanie, không ai biết họ từ đâu đến hoặc đi đâu, và cũng chẳng ai biết nàng tập hợp họ ở đâu. Có lẽ Mammy và Đilxi nói đúng nàng nhặt họ từ ngoài phố về. Nhưng cũng như đám người thượng lưu và mấp mé thượng lưu đổ xô về phòng khách nhỏ của nàng, những người bất hạnh tìm đường đến gian hầm, ở đó họ được chu cấp cả bánh mì lẫn giường nằm, rồi khi tiếp tục lên đường lại được tiễn bằng những gói đồ ăn. Thường thường, khách trọ là những cựu binh Liên bang thuộc loại cục mịch, mù chữ, những con người không chốn nương thân, không gia đình, lang thang khắp đất nước, hy vọng kiếm được việc làm.

Nhiều khi, những phụ nữ nông thôn da nâu sậm, héo hắt, cùng lũ con nhỏ lầm lì, tóc xơ như sợi gai, cũng qua đêm tại đó, những người đàn bà bị chiến tranh biến thành quả phụ, mất hết vườn trại, giờ đây đi tìm họ hàng bị thất tán. Đôi khi hàng xóm bất bình vì sự có mặt của những người ngoại bang chỉ biết nói tí chút tiếng Anh hoặc không biết hoàn toàn bị thu hút xuống miền Nam bởi những câu chuyện huyền ảo về những vụ làm giàu dễ dàng. Có lần một đảng viên Cộng Hòa đã ngủ tại đó. Chí ít, Mammy cũng một mực khẳng định như vậy, bà nói rằng bà có thể ngửi được mùi Cộng Hòa cũng như ngựa có thể đánh hơi được rắn chuông, nhưng không ai tin lời Mammy vì ngay cả đến lòng từ thiện của Melanie cũng phải có một giới hạn nào đó. Chí ít mọi người cũng hy vọng là thế.

Phải, Xcarlett nghĩ thầm trong khi ngồi ở cổng bên, đứa con nhỏ ẵm trên lòng, dưới ánh nắng nhạt chiều tháng mười một, đó là một trong những con chó què của Melanie. Mà quả là lão ta què thật!

Người đàn ông đang qua sân sau tập tễnh trên một cái chân gỗ, giống như Uyl Bentin. Đó là một ông già cao, gầy với cái đầu hói bẩn bóng lên hồng hồng và một bộ râu lấm tấm bạc dài đến nỗi có thể dắt vào thắt lưng. Bằng vào bộ mặt rắn đanh chằng chịt vết sẹo, có thể đoán ông ta đã ngoài sáu mươi, song thân hình ông không hề có cái rệu rão của tuổi già. Mặc dầu mảnh khảnh và lóng ngóng, lại đi trên một chân gỗ, ông vẫn đi chuyển nhanh như một con rắn.

Ông bước lên bậc thềm, tiến về phía nàng và ngay cả trước khi ông cất tiếng, để lộ cái giọng mũi và cách phát âm chữ “ r “ trong cổ xa lạ với miền xuôi, Xcarlett đã biết ông sinh trưởng ở miền núi. Mặc dầu quần áo rách rưới bẩn thỉu, ở ông, cũng như ở phần lớn những người miền núi, có một vẻ tự hào thầm lặng mà dữ dội khiến người ta không dám nhìn. Râu ông hoen nước bã thuốc lá và một nạm thuốc lớn ngậm trong mồm làm cho mặt ông nom méo xệch. Mũi ông mảnh và sần sùi, lông mày rậm và soắn như tóc phù thủy, lỗ tai đầy lông đâm ra từng chùm như tai linh cẩu. Mé dưới trán là một hố mắt trống trơ từ đó một cái sẹo chạy dài đến má, vạch một đường chéo qua chòm râu. Con mắt kia nhỏ, bềnh bệch là lạnh lùng, một con mắt trân trân, tàn nhẫn. Một khẩu súng lục to tướng dắt lồ lộ ở đai quần và từ miệng chiếc ủng rách thòi ra cái chuôi của một con dao săn.

– Bà Uylkz phải tui sang làm cho bà, ông ta nói ngắn gọn. Giọng ông khàn khàn, kiểu một người không quen nói, từng tiếng phát ra chậm chạp gần như khó khăn. Tên tui là Artsi.

– Tôi lấy làm tiếc là không có việc gì cho ông làm, ông Artsi ạ.

– Artsi là tên cái của tôi…

– Tôi xin lỗi. Vậy họ ông là gì?

Ông ta lại nhổ.

– Thiết tưởng đấy là việc riêng của tôi. Bà cứ gọi Artsi thôi cũng được.

– Tôi bất cần biết họ ông làm gì! Tôi không có việc gì cho ông làm.

– Tôi nghĩ là có đấy. Bà Uylkz lo cuống lên vì bà đây cứ dại dột mốn đi đây đi đó một mình, nên bà í phải tui sang đánh xe cho bà.

– Thật à? Xcarlett kêu lên, bất bình với cả sự thô lỗ của lão già lần sự can thiệp của Meli.

Con mắt độc nhất của lão chiếu tướng lại nàng với vẻ cừu địch bâng quơ, không nhằm cụ thể vào ai.

– Phải. Phận sự người lền bà là không có nên nhễu sự mấy lền ông trong nhà khi họ tìm cách lo cho mình. Ví như bà phải đi đây đi đó, tui sẽ đánh xe cho bà. Tui ghét bọn níchgơ… và cả bọn Yanki nữa.

Lão chuyển nạm thuốc trong miệng sang hàm bên kia và không đợi mời, ngồi luôn lên bậc thêm trên cùng.

– Tui không có biểu rằng tui thích lái xe cho lền bà, cơ mà bà Uylkz rất tốt mấy tui, cho tui ngủ nhờ trong tầng hầm nhà bà í và bi rờ bà í phái tui sang đánh xe cho bà.

– Nhưng… Xcarlett bối rối mào đầu, rồi ngừng lại và nhìn lão. Sau một lát, nàng bắt đầu mỉm cười. Nàng không ưa bộ mặt lão già tứ chiếng, song sự có mặt của lão sẽ làm cho mọi vấn đề trở nên đơn giản. Có lão ta bên cạnh, nàng có thể lên phố, đến xưởng máy, đi thăm các khách hàng. Không ai có thể nghi ngờ nàng có tình ý gì với lão, chỉ riêng vẻ bề ngoài của lão cũng đủ ngăn mọi tai tiếng xảy ra.

– Thôi được, nàng nói. Có nghĩa là nếu chồng tôi đồng ý.

Sau một cuộc nói chuyện riêng với Artsi, Frank miễn cưỡng chấp thuận và nhắn chủ chuồng ngựa cho thuê có thể giao lại cả ngựa lẫn xe. Chàng khổ tâm và thất vọng khi thấy chức năng làm mẹ đã không khiến Xcarlett thay đổi như chàng đã hy vọng, nhưng nếu nàng cứ khăng khăng đòi trở lại hai cái xưởng máy đáng nguyền rủa của nàng thì Artsi đúng là do trời phái đến.

Như vậy từ đó bắt đầu cái quan hệ mà thoạt kỳ thủy đã khiến cả Atlanta sửng sốt Artsi và Xcarlett họp thành một cặp kỳ quặc, lão già thô lỗ với cái chân gỗ cứng đơ thò ra ngoài, bên trên cái chắn bùn và người thiếu phụ trẻ xinh đẹp, ăn vận gọn gàng, trán nhăn lại lơ đãng. Người ta có thể thấy họ vào mọi lúc và ở mọi nơi trong nội thành và ven ngoại Atlanta, chả mấy khi nói với nhau, rõ ràng là không ưa nhau, nhưng bị ràng buộc với nhau vì nhu cầu chung, lão thì cần tiền, nàng thì cần sự che chở. Chí ít – các bà trong thành phố nói – cũng còn hơn là trơ tráo rong ruổi khắp nơi với cái tay Butlrer ấy. Các bà thắc mắc tự hỏi không biết Rhett dạo này ở đâu, vì cách đây ba tháng, chàng đã đột ngột rời thành phố này và không ai biết hiện chàng đang ở đâu, kể cả Xcarlett.

Artsi là một con người trầm lặng, không bao giờ mở miệng nếu không ai gợi chuyện và thường chỉ trả lời bằng những tiếng àu bàu. Sáng sáng, lão từ hầm nhà Melơni đến ngồi trên thềm trước nhà bà Pitti, nhai thuốc lá và nhổ vặt cho đến khi Xcarlett ra và bác Pitơ đánh xe từ chuồng ngựa tới. Bác Pitơ sợ lão chỉ kém quỉ sứ hoặc bọn 3K và ngay cả Mammy khi đến gần lão cũng len lét đi thật sự lặng lẽ. Lão ghét người da đen, bọn này biết thế và sợ lão. Cộng với khẩu súng lục và con dao săn, lão tự trang bị thêm một cây súng nữa và tiếng đồn về lão lan rộng trong cư dân da đen. Không một lần nào lão phải rút súng hoặc thậm chí đặt tay lên thắt lưng. Chỉ riêng tác động tinh thần cũng đủ. Không một người da đen nào dám cười khi có mặt Artsi.

Có lần Xcarlett tò mò hỏi tại sao lão ghét người da đen. Câu trả lời của lão khiến nàng ngạc nhiên vì thông thường, với mọi câu hỏi lão chỉ đáp: “ Thiết tưởng đấy là việc riêng của tui “.

-Tui ghét chúng như tất cả những người miến núi ghét chúng. Bọn tui không bao rờ ưa chúng và bọn tui không bao rờ mua một đứa nào. Chính bọn nichgơ chúng nó gây nên chiến tranh. Tui ghét chúng cả vì cớ í nữa.

-Nhưng chính lão cũng tham gia chiến tranh kia mà.

-Thiết tưởng đấy là đặc quyền của lền ông. Tui cũng ghét bọn Yanki, ghét hơn cả bọn nichgơ nữa. Tui ghét chúng ngang ghét lền bà lắm mồm.

Sự thô lỗ thẳng thừng ấy làm cho Xcarlett tức tối ngấm ngầm và muốn tống cổ lão đi. Nhưng làm sao nàng có thể không cần đến lão? Còn cách nào khác có thể cho phép nàng tự do như vậy? Lão thô lỗ, bẩn thỉu và đôi khi rất hôi hám, song lão được việc. Lão đánh xe cho nàng đến hai xưởng cưa, rồi từ đó trở về, đưa nàng đi gặp các khách hàng và trong khi nàng trò chuyện hoặc sai phaiư, lão chỉ ngồi nhổ vặt và trân trân nhìn vào khoảng không. Khi nào nàng xuống xe, lão cũng xuống và bám theo nàng từng bước. Những lúc này ở giữa những người thô lỗ cục cằn như thợ thuyền da đen hoặc lính Yanki, chẳng mấy khi lão rời nàng quá một bước.

Chẳng bao lâu, Atlanta cũng quen mắt dần với cái hình cảnh Xcarlett với lão già hộ vệ kè kè và từ chỗ quen mắt, các bà đi đến thèm muốn sữ tự do đi lại của nàng. Từ khi bọn 3K hành hình gã da đen, các bà các cô quí phái gần như cấm cung hắn, ngay cả đi phố mua sắm cũng không dám, trừ phi đi tập trung thành nhóm năm, sáu người một. Vốn quen nếp sinh hoạt xã giao, họ không chịu nổi tình trạng này và, dẹp tự ái, họ bắt đầu khẩn cầu Xcarlett cho mượn lão Artsi. Và khi nào không cần đến lão, nàng cũng đủ nhã ý để chiếu cố yêu cầu của họ.

Chẳng bao lâu, lão Artsi trở thành một thứ thiết chế ở Atlanta và các bà các cô ra sức giành nhau những thì giờ rỗi của lão. Sáng sáng, vào giờ điểm tâm, chả mấy bữa mà không thấy một đứa bé hoặc một đầy tớ da đen mang đến một mẩu giấy với những dòng như: “ Chiều này, nếu bà không dùng đến Artsi, xin cho tôi mượn. Tôi muốn mang hoa ra nghĩa trang”, “ Tôi phải đến hiệu trang phục nữ “. “ Tôi muốn nhờ lão Artsi đánh xe đưa bà cô Neli nhà tôi đi chơi hít thở khí trời “. “ Tôi phải đến thăm một nhà ở phố Pitơ, mà ôg tôi lại mệt không đưa đi được. Liệu Artsi có thể…”

Lão đánh xe phục vụ tất cả bọn họ, từ các cô gái, các bà có chồng đến các quả phụ, và đối với ai cũng biểu lộ một thái độ khinh mạn quyết liệt như thế. Hiển nhiên là lão không ưa phụ nữ, trừ Melanie, không ưa gì hơn bọn da đen và Yanki. Thoạt đầu, các bà các cô phật ý về sự thô lỗ của lão, sau rồi cũng quên đi và, bởi lão luôn im lặng, trừ đôi lúc nhổ bã thuốc ầm ĩ, nên họ cũng coi lão đương nhiên như con ngựa do lão điều khiển, đến mức quên cả sự hiện hữu của lão. Thực tế là có lần bà Meriuêzơ đã kể với bà Miđ toàn bộ chi tiết về chuyện cô cháu gái bà ở cữ rồi mới nhớ ra sự của mặt của lão Artsi ở ghế xa-ích đằng trước.

Vào bất kỳ thời điểm nào khác, ắt không thể xảy ra tình hình như thế này được. Trước chiến tranh, tất cả không ai cho phép lão vào đến bếp của các bà. Người ta có thể dúi cho lão chút thức ăn qua cửa sau rồi xua lão đi. Nhưng giờ đây, người ta lại hoan nghênh sự có mặt của lão vì lý do an toàn. Cục cằn, bẩn thỉu, mù chữ, lão tạo nên một bức tường thành che trở cho các bà các cô trước những kinh hoàng của công cuộc Tái Thiết. Lão không phải là bạn, cũng chẳng phải là đầy tớ. Lão là một vệ sĩ được thuê để bảo vệ nữ giới trong khi nam giới đi làm ban ngày hoặc vắng nhà ban đêm.

Xcarlett cảm thấy như từ sau khi Artsi vào làm cho nàng, Frank rất hay đi khỏi nhà vào ban đêm. Chàng viện cớ là phải cân đối sổ sách ở cửa hàng, sự giao dịch buôn bán dạo này dồn dập đến nỗi chẳng còn mấy thời gian để làm việc đó vào ban ngày. Lại còn phải trông nom mấy người bạn ốm. Rồi nữa, cái tổ chức những người Dân Chủ tối thứ tư nào cũng họp để tìm cách giành lại quyền bầu cử và Frank không bao giờ bỏ sót một cuộc họp. Theo Xcarlett, cái tổ chức ấy chẳng làm điều gì khác ngoài việc tranh cãi về những ưu điểm của tướng JonB. Gorđơn so với mọi vị tướng khác, trừ tướng Li và ôn lại chuyện chiến trận. Chắc chắn là nàng không nhận thấy một tiến bộ nào theo hướng giành lại quyền bầu cử. Nhưng rõ ràng là Frank khoái những cuộc họp ấy vì những đêm ấy, chàng vắng nhà đến sáng.

Ashley cũng đến trông nom các bạn ốm, cũng dự những cuộc họp của những người Dân Chủ, và chàng thường vắng nhà vào cùng những đêm như Frank. Những đêm ấy, lão Ashley hộ tống bà Pitti, Xcarlet, Uêđ và bé Ilơ qua sân sau sang nhà Melanie và hai gia đình cùng qua buổi tối với nhau. Các bà ngồi khâu vá trong khi Artsi nằm duỗi dài trên chiếc xôfa phòng khách ngáy khò khò, mỗi tiếng gáy lại làm hai chòm râu má bạc rung rung. Không ai mời lão dùng chiếc xôfa, bởi đó là thứ đồ đạc đẹp nhất trong nhà, nên các bà xót ruột rên thầm trong bụng mỗi khi lão nằm trên đó, thượng cả ủng lên lớp vải bọc đẹp. Nhưng không ai đủ can đảm cự lão. Nhất là sau khi lão bảo rằng cũng may mà lão dễ ngủ, nếu không, chắc chắn tiếng các bà trò chuyện cục te cục téc sẽ làm lão phát điên lên mất.

Đôi khi Xcarlett thắc mắc không biết Artsi từ đâu đến và đã sống ra sao trước khi đến ở căn hầm nhà Melanie, song nàng không hỏi gì. Bộ mặt độc nhỡn dữ dằn của lão có một cái gì làm nhụt mọi ý muốn tò mò. Nàng chỉ biết lão là người miền núi phía Bắc qua giọng nói của lão, rằng lão đã ở trong quân đội và đã mật một chân, một mắt không bao lâu trước khi Liên Bang đầu hàng. Chính những lời nàng thốt ra trong một cơn phẫn nộ với Hiu Elxinh đã làm bật ra sự thật về quá khứ của Artsi.

Một buổi sáng, lão già đanh xe đưa Xcarlett đến xưởng cưa do Hiu quản lý. Nàng thấy xưởng không hoạt động, đám da đen đi đâu và Hiu ngồi ỉu xìu dưới một gốc cây. Toán thợ của anh không đến xưởng, anh lúng túng không biết làm gì. Xcarlett nổi khùng và không ngần ngại trút cơn giận lên đầu Hiu vì nàng vừa nhận được đơn đặt một khối lượng gỗ lớn, mà lại rất gấp. Nàng đã phải huy động cả duyên sắc, nghị lực lẫn tài thương thuyết mới đạt được đơn đặt hàng này, thế mà bây giờ xưởng im ắng như tờ.

– Đưa tôi đến xưởng kia vậy, nàng ra lệch cho Artsi. Phải, tôi biết là sẽ mất nhiều thì giờ và chúng ta sẽ phải nhịn ăn trưa, nhưng tôi trả công lão để làm gì? Tôi phải bảo ông Uylkz ngừng việc khác lại để chạy cho tôi cái sổ gỗ này. Khéo mà cả thợ của ông ấy cũng không làm việc cũng nên. Đồ trời đánh! Tôi chưa thấy ai đần độn như Hiu Elxinh! Tôi sẽ cho anh ta thôi ngay khi nào Jonni Gheligơ xây xong mấy cái cửa hàng nọ. Tôi bất cần việc Ghiligơ đã phục vụ trong quân đội Yanki. Miễn là y được việc. Trước nay tôi chưa hề thấy một người Ailen nào lười biếng cả. Từ giờ tôi cạnh cái bọn da đen tự do. Không thể trông cậy vào chúng được. Tôi sẽ bảo Gheligơ thuê cho tôi một số phạm nhân, Y sẽ có cách khiến bọn này làm việc tử tế. Y sẽ…

Artsi quay con mắt hung dữ về phía nàng và khi lão cất tiếng, cái giọng khàn khàn đầy vẻ giận dữ lạnh lùng.

– Hôm nào bà thuê tù là tui bỏ đi ngay hôm nay í, lão nói.

Xcarlet sửng sốt.

– Trời đất! Tại sao?

– Tui chả lạ gì việc thuê tù. Tui gọi đó là sát tù. Mua người như mua là và đối đãi còn tệ hơn đối với la: đánh đập, bỏ đói, giết. Và ai lưu tâm đến việc đó? Nhà nước thì bất cần vì nhà nước được tiền thuê. Những người thuê tù cũng bất cần. Họ chỉ cốt sao cho tù ăn thật rẻ và bắt tù làm cật lực thôi. Âm ti địa ngục! Xưa nay tui chưa bao rờ coi trọng lền bà, bi rờ tui lại càng coi khinh họ.

– Cái đó thì có dính gì đến lão?

– Thiết tưởng là có, Artsi đáp gọn, và sau một giây lát ngừng nói tiếp. Tui đã là tù gần bốn chục năm.

Xcarlett há hốc miệng và trong một lúc, rụt lại dựa vào đệm ghế. Vậy ra đó là lời giải đáp câu đố về Artsi, lý do khiến lão không muốn cho ai biết họ của lão cũng như sinh quán hay bất cứ chi tiết nhỏ nào về quãng đời đã qua, nguyên nhân khiến lão nói năng khó khăn và căm thù đời một cách lạnh lùng đến thế. Bốn mươi năm! Hắn là lão đã vào tù từ thời trai trẻ. Bốn mươi năm! Chà… hẳn lão đã bị kết án chung thân và loại tù này…

– Phải chăng… vì tội giết người?

– Phải, Artsi đáp cộc lốc và quật cương vào lưng ngựa. Vợ tui.

Cái miệng đằng sau bộ râu động đậy, như thể lão cười gằn trước vẻ sợ hãi của nàng.

– Tui không giết bà đâu, nếu đó là điều làm bà lo ngại. Chỉ có một lý ro khiến người ta giết một người lền bà mà thôi.

– Lão đã giết vợ lão!

– Mụ í đã ngủ mấy thằng em tai tui. Nó chạy thoát. Tui không ân hận gì về việc giết chết mụ vợ í. Lèn bà lẳng lơ phóng đãng thì phải giết thôi. Luật pháp không có quyền bỏ tủ một người lền ông vì chuyện í, thế mà tui đã bị tù.

– Nhưng… làm sao mà lão ra được? Lão vượt ngục ư? Hay lão được ăn xá?

– Bà muốn gọi là ân xá cũng được.

Đôi lông mày rậm đốm bạc của lão xoắn vào nhau như thế lão phải cố gắng chật vật mới chắp nối được các chữ thành câu.

– Vào năm 64, khi Sơmơn tiến quân qua, tui đang ở nhà tù Milijvil như tui vẫn ở đó suốt bốn chục năm. Bấy rờ, quản ngục mấy gọi tất cả bọn tù lại và biểu là quân Yanki đang đến, đang đốt nhà và giết người. Nếu có gì tui căm ghét hơn cả bọn nichgơ hoặc lền bà thì đó là bọn Yanki.

– Tại sao? Lão đã… lão đã quen biết người Yanki nào chưa?

– Chưa. Cơ mà tui đã nghe nói về bọn chúng. Tui nghe nói chúng không bao rờ có thể chịu yên không dính vào chuyện của người khác. Chúng đến Giogia, giải phóng bọn níchgơ, đốt nhà của chúng ta và giết gia súc của chúng ta để làm gì cơ chứ? Thế, tay quản ngục biểu quân đội đang rất cần thêm lính và ket nào trong bọn tui nhập ngũ thì hết chiến tranh sẽ được tự ro… nếu lúc bấy rờ còn sống. Song bọn tui là tù chung thân… những tên sát nhân, tay quản ngục biểu là quân đội không cần bọn tui. Bọn tui bèn biểu tay quản ngục là tui không rống như phần lớn tù chung thân. Tui bị tù chỉ vì giết vợ tui mà mụ í thì cần phải giết. Và tui muốn đánh yanki. Và tay quản ngục thông cảm, lén đưa tui ra mấy các tù nhân khác.

Lão ngừng lại hầm hừ.

– Hừ. Thực là nực cười. Người ta bỏ tui vì giết người, và người ta thả rui ra tự ro với một khẩu súng trong tay để giết người thêm nữa. Lại được là một người tự ro với một cây súng trong tay, quả thật là tốt đẹp. Bọn tui, đám tù ở Militjvli, đánh cừ, giết giặc hung… và bọn tui giết cũng lắm. Không có một ai đảo ngũ, theo tui biết. Và khi có cuộc đầu hàng thì bọn tui được tự do. Tui thì mất cái chưn nầy, con mắt nầy. Cơ mà tui chẳng tiếc.

– Ồ, Xcarlett thốt ra yếu ớt.

Nàng cố nhớ lại những gì nàng đã nghe kể về việc thả các tù nhân ở Militjvil trong cố gắng tuyệt vọng cuối cùng của Liên bang nhằm chặn đợt sóng tiến công của quân đội Sơmơn. Kỳ Nôel 1864, Frank đã nhắc đến chuyện đó. Chàng đã nói những gì nhỉ? Nhưng những hồi ức của nàng về thời gian ấy quá lộn xộn. Nàng lại cảm thấy nỗi kinh hoàng điên dại của những ngày đó, lại nghe thấy tiếng đại bác bao vây, lại trông thấy đoàn xe ròng ròng máu rớt xuống những con đường đất đỏ, lại thấy đoàn vệ binh địa phương lên đường, đám thiếu sinh quân như Phil Mid và những ông già như bác Henri với cụ cố Meriuêzơ. Và đám tù nhân cũng ra đi để chết trong buổi hoàng hôn của liên bang, để rét cóng trong mưa tuyết của chiến dịch cuối cùng ấy ở Tennixi.

Trong một khoảng khắc ngắn ngủi, nàng nghĩ thầm rằng cái lão già này đến dại, đi chiến đấu cho một nhà nước đã cướp đi mất bốn mươi năm của cuộc đời lão. Bang Giorgia đã cướp đi tuổi trẻ và thời trung niên của lão vì một tội ác mà theo lão, không phải là tội ác, vậy mà lão đã tự nguyện hiến dâng một cái chân và một con mắt cho bang Giorgia. Những lời chua chát của Rhett vào những ngày đầu chiến tranh trở lại trong trí nàng và nàng nhớ rằng chàng đã thề không bao giờ chiến đấu cho một xã hội đã biến chàng thành một kẻ bị ruồng bỏ. Nhưng đến khi cũng bĩ, chàng đã ra đi chiến đấu cho những người đàn ông miền Nam, từ tấng lớp thượng lưu đến hạ lưu, đều là những kẻ tình cảm chủ nghĩa ngốc dại coi trọng những hư từ hơn cả sinh mạng mình.

Nàng nhìn đôi tay già nua sứt dẹo của Artsi, hai khẩu súng lục cùng con dao săn của lão và cái sợ lại nhói lên trong nàng. Liệu còn nhiều tù cũ được tự do như kiểu lão Artsi này không, những tên sát nhân, những kẻ thí mạng, đầu trộm duôi cướp được ân xá nhân danh Liên bang? Chao, bất kỳ kẻ lạ mặt nào ngoài phố cũng có thể là một tên sát nhân! Nếu Frank biết sự thật về Artsi thì sẽ rắc rối to. Hoặc bếu bà Pitti… ồ, bà sẽ choáng tim mà chết mất. Còn như Melanie… Xcarlett gần như ao ước có thể nói cho Melanie biết sự thật về Artsi cho cô ta trắng mắt ra. Thế mới đáng đời cô ta, cho chừa cái thói đi tha cái bọn rác rưởi về, giấm dúi đưa vào nhà bắt bạn bè họ hàng phải gánh chịu.

– Tôi… tôi lấy làm mừng vì lão đã kể với tôi, Artsi ạ. Tôi… tôi sẽ không nói với ai đâu. Nếu bà Uylkz và các bà khác biết hẳn họ sẽ rụng rời.

– Hừ. Bà Uylkz biết rồi. Tui đã kể hết với bà í nghe đêm đầu tiên bà í cho tôi ngủ nhờ ở căn hầm nhà bà í. Chứ bà tưởng tui lẳng lặng để một phụ nữ nhưn hậu như bà í cho tui vào nhà mà không khai rõ tung tích mình hay sao?

– Lạy các thánh che chở cho chúng con, Xcarlett kêu lên kinh hãi.

Melanie biết rõ người đàn ông này là kẻ sát nhân, lại là giết phụ nữ, vậy mà nàng đã không tống cổ lão ra khỏi nhà. Nàng đã giao cả con trai, cả bà cô, cả chị dâu và tất cả bạn bè cho lão. Nàng, người phụ nữ nhút nhát nhất, nàng không hề sợ ở nhà một mình với lão!

– Lền bà như bà Uylkz thì quả là tinh đời. Bà í thừa nhận là tui cũng đường được, không đến nỗi. Bà ấy thừa nhận là một thằng dối chá thì suốt đời dối chá và một thằng ăn chộm, thì suốt đời ăn chộm nhưng con người ta không giếtngười quá một lần trong đời. Và bà ấy cho rằng ai đã chiến đấu vì Liên bang tức thị đã xóa sạch mọi điều xấu họ đã làm. Mặc dù tui thiết tưởng việc tui giết vợ chẳng phải là đều xấu… Phải, lền bà như bà Uylkz thì quả là tinh đời… Và vui xin thưa mấy bà, hôm nào bà thuê tù làm việc là tui bỏ đi ngay í đấy.

Xcarlet không trả lời gì cả, nhưng nàng nghĩ thầm: “ Lão đi sớm ngày nào hay cho ta ngày ấy. Đồ sát nhân”.

Làm sao Meli đã có thể… có thể… như thế… Không có chữ nào để gọi cho trúng hành động của Meli, đi dung nạp cái tên côn đồ già này mà không nói cho bạn bè biết đó là một kẻ ra tù vào tội. Phục vụ trong quân đội là xóa sạch tội lỗi cũ! Melanie hiểu hết sức ngớ ngẩn về Liên bang, về những chiến sĩ kỳ cựu của nó và mọi thứ liên quan đến họ. Xcarlett rủa thầm bọn Yanki và ghi thêm một điểm trong sổ thù hận của nàng đối với chúng. Chúng đã gây nên một tình huống éo le buộc một người đàn bà phải giữ một tên sát nhân kè kè bên cạnh để che chở cho mình.

Trên đường về nhà cùng với Artsi trong hoàng hôn giá lạnh, Xcarlett trông thấy một lô ngựa, xe nhà và xe tải túm tụmbên ngoài tiệm rượu “ Gái Thời Đại “. Ashley ngồi trên mình ngựa, vẻ mặt nhớn nhác, căng thẳng, anh em nhà Ximmơn thò mình ra khỏi chiếc xe độc mã khoa tay rối rít, Hiu Elxinh, một mớ tóc nâu xõa xuống mắt, đang vung tay. Chiếc xe chở patê của cụ cố Meriuêzơ ở giữa đám nhốn nháo ấy và khi đến gần, Xcarlett trông thấy Tommi Uelbơn và bác Hemơltơn ngồi chen chúc bên trên chiếc ghế lái xe.

“Mong sao bác Henri đừng về nhà trên cái của nợ ấy “, Xcarlett bực dọc nghĩ thầm. “ Lẽ ra bác phải biết xấu hổ chứ, ai lại tự bêu mình trước con mắt mọi người trong cái xe thổ tả ấy. Mà nào phải bác không có ngựa riêng. Bác làm thế chí cốt để tối tối cùng với cụ cố có thể đến tiệm rượu thôi “.

Đến ngang tầm đám đông, sự căng thẳng của họ phần nào truyền sang nàng mặc dầu nàng không thuộc loại nhạy cảm gì và làm tim nàng thắt lại vì sợ hãi. “ Ôi! Mong rằng đừng có ai khác bị hiếp!” nàng nghĩ thầm. “ Nếu bọn 3K hành hình thêm một tên da đen nữa, bọn Yanki sẽ quét sạch chúng ta mất “.

Và nàng bảo Artsi:

– Dừng lại. Có chuyện gì không ổn.

Bà không nghe tôi ư? Dừng xe bên ngoài một tiệm rượu, Artsi nói.

– Lão không nghe tôi ư? Dừng lại. Xin chào tất cả mọi người. Artsi… bác Henri… có chuyện gì không ổn đấy? Nom chư vị thật…

Đám đông quay lại phía nàng, khẽ nhấc mũ và mỉm cười, nhưng mắt lại long lanh một ánh phẫn khích mãnh liệt.

– Có ai ổn và có cái không ổn, bác Henri nói oang oang. Tùy theo cách nhìn của mỗi người. Theo như tôi hiểu, có quan lập pháp1 không thể làm khác được.

“ Cơ quan lập pháp? “ Xcarlett nhẹ người, nghĩ thầm. Nàng chẳng mấy quan tâm đến cơ quan lập pháp, cảm thấy công việc của nó hầu như không ảnh hưởng gì đến minh. Điều làm nàng kinh hãi là khả năng phát khùng một lần nữa của bọn lính Yanki cơ.

– Thế cơ quan lập pháp đang định làm gì?

– Họ từ chối thẳng thừng không phê chuẩn điều khoản bổ sung, cụ cố Meriuêzơ nói, giọng đầy tự hào. Thế, cho bọn Yanki biết tay.

– Và thế rồi sẽ rắc rối thấy mẹ… xin lỗi, Ashley nói.

– À, điều khoản bổ sung ư? Xcarlett hỏi, cố tỏ ra am hiểu tình hình.

Chuyện chính trị là ngoài tầm của nàng và ít khi nàng mất thì giờ nghĩ về đề tài đó. Đã có một điều khoản bổ sung thứ mười ba, hay có thể là mười sáu gì đó, được phê chuẩn cách đây ít lâu, song cả đến phê chuẩn nghĩa là gì, nàng cũng mù tịt. Cánh đàn ông bao giờ cũng rộn lên về những chuyện như thế. Mặt nàng lộ ra một vẻ gì đó chứng tỏ nàng không hiểu, khiến Ashkey mỉm cười.

– Chị biết đấy, đó là điều bổ sung về việc ban cho bọn da đen quyền bẩu cử, chẳng giải thích. Khi đệ trình lên cơ quan lập pháp, họ từ chối không phê chuẩn.

– Họ thật dại! Bọn Yanki sẽ tọng nó vào cổ họng chúng ta, anh còn lạ gì!

– Tôi vừa nói sẽ rắt rối to chính là theo nghĩa đó, Ashley nói.

– Ta thì tự hào nói về cơ quan lập pháp, tự hào về tinh thần dám nghĩ dám làm của họ! bác Henri quát to. Bọn Yanki không thể tọng nó vào cổ họng chúng ta nếu chúng ta không chịu nuốt.

– Chúng có thể và chúng sẽ làm thế, giọng Ashley bình tĩnh nhưng mắt chàng đầy vẻ lo âu. Và điều đó sẽ làm cho chúng ta gay go hơn nhiều.

– Ồ, Ashley, chắc chắn là không! Tình hình đến thế này là cùng rồi, không thể gay go hơn nữa đâu!

– Có chứ, tình hình có thể xấu đi, thậm chí xấu hơn cả hiện giờ. Giả dụ như ta có một cơ quan lập pháp toàn nghị sĩ da đen? Một thống đốc bang da đen? Giả dụ ta phải chịu một sự thống trị quân sự hà khắc hơn hiện nay?

Xcarlett trố mắt ra kinh hãi khi hiểu ra phần nào.

– Tôi đã cố nghĩ xem điều gì có thể là tốt nhất cho bang Giorgia. Cho tất cả chúng ta – mặt Ashley chảy dài ra. Đấu tranh với việc này theo cách của cơ quan lập pháp, để miền Bắc phẫn nộ với chúng ta và cả quân đội Yanki tập trung lực lượng buộc chúng ta dù muốn hay không cũng phải chấp nhận quyền bẩu cử của người da đen, như thế có phải là khôn ngoan nhất không? Hay là… ngậm bồ hòn làm ngọt và dứt điểm với toàn bộ vấn đề một cách thỏai mái nhất có thể? Rút cục, sẽ vẫn như thế cả thooi. Chúng ta bất lực. Chúng ta đành phải nuốt cái liều thuốc đắng mà chúng nhất quyết bắt chúng ta uống. Có lẽ tốt hơn là chúng ta chịu khó uống, đừng có vùng vằng.

Xcarlett hầu như không nghe chàng nói, chắc chắn là ý nghĩa trọn vẹn của những lời đó vượt quá tầm nhận thức của nàng. Nàng biết rằng Ashley, như mọi khi, vẫn nhìn thấy cả hai mặt của một vấn đề. Nàng thì chỉ nhìn thấy một mặt: Cái tát này vào mặt bọn Yanki có thể phương hạn đến nàng như thế nào.

– Anh sắp thành người của phe Cấp tiến và bầu cho đảng Cộng Hòa đấy hẳn, Ashley? Cụ cố Meriuêzơ gay gắt nói mỉa.

Im lặng căng thẳng, Xcarlett trông thấy tay Artsi vươn nhanh về phía khẩu súng lục rồi dừng lại. Artsi nghĩ, và nhiều khi nói ra miệng, rằng cụ cố là một người lắm điều và lão quyết không để cụ lăng mạ người chồng của cô Melanie, cho dù chồng cô có ăn nói như một gã dở hơi.

Vẻ bối rối đột nhiên biến mất khỏi mắt Ashley, nhường chỗ cho một ánh lửa giận dữ. Nhưng chàng chưa kịp nói thì bác Henri đã công kích cố.

– Cái cụ này… quỉ bắt… xin lỗi cháu, Xcarlett… Cụ ăn nói tào lao, sao cụ lại bảo Ashley thế!

Ashley biết tự lo cho bản thân, khỏi cần ông bênh nó, cụ cố lạnh lùng nói. Nó ăn nói như một tên Xkelơnéc. Đành chịu cái con tườu! Ấy, xin lỗi Xcarlett.

– Trước kia, tôi đã không tán thành ly khai, Ashley nói, giọng run lên vì giận dữ. Nhưng khi Gioria ly khai, tôi đã đứng về phía Liên bang. Và mặc dầu toi không tán thành chiến tranh, rôi đã đứng trong hàng ngũ chiến đấu. Bây giờ, tôi không tán thành việc đẩy bọn Yanki đến chỗ phất khùng hơn nữa. Nhưng nếu cơ quan lập pháp quyết định làm thế, tôi sẽ đứng về phía phe cơ quan lập pháp. Tôi…

– Artsi, bác Henri đột ngột nói, lão, đưa cô Xcarlett về nhà đi. Đây không phải chỗ của cô ấy. Dù sao, chính trị cũng không phải dành cho đàn bà và ở đây, người ta sắp sửa rủa bậy bây giờ. Đi đi, Artsi. Chúc ngủ ngon, Xcarltett.

Trong khi xe lăn bánh xuôi đường Cây Đào, tim Xcarlett đập rộn lên vì lo sợ. Liệu cái hành động rồ dại này của cơ quan lập pháp có tác hại gì đến sự an toàn của nàng không? Liệu nó có làm bọn Yanki điên đầu lên đến mức tước đoạt hai xưởng cưa của nàng không?

– Chà, Artsi làu bàu, tui đã nghe truện châu chấu đá xe, cơ mà đến giờ tui mới thấy. Các ông nội cơ quan lập pháp có thể cứ gào lên: “ Hoan hô Jef Đêvix và Liên bang miền Nam “ Cũng chẳng ích lợi gì cho họ… cũng như cho chúng ta. Cái bọn Yanki yêu nơgích, nhất quyết đưa chúng lên cai quản chúng ta. Cơ mà ta phải kính phục tinh thần các cha nội cơ quan lập pháp!

– Kính phục họ ư? Trời đánh thánh vật! Kính phục họ? Đem mà bắn bỏ đi thì có! Làm thế chỉ tổ bọn Yanki bổ xuống đầu chúng ta như diều hâu xà xuống đất bắt gà con. Tại sao họ không thể phê… phêu… chậc, nghĩa là làm cái điều cần làm để xoa dịu bọn Yanki thay vì lại khích chúng lên. Sớm muộn chúng cũng sẽ buộc ta phải khuất phục, vậy thì tại sao ta không khuất phục ngay bây giờ đi.

Artsi chằm chằm nhìn nàng bằng con mắt giá băng.

– Khuất phục không đấu tranh ư? Lên bà thật không biết tự trọng gì hơn loài dê.

Khi Xcarlett thêu người tù nhân, năm cho mỗi xưởng, Artsi thực hiện lời đe dọa của mình và khước từ không dính dáng gì với nàng nữa. Tha hồ cho Melanie khẩn khoản, tha hồ cho Frank hứa trả công cao hơn, lão vẫn không chịu đánh xe cho Xcarlett nữa. Lão sãn sàng hộ tống Melanie, bà Pitti, Inđiơ hoặc các bạn của họ di khắp thành phố, nhưng Xcarlett thì dứt khoát không. Thậm chí lão từ chối cả những người kia nếu có Xcarlett trong xe. Đối với, chịu sự phán xử như vậy của lão già trớ trêu, lại càng trớ trêu hơn khi nàng biết cả gia đình và bạn bè đều tình với lão già.

Frank đã khẩn khiết khuyên nàng đừng làm thế. Ashley mới đầu cũng không chịu nhận lao tù; mãi sau khi Xcarlett khóc lóc, van xin và hứa sẽ thuê những người da đen tự do khi nào thời thế khá hơn, chàng mới miễn cường nghe vậy. Hàng xóm láng giềng phản đối thẳng thưng đến nỗi Frank, bà Pitti và Melanie gần như không dám cất đầu. Ngay cả bác Pitơ và Mammy cũng tuyên bố rằng dùng tù làm công là mang tai họa, chứ chẳng tốt lành gì. Ai nấy đều bảo lợi dụng nỗi khốn cùng và bất hạnh của người khác là sai trái, xấu xa.

– Sao trước kia các người không phản đối việc bắt bọn nô lệ làm lụng? Xcarlett công phẫn kêu lên.

À, cái đó lại khác. Tầng lớp nô lệ không khốn cùng cũng chẳng bất hạnh. Bọn da đen dưới chế độ nô lệ trước kia còn sướng gấp bội bây giờ, khi chúng được tự do, không tin cứ thử nhìn xung quanh mà xem! Nhưng, cũng như mọi khi, sự đối lập chỉ có tác dụng làm Xcarlett thêm quyết tâm thực hiện ý đồ của mình. Nàng gạt khỏi cương vị quản lý xưởng cưa giao cho việc đánh xe chở gỗ và dứt điểm nốt những chi tiết cuối cùng của hợp đồng thuê Jonni Gheligơ.

Xem ra trong đám nàng quen biết, hắn là người duy nhất đồng tình với việc thuê tù. Hắn gật cái đầu tròn, khen đó là một nước cờ thông mình. Nhìn gã cựu dô-kê nhỏ con, đứng vững chãi trên đôi chân ngắn vòng kiềng, bộ mặt quỉ lùn rắn đanh và lý tài, Xcarlett nghĩ: “ Ai giao ngựa cho hắn cưỡi, hắn không biết quí ngựa. Mình thì chẳng đời nào để cho hắn đến gần bất cứ con ngựa nào của mình”.

Nhưng giao cho hắn một toán phạm nhân thì nàng chẳng áy náy gì.

-Vậy tôi sẽ toàn quyền xử lý đám này chứ? Hắn hỏi, đôi mắt lạnh như hai viên mã não xám.

-Toàn quyền. Tôi chỉ yêu cầu là anh làm sao cho xưởng cưa chạy đều và giao gỗ đúng lúc tôi cần và đúng số lượng tôi cần.

-Giờ tôi là người của bà, Jonni nói gọn. Tôi sẽ báo cho ông Uelbơn là tôi thôi việc ở chỗ ông ấy.

Trong khi hắn rẽ lối qua đám thợ nề, thợ mộc và phu hồ, Xcarlett cảm thấy như trút được gánh nặng và tinh thần phấn chấn hẳn lên. Quả vậy, Jonni đúng là người nàng cần. Hắn cứng rắn, tàn nhẫn và không ngớ ngẩn chút nào. “ Một thằng bần dân Ailen đang máu làm giàu “, Frank miệt thị gọi hắn như thế, nhưng Xcarlett lại coi trọng hắn chính vì lý do ấy. Nàng biết rằng một người Ailen quyết tâm đạt đến một cái gì là một người đáng giá cần tuyển mộ, bất kể cá tính anh ta như thế nào. Và nàng cảm thấy gần gũi với hắn hơn nhiều người thuộc tầng lớp nàng, bởi vì Jonni hiểu giá trị của đồng tiền.

Ngay từ tuần đầu thay Hiu ở xưởng cưa, hắn đã chứng minh mọi hy vọng của nàng là có cơ sở, với năm tù nhân, hắn hoàn thành một khối lượng công việc mà Hiu không bao giờ đạt được với tốp thợ gồm mười người da đen tự do. Hơn thế nữa, nhờ có hắn, Xcarlett dành được nhiều thời gian rảnh rỗi hơn bao giờ hết, kể từ khi… đến Atlanta hồi năm ngoái, vì hắn không thích nàng có mặt ở xưởng và nói thẳng như thế.

-Bà cứ lo việc bán, để tôi lo việc sản xuất ra gỗ, hắn cộc cằn nói. Một cái trại tù không phải là chỗ hợp với một phu nhân, điều ấy nếu chưa có ai khác nói với bà thì giờ đây Jonni Gheligơ này xin thưa với bà như vậy. Tôi vẫn giao gỗ đầu vào đấy, phải thế không nào? Ơ, vậy thì tôi không muốn ngày nào cũng bị kèm như ông Uylkz. Ông ấy mới cần được kèm riết. Còn tôi thì không.

Thế là Xcarlett miễn cưỡng phải bỏ lại xưởng của Jonni, sợ đến luôn hắn có thể phá ngay không làm nữa thì nguy. Nhẫn xét của hắn rằng Ashley cần được kèm riết, làm nàng đau nhói vì nó chứa đựng nhiều sự thật hơn nàng muốn thừa nhận. Với đám thợ tù, Ashley xoay sở cũng chả hơn gì mấy so với hồi điều khiển đám da đen tự do, mặc dầu chàng không hiểu vì sao. Hơn nữa, xem vẻ như chàng xấu hổ về chuyện phải thúc tù làm việc và dạo này chàg chẳng có gì nói với nàng.

Xcarlett thấy lo về sự thay đổi đang diễn ra nơi chàng. Đầu chàng giờ đây đã có những sợi bạc điểm vào mái tóc vàng rơm và đôi vai rụn xuống, mệt mỏi. Hiếm khi thấy chàng mỉm cười. Chàng không còn giống Ashley vui vẻ hồn nhiên bao năm trước đây đã làm nàng say mê. Dường như một nỗi đau đớn khó bề chịu nổi đang ngấm ngầm gặm nhấm chàng và miệng chàng có một vẻ u uất làm cho nàng thất vọng tê tái. Nàng những muốn ghì riết đầu chàng xuống vai mình, vuốt mái tóc đang chớm bạc mà kêu lên: “ Hãy nói cho em biết điều gì đang giầy vò anh! Em sẽ xoa dịu, sẽ làm cho anh thanh thản hơn trở lại!”

Nhưng cái vẻ câu nệ và xa vắng của chàng khiến nàng vẫn phải giữ khoảng cách.


  1. Tức nghị viện của bang Giorgia.