Chuyện kể năm 2000 – Bùi Ngọc Tấn
Bùi Ngọc Tấn (1934 – 2014) sinh tại Câu Tử, Hợp Thành, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954. Cùng lớp với Lê Bầu, Lê Mạc Lân (là con của Lê Văn Trương nhưng không bao giờ dám nhắc đến cha), Vũ Thư Hiên, Nguyên Bình, Vũ Bão… Truyện ngắn đầu tay gửi dự thi báo Văn Nghệ, Chị Trúc, được Tô Hoài khen hay, nhưng không được in và cũng không được giải vì nói đến những mất mát của chiến tranh “hơi quá liều lượng”.
Vào làm phóng viên báo Tiền Phong, việc kỳ cục đầu tiên ông nhận thấy là người ta cấm nhà báo viết văn, muốn viết phải chui, viết văn chui, ký tên khác. Thế hệ ông, nhiều người bạn đã mắc vòng hệ lụy: như Bùi Minh Quốc, như Vũ Thư Hiên, như Phù Thăng, như Vũ Bão…
Bùi Ngọc Tấn bị tù năm năm, mang số CR880, như Hắn, Nguyễn Văn Tuấn, nhân vật chính trong Chuyện kể năm 2000.
Chuyện kể năm 2000 là cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang và sự chú ý rộng rãi vì mới xuất bản vào năm 2000 đã bị thu hồi và tiêu hủy.
Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn vượt ra ngoài khuôn khổ những hồi ký và tiểu thuyết viết về nhà tù Cộng sản, ở Nga, ở Trung Quốc hay ở Việt Nam vì trong đó không phải chỉ có nhà tù, mà còn cả xã hội loài người bị khép vào án chung thân tập thể. Nhưng cũng như Soljenitsyn, Trương Hiền Lương hay Rybakov, Bùi Ngọc Tấn vẫn cho chúng ta thấy còn một cõi bình an ấm áp tình người, những niềm hy vọng không bao giờ chết trong cuộc sống xã hội khô cứng, lạnh lùng toàn mầu xám đó.