Đầu mùa hạ năm 1863, hy vọng lại dâng cao trong lòng mọi công dân miền Nam. Mặc dầu phải sống khắc khổ và thiếu thốn, mặc dầu phải chịu nạn đầu cơ tham nhũng, không quản ngại chết chóc, bịnh tật và cảnh thảm não của hầu hết mọi gia đình, miền Nam một lần nữa lại tuyên bố “Chỉ một chiến thắng nữa là chiến tranh kết thúc” và lần nầy lòng hân hoan tin tưởng còn mãnh liệt hơn mùa hạ năm qua. Quân Yankee không phải dễ bị đập tan nhưng rồi chúng cũng sẽ bị đập nát.
Giáng sinh năm 1862 là một đại lễ vui mừng cho Atlanta và cho cả miền Nam. Quân đội Liên bang miền Nam đã ghi được một chiến thắng lẫy lừng trong trận Fredericksburg và quân Yankee đã thảm bại với hàng ngàn người thương vong. Bởi thế, mọi người đều hớn hở và tạ ơn Chúa đã đổi ngược tình thế. Đoàn quân mặc áo nhuộm vải màu nâu đã tỏ ra thiện chiến, các tướng lãnh đều chứng tỏ đầy dũng khí, và mọi người đều hiểu rằng chiến dịch mùa xuân sắp tới, bọn Yankee sẽ hoàn toàn bị đập tan.
Mùa xuân tới, chiến cuộc tiếp diễn. Tháng năm, quân đội Liên bang lại thắng lớn ở Chancellorsville. Miền Nam reo hò hớn hở.
Trong một trận gần hơn, cuộc đột kích của đoàn kỵ binh Bắc Mỹ bị đánh tan. Thiên hạ lại cười đùa, vừa vỗ vào lưng nhau vừa nói:
− Đúng vậy mà! Khi Lão Tướng Nathan Bedford Forrest chịu khó ra tay là tụi nó chỉ còn nước chết!
Hạ tuần tháng tư, đại tá Streight và một ngàn tám trăm kỵ binh Yankee bất ngờ kéo vào Georgia, định đánh úp Rome, thành phố nằm cách sáu chục dặm Bắc Atlanta. Họ định cắt thiết lộ sinh tử nối Atlanta và Tennessee rồi sau đó đánh thốc vào Atlanta để phá hủy các xưởng máy và kho quân nhu tập trung tại thành phố chủ yếu của Liên bang miền Nam nầy.
Nhưng tướng Forrest với quân số bằng một phần ba quân Yankee nhưng toàn những kỵ binh lỗi lạc! Đã chận đứng địch trước khi tới gần Rome. Ông tấn công liên tiếp ngày đêm và sau cùng bắt sống toàn bộ lực lượng địch.
Tin mừng chiến thắng bay về Atlanta cùng lúc với tin thắng trận Chacellorsville. Cả thành phố rung chuyển với mức độ vui mừng. Chancellorsville là một chiến thắng quan trọng, nhưng việc bắt sống toàn bộ kỵ binh của Đại tá Streight khiến cho quân Yankee bị coi như cọp giấy.
Dân Atlanta khoái trá bảo nhau:
− Đúng vậy mà, đối với Lão Tướng Forrest bọn chúng chỉ là những miếng mồi ngon.
Vận may đến với Liên bang miền Nam như thủy triều lên, khiến dân chúng mừng đến hụt hơi. Nhưng thật ra, quân Yankee dưới quyền Tướng Grant đã vây hãm Vicksburg từ trung tuần tháng năm. Và sự thật là miền Nam đã mất mát lớn lao vì “bức tường đá” Jackson đã bị trọng thương trong trận Chancellorsville. Cuối cùng là Georgia đã mất đi một trong những đứa con anh dũng khi Danh Tướng T. R. R. Cobb tử trận ở Fredericksburg. Nhưng quân Yankee cũng chưa bao giờ bị thảm bại như ở Fredericksburg và Chancellorsville. Thế nào rồi chúng cũng phải chịu đầu hàng và khi đó trận chiến tàn khốc nầy sẽ chấm dứt.
Tháng bảy đến với những lời đồn đãi, rồi sau cùng được các điện văn xác nhận là Tướng Lee đã tiến vào Pennsylvania. Lee đã vào lãnh thổ địch quân! Lee sẽ rút ngắn cuộc chiến! Đây chính là cuộc chiến sau cùng!
Atlanta sung sướng tột độ và nóng lòng phục hận. Bọn Yankee sẽ hiểu thế nào là chiến tranh trên đất nhà, sẽ thấy những đồng lúa phì nhiêu bị tàn phá, trâu bò bị cướp đoạt, nhà cửa bị thiêu hủy, trai tráng bị cầm tù và đàn bà trả con đói khát.
Hành động của quân Yankee ở Missouri, Kentucky, Tennessee và Virginia ai cũng rõ. Ngay tới trẻ con cũng có thể vừa hận thù vừa sợ hãi kể thuộc lòng những hành vi dã man của chúng ở những vùng bị chiếm đóng. Atlanta đã đông nghẹt dân tị nạn từ miền Đông Tennessee đổ tới, và dân Atlanta cũng đã nghe họ kể lại những đau khổ mà họ đã trải qua. Ở đó, người trung thành với Liên bang miền Nam rất ít và bàn tay chiến tranh đã nặng nề giáng xuống đầu họ cũng như đã giáng xuống những tiểu bang dọc theo đường ranh Nam-Bắc, láng giềng tố cáo lẫn nhau và anh em sát hại nhau. Những người dân chiến nạn nầy đều mong được thấy Pennsylvania cháy rụi, ngay cả các bà quí tộc cũng biểu lộ một sự thích thú ghê rợn.
Nhưng khi được tin tướng Lee đã ra lịnh không được xâm phạm tới tài sản của dân chúng Pennsylvania, cướp bóc sẽ bị tử hình và quân đội phải đền trả xứng đáng thì dân miền Nam hoàn toàn ngơ ngác… Nếu không phải là người sẵn có uy tín, chắc chắc ông khó tránh khỏi bị phản đối. Tại sao lại ngăn cấm binh sĩ cướp đoạt những kho hàng vĩ đại của xứ Pennsylvania trù phú đó trong khi bộ đội của ông đang đói lả và quá cần giày vớ, quần áo, ngựa la.
Darcy Meade hối hả viết cho bác sĩ Meade. Đó là lá thơ được coi như tin tức đầu tiên mà Atlanta nhận được từ đầu tháng bảy và được chuyền tay hết người nầy sang người khác làm nổi dậy một làn sóng bất bình.
“Thưa ba, ba có kiếm đâu ra cho con một đôi giày không? Con đã lội chân không từ hai tuần nay và không sao kiếm được một đôi giày nào khác. Nếu chân con không quá to, con có thể lột giày xác chết của tụi Yankee như các bạn con đã làm, nhưng tới giờ con vẫn chưa tìm được một tên Yankee nào có cỡ chân bằng con. Nếu có giày, ba đừng gởi theo bưu cuộc, vì người ta sẽ lấy mất dọc đường mà mình cũng không biết làm sao khiếu nại. Cứ bảo thằng Phil đi xe lửa mang cho con. Địa chỉ con sẽ cho biết sau. Ngay lúc nầy con cũng chưa biết sẽ tới đâu, ngoài việc tụi con đang tiến lên hướng Bắc. Hiện thời con đang ở Maryland và ai cũng nói tiến thẳng vào Pennsylvania.
Thưa ba, con nghĩ là chúng ta sẽ được dịp trả đũa bọn Yankee nhưng Đại tướng bảo không nên. Riêng con, con không sợ bị bắn khi thấy thích phóng hỏa một vài nhà của bọn chúng. Hôm nay tụi con đi qua một cánh đồng bắp mênh mông mà chắc ba chưa thấy bao giờ, chúng ta không có thứ bắp tốt như thế đâu. Thú thật với ba là chúng con đã bẻ lén một số bắp ấy, vì quá đói. Chắc là Đại tướng không biết được. Nhưng bắp chẳng giúp được bao nhiêu. Binh sĩ hầu hết đều bị kiết lỵ nên bắp sống làm bịnh trầm trọng hơn. Bị kiết lỵ đi đứng còn khó nhọc hơn là bị thương ở chân. Ba nhớ rán kiếm giày cho con. Con đã lên Đại uý rồi và một ông Đại úy cần phải có giày, dù không có quân phục hay ngù vai mới”.
Thế rồi quân đội tiến vào Pennsylvania… Đó mới là điều quan trọng. Chỉ một chiến thắng nữa là chiến tranh chấm dứt và Darcy Meade muốn bao nhiêu giày cũng có, trai tráng sẽ trở về, mọi người lại hạnh phúc như xưa. Mắt bà Meade mờ lệ khi nghĩ tới thằng con đi lính trở về và ở mãi bên bà.
Ngày ba tháng bảy, hệ thống truyền tin nối liền miền Bắc đột nhiên im bặt. Sự im lặng đó kéo dài đến trưa ngày bốn thì những bản phúc trình rời rạc và mập mờ được gởi về tổng hành dinh Atlanta. Dường như một trận ác liệt đã xảy ra ở Pennsylvania, gần một thành phố nhỏ tên Gettysburg một trận đại quy mô với toàn thể đoàn quân của Đại tướng Lee dự chiến. Tin tức đưa tới thật mơ hồ và chậm chạp vì trận đánh diễn ra trong lòng đất địch và những bản báo cáo đầu tiên phải qua Maryland, được tiếp nhận ở Richmond rồi sau đó mới về Atlanta.
Lo âu và sợ hãi lần lần tràn lan khắp thành phố. Không biết chuyện gì đã xảy ra thật là đáng sợ. Các gia đình có con ngoài mặt trận đều hết lòng cầu nguyện cho con họ không có mặt ở Pennsylvania nhưng những gia đình đều biết chắc người thân của mình cùng ở một trung đoàn với Darcy Meade thì nghiến răng tuyên bố đó là một vinh quang khi được tham dự một trận chiến lớn để đập tan bọn Yankee.
Tại nhà cô Pitty, ba người đàn bà cùng nhìn nhau, không che giấu được nỗi lo âu. Ashley cùng ở một trung đoàn với Darcy.
Một số tin bất tường được loan báo ngày mùng năm, không phải tin từ miền Bắc mà là từ miền Tây tới. Vicksburg đã thất thủ, sau một thời gian dài bị vây hãm và như vậy là toàn thể vùng lưu vực sông Mississippi, từ Saint Louis tới New Orleans đều nằm trong tay quân Yankee. Liên bang miền Nam đã bị cắt đôi. Nếu vào lúc khác, tai biến nầy có thể làm cho Atlanta rên rỉ vì sợ hãi. Nhưng bây giờ, họ không quan tâm mấy về Vicksburg. Họ đang nghĩ tới tướng Lee ở Pennsylvania, đang cố đánh trận cuối cùng. Vicksburg thất thủ không có gì thảm khốc nếu Tướng Lee thắng ở miền Đông, nơi có các đô thị lớn như Philadelphia, Nữu Ước và Hoa Thịnh Đốn. Nếu chiếm được những thành phố đó, miền Bắc sẽ hoàn toàn tê liệt và đủ để xóa nhòa sự thảm bại ở vùng lưu vực Mississippi.
Thì giờ chậm chạp trôi qua và cái bóng đen ngòm của tai ương buông rũ trên thành phố, che mờ cả ánh sáng mặt trời đến nỗi dân chúng hết sức ngạc nhiên khi nhìn lên, thấy trời vẫn trong xanh thay vì tối ám. Phụ nữ tụ tập khắp nơi, trên thềm nhà, dưới lề đường hoặc ngay cả giữa đường an ủi nhau, cố gắng tỏ ra mình can đảm. Nhưng những lời đồn đãi độc địa cho rằng Tướng Lee đã chết trong thảm bại và một danh sách thương vong dài thườn thượt được mang về, giống như những con dơi đen bay lượn khắp nơi trong thành phố. Ban đầu, dân chúng cố không tin nhưng rồi sự lo sợ lây từ người nầy sang người khác rất mau và rồi tất cả đều đổ xô xuống phố, chen lấn mua báo, xông vào tổng hành dinh đòi biết tin tức, dù là tin chẳng lành cũng được.
Từng đám đông tụ tập ở nhà ga, hy vọng tin tức được mang về bằng xe lửa. Từng đám đông chờ đợi ngay cửa sổ Bưu diện, trước tổng hành dinh, trước những cánh cửa khóa kín của các tòa báo. Đám người lặng yên một cách lạ lùng, càng lúc càng có nhiều người im lìm nhập bọn. Không một ai hé miệng. Thỉnh thoảng có tiếng một ông lão hỏi thăm tin tức, trong khi tất cả đều lặng thinh lắng nghe những câu trả lời không thay đổi:
− Không có tin gì mới. Đang đánh nhau.
Đám đông các bà đang đứng hoặc ngồi xe càng ngày càng nới rộng ra. Sức nóng hừng hực của những thân người đứng sát nhau và bụi đường bốc lên gây nên tình trạng gần như nghẹt thở. Chẳng ai nói một lời, nhưng những gương mặt tái mét của họ đã đủ cho thấy sự lặng thinh đó còn nhiều ý nghĩa hơn những lời than van.
Gần như chẳng có một gia đình nào ở Atlanta là không có một đứa con, một anh em, một người cha, một nhân tình hoặc người chồng đang tham chiến ở Pennsylvania. Tất cả đều chờ đợi một tin buồn. Họ chờ đợi cái chết của người thân nhưng không tin sẽ bại trận. Thân nhân họ có thể đang chết trên những đồng cỏ cháy ở Pennsylvania. Dầu cho ngay bây giờ, binh sĩ miền Nam có ngã gục như hoa mầu dưới cơn mưa đá, nhưng chánh nghĩa mà họ đang tranh đấu nhất định phải tồn tại. Hàng ngàn người có thể ngã xuống nhưng mau như nấm mọc, hàng ngàn người khác trong bộ quân phục xám sẽ từ dưới đất trồi lên thay thế. Những người nầy từ đâu đến không ai biết. Họ chỉ biết một cách chân xác, như họ đã biết có Thượng đế ở thiên đàng, rằng Đại tướng Lee là một nhân vật thần diệu và quân đội Virginia vô địch.
Scarlett, Melanie và cô Pittypat ngồi trước cửa văn phòng tòa soạn báo “Daily Examiner”. Vì xe đã hạ mui nên cả ba đều phải che dù. Tay Scarlett run đến nỗi cây dù lắc lư theo. Cô Pitty thì quá bấn loạn nhưng Melanie thì cứ ngồi yên như pho tượng chỉ có đôi mắt càng lúc càng mở to hơn. Cử động duy nhứt của Melanie trong hai giờ liền là lấy lọ thuốc khỏe trong túi trao cho cô Pitty. Và lần đầu tiên Melanie nói với cô mình bằng một giọng ngang ngang:
− Đây, cô cầm lấy đi và ngửi khi nào cảm thấy muốn xỉu. Cháu cho cô biết là nếu cô xỉu, cháu sẽ bảo bác Peter chở cô về nhà một mình, vì cháu không thể rời chỗ nầy trước khi cháu nghe tin về… cháu nghe tin… Và cháu cũng không thể để Scarlett rời khỏi chỗ nầy…
Scarlett không có ý định rời nơi mà nàng có thể biết được những tin tức đầu tiên về Ashley, không bao giờ, dầu cô Pitty sắp chết cũng mặc, nàng không thể rời khỏi chỗ nầy. Ashley đang chiến đấu một nơi nào đó, có thể đã chết và chỉ có tòa soạn tờ báo nầy mới có thể là nơi nàng biết ra sự thật.
Nàng nhìn quanh đám đông, nhận ra các thân hữu và láng giềng. Bà Meade nón lệch qua một bên đang ôm trong lòng đứa con trai mười lăm tuổi, thằng Phil. Chị em McLure đang cố mím chặt đôi môi run rẩy để che hàm răng hô. Bà Elsing ngồi thẳng như một bà mẹ xứ Sparta, nếu không vì mấy chiếc kẹp tóc cài rối loạn khó mà đoán được nỗi lo cuống cuồng mà bà đang che giấu, và Fanny Elsing mắt trắng bệch như xác chết (chắc chắn không phải lo cho ông anh Hugh của cô. Có lẽ là vì một ý trung nhân nào đó đang ở ngoài mặt trận mà không ai biết?). Bà Merriwether ngồi trên xe vuốt ve bàn tay của Maybelle. Maybelle đã gần ngày sanh và dù đã được che khăn cẩn thận, cô ta cũng không khỏi xấu hổ khi phải ra ngoài trong tình trạng đó.
Tại sao cô ta lại lo lắng quá vậy? Có ai nghe nói bộ đội Louisiana tham chiến ở Pennsylvania đâu. Anh chàng Zouave của cô ta chắc giờ phút nầy vẫn còn yên lành ở Richmond mà.
Người ở ngoài bìa đám đông bỗng nhốn nháo lên, họ nhường chỗ cho Rhett Butler đang cẩn thận cho ngựa tiến về phía cô Pitty. Scarlett nghĩ thầm:
“Hắn gan lắm nên mới dám tới đây mà không sợ đám đông có thể xé xác hắn ra vì cái tội không có quân phục”.
Khi Rhett tới, Scarlett nghĩ có thể chính nàng là người đầu tiên xé nát hắn ra. Tại sao hắn dám ngồi trên con ngựa quí kia. Với đôi giày bóng loáng và bộ đồ nỉ trắng thật xinh, mặt mày nhẵn nhụi, miệng phì phèo một điếu xì gà đắt tiền, trong khi Ashley và những chiến sĩ khác đi chân không, mình ướt đẫm mồ hôi, đói khát và bụng sình lên vì các chứng đau ruột?
Nhiều ánh mắt gay gắt ném về phía hắn khi hắn chậm chạp len lỏi qua đám đông. Mấy ông già lầm bầm trong miệng, và bà Merriwether, người không hề sợ bất cứ gì, đứng bật lên và hét lớn với một giọng tối độc:
− Thằng đầu cơ!
Rhett không buồn nhìn tới ai nhưng lại dở nón cúi chào cô Pitty và Melanie rồi sau đó cỡi ngựa đến bên cạnh Scarlett, nghiêng đầu thì thầm:
− Cô có thấy đây là lúc thích hợp nhứt cho bác sĩ Meade đọc diễn văn nói về chiến thắng như con ó đang kêu oang oác trên lá quốc kỳ của chúng ta không?
Thần kinh đang căng thẳng, Scarlett quay phắt lại như một con mèo vừa thấy chuột. Những lời chửi mắng sắp vọt ra khỏi miệng nàng bỗng bị hắn khoát tay ngăn lại. Hắn bỗng nói lớn:
− Thưa quí bà, tôi đến để báo cho quí bà hay là tôi vừa ở tổng hành dinh ra, và bản danh sách tổn thất đầu tiên vừa về tới.
Những người đứng gần nghe rõ hơn cùng loạt xôn xao và đám đông nhốn nháo lên, định chạy trở xuống đường Whitehall để đến bộ chỉ huy. Hắn chồm lên khỏi yên ngựa, đưa tay lên và kêu lớn:
− Đừng đi đâu hết! Bản danh sách đã được giao cho hai tờ báo và đã bắt đầu được in rồi. Xin quí vị hãy cứ đợi ở đây.
Melly quay lại, mắt đẫm lệ:
− Ồ, thuyền trưởng Butler, ông quá tử tế chịu khó tới để cho chúng tôi hay. Bao giờ họ mới cho công bố bản danh sách đó?
− Chỉ một phút mà thôi, thưa bà. Bản báo cáo đó đã được gởi tới tòa soạn hơn nửa giờ rồi. Viên Thiếu tá phụ trách việc nầy không muốn thông báo trước khi in xong, sợ dân chúng sẽ phá sập tòa soạn vì muốn biết sớm. A! Đây rồi!
Cánh cửa sổ bên hông tòa báo mở ra và một bàn tay vẫy vẫy một nắm giấy in dài và hẹp khổ lem luốc vì mực in chưa khô và dầy đặc tên người. Đám đông xô đẩy nhau giành lấy, làm rách một số trong khi những người giựt được trước lùi ra khỏi đám đông để đọc, những kẻ ở phía sau bị dồn tới vừa cố gắng nhào lên, vừa kêu la: “Cho tôi đi coi!”
Rhett nhảy xuống đất, ném dây cương cho bác Peter và nói cộc lốc:
− Giữ con ngựa cho tôi.
Hai vai lực lưỡng của hắn nhô lên khỏi đám đông trong khi hắn chen lấn một cách hung bạo để tiến vào. Một lúc sau hắn quay lại với năm sáu bản in trên tay. Hắn quăng cho Melanie một bản, số còn lại hắn phát cho các bà đứng gần đó, bà Meade, các cô McLure, bà Merriwether và bà Elsing.
− Đọc mau đi, Melanie!
Scarlett kêu lên, cổ họng như nghẹn lại. Nàng giận sôi khi thấy Melly không thể nào đọc được vì tay run lẩy bẩy.
Melly thì thầm:
− Em dò đi.
Scarlett chụp lấy. Chữ Ws. Chữ Ws đâu rồi? Ồ, đây rồi, tận cuối bản danh sách be bét mực in. Giọng Scarlett run run:
− White, Wilkens… Winn… Zebulon… Ồ, Melly ơi, không có tên anh ấy! KHông có tên anh ấy! Trời ơi, cô Pitty kìa! Lấy chai thuốc khỏe ra, đỡ cô ngồi dậy mau!
Melly vừa khóc nức nở vì sung sướng vừa nâng đầu cô Pitty kề lọ thuốc vào mũi cô. Scarlett đỡ một bên thân mập mạp của người cô chồng, tim cũng đập rộn vì sung sướng. Ashley còn sống. Lại cũng chẳng bị thương. Thượng Đế đã cho chàng sống sót. Và…
Chợt nghe có tiếng rên siết, nàng quay lại và thấy Fanny Elsing đang gục đầu vào lòng mẹ, bản danh sách thương vong đang phất phới dưới sàn xe. Cặp môi dày của bà Elsing run run khi đỡ con gái ngồi lên và ôn tồn bảo người xà ích:
− Quay về nhà, mau lên!
Scarlett liếc nhanh vào bản danh sách. Hugh Elsing không có tên trong đó. Vậy là Fanny chắc đã có một ý trung nhân nào và anh ta đã chết. Đám người lặng lẽ nhường chỗ cho bà Elsing đi qua, theo sau là chiếc xe mây hai bánh của chị em McLure. Cô Faith đang cầm cương, mặt trơ như đá và lần đầu tiên trong đời, môi cô ta mím chặt che lấp hẳn hàng răng nhô. Cô Hope, mặt như người chết, ngồi thẳng lưng ngay bên cạnh, tay níu chặt váy của cô chị. Họ như già hẳn đi. Thằng em Dallas, người thân thuộc duy nhứt của hai cô gái giờ nầy đã tử trận.
Maybelle vui mừng kêu to:
− Melly! Melly! René vẫn yên ổn. Ashley cũng vậy, ôi, con xin tạ ơn Chúa!
Khăn đã sút khỏi vai khiến tình trạng thai nghén của cô ta lộ hẳn ra, nhưng lần nầy, cả cô ta và bà Merriwether đều không quan tâm. Maybelle lại reo:
− Ồ, bà Meade ơi! René chưa…
Nhưng giọng cô ta bỗng đổi khác đi:
− Melly, chị nhìn xem!… Bà Meade, chắc Darcy không bị…?
Bà Meade mặt cúi gầm vẫn không ngửng đầu lên vì có tiếng gọi tên bà, nhưng gương mặt của thằng Phil thì đã phơi bày quá rõ. Nó yếu ớt gọi:
− Má, má, sao vậy má?
Bà Meade ngước mắt nhìn trân trối vào Melanie:
− Bây giờ nó chẳng còn cần mang giày nữa.
− Ồ.
Melly kêu lên, vừa sụt sùi khóc vừa đẩy đầu cô Pitty sang vai Scarlett và xuống xe đi thẳng lại chỗ bà vợ bác sĩ Meade. Thằng Phil cố gắng an ủi người mẹ mặt đã trắng bệch ra.
− Má, má còn có con. Nếu má cho phép, con sẽ đi giết hết bọn Yankee.
Bà Meade bấu chặt lấy tay con như sợ nó biến mất và nghẹn ngào buông thõng một tiếng:
− Không.
Melanie leo lên xe, nắm lấy tay bà. Nàng xẵng giọng:
− Phil Meade, câm miệng lại! Cậu tưởng má cậu có thể để cậu bị bắn chết nữa hay sao? Tôi chưa thấy ai ngớ ngẩn như vậy. Cho xe đưa chúng tôi về nhà, mau lên.
Nàng quay sang Scarlett trong lúc thằng Phil cầm lấy dây cương:
− Em đưa cô Pitty về nhà, rồi qua ngay nhà bà Meade với chị. Thuyền trưởng Butler, xin ông vui lòng báo tin cho bác sĩ Meade đang ở bịnh viện.
Chiếc xe len lỏi qua đám đông bắt đầu giải tán. Vài bà mừng đến rơi nước mắt, nhưng hầu hết đều sững sờ như ngây dại vì tai họa đã giáng xuống đầu họ quá nặng nề. Scarlett cúi xuống đọc lại bản danh sách lem luốc, dò tìm tên các người quen. Ashley đã bình yên thì nàng có thể nghĩ tới người khác. Bản danh sách dài thậm thượt. Tổn thất mà Atlanta và cả xứ Georgia đã gánh chịu quả thật nặng nề.
Chúa ơi! “Calvert Raiford, Trung úy”. Scarlett bỗng nhớ tới một ngày thật lâu rồi, ngày thơ ấu đó họ cùng nhau bỏ trốn, nhưng sau đó quyết định trở về nhà khi trời sụp tối vì quá đói và sợ hãi bóng đêm.
“Fontaine-Joseph K., binh nhì” Joe! Anh chàng thấp bé hay giận dỗi ấy. Vợ anh vừa mới sanh.
“Munroe-LaFayette, Đại úy” Lafe mới đính hôn với Cathleen Calvert. Tội nghiệp Cathleen, một lúc phải chịu hai cái tang, một của anh và một của người tình. Nhưng Sally còn đau đớn hơn nhiều vì mất anh và mất cả chồng.
Ồ, chiến tranh tàn khốc quá. Nàng không dám đọc thêm. Cô Pitty đang đè nặng bên vai nàng và thở hổn hển. Cẩn thận nàng đẩy người cô vào góc xe và đọc tiếp.
“Chắc chắn… chắc chắn không thể nào trong danh sách lại có tới 3 tên mang họ Tarleton như vậy. Có lẽ… có lẽ ấn công quá hấp tấp nên đã xếp trùng? Nhưng không. Rõ ràng là “Tarleton-Brenton, Trung úy. Tarleton-Stuart, Hạ sĩ. Tarleton-Thomas, binh nhì”. Còn Boyd thì đã chết từ năm đầu chiến cuộc và đã vùi thây ở một nơi nào đó trong xứ Virginia. Tất cả bốn anh em Tarleton đều tử trận. Tom và hai anh em song sinh cao lêu nghêu với cái tật thích nói lén và những trò chơi nghịch ngợm. Còn Boyd thì kiểu cách như một giáo sư khiêu vũ lại hay nói với cái giọng của một nhà truyền giáo.
Scarlett không đọc tiếp được nữa. Nàng không muốn biết rõ thêm số phận của những người con trai cùng trang lứa, đã cùng nàng khiêu vũ, tán tỉnh hoặc hôn nhau. Nàng muốn được khóc lên hoặc làm một cái gì để nới lỏng những ngón tay sắt đang bấm sâu vào cổ họng mình.
Có tiếng Rhett hỏi:
− Xin chia buồn cùng cô, Scarlett. Chắc có nhiều người quen trong đó?
Nàng giựt mình vì đã quên hắn vẫn còn đây, rồi gật đầu và gượng gạo đáp:
− Hầu hết mọi gia đình trong hạt của tôi… và tất cả… tất cả bốn anh em Tarleton.
Mặt hắn dịu xuống gần như buồn thảm. Mắt hắn không còn vẻ châm chọc của thường ngày:
− Nhưng vẫn chưa hết. Đây mới chỉ là danh sách đầu tiên, chưa đầy đủ. Ngày mai còn một danh sách dài hơn nữa.
Rồi hắn hạ thấp giọng để những người gần bên không nghe thấy:
− Scarlett, Tướng Lee chắc đã bại trận rồi. Tôi vừa nghe bộ tư lịnh cho biết ông đã triệt thoái về Maryland.
Nàng sợ hãi nhìn hắn, nhưng không phải sợ vì nghe tin Tướng Lee bại trận. Bản danh sách ngày mai còn dài hơn. Ngày mai, nàng đã quên nghĩ tới ngày mai vì quá vui mừng khi thấy không có tên Ashley trong danh sách. Ngày mai. Phải rồi, ngay lúc nầy có thể chàng đã chết và phải đợi đến ngày mai hoặc cả tuần nữa nàng mới được tin.
− Rhett, tại sao lại phải có chiến tranh? Phải chi bọn Yankee chịu trả tiền cho chúng ta để đền bù bọn da đen… Hay là chúng ta cho không họ mấy tên da đen đó để khỏi có chuyện nầy xảy ra?
− Không phải về vấn đề nô lệ đâu, Scarlett. Đó chỉ là một tấm bình phong, một cái cớ. Chiến tranh luôn luôn xảy ra chỉ vì đàn ông cứ thích chiến tranh. Còn phụ nữ thì không. Đúng vậy, đàn ông say mê chiến tranh còn hơn say mê phụ nữ.
Nụ cười quen thuộc lại xuất hiện trên môi hắn, vẻ nghiêm trang đã biến mất đi. Hắn dở chiếc nón rơm Parama rộng vành ra:
− Xin chào cô. Tôi đi tìm bác sĩ Meade đây. Ngay lúc nầy chắc ông ấy không nhận thấy sự trớ trêu bởi vì chính tôi lại là người đầu tiên báo tin con ông chết. Nhưng về sau, có lẽ ông ta sẽ thù hận nghĩ rằng một tên đầu cơ làm gì có quyền đem tin cái chết của vị anh hùng.
o0o
Scarlett dìu cô Pitty vào giường sau khi cho uống một ngụm rượu hâm nóng. Nàng giao cho con bếp và Prissy săn sóc cô rồi thẳng đến nhà bác sĩ Meade. Bà Meade và thằng Phil đã lên lầu chờ bác sĩ về, chỉ có Melanie ngồi trong phòng khách, nói chuyện nho nhỏ với một số láng giềng đến chia buồn. Melanie đang bận rộn sửa lại chiếc áo tang mà bà Elsing vừa cho bà Meade mượn. Trong nhà đã nồng nặc mùi hăng hắc của áo quần đang được nhuộm đen. Chị bếp vừa thút thít khóc vừa cho quần áo của cả gia đình bác sĩ Meade vào thùng giặt to lớn.
Scarlett hỏi nhỏ:
− Bà ấy thế nào?
Melanie đáp:
− Không một giọt nước mắt. Thật là đau đớn khi một người đàn bà không thể khóc được. Chị không hiểu tại sao đàn ông có thể chịu đựng hết mọi thứ mà không khóc. Chị đoán là họ nhiều nghị lực và can đảm hơn mình. Bà ấy nói sẽ tự mình đi Pennsylvania để mang xác Darcy về. Bác sĩ Meade không thể bỏ bịnh viện được.
− Như vậy nguy hiểm lắm. Sao không để thằng Phil đi?
− Bà ấy sợ cậu ta sẽ đầu quân, nếu không có bà theo sát một bên. Em biết là tác của Phil lớn hơn tuổi, không chừng sắp có lịnh gọi nhập ngũ thanh niên mười sáu tuổi nay mai.
Lần lượt số người đến chia buồn đều cáo từ, chỉ còn Scarlett và Melanie ở lại may vá trong phòng khách. Melanie buồn nhưng điềm tĩnh, nước mắt nhỏ giọt xuống mảnh vải trên tay. Hiển nhiên là cô không nghĩ rằng chiến trận vẫn tiếp diễn và biết đâu Ashley cũng đã chết rồi. Scarlett đang lưỡng lự không biết có nên thuật lại với Melanie những lời của Rhett hay là giữ kín riêng mình. Cuối cùng, nàng quyết định không nói ra. Không nên để Melanie thấy nàng sốt ruột về tin tức của Ashley. Nàng tạ ơn Chúa đã khiến cho mọi người kể cả Melanie và cô Pitty đã quá lo âu hồi sáng nên không chú ý đến sự bồn chồn của nàng.
Sau một lúc lâu im lặng, họ bỗng nghe có tiếng động bên ngoài. Bác sĩ Meade đang xuống ngựa. Vai ông xệ xuống, đầu cúi thấp đến nỗi chòm râu xám xoè ra ở ngực như cánh quạt. Ông chậm chạp vào nhà, đặt nón và cặp xuống, hôn hai cô gái rồi mệt nhọc lên thang lầu. Một lúc sau Phil chạy xuống. Scarlett và Melanie muốn bắt chuyện nhưng cậu ta đã đi thẳng ra thềm nhà và ngồi xuống ôm đầu.
Melly thở dài:
− Cậu ấy giận vì bị cấm đi đánh giặc. Mới mười lăm tuổi. Ồ, Scarlett, được một đứa con như vậy chắc thích lắm.
Scarlett đang nghĩ tới Darcy, nói cộc lốc:
− Rồi để cho người ta giết nó hả?
Melanie nói mau:
− Thà có một đứ con rồi nó chết còn hơn là không có đứa nào. Em không hiểu được đâu Scarlett, vì em đã có bé Wade, còn chị… ồ, Scarlett chị thèm có con đến điên lên! Chị biết em sẽ cho chị đáng tởm khi nói thẳng điều đó, nhưng đó là sự thật và là ước ao duy nhứt của đàn bà, em cũng biết rõ điều đó mà.
Scarlett cố dằn để khỏi cười lạt. Melanie tiếp:
− Nếu Chúa muốn Ashley phải… phải theo Chúa, chị có thể chịu được sự đau đớn đó mặc dầu chị vẫn muốn chết theo anh ấy hơn. Nhưng Chúa sẽ ban cho chị sức chịu đựng. Có điều là chị sẽ không chịu đựng nổi nếu Ashley chết mà chị không có đứa con nào để an ủi chị. Scarlett, em may mắn lắm. Mất Charlie nhưng em còn con của nó. Còn chị, nếu mất Ashley, chị chẳng còn lại gì cả. Scarlett tha thứ cho chị, đôi khi chị ghen với em…
− Ghen… với tôi?
Scarlett kêu lên với mặc cảm phạm tội.
− Vì em có một đứa con trai còn chị thì không. Nhiều lúc chị muốn nghì Wade là con chị. Chị ao ước có con.
− Ối, tưởng chuyện gì!
Scarlett thở ra nhẹ nhõm. Nàng liếc nhìn khuôn mặt đỏ bừng của Melanie đang cúi xuống chồng đồ may dở. Melanie mong có con nhưng thân hình không đủ tầm vóc để mang thai. Melanie chỉ cao hơn đứa bé mười hai tuổi một chút, xương chậu hẹp và ngực lép. Hơn nữa, Scarlett không thích nghĩ tới chuyện Melanie có con. Nó lôi nàng tới nhiều ý nghĩ bực dọc khác. Melanie có con với Ashley cũng bằng như Scarlett đã bị tước đoạt đi một đặc quyền.
− Hãy bỏ qua cho chị những gì đã nói về cháu Wade. Em biết là chị thương nó như em thương vậy. Em không giận chị chớ?
Scarlett xẵng giọng:
− Đừng ngớ ngẩn nữa. Tốt hơn, chị ra ngoài thềm an ủi thằng Phil đi. Nó đang khóc đó.