Suốt thời gian loay hoay lo tài khoản, chạy hợp đồng và thực hiện hợp đồng đầu tiên, hắn không gặp Giang. Giang lặn mất tăm. Len cũng không lại. Chẳng biết Giang sống bằng gì. Hắn đã tới nhà Giang. Không gặp mẹ Giang. Không gặp chị Hiên. Gọi “Chị Hiên” là gọi theo cách của Giang thôi. Chứ Hiên còn ít tuổi hơn hắn. Hắn chưa gặp người phụ nữ này nhưng nhà Giang có một bức ảnh Hiên phóng to treo trên tường. Đó là một thiếu phụ trẻ, ngoài ba mươi, cằm tì lên hai bàn tay đan vào nhau mềm oặt, má bầu bĩnh, cặp mắt đen và tư lự. Một ngón tay đeo nhẫn. Thõng xuống ngực một sợi dây chuyền mảnh. Một kiểu mặt khác hẳn Giang và mẹ Giang. Giang giống mẹ. Người nhỏ, mặt gầy, môi mỏng. Chắc Hiên giống bố.
Hiên trong ảnh thật tương phản với chồng: Anh Tuỳ, một công nhân xây dựng hơn tuổi hắn đã nghỉ mất sức và đi xây thuê. Đầu cắt bốc, mặt đen đủi và chất phác, bàn tay nứt nẻ vì vôi vữa. Người anh lúc nào cũng toả ra mùi của các bức tường đang xây. Anh pha nước mời hắn và bảo:
– Cậu Giang đi hơn tuần nay rồi.
Lũ trẻ con chữa lại câu nói ấy:
– Đến hôm nay là đúng mười ba ngày, bác ạ.
Hắn đạp xe về, lòng nặng trĩu. Giang đi đâu? ắt hẳn Giang lại tham gia vào một băng nào đấy. Điều đó thật nguy hiểm. Như có một cái gì đang sắp nuốt chửng lấy Giang.
“Nếu câu chuyện giữa Len và Giang thành thì đâu đến nỗi”. Hắn lại lẩm nhẩm một mình. Cái đó đã thành tật rồi. Nhưng hắn chưa biết hắn mắc thói quen ấy. Bởi vì khi hắn lẩm nhẩm là lúc hắn đắm chìm trong suy nghĩ.
“Nhưng không thể trách Len”. Hắn lại lẩm nhẩm. Không thể trách bố mẹ Len. Nếu có ai đáng trách thì người ấy là Giang. Mà trong chuyện này, Giang cũng không đáng trách hoặc chỉ đáng trách một phần…”
Phải đến khi bắt đầu thực hiện hợp đồng làm khay hấp mì sợi, Giang mới ở đâu về. Giang đến nhà, không gặp hắn. Hắn đang ở chỗ làm. Đó là một cái sân rộng, cũng của môt anh đi tù về mà hắn và Dần quen. Giang đến, khi hắn đang ngồi xổm giữa sân giơ búa đập mạnh vào cái đột. Hắn dừng tay. Giang ngắm nghía công trình hắn đang làm dở: Một lá tôn tráng kẽm đã đục thủng những hàng lỗ tròn (phi tám) đều tăm tắp. Mấy người nữa cũng đang làm như hắn… Tiếng búa, tiếng lá tôn bị va chạm kêu nhức óc. Ngổn ngang mặt sân, những mảnh tôn tròn xoe bị đục ra như những đồng xu nhỏ. Hắn ghé sát tai Giang:
– Lặn lâu thế.
Giang ngắm nghía hắn đục một lúc, rồi bảo:
– Tối em lại nhé. Bây giờ em đi đây.
Hắn nhìn theo bóng Giang nhỏ, gầy, dáng phong trần. Cũng giống Gorki, Giang không có tuổi thiếu niên. Từ thời thơ ấu Giang bước thẳng vào tuổi thanh niên, tuổi trưởng thành. Trưởng thành trong tù đày, trong lớp người cặn bã.
Hắn lại đục tiếp. Dần đi đi về về, dốc ở túi ra những cái đột bằng sắt. Đột mới sắc, đục còn dễ. Đục được vài hàng là nó chùn lại. Hắn cảm thấy không thể đột được. Không đảm bảo kỹ thuật. Miếng tôn tròn bị cắt ra không có lối thoát. Nên nó không đứt hẳn. Nghiêm trọng hơn là đột như thế, lá tôn phẳng bị biến dạng.
Dần tần ngần:
– Phải có máy ép. Đặt lá tôn lên trên bàn ép…
Hắn dừng đột, ngắm nghía công trình của mình:
– Lá tôn chưa đục, phẳng là thế, đực đến đâu cong uốn lên đến đó.
– Thế này chưa chắc họ đã nhận đâu.
Dần đi. Đến chiều Dần về. Hắn và mấy nhân công thuê mượn nữa đang đục. Dần đá vào chân hắn:
– Đi đi! Dục làm chó gì. Đi với tôi!
Dần và hắn đi uống nước chè chén. Dần bảo đã tìm được một công nhân xưởng đóng tàu sẵn sàng bảo đảm hết hợp đồng cho mình.
– Nhưng còn giá cả ra sao?
Hắn lo lắng hỏi. Dần xì một tiếng:
– Bây giờ làm sao đừng để nó phạt lỡ hợp đồng là tốt lắm rồi.
Và Dần tính toán:
– Đ.mẹ. (Dần văng tục) Thằng Thăng chém mạnh quá. Mười phần trăm hợp đồng. Mất đứt với nó bốn trăm. Có thế nó mới cho ký. Nó là trưởng phòng kế hoạch mà lại…
Dần nói những con số… Tiền gia công của anh thợ xưởng đóng tàu, tiền thuế, tiền vận chuyển là vừa xoẳn.
Hắn cũng thấy cái hợp đồng sản xuất khay hấp mì sợi đâu có dễ nuốt, đối với một hợp tác xã như hợp tác xã Đồng Tâm. Tên là Đồng Tâm đấy, nhưng đâu có đồng tâm. Hợp tác xã có hơn mười xã viên, chỉ có hắn đục và Dần đi đi về về, dốc ra nhưtng cái đột. Còn mấy đứa choai choai quanh xóm ra đục thuê. Những xã viên khác biến đi đâu hết. Hoá ra cũng toàn những người đi tù về, nghề nghiệp người biết, người không. Vốn liếng không. Không ai phải góp. Có công nhất là Dần, người đã đứng ra tổ chức, lo hợp đồng và hắn chạy được tài khoản.
Hắn đồng ý với Dần. Sao cho không bị phạt là tốt. Tất cả việc thu xếp chuyển hợp đồng cho anh Thọ xưởng đóng tàu, hắn mặc Dần. Hắn nghĩ: Có thể những con số Dần đưa ra chưa thật chính xác. Nhưng hoàn cảnh Dần cũng khốn nạn, có khi còn khốn nạn hơn hắn. Dần không có ai giúp đỡ. Hắn còn bố mẹ, anh em, bạn bè. Hắn mong Dần sân siu được tí chút ở cái hợp đồng này. Dần ba đào quá. Còn hắn, hắn cũng chẳng mất gì. Chỉ mất ít thời gian. Mà thời gian hắn nhiều. Lại khỏi phải nằm một mình ở nhà, suy nghĩ. ít ra cũng có một cái gì đó để mình bận rộn, lo lắng và hy vọng.
Buổi tối hôm ấy Giang đến nhà hắn như đã hẹn. Giang thay đổi hẳn: Sơ-mi trắng là phẳng, cho vào trong quần. Quần xi-mi-li pha ni-lông màu be cũng là phẳng. Vừa trông thấy Giang, Ngọc đã reo:
– Cậu Giang. Đi đâu mà lâu thế?
– Em đi Tùng Dương, chị ạ.
– Anh đến nhà mấy lần đấy. Dạo này cậu làm ăn gì?
Giang cười: “Em nhùng nhằng”. Ngọc nhìn Giang dò xét. Nàng biết Giang chẳng có công việc gì làm ăn. Nàng thương Giang như nàng thương chồng nàng. Mỗi người một con đường đi đến tù đày. Một số phận đi đến tù đày và bây giờ cùng chung cảnh ngộ. Giang vẫy thằng Dương:
– Lại đây, cậu cho cái này.
Giang rút túi cho nó một gói nhỏ kẹo lạc. Và một cái còi. Nó đưa lên mồm thổi “toét toe”. Mắt nó sáng lên. Hết nhìn mẹ lại nhìn bố. Hai đứa lớn ngừng học.
Thang Hiệp giơ tay:
– Dương, cho anh xem nào.
Thằng Dương giấu vội về phía lưng và lại đưa cỏi lên mồm thổi.
– “Em đang làm cái này đấy, chị ạ!”.
Giang trỏ vào cái còi trong tay thằng Dương, bảo Ngọc.
Khi hai anh em đã xuống thang, Giang cười:
– Nói đùa đấy. Của anh Vũ em làm.
– Vũ nào?
– Con bà cô em. Anh chưa biết.
Giang đèo hắn đi chơi phố.
– Anh em mình vào đây uống nước chanh di.
– Sang thế
– Em có tiền.
Quán giải khát ở đầu đường Quang Trung, nơi trông ra chỗ Phúc mù chữa xe đạp ngày nào. Phúc đâu rồi? Phúc làm gì?
Họ vào trong nhà. Họ không muốn ngồi ngoài hè. ở đó có mấy thanh niên đang uống nước. Họ muốn yên tĩnh chuyện trò.
– Len đâu?
Giang châm điếu thuốc.
– Em không gặp.
Hắn thở dài.
– Thôi, anh đừng nói chuyện ấy nữa.
Hắn biết chuyện giữa Len và Giang thế là hết. Hắn kể chuyện hắn làm hợp tác xã Đồng Tâm.
– Anh không làm được đâu.
– Hợp tác không có gì cả thì làm ăn sao được.
– Giang đi Tùng Dương thật đấy à?
– Em đi thật.
– Em làm gì trên ấy?
Em buôn bán lằng nhằng.
– Khá không?
– Cũng được.
Đúng là trông Giang có vẻ có tiền. ít nhất là hai anh em cũng vào quán giải khát như những người sang trọng. Giang uống nước và nhìn hắn, nhìn vẻ mặt, dáng người được đúc từ cái khuôn đúc cán bộ công nhân viên nhà nước của hắn, mà dù thế nào cũng vẫn để lại dấu tích trên con người hắn, từ cử chỉ, kiểu tóc, cách ăn mặc. Dù năm năm tù, gần một năm thất nghiệp rồi, dấu vết cán bộ vẫn chẳng phai đi.
Giang cười rinh rích:
– Trông anh giống tây thật đấy.
Giang nhìn ra ngoài, chợt Giang kêu lên:
– Chết rồi, cái xe dựng đây đâu mất rồi?
ở chỗ vỉa hè ngay trước cửa, cái xe của Giang, bóng loáng, đứng trên chân chống, không còn nữa. Hai anh em chạy vội ra.
– Em vẫn tia đấy chứ. Vừa nãy vẫn còn.
Hai người nhìn về phía đầu đường, phía cuối đường hun hút. Không. Không ai đạp xe vội vã. Có mấy người đều đi thong thả với dáng bình thường nhất.
Hắn và Giang lặng lẽ quay vào. Giang đi đến sát tường nơi dựng bốn, năm cái xe của khách.
Giang hỏi từng xe và reo lên:
– Đây rồi. Ai lại dắt vào đây.
Bà chủ quán cười xoà:
– Em dắt vào đấy cho nó gọn.
Mấy anh ngồi uống nước cũng cười:
– Công nhận hai ông này bình tĩnh.
Giang giải thích:
– Căn bản là xe đi mượn mà. Nên không nhận ra.
Sau lần gặp ấy, Giang hay lại nhà hắn hơn. Trên nét mặt khó đảm đăm của Giang không hằn lên dấu hỏi to tướng: Làm gì sống đây. Giang như đã có hướng rồi. Cứ vậy mà làm. Rồi đến đâu thì đến. Chính vì thế mà hắn lo cho Giang. Lo, nhưng không dám nói, không dám hỏi. Vả lại biết khuyên Giang gì đây? Liệu có là đạo đức giả khi không tìm được một lối thoát nào cho Giang, mà chỉ đưa ra những điều thuyết lý. Lâm vào những hoàn cảnh này mới biết cuộc sống khó khăn tới mức nào. Điều hắn nghĩ về Giang, lo về Giang đã được xác định là đúng. Điều hắn phỏng đoán đã thành sự thật.
Một vòng xoáy mà Giang không thể thoát. Một hôm hắn và Bình đang ngồi nói chuyện thì Giang đến. Giang và Bình quen nhau qua hắn. Giang vác một chiếc xe đạp Thống Nhất cũ lên gác, bảo hắn:
– Anh cho em gửi cái xe. Của một thằng bạn em. Nó đi tàu Hà Nội bây giờ.
Hắn gật đầu. Giang mang xe dựng vào cạnh lò sưởi.
– Em để vào đây cho gọn.
Hắn hỏi Giang khi Giang xuống thang:
– Gửi lâu không?
– Một hai ngày thôi, anh ạ.
Việc gửi đó là rất bình thường thôi, nhưng hắn và Bình nhìn nhau. Im lặng. Và hiểu. Bình cũng nghĩ như hắn: Giang lại đi đánh nghẽo. Hắn đứng dậy, lùi ra xa để nhìn cái xe đạp cũ kỹ trong toàn cảnh. Chưa bao giờ hắn nhìn thấy một đồ ăn cắp nào giá trị như vậy Hắn hiểu rằng có một người nào đó vừa mất cả gia tài, mất cả cần câu cơm, phương tiện kiếm sống đây Họ đang trình báo công an. Họ đang tìm. Họ đang nguyền rủa kẻ ăn cắp. Họ không thể biết được cái xe thân yêu, quen thuộc, trung thành của họ đang nằm ở chỗ nào đâu.
Chủ của chiếc xe này cũng giống hắn, không chăm chút, ít lau chùi, đi là đi, thế thôi… Không ai bảo ai, hắn và Bình cùng bước lại, cúi xem biển số. ở tấm biển sắt có hàng chữ nổi: TD. Xe ở Tùng Dương. Giang chuyển địa bàn, lên Tùng Dương nhập với một băng nào đó trên đấy. Cái khoá vòng vẫn còn, nhưng ổ khoá đã bị phá, long ra. Thật vô cùng nguy hiểm. Lao vào trò này, sớm muộn cũng sa lưới. Sớm muộn cũng trở lại Hintơn. Bên cạnh nỗi lo cho Giang, hắn còn lo Ngọc và lũ trẻ biết.
– Xe của bạn cậu Giang.
Lũ trẻ tin ngay. Còn Ngọc, không hiểu Ngọc có nghi ngờ gì không. Hắn không dám hỏi. Chỉ mong Ngọc thông cảm cho hắn. Và cho Giang nữa. Cũng may Giang chỉ gửi hắn hai cái xe tất cả. Chiếc sau là xe Favorit. Cũng lại dựa vào lò sưởi, ngay góc nhà. Ai vào cũng trông thấy. Chẳng lẽ lại đắp chiếu lên xe. Không tự nhiên. Mà để trơ ra thế này, thật nguy hiểm. Đập vào mắt mọi người. ở đời ai học được hết chữ ngờ. Có khi chính người quen của hắn lại nhận ra cái xe này của một anh bạn mới mất cách đây vài hôm. Lũ trẻ không hỏi han gì. Nhưng Ngọc nói: “Lại xe cậu Giang hở?”. Hắn nhìn Ngọc, đón nhận điều trách móc. Hắn thấy Ngọc cắn môi, tránh cái nhìn của hắn.
Bình sang. Bình ngồi xổm, lặng lẽ ngắm chiếc xe. Nó chỉ là sắt thép. Nhưng Bình cảm thấy nó côi cút. Anh xót xa cho chủ nó. Đó là một chiếc xe đã cũ. Và ở bộ phận nào cũng thấy rõ bàn tay chăm sóc của người chủ xe. Xe nam. Sơn đã sứt ở một số chỗ. Những chỗ sứt đó được chấm lại cẩn thận bằng một thứ sơn gần như cùng màu. Gác-đơ-bu gãy đã được nối lại rất khéo, chắc và khít. Yên xe rách đã được khâu. Một bên pê-đan gẫy được cưa ngắn đi và làm lại, nhưng vẫn đủ cả bi, côn… Bằng chứng là khi Bình lấy tay quay cái pê-đan ngắn, nó xoay tít. Lốp đã mòn nhiều, lốp sau trơ vải, nhưng không chỗ nào bị giập, chứng tỏ lúc nào cũng được bơm căng… Phanh, chuông vẫn còn đầy đủ…
Bình đứng lên, ra bàn uống nước: “Công nhận tay này giữ cái xe tuyệt diệu”. Hắn cứ hình dung người mất xe có khuôn mặt vuông vức, dáng cao lớn như anh lái cần cẩu chân đế ở dưới nhà. Anh ta cũng có một cái Favorit cũ.
Giang bị bắt trở lại vào mùa đông năm ấy. Mùa đông đầu tiên được tự do dài không kém gì một mùa đông trong trại.
Khi đó hắn đã thôi không làm hợp tác xã cơ khí nữa. Hắn bảo Dần:
– Thôi, ông xoay xoả thế nào tuỳ ông. Tôi không làm nữa đâu.
Hợp tác xã Đồng Tâm cho đến lúc đó mới thực hiện được một hợp đồng duy nhất: Làm khay hấp mì sợi. Hắn còn đi giả hàng cho Dần. Xếp khay lên một cái xe bò do Dần thuê. Dần đưa hắn mười đồng. Vừa trả tiền thuê xe, vừa ăn trưa…
Hắn, Dần đến nhà anh Thọ từ sớm. Toàn bộ công việc phải chuyển cho anh Thọ, một công nhân cơ khí. Anh lấy sắt thép dựng một cái bàn ép thủ công và thuê người làm ở nhà anh. Có dưỡng để tính lỗ. Có cần vít xuống là xong. Chất lượng không chê vào đâu được. Những hàng lỗ đều tăm tắp trên miếng tôn vẫn cứ phẳng lỳ.
Xe đi. Chiếc xe cao chất ngất những khay mì, đã được chằng buộc kỹ. Chú bé đánh xe (lớn hơn thằng Hiệp) ngồi trên cái ngáng buộc giữa hai càng xe. Hắn đạp xe theo. Dần còn nói lại một lần nữa:
– Có một số khay mình đục bị méo. Ông yên tâm. Cứ bảo thằng Thăng là tôi đã nói với nó rồi.
Tưởng nhanh, hóa ra quá trưa vẫn chưa xong giấy tờ. Đúng như lời Dần nói: Khay xấu khay đẹp Thăng nhận hết. Thăng ký hợp đồng với Dần. Thăng có suất. Dần thì chửi:
– Đmẹ. Thằng Thăng chém nặng quá.
Thăng lấy cho hắn bốn cái bánh mì nóng hổi, vừa ra lò (lò ngay gần đấy). Hắn hai. Thằng đánh xe hai.
Hắn đang dạt vào chỗ giọt gianh, tránh nắng, nhai bánh mì thì có người gọi hắn:
– Nhà báo! Làm sao đến nông nỗi này?
Hắn nhìn lên: ông Hưng giám đốc nhà máy cơ khí nay là giám đốc nhà máy mì sợi, một người quen từ lâu. Ông là cộng tác viên tích cực của hắn. Nhờ hắn, xí nghiệp ông được nhiều người biết. Nhờ ông, hắn hoàn thành mọi yêu cầu đột xuất của báo. Hắn thuộc từng phân xưởng của xí nghiệp, biết tên từng tổ trưởng sản xuất và thân cả với tổ trưởng tổ khá, các cá nhân có tay nghề có thành tích… Hắn viết nhửng tin những bài đạt yêu cầu, nếu không nói là sâu sắc. Giữa ông Hưng và hắn còn có cả một sự hợp đồng tác chiến mà đôi bên rất hiểu vai trò, nhiệm vụ của mình. Ví dụ như buổi tối, ông Hưng đang ngồi ở nhà với vợ con thì hắn đến. Hắn bảo ông:
– Anh đã đọc chỉ thị của thành uỷ về đợt thi đua chào mừng Quốc khánh mồng 2 tháng 9 chưa?
– Rồi. Mới nhận được buổi chiều, sao?
Hắn trình bày. Ông Hưng hiểu ngay:
– Các ông cần tôi phát biểu hưởng ứng đợt thi đua chứ gì?
Và ông sốt sắng đi vào ngay vấn đề. Ông biết cái gì hắn cần. Ông bảo:
– Mục đích ý nghĩa đợt thi đua tỏi không nói. Cái ấy phần nhà báo. Thành tích thì chưa có vì chỉ thị mới nhận, chưa phát động, triển khai. Tôi phải nói xí nghiệp tôi sẽ hưởng ứng như thế nào. Đúng không?
Hắn gật đầu lia lịa: “Đúng, đúng, chủ yếu là biện pháp”.
Ông Hưng cười: “Nhất định rồi. Biện pháp là phần của chúng tôi”… Và hắn ghi. Cứ thế ghi. Ông nói về khâu yếu trong xí nghiệp. Đó là ngành đúc. Bên tiện, phay, bào thao diễn, năng suất tăng nhanh, nhưng thiếu phôi. Tại sao? Vì chất lượng. Trong khâu yếu này phải tìm ra khâu yếu nhất. Khồng thể chung chung được. Vì sao phôi hay bị rỗ? Cát? Hay gang? Hay kỹ thuật? Tức là không thể nói khâu yếu chung chung mà phải tìm ra khâu yếu của khâu yêú.
Sáng hôm sau báo đã có ngay bài hưởng ứng phong trào thi đua của giám đốc Đào Đình Hưng, in trên trang nhất. Cứ có việc đột xuất, cần gấp, hắn đến ông. Cũng có khi do mải chơi, nước đến chân mới nhảy. ông hiểu ngay việc ông phải làm. Ông giúp hắn, hắn giúp ông. Cơ quan báo tín nhiệm hắn. Thành phố tín nhiệm ông. Hắn và Bình gọi ông là “Giám đốc sở biện pháp”. Đúng, ông là con người của những biện pháp.
Ông đang đứng nhìn hắn. Hắn đang ngồi dạt vào vỉa hè tránh nắng và nhai bánh mì với thằng bé đánh xe bò. (Hắn giữ thằng bé lại để xem có phải chở cái khay nào về sửa không?).
Hắn vẫn ngồi. Hai tay hai cái bánh mì, một chiếc ăn dở, cười thản nhiên như những người biết tự trọng khi lâm vào hoàn cảnh tương tự:
– Anh Hưng Tôi giả khay mì.
Hắn cố giữ vẻ mặt của người bằng lòng, hơn nữa, bất cần số phận. Ông giám đốc nhìn hắn. Hắn tin là ông đã biết chuyện hắn đi tù. Ông ngần ngừ một chút: “Chưa xong à? Hay vào phòng tôi mà nghỉ?”. Hắn thật sự cám ơn ông. Cả một tình bạn ngày xưa còn lại câu mời thân tình ấy.
Ông đi. Hắn lại nhai. Và kéo thằng đánh xe bò ra quán uống nước. Nó đã khiêng với hắn mấy trăm cái khay mì… Mãi đến chiều mới xong mọi thủ tục. Có phiếu nhập kho. Có hoá đơn nhận hàng… Thằng bé cùng con bò đã về trước. Hắn đạp xe thong thả trên con đường nhựa vào thành phố. Hắn dành ra được mấy đồng trong số tiền Dần đưa. Hắn đưa cho Ngọc. Buổi tối, ăn cơm xong, Bình đến rủ hắn đi chơi phố. “Heo may. Lâu lắm mới được đi chơi heo may với nhau”. Hắn ngớ ra. ừ, heo may thật. Heo may đã về.
Cuộc sống khó khăn làm hắn không còn cảm thụ được thiên nhiên nữa. Thật khốn nạn quá. Mà làm sao hắn lại không thấy heo may nhỉ? Hắn chỉ thấy lành lạnh. Và Ngọc lấy khăn ra quấn cổ cho thằng Dương. Thế mà trong tù hắn nhận biết được heo may, lòng xao xuyến khi heo may xao xác đầy rừng, đầy trại. Heo may xao xác trời mây, xao xác mặt đất sân trại…
Heo may là phép mầu làm sống lại kỷ niệm. Như lúc này đạp xe với Bình, hắn nhớ tới một đêm trăng thu thời chiến tranh bắn phá. Hắn về quê thăm con và sang phà muộn. Thành phố vắng. Đèn điện tắt. Đường phố tràn ngập gió heo may bất chợt và ánh trăng lu.
Hắn đạp xe trên đường phố Hồng Bàng hun hút, lòng ngân nga bài “Con thuyền không bến”. Đường phố dài thăm thẳm chỉ có một mình hắn đạp xe ngược chiều với những chiếc lá khô gió cuốn xào xạc.
Bỗng hắn nghe thấy từ phía đối diện, dưới bóng những cây me, một tiếng huýt sáo rất trong bài hát hắn đang thầm hát:
Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Tiếng huýt sáo vang, trong trên đường phố như tiếng ngân trong lòng hắn. Một người vừa huýt sáo vừa đạp xe từ trong bóng tối những cây me đi ngược lại Đó là tiếng của trời, của gió, của lá, của thành phố vào thu. Hắn nhìn theo mãi con người đồng điệu trên đường phố vắng tanh mà lòng càng thêm yêu đời, yêu người, yêu thành phố có một người không biết mặt, không biết tên đang đạp xe về phía xa với tiếng huýt sáo nhỏ dần.
Hắn kể cho Bình nghe kỷ niệm ấy trong quán cà-phê và bảo:
– Hôm nay nếu không có mày tao cũng không biết là heo may nữa.
Bình cười ha hả:
– Mày ơi! Chính tao cũng có một thời quên Tết tháng Giêng, quên rằm tháng Bảy
Hắn cũng cười và tự nhủ sẽ cố gìn giữ khả năng quý báu ấy của mình: Biết cảm xúc trước thiên nhiên. Không thể để cảm xúc ấy bị tiêu diệt. Hắn hiểu nó đang mòn mỏi. Đối với hắn heo may hay một trận mưa đêm chợt tỉnh chỉ là những thứ xa xỉ. Như nồi miến lòng gà ăn thừa ở nhà Thế (hôm hắn đến bán ba bó túi ni-lông) mà hắn không thể nàocó được. Đó là những thứ không dành cho hắn. Nhưng hắn vẫn tự nhủ: Đừng lãng phí, đánh mất khả năng cảm thụ thiên nhiên, món quà trời phú của hắn. Cho tới mãi về sau, trong cuộc chiến đấu dai dẳng để giữ lấy khả năng ấy, hắn lại phát hiện ra một điều khác. Hắn chẳng lòng dạ đâu hưởng thụ thiên nhiên. Hắn làm sao tĩnh tâm được mà ngắm vầng trăng thu thăm thẳm, hay im lặng nhìn bầu trời chuyển từ đêm sang ngày, dìu dịu, nhàn nhạt, sự im lặng lúc đó luôn nhắc hắn nhớ tới biển ì ầm…
Lòng người phải yên tĩnh. Điều ấy không phụ thuộc vào hắn. Làm sao người ăn mày què, lê trên phà bằng hai đầu gối bê bết đất có thể nhìn sóng đang dào dạt quanh phà. Làm sao một người suốt ngày phải bịt miệng một ngọn núi lửa nghẹn ngào sôi sục trong lòng mình, lúc nào cũng lo kiếm sống, lại nghe được âm điệu, cung bậc thánh thót của con chim chích choè tinh mơ bay tới đỗ ở đầu nhà gọi mọi người dậy bằng khúc hót tự ngàn xưa:,
– Thiếu tiểu tu cần học (Còn nhỏ tuổi phải chăm chỉ học hành).
Hắn có bao việc phải lo nghĩ. Và bây giờ tất cả sự suy nghĩ là hướng tới việc đi làm bốc vác phân đạm ở Cảng. Chính Bình xin cho hắn. Bình có một người quen làm ở công ty phân bón cấp I. Hắn chẳng tin sẽ được đi làm chút nào. Nhưng Bình bảo: “Mày đi làm lao động có gì mà không xong”. Thực sự Bình cũng không tin. Bình nói vậy để tự trấn an mình. Bình không tin vì điều khó nhất là công việc phải làm ở cảng. Hắn làm sao ra đó được.
Bởi vậy một buổi tối khi người bạn ở công ty phân bón cầm đến nhà tờ giấy hẹn hắn đi làm hợp đồng ngắn hạn và giấy đề nghị công an Cảng cấp cho hắn thẻ ra vào Cảng, Bình bổ đến ngay nhà hắn.
Bình cười:
– Mày được đi làm rồi.
Và lục túi áo bông, nơi Bình đã đút hai tờ giấy của công ty phân bón. Túi áo bông rỗng. Hai tờ giấy đã biến mất. ôi! Hắn đã biết mà. Làm gì có sự may mắn quá như thế. Làm gì có cái sự xin mà được ngay. Số hắn là như vậy. Bình hoảng. Lo. Bình mượn đèn pin soi dọc đường. Tìm đi tìm lại. Lật từng mẩu giấy bẩn. Vẫn không thấy. Bình lồng ngay đến nhà người bạn đã giúp đỡ anh. Một tuần sau, Bình đem sang cho hắn hai tờ giấy với nội dung như hai tờ giấy đã bị mất. Anh cười: Lần này thì không thể mất được.
Anh moi ra từ trong túi áo sơ-mi, tận bên trong chiếc áo len và phía ngoài cùng là chiếc áo bông… Và bây giờ mới thật sự là nỗi lo lắng của cả hai: Cái giấy ra vào Cảng. Ai người ta cho hắn ra vào Cảng. Đó là các tàu quốc tế. Đó là biên giới. Mà hắn lại là một tên phản động.
Hắn đã được cấp giấy phép ra vào Cảng như mọi người bình thường khác. Như mọi người được tín nhiệm chính trị khác. Như những sự mất cảnh giác hồn nhiên khác. ở đồn công an Cảng, người ta làm việc đó một cách đơn giản bình thường và ghi rõ hắn được ra Cảng từ cổng nào, làm ở phạm vi kho nào, cầu số mấy. Bước qua cổng Cảng, đi làm, hắn thấy phẩm giá mình được nâng lên. ít nhất là so với bọn Giang, Min, Dự. Hắn thấy hắn vẫn có sự tín nhiệm chính trị. Và thoáng một chút tự hào vì lại được hoà vào dòng người lao động của nhà nước.
Phân đạm trắng xoá mặt sân, trong kho.
Cùng với mọi người (toàn nữ) hắn làm một công việc kì cục nhất đời: Lấy liềm bổ vào bao giấy, xé ra, dốc cho hết đạm và quẳng vỏ bao rách vào một đống. (Công ty xuất phân rời, nên phải làm như vậy). Làm thông trưa. Con Thương mang cơm đứng ngoài cổng chờ bố. Hắn ra lấy cặp lồng cơm vào. Đang là mùa cá nục ướp muối của mậu dịch. Hắn ăn cơm với cá nục muối kho dưa, cà chua, ngọt thỉn. Hắn làm việc đúng một tuần lễ thì hết việc. Trong một tuần ấy Ngọc đã bán cái áo len ngắn tay cải hoa dâu của con Thương đttợc hai mươi đồng. (Cái áo Linh bảo Ngọc lấy cắp len vụn ở kho đan cho nó). Hắn cung lập được thành tích: cuộn chặt và yểm về được hai cái vỏ bao u-rê lành (hắn đã tháo chỉ cẩn thận) để dán vào những ô cửa kính đã vỡ, chống gió mùa đông bắc. Người ta đưa hắn năm mươi đồng tiền công một tuần lễ làm việc, và bảo hắn tạm nghỉ, chờ việc. Lương quá cao.
Nhưng hắn biết là hắn không làm lâu được. Rất nặng nhọc. Bao đạm xếp thành hàng trong kho, đổ những bao trên thì dễ, nhưng phải moi cả những bao bên dưới. Bới, móc, kéo. Sút cả lưng. Điều đáng sợ nhất là hơi đạm phả vào mũi, vào cổ. Rát như khía. Có lẽ cũng vì thế, nên hắn ăn cơm cứ thấy ngọt thỉu.
Chờ mãi không được gọi đi làm tiếp, hắn chuyển nghề: Cuốn thuốc lá. Hắn nhờ Giang đóng cho cái bàn cuộn. Dễ thôi. Vài thanh gỗ thông. Mấy cái đinh. Căn bản là có một que hàn để làm que cuộn. Giang xem hắn căng giấy, tập cuộn. Cuộn bằng thuốc lào, bàng giấy pơ-luya. Bóc ra, cuốn lại, cứ vậy. Giang rất thích. Giang bảo có khi Giang cũng làm việc này. Giang mách hắn chỗ lấy thuốc. Cô Miên, cô ruột Giang buôn chè và buôn thuốc lá. Cô không đi đâu, cô chỉ ngồi nhà. Người bán, người mua đều tới nhà cô. Hắn được cô và anh con giai làm còi rất quý. Hẳn Giang đã nói nhiều về hắn. Cô Miên bảo:
Nhiều người cuộn làm. Họ lấy thuốc của cô, nhưng cô không buôn nhiều. Mặt hàng chính của cô là chè cơ.
Nửa tháng sau khi cuộn thuốc, mẹ Giang đến báo tin: Giang bị bắt ở Tùng Dương. Hắn chết lặng. Điều hắn lo đã trở thành sự thật. Mới về được nửa năm. Lại đi. Lần này gay đây. Tiền sự, tiền án cộng cả vào. Lĩnh đủ.
– Cậu ấy tạm giam ở Tùng Dương hay di lý về đây rồi.
– Em vẫn ở Tùng Dương
Người mẹ héo hắt. Mặt xám, quắt lại, môi mỏng dính. Da sát xương. Bé nhỏ. Hắn cảm thấy có lỗi với bà: “Giá anh cứ cố duy trì cái hợp tác làm miến thì đâu thế này!”. Hình như bà muốn nói với hắn như vậy. Bà chẳng biết thêm gì về Giang. Hắn lên nhà bà.
Lần này gặp Hiên, chị Giang. Hiên rất giống bức ảnh phóng to treo trên tường nhưng giẫn dị hơn và sống động hơn nên xinh đẹp hơn. Khổ người cân đối, nở nang, mặt mũi đầy đặn, má bánh đúc, mắt đẹp và khao khát dục vọng. Khác hẳn Giang, khác hẳn mẹ và càng khác lạ với người chồng làm thợ nề của Hiên. Hiên nhìn hắn chăm chú, thân mật như nhìn một người mình đã nghe nói tới rất nhiều, rất quý trọng mà nay mới gặp.
Nghe Hiên nói, hắn lại hy vọng Giang có thể được xử nhẹ. Giang chỉ tiêu thụ xe đạp ăn cắp. ít ra trong trường hợp này là như vậy. Lại Thông cháy. Thông cháy có người mẹ bán chè chai đã kéo Giang lên giường. Thông cháy bật lên khi được gọi ra nhận tiếp tế: “Bố chờ con mãi”. Thông cháy mãn án, chuyển địa bàn hoạt động về Tùng Dương. Thông cháy nhận hết về mình. Và khẳng định Giang chỉ là người tiêu thụ. Hắn nghĩ Giang chẳng phải chỉ tiêu thụ, Giang còn tham gia vào nhiều công đoạn khác, nhưng Thông cháy đã nhận hết cho Giang, Thông cháy sẽ không bao giờ nói khác. Cánh hình sự rất giữ lời hứa, có khí tiết trước bạo lực. Sẵn sàng chấp nhận. Trong tù đáng sợ nhất và đáng phải cảnh giác nhất là mấy ông cán bộ tham ô, ăn cắp… đi tù. Những người này hay bẩm, hay sớ, hay bán anh em để mưu cầu một chút tín nhiệm chính trị. Để được lọt mắt xanh, các ông quản giáo tin, cho làm việc nhẹ, hoặc cao hơn, được trại ghi tên vào danh sách “Cải tạo tốt, đề nghị giảm án”.
Vợ chồng Hiên, mẹ Giang quây lấy hắn, kể lể. Ai cũng than thở về sự bất hạnh, cũng nói Giang được chiều, Giang muốn làm gì thì làm, chẳng phải lo nghĩ gì. Hiên bảo:
– Cậu ấy muốn lấy mấy tạ bột làm miến cũng có. Em có đòi tiền ngay đâu. Cậu ấy làm cho vui thôi, chứ nhà này có để cho cậu ấy đói đâu.
Hiên thừ người. Vẻ thừ thượi càng làm cô hàng chuyến trắng trẻo, áo phin nõn, búi tóc đen lánh này xinh hơn. Bà mẹ quắt queo thở dài, giọng như mếu:
– Lại mấy năm nữa! Còn gì là người. Khổ!
Giang vẫn bị giam ở Tùng Dương. “Cũng phải ba gậy”. Hắn nhẩm tính: Chỉ tiêu thụ, tội có nhẹ hơn, nhưng đã sẵn có tiền án, tiền sự thì chẳng nhẹ tí nào. Nó chứng tỏ “y không chịu hối cải, ngựa quen đường cũ, phải cách ly khỏi xã hội một thời gian để y ăn năn, hối lỗi”.
Tuy nhiên Giang có lợi thế là con liệt sĩ”. Cha y đã hy sinh để bảo vệ chế độ khi y còn rất nhỏ, mẹ lại đi lấy chồng khác. Thế là y rơi vào hoàn cảnh không người nương tựa, dạy dỗ!!. Ông ấy muốn nhấn mạnh, muốn phân tích kiểu gì cũng được, nặng cũng xuôi, nhẹ cũng xuôi. Hắn cứ lấy con số trung bình: Ba gậy. Vậy phải đến cuối năm 1976 mới về. Lựa lúc trẻ con xuống nhà, chỉ còn hai người, hắn mới báo cho Ngọc tin khủng khiếp ấy. Ngọc với hắn thống nhất: “Không cho trẻ con biết”. Ngọc bảo:
“Nhìn cậu ấy gửi xe là em biết ngay”. Rồi Ngọc lại bảo: “Thảo nào em nằm mơ thấy người ta đến bắt anh đi nữa. Em không dám nói với anh. Chỉ sắm lễ lên đền cầu xin các ngài được tai qua nạn khỏi…” Hắn lại đạp xe lên nhà mẹ Giang, gửi cho Giang một trăm điếu thuốc do chính tay hắn cuốn.
Rồi đến nhà cô Miên.
Người cô sọm đi. Có lẽ cô là người đau khổ nhất khi Giang bị bắt trở lại. Cô nhận hết lỗi về mình. Cô nhận lỗi với em ruột cô, liệt sĩ Giang Văn Khoát. Cô nhận lỗi trước dòng họ Giang Văn. “Tại cô. Lẽ ra cô phải bắt nó ở với cô. Nó ở với cô thì không đến nỗi”.
Cộ dằn vặt, đau khổ, ân hận. Cô thương Giang, giận Giang. Trong cơn đau xót thấm thía, cô nguyền rủa mẹ Giang. Tất cả là do con mẹ Thơi. Tại con mẹ Thơi không chịu đựng được như cô. Chồng chết không ở vậy được. Đi lấy chồng khác, thằng Giang mới bỏ đi.
Nó mới chán, mới không về nhà. Từ ấy cô có thèm đặt chân đến nhà con mẹ Thơi bao giờ đâu. Giỗ tết cô làm ở nhà cô. Lũ con có xuống thì xuống, chứ con mẹ không dám. Cũng biết sợ đấy. Những người đàn bà như vậy rồi xem có ra gì không. Cái loại đàn bà. Con gái có chồng, con rể ở ngay trong nhà mình, mà còn đi gọi giai về cho con gái. Để nó trả công, để nó cho một đồng đi hút thuốc phiện.
Điều cô nói làm hắn kinh hoàng. Thảo nào trong đôi mắt Hiên có những ánh lửa. Và giờ thì hắn đã biết nước da xin xỉn, sát xương, môi thâm của mẹ Giang là nước da của người nghiện thuốc phiện. Mẹ Giang nghiện, thảo nào mẹ Giang hút thuốc lào nặng thế.
Hắn nghĩ đến anh Tùy chất phác, đen đủi, đầu cắt bốc, người toả ra mùi vôi vữa, khi cô Miên nói: “Cả nhà ấy được mỗi thằng Tuỳ kéo lại thôi. Không có nó thì còn đốn nữa, hết cả phúc phận”. Cô tiếp: “Tướng thằng Giang giống y con mẹ nó. Mắt trắng, mội thâm, cô sợ rồi cũng không ra gì đâu”.
Hắn vẫn chưa bình tĩnh ngay được về chuyện cô Miên nói. Và hắn càng thương Giang. Bởi vì đến bây giờ hắn mới biết Giang sống trong một gia đình như thế.